Truyện dịch
Trụ cột của gia đình
14:13 | 10/01/2022

FRANK O’CONNOR  

Khi tôi tỉnh giấc, tôi nghe có tiếng mẹ ho ở nhà bếp. Mẹ bị ho đã nhiều ngày nhưng tôi không để ý. Chúng tôi sống ở Old Youghal Road, nơi mà vào lúc đó, có một con đường nhiều đồi dốc dẫn tới East Cork.

Trụ cột của gia đình
Ảnh: internet

Tiếng mẹ ho nghe rất dữ dội. Tôi mặc quần áo và mang tất đi xuống tầng dưới và trong ánh sáng buổi sáng lờ mờ, tôi thấy mẹ ngồi thu lu trong một chiếc ghế mây, tay ôm sườn, không biết là tôi đang nhìn. Mẹ đang cố nhóm lửa nhưng không thể. Mẹ nhìn mệt mỏi và bất lực đến mức tôi thấy thương mẹ quá. Tôi chạy đến bên mẹ.

“Mẹ có sao không mẹ?”, tôi hỏi.

“Mẹ sẽ khỏi lại ngay thôi mà”, mẹ trả lời, gượng cười. “Củi ướt quá và khói làm cho mẹ bị ho”.

“Mẹ vô giường nghỉ đi, để con nhóm lửa cho”, tôi nói.

“Làm sao con có thể nhóm được?”, mẹ bối rối nói. “Cứ để mẹ nhóm”.

“Mẹ đừng nhóm mà”, tôi nói. “Con sẽ nghỉ học tạm thời để chăm sóc cho mẹ”.

Phụ nữ thường buồn cười khi họ làm theo lệnh của bất cứ ai trong gia đình, dù là lệnh của một đứa bé 10 tuổi.

“Nếu con pha cho con 1 tách trà, mẹ sẽ khỏe hơn”, bà nói mà thấy như là mình có lỗi. Sau đó, bà đứng dậy, lảo đảo đi lên cầu thang. Tôi nhìn và biết là mẹ rất mệt.

Tôi lấy thêm củi trong hầm chứa dưới cầu thang. Mẹ rất tiết kiệm, không lấy đủ củi, do đó có khi việc nhóm lửa làm bà phải khó chịu. Tôi dùng cả 2 bó củi nên lửa cháy rực và tôi bắc ấm nước lên. Tôi loay hoay nướng bánh mỳ. Tôi tin tưởng là bánh mỳ sẽ nóng cả ngày. Sau đó tôi pha trà, bỏ 1 ly lên mâm và mang lên cho mẹ. “Trà ngon không mẹ?”, tôi hỏi. “Con còn nước nóng không?”, mẹ ngại ngùng hỏi. “Trà đặc quá”. Tôi vui vẻ đồng ý với mẹ và nhớ tới sự kiên nhẫn của các vị thánh khi họ khốn khó. “Con sẽ đổ ra một nửa trà”. “Mẹ không phải là bà già hay quấy rầy”, mẹ thở dài nói. “Đây là lỗi do con”, tôi nói và lấy tay cầm ly trà. “Con không giỏi trong việc pha trà. Mẹ quấn khăn choàng khi ngồi dậy nhé. Con đóng cửa sổ mái lại nghe?”.

“Con đóng được không đó?”, mẹ ngại ngùng hỏi.

“Không sao đâu mẹ”, tôi nói và bắc ghế để đóng. “Con sẽ viết thư xin phép nghỉ học sau”.

Tôi một mình ngồi bên cửa sổ ăn sáng sau đó đi ra đứng ở cửa trước xem bọn trẻ đến trường.

“Mày nhanh lên không sẽ bị giết chết đó Sullivan”, bọn trẻ hét to.

“Tao không đi học”, tôi nói.

“Mẹ tao bị bệnh, tao phải ở nhà chăm sóc nhà cửa”.

Dù gì thì tôi không phải là một đứa bé có ác tâm nhưng tôi thích được lấy ra sự may mắn của mình và soi chúng bằng ánh sáng của sự không may của kẻ khác. Sau đó, tôi nấu thêm một ấm nước nữa và dọn dẹp trước khi rửa mặt và mang túi xách đi học, một mẩu giấy và bút chì to lên gác xếp sát mái.

