Truyện dịch
Vì ai mà tỏa sáng
14:43 | 15/12/2022

ARESS MOHAMED

Trong lòng con thuyền đang lênh đênh trên mặt biển là 12 người, 7 đàn ông, 4 phụ nữ và 1 đứa trẻ. Đứa bé hình như đang thiếp đi trong vòng tay mẹ nó. Tính đến nay, con thuyền đã trôi được bốn ngày.

Vì ai mà tỏa sáng
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Người phụ nữ ôm con nhìn rất đờ đẫn và sa sút, tiếng hát ru lẫn với tiếng thở dài. Có lần, chị giơ con hứng sương mù Địa Trung Hải. Có lúc, chị vốc nước biển lên rửa mặt cho nó, khiến đứa bé bị muối làm cay mắt. Sóng biển dềnh lên dập xuống, khiến đầu họ gục gặc theo. Bất kể khi thức hay ngủ, tay người nào cũng bám cứng lấy thành thuyền. Đột ngột, mọi người rục rịch cử động và hướng mắt về phía mặt trời lặn. “Nhìn kìa, Guleed”, một phụ nữ áng chừng ngoài ba mươi tuổi nói với thiếu niên ngồi cạnh, “Bờ biển đấy. Bờ biển đúng không?” Vừa nói, chị vừa vỗ vỗ vào vai cậu thiếu niên.

Guleed không nói chuyện. Kể từ khi họ cùng nhau lên chiếc thuyền này ở Tripoli (Liban), cậu chưa hé môi nửa lời. Ngay cả một mẩu bánh mỳ khô mà họ mang theo, cậu cũng chưa cắn một miếng. Bất cứ ai bắt chuyện, cậu đều đáp trả  bằng  thái độ gắt gỏng. Người phụ nữ không  bỏ cuộc, “Mẹ thấy có ánh sáng. Con cũng nhìn thấy nó phải không?”.

“Trông nó thế nào?”, Guleed hỏi bằng giọng khào khào như thể tiếng thì thầm. Có vẻ, lưỡi của cậu quá yếu để nảy thành tiếng, còn bụng thì chẳng khác nào chứa tảng than nóng rẫy bên trong. Người phụ nữ nhíu mày, cố nhìn xa. “Màu cam thì phải. Chúng chuyển động và nhảy nhót”.

Con thuyền tiếp tục lướt, phát ra tiếng kêu kẽo kẹt dưới sức nặng của cả thể trọng lẫn ước mong, ký ức, nỗi sợ hãi… của những người ngồi trên. Nếu nhìn xuống từ tầng không, con thuyền chắc giống như lục địa tí hon hoặc phiến đá nhỏ xíu trôi trên vùng biển xanh ngăn ngắt.

Đứa trẻ tuột khỏi tay mẹ, trượt xuống lòng thuyền, nằm sấp dưới chân những người đàn ông. Trông nó hệt như con búp bê hỏng bị vứt. Mẹ của nó không hề nhìn xuống hay có bất cứ cử động nào. Mẹ Guleed với tay qua, nhấc đứa trẻ lên và ôm vào lòng. Chị gỡ khăn trùm đầu xuống, đắp cho nó. “Ngủ đi cháu”, chị nói nhỏ.

“Giá mà mình cũng có thể ngủ”, Guleed lẩm bẩm. “Ước gì chợp mắt được một lần”, cậu tiếp tục và lặp đi lặp lại mấy lần. Cơ thể cậu lắc lư. Cậu muốn ngủ nhưng lại sợ thiếp đi. Cứ mỗi lần như thể vừa mất ý thức trong chốc lát trôi qua, cậu lại nhắc lại câu “ước gì ngủ được” và nhận ra mình vẫn thức. Mẹ Guleed giơ tay quàng qua vai cậu, giữ con đỡ chao đảo.

“Thành công rồi”, người đàn ông mà họ gọi là “cò di cư” đứng dậy hét lên. Hắn ta tóm chân đứa trẻ và giật nó ra khỏi mẹ Guleed. Chị giằng lại, bị hắn dí súng vào thắt lưng nên đành buông ra. Xách chân đứa trẻ lủng lẳng trên tay, hắn bước lên đầu thuyền, quăng nó xuống. Biển vẫn mở rộng, không động tĩnh. Những gợn sóng nhỏ nhẹ gần như phẳng lặng, nhìn hệt như sóng tim của bệnh nhân hấp hối trên màn hình máy theo dõi. “A… a… Muhajirun! Ôi, Đất Hứa!”, hắn dang rộng hai tay và gào to.

