Truyện dịch
Đời thản nhiên trôi
09:51 | 04/12/2019

Kevin Klinskidorn trưởng thành ở Puget Sound - một vùng ven biển tây bắc bang Washington và hiện sống ở bờ đông tại Philadelphia. Anh đã được giải thưởng Nina Mae Kellogg của đại học Portland State về tác phẩm hư cấu và hiện đang viết tiểu thuyết đầu tay.

Truyện ngắn dưới đây của anh vào chung khảo cuộc thi Seán Ó Faoláin do The Munster Literature Center tổ chức năm 2015.

Đời thản nhiên trôi
Ảnh: internet

KEVIN KLINSKIDORN
 

Thằng con sẽ trở về hôm nay. Người đàn ông ngồi uống cà phê bên cửa sổ, nhìn ra biển đục, và cố hình dung khuôn mặt của thằng con. Bây giờ chắc đó là vẻ mặt của một người đàn ông. Có thể là một khuôn mặt giống mặt ông. Hai mươi năm rồi chứ ít gì. Thằng con bỏ nhà đi năm mười bảy tuổi không một lời từ giã và người đàn ông đóng cửa gian phòng trống có cái giường chưa dọn gọn trước khi đi ra cảng như mọi ngày.

Hai tuần trước, khi ông thấy lá thư gửi ông, chữ viết cẩn thận, tem dán lệch, ông biết ngay thằng con có thể bị rắc rối.

Hồi âm của ông chỉ một dòng viết vội trên lưng trang thư của thằng con và gửi đến một thị trấn ở New Mexico chưa ai từng nghe nói đến - cứ về nếu con thích.

Lúc bảy giờ, mặt trời đã xuống thấp sau những cụm mây, tiếng máy xe tải ngừng nơi đường vào nhà và hai con người đứng ngay cửa xe. Thằng con dắt theo nó một con bé. Tóc con bé cắt ngắn không đều, bằng kéo cùn, nhưng mắt con bé cho thấy nó là một bé gái ngây thơ. Bây giờ thằng con đã cao, vai rộng, lưng uốn về phía trong, mặt buồn. Nó cứ dán mắt nhìn mảng đường rải sỏi giữa nó và người đàn ông. Con bé đứng im lặng hai bàn tay buông thõng, mặc một cái áo gió quá khổ hai tay áo được cuốn lên để vừa với tay của nó. Nhiều lắm thì con bé cũng chỉ tám hay chín tuổi.

Thằng con nói với con bé, đây là Frank, là ba của ba.

Con bé nhìn người đàn ông, mặt nó vô cảm như mặt con búp bê.

Thằng con nhìn vào mắt người đàn ông một thoáng, chỉ gật đầu chào, và quay lại xe tải không nói một lời nào khác.

Họ nhìn anh ta lái xe đi, hai cái bóng đổ dài trong ánh đèn hàng hiên, và người đàn ông đợi cho tới khi chiếc xe tải khuất ngoài tầm mắt rồi dắt con bé vào nhà. Ông dọn chồng sách trên chiếc ghế dựa và bảo con bé ngồi vào bàn. Chọn chỗ ngồi phía bên kia đối diện với con bé, ông cảm thấy đầu gối ông đau.

Mẹ của cháu là ai? Ông nói sau vài phút im lặng.

Con bé cạy cạy cái đinh tán trên áo khoác của nó và đu đưa một chân bên trên tấm thảm mỏng nhưng không nói gì.

Còn cháu thì sao? Ta gọi cháu là gì đây, hử?

Cạy cạy. Đu đưa chân. Con bé nhìn đĩa thức ăn dang dở để trên bàn và nhìn gian phòng nhỏ.

Có đói không?

Người đàn ông đẩy đĩa thức ăn đến gần con bé hơn. Đĩa có nửa củ khoai tây trộn bơ, đậu xanh đóng hộp, và miếng phi lê cá gần như còn nguyên. Tất cả đều nguội lạnh.