“Con sẽ đọc thư xin phép nếu mẹ viết chúng ra giấy”, tôi nói. “Mẹ có muốn con đi gọi bác sĩ không?”.

“À”, mẹ buồn cười nói. “Bác sĩ sẽ nói mẹ đi bệnh viện. Làm sao mẹ đi bệnh viện được? Con có thể đến gặp người bán thuốc tây và nói ông ấy bán cho mẹ 1 chai thuốc ho loại mạnh”.

“Mẹ viết tên thuốc đi”, tôi nói, “Nếu mẹ không viết, con sẽ quên mất. Mẹ nhớ viết hoa chữ “mạnh”. Con nấu gì cho bữa tối đây mẹ? Trứng hả mẹ?”.

Tôi chỉ có thể biết luộc trứng mà thôi. Tôi ít nhiều chỉ mong mẹ nói luộc trứng nhưng mẹ nói tôi nướng thêm lạp xưởng, trong trường hợp mẹ có thể thức dậy và ăn được.

Tôi đi qua ngôi trường. Đối diện với nó là một quả đồi. Tôi đi trên một quãng trên đồi và đứng lặng lẽ ở đó trong 10 phút. Ngôi trường và sân trường, cổng trường như một bức tranh vẽ, yên tĩnh, biệt lập, trừ những tiếng ồn ào phát ra từ các cửa sổ để mở và những cái liếc mắt của thầy Danny Delaney khi thầy cầm một cây gậy sau lưng và đi qua cửa trước, liếc nhìn thế giới bên ngoài. Niềm vui giản đơn và dạt dào của những ngày như vậy thật là tuyệt vời.

Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG


Khi tôi trở về nhà và chạy nhanh lên gác, tôi thấy cô Minnie Ryan đang ngồi với mẹ. Cô là người phụ nữ trung niên, rất có hiểu biết, nói nhiều và sùng đạo.

“Mẹ khỏe không mẹ?”, tôi hỏi.

“Rất khỏe”, mẹ cười nói.

“Nhưng chỉ hôm nay không ra khỏi giường”, cô Minnie Ryan nói.

“Cháu sẽ nấu nước và pha trà mời cô”, tôi nói.

“Không sao, cô tự làm được”, cô Minnie nói.

“Dạ, đừng lo, cô Ryan”, tôi nói nhỏ nhẹ,

“Cháu làm được mà”.

“Chị Wisha, nó dễ mến chưa!”, tôi nghe cô nói nhỏ với mẹ.

“Nó quý như vàng”, mẹ nói.

“Giờ không có được nhiều đứa trẻ như nó”, cô Minnie nói. “Chúng nó như quỷ sứ chớ không phải là những đứa bé Công giáo”.

Buổi chiều, mẹ muốn tôi đi chơi nhưng tôi không đi xa. Nếu tôi đi xa, tôi sẽ bị cám dỗ. Bên dưới nhà tôi có một thung lũng. Những cánh đồng bông nằm bên trên vách đá còn phía dưới thung lũng sâu, có hồ nước và các con kênh chảy giữa các quả đồi có cây cối bao phủ. Tùy theo tâm trạng của bạn, bạn có thể gọi những quả đồi này là Rockies, Himalayas hoặc Highlands. Mỗi lần ở đó, tôi hầu như quên hết thế giới thực, do đó, tôi đến ngồi trên một bức tường bên ngoài ngôi nhà tôi, cứ nửa giờ lại chạy vô xem mẹ thế nào và mẹ có cần gì không.

Đêm xuống, đèn đường được thắp sáng, trẻ em bán báo rao báo inh ỏi. Tôi mua một tờ báo, thắp đèn trong bếp và ngọn nến trên gác mẹ đang nằm. Tôi cố gắng đọc cho mẹ nghe nhưng thật khó vì tôi chỉ biết một số vần. Tôi muốn mẹ được vui và mẹ cũng muốn thế, do đó, chúng tôi cùng đọc.

Sau đó, cô Minnie Ryan đến. Tôi đón cô ở cửa.

“Nếu chỉ sáng mai không khỏe hơn, cô nghĩ chúng ta nên gọi bác sĩ, Flury ạ”, cô quay qua nói.

