Truyện dịch
Tôi, em, hắn ta và chiếc máy điện thoại
10:40 | 01/08/2014

ANAR (Azerbaijan)

Hôm qua số điện thoại của em đã chết. Không phải chỉ con người mới chết. Những con số điện thoại cũng có chết đấy.

Tôi, em, hắn ta và chiếc máy điện thoại
Ảnh: internet

Chúng ta, trong cuộc đời, thường lãng quên rất nhiều con số: số hộ chiếu của ta, số lương tháng lĩnh nơi trước đây ta làm việc, số đăng ký chiếc xe hơi người bạn, số dân trong thành phố ta ở, quãng cách giữa trái đất đến mặt trăng, nhưng người ta không quên năm chữ số xếp tuần tự và kết hợp một cách nhất định, đối với anh đã từng là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, người ta không quên giọng nói ấy và cái mùi hương viôlet ấy trong ống nghe. Đôi khi tôi cầm lấy ống điện thoại với cảm giác mở một cây dương cầm. Nhưng cũng có những lúc tôi đặt ống xuống như người đậy một cỗ áo quan.

Và thế là, nó không tồn tại nữa, con số ấy. Hay đúng hơn, nó vẫn tồn tại, nhưng từ nay, đối với tôi nó là một mảnh đất không thể đặt chân tới, và không phải chỉ là hàng dặm, hàng cây số ngăn cách tôi với năm con số ấy mà là những năm ánh sáng không thể nào vượt nổi. Tôi có thể cấu thành bốn phần năm của quãng cách, thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ quay chữ số thứ năm. Vì con số của em, đối với tôi, tựa hồ một cánh cửa đen mà tôi đã đánh mất chìa khóa.

Trước đây, tôi không cần phải nom thấy em. Tôi gọi em, nghe giọng nói của em và tôi bảo em: “Tay em mới lạnh làm sao, em thân yêu. Tại sao vậy?” Thế rồi em trả lời tôi tại sao.

Tôi có thể không nom thấy em, nhưng tôi cảm thấy em qua quãng cách, như người dân duyên hải cảm thấy biển tuy không nom thấy nó. Ấy thế rồi, bất thình lình, biển đã biến mất.

Một câu chuyện nhàm hết sức: tôi, em và... hắn ta, tất nhiên. Ấy nhưng còn cái máy điện thoại nữa chứ. Mọi sự bắt đầu hôm đám cưới Raxim...

- Dạo ấy chúng tôi năm đứa - Phiru nâng cốc nói tiếp - Như trong phim Họ có năm người, các bạn còn nhớ chứ. Tôi, Kiaman, Murat, Raxim và Xâymua. Như những pháo đài, chúng tôi lần lượt sụp đổ. Đấy, nhìn xem, đây là vợ chúng tôi - Mọi người phá lên cười - Lại còn đám nhãi ở nhà nữa. Vậy thì, hôm nay, chúng tôi mất thêm Raxim. Tất nhiên, tôi nói đùa. Raxim và Farida thân mến, tôi xin chúc hai bạn tất cả những gì tốt đẹp nhất, hạnh phúc, niềm vui và một đàn con, trai lẫn gái. Chúng ta đã uống mừng các bạn và chúng ta còn uống nữa. Lần này tôi muốn nâng cốc chúc người Môhican cuối cùng, anh bạn Xâymua thân mến của chúng tôi. Anh chàng ấy, thật còn trẻ nhá, anh bạn độc thân của chúng tôi, đó là mặt trời nhỏ của chúng tôi, niềm an ủi cuối cùng của chúng tôi, cái biểu tượng của thiên đường đã mất.

Tất thảy quay về phía tôi, qua những tiếng cười và chạm cốc, tôi nom thấy các khuôn mặt đều nhuốm vẻ hân hoan và ngạc nhiên giống hệt nhau.

Khi khách khứa đã ra về, Phiru, Kiaman, Murat, có vợ đi kèm, cùng với tôi dạo chơi dọc những đường phố tối. Đột nhiên, chị Phiru nắm cánh tay tôi:

- Thế nào, chú Xâymua, bao giờ được ăn cưới chú đấy?

- Chưa đâu.

- Sao vậy? Dễ thường chú lấy làm thật cái bài thuyết lý của anh chàng lẻo mép này chăng? Chị âu yếm áp mình vào chồng. Chú tin gia đình là cái địa ngục à?

- Cậu ấy không tìm ra cô nào vừa ý. Phiru nói.

- Thật hả. Các anh các chị này, hay chúng mình cố tìm cho Xâymua một cô vợ nhé? Nếu chúng tôi tìm được cho chú cô gái đẹp nhất Baku, chú có đồng ý cưới không nào?

- Cưới quá đi chứ. Nhưng với một điều kiện: các bạn phải làm ngay tức thời đi, trong lúc tôi đang vui vẻ. Ngày mai tôi có thể đổi ý.

- Chú mình ơi - Kiaman nói - Tìm đâu ra một cô giờ này? Ngoài đường phố ư? Tớ không nghĩ là cậu có thể lấy một cô gái dạo chơi ban đêm một mình ngoài đường.

- Thế đấy, tôi nói, vậy thì đừng bàn nữa.

- Tôi có ý kiến: nếu như chúng ta tìm cho cậu ấy một vị hôn thê bằng điện thoại thì sao? Có buồng điện thoại ngay kia.

- Một ý kiến hay tuyệt - tôi nói. Nhưng tôi không có đồng hai xu.

Mọi người liền biếu tôi cả một chục xu. Tôi bước vào buồng điện thoại.

- Cho số đi.

- Quay số nào cũng được - Phiru gợi ý - Đây, chẳng hạn... - Chợt anh ngưng bặt - Cha, không đâu, một trách nhiệm to đấy, chú mình ạ. Cậu mà không ăn ý với bà mẹ vợ, cậu sẽ oán tớ suốt đời.

- Nhát như thỏ đế - Tôi nói - Vấn đề chính là đấy đấy: trách nhiệm. Kiaman, cho số đi.

- Tôi có một đề nghị - chị vợ Phiru nói xen vào, chị bao giờ cũng có những ý kiến mới - Để không ai phải chịu trách nhiệm một mình, chúng ta sẽ làm thế này: mỗi người xướng lên một con số.

- Tuyệt - Phiru nói, anh ta bao giờ cũng khoái chí về những đề nghị của vợ - Hai.

- Chín - vợ Phiru nói.

- Dê rô - Kiaman tiếp vào và quay sang vợ: - Nào em.

- Em chả biết - Chị vợ do dự, cứ cho là bốn đi.

- Năm - Murat nói.

Riêng chị vợ Murat chưa kịp xướng con số của mình, chuông đã réo.

Phiru trao cho tôi chiếc mùi xoa của anh.

- Này, bọc ống nói lại. Cốt cô ta đừng nhận ra giọng của cậu. Nếu xảy ra việc gì, cậu cứ việc chuồn.

Mọi người bật cười. Tôi móc lại ống điện thoại.

- Cô ấy đang ngủ, cô vợ chưa cưới của tôi ấy.

Chúng tôi tiếp tục đi. Ai trở về nhà nấy.

Tôi bỗng dưng cảm thấy tất cả nỗi cô đơn của mình. Tôi đi dọc theo ngả phố vắng hồi lâu, ngắm nhìn mảng đen ngòm của biển và những chiếc phao màu sắc khác nhau.

Đột nhiên, tôi nhớ lại số điện thoại tôi đã gọi một giờ trước đây. Lúc ấy đã hai giờ sáng. Tôi bước vào buồng điện thoại gần nhất. Trong lúc tìm những đồng hai xu trong túi, tôi sờ thấy chiếc mùi xoa của Phiru, nụ cười trên môi, tôi lấy khăn bọc ống nói và quay số 29045. Tôi chẳng phải đợi lâu. Một giọng phụ nữ vẳng tới: cũng không có vẻ gì là ngái ngủ, có lẽ chỉ hơi mệt nhọc và ngạc nhiên một chút.