Con bé lo âu nhìn người đàn ông rồi cầm nĩa như thể đang làm một hành động miễn cưỡng. Con bé ăn hết khoai và một ít đậu, không hề đụng đến cá, rồi lau miệng bằng tay áo và đẩy dĩa về phía người đàn ông.

Tốt, người đàn ông nói.

Bốn tuần trôi qua và vẫn không có tăm hơi gì từ thằng con. Mỗi buổi sáng, người đàn ông đi ra cảng với con bé - tên nó là June - theo sau như một con chó con nghễnh ngãng đến cầu tàu ở đó cả hai lên thuyền để đi bắt cua trong ngày. Người đàn ông nổ máy thuyền trong khi con bé - có vẻ như học rất nhanh - tháo những đường dây neo và cuộn chúng cẩn thận, không phí một lời cả khi đi lẫn lúc về.

Con bé, bây giờ không còn ngập ngừng nhiều, giúp nhặt ra những con cua quá nhỏ và thả chúng xuống nước với đầu chồm trên mép thuyền, nhìn từng con cua lắc mình chìm xuống vùng nước tối cho tới khi biến mất. Con bé giúp tách những con cua đá nhỏ màu đỏ, cứng, xem xét bụng của từng con và chỉ giữ lại những con cua đực. Bây giờ công việc tiến hành chậm hơn, nhưng người đàn ông không thể nghĩ được điều gì khác để bảo nó làm. Ông chỉ nói, đừng có phí cả ngày đấy. Coi chừng đừng để mất ngón tay đó. Buộc chặt lon mồi đó. Cuốn dây chặt vào. Chú ý đường dây. Chú ý đường dây.

Hầu hết các ngày, con bé ngồi gần mũi thuyền, gió thổi tóc nó về phía sau. Nếu trời mưa, nó vào trong ca bin ngồi trên một miếng nệm và nhìn người đàn ông lái thuyền. Con thuyền cắt một đường qua bến cảng nhớp nháp dầu, tăng tốc khi đến vùng nước thoáng. Vịnh Chinquapin mở ra khi họ khởi hành, nước dần dần sâu hơn về hướng chân trời. Người đàn ông thả những cái thùng xô bắt tôm vẫn ở vùng nước ông đánh bắt từ ba mươi năm nay. Ông có thể thầm tính toán lộ trình bằng nhịp tim nếu cần phải thế.

Mùa đông đến và thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, người đàn ông đưa con bé vào Coos Bay để lựa quần áo ấm. Miệng lầm bầm, ông lựa đồ mới, ủng, vớ, hai áo ấm, và bộ áo mưa màu vàng. Con bé cầm lên cái mũ len đỏ nhưng người đàn ông nói cái mũ nó có, cái mũ lưỡi trai màu xám của ông đưa cho, cũng đủ rồi. Con bé để cái nón lại và mặc bộ đồ đi mưa ra quầy phía trước.

Người đàn bà ở quầy thu ngân nói, cháu giống một con vịt cao su.

Con bé ngước nhìn người đàn bà từ phía dưới cái mũ dân chài màu vàng, rồi tháo khóa túi áo khoác mới, thọc tay vào đó.

Bao nhiêu tuổi? người đàn bà cười hỏi.

Bao nhiêu tiền? người đàn ông nói.

Ông trả tiền bộ quần áo và ra khỏi tiệm, con bé, giờ là một con vịt cao su bóng bẩy, theo sau.

Người đàn ông cảm thấy con bé nhìn ông khi lái xe dọc theo xa lộ ven biển, trong tầm mắt ông con bé là một đống nhựa vinyl màu vàng. Dĩ nhiên ông mong cháu làm việc xứng với chi phí bỏ ra. Con bé gật đầu, rồi lấy con dao xếp mà ông đã cho nó và dùng mũi tách tao để gạt bụi bám móng tay.

