Truyện dịch
Thảo nguyên châu Phi
18:30 | 17/05/2023

Ray Bradbury (1920 - 2012) là nhà văn lừng danh của Mỹ, tham gia văn đàn và thế giới điện ảnh sôi nổi trong suốt hơn 7 thập kỷ. Ông đã viết 27 tiểu thuyết và hơn 600 truyện ngắn. Truyện ngắn The Veldt (Thảo nguyên châu Phi) là một tiên đoán về mặt trái của công nghệ đang phần nào chạy theo những nhu cầu phi nhân bản của con người.

Thảo nguyên châu Phi
Nguồn ảnh: wiki

RAY BRADBURY

“Anh George, để tâm tới nhà thiếu nhi một tí đi. Em ước gì anh coi kĩ lại mọi thứ, hoặc mời một nhà tâm lí học khảo sát lại nó.”

“Được, chúng ta cùng đi.”

Hai vợ chồng cùng bước xuống tầng đại sảnh của Ngôi nhà Sống Vui có hệ thống cách âm, nơi đã được lắp đặt với giá 30.000 đô la; ngôi nhà này là nơi họ ăn, ngủ, chơi đùa và ca hát; nói chung, nó rất tốt cho họ. Và rồi, đèn nhà thiếu nhi tự động bật sáng khi họ bước tới gần. Tương tự, phía sau lưng họ, trong các sảnh lớn, đèn tự động tắt khi họ đi qua.

“Được đấy,” George nói với vợ.

Họ đứng lại trên sàn nhà lót rạ của khu nhà thiếu nhi. Bây giờ nó trống vắng như cánh rừng trưa nóng nực. Những bức tường trơn tru và vuông vức hai chiều; giờ đây, khi George và Lydia đứng chính giữa căn phòng, những bức tường bắt đầu kêu “rừ rừ”, rồi lùi lại ở một khoảng cách trong suốt. Đoạn, xuất hiện trước mắt họ một thảo nguyên châu Phi ở không gian ba chiều, ở tất cả các phía, trong màu sắc tái tạo tuyệt mĩ của từng viên sỏi, đồng thời có cả một ít rơm rạ rải rác. Phía trên cao, trần nhà trở thành bầu trời cao hun hút. Nắng oi bức, vàng cháy.

George cảm thấy mồ hôi bắt đầu chảy thành dòng trên lông mày. “Đi đi em, nực quá,” anh thốt lên. “Anh thấy nó vượt quá xa so với hiện thực. Nhưng không thấy sai lầm chỗ nào.”

“Chút nữa anh sẽ thấy,” vợ anh hạ giọng.

Bây giờ, các vi thể tạo mùi ẩn giấu đâu đó đang bắt đầu thổi một làn gió vào hai người ở giữa vùng đất thảo nguyên nhiệt đới. Nào mùi rơm ấm nóng, nơi sư tử nằm; nào mùi nước thoang thoảng của những hố nước ẩn khuất; nào mùi ngai ngái kì lạ của muôn thú vật, và đâu đó có cả mùi bụi bặm ngút trời tựa như mùi ớt cựa gà trong không gian nóng bức. Và bây giờ, xuất hiện đủ loại âm thanh: hết tiếng nện thình thịch từ xa của đàn linh dương chạy bươn mình trên bãi cỏ, lại tiếng sột soạt đập cánh của bầy kền kền. Một bóng đen lượn qua bầu trời.

“Đám sinh vật bẩn thỉu,” anh nghe vợ nói.

“Lũ kền kền đó.”

“Bầy sư tử ở đằng xa đến theo con đường đó. Bây giờ chúng đang đến các hố nước. Chúng vừa mới nhai mồi,” Lydia nói. “Ôi, em chả biết thứ gì đang đến gần.”

“Một loại động vật nào đó.” George đưa tay lên che ánh nắng đang thiêu đốt đôi mắt lác của mình. “Một con ngựa vằn, hoặc hươu cao cổ còn non.”

“Chắc không anh?”

“Không, nó diễn ra nhanh quá, anh không chắc lắm.”