- Tôi nghe đây.

- Chào cô.

- Chào anh. Ai đấy?

- Tôi đây. Tôi đề nghị chúng ta làm quen nhé.

Bất giác, tôi cố phòng ngừa những lời trách mắng, hoặc những lời thóa mạ có thể có, để khỏi giật thót nếu như cô dằn mạnh máy, như thể người ta đóng sập cửa trước mũi anh. Tôi ngạc nhiên không nghe trách mắng, cũng không nghe thóa mạ gì hết. Giọng nói, vẫn điềm tĩnh như thế, bảo tôi:

- Anh không nghĩ rằng giờ này mà làm quen thì hơi khuya khoắt sao?

- Đâu có. Tôi vừa dự đám cưới người bạn thân thiết của tôi về. Đó là người bạn độc thân cuối cùng của tôi. Tôi có cảm tưởng vừa đi đưa đám anh ta về.

- Ồ. Sao anh lại nói thế? Còn anh, anh chưa có vợ sao?

- Chưa. Còn cô?

- Anh không nghĩ rằng mới buổi đầu mà anh muốn tìm hiểu vậy là hơi nhiều ư?

- Cô thứ lỗi cho tôi nhé. Tôi không phải hạng người bày những trò đùa ở điện thoại. Tôi cảm thấy cô đơn quá, đơn giản thế thôi. Thế nên tôi quyết định gọi điện để ít ra được nói chuyện với một người nào đó.

- Sao anh lại biết số điện thoại của tôi?

- Hoàn toàn do tình cờ. Tôi đã quay... những con số chợt đến trong đầu.

- Hay thật.

- Cô biết không, tôi có hơi quá chén và giờ cảm thấy cô đơn.

- Có thể xảy ra lắm.

- Chúng ta có thể gặp nhau được không nhỉ?

- Cái ấy thì hoàn toàn không thể được. Nghe tôi nói nhé, chúng ta hãy thỏa thuận như thế này. Bây giờ khuya quá rồi. Anh hãy trở về nhà và đi ngủ đi. Và sáng mai, thức dậy, anh sẽ thấy là mọi cái đều ổn thỏa. Cam đoan với anh như thế.

- Nhưng tôi muốn được gặp cô. Hoặc ít ra là trò chuyện với cô.

- Bây giờ anh đã biết số điện thoại của tôi. Hay anh đã quên rồi? Vậy thì, nếu như trong trạng thái bình thường mà anh muốn, anh có thể gọi điện thoại cho tôi.

- Cô cho phép chứ?

- Vâng, chúc ngủ ngon.

- Mai tôi sẽ lại gọi điện.

Điều này nói ra có vẻ ngu ngốc, nhưng khi bước đi dọc những phố vắng và tối của thành phố, tôi có cảm tưởng mình không cô đơn nữa. Tất nhiên ngày hôm sau tôi không gọi điện. Tôi bận túi bụi suốt ngày và đã quên khuấy mọi sự. Ít hôm sau, trong buổi họp bàn kế hoạch công tác, tôi có cuộc đấu khẩu với ông trưởng phòng thí nghiệm của tôi, cũng là người đang hướng dẫn tôi làm luận án. Sau cuộc họp, Phiru đưa tôi về nhà anh ta. Hai chúng tôi công tác cùng một viện. Dọc đường, anh ta lên lớp tôi, giải thích cho tôi rõ không nên khiêu khích người đối thoại, cho là tôi có lý đi nữa, thì cũng có nhiều cách phát biểu chân lý, chứ làm mọi người bực tức thì chắc chắn chẳng phải là cách hay nhất đâu.

- Có một cái gì như phép uyển ngữ - anh ta tiếp - Người ta có thể bảo một kẻ nào đó rằng hắn ta nhầm, hoặc nói một cách khác, cũng để diễn tả cái ý ấy, rằng hắn là một thằng ngốc trăm phần trăm, hắn chả hiểu gì về cái việc hắn làm sất. Vậy thì...

- Vậy thì, mình chán ngấy những cái trò lễ độ của cậu rồi - tôi độp lại.

- Thôi được, bàn cãi với cậu lúc này cũng vô ích. Hãy đến nhà tớ uống chén trà.

- Chú có biết không - chị vợ Phiru bảo tôi, trong lúc anh chồng ở phòng bên cạnh khoác bộ áo ngủ màu lam và đi giày păng túp lông - Lạ thật đấy, tự nó biết gọi “má, má” và “ba, ba”. Chẳng có ai dạy nó cả... - Chị ta nói về đứa con trai lên một.

- Ừ lạ thật đấy - Phiru từ hành lang nói vọng vào - Tớ có luận điểm của tớ về vấn đề này: chính trẻ con đã sáng tạo ra ngôn ngữ. Không phải người lớn, vào buổi bình minh của nhân loại, mà chính là trẻ con. Chính chúng nó đã phát minh ra những từ mà chúng ta, những người lớn đang sử dụng. Nhìn xem, có tuyệt không? Chú đã từng thấy thằng bé nào như thằng cháu này chưa, hả, chú Xâymua?

Tôi cố nhớ lại số điện thoại một cách khó khăn. Tôi nhớ được hai số cuối và con số đầu - hai, con số thứ ba - dêrô, nhưng con số thứ hai cứ chuội đi.

- Này, chị Xêmaia, chị có nhớ cái con số tối hôm nọ chị xướng lên không ấy nhỉ?

- Tối hôm nào?

Thế là lại phải dài dòng giải thích, chịu đựng một lô một lốc những lời đùa cợt, giả thiết, bóng gió, chế giễu. Tôi đã khoác áo ra đến cửa, chợt nghe tiếng chị Xêmaia:

- Tôi nhớ ra rồi: chín. Số xe bus của tôi mà.

*

- Alô. Chào cô. Tôi đây.

- Chào anh. Ai đấy?

- Cô quên rồi. Tôi đã có gọi điện cho cô, cô còn nhớ chứ? Cách đây ba hôm. Cũng suýt soát giờ này đây.

- Nhưng giọng anh hôm ấy khác cơ - cô ta nói, giọng chế giễu - Hay đây là cả một băng các ông bạn độc thân của cái anh chàng vừa cưới vợ? Các anh phá vỡ cảnh cô đơn bằng những cuộc nói chuyện điện thoại có phải không?

Giọng cô ta lạnh nhạt, nhưng, may thay, tôi hiểu ra rất nhanh sai lầm của mình, và nhẹ nhàng rút mùi xoa ra bọc lấy ống nói.

- Bảo đảm với cô chính tôi đây mà. Chắc hẳn hôm nọ tôi nói giọng người say.

- À, bây giờ thì đúng là giọng ấy. Lúc đầu tôi lại có cảm tưởng một giọng khác

- Cô ta cười, nhẹ nhõm đi, hình như thế - Thế... hôm nay anh không uống rượu sao?

- Hôm nay tôi tươi như một đóa hoa hồng. Vậy mà tôi vẫn nẩy ý muốn gọi điện cho cô. Tôi lại còn ghi kỹ số điện thoại của cô nữa đấy.

- Anh gọi điện cho tôi thật đúng lúc, vì hôm nay tôi đang buồn. Cái máy thu thanh của tôi hỏng mất rồi.

- Ngày nào cô cũng thức khuya như thế này ư?

- Vâng, đêm tôi nghe đài rất khuya. Hôm nay cái cầu chì nổ, thế là tôi ngồi đây bất lực, chẳng còn biết làm gì bây giờ.

Tôi nghe trong máy, như vẳng từ xa, tiếng dương cầm.