Frank, sau vài dặm đường, con bé hỏi, cháu sẽ ở đây bao lâu?

Ồ, người đàn ông nói, ít nhất là một thời gian. Ít nhất cho tới khi cha cháu đến đón cháu.

Ba sẽ không về đâu, nó nói. Mẹ đã không về.

Cháu biết mẹ cháu mà, phải không? Người đàn ông nhìn thoáng qua con bé, hai chân nó lót dưới mông trên băng ghế, chúm môi huýt một tiếng sáo không nghe rõ, đầu lắc lư theo nhịp xe chạy.

Mẹ cháu đã dùng quá nhiều thuốc.

Người đàn ông mặc cho câu trả lời của con bé lơ lửng trong không khí như một đám mây đen nhỏ thêm một dặm nữa. Có phải đó là lý do ba cháu đưa cháu về đây không?

Con bé phát ra một làn hơi ngắn, một tiếng thở dài bất cẩn, kết thúc cuộc đối thoại bằng một tiếng hưm hưm dễ thương, cứ như nó vừa xác định được màu sắc ưa thích của nó.

Cả hai trở lại Coos Bay vào tháng hai. Bãi đậu xe của bệnh viện gần như vắng vẻ và người đàn ông cho xe vào một điểm gần phía trước. Một cô y tá ngồi ở quầy chào họ.

Nó bị bể cổ tay, người đàn ông nói.

Con bé đang kéo cái thùng lên thì bị trượt chân, làm cả cái thùng đổ ụp lên người nó với cổ tay bị kẹt trong đó khi té. Nó chỉ rớt vài giọt nước mắt.

Chuyện này xảy ra ở trường hả cưng? Cô y tá hỏi.

Trường à? Người đàn ông nói. Xảy ra trên thuyền. Nó đang kéo thùng thì té.

Thưa, ông là người giám hộ cháu? Cô y tá nói trong khi nhìn ông qua phía trên mắt kính. Ông là bà con của cháu à?

Cứ cho là vậy đi, người đàn ông nói. Nó được giao cho tôi cho tới khi ba nó về. Việc thăm khám sẽ mất bao lâu? Ông nói câu này với vẻ nghi ngờ tự nhiên của một người đàn ông không tin vào tất cả những chuyện có liên quan đến bàn giấy và tổ chức. Một ác cảm bẩm sinh đối với công việc giấy tờ và ánh đèn huỳnh quang.

Cô y tá đưa ông một bìa kẹp hồ sơ và mời họ ngồi. Một giờ sau, một hộ lý đưa người đàn ông và con bé qua một hành lang và kéo một bức màn xanh quây lấy họ. Con bé đứng kế bên giường bệnh viện, bàn tay phải của nó đặt bên trong túi áo mưa màu vàng giống như một giá đỡ. 

Chụp tia X. Trả lời những câu hỏi. Có đau không? Và cái này? Và cái này? Bác sĩ hỏi về cha của con bé.

Timothy Holcombe, người đàn ông nói. May lắm mới biết cha nó ở đâu. Đã không gặp nó mấy tháng nay. Còn bao lâu nữa mới khám xong?

Hỏi vài câu nữa thôi, bà bác sĩ nói. Bà điềm tĩnh nhìn ông.

Vậy là cổ tay bị gãy phải không? Người đàn ông nói. Vậy đâu cần cả bệnh viện khám để biết nhiêu đó. Nó bầm tím và sưng phồng như giò heo.

Ông ạ, bà bác sĩ nói bằng giọng nhạt nhẽo làm người đàn ông khó chịu. Trong những trường hợp như thế này với một em nhỏ, chúng tôi phải làm mọi chuyện có thể. Chúng tôi phải mở hồ sơ bệnh án. Tôi xin lỗi, bà nói, đó là qui định của bệnh viện.

