Truyện dịch
Qismati và Nasibi
08:31 | 29/04/2021

Naguib Mahfouz (1911 - 2006) sinh ra trong một gia đình nghèo tại Cairo. Ông học triết học tại Đại học Cairo và làm công chức cho tới khi về hưu năm 1971. Mahfouz là nhà văn lớn của Arab và của thế giới. Ông có 35 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn và nhiều tác phẩm kịch. Tác phẩm của ông rất phổ biến ở phương Tây. Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.
Truyện ngắn dưới đây diễn tả bi kịch của cá nhân khi bị phụ thuộc vào kẻ khác. Tuy nhiên, như rất nhiều tác phẩm khác của văn học Arab, nó còn mang tính ẩn dụ và nghĩa hàm ẩn.

Qismati và Nasibi
Văn hào Naguib Mahfouz năm 1980 - Ảnh: wiki

NAGUIB MAHFOUZ

Qismati và Nasibi   

Thượng đế đã trao cho người làm nghề bán gia vị Mohsen Khalil tất cả những gì ông muốn, trừ con cái. Nhiều năm đã trôi qua mà ông chưa có con. Nhưng Mohsen Khalil vẫn tỏ ra hài lòng với những gì thượng đế đã chọn để trao cho mình.

Ông có vóc người tầm thước, phù hợp với những ai tin vào tính trung tính của mọi sự. Ông khá mập nhưng cho rằng đó là nét hấp dẫn đối với cả nam giới và nữ giới cũng như là dấu hiệu của sự đủ đầy. Ông tự hào về cái mũi to, cái hàm bạnh và tình cảm tốt đẹp có giữa ông và mọi người.

Số phận đã mỉm cười với ông khi trao cho ông Sitt Anabaya. Ngoài việc là một bà nội trợ tuyệt vời, chị còn là một phụ nữ đẫy đà, tươi tắn, có làn da hồng hào, gợi cảm.

Gà, ngỗng, thỏ thi nhau kêu trên mái nhà trệt của họ. Những người ngưỡng mộ tài nấu nướng của Sitt Anabaya không thôi nói những lời dạt dào về các món bánh nướng, các món ngon khác mà chị làm bằng rất nhiều bơ cổ truyền.

Cuộc đời đẹp tươi với họ ở mỗi khía cạnh, trừ việc cứng cổ từ chối trao cho họ niềm vui khi có con cái. Họ đã làm mọi cách nhưng không có hiệu quả gì. Sitt Anabaya đã tìm tới lời khuyên của những cặp đôi hạnh phúc, của thầy bói, những người có khả năng nói tiên tri và những kẻ khác. Chị còn đi thăm viếng đền miếu. Cuối cùng, chị tìm tới bác sĩ. Thật không may mắn, phán quyết của họ làm nản lòng chị khi họ nói rằng, vấn đề nằm ở cả vợ và chồng. Họ nói thêm, khó mà có hy vọng gì. Do vậy, đám mây u buồn lởn vởn trên đầu hai vợ chồng chị.

Nhưng vào sinh nhật lần thứ bốn mươi lăm của Mohsen và khi Sitt Anabaya vào tuổi bốn mươi, lời cầu khẩn của họ đã được đáp lại. Khi biết chắc là mình đã có thai, chị khóc to, “Tạ ơn thượng đế, con đã có thai!”

Mohsen rất vui và thấy lòng tràn đầy sự biết ơn. Tin tức sớm chu chuyển khắp al-Wayliya, một khu vực gần quận Attasiyya, nơi hai vợ chồng sống và có cửa tiệm.

Chín tháng chờ đợi lạ lùng cuối cùng đã trôi qua và ngày khai hoa đã tới khi mà tiếng khóc đau đớn lúc sinh nở đã biến thành khúc nhạc vui mừng cho hai vợ chồng. Ngay khi người vợ ở tuổi trung niên ẵm đứa bé, chị kinh ngạc và lo âu nhìn nó và bắt đầu lẩm nhẩm lời cầu nguyện. Chị vội chạy ra cánh đồng của nhà bảo sanh tìm Mohsen. Khi thấy ánh mắt lo âu trên khuôn mặt vợ, anh sợ sệt lẩm nhẩm:

“Thượng đế lòng lành với chúng ta! Có chuyện gì vậy em?”

Chị ngập ngừng thì thào, “Nó là một sinh vật lạ, anh Mohsen ơi”.

“Ý em nói gì?”

“Phần dưới nó dính nhau nhưng phần trên thì rời ra”.

“Không!”

“Anh vô coi đi”.

“Sitt Anabaya làm sao vậy?” Có lời nói nói.

“Cô ấy không sao nhưng không biết chuyện gì đang xảy ra”.