- Tôi biết là cô không thích trả lời những câu hỏi của tôi, nhưng xin cô thứ lỗi cho về điều tọc mạch này: ai đang chơi dương cầm vào giờ này vậy?

- Á à... - Cô ta cười - Bên hàng xóm đấy. Họ có cô con gái đến là chăm, cô ta tập đàn mãi tới khuya. Tường thì mỏng và tôi đến phát điên lên vì những gam nhạc của cô ta. Cũng may là khi tôi mở máy thu thanh thì không còn nghe rõ tiếng đàn.

- Cô thường nghe gì ở đài?

- Ôi chà. Tôi thuộc thinh không như thuộc cái phòng của tôi vậy. Này nhé, chỗ này người ta truyền lại một buổi hòa nhạc đêm... - Tôi hầu như nom thấy cô ta ngồi trước máy và lấy ngón tay chỉ một điểm trên mặt sóng - Chỗ kia là những nhịp nhạc giật ngoại quốc. Nơi này, nghe như thể có cơn bão đang gầm thét và ở chỗ kia, người ta nghe một bản tin bằng tiếng nước ngoài. Cạnh đó, một tối vui nhộn đang diễn ra, anh xướng ngôn viên kể những câu chuyện dí dỏm, tôi chả hiểu gì sất, quả thế, nhưng mọi người cười, vỗ tay, thế là tôi cũng đâm vui lây. Xa hơn nữa, tôi bắt được một cuộc nói chuyện tâm tình, một người đàn ông và một người đàn bà nói rất khẽ, gần như thì thào, tôi nghe rõ cả hơi thở của họ trong micrô. Truyền thanh thật là một điều kỳ diệu. Cứ như thể toàn bộ thế giới và bầu trời đêm, chứa chan âm diệu, bi kịch và máy bay, ùa vào trong phòng tôi.

- Cả máy bay nữa? Tôi hỏi

- Anh có nghe thấy không? - Cô ta nói, và tôi hiểu cô đang nín lặng lắng nghe.

Sau ít giây, cả tôi nữa cũng nhận ra tiếng rù rù văng vẳng của một chiếc máy bay. “Hay nhỉ, nó có sắp bay qua nhà mình không? - Tôi nghĩ bụng - Còn nhà cô ta ở đâu? Ở quận nào trong thành phố?”

- Thu thanh và máy bay cũng phần nào giống nhau - cô ta nói - Phải thế không?

- Có lẽ vì hai cái đó cùng chia nhau bầu trời?

- Có lẽ - Rồi cô ta lại nín thinh.

Bây giờ không còn nghe tiếng máy bay, chỉ còn những gam nhạc đơn điệu và nhàm chán.

- Chỉ có tôi nói thôi, còn anh, chẳng thấy thốt lấy một lời. Anh cũng kể một cái gì cho tôi nghe đi - Cô ta yêu cầu.

Tôi cảm thấy tất cả cái lố bịch của tình thế, nhưng không sao ngăn nổi cái ý muốn khẩn thiết bắt phải nói, tôi bèn kể cho người phụ nữ không quen biết ấy nghe tất cả những phiền muộn của tôi trong công tác, cái khó khăn ngày càng lớn mà tôi gặp phải để tìm một mảnh đất hòa hợp với anh bạn Phiru thân nhất của tôi, và những lý do vì sao tôi không thích cái ông phụ trách hướng dẫn tôi làm luận án, tôi thuật lại tất cả những gì tôi đã nói với ông ta hôm nay trong cuộc tranh cãi và còn kể nhiều điều khác nữa.

Rồi tôi bình tĩnh lại và chào từ biệt cô rất vội vàng, có lẽ hơi quá vội vàng.

Trên đường về nhà, tôi nghĩ chắc không ai có thể tin được những chuyện vừa xảy ra. Quả thật, cũng khá là kỳ quặc cái việc anh đem những ý nghĩ thầm kín nhất của anh ra tâm sự với một người mà anh hoàn toàn không biết gì hết thảy, ngoài cái điều cô ta thích nghe đài ban đêm và cô láng giềng của cô ta tập nhạc đến tận khuya.

Chiếc máy điện thoại là một trong những nhân vật chính của câu chuyện này, và tôi cũng muốn nói vài lời về nó.

Khoảng thời gian gần đây, tôi từng suy nghĩ về các thứ máy điện thoại mà tôi biết; giờ đây, đối với tôi, mỗi cái có nhân cách riêng của nó. Trong bàn giấy ông trưởng phòng thí nghiệm của tôi, máy màu đen: mỗi lần tôi đưa mắt lên cái đó (lên cái máy điện thoại, chứ không phải ông thủ trưởng), tôi có cảm tưởng sợi dây là một cái dây cháy chậm. Nom thấy ánh mắt luôn luôn lo lắng sợ hãi của ông thủ trưởng, ông ta ngồi trong ghế bành mà cứ như ngồi trên than hồng và giật thót mỗi lần nghe điện thoại réo, tôi cảm thấy đối với ông ta, cái máy đen là một quả mìn. Quả mìn ấy, một cái tin dữ có thể làm nổ tung bất cứ lúc nào: có thể người ta tin cho ông biết ông bị cách chức hoặc vợ ông đã bỏ ông. Còn trong phòng chúng tôi, đó là một cái máy không có mặt số, nó như một cái xe không có bánh, hoặc một bức thư không có địa chỉ, đối với tôi, nó là biểu trưng của phụ thuộc và bất lực, vì mọi người có thể gọi anh, còn anh, anh không thể gọi. Đối lập với loại máy này, là cái máy điện thoại công cộng, mà tôi coi như hiện thân của sự vô phạt và vô trách nhiệm: anh gọi điện cho ai đó, nói với hắn bất cứ cái gì, và hắn ta chịu phép không thể gọi anh để đối đáp.

Chưa bao giờ tôi lấy làm tiếc không có điện thoại ở nhà bằng lúc này. Như một kẻ biển lận, tôi dành dụm tất cả những đồng hai xu: tôi cất giữ chúng trong túi trái áo vét tông của tôi. Tôi đánh cắp của bạn bè, tôi đổi tiền lẻ trong tất cả các cửa hàng, cửa tiệm và các quầy bát giác. Giờ đây tôi gọi điện cho cô ta hầu như mỗi tối, và theo một nếp đã thành bền vững, vào một giờ rất khuya.

Những cuộc nói chuyện ấy diễn ra trên nền những gam nhạc đơn điệu và hơi thở thầm thì của chiếc máy thu thanh của cô ta, và cứ mỗi lần máy bay bay qua lại làm ngắt quãng giọng nói của cô, hơi mệt mỏi và thoáng chút mai mỉa, nó đã đi vào đời sống của tôi như một thói quen và một sự cần thiết. Mỗi lần, tôi lại biết thêm về cô, nhưng cũng vẫn còn vô cùng ít ỏi.

Chẳng hạn, tôi biết tên cô là Mêđina, cô ở một mình, cô có cặp mắt màu hạt dẻ và đi giầy cỡ 35. Đó là tất cả những gì tôi biết về cô.

- Cô bao nhiêu tuổi? - Một hôm tôi hỏi.

- Ồ. Tôi già lắm, già lắm rồi, tôi đã có bao nhiêu là cháu gọi bằng bà đấy - Cô ta đáp.

Nghe giọng nói trẻ măng của cô, tôi thừa hiểu cô ta đóng kịch. Tôi cũng biết là cô không thích nói về tuổi của mình, cũng như về công tác, về tình trạng gia đình. Về các vấn đề ấy, cô cũng không hề hỏi tôi, tuy nhiên, cô cũng biết là tôi hai mươi chín tuổi, chưa vợ, tôi sống với mẹ và cuối cùng tôi làm việc trong một viện nghiên cứu khoa học. Cô chỉ không biết tên thật của tôi, vì tôi đã vào cuộc chơi và nói một cái tên khác: Ruxtan. Có lẽ chính cô nữa cũng không phải tên Mêđina.