“Chính là đây, tao đã mang chúng mày đến Canaan rồi này”, hắn quay mặt lại, đối diện với mọi người trên thuyền và hò hét tiếp. Trong miệng hắn, ánh hoàng kim lóe lên từ chiếc răng bọc vàng. “Tao chỉ có nghĩa vụ đưa chúng mày đến đây thôi. Giờ thì nhảy xuống đi. Cầu trời cho biển sẽ tách đôi giúp mấy kẻ không biết bơi”.

Có người cầu nguyện. Có người chống đối. Có người đề nghị trả thêm tiền. Hắn chĩa vũ khí vào tất cả. Mọi người nhìn ra biển và nhìn khẩu súng. Họ phải chọn một trong hai.

*

Một buổi sáng tháng 1/2016, mẹ Guleed gọi cho tay trung gian đưa người di cư từ Kenya và Somalia đến châu Âu - Mukhallas. Họ gặp mặt bên ngoài căn lều ở tạm của chị tại khu  4, trại tị nạn Dadaab, Garissa, Đông Bắc Kenya. Chị rót trà, mời y uống. Vừa lúc đó, 2 cậu bé ở đâu chạy tới và một trong số đó là Guleed. Chúng vừa chơi đá bóng xong, mặt mũi đứa nào cũng lấm lem còn da tay thì nhăn nheo, nhợt nhạt.

“Mấy cái thằng quỷ này! Mẹ đã bảo là cấm được bén mảng tới cái ao bẩn thỉu đó bao nhiêu lần rồi? Không đứa nào biết nghe lời à?”, chị quát.

“Con thề với mẹ là con không  có nhảy xuống bơi. Con chỉ đứng  trên bờ, rửa mồ hôi thôi”, Guleed cãi cự. Chị biết, Guleed nói dối. Lần nào cũng vậy, cứ khi trời vừa mưa xong là không ai có thể ngăn nổi đám trẻ con nhảy xuống các ao, vũng chứa nước mưa của những nhà chăn nuôi gia súc. Suốt mùa mưa, chị luôn thấp thỏm sợ Guleed chết đuối.

“Thằng bé mấy tuổi rồi”, Mukhallas hỏi, hất mặt về phía Guleed. Môi y nhếch lên, để lộ hàm răng ám màu khói thuốc đen xỉn.

“Mười lăm”, chị trả lời.

“Nhỏ quá”.

“Thằng bé giỏi lắm đấy. Nó có năng khiếu về bóng đá”, chị khoe. “Ngoài bóng đá ra, nó chẳng quan tâm bất cứ thứ gì. Những giải thưởng về bóng đá mà nó nhận được đủ treo từ chân lên đỉnh cái lều này luôn. Đến cả ngủ mơ, nó cũng lảm nhảm về bóng đá”.

“Sẽ thật đáng tiếc nếu để tài năng đó phí phạm trong cái lều này nhỉ?”, y hớp ngụm trà. “Giống như tôi. Giống như rất nhiều người khác”.

“Thằng bé mơ mộng lắm. Nó ước được chơi cho Liverpool hoặc đội bóng nước ngoài nổi tiếng khác. Trong mắt nó, chẳng có bức tường hay rào cản nào cả. Nó sẽ không cam chịu sống ở nơi này”.

“Nào ai biết tương lai sẽ ra sao”, y nói. “Có điều, hình như các nhà chức trách Kenya và Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người Tị Nạn đang định giải tán và đóng cửa trại tị nạn đấy. Những người nghe được tin đều cố đút lót để được đưa đi trước, họ đang chen chúc nhau trên xe đến Somalia kìa”.

“Tôi không có người nhà ở Somalia”, chị tiếp chuyện. “Chồng tôi đã chết ở đây. Vì xích mích gia đình vô  bổ.  Chúng tôi thậm chí còn chưa sống với nhau được tròn ba tháng”.

“Người Somalia là loài rắn nhầm lẫn đuôi của mình với đuôi của loài khác mà tự cắn ăn”, y ra vẻ cảm thông. “Tôi biết”, chị trả lời rồi ngồi im. Cả hai không nói gì một lúc lâu.