Mohsen lòng đầy nỗi lo âu và thất vọng vội chạy về phía đứa bé. Anh nhìn chằm chằm vào sinh vật lạ, có phần dưới gồm hai chân và bụng dính nhau trong khi phần trên tách ra, mỗi phần đều có ngực, cổ, đầu và khuôn mặt riêng. Hai đứa bé sinh đôi nhìn nhau khóc thét, như thể muốn phản đối số phận hay muốn hoàn toàn tự do, tách rời nhau. Lòng Mohsen tràn ngập những cảm xúc khác nhau, vừa lúng túng, vừa rối bời, vừa lo âu và có cả linh cảm về những vấn đề sẽ xảy ra. Tất cả hội tụ lại trong anh như đám mây đen nặng trĩu. Từ bên trong, anh bắt đầu nhẩm lại câu nói quen thuộc trong kinh doanh mỗi khi một thỏa thuận thất bại: “Cầu xin thượng đế ban cho con chút tiền lời”. Thật vậy, anh mong sao có thể thoát khỏi khiếm khuyết này để đầu óc được yên bình.

Khi bắt đầu làm trách nhiệm hàng ngày của mình, người vợ nói:

“Đứa bé khỏe, mọi chức năng sống đều bình thường”.

Mohsen hỏi, “Cả hai đều như thế?”

Người vợ bối rối nói, “Chúng không phải là anh em sinh đôi. Chúng là một đứa trẻ!”

Mohsen chùi mồ hôi trên mặt và trên trán do những rối bời bên trong và do cái nóng của mùa hè làm tứa ra rồi hỏi, “Sao chúng ta không coi chúng là hai đứa bé?”

“Làm sao có thể gọi chúng là hai đứa khi chúng không thể tách rời nhau?”

“Thật đau đầu. Anh mong sao chúng đừng được sinh ra”.

Người vợ nói bằng giọng thuyết giáo, “Dù gì thì đó cũng là quà của thượng đế. Sẽ không khôn ngoan khi chất vấn sự khôn ngoan của ngài”.

Mohsen tìm kiếm sự khoan dung ở thượng đế. Người vợ tiếp tục:

“Em sẽ đăng ký chúng như là một đứa”.

Mohsen thở dài nói, “Chúng ta sẽ trở thành trò cười, bị cả thị trấn bàn tán”.

“Kiên nhẫn là đức hạnh mà anh!”

“Nhưng có hay hơn không khi coi chúng là hai nhưng có cùng một cái bụng?”

“Nó chẳng đối phó được với cuộc đời, trừ khi chúng được coi là một”.

Cả hai đứng im lặng nhìn nhau rồi người vợ hỏi:

“Anh đặt tên cho nó là gì?”

Thấy chồng giữ im lặng, chị nói: “Muhammadayn! Anh có nghĩ cái tên này là thích hợp không?”

Người chồng không nói một lời, lắc đầu chán nản.

Sitt Anabaya choáng váng khi nghĩ tới những gì sẽ diễn ra. Chị khóc hàng giờ cho tới khi đôi mắt đẹp đỏ hoe. Chị cũng nghĩ như chồng mình. Nhưng không đợi lâu, cả hai phải thực hiện bản năng làm cha làm mẹ.

Chị bắt đầu cho đứa bé bên phải bú và khi nó ngưng khóc chị cho đứa bên trái bú. Theo bản năng, chị gọi đứa bên phải là Qismati, đứa bên trái là Nasibi vì hai cái tên này là hai cái tên mà ngay từ tuần đầu tiên được sinh ra, đứa bé sơ sinh đã được người ta gọi thế. Mỗi đứa có một tính cách riêng. Trong khi Qismati ngủ thì Nasibi thức, chậc lưỡi, bú và khóc. Thời gian trôi qua, sự kinh ngạc trong gia đình phai nhạt nhưng ở bên ngoài thì chưa. Nhưng những gì lạ kỳ rồi cũng sớm trở thành quen thuộc.

Cả Qismati và Nasibi cũng nhận được tình thương, sự chăm sóc, âu yếm như nhau. Khi họ hàng tới thăm, người mẹ nói, “Dù gì thì nó cũng là con trai tôi” hoặc nói, “Chúng là các con trai tôi”. Về phần mình Mohsen thường lặp lại câu nói, “Các con tôi không phải là điều nghi ngờ đối với sự khôn ngoan của thượng đế”.

Thấy tuổi thơ sẽ không dài, người đàn ông nghĩ tới tương lai với lòng lo lắng. Về phần mình, Sitt Anabaya bị gánh nặng từ hai đứa trẻ sinh đôi đè oằn lên vai. Chị phải thay nhau cho bú, nuôi dưỡng không chỉ một mà là hai đứa bé. Chị phải điều khiển thần kinh của mình khi một đứa ngủ, cần sự im lặng thì đứa kia thức dậy, muốn chơi. Nhờ thượng đế, mỗi đứa đều có nét khác nhau. Qismati có da nâu sẫm, khuôn mặt mềm mại, mắt màu nâu đỏ trong khi Nasibi có nước da trắng, mắt đen, mũi to.
 