- Bao giờ chúng ta có thể gặp nhau nhỉ?

- Để làm gì kia chứ? - cô ta đáp - Như thế này tốt lắm rồi. Tôi không biết anh nghĩ thế nào, còn về phần tôi, những cuộc nói chuyện điện thoại kia, chúng đã đem tới một cái gì hệ trọng trong đời tôi. Tôi rất vui thích được hằng ngày cứ đúng giờ ấy, chờ đợi cuộc chuyện trò qua đường dây với người mà tôi có thể tâm sự vì tôi hoàn toàn không hề biết anh ta, tôi chưa hề thấy và thậm chí cũng không thể hình dung anh ta ra sao nữa. Cả anh ta nữa, anh ta có thể tâm sự với tôi, vì anh ta không biết rõ tôi là người như thế nào. Gặp nhau sẽ là hủy hoại đi những ảo tưởng của chúng ta, và mọi cái sẽ chấm dứt. Dù điều đó không xảy ra đi chăng nữa, nhưng quan hệ giữa chúng ta cũng sẽ khác hẳn, sẽ nhàm chán hơn. Tôi đề nghị với anh chúng ta cứ tiếp tục như cũ. Tôi dám chắc với anh như thế thú vị hơn nhiều. Anh hãy nói với tôi về công việc của anh thì hơn. Mọi sự ổn cả rồi chứ?

- Tôi đã xin thôi việc.

- Thế anh định tìm việc ở đâu?

- Tôi cũng chưa biết. Cô khuyên tôi nên làm gì bây giờ?

Cô ta không trả lời. Tôi nghe tiếng ù ù của một chiếc máy bay.

*

Chúng tôi ăn mừng năm mới tại nhà Phiru. Cặp vợ chồng mới Raxim và Pharida cũng có mặt. Mười hai giờ kém mười khuya, chúng tôi ngồi vào bàn ăn mà chị vợ Phiru, được các chị khác giúp tay, đã bày soạn rất thẩm mỹ. Tôi đến cuối cùng. Trời giá buốt và đặc biệt dễ chịu thấy mình ngồi trong một căn nhà ấm áp sáng sủa sau khi đương đầu với bão tuyết ngoài đường.

Đồng hồ điểm nửa đêm, chúng tôi ôm nhau hôn, trao đổi với nhau những lời chúc hạnh phúc tốt lành. Phiru tuyên bố năm sắp đến sẽ là một năm lịch sử, vì mọi người sẽ cưới vợ cho Xâymua. Rồi chúng tôi uống thêm cốc nữa và Phiru gọi tôi ra chỗ riêng. Hai đứa chúng tôi ngồi đấy, tay cầm cốc, Phiru đã say mềm, anh ta nâng cốc chúc mừng tôi:

- Chúc cậu sức khỏe. Mong cậu cứ luôn luôn giữ được sự thẳng thắn và trung thành với những nguyên tắc của mình, nhưng đôi khi cũng biết thực tế hơn một chút. Tớ biết, trong thâm tâm cậu bắt đầu khinh tớ rồi đấy. Đúng thế không? Có thể tớ sẽ bán mình vì một bộ đồ gỗ “kiểu cổ” hiện đang hợp thời trang, hay vì một bộ áo lông cho Xêmaia. Không đâu, tớ sẽ không bao giờ nói điều gì trái với lương tâm, cậu có thể tin chắc như vậy. Nhưng đôi lúc cũng cần nhân nhượng ở một điểm để kháng cự tốt hơn ở điểm khác. Muốn giữ vững quan điểm của mình đôi khi cũng phải chịu một vài thỏa hiệp.

- Có lẽ cậu có lý. Nhưng tất cả những trò tính toán ấy... quá phức tạp đối với tớ.

- Thôi vậy - Anh ta khoát tay vẻ chán chường - Nào, làm thêm cốc nữa. Bây giờ cậu sẽ công tác ở đâu?

- Ở một tòa báo - Tôi nói - Và tớ sẽ nghiên cứu khoa học theo chương trình riêng của tớ. Tớ đã được nhận vào làm rồi đấy.

- Cậu tự biết rõ cậu hơn, nhưng tớ chẳng tán thành cậu tẹo nào hết.

Anh ta ngồi vào bên chiếc đàn dương cầm, và chị vợ hát bài tủ mới nhất của đài. Đột nhiên, tôi nhớ tới gam nhạc, rồi tới chiếc máy thu thanh.

- Tôi muốn nâng cốc chúc vài lời.

Mọi người quay về phía tôi, ai nấy ngạc nhiên, vì biết tôi không bao giờ chúc rượu.

- Chúng ta hội họp tại đây đông đủ, và thích thú sống bên nhau. Nhưng giờ đây chúng ta hãy có một ý nghĩ hướng về kẻ đang cô đơn. Chẳng hạn một người gác barie.

- Người nào? - Mọi người hỏi.

- Người gác barie - Tôi nói với một giọng hơi khiêu khích - Phải, hãy nghĩ tới những người gác barie, họ thuộc lòng các giờ tàu và đêm đêm từ trong túp nhà bé nhỏ quạnh hiu của họ bước ra giữa cơn bão tuyết để bẻ ghi và cho tàu chạy qua.

- Cậu hình như hơi quá chén rồi đấy - Raxim nói.

- Không đâu, chẳng qua là bác gác barie đang gà gật đấy thôi - Phiru đáp lại, và chị vợ phá lên cười. Những người khác cũng cười theo. Phiru nhìn tôi và đứng dậy - Thôi nhé. Cậu ấy sẽ mếch lòng cho mà xem. Tôi yêu cầu mọi người đừng cười nữa. Vậy thì, chúc sức khỏe những người gác barie.

Anh ấy nâng cốc.

- Không - Tôi nói - Không phải tôi muốn chúc rượu các bác gác barie. Các bạn đã cắt lời tôi. Tôi muốn chúc rượu một người nào khác kia. Và tôi nói trước cho mà biết, kẻ nào dám sinh sự đùa cợt thì sẽ biết tay tôi...

- Ái dà dà. Thế cơ đấy. Cứ nói đi, bọn này nghe đây...

- Tôi muốn nâng cốc chúc sức khỏe một con người lúc này đang ngồi một mình trước máy thu thanh. Người ấy thuộc làu như cháo giờ giấc tất cả các buổi phát của tất cả các chương trình phát thanh, và chờ đón các buổi hòa nhạc như người gác barie đón chờ tàu. Căn phòng của người ấy thâu gồm toàn bộ thế giới, nhưng người ấy cũng không vì vậy mà bớt cô đơn với thế giới.

Tôi uống luôn một hơi cạn cốc.

Những người khác lặng lẽ uống, phân vân, đoán già đoán non này nọ, rồi cuộc nói chuyện lại tiếp tục, nhưng về đề tài khác.

Tôi bước ra hành lang, quay số và chờ đợi hồi lâu. Không ai trả lời. “Mình nói chuyện anh gác barie là nói chuyện tầm phơ - tôi tự nhủ - Cô ta chẳng có mất phương hướng đâu. Chắc hẳn cô ta đang ăn giao thừa ở đâu đó. Mà như vậy thì có gì lạ cơ chứ?”

Tôi gọi lại nhiều lần nữa. Tôi gọi vào lúc một giờ để chúc mừng cô năm mới, giờ của Moscow. Rồi một giờ sau đó, giờ Praha, rồi lại một giờ sau đó nữa, chẳng rõ theo múi giờ gì, có lẽ múi giờ Greenwich. Và mãi đến năm giờ rưỡi sáng, khi gọi từ một buồng điện thoại, tôi mới nghe giọng cô ta.