Thêm 3 giờ nữa để làm theo qui định của bệnh viện và điều trị trước khi họ có thể về. Vậy là mất đứt cả ngày đi biển. Người đàn ông bực bội đồng ý làm việc tiếp theo với một chuyên viên nghiên cứu đối tượng trẻ em và được cho biết là cha của đứa trẻ sẽ được tìm thấy. Ông cũng đồng ý cho đứa trẻ đi học trong thời gian này, nghĩ rằng những gì nó sẽ học chẳng có ứng dụng thực tế nào, người đàn ông không thể hình dung. Cổ tay của con bé, bị gãy ở hai chỗ, được bó bột từ khớp ngón tay đến khuỷu tay. Con bé đi ra khỏi bệnh viện với cánh tay được giữ cao trên đầu như một giải thưởng.

Vẫn không có tăm hơi gì từ thằng con. Người đàn ông hoãn việc tìm trường cho con bé thêm một tuần nữa. Con bé đi với ông mỗi buổi sáng - cánh tay bó bột của nó giấu trong một cái túi - lên thuyền đi bắt cua. Người đàn ông kéo những cái thùng. Con bé nhặt cua bằng bàn tay lành. Cứ như vậy, họ trải qua từng ngày cùng nhau.

Vào chủ nhật, dù không có gì để đi nhà thờ, con thuyền đậu ở bến. Con bé lang thang ven bờ lởm chởm đá, bận tâm với việc tìm hiểu loài sao biển đỏ tía và những viên đá bén, mắt nheo nheo vì làn mưa bụi, lom khom trên những vỏ trai, sò nứt. Người đàn ông ngồi trong khoang sau xe tải, sửa một cái thùng bắt cua bị nứt bằng dây kẽm và một cái kìm. Chốc chốc ông lại ngừng tay nhìn lên vài phút để coi chừng khoảng cách con bé đi trên bãi. Đến trưa, ông đi ra mép nước gọi nó. 

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Đói chưa? Ông nói với con bé.

Con bé gật đầu, lắc lay cái tay bó bột trong không khí như một con diều buồn.

Người đàn ông bước xuống nước, chỉ đến mức nước chạm tới đầu ủng của ông, và cúi xuống. Ông thọc tay xuống nước nhiều lần và trở về với con bé cùng mấy con sò bằng cỡ bàn chân nó.

Người ta gọi đây là những con sò Olympias, ông nói. Đã từng ăn con nào chưa?

Con bé nhíu mày. Chưa, nó nói.

Tốt thôi, người đàn ông nói. Có dao đó không?

Con bé lấy con dao xếp trong túi và đưa lên cao bên trên đầu nó.

Con cầm nó ở đằng chuôi, như thế này, người đàn ông nói. Phải cẩn thận. Thực sự cẩn thận. Ông nạy cho vỏ trên của con sò đứt lìa và ném nó xuống nước, còn lại thịt sò màu trắng sữa trong nửa vỏ kia. Thấy không, ông nói. Đẹp thật sự.

Con bé nghi ngờ. Thận trọng. Ông đừng ăn chúng, nó nói. Con bé hạ thấp đầu xuống gần con sò trong tay người đàn ông.

Dĩ nhiên để cho cháu ăn, ông nói. Ngon, ông nói. Cháu không muốn ăn à? Tốt. Tốt. Tùy ý cháu.

Con bé ngước nhìn ông. Nhìn khuôn mặt có những nếp nhăn của ông. Tìm xem ông có nói dối không.

Cầm lấy con này, ông nói, ông sẽ mở một con khác. Mình sẽ cùng ăn chúng.

Con bé cầm con sò đã cạy, nâng nó như thể con chim non, sợ nó cử động, bay mất. Người đàn ông tách vỏ con thứ hai và cầm nó đưa lên với con bé mời dùng.

Bây giờ tất cả những gì con cần làm là mút nó vào miệng. Mút - như thế. Một miếng một. Sẵn sàng chưa?