“Anh biết đấy, tôi có thể tiếp tục sống trong thị trấn khô hạn, tồi tàn này”, chị phá vỡ sự im lặng. “Tôi không ngại bị hạn chế, thiếu thốn tiền bạc, không có nhà vệ sinh hoặc phải làm người giúp việc cho nhà khác. Tôi cũng chẳng ngán bị biến thành kẻ vô gia cư. Tôi có thể đứng xếp hàng cả tuần trong cái nóng chỉ để xin một cốc ngô và một muỗng muối. Dù có bị tình nghi hay đổ lỗi về tội mà mình không hề làm, tôi không quan tâm. Có thành tù nhân hay thậm chí là người ngoài hành tinh, tôi cũng chẳng ngại. Chỉ cần được sống, tôi sẵn sàng chấp nhận tất thảy”. Vừa nói, chị vừa nhìn thẳng vào Mukhallas. Đôi mắt chị như tỏa nhiệt, phừng phừng khí thế. “Nhưng, tôi không muốn con mình cũng phải khổ sở như thế”.

“Chỉ cần bỏ ra vài nghìn đô thôi, rồi cả chị lẫn thằng bé đều có thể đến Ý, Thụy Điển, Đức hoặc bất cứ nơi nào khác tốt đẹp. Chúng tôi đảm bảo sẽ đưa cả 2 tới châu Âu an toàn”.

“Đừng nghĩ tôi là ả ngu!”, chị nhếch mép cười khinh. “Tôi biết di cư bằng thuyền rủi ro như thế nào. Nó chẳng khác gì tự sát. Đó không phải là việc nên thử, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ con. Dù thế, tôi sẵn sàng thử thách, miễn sao tương lai tốt đẹp hơn bây giờ. Vì con trai, có phải nhảy vào địa ngục tôi cũng cam”.

Chị đã có sẵn một khoản tiền nhỏ nhờ may vá và tiết kiệm trong thời gian sống trong trại tị nạn. Ngoài ra, chị cũng vay mượn được chút đỉnh. Một tháng sau, chị có đủ tiền và quyết định di cư.

*

Quay lại hiện tại, biển đang vẫy gọi những người trên thuyền. Tuy bề ngoài nó trong xanh và êm dịu, nhưng bên dưới chắc chắn chỉ toàn tàn ác. Không gian im ắng tới nghẹt thở, người này nhìn người kia rồi nhìn lên bầu trời. Họ trông chờ một dấu hiệu, một câu trả lời hoặc bất cứ động tĩnh gì. Sau một hồi, người này nối tiếp người kia nhảy xuống. Cuối cùng, chỉ còn gã “cò di cư”, Guleed và mẹ. Chị nhìn những người dưới nước đang miệt mài  bơi  với  sải tay mệt mỏi, vừa cố chống chọi lại trọng lực vừa gắng gượng hướng về phía trước. Những ngày qua, bụng họ chỉ toàn nước biển và bây giờ, phổi họ dễ cũng đang bị nước biển lạnh lẽo tràn vào. Chị có cảm giác, vị mặn chát của biển đang lan trên lưỡi và chảy xuống vòm họng. Hình như, ngay cả nước biển lạnh ngắt cũng đã vây bọc quanh người. Đứng dậy, chị ôm Guleed. “Mẹ xin lỗi vì đã khiến con buồn. Con hãy tha thứ cho mẹ nhé!”, chị nói và Guleed bối rối thấy rõ.

“Con đã quên mất cảm giác đứng trên đất liền là thế nào mất rồi”, Guleed nghẹn ngào.

“Cảm giác thế nào ấy à?”, chị nhìn phía bờ. “Thì chắc là như ở nhà vậy. Con sẽ sớm cảm nhận lại được ngay thôi. Con bơi được mà, phải không nào?”, chị nói như thì thầm. Buông tay khỏi người Guleed, chị đưa lên ôm mặt cậu, hôn cả hai bên má và nở nụ cười. Đôi mắt của chị híp lại, lộ khóe đầy nếp nhăn.