- Tôi xin chúc mừng cô nhân dịp năm mới Đại Tây Dương.

- A. Anh đấy ư? Tôi vừa mới về anh ạ.

- Tôi biết. Tôi đã gọi điện cho cô suốt đêm.

- Tôi lại nhà một cô bạn.

- Chẳng can hệ - tôi nói - Nhân dịp năm mới, tôi muốn thú thực với cô một điều trọng đại: tôi yêu cô đến điên cuồng.

- À, ra thế. - Cô ta bật cười - Thật là một ngạc nhiên thú vị vào những giờ đầu tiên của năm mới.

- Cô là hạnh vận của tôi, mặt trời nhỏ của tôi, hòn ngọc của tôi, tôi không biết nên nói những lời lẽ gì trong trường hợp tương tự, nhưng tôi yêu cô như tôi chưa từng yêu ai như thế. Tôi biết như vậy là ngu ngốc, là phi lý, tôi chưa từng gặp cô bao giờ, thế nhưng nó là như thế đấy. Đời tôi chẳng có ý nghĩa gì nếu không có cô.

- Nếu không có máy điện thoại của tôi - Cô ta sửa lại cho chính xác - Ấy thế mà, anh biết không, cho dù người ta biết những lời nói ấy chỉ là chuyện phất phơ, người ta vẫn cảm thấy êm tai đấy anh ạ.

Đó là lần đầu tiên câu chuyện của chúng tôi không có những gam nhạc đi kèm: trời đã rạng. Do hồi bé có học nhạc, lúc ấy trong óc tôi nẩy một ý so sánh: cuộc sống, nó như một gam crômatich, các phím trắng xen kẽ các phím đen như ngày xen kẽ với đêm, như những ngày đẹp đẽ tươi sáng xen kẽ với những ngày u ám không vui.

- Bao giờ tôi có thể gặp cô đấy nhỉ? À, mà cô có lý, đó là một cách thức yêu rất đẹp: qua dây điện thoại. Một mối liên hệ hoàn hảo.

- Và một chiều - cô nói - Theo cái nghĩa là, anh thì anh có thể gọi điện cho tôi, còn tôi thì không.

- Vâng, chính vì vậy mà tôi cần phải gặp cô. Cô ở phố nào nhỉ, tôi sẽ đến ngay tức khắc.

- Tôi xin anh - Cô ta đáp. Và tôi cảm thấy dường như có chút đau khổ trong giọng nói - Anh đừng tước mất của tôi niềm vui này. Nếu anh còn đề nghị với tôi những điều như vậy - và anh hãy tin tôi, tôi đã từng nghe không ít những lời như thế - thì chúng ta sẽ thôi không còn nói chuyện với nhau nữa - Ngừng một lát, cô nói tiếp - Lâu nay tôi cảm thấy rất mến anh. Và anh là người đầu tiên tôi nói điều đó từ ngày chồng tôi mất.

*

Ngày mùng ba tháng giêng, tôi đến nơi làm việc mới. Tôi ngồi suốt một ngày thảo một bài báo dài. Chiều, ông thư ký tòa soạn bảo tôi mang bài đến cho cô đánh máy để cô kịp đánh, nhất thiết phải xong trước sáng mai. Ở cửa phòng cô thư ký, một danh sách dài kê số điện toại của các nhân viên. Tôi vô tình đọc lướt và đột nhiên giật mình khi nhận ra con số quen thuộc, như khi người ta gặp một người quen trong đám đông.

- Vêliđađê là ai vậy? - Tôi hỏi người thư ký.

- Cô đánh máy của chúng ta đấy. Anh vừa đưa bài cho cô ta đấy thôi. Có chuyện gì vậy?

Tôi nhìn qua cửa sổ: một phụ nữ mắt màu hạt dẻ đang bước xuống cầu thang. Gót giầy cô gõ lóc cóc trên các bậc, tôi biết cô ta đi giầy cỡ 35. Cứ như trong chuyện cổ tích, tình cờ đã tụ hội chúng tôi trong cùng một tòa soạn, nhưng cô ta chưa biết điều đó. Lúc này cô ta đang đánh máy bài của tôi và không biết rằng đó là tôi, chính tôi...

Tôi không thể nào kìm nổi nữa, tôi nóng lòng muốn báo cho cô biết tin đó. Lần đầu tiên, tôi gọi cô sớm như vậy trong buổi tối, nhưng không ai trả lời. “Chẳng can hệ gì, tôi nghĩ, mình sẽ gọi điện vào giờ thường lệ, và như vậy cũng sẽ là một ngạc nhiên thú vị”.

Tôi gọi điện cho cô vào lúc thích hợp.

- Chào cô. Tôi đã gọi điện cách đây hai giờ.

- Sao lại sớm vậy? Lúc ấy tôi đang ở nhà một cô bạn. Tôi bận nhiều việc nên ở lại nhà cô ta để làm cho xong.

- Việc gì thế vậy? - Tôi hỏi bằng giọng tinh nghịch nhất.

- Tôi nhận thêm công việc ở nhà. Ông thủ trưởng mới của tôi giao cho tôi đấy.

- Thủ trưởng mới của cô?

- Vâng, hôm nay có ông trưởng ban mới đến nhận việc.

- Ông ta thế nào? - Tôi hỏi, đã sắp phì cười.

- Thế nào ấy à? Tôi chẳng thích ông ta. Nom kiêu lắm. Nhưng quả tình là khó mà xét đoán trên cái ấn tượng đầu tiên.

Tôi ngớ ra, cái dị bản này thật tôi chưa hề nghĩ tới.

- Cô không thích ông ta ở điểm nào?

- Ồ, chẳng có gì quan trọng. Ấn tượng đầu tiên thường là sai lầm. Có thể ông ta rất tốt. Dù sao, ông ta cũng có dáng chững chạc lắm. Ông ta to cao, cân đối, có một khuôn mặt đẹp, nhưng kiêu kỳ quá. Lại còn cái lối kênh kiệu nữa. Ông ta lấy giọng cấp trên: “Cô hãy đánh máy ngay cho kịp sáng mai”.

Lần đầu tiên cô đã để lọt một điều gì đó về nghề nghiệp của cô. Nhưng tôi không hỏi thêm nữa. Tôi còn biết nhiều hơn cô có thể kể.

- Thế còn anh? Đã ổn chưa? Anh đã tìm được công việc mới chưa? - Cô ta hỏi.

Tôi không hề có ý định nuôi dưỡng trò hiểu lầm với cô ta, nhưng đúng lúc ấy, có một thứ phanh hãm bỗng dưng tác động trong tôi, và tôi nói:

- Không cô ạ, tôi đã đổi ý kiến. Tôi ở lại chỗ làm việc cũ.

Sáng hôm sau, tôi được nhìn thật sự nàng Mêđina của tôi lần đầu tiên. Hôm qua tôi có nom thấy cô, nhưng khuôn mặt cô lúc ấy là một trong bao nhiêu khuôn mặt khác cũng hấp dẫn và dễ thương theo kiểu của nó, nhưng chẳng có gì đặc biệt, một khuôn mặt chung chung, có lẽ đẹp đấy, nhưng một vẻ đẹp tẻ và nhợt nhạt.

Bây giờ, trong lúc đọc lướt bài báo cô vừa đánh, tôi vừa kín đáo quan sát cô ta, cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa con người nom thấy được, rất xa lạ với tôi kia và cái “tôi” của cô ta trong điện thoại, đối với tôi xiết bao gần gũi và thân thuộc.

Tôi đối xử với cô ân cần và tế nhị, vẻ quan tâm và lễ độ hết mức, và tôi rất muốn biết cô có chú ý sự thay đổi ấy không?

Muốn vậy, tôi phải đợi đến giờ gặp gỡ ở điện thoại.