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Hai đứa bé sinh đôi bắt đầu bò trên hai chân và bốn tay, nói bập bẹ và tập đi. Rõ ràng là Qismati học nói nhanh hơn nhưng thua Nasibi khi nó bò và đi hoặc chơi và phá phách. Nasibi là đứa bé chiếm ưu thế trong những năm đầu đời của chúng với những chuyện như hư hỏng, phá phách, đuổi gà và hành hạ mèo. Nhờ sự ngoan hiền của Qismati đối với Nasibi, hai đứa trẻ không làm gì rắc rối, trừ một vài lần hiếm hoi khi Qismati muốn nghỉ ngơi nhưng Nasibi lại lấy cùi chỏ thúc nó, làm Qismati khóc nhè. Khi chúng lên bốn hay hơn, chúng bắt đầu nhìn những đứa trẻ khác ở ngoài cửa sổ. Chúng nhìn lên trời bên trên nóc nhà và liên tục hỏi, “Tại sao mỗi đứa trẻ đều chỉ có một đầu?” Sitt Anabaya bối rối đáp, “Thượng đế tạo ra con người theo cách ông ấy thấy thích hợp”. “Mẹ luôn nói tới thượng đế... Ông ấy ở đâu?” Mohsen đáp, “Ngài thấy chúng ta nhưng chúng ta không thấy ngài. Ngài có thể làm mọi thứ, kẻ đau khổ là kẻ không vâng lời ngài”. Anh nói với chúng những gì chúng cần làm để có thể được thượng đế chấp nhận. Qismati lo lắng nói với Nasibi, “Nghe tao nè, nếu không tao sẽ đánh mày”. Chúng ngắm trăng trong những đêm hè và vươn tay về phía đó. Khi Qismati thở dài chán nản, Nasibi sẽ nổi giận. Điều đó làm cho Mohsen Khalil hỏi:

“Chúng ta nhốt chúng trong nhà mãi sao?”

Sitt Anabaya nói, “Em sợ chúng bị bọn trẻ khác bắt nạt...”.

Mohsen quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Anh ngồi trên một chiếc ghế ọp ẹp đặt trên bậc thềm và đặt hai đứa con lên một chiếc ghế khác và để nó bên cạnh mình. Bọn trẻ đủ mọi lứa tuổi ngay lập tức tập trung xung quanh để được nhìn kỹ sinh vật kỳ lạ mà không lời quở trách nào có thể ngăn chúng lại. Người cha chẳng biết làm gì ngoài việc ẵm chúng vô lại trong nhà và đau khổ thì thào, “Chuyện bắt đầu rồi đó”.

Tuy nhiên, với cảm hứng thần thánh, một ý tưởng đã đến với Sitt Anabaya. Chị nói chị có thể thuyết phục chị hàng xóm của chị cho con trai chị ấy là Tariq và con gái là Samiha đến chơi với Muhammadayn. Chị hàng xóm Mashkura đồng ý. Do vậy Tariq và Samiha đến chơi. Tariq lớn hơn Muhammadayn một tuổi, còn Samiha thì bằng. Lúc đầu chúng hoảng sợ, không muốn trở thành bạn của Muhammadayn. Sitt Anabaya phải dùng quà hối lộ chúng cho tới khi chúng thấy bình thường trước con trai chị. Hai đứa bé hàng xóm này cũng khá tò mò và có đầu óc chuộng sự khác lạ. Cuối cùng, Qismati và Nasibi thấy vui vẻ với các bạn mới. Dù chúng cùng rất thích có các bạn mới ở xung quanh thì điều này cũng không có nghĩa là chúng đã thương mến nhau. Bọn trẻ nói về nhiều thứ, chơi nhiều trò chơi khác nhau và nghĩ ra nhiều trò. Thế là chúng đã tìm được bạn để chơi banh, chơi kéo co! Samiha trở thành cô bé ước mơ của chúng, mỗi đứa đều muốn giữ cô bé cho riêng mình. Khi xem TV, chúng tranh nhau về chuyện ai sẽ ngồi gần cô bé. Vì Samiha mà trước mắt mọi người, chúng lần đầu tiên đã thực sự đánh nhau, làm cho môi Qismati chảy máu còn mắt Nasibi thì bầm đen. Sự kiện này đánh dấu rằng Qismati muốn tự do, thoát khỏi Nasibi. Từ đó nó thấy mình có quyền là một cá nhân. Cũng từ đó, cả hai biết đồng ý và không đồng ý.