Con bé gật đầu.

Một. Hai. Người đàn ông nhìn con bé. Chỉ cần mút nó vào miệng. Nhớ nhé. Hai rưỡi. Ba.

Con bé ăn con sò. Nước mặn chảy xuống cằm nó và lan vào trong cổ áo nó. Nó nhăn mặt. Người đàn ông, vẫn cầm con sò chưa ăn, cười. Ông cười nụ cười có lẽ là đầu tiên trong thời gian gần đây. Ông cảm thấy nụ cười của ông giãn ra trên mặt, lạ lùng như một cái tay hay chân mới.

Sao? Ông nói, cháu nghĩ gì? Vị của biển đúng không? Người ta ăn chúng suốt, cháu biết không. Nhưng ông không như họ.

Con bé lau nước mặn và cát từ môi nó và ngăn ông trước khi ông có thể ném con sò của ông xuống nước, cầm lấy nó từ tay ông và mút nó như thể con bé đã làm chuyện này suốt cả đời nó.

Tốt, người đàn ông nói. 

Người đàn ông lái xe đưa con bé đi ba mươi phút về hướng bắc đến trường tiểu học của nó. Ông nhét năm đô la vào túi áo mưa của nó và dắt nó đến văn phòng trường.

Chào nhé, một người đàn bà mặc đầm xanh nói. Cháu là June phải không?

Nó cần giữ khô cánh tay đó, người đàn ông nói. Không thì có khả năng bị thối thịt.

Chúng tôi có thể xử lý được chuyện đó, người đàn bà nói. Bà cười với con bé.

Tôi trở lại đây đón con bé lúc hết giờ được không? Mấy giờ thì được?

Ba giờ mười phút chúng tôi ra về, người đàn bà nói. Chúng tôi sẽ làm xong mọi việc để cô bé sẵn sàng chờ ông đến đón.

Vậy là tốt rồi, người đàn ông nói.

Con bé nhìn ông, cứ như nhìn lần cuối cùng, rồi nắm tay người đàn bà đi theo bà qua hành lang khuất vào trong một ngạch cửa.

Ở văn phòng, người đàn ông chờ cô thư ký làm những giấy tờ đăng ký cần thiết. Ông nhìn tấm bản đồ bờ biển trên tường. Ở đó. Vịnh Chinquapin. Mười ba chữ gọn gàng nổi trên biển. Trên biển, ông có thể xác định vị trí của mình đơn giản bằng tiếng sóng. Trên hòn Tanager Rock nổi bật những tảng đá nhỏ của chim mòng biển xa xa. Cảng có hình lưỡi liềm, vẽ một đường đen mỏng, và ông có thể thấy chỗ cầu tàu nhô ra mặt nước giống như một ngón tay chỉ thẳng, bất động, nhưng chỉ là hình ảnh hai chiều. Giả tạo như tấm ảnh chụp gương mặt mẹ của ông. Cảng mà ông biết có sự chuyển động. Về kích thước và qui mô. Chỉ có muối và hương biển đối với ông là thật. Bọt sóng biển. 

Người đàn ông trở lại vài phút sau ba giờ và con bé lên xe tải. Họ lái về nhà và ông làm một bữa ăn gồm xúc xích luộc với mù tạc và đậu đút lò. Sáng hôm sau ông đưa con bé đến trường. Ông đón nó về vào buổi chiều. Họ giữ lệ này trong ba tuần, và ông lo về ngày làm việc bị rút ngắn với nhiều giờ bị lãng phí không đủ thời gian đánh bắt.

Vào một ngày thứ tư chuyên viên nghiên cứu đối tượng thiếu nhi đến nhà. Một thanh niên, có thể chỉ hơn hai mươi lăm tuổi, có cổ tay không lớn hơn cổ tay con bé. 