“Tại sao?”, tôi lo lắng hỏi. “Cô nghĩ mẹ trở nặng hơn hay sao, cô Ryan?”

“À, cô không nghĩ vậy”, cô bình tĩnh đáp, “Nhưng cô sợ chỉ bị viêm phổi”.

“Bác sĩ sẽ khuyên mẹ đi bệnh viện, đúng không cô?”

“Không đâu”, cô nhún vai nói và kéo khăn choàng xuống. “Nhưng nếu ông ấy đề nghị, chúng ta có nên phớt lờ không? Cháu có còn chút rượu whiskey trong nhà không?”

“Cháu sẽ đi mua”, tôi nói ngay. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra với người bị viêm phổi và sau đó là cho con cái của họ.

“Nếu cháu hâm nóng rượu, sau đó nặn vào một lát chanh rồi cho mẹ uống thì bệnh sẽ biến mất”, cô Minnie nói.

Mẹ nói mẹ không muốn uống whiskey vì mẹ sợ nó đắt tiền nhưng tôi lo lắng cho mẹ nên không trì hoãn việc đi mua. Khi tôi đến, quán rượu đông đúc đàn ông. Họ né ra cho tôi đi đến quầy. Tôi chưa bao giờ đến quán rượu nên tôi thấy sợ.

“Xin chào, bông hoa cũ của tôi”, một người đàn ông nói và cười nham nhở. Lần cuối cùng anh đến cách đây cũng đã 10 năm. Anh cần gì?”

Thằng bạn Bob Connell nói với tôi nó có lần xin một người say nửa đồng crown và ông ta đã cho nó. Tôi cũng muốn như thế nhưng lúc đó, tôi không thích xin.

“Tôi muốn mua nửa ly whiskey cho mẹ tôi”, tôi nói.

“Ồ, thằng lưu manh hết sức”, người đàn ông nói. “Nó vờ mua cho mẹ. Lần trước tôi thấy nó bị lôi về nhà”.

“Tôi không mua cho tôi”, tôi giận dữ nói. “Tôi mua cho mẹ tôi. Mẹ tôi đang bệnh”.

“Thôi, cứ mặc kệ nó, Johnie”, chị tiếp viên nói. Chị ta đưa rượu cho tôi, sau đó, tôi đi ra trong nỗi sợ hãi và đến một cửa hàng để mua chanh.

Sau khi uống rượu whiskey nóng, mẹ ngủ. Tôi tắt đèn và cũng đi ngủ nhưng tôi ngủ không ngon. Tôi tiếc là đã không xin người đàn ông trong quán rượu nửa đồng crown. Tôi thức giấc nhiều lần do mẹ ho. Khi tôi đi vào phòng mẹ, trán mẹ rất nóng và mẹ nói lảm nhảm. Tôi rất lo sợ nhưng mẹ không biết. Tôi nằm thao thức, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi nếu mẹ thật sự bị viêm phổi.

Tôi càng lo lắng hơn vào sáng hôm sau, do mẹ không khỏe hơn. Tôi làm tất cả những gì có thể nhưng tôi thấy bất lực. Tôi nhóm lửa và nấu cho mẹ bữa sáng. Lần này, tôi không đứng trước cửa để nhìn lũ bạn đến trường. Nếu đứng đó, tôi sẽ ganh tỵ với chúng. Do đó, tôi đến báo tình hình của mẹ cho cô Minnie Ryan.

“Cô sẽ gọi bác sĩ”, cô nói chắc nịch. “Muộn còn hơn không”.

Đầu tiên tôi sẽ đến văn phòng của Người bảo vệ luật tế bần để xin phiếu mất khả năng chi trả. Sau đó, tôi sẽ đến trạm xá nằm dưới thung lũng bên kia trường học. Tiếp đó, tôi sẽ về nhà chuẩn bị các thứ cho bác sĩ. Tôi phải đổ nước vào chậu, chuẩn bị xà bông, khăn ướt và nấu bữa tối.

Bác sĩ được mời sau khi tôi ăn tối. Ông là người đàn ông mập mạp, nói giọng sang sảng và như tất cả những ai mê say nghề y khác, ông được cho là “bác sĩ giỏi nhất ở Cork, nếu ông ấy nghĩ đến khả năng của mình”. Sáng hôm sau ông tới và ông có vẻ chẳng nghĩ gì về mình.