“Anh có chịu nổi tiếng la hét kinh khủng đó không?” Bà xã anh hỏi.

“Khiếp quá,” anh đáp.

Bầy sư tử đang đến. Và một lần nữa, George tràn ngập sự thán phục đối với những thiên tài khoa học đã hình thành nên căn phòng này. Đây là bầy sư tử đang hiện hữu, chỉ cách 15 bước chân, rất thực - thực đến mức gây sốt -và thực sự đáng kinh ngạc đến mức bạn có thể cảm thấy bộ lông của chúng ngứa ngáy trên tay chân mình; và thoang thoảng đâu đó, ta ngửi được mùi thịt tươi tanh tưởi từ cửa miệng chúng tỏa ra, hổn hển và nhễu nhại.

Chúng đứng nhìn George và Lydia với ánh mắt vàng xanh khủng khiếp.

Minh họa: NGUYỄN DUY LINH



“Coi chừng!” Lydia hét lên.

Bầy sư tử chạy đến bên họ.

Lydia bắt đầu chạy. Theo bản năng, George lao theo.

“Khiếp quá! Chúng vồ lấy vợ chồng mình!”

“Lydia! Hãy nhớ rằng đó chỉ là những bức tường; những bức tường trong suốt, chả có gì khác cả… Để anh lau nước mắt cho em.”

“Em hoảng quá.” Cô run rẩy áp người vào vai chồng, khóc ngất. “Anh thấy chưa? Nó quá thực, em không chịu nổi. Anh phải dặn Wendy và Peter đừng đọc thêm điều gì về châu Phi nữa.”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Tại sao chúng ta không đóng cửa trong vài ngày để đi nghỉ dưỡng một thời gian?”

“Ý em là muốn tận tay chiên trứng cho anh?”

“Dạ.”

“Giặt tất luôn?”

“Dạ.”

“Rồi em quét dọn nhà cửa nữa?”

“Dạ, đúng vậy.”

“Nhưng anh nghĩ đó là lí do chúng ta mua ngôi nhà này, để chúng ta khỏi phải làm những việc ấy mà?”

“Em cảm thấy như em không thuộc về ngôi nhà này. Nhà bây giờ vừa là vợ, vừa là mẹ, rồi làm bảo mẫu luôn. Và thời gian gần đây, em thấy anh âu lo, tư lự thế nào ấy.”

“Chắc tại anh hút thuốc nhiều thôi.”

“Trông anh như thể không biết phải làm gì với chính mình trong ngôi nhà này.”

“Anh ư?” George dừng lại, cố gắng tự cảm nhận bản thân trong thời gian qua.

“Bầy sư tử không thể ra khỏi nơi đó, đúng không anh?”

Anh nhìn vào cánh cửa, thấy nó rung lên như thể có thứ gì đó đã nhảy dựng đứng lên để chống lại nó từ phía bên kia.

“Tất nhiên rồi.”

*

Trong bữa ăn tối, vợ chồng họ ngồi đối diện với thức ăn.

“Chúng tôi chưa có xốt cà chua,” anh nói.

“Xin lỗi,” một giọng nói nhỏ từ trong bàn ăn vọng lên, và xốt cà chua xuất hiện.

George ngẫm nghĩ, đối với nhàthiếu nhi, sẽ không hại gì cho tụi nhỏ nếu đóng cửa nó một thời gian. Đáng chú ý là làm thế nào nhà thiếu nhi tự động đã nhanh chóng bắt được các hiện tượng thần giao cách cảm của tâm trí trẻ em và tạo ra cuộc sống y như thật đáp ứng mọi mong muốn của chúng. Những đứa trẻ nghĩ tới sư tử, thế là có sư tử. Nghĩ tới mặt trời, có mặt trời.

Cuối cùng, anh nhai một cách vô vị miếng thịt mà cái bàn tự động đã cắt cho anh.

“Giờ anh định đi đâu?”

Anh không trả lời câu hỏi của Lydia. Lòng đầy lo lắng, anh dời gót đến cửa nhà thiếu nhi. Anh đã nghe những âm thanh chống lại nó. Xa xa, một con sư tử gầm lên.