Ông Holcombe, chuyên viên nói, tên tôi là Nathan Whitman. Mình đã nói chuyện qua điện thoại. Cám ơn ông một lần nữa đã sắp xếp thì giờ cho cuộc gặp.

Tốt thôi, người đàn ông nói. Tốt thôi.

Con bé từ phòng gần đó ra nhìn người khách.

Chào cháu, anh chuyên viên nói.

Vào lại phòng đi cháu, người đàn ông nói. Để ông nói chuyện với ông Whitman.

Người đàn ông kéo một cái ghế mời khách và ngồi vào bàn với hai khuỷu tay chống khuỳnh quanh một chai bia. Hai bàn tay của anh chuyên viên bồn chồn, trước hết đặt trên lòng, rồi đặt trên một đầu gối, rồi ghép các ngón tay trong thế cầu nguyện trên mặt bàn trước mặt.

Ông Holcombe, tôi có thông tin cho ông.

Người đàn ông tằng hắng.

Tôi rất tiếc, ông Holcombe ạ, nhưng đây là tin về cha của bé June. Ông ấy đã mất.

Vâng, người đàn ông nói. Tôi đã nghĩ là có thể như thế.

Ông không cảm thấy ngạc nhiên. Không giận. Không buồn. Ông lưu giữ gương mặt của thằng con trong trí ông. Cất ở đó. Không phải là gương mặt khi ông nhìn lần cuối, mà là gương mặt lúc nó còn là thanh niên. Ông tự hỏi không biết còn tấm ảnh nào của nó không. Thằng con đã trở thành một người đàn ông. Giờ, thành một người đã chết.

Tôi rất tiếc, ông ạ. Anh ấy được tìm thấy ở California. Cách đây hai tháng. Hình như cảnh sát cố liên lạc với ông nhưng không được. Chỉ đến khi chúng tôi tìm hiểu về June mới biết về con trai ông. Tôi thật sự rất tiếc.

Họ nói thế nào?

Tất cả những gì chúng tôi được thông báo là anh ấy được tìm thấy đã chết ở phía ngoài thành phố Truckee. Nếu ông muốn, chúng tôi sắp xếp để ông liên lạc với người cảnh sát mà chúng tôi đã nói chuyện.

Người đàn ông nghiêng người để nhìn con bé đang lật lật một tập sách trong phòng kế bên. Anh chuyên viên nắm tay rồi lại mở tay.

Dù sao đi nữa, nó không phải là con trai tôi. Không biết nó có biết điều đó không. Mẹ nó là vợ tôi một thời gian, nhưng không có gì của tôi trong nó. Tôi chỉ nuôi nó lớn lên. 

Tôi hiểu, người nhân viên nói. Còn mẹ của June?

Không, người đàn ông nói. Con bé không có ai khác ở đây. Nó sẽ ở đây. Tôi có chỗ cho nó.

Người nhân viên ghi hồ sơ. Người đàn ông trả lời những câu hỏi của anh ta. Cũng có những câu hỏi dành cho con bé. Con bé bảo người nhân viên rằng một tháng nữa nó sẽ đi câu lại, hứng thú giải thích cách nó mất con dao cắt bơ trong khi cố gãi một cơn ngứa. Nó cười và cười với người nhân viên, tươi tỉnh bởi cuộc gặp gỡ này.

Sau khi anh chuyên viên đi rồi, người đàn ông bảo con bé ngồi vào bàn. Ông làm mặt lạnh như đá. Con bé ngồi thẳng người hơn, cảm nhận không khí thay đổi.

Con sẽ ở với ông, người đàn ông nói. Hiểu không? Ba của con đã chết.

         Con bé gật đầu.

Võ Hoàng Minh dịch
(Từ “Mind the line”)

(TCSH368/10-2019)

Các bài mới
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Zaabalawi (25/09/2019)
Về nhà (06/08/2019)
Thợ săn Gracchus (24/06/2019)
Đôi giày (12/03/2019)