“Làm sao cháu có thể đi mua thuốc này?”, ông ngồi trên giường với toa thuốc đặt trên hai đầu gối và phàn nàn. “Nơi duy nhất mở cửa bây giờ là trạm xá phía Bắc”.

“Cháu sẽ đi mua, thưa bác sĩ”, tôi nói ngay và thấy nhẹ nhõm khi không nghe ông nói gì về bệnh viện.

“Đường xa lắm”, ông ngại ngùng nói. “Cháu biết chỗ nào chưa?”

“Cháu sẽ tìm”, tôi nói.

“Cháu bé thật tuyệt vời”, ông nói với mẹ.

“Ồ, nhất trên đời đó bác sĩ!”, mẹ nói. “Con gái cũng không giỏi hơn”.

“Tốt”, bác sĩ nói. “Hãy chăm sóc mẹ. Mẹ là người bạn tốt nhất của cháu trên đường đời”. “Chúng ta không nghĩ về mẹ khi chúng ta có mẹ”, ông quay sang nói với mẹ, “Nhưng chúng ta sẽ mất cả đời để nuối tiếc về điều đó”.

Tôi ước gì bác sĩ không nói như vậy, vì nó nói rất đúng với tâm trạng tôi. Ông còn tệ hơn khi không dùng xà bông và nước tôi đã chuẩn bị.

Mẹ chỉ đường cho tôi đến trạm xá và tôi đi, cặp trong nách một cái chai được gói trong giấy màu nâu. Đường đi dẫn lên đồi, nơi có rất ít người ở, kéo dài tới tận cánh đồng bông trên đỉnh đồi, từ đó có thể nhìn xuống cả thành phố, rồi đi xuống, chạy dọc giữa hai bức tường cao, sau đó, gần như mất hút với con đường nhỏ đầy sỏi đá, có một dãy nhà gạch liền vách nằm ở một bên. Con đường này chạy xuống một thung lũng có một con sông nhỏ, một nhà máy sản xuất bia và đối diện với sườn đồi, có một nhóm các ngôi nhà nhìn như tổ ong, âm thầm quây quần bên nhau. Có thể nhìn thấy trong tầm mắt ở đó có tháp sa thạch màu nâu của nhà thờ chính tòa và tháp đá vôi của nhà thờ Shandon.

Trời quang đãng như chưa bao giờ được như thế. Ánh nắng mặt trời tươi sáng như đang chiếu rọi thảo nguyên trong ánh nắng, dãy các mái nhà bừng sáng như có tuyết phủ. Ánh nắng sau đó đến lục lọi các con đường u tối, làm cho bóng của xe bò, xe ngựa đang đi in hình xuống đường. Tôi ngồi dựa vào một bức tường thấp và nghĩ nếu giờ người ta không có gì lo lắng thì sẽ thấy hạnh phúc biết bao. Tôi chấm dứt ý nghĩ này bằng một tiếng thở dài và đi một mạch xuống chân đồi, sau đó đi theo những con đường nhỏ tối tăm và gập ghềnh phía sau nhà thờ chính tòa mà giờ tôi thấy rất lớn. Để khích lệ tôi, mẹ tôi đã cho tôi 1 đồng penny và tôi hứa là sau khi xong việc, tôi sẽ mua một cây nến và vào nhà thờ chính tòa để cầu xin Đức Mẹ cho mẹ tôi mau hết bệnh. Tôi thấy an tâm vì cho rằng lời cầu nguyện trong một nhà thờ cao lớn sẽ có hiệu quả, do nó gần với thiên đường hơn.

Trạm xá là một ngôi nhà nhỏ, bẩn thỉu, một bên đặt một chiếc ghế băng còn bên kia là cái cửa sổ trông như cửa sổ ở phòng bán vé xe lửa. Có một cô bé mang khăn choàng kẻ ô màu xanh ngồi trên ghế. Tôi gõ cửa sổ và một người đàn ông tiều tụy, vẻ giận dữ ra mở cửa. Chẳng cần đợi tôi nói hết câu, ông ta đã chụp cái chai và toa thuốc rồi đóng sập cửa sổ lại, không nói một lời. Tôi đứng chờ một lát, sau đó lại lấy tay gõ cửa.