Ngày nọ, Mohsen nói, “Chúng giờ đã đến tuổi phải đi học”. Sitt Anabaya cau mày, gương mặt chị cho thấy nỗi khổ sở bên trong. Sau đó, người chồng nói, “Chuyện này không nên được nói công khai!” Suy nghĩ một hồi lâu, anh nói thêm, “Tôi sẽ mời thầy đến. Chúng cần học để ít nhất là biết đếm mới mong thế chỗ anh ở cửa tiệm”. Thầy giáo đến và hướng dẫn hai đứa trẻ căn bản về tôn giáo, ngôn ngữ và toán học. Qismati đáp ứng nhanh với việc học. Nasibi trong khi đó chẳng muốn học hành, do vậy chậm hiểu. Vậy là nó giận dữ với anh mình, phá rối lớp học bằng việc ca hát, chơi và làm các trò trẻ con khác. Việc khác nhau đó đặc biệt khó chịu trong các giờ học giáo dục tôn giáo khi Qismati rất nhiệt tâm trong khi Nasibi hoàn toàn bàng quan. Thầy giáo còn bị sự ương ngạnh của Nasibi làm khó chịu hơn gấp hai lần. Mohsen khiển trách Nasibi trong nhiều trường hợp nhưng không thể tách nó ra để đánh nó. Vào tuổi lên tám, Qismati muốn cầu nguyện và ăn chay, còn Nasibi, dù không quan tâm và biết mình hoàn toàn có thể dự vào các nghi thức tắm rửa song chỉ thực hiện khi ít nhiều bị buộc phải cúi đầu và quỳ... Biết thân mình, nó chẳng có lựa chọn nào ngoài việc phải chịu ép buộc nhưng cùng lúc, bên trong rất giận dữ. Nasibi bị bố buộc ăn chay nhưng nó kín đáo ăn mặn để làm thỏa mãn cơn đói. Tuy nhiên, Qismati phản đối ngay, “Đừng quên là mày với tao cùng có chung một cái bụng, nếu mày ăn một miếng, tao sẽ nói bố”. Nasibi nghe vậy, tỏ ra cam chịu nhưng cuối cùng, nó bắt đầu khóc. Mẹ nó thấy thương nên nói với chồng:

“Thượng đế chỉ yêu cầu những ai có thể chịu được mới ăn chay. Hãy để thằng bé lớn thêm một, hai tuổi nữa đã”.

Người cha bối rối đáp, “Nếu nó ăn mặn trong khi phải ăn chay, nó cũng sẽ làm kẻ khác giống như nó”. Vấn đề chỉ được giải quyết khi thầy tế của giáo đường Sidi al-Kurdi tuyên bố đã có giải pháp. Do vậy, Qismati vẫn ăn chay dù cho Nasibi ăn mặn. Thế là Qismati vẫn ăn chay trong khi Nasibi thì không. Cá tính của chúng ngày càng phát triển. Chúng thường không thích nhau và những khoảnh khắc chúng hòa thuận với nhau ngày càng ít. Người mẹ khóc và nói, “Thượng đế hỡi, chúng chẳng thể chịu đựng được nhau nhưng chẳng thể sống thiếu nhau. Làm sao chúng sống được trên đời nếu cứ thế này?” Chị phải trải qua những giờ khắc khó khăn khi chúng tranh cãi nhau về mọi thứ. Qismati thích sự gọn gàng, sạch sẽ trong khi Nasibi rất ghét tắm, trừ khi nó bị buộc phải tắm. Cha mẹ chúng phải làm trung gian, kêu gọi Qismati giảm bớt việc ưa thích sự sạch sẽ trong khi đó Nasibi bớt ở dơ đi. Nasibi rất háu ăn và không bao giờ thấy ăn đã đủ, làm cho Qismati thấy chướng bụng. Qismati thích nhạc du dương trong khi đó, Nasibi thích nhạc ồn ào. Cái chính của sự bất hòa, tuy vậy, nằm ở chỗ Qismati ngày càng thích đọc, thích hiểu biết. Khi Qismati đọc, Nasibi chơi trên sân, quấy rối người qua đường và hàng xóm. Nasibi chỉ để yên cho Qismati đọc trong chốc lát, phá vỡ sự tập trung của nó, thế là chúng đánh nhau mà phần thắng thường thuộc về Nasibi. Qismati thường cố điều đình, hơn là dùng bạo lực vô lý, “Tao có sở thích của tao, mày có sở thích của mày nhưng sở thích của tao hợp với hoàn cảnh bất thường của tao với mày”. Nasibi nghiêm nghị đáp: “Vậy đời là một nhà tù muôn đời”.

“Chúng ta không có chỗ trong thế giới bên ngoài”.

“Bên ngoài có hạnh phúc, ngược lại trong phòng này chỉ có đau khổ”.