Anh bật khóa cửa và mở cửa ra. Ngay trước khi bước vào bên trong, anh nghe thấy những tiếng thét xa xăm. Và rồi một tiếng gầm khác từ bầy sư tử, nhanh chóng lắng xuống.

George một mình đứng giữa đồng cỏ châu Phi. Bầy sư tử ngước mắt nhìn lên từ nơi chúng đang ăn, và quan sát anh.

“Biến đi,” anh ra lệnh. Nhưng chúng không đi.

Anh biết chính xác nguyên tắc của căn phòng. Bạn gửi vào đó những suy nghĩ của bạn. Bất cứ điều gì bạn nghĩ sẽ xuất hiện. “Hãy xuất hiện Aladdin và cây đèn thần,” anh cáu kỉnh la lên. Các đồng cỏ vẫn hiển hiện; bầy sư tử vẫn không hề rời đi.

“Biến đi!Tôi yêu cầu Aladdinmà!” anh hét lớn.

Nhưng chẳng thay đổi gì. Bầy sư tử lầm bầm trong đống thịt lều bều của chúng.

“Dạ, xin chào ba má.” Wendy và Peter bước vào cửa trước. Ba má chúng cùng lên tiếng: “Tốt! Hai con kịp về ăn tối rồi đó.”

“Tụi con vừa ăn đầy kem dâu và xúc xích,” bọn trẻ nắm tay nhau nói. “Nhưng tụi con sẽ ngồi xem ba má ăn.”

George gật đầu: “Được, ngồi đi, kể rõ cho ba má biết về nhà thiếu nhi.”

Hai đứa chớp mắt nhìn ba, rồi nhìn nhau. “Nhà thiếu nhi sao vậy?”

“Hãy nói về châu Phi và mọi thứ,” ba cậu bé nói với sự vui vẻ giả tạo.

Peter thưa: “Con không hiểu gì hết.”

“Ba má vừa du lịch châu Phi trên phim cuộn; có bắt gặp cả Tom Swift và sư tử điện tử nữa,” người cha kể lại.

“Làm gì có châu Phi nào trong nhà thiếu nhi, hả ba?” Peter nói đơn giản.

“Ồ, vậy thì coi ngay đi.”

Nhanh chân, Wendy chạy.

“Wendy, quay lại đây!” George gọi với theo, nhưng bóng cô bé đã biến mất. Peter nói: “Ba yên tâm. Wendy sẽ xem và kể lại.”

“Con bé không cần kể lại với ba. Ba xem rồi.”

Nhưng Wendy đã trở lại. “Làm gì có châu Phi,” cô bé vừa nói vừa thở.

George cao giọng: “Chúng ta sẽ cùng xem,” rồi cả ba bước xuống hành lang, mở cửa nhà thiếu nhi.

Hiện ra trước mắt họ là khu rừng xanh tốt, dòng sông đáng yêu, ngọn núi tím thẫm; thảo nguyên châu Phi chả biết đã biến đi đâu.

George nhìn vào khung cảnh đã thay đổi. “Thôi, đi ngủ!” Anh nói với bọn trẻ. Chúng há hốc mồm.

“Các con nghe ba nói chứ,” anh lớn giọng.

Họ cùng ra khỏi nơi đó, tiến đến một căn buồng trống không; tại đây, một cơn gió cuốn hút họ như thể những chiếc lá nâu bay vào chiếc ống thông hơi khổng lồ để nhẹ nhàng rơi vào buồng ngủ êm đềm của họ.

George chậm rãi tản bộ qua bãi hát rong; đoạn anh nhặt một thứ gì đó nằm trong chuồng gần nơi bầy sư tử ở. Anh lững thững quay về chỗ bà xã.

“Đó là gì vậy anh?” Cô ấy hỏi.

“Một chiếc ví cũ của anh.”

Anh đưa cô ấy xem. Có mùi cỏ cháy lẫn mùi sư tử. Có những giọt nước bọt trên đó, chiếc ví đã bị nhai nát, và có những vết máu ở cả hai bên. Anh đóng cửa nhà thiếu nhi, khóa chặt lại.