- Đấy nhé, tôi đã bảo với anh rằng chớ nên tin ở ấn tượng ban đầu. Ông ta quả là hết sức nhã nhặn, hết sức dễ chịu. Thật là một con người tốt tuyệt.

- Cô chớ vội xét đoán trên ấn tượng thứ nhì, nó cũng có thể nhầm lẫn đấy.

- Không đâu. Hôm qua, thậm chí tôi cũng không thể nom thấy mặt ông ta nữa. Hôm nay thì tôi thấy rồi.

“Cô ấy có thì giờ làm chuyện đó bao giờ vậy? - Tôi nghĩ - Cô ấy có nhìn mình đâu”.

-... Mắt ông ta mới trong trẻo, sâu xa và thông minh làm sao - Cô ta nói tiếp.

- Tôi đã bắt đầu ghen rồi đấy - Tôi nói.

Cái trò chơi bắt đầu như vậy đấy. Tôi thì tôi biết rõ luật lệ trò chơi, còn cô thì không.

Đến lúc này tôi chẳng làm gì được nữa rồi. Tôi không còn kiểm soát được sự việc, như người ta không thể kiểm soát được một bức thư bỏ thùng. Trò chơi này đòi hỏi một số điều kiện. Điều quan trọng nhất không phải ở chỗ đừng để cô ta nhận ra giọng của tôi: khi nói điện thoại, bao giờ tôi cũng dùng đến khăn mùi soa, mà là phải thay đổi hoàn toàn từ vựng của tôi, cách phô diễn và giọng điệu của tôi, tôi phải ứng xử cách khác đi, và điều này khó hơn cả, thay đổi tâm lý.

Trong công việc, tôi cố gắng trở thành một con người khác. Độ lượng, nhưng xa vời, trong bộ áo giáp kín mít của anh ta. Thế rồi, ở điện thoại, cô ta nói với tôi, xem xét tôi trên mọi góc độ, phân tích tinh tế và chính xác từng bước chân, từng cử chỉ nhỏ của tôi, nét mặt của tôi. Của đáng tội, chính tôi cũng thường hay lôi kéo cô ta vào cái đề tài đó, nhưng về sau, càng ngày tôi càng cảm thấy không còn cần thiết, chính cô ta hướng câu chuyện về Xâymua Khalilôvich. Cô nói về anh ta rất lâu và một cách thích thú trong những cuộc trò chuyện đêm bằng điện thoại với Ruxtan. Nhưng không bao giờ cô nói về Ruxtan với Xâymua Khalilôvich. Vả chăng, chẳng ai biết về những cuộc hẹn hò bằng điện thoại của cô. Tôi cũng chẳng hiểu nên vui hay nên buồn về chuyện đó. Đôi khi tôi cho rằng cô không nói về Ruxtan vì cô hoàn toàn không quan tâm đến anh ta, và điều đó khiến tôi buồn lòng, ngược lại, có những lúc tôi lại tự nhủ cô giấu kín những quan hệ của cô với anh ta như một cái gì quý báu, cơ bản và thiêng liêng đối với cô. Xảy ra một điều kỳ lạ, một thú phân thân trong tình cảm của tôi. Với tư cách là Xâymua Khalilôvich, bạn có tưởng tượng được không, tôi ghen với những cuộc hẹn hò đêm bằng điện thoại của Mêđina. Và ban đêm - lúc bấy giờ tôi là Ruxtan - những câu chuyện không bao giờ dứt của cô về Xâymua Khalilôvich khiến tôi khó chịu.

- Chúng ta gọi nhau bằng anh em có được không? - Một hôm tôi đề nghị - Chúng ta đã quen nhau lâu rồi.

- Đồng ý, em đồng ý - tôi nghe nói.

- Vậy thì, anh chúc em ngủ ngon - tôi nói, sung sướng như một đứa trẻ con: với tôi, cô ta xưng em và với hắn ta, cô xưng tôi.

Tôi ngạc nhiên nhận ra là lần đầu tiên tôi nghĩ tới cái tôi kia của tôi ở ngôi thứ ba.

- Anh có cảm giác em không đến nỗi thờ ơ đối với anh ta.

- Sao anh biết? - Cô ta đáp, giọng tinh nghịch - Có lẽ là cả anh ta nữa, anh ta cũng không thờ ơ đối với em.

Tôi giận dữ đặt máy xuống. Luôn mấy ngày tôi không gọi điện. Có vẻ cô ta không phải là người duy nhất ở nơi làm việc nhận thấy tôi quan tâm đến cô. Một hôm trong lúc tôi vui vẻ gẫu chuyện với cô trong hành lang, mộ dân kỳ cựu của tòa soạn xáp tới.

- Này cậu chớ có hoài công - Anh ta vừa nói vừa cười và nhìn thẳng vào mắt cô - Có người đã thử rồi đấy. Chẳng ăn thua, cho tới nay, chưa ai có thể làm tan chảy trái tim băng giá của cô đánh máy chúng ta.

Cả ba chúng tôi phá lên cười và lúc cô ta đi khỏi, anh ta nói thêm:

- Hoàn toàn không sao hiểu thấu được. Cô ta sống như một ni cô và giữ trung thành với ông chồng đã chết.

Cũng trong dịp này tôi được biết chồng cô ta vốn là một phi công và anh ta đã bỏ mình trong một tai nạn máy bay.

Chiều hôm đó, xong việc muộn, lúc đi ra tôi nhận thấy cô vẫn đang ngồi đánh máy. Ngón tay cô thon dài và nom cô cứ như đang dạo dương cầm. Đêm, tôi gọi điện cho cô. Cô bảo:

- Anh là tàn nhẫn lắm nhé. Tại sao đang nói lại bỏ máy? Đã thế, nghe em nói đây, cho anh giận luôn một thể. Hồi tối, anh Xâymua Khalilôvich đã đưa em về tận nhà đấy.

- Sao, anh ấy đưa em về?

Người đọc có thể tin rằng cái ngạc nhiên của tôi hoàn toàn thành thực.

- Có gì đâu. Em làm việc muộn, thế rồi anh ấy đề nghị đưa em về. Thật là một trang hiệp sĩ.

“Một thằng đại ngốc thì có” tôi nghĩ bụng. Thật vậy, cô ta ra về muộn, thế mà tôi, tôi không hề nghĩ đến chuyện đưa cô ta về.

Nhưng tôi lại hiểu thêm ra một điều khác nữa, cô ta lấy những ước muốn của mình làm hiện thực, và giả sử Xâymua đã đưa cô ta về, chắc điều đó sẽ không làm cô khó chịu. Nhưng cũng có thể, chẳng qua cô muốn chọc tức tôi tý chút, để báo thù việc tôi đã bỏ máy xuống, khiến tôi đâm ghen? Vậy là cô cũng đối xử với tôi nữa, tôi, “người yêu thầm qua điện thoại” của cô một cách đặc biệt. Tôi cứ đoán già đoán non trăm thứ chuyện. Nhưng lần sau đó, khi cô lại làm việc muộn, tôi liền biết tôi phải làm gì.

Chúng tôi bước đi dọc các đường phố vắng, và tôi hỏi:

- Đêm, khi không bận việc, thì cô làm gì?

- Tôi ở nhà - Cô đáp.

- Đơn giản thế thôi ư? Một mình?

- Vâng, nhưng sao lại đơn giản thế thôi ư? Tôi đọc nhé, tôi nghe đài nhé.

Cô ta lại sắp kể cho tôi nghe về cái máy thu thanh tất cả những điều cô đã nói với tôi ở điện thoại chăng? Nhưng cô nói sang chuyện khác, và tôi biết ơn cô về điều đó.

- Cửa sổ nhà tôi đấy - Cô nói và chỉ lên tầng gác hai.