“Mày luôn quấy rầy mọi người, do đó, họ sẽ chế giễu chúng ta”.

“Tao không thể không làm như vậy. Tao còn nghĩ tới chuyện tao đi ra đường”.

“Mày sẽ làm cho chúng ta trở thành trò cười”.

Đến chỗ này, Nasibi thét lên, “Tao ghét bị cầm tù. Tao ghét ngôi sao chiếu mệnh”.

Qismati chế giễu nói, “Mày điên rồi”.

Nasibi nói nhanh và mạnh mẽ, “Chẳng có cách nào để tao với mày đồng tình với nhau”.

“Mày thấy đó, chúng ta là một, dù thực tế có hai”.

“Vấn đề là ở đó! Nhưng mày phải phục tùng tao, đừng kháng cự”.

“Mày cứng cổ và thích tranh cãi”.

Cha mẹ chúng gọi chúng ra phòng khách để gặp. Đầu óc chúng chẳng yên, hạnh phúc của chúng đã biến mất. Chúng tin rằng bi kịch sẽ ập vào nhà nếu không có phương thuốc nào có hiệu quả nhanh để cứu chữa tình hình. Sitt Anabaya hôn hai đứa nó và nói, “Các con phải thương nhau và nếu thương nhau, mọi rắc rối sẽ biến mất”.

Nasibi nói: “Nó là đứa ghét con!”

Nhưng Qismati vặn lại, “Nó mới chính là đứa ghét con”.

Chán nản, Sitt Anabaya nói, “Tụi con là hai trong một, không thể tách rời, do đó phải thương nhau!”

Mohsen nói, “Số phận buộc hai con phải sống hòa thuận với nhau, nếu không, đời sẽ là địa ngục. Đứa này áp bức đứa kia là không thể chấp nhận được. Tụi con có thể sống đồng điệu với nhau. Nasibi phải kiên nhẫn khi Qismati muốn đọc, ngược lại Qismati phải vui vẻ chơi với Nasibi. Phải bằng lòng nghe những loại nhạc khác nhau, nhờ đó, mỗi đứa sẽ có thể có được loại nhạc mình ưa thích. Còn về mặt tôn giáo thì đó không phải là chuyện để bàn tán!” Qismati nói, “Con luôn muốn sống đồng điệu, dù điều đó có làm con khó chịu cực kỳ”. Nasibi im lặng. Qismati nói thêm: “Nó là đứa không thích sự đồng điệu. Nó cũng không sẵn sàng khi ba gọi tụi con đi làm ở cửa tiệm”.

Người cha xác quyết nói, “Thật không tránh đâu được!”

Sitt Anabaya khẩn khoản van nài, “Các con phải thương nhau, xem đó như là sự cứu rỗi”.

Tuy nhiên, nói vậy nhưng hai vợ chồng thấy không yên. Họ đứng dậy, lòng đầy âu lo.

Nasibi lưỡng lự cố thay đổi để được đồng điệu. Đó là một cuộc đấu tranh liên tục để khắc phục bản tính bất khuất của mình. Về phần mình, Qismati cũng bắt đầu một con đường mới với mong muốn và quyết tâm lớn hơn nhằm chấm dứt những nỗi khổ sở của mình, có nhờ cha mẹ giúp đỡ khi cần.

Khi tới tuổi có lý trí và ở ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành, vấn đề của chúng đã đi tới đỉnh điểm. Những giấc mơ bị kìm nén của chúng đã biểu lộ và chờ sự bùng nổ. Mỗi đứa có cách suy nghĩ riêng, xem đứa kia như kẻ xâm nhập nguy hiểm, là kẻ thù cần phải bị đánh bại. Cả hai đều bất mãn với sự dính nhau đáng ghét mà số phận đã giáng cho mà không có lối thoát. Chúng sẽ giao chiến nhau trong cơn lốc của sự giận dữ, cuồng điên. Cơn sóng rồ dại trào lên từ vực sâu, gột bỏ tất cả sự xấu hổ trong khi đó sự liều lĩnh, nông nổi thế chỗ cho sự hối tiếc. Sự giận dữ của chúng dâng trào và đưa chúng vào trận đánh bằng cách trao cho nhau những cú đấm trời giáng. Sau khi hận thù nguôi đi, hai kẻ thù nghịch chìm vào im lặng và đau khổ. Điều này kéo dài khá lâu, cho tới khi Qismati nói, “Bởi sự tồi tệ này mà đời chẳng được bình yên”.

Lặng câm nhưng nóng nảy, Nasibi nói, “Dù gì thì nó cũng sẽ tiếp tục như thế này”.

Đôi mắt trở nên u tối, Qismati nói: “Chúng ta buộc phải sống chẳng có sự đồng điệu mà phần còn lại của loài người đều mong muốn có”.