*

Đến nửa đêm anh vẫn thức và biết vợ chưa chợp mắt. “Anh có nghĩ Wendy đã thay đổi nó không?” cuối cùng, vợ anh nói trong phòng tối.

“Tất nhiên rồi.”

“Biến nó từ một thảo nguyên hoang dã thành một khu rừng tươi tốt, rồi đặt ca sĩ nhí Rima vào đó thay cho bầy sư tử?”, vợ anh lại hỏi.

“Đúng.”

“Tại sao vậy?”

“Anh không biết nữa,” anh đáp.

“Làm thế nào ví của anh lại bay đến đó?”

“Anh chả biết gì cả,” giọng anh trầm xuống, “chỉ có điều anh bắt đầu thấy ân hận vì chúng ta đã sắm nhà thiếu nhi cho chúng…”.

“Người ta bảo một căn phòng như thế sẽ giúp chúng giảm thiểu các chứng loạn thần một cách có lợi cho sức khỏe, anh ạ,” vợ anh cất giọng như một lời quảng cáo.

“Anh bắt đầu nghĩ lại và thấy thật đáng tiếc.”

“Vợ chồng mình đã dành cho bọn trẻ mọi thứ chúng muốn. Và bây giờ chúng trở nên bất tuân?”, bà xã anh hỏi.

“Ai đó nói rằng, “Trẻ em là những tấm thảm, lắm khi nên giẫm lên chúng”. Chúng ta chưa bao giờ bạt tai chúng. Chúng về nhà hoặc đi đâu tùy ý; chúng đối xử với chúng ta như thể chúng ta là kẻ để sai bảo. Chúng hư hỏng; chúng ta cũng hư hỏng luôn,” anh thực thà tâm sự.

Một lúc sau, họ nghe thấy tiếng hét. Hai tiếng hét. Hai người hét lên ở trên lầu. Và sau đó là tiếng gầm hung dữ của bầy sư tử.

“Có phải cả hai đứa không?”

“Dạ, bực thật”, vợ anh đáp.

Và mặc dù giường của họ rất êm ái, nhưng cả hai không thể nào ngủ thêm một giờ nào nữa cả.

*

“Ba ơi!”, Peter gọi.

“Gì con?”

Peter nhìn vào đôi giày của mình. Cậu không nhìn cha mình, cũng không nhìn mẹ nữa. “Ba dự định đóng cửa nhà thiếu nhi; như vậy tốt sao?”

“Tất cả còn tùy…”.

“Tùy gì, ba nói đi?” Peter cáu kỉnh.

“Tùy con và em con. Nếu con biết xen giữa châu Phi một chút sự đa dạng - nào Thụy Điển, nào Đan Mạch…”.

“Con tưởng tụi con được tự do vui chơi theo sở thích chứ!”

“Cần có một giới hạn hợp lí, con ạ.”

“Có chuyện gì rắc rối với châu Phi, ba nói đi!” “Ồ, vậy bây giờ con thừa nhận con đã gợi nhớ đến châu Phi, đúng không?”

Peter lạnh lùng: “Con không muốn nhà thiếu nhi bị khóa lại. Không bao giờ!”

“Thực tế, ba má đang nghĩ đến việc thôi vận hành toàn bộ ngôi nhà trong khoảng một tháng. Sống theo cách thức mỗi-người-vì-mọi-người và bất cần tiện nghi, cho thoải mái.”

“Thế là con phải tự buộc dây giày thay vì để cái máy nho nhỏ kia làm việc đó? Và con phải tự đánh răng, tự chải đầu, tự tắm rửa?”

“Đúng! Sẽ rất thú vị nếu có sự thay đổi như thế!”

“Không, sẽ rất kinh khủng!” Peter la lên.

*

“David, nhờ anh xem lại nhà thiếu nhi. Anh đã thấy nó cách đây một năm; lúc đó anh có nhận thấy điều gì khác thường không?”

“Không, không có gì.”