Chị quay đầu, đối diện gã “cò di cư” và nhìn vào khẩu súng trên tay hắn. Dù có nhắm chặt mắt, chị vẫn thấy hình ảnh những gã như hắn ở Sahara. Chị thậm chí chưa xóa được cảm giác bàn tay thô ráp của họ mài mòn da thịt mình. Mồ hôi chảy trên mặt họ, nhỏ xuống lưng. Tiếng họ gầm gừ trong gió. Mùi mốc của dây da đeo súng trường. Quay mặt ra biển, chị nhìn vào cái mênh mông của nó lần cuối. Đây là lần đầu tiên trong đời, chị phải bơi.

Mặt trời đã lặn, hoàng hôn đỏ thẫm như bức tranh của Raphael. Chị đứng yên, đôi mắt kiên định nhìn vào họng súng như thể thách thức cái chết và thất bại. Hóa ra, trước cái chết, chị cũng như bao người phải sụp xuống phục tùng.

*

Khi cuộc hành trình bắt đầu, Guleed và mẹ ngồi trên chiếc Nissan Caravan 14 chỗ cùng 15 người khác, đa số là người Somalia và Ethiopia. Họ từ Nairobi băng qua Thung lũng Great Rift và tới Nam Sudan. Xuống Juba (Sudan), họ chuyển sang xe tải chở tới Thủ đô Khartoum, tiếp đến lại lên đường đến Sahara. Chiếc xe chở họ tới Sahara chạy như điên, trong thùng xe có gắn thêm thanh gỗ để người ngồi nắm cho khỏi bị ngã.

Sahara hệt như mảnh giấy màu cam rộng vô hạn, gió xóa mất đường và tạo nên những ngọn đồi. Chiếc xe tải lướt ào ào, tung bụi mù mịt. Guleed liên tục thấy khát và đói, toàn thân đau nhức, rã rời. Cậu không kêu ca, vì phải mạnh mẽ để mẹ không lo lắng. Chỉ cần đưa mẹ đến đích an toàn, cậu sẵn sàng chiến đấu với mọi thứ. Và, khi hai mẹ con tới châu Âu, cậu sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như khát khao. Ở quê nhà, cậu đã thắng tất cả các giải đấu, giành hết các danh hiệu. Chỉ vì  tị nạn, cậu mới mất cơ hội vào đội tuyển quốc gia. Đến châu Âu rồi, cậu sẽ tham gia ngay vào học viện bóng đá và biểu hiện thật tốt. Rất nhanh thôi, cậu sẽ được chơi ở các giải đấu hàng đầu. Cậu sẽ đầu quân cho Liverpool F.C. Khi nổi tiếng và giàu có, cậu sẽ về quê, xây dựng học viện giúp đỡ những cầu thủ trẻ triển vọng.

Sau 6 đêm chạy trên sa mạc, họ tới Nam Libya, dừng chân tại làng Al-Qatron. Nguồn thực phẩm đã cạn kiệt, mọi người cố cầm hơi bằng chút nước và bánh mì khô. Mấy đêm đã trôi qua mà những tay trung  gian vẫn chưa xuất hiện. Ai nấy ngờ vực bị lừa, nhưng cũng không thể làm gì khác ngoài chờ đợi. Sống là nỗ lực trì hoãn cái chết. Đối với họ, sự sống hình như đang bị cắt thành lát và nhét vào miệng, buộc phải nuốt mỗi ngày. Những gã trung gian đã xuất hiện. Ai nấy nhẹ nhõm hẳn đi. Họ bị nhồi lên thùng xe tải có đục lỗ thông gió, bên trong tối thầm và nóng bức, tiếp tục vượt Sahara tới Bắc Tripoli. Xuống xe, quần áo người nào cũng đẫm mồ hôi. Họ được dẫn vào khu nhà sang trọng, quét vôi trắng và lại phải chờ. Đôi chân người nào cũng loạng choạng, mắt thì trũng sâu. Chiếc xe tiếp theo có mặt, kẻ trung gian cầm tờ giấy ghi tên người và bắt đầu đọc.