Chúng tôi đang ở cạnh cổng vào. Cô tháo găng tay.

- Có lẽ chỗ cầu thang hơi tối. Tôi có thể đưa cô lên tận phòng.

- Không - cô nói.

Nhưng tôi nhất quyết không chịu quy hàng:

- Thế cô không muốn mời tôi vào nhà ư?

- Tôi sẽ vui thích được mời anh. Nhưng lúc này khuya quá rồi - Cô vừa nói vừa xem đồng hồ tay, và tôi cảm thấy cô đã có vẻ sốt ruột.

- Khuya? Cô đi ngủ sớm thế kia ư?

- Không đâu... - Cô bật lên tiếng cười.

- Vậy thì, nếu cô không muốn đãi tôi cả một tách cà phê, có lẽ chúng ta có thể đi dạo chơi chút nữa.

Cô lặng lẽ đi bên tôi. Chúng tôi đi vòng quanh nhà cô nhiều lần. Tôi tha thiết muốn được vào nhà cô biết bao, muốn nhìn thấy căn phòng ấy và nghe những gam nhạc của cô gái láng giềng, nhìn thấy cái máy thu thanh bé nhỏ của cô, chiếc đèn đầu giường ngủ và chiếc ghế bành. Và biết đâu, nếu như đêm ấy cô mời tôi có lẽ tôi đã nói thật cái trò chơi hai mặt của tôi cũng nên?

Nhưng lúc tôi và cô lại đi ngang qua cổng, cô liền nhanh nhẹn chìa tay ra:

- Cám ơn nhé, anh Xâymua Khalilôvich. Chúc ngủ ngon.

- Nhưng cô nên nhớ câu “sáng từ chối, tối ngồi suông” đấy nhé - Tôi nói.

Cô ta cười rồi quay lưng bước đi. Tôi lắng nghe tiếng gót giầy của cô gõ trên cầu thang. Và tôi đột nhiên hiểu ra tại sao cô vội vàng đến thế, có vẻ sốt ruột đến thế và cứ luôn nhìn đồng hồ: cô không muốn bỏ lỡ cuộc chuyện trò điện thoại.

Cô đang ngóng chờ tôi gọi cô.

Ít hôm sau, trong một buổi họp chớp nhoáng, ông thư ký tòa soạn của chúng tôi phát biểu cứ ngang phè phè, tôi xin nói và quật đổ tơi bời những ý kiến ông vừa nói. Ông ta đã làm việc ở tòa soạn từ bao nhiêu năm nay và chắc hẳn chưa có ai dám nói với ông ta bằng giọng như vậy trước mặt toàn thể nhân viên.

Sau cuộc họp, tôi cảm thấy áy náy. Trước hết vì tôi cũng không phải hoàn toàn có lý, sau nữa tôi nhớ lại lời khuyên của Phiru, tôi chẳng muốn rời bỏ tòa soạn một chút nào, vì Mêđina đang làm việc ở đó. Thế là tôi bước vào phòng ông thư ký.

Tối hôm ấy khi gọi điện cho Mêđina, tôi đã biết trước chúng tôi sẽ nói chuyện gì.

- Anh Ruxtan biết không, cái anh chàng Xâymua chỗ chúng em nom thế mà ghê lắm nhé. Hôm nay trong cuộc họp, anh ấy đã phê ông thư ký tòa soạn một trận ra trò. Anh ạ, thật khó mà tin được, cho đến nay chưa hề một ai dám nói ngược lại ông ta. Ấy thế mà anh Xâymua đã làm điều đó trước mặt mọi người.

- Anh biết cái hạng người như thế. Quả thật anh biết họ rất rõ. Họ làm ầm ĩ trong các cuộc họp, họ đọc những bài phát biểu táo bạo trước mặt mọi người và sau đó, anh đánh cuộc là anh chàng Xâymua của em đã đi gặp ông thư ký để xin lỗi riêng, không có người chứng kiến.

- Sao anh ác thế nhỉ? - Cô ta buồn rầu thốt lên - Vì sao anh không thích anh ấy nhỉ?

- Vì rằng em yêu anh ấy, còn anh, thì anh yêu em.

- Thật quá lắm, thế này thì rồi cứ yêu đương nhau lung tung cả.

- Tất nhiên em cho là buồn cười. Nhưng khốn nỗi, anh ta, thì em giáp mặt với anh ta, em đi xem chiếu bóng với anh ta...

- Làm sao anh biết được là em đi xem chiếu bóng với anh ấy?

- Anh đoán.

Cô ta cười. Rõ ràng cái ý nghĩ đó làm cô thích thú.

- Còn với anh, thì chỉ là qua điện thoại.

- Nhưng chúng ta đã thỏa thuận rồi mà.

- Em đã nói về anh với anh ta chưa?

- Không đâu. Em sẽ chẳng bao giờ nói với ai. Anh biết đấy, đối với em, đó là một cái gì... - Cô ngừng lại tìm từ - Một cái gì... thiêng liêng...

Hôm sau chúng tôi đi xem chiếu bóng. Bộ phim nói về những phi công bay thử, đã khiến Mêđina hết sức xúc động. Có lẽ đó là lý do tại sao đêm đó lúc chúng tôi đi dọc phố trở về, cô ta tâm sự với tôi và nói về người chồng của cô: hai người đã sống suốt cuộc đời chung trên bầu trời. Họ làm quen với nhau trên bầu trời. Hồi đó, cô chỉ là hành khách đi máy bay, anh ta là phi công. Rồi cô trở thành phục vụ viên hàng không để được gần anh, và hai người cưới nhau. Trên con đường bay đi bay về Moscow, họ hôn nhau vội vã trong khoang để hành lý. Rồi cô có mang và được nghỉ đẻ. Cô tiễn anh lần cuối đến tận thang máy bay. Họ hôn nhau và môi họ rời nhau. Họ không biết rằng cuộc chia ly ấy trở thành cuộc chia ly giữa cái sống và cái chết, giữa bầu trời vĩnh cửu nơi anh không trở về nữa và mặt đất vĩnh cửu nơi cô đợi chờ anh vô vọng. Lúc máy bay cất cánh, cô rẩy về phía đó ít giọt nước theo tục lệ dân gian. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không một cuộc cất cánh của máy bay chở khách được tiễn chào bằng những giọt nước như vậy, như người ta đã từng làm hàng nghìn năm trước đây. Máy bay lao đi, trời đổ mưa...

Cô đứng dừng, lắng tai, còn tôi, mãi một lúc sau tôi mới nghe thấy tiếng vù vù của máy bay. Tôi hiểu ra là cô bắt cái tiếng ấy nhạy hơn người khác: cô có đôi tai nghề nghiệp. Chúng tôi nhìn những điểm ánh sáng màu khác nhau đang lướt trong bầu trời đêm. Cô nói:

- Mộ anh ấy ở trên đó. Những người vợ góa lần ra nghĩa địa, còn tôi, tôi nhìn lên bầu trời.

Rồi cô kể là ban đêm cô thường hay đi ra sân bay: cô chẳng làm gì cả, chỉ đứng nhìn các máy bay bay lên đáp xuống. Cô lại còn kể là cô bị sẩy thai, thế là cũng chẳng còn giọt máu chồng để lại.

Tôi vuốt ve khuôn mặt cô, lau nước mắt cho cô, và rồi bỗng ôm hôn cô như một thằng điên.

- Đừng, đừng, anh đừng nên thế - Cô nói và tôi cảm thấy càng lúc cô càng khó mà cưỡng nổi.

Tôi đưa cô về và gọi điện ngay sau đó. Giọng cô xúc động, có phần vui vẻ nữa. Tôi bỗng đâm buồn cho tất cả những con người lãng mạn và tất cả những ai đã chết trên trời, trên mặt đất và trên biển.