Cả hai cùng bước xuống. “Tôi đã khóa nhà thiếu nhi,” người cha giải thích, “và bọn trẻ đãđột nhập trong đêm. Tôi đã cố tình để chúng ở lại đó nhằm tạo thành các mô hình cho anh xem”.

Có tiếng la hét khủng khiếp từ nhà thiếu nhi. George nói: “Đó đó. Hãy xem những gì anh tạo ra từ hệ thống đó.”

Họ bước vào gặp bọn trẻ, không nói năng gì. Tiếng hét nhỏ dần. Bầy sư tử đang kiếm ăn.

George ra lệnh: “Hãy ra ngoài một chút, các con ạ… Giữ nguyên các bức tường y như thế.”

Khi lũ trẻ đi hết, hai người đàn ông đứng quan sát bầy sư tử đang tụ tập lại ở một khoảng cách khá xa, ăn uống khoái khẩu bất cứ con thú nào chúng bắt được. Máu me đầm đìa.

George lên tiếng: “Tôi ước mình biết rõ nó thực chất là gì.”

David cười khan. “Khó lắm đây.” Ông quay vào tìm hiểu kĩ cả bốn bức tường. “Chuyện này xảy ra lâu chưa?”

“Hơn một tháng.”

“Thật tồi tệ! Lời khuyên của tôi là phá bỏ toàn bộ căn phòng chết tiệt này đi; còn con anh thì mang đến cho tôi điều trị mỗi ngày trong năm tới.”

“Anh không đoán ra điều này trước đây sao?”

“Tôi chỉ cảm nhận được rằng anh làm hư con mình hơn hầu hết những người khác. Và bây giờ anh đang làm chúng tệ hại hơn nữa.”

“Nhưng bọn trẻ có bị sốc quá không, đóng cửa đột ngột có ích gì?” Người cha lo lắng hỏi.

“Tôi không muốn chúng lún sâu hơn vào những rắc rối này.”

Bầy sư tử đã hoàn tất bữa tiệc máu. Chuyên gia tâm lí nói: “Bây giờ tôi cảm thấy như bị tra tấn. Hãy ra khỏi đây, anh George. Căng não quá!”

Họ ra cửa lớn. David nói: “Hôm nay, chứng hoang tưởng dày đặc quanh đây. Tạm biệt anh nhé.” Ông ấy cúi xuống nhặt một chiếc khăn quàng cổ đẫm máu. “Cái này của anh à?”

“Không.” George mặt cứng đờ. “Của Lydiađấy.”

Họ cùng nhau đi đến hộp cầu chì và rút công tắc, triệt tiêu nhà thiếu nhi.

*

Hai đứa trẻ lên cơn kích động. Chúng gào lên, khóc thét, chửi thề và nhảy vào các trang thiết bị quanh phòng. “Ba má không thể làm thế với nhà thiếu nhi, không, không, không!”

“Anh George,” Lydia sốt ruột nói, “anh tạm thời bật cầu giao lên trong giây lát. Đừng cắt điện đột ngột như thế.”

“Không. Anh nhất quyết rồi.”

“Anh không thể tàn nhẫn như vậy...”.

“Lydia ạ, nó đã tắt, và sẽ tiếp tục y như vậy. Giờ đây, chúng ta cần hơi thở trong lành và lương thiện, em ạ.”

Đoạn, anh sải bước mạnh mẽ về phía ngôi nhà, tắt đồng hồ âm thanh, tắt bếp lò, tắt máy sưởi, tắt máy đánh giày, tắt máy buộc dây giày, tắt máy cực khoái, tắt máy ngoáy tăm bông, tắt máy mát xa toàn thân và mọi máy móc ấn nút khác.

“Đừng để họ làm điều đó! Đừng! Đừng!” Peter ngẩng đầu lên than khóc với cái pờ-la-phông, như thể cậu đang rên rỉ với ngôi nhà, với nhà thiếu nhi. “Đừng để cha tôi giết chết mọi thứ. Đừng! Đừng!”

Cậu quay sang cha mình, “Ôi, con ghét ba vô cùng! Con ghét ba! Con ghét ba!”