“Mày bệnh hoạn, ý kiến của mày cũng vậy”.

Qismati mỉa mai đáp, “Rõ ràng là một người trong chúng ta đã bị bệnh hoạn”.

Nasibi ương ngạnh vặn lại, “Tao sẽ không từ bỏ các quyền của tao. Từ đây sẽ không có ngừng bắn”.

“Nhưng tao cũng có quyền của tao”.

Chúng ương ngạnh nhưng u buồn nhìn nhau. Mọi cuộc đối thoại giữa chúng đều kết thúc bằng những lời tồi tệ nhất có thể.

Một thời gian sau, chúng nhìn thấy bạn thời ấu thơ Samiha của chúng dưới một thứ ánh sáng mới từ cửa sổ, chúng nhìn cô ta đi tới đi lui, khi thì một mình, lúc với mẹ cô, làm thức dậy trong chúng những ký ức ấu thơ đã phai nhạt.

Ngày hôm đó, tuy vậy, chúng thấy một Samiha mới. Tuổi thanh xuân tươi tắn làm gia tăng sức sống và sự hấp dẫn về tình dục của cô. Qismati ngất ngây trong rượu tiên của sự thèm khát trong khi đó, sự tưởng tượng đầy khát khao của Nasibi đã thắng chính cậu ta. Ánh sáng của cái đẹp đã chạm vào con tim Qismati, như ánh nắng mặt trời chạm vào một đóa hoa, làm nó nở ra. Cậu ta ước cô ngồi bên cạnh mình, dù cho có cái thằng Nasibi quái gở. Lần đầu tiên cậu ta thấy Nasibi không chỉ là gánh nặng về thể xác mà còn là một chướng ngại vật làm cho mình không thể vượt qua để có hạnh phúc đích thực.

Nasibi tiếp tục e thẹn lúc lắc đầu và khi thấy cô gái đang đứng đợi ai đó ở lối vào nhà cô, cậu ta đổ ra đường, kéo theo Qismati. Samiha thấy họ băng qua đường thì lùi lại vài bước và mỉm cười. Nasibi chồm về phía cô, đưa hai tay vào ngực cô, làm cô hoảng sợ và chạy vào nhà. Cuộc tấn công có tính bản năng thu hút sự chú ý của người đi đường ở đường Wayliya. Sau đó hai cậu trai về nhà, Qismati quở mắng Nasibi và cậu này trở nên ngoan ngoãn, do biết lỗi nên không xử sự rồ dại.

Qismati trút sự giận dữ lớn vào em trai: “Đây là một vụ tai tiếng! Mày chỉ là một thằng điên!” Nasibi chưng hửng, không trả lời. Mẹ chúng đau khổ khi biết chuyện. Khi Qismati kể lại hết sự việc, chị nói với Nasibi, “Con sẽ hại con một ngày nào đó...”. Qismati chưởi té tát, “Nó cũng sẽ hại con, dù đó không phải lỗi của con”.

Nasibi nói cộc lốc, “Tụi con muốn vợ”. Người mẹ kinh ngạc, lúng túng không biết nói gì. Nasibi nói tiếp:

“Mẹ sinh ra tụi con, mẹ phải có trách nhiệm cưới cho tụi con một cô gái đẹp”.

Qismati nói, “Không có cô gái nào đồng ý lấy tụi mình”.

Nasibi nói ương ngạnh, “Thì tìm cho ra hai vợ cho chúng ta”.

Qismati buồn bã nói, “Chúng ta phải sống một mình cho tới chết”.

Nasibi nói, “Nếu chỉ coi chúng ta là một cá nhân thế thì làm sao chúng ta có thể trình bày khi làm giấy khai sinh cho chúng ta”.

Qismati tiếc rẻ nói, “Giấy khai sinh chỉ là một trò đùa, không phải dùng để kết hôn”.

Bà mẹ không thể ngồi yên trong phòng đứng dậy nói, “Cha chúng mày sẽ có cách giải quyết”.

Nasibi đột nhiên giận dữ nói với anh trai, “Giải pháp duy nhất là chúng ta tự tìm lấy một cô gái. Hãy chờ tới nửa đêm, khi người qua đường thưa lại, sau đó chúng ta đi trong bóng tối để tìm con mồi”.

Qismati hét, “Mày tưởng tượng chuyện trên trời”.

“Đừng hèn nhát”.

“Đừng xử sự như thằng khùng”.

Mohsen nói với vợ, “Tôi từng nghĩ tới vấn đề này nhưng sẽ không có gia đình nào vui vẻ gả con gái của họ cho chúng”.

“Thì giờ làm sao đây?”

Người cha lạc giọng nói:

“Nhờ một phụ nữ túng quẫn tuổi 50 đến chăm sóc tụi nó”.