- Em biết không - tôi nói (giờ đây ở chỗ làm việc, chúng tôi cũng xưng hô anh em với nhau) - Hôm qua lúc chia tay nhau rồi, anh có gọi điện cho em nhưng máy bận. Anh gọi đến mấy lần, em nói chuyện với ai lúc hai giờ sáng vậy?

Tôi không thể ngờ tới một phản ứng đến như vậy. Cô tái hẳn mặt, giật thót nhưng trấn tĩnh lại rất nhanh.

- Chắc anh quay nhầm số. Vào giờ ấy em ngủ rồi.

Có lẽ là, tôi chẳng bao giờ được biết cô có mối quan hệ như thế nào với cái tôi của tôi ở điện thoại.

*

- Hôm qua anh nằm mơ thấy em.

- Thế thì kỳ quặc thật, làm sao người ta có thể nằm mơ thấy một người mà chưa bao giờ trông thấy trong đời thực?

- Anh nghe thấy giọng em và thấy cái máy thu thanh Nêrinhga của em.

- Cái Nêrinhga còn có thể hiểu được, nhưng em rất muốn biết giọng của em thì nó giống cái gì trong giấc mơ? Còn em, thì như thế nào, theo anh? Dù sao anh cũng hình dung ra em được tí chút chứ?

- Em cao lớn, có mái tóc quăn và cặp chân dài.

Tôi cố tìm những nét trái ngược hẳn với hình dáng thật của cô ta.

- Anh tinh thật đấy - Cô nói - Từ nay đêm nào anh cũng sẽ mơ thấy em.

- Chắc hẳn anh không phải là người duy nhất mơ thấy em.

- Anh lại bắt đầu đấy hả?

- Không phải đâu, nhưng người ta báo là nữ hoàng Mêkhin Banu mỗi đêm hiện ra trong giấc mơ cho một trăm người. Còn em thì bao nhiêu?

- Em tồn tại có một bản duy nhất, chỉ trong giấc mơ của anh thôi. Anh là thần hộ mệnh của em đấy.

- Cám ơn.

- Anh nghe đây, ông thần hộ mệnh của em, em muốn hỏi ý kiến anh một việc. Nhưng em van anh, anh chớ có bực mình, chớ nổi nóng và không bỏ máy trước khi em nói hết.

Đã chẳng ba hôm tôi chờ đợi cuộc nói chuyện này và cứ đoán già đoán non mãi: tại sao cô không nói cái chuyện đó nhỉ?

- Anh nghe em nói nhé. Nhưng phải bình tĩnh mới được. Anh có sẵn thuốc an thần không đấy?

- Em đừng giày vò anh nữa.

- Thôi được. Cách đây ba hôm, anh Xâymua ngỏ lời muốn cưới em. Anh thế nào rồi? Không ngất đi đấy chứ?

- Không - Tôi đáp - Thế rồi em trả lời sao?

- Chưa trả lời gì cả. Chính vì em muốn hỏi ý anh. Vì anh là người bạn tốt nhất của em, người mà em thân thiết nhất.

Kỳ lạ thay tâm lý phụ nữ. Chỉ cần một phụ nữ phải lòng một người đàn ông nào khác là anh có thể trở thành người bạn thân thiết của cô ta ngay tức khắc.

- Em đừng nhé - Tôi nói. Và điều kinh hoàng nhất là tôi nói rất chân thành - Em đừng lấy ai cả. Hoặc là em lấy anh. Anh yêu em. Chao ơi. Nếu như người ta có thể cưới nhau bằng điện thoại.

Cô ta cười, một tràng dài, cái cười giật giọng.

- Nghe em bảo nhé, anh hãy là một chú bé ngoan nào, vì anh còn trẻ lắm mà.

- Sao em biết? Em đã trông thấy anh bao giờ đâu?

- Em cảm thấy qua nhiều thứ lắm: giọng nói của anh, tính tình của anh, thái độ của anh đối với em. Em yêu cầu anh, lúc này anh thế nào cứ giữ nguyên thế, chớ có vội trở thành người lớn.

- Biết đâu anh không lớn tuổi hơn anh Xâymua của em?

- Ồ không đâu, anh thân mến. Về điểm này anh có thể tin ở trực giác phụ nữ chúng em...

Câu chuyện đã muốn trở thành khôi hài, nhưng với tôi, quả là một niềm đau khổ thực sự.

- Em đừng nhé, Mêđina. Còn anh, rồi sẽ ra sao đây? Hắn ta sẽ không để anh gọi điện cho em vào hai giờ sáng.

- Rồi sẽ thu xếp ổn cả. Lừa dối chồng bằng điện thoại đâu phải là một tội lỗi. Lúc ấy anh sẽ có điện thoại ở nhà và chính em sẽ gọi anh.

Làm sao giải thích được cho cô ta là điều đó không thể được?

- Anh cố gắng hiểu em - Cô nói giọng buồn rầu và nghiêm túc - Đàn ông các anh hay nói về sự cô đơn của các anh. Buồn cười thật đấy. Các anh sẽ không bao giờ biết cái cô đơn thật sự là thế nào, một người phụ nữ có thể cô đơn đến như thế nào. Đêm thức giấc để thấy bốn bức tường ép chặt lấy mình và... Mà thôi, đừng nói đến chuyện buồn nữa. Vậy thì, nếu anh bảo không nên, em sẽ từ chối...

Tôi có thể khuyên cô gì đây? Cô lặng im, tôi nghe tiếng máy bay ù ù và hiểu câu trả lời chính là ở đó. Không bao giờ, không một ai trong hai đứa tôi - cả tôi, Ruxtan lẫn Xâymua - có thể thay thế người chồng đã khuất.

Chiều, sau buổi làm việc, lần đầu tiên cô mời tôi buổi tối đến chơi nhà. Tôi biết lối vào, và tầng gác, nhưng đi nhầm cửa. Tôi bấm chuồng hồi lâu trong bóng tối, và chả ai ra mở. Tôi quẹt diêm đọc thấy dòng chữ: “Chìa khóa gửi bên hàng xóm”. Tôi chợt nhận ra là dòng chữ viết trên giấy kẻ nhạc và hiểu ngay tôi đã bấm chuông nhà ai. Các gam nhạc trở lại trong trí nhớ của tôi. Tôi quay lưng và gõ cửa phòng đối diện. Chiếc máy thu thanh Nêrinhga, một chiếc ghế bành tiện nghi, một cây đèn bàn và mọi cái đều như tôi tưởng tượng.

- Chờ tý, anh Xâymua, để em tìm cho anh một bản nhạc rất là thích - Cô nói - Anh nghe nhạc và trong lúc em pha cà phê. Rồi tôi ôm hôn cô, ép chặt cô vào mình, vuốt ve cô và tôi cảm thấy người đàn bà thức dậy trong cô, đau đớn và dịu dàng. Từ bên bức vách vẳng sang rất gần, những gam nhạc. Thốt nhiên, cô gỡ khỏi vòng tay tôi và lắng tai nghe. Tôi biết là trong một lát tôi sẽ nghe tiếng ù ù của máy bay. Nhưng không có chiếc máy bay nào bay qua.

Tôi liền hiểu cô ta đang ngóng đợi cái gì. Chuông điện thoại. Đó là lúc “hắn ta” gọi điện.

Hắn ta, là tôi.

Mặc dầu biết rất rõ hắn ta sẽ không còn bao giờ gọi điện nữa, tôi có một giây nghi hoặc và tôi cũng chờ đợi, tôi chờ đợi một phép lạ: chuông điện thoại sẽ réo.

Nhưng nó vẫn lặng thinh.

Bùi Hiển dịch   
(SH305/07-14)








 

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Tóc David (15/07/2014)
Phòng tối (01/07/2014)
Người nơi khác (26/05/2014)
Paven (08/10/2013)