Guleed và mẹ cùng 2 phụ nữ khác không có tên trong danh sách. Họ nhận được thông báo, phải dừng chân tại đây vì gã trung gian ở Kenya chỉ trả tiền đủ tới Tripoli. Nếu muốn vượt biển sang châu Âu, họ cần liên hệ với gia đình để sắp xếp chuyển khoản thêm, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Ba ngày sau, vì không có tiền, Guleed bị lôi tới góc hẻo lánh của khu nhà, nơi có một số đàn ông và nam thiếu niên đang bị xích chân vào cột sắt. Tất cả họ đều trần truồng. Guleed cũng bị lột sạch, xích chân vào cột sắt khác. Da cậu tì vào bề mặt kim loại nóng, cơn khát mỗi lúc một dữ dội hơn. Không khí đặc quánh mùi nước tiểu và máu. Năm gã đàn ông to cao đánh vào lưng họ, ép uống nước mặn. Chúng vừa hút thuốc vừa cười hô hố, át cả tiếng khóc của người bị bạo hành.

Sau khi đánh đập Guleed, chúng lôi mẹ cậu và 2 người phụ nữ kia vào trong nhà. Guleed nghe thấy tiếng mẹ kêu khóc thảm thiết vì bị cưỡng bức. Tiếng kêu khóc ấy đâm thẳng vào cậu, tới tận nơi sâu thẳm chưa từng biết. Nghe nó khản đặc, bất lực, vô vọng hệt như tiếng kêu cứu của người chết đuối trên biển xa. Guleed ước gì nó ngừng lại, nhưng nó cứ tiếp tục. Cậu không thể bịt được tai. Cơn gió xà sát mặt đất, tung bụi cát lên lấp lánh. Trông nó uyển chuyển, thanh tao như thể đang khiêu vũ theo bản nhạc êm dịu của Beethoven giữa đêm trăng thanh. Thiên nhiên nhảy múa trong giai điệu bi kịch của con người.

Khi mẹ Guleed trở ra, chị xiêu vẹo và đờ đẫn như cái xác không hồn. Người chị loang lổ máu. Guleed nhìn vào mắt mẹ và ánh nhìn vô hồn đáp trả của chị cứa đứt ruột gan cậu. “Họ sẽ bị bán vào nhà thổ làm điếm”, gã đàn ông đứng gần Guleed nói. “Cho đến khi kiếm đủ tiền để trả phí thuyền di cư”.

Guleed nhìn theo bóng mẹ và 2 người phụ nữ bị giải đi. Cậu cảm thấy đã khiến mẹ thất vọng, vì không cứu được mẹ. Bằng tất cả sức mạnh, cậu lao về phía trước. Sợi xích sắt lôi cậu trở lại. Chân 3 người phụ nữ thoáng dừng rồi bước tiếp. Hai tháng sau, họ mới trở lại, cơ thể người nào cũng ốm tong ốm teo đến mức gió thổi bay. Kể từ lúc đấy, Guleed không thể ngủ. Cậu cứ ngồi nghiêng ngả, miệng lẩm bẩm “Chính con đã hại mẹ”.

*

Bây giờ, trước mắt Guleed là những ngọn đèn màu cam xán lạn. Cậu nhảy xuống biển. Mặc kệ cơ thể yếu ớt, cậu bơi, được sóng nâng lên. Thân thể cậu nhẹ tênh, dường như đã bị hành trình di cư rút cạn hết từ thể trọng đến năng lượng, hy vọng, ký ức. Cậu không nhìn về phía sau, nơi có những người đàn ông đã chết đuối. Cậu nhìn tới phía bờ và thấy một chiếc thuyền đánh cá đang đến.

Những ngọn đèn màu cam ngày càng gần. Hòn đảo Lampedusa (Ý) có màu trắng, những vách đá của nó thì màu nâu. Trong mắt Guleed, nó giống như con cá sấu đá khổng lồ với cái đuôi nằm dài trên mặt nước. Người người đi dạo trên bãi biển nhưng Guleed chỉ thấy như đám nhện nhốn nháo chạy trên bãi cát. Sóng biển hất cậu vào bờ. Cơ thể cậu nằm ngay phần bụng của con cá sấu đá và lũ nhện nhào tới. Cạnh cậu, thi thể một phụ nữ bị hất lên. Guleed không kịp nhận ra, người đó chính là mẹ mình.

Vũ Thị Huế dịch
(TCSH405/11-2022)

 

-----------
Theo Magunga
https://www.magunga.com/for-whom-the-light-shines-by-aress-mohamed/

 

 

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Chị Linda (25/11/2022)
Kẻ hách dịch (31/08/2022)
Người con trai (18/08/2022)
Những bức hình (16/06/2022)