Người phụ nữ khốn khổ về hoàn cảnh và vẻ bề ngoài đến. Họ thết đãi bà, cho bà tắm rửa, để bà đồng ý làm những gì họ muốn. Bà có một khoảng thời gian yên bình, ít nhất là ở bề ngoài. Trên thực tế, Nasibi ngược đãi bà ban ngày, để bù lại việc nó bị giày vò ban đêm. Về phần mình, Qismati trở nên u ám và chán ghét. Cậu ta hỏi Nasibi, “Tao phải làm gì để xứng đáng với sự thuê mướn này?”

Nasibi băn khoăn đáp, “Đó đâu phải là lỗi của tao, đúng không?”

Qismati không đáp lại. Cậu ta nhớ Samiha, cô gái đã đánh cắp trái tim mình và những tình cảm ẩn ức càng làm trầm trọng thêm nỗi khổ đau của cậu. Sự thật là cả hai đều thấy mất mát và vô vị nhưng không ai hiểu được nỗi đau của kẻ kia. Thật trái ngang! Kẻ này buộc tội kẻ kia phải chịu trách nhiệm cho thử thách của họ và đều muốn bằng mọi giá tống khứ nhau.

Cha chúng bảo chúng ra cửa tiệm làm việc để lấy kinh nghiệm. Chúng không thể né tránh nên vào một ngày mùa xuân êm đềm, chúng bắt đầu đi làm. Chúng mặc một cái quần tây màu nâu và hai cái áo sơ mi trắng ngắn tay. Tóc chúng cắt vừa phải. Lúng túng, chúng ra đứng sau quầy tính tiền của cửa tiệm. Rất nhanh chóng, đám đông khách hàng và người đi đường tụ lại xem, làm một nửa con phố bị tắc nghẽn. Mohsen chỉ tay nói với chúng, “Các con làm việc đi chứ đừng để ý đến ai”.

Tuy nhiên, Nasibi trở nên giận dữ trong khi mắt Qismati khóc đầy nước. Một phóng viên ảnh bất ngờ đến và chụp hai anh em nhiều kiểu. Vào buổi chiều, đại diện một hãng truyền hình đến, xin phép được phỏng vấn chúng. Tuy nhiên, Mohsen kiên quyết từ chối bằng giọng giận dữ. Khi các bức ảnh xuất hiện trên báo buổi sáng, càng có đông đúc người đến xem, làm việc mua bán ế chề. Mohsen bị buộc phải cấm chúng đến cửa tiệm. Anh nói với vợ, lòng trĩu nặng, “Việc làm ăn sẽ chết cùng tôi mất”.

Nasibi giận dữ la lên, “Tại sao ba mẹ không giết chết tụi con đi sau khi đẻ ra? Tại sao ba mẹ không thương tụi con, không thương chính ba mẹ?”

Mohsen xúc động nói, “Tụi con sẽ không phải khổ. Tài sản thừa kế sẽ cho phép tụi con sống đủ đầy, tử tế”.

Nasibi thét, “Tiền tự nó chẳng có giá trị gì. Sự thật là hai đứa con sẽ phải cùng chết. Con ước ao được đi làm cho một công ty, mua một chiếc xe hơi, lấy bốn vợ!”

Qismati nói bằng giọng buồn bã, “Con muốn làm thầy giáo hoặc tham gia vào chính trường!”

Nasibi nhìn Qismati giận dữ nói, “Mày là chướng ngại vật đối với tao”.

Qismati mắng lại, “Mày mới chính là chướng ngại vật!”

Mohsen giảng giải, “Sao các con không chấp nhận thực tế và sống hạnh phúc bên nhau?”

Qismati nói, “Nếu tụi con được sinh ra với chỉ một cái đầu và hai phần riêng rẽ ở dưới, mọi chuyện đã dễ dàng hơn”.

Mohsen nói, giọng van nài, “Hạnh phúc không phải là khó đối với những ai cố công tìm nó!”

Qismati giận dữ nói, “Hạnh phúc đó chính là nguyên nhân của sự khổ đau của tụi con!” Sau đó, quay sang Nasibi, cậu ta nói, “Đừng quá kiêu căng! Nếu mày theo tao, mày sẽ trở thành người đàn ông tử tế nhất, hạnh phúc nhất. Nếu tao theo mày, tù ngục là số phận của chúng ta”.

Nasibi mỉa mai đáp lại, “Ý hay đó! Nhưng nó sẽ không bao giờ xảy ra! Chúng ta hoàn toàn khác nhau. Tao không thích hiểu biết. Về chính trị chẳng hạn, nếu mày lập chính phủ, tao ngược lại sẽ đứng về phía đối lập ngay lập tức. Tao không theo mày và mày cũng không theo tao, đấu tranh là không thể tránh khỏi”.