“Anh cần phải đợi”, cô bé nói.

“Anh sẽ phải đợi cái gì đây?”, tôi hỏi.

“Ông ấy phải pha thuốc”, cô bé giải thích. “Anh nên ngồi xuống”.

Tôi ngồi xuống, vui vì có bạn.

“Anh sống ở đâu?”, cô bé hỏi. “Em sống ở Blarney Lane”, cô ấy nói sau khi tôi trả lời. “Anh mua thuốc cho ai?”

“Cho mẹ anh”, tôi đáp.

“Mẹ anh bị sao?”

“Mẹ anh bị ho nặng”.

“Mẹ anh có thể bị lao phổi”, cô bé trầm tư nói. “Chị em chết vì bệnh này năm ngoái. Em đi mua thuốc bổ cho một chị khác của em. Chị ấy luôn luôn dùng thuốc bổ. Chỗ anh ở vui không?”

Tôi kể cho cô ấy nghe về thung lũng, cô ấy kể tôi nghe về dòng sông gần chỗ cô. Cô bé nhỏ nhắn, vui vẻ và nói nhiều. Tôi không để ý đến thời gian cho đến khi cửa sổ được mở ra và chai thuốc có màu đỏ được đưa ra.

“Nè Doodey!”, người đàn ông nói và khép lại cửa sổ.

“Chai này là của em. Anh chờ ông ấy một chút. Còn em sẽ chờ anh”, cô bé nói.

“Anh có 1 penny”, tôi khoe.

Cô bé chờ cho đến khi chai thuốc của tôi được đưa ra, sau đó đi với tôi đến đường bậc thang dẫn xuống nhà máy bia. Trên đường đi, tôi mua 1 penny kẹo và chúng tôi ngồi ăn trên bậc thang gần trạm xá. Cảnh vật thật đẹp. Tháp chuông nhà thờ Shandon ngả bóng phía sau chúng tôi, cây cối tươi non xõa cành trên những bức tường cao còn mặt trời đã lên cao, trông giống một quả cầu vàng và cũng soi bóng chúng tôi xuống đường.

“Anh cho em uống chai thuốc với”, cô bé nói.

“Sao vậy?”, tôi hỏi. “Em không thể uống chai em đang cầm sao?”

“Chai của em thật khủng khiếp”, cô bé nói. “Thuốc bổ luôn có mùi khó chịu. Anh có thể nếm nếu anh thích”.

Tôi nếm thử và phải nhổ ra ngay. Cô bé nói đúng. Nó thật khủng khiếp. Sau đó, tôi cho cô ấy nếm chai thuốc của tôi.

“Thật tuyệt vời”, cô bé nói hăm hở sau khi nếm thử. “Thuốc ho thường rất ngọt. Anh thử đi!”

Tôi thử và thấy cô bé nói đúng. Nó ngọt và nhớp nhớp.

“Chúng ta uống thêm đi”, cô bé hào hứng nói và chộp chai thuốc.

“Chai thuốc sẽ cạn đó em”, tôi nói.

“Không đâu”, cô bé cười nói.

“Còn nhiều ga lông mà”.

Không hiểu sao, tôi không thể từ chối cô bé. Tôi bị quét đi từ nơi thả neo an toàn đến một thế giới lạ lẫm có tháp chuông nhà thờ, cây cối, bậc thang, các con hẻm tối và các cô bé tóc đỏ, mắt xanh. Tôi uống một ngụm và đưa chai cho cô bé. Sau đó tôi thấy hoảng loạn. “Chai thuốc gần hết rồi!”, tôi nói. “Anh phải làm sao đây?”

“Anh cứ uống cạn rồi nói nút chai bị bật ra”, cô bé nói và tôi thấy có lý. Chúng tôi cùng uống cạn, sau đó, tôi từ từ nhìn cái chai trên tay, thấy nó cạn khô như khi tôi mang nó đi và nhớ ra rằng tôi đã không giữ lời hứa với Đức Mẹ vì đã tiêu mất đồng penny vào việc mua kẹo. Tôi thấy rất đau khổ. Tôi đã làm cô bé hài lòng nhưng cô ấy chẳng quan tâm gì đến tâm trạng tôi lúc này. Cô ta lúc nào cũng rất thèm muốn chai thuốc ho của tôi. Tôi thấy cô ấy cũng có tội. Tôi lấy tay che mặt và khóc.