“Những lời xúc phạm đó sẽ không dẫn con tới đâu cả. Con sai rồi!”

“Con ước gì ba hãy chết nhanh đi! Chết ngay đi!”

“Chúng ta đã có chúng trong một thời gian dài - một thời gian dài vô nghĩa. Bây giờ chúng ta sẽ thực sự bắt đầu cuộc sống. Thay vì được đối đãi hoàn toàn bằng máy móc, giờ đây chúng ta sẽ sống.”

Wendy vẫn khóc thút thít; Peter cũng thảm não như thế. “Chỉ bật một phút thôi, một phút thôi cũng được,” chúng than vãn.

“Ôi, anh George ơi,” người vợ mếu máo, “em không chịu nổi.”

“Được rồi, nếu chúng chịu im lặng. Anh sẽ bật một phút, rồi sau đó tắt vĩnh viễn.”

*

“Ủa? Em để chúng lại trong nhà thiếu nhi à?” Người chồng hỏi.

“Em về phòng thay đồ.”

“Anh nghĩ, tốt hơn chúng ta nên xuống cầu thang trước khi lũ trẻ mải mê với bầy ác thú chết tiệt một lần nữa.”

Ngay sau đó, họ nghe thấy hai đứa gọi, “Ba ơi, má ơi, nhanh lên, nhanh lên nào!”

Họ đi xuống cầu thang theo ống thông hơi tự động và chạy xuống đại sảnh. Trong tầm mắt mình, họ chả thấy hai đứa trẻ đâu cả.

“Wendy? Peter!”

Họ chạy bổ vào nhà thiếu nhi. Thảo nguyên châu Phi trống trơn, chả có gì ngoại trừ bầy sư tử hung dữ đang chờ họ. George và vợ anh quay ngoắt lại, chạy ra cửa.

“Mở cửa ra!” George la lên, tay lay mạnh cái nắm cửa. “Tại sao chúng khóa cửa ngoài! Peter!” Anh đập cửa rầm rầm. “Mở cửa ra!”

Anh nghe thấy tiếng Peter sau cánh cửa. “Đừng để ba má tắt nguồn điện cả nhà thiếu nhi lẫn ngôi nhà,” Peter nói lớn.

Ông bà George Hadley đập cửa: “Đừng chơi trò nực cười như thế, các con ạ. Đến giờ đi rồi. Ông David sẽ tới đây trong một phút nữa.”

*

“Chà, tôi đây,” David đứng nói ở ngưỡng cửa nhà thiếu nhi, “Chào hai cháu.” Ông nhìn chằm chằm lũ nhóc đang ngồi ở giữa khu đất trống, lúi húi ăn một bữa picnic. Cách chúng một quãng là hố nước và một thảo nguyên vàng rực; bên trên là mặt trời hừng hực. Ông bắt đầu toát mồ hôi. “Ba má các cháu đâu?”

Cả hai cùng ngước lên, cười hả hê: “Ồ, họ sẽ có mặt ở đây thôi.”

“Tốt đấy, chúng ta khởi hành thôi.” Nhà tâm lí học nhìn thấy ở xa xa, lũ sư tử đang lao vào nhau cào cấu rồi lặng lẽ đi kiếm ăn dưới những tán cây râm mát. Ông che tay, nheo mắt nhăn mày nhìn bầy sư tử. Bây giờ lũ sư tử đã ăn xong. Chúng di chuyển đến hố nước. Một bóng đen lướt qua khuôn mặt nóng bỏng của ông. Nhiều bóng đen chập chờn. Bầy kền kền đang lao xuống bầu trời rực rỡ.

“Dạ thưa, ông vui lòng uống trà chứ ạ?” Wendy nhỏ nhẹ hỏi nhà tâm lí học.

Trần Như Luận lược dịch
(TCSH48SDB/03-2023)

 

 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Nhóm lửa (21/04/2023)
Bức tranh thêu (16/03/2023)
Tuyết (18/01/2023)
Chị Linda (25/11/2022)
Kẻ hách dịch (31/08/2022)
Người con trai (18/08/2022)