Người cha sốt ruột nói, “Hãy sống đồng điệu với nhau, đó là cách duy nhất, đó là số mệnh của các con, như các con đã dính nhau”.

Chúng ngập ngừng cố tránh thêm xung đột và bất hòa như có thể. Cả hai cố chịu đựng nhau, dù bên trong, Qismati khó chịu còn Nasibi thì khinh khỉnh.

Chúng dường như là hai người bạn nhưng không có tình bạn, hai đồng minh nhưng không có sự chân thành. Chúng sống mỗi đứa một nửa cuộc đời với một nửa mong muốn. Rồi tuổi tác sớm để lại dấu vết trên khuôn mặt Nasibi, cho thấy anh ta đã nhanh chóng đi tới tuổi già mà có lẽ đó là do anh ta ham muốn quá mức nhiều thứ. Anh ta bắt đầu phàn nàn là mình đã mất khả năng hứng dục, khó tiêu hóa, bị dị ứng với thức uống. Chả có thứ thuốc nào cải thiện được tình trạng của anh ta. Trong cơn đau, anh ta biểu lộ nỗi giận dữ đối với người anh bằng cách buộc tội, “Ông chỉ lo cho ông, quái thật!”

Qismati thì thào, giọng xoa dịu, “Cầu xin thượng đế tha cho ông!”

Anh ta đáp lại, “Đừng chĩa mũi vào tôi! Nếu tôi chết đi, ông phải mang theo xác tôi cho tới khi ông qua đời và ông sẽ là nấm mồ của tôi”.

Sức khỏe của Nasibi kém đi đến mức anh ta sợ sẽ phải chết. Qismati tiếc cho sự kết thúc cuộc đời của người anh em và làm cho anh ta vui bằng cách nói, “Ông giờ còn khỏe hơn trước đây!”

Nasibi không quan tâm tới những gì Qismati nói và cũng không tin gì vào lời anh ta. Một sáng nọ, Nasibi tỉnh dậy và nói, “Tôi sắp đi đến ngôi nhà của sự thật đầy nước mắt!”

Sitt Anabaya chạy tới, vì sợ rằng anh ta đang hấp hối. Bà ôm chặt anh ta và bắt đầu đọc kinh Surah of Fidelixy. Sau đó, anh ta tắt thở.

Qismati khóc nhưng bỗng thấy sợ hãi và hoảng loạn khi nghĩ tới việc có một tử thi dính xác vào một nửa người mình. Ông bố và bà mẹ nhìn nhau bối rối. Họ sẽ làm gì đây với tử thi không thể chôn? Họ vội gọi bác sĩ. Ông ấy xem xét tình hình và nói: “Đây là vấn đề phức tạp nhưng không có cách nào khác ngoài việc ướp xác, nếu có thể”.

Thế là Qismati tiếp tục sống, mang theo xác ướp của người anh em. Anh ta sớm thấy là mình đang nửa sống nửa chết và thấy sự tự do mới có, mà anh ta thường khát khao bấy lâu chỉ là một ảo ảnh chứ chẳng phải là cái gì khác khi anh ta giờ chỉ còn lại một chút sự sống hay chẳng có chút nào! Anh ta quyết định dấn thân vào làm việc khi vật cản đã chết. Tuy nhiên, anh ta phát hiện thấy mình là một kẻ khác lạ bởi dù bỗng thấy mình sinh ra có một hình dạng toàn vẹn nhưng nghị lực đã hao mòn, sự thôi thúc từ bên trong đã cạn nguồn, ham muốn đã nhạt phai, khát khao đối với cuộc đời đã mờ mịt. Anh ta là kẻ đã từ bỏ đời và những niềm vui ngây thơ mỗi ngày và đang sống dưới một bầu trời đầy bụi bặm, không có sắc màu các áng mây, các vì sao và đường chân trời.

Anh ta nói trong nỗi u buồn đang ngập tràn cuộc đời mình, “Cái chết đang hiện hữu khắp vũ trụ”.

Hầu hết thời gian anh ta giữ im lặng và chìm vào trạng thái hôn mê. Mẹ anh ta hỏi, “Sao con không tự làm mình vui và làm cái gì đó?”

Anh ta đáp, “Con làm điều duy nhất con có thể làm là chờ chết”.

Anh ta thấy bóng tối phủ xuống khắp nơi, kháng cự lại những hy vọng được bình an.

Trần Ngọc Hồ Trường
dịch từ Modern Arabic Short Stories, SAQI Books, 2008  
(TCSH385/03-2021)




 

 

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Quả bóng đỏ (16/04/2021)
Cô bé bán diêm (18/02/2021)
Ván cờ (08/01/2021)
Tiếng gọi cửa (17/12/2020)
Đứa bé (16/10/2020)