“Sao anh khóc vậy?”, cô bé ngạc nhiên hỏi.

 “Mẹ anh đang bệnh mà chúng ta thì đã uống hết thuốc của mẹ anh rồi”, tôi nói.

“Đừng có khóc hờn như vậy”, cô bé chê bai. “Anh chỉ cần nói là do nút chai bị bật ra. Điều này chắc chắn luôn xảy ra”.

“Anh còn hứa là sẽ thắp nến cho Đức Mẹ nhưng anh đã mua kẹo cho em mất rồi”. Tôi than khóc và bỗng chụp cái chai không, la thét và bỏ chạy. Bây giờ tôi chỉ còn một nơi ẩn náu và một hy vọng. Đó là phép lạ. Tôi vào nhà thờ chính tòa, quỳ xuống trước đền Đức Mẹ, xin lỗi vì đã tiêu mất đồng penny và hứa là sẽ thắp nến cho bà bằng đồng penny khác, nếu bà ban phép lạ, cho mẹ tôi khỏe trước khi tôi trở về nhà. Sau đó, tôi bò về nhà, leo ngược ngọn đồi cao. Ngày đã không còn nắng, sườn đồi trở nên mênh mông, xa lạ và độc ác. Ngoài ra, tôi còn thấy mình rất mệt mỏi. Tôi nghĩ chắc tôi sắp chết. Nếu vậy thì có lẽ là tốt hơn.  

Khi tôi trở về nhà, sự yên ắng của nhà bếp và đống tro tàn trong bếp làm tôi chấn động mạnh và quả quyết rằng Đức Mẹ đã bỏ rơi tôi. Không có phép lạ nào và mẹ tôi vẫn đang nằm bệnh trên giường. Tôi lập tức kêu khóc.

“Có việc gì đó con?”, mẹ nói vọng xuống từ trên gác.

“Con làm mất chai thuốc rồi!”, tôi rống lên và chạy lên gác, quăng mình vào giường và lấy mền gối che mặt lại.

“Ô, chỉ có vậy thôi mà!”, mẹ nhẹ nhõm thở ra và lấy tay xoa đầu tôi. “Có chuyện gì khác không con?” Một lát sau mẹ hỏi. “Đầu con nóng lắm”.

“Con uống hết chai thuốc rồi”, tôi hét lên.

“À, có sao đâu”, mẹ dỗ dành. “Con ơi, đó là lỗi của mẹ. Mẹ đã để con đi một mình, rồi về tay không. Thay quần áo đi con rồi nằm xuống đây”.

Mẹ ngồi dậy mang dép và khoác áo khoác, cởi giày tôi ra khi tôi đang ngồi trên giường. Nhưng trước khi mẹ cởi được nó ra, tôi đã chìm vào giấc ngủ. Tôi không thấy mẹ mặc quần áo, không nghe tiếng chân mẹ bước ra nhưng thi thoảng, tôi thấy có một bàn tay đặt trên trán tôi và thấy cô Minnie Ryan dòm tôi cười.

“À, không sao đâu”, cô nói và kéo khăn choàng phủ đầu mình. “Sáng mai ngủ dậy cháu sẽ khỏe thôi. Cháu Sullivan, em cũng cần nằm trên giường”.

Tôi biết rằng Chúa sẽ phạt tôi nhưng tôi không biết làm sao. Sau đó, tôi thấy mẹ cầm nến và tờ báo đi vào và tôi cười với mẹ. Mẹ cười đáp. Cô Minnnie Ryan có thể sẽ khinh thường tôi như cô thích nhưng cũng sẽ có người không khinh thường. Cuối cùng, phép lạ đã xảy ra: “Mẹ không còn bệnh đau nữa”.

Trần Ngọc Hồ Trường dịch
(dịch từ 50 great Short Stories, Bantam Book, New York, 2005).
 
(TCSH43SDB/12-2021)


 

 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Gấu trắng (27/12/2021)
Đám mây lửa (13/12/2021)
Người thầy (20/08/2021)