Truyện dịch
Cuốn tiểu thuyết dang dở
09:04 | 07/06/2023


VIRGINIA WOOLF

Cuốn tiểu thuyết dang dở
Nhà văn Virginia Woolf vào năm 1902 - Ảnh: wiki

Virginia Woolf (1882-1941) nhũ danh Adeline Virginia Stephen, là nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh, là một trong những cây bút theo chủ nghĩa hiện đại hàng đầu của thế kỷ XX. Bà xuất thân trong gia đình học thức và chịu ảnh hưởng của văn chương thời Victoria. Trước Đệ nhất thế chiến, bà tham gia nhóm cấp tiến Bloomsbury Group và quen biết nhà văn gốc Do Thái, Leonard Woolf, người sau đó là chồng bà. Bà thường bị suy nhược thần kinh, mắc chứng trầm cảm, và cuối cùng trẫm mình ở tuổi 59. Các tác phẩm tiêu biểu của bà gồm có: Căn phòng của Jacob (1922), Bà Dalloway (1925), Đến ngọn hải đăng (1927), Orlando (1928), Căn phòng của riêng ta (1929), Sóng (1931) và nhiều tiểu luận.

Nguyễn Vân Hà giới thiệu và dịch


Bản thân biểu hiện bất hạnh ấy cũng đủ để ta lướt mắt từ mé trang báo nhìn lên khuôn mặt của người phụ nữ khốn khổ kia - một người chẳng là gì nếu không có dáng vẻ ấy, cái dáng vẻ mà đi cùng nó là biểu tượng của số phận con người. Đời là những gì bạn thấy trong mắt người khác; đời là những gì họ học được, đã và đang học được, và dù tìm cách che giấu điều đó, họ không bao giờ ngừng tự hỏi - đời là gì? Dường như, đời là thế đấy. Năm khuôn mặt đối diện nhau - năm khuôn mặt trưởng thành - và vẻ trí thức hiện trên mỗi khuôn mặt. Thật kỳ lạ là làm sao người ta giấu được nó! Dấu vết của sự trầm lặng cũng hiển hiện trên từng ấy khuôn mặt: môi mím chặt, mắt cụp xuống, mỗi người đều làm gì đó để che đậy hoặc phủ nhận tri kiến của mình. Người hút thuốc; người đọc sách; người thứ ba kiểm tra các đầu việc trong quyển sổ bỏ túi; người thứ tư nhìn chằm chằm vào sơ đồ tuyến tàu chạy treo phía đối diện; và người thứ năm - điều kinh khủng với người thứ năm là cô ta chẳng làm gì. Cô ta nhìn đời. À nhưng người phụ nữ khốn khổ, bất hạnh của tôi ơi, cô đang chơi trò chơi - vì lợi ích của tất cả chúng ta, cô quả có giấu giếm điều đó!

Như nghe được lời tôi nói, cô nhìn lên, khẽ xê dịch trên ghế và thở dài. Cô như muốn xin lỗi đồng thời lại muốn nói với tôi, “Giá chỉ có cô biết chuyện này!” Rồi cô lại nhìn đời. “Nhưng tôi biết mà,” tôi trả lời trong đầu, vừa liếc tờ Thời báo để ra vẻ lịch sự. “Tôi biết toàn bộ chuyện này. ‘Hòa bình giữa Đức và phe Đồng minh chính thức được khởi xướng ở Paris - ngài Nitti, Thủ tướng Ý - tàu hỏa chở khách ở Doncaster đã va chạm với một tàu chở hàng…’Ta đều biết - tờ Thời báo biết - nhưng ta giả vờ không biết.” Mắt tôi lần nữa mò mẫm ở mép tờ báo. Cô ta rùng mình, khoát tay một cách kỳ quặc ra sau rồi lắc đầu. Một lần nữa tôi chìm vào cái bể đời vĩ đại. “Chọn thứ cô thích ấy,” tôi nói tiếp trong đầu, “chuyện sinh tử, chuyện hôn nhân, nhật trình của Hoàng gia, thói quen của loài chim, Leonardo da Vinci, vụ án mạng trên đồi cát, lương cao ngất và giá sinh hoạt đắt đỏ - ôi, chọn thứ cô thích ấy,” tôi lặp lại, “tất cả đều có trên Thời báo!” Một lần nữa cô tỏ ra vô cùng mệt mỏi, cứ lắc đầu mãi, tới khi như con quay quay mãi cũng dừng, đầu cô yên vị trên cổ.

Tờ Thời báo không giúp ta xóa bỏ được nỗi buồn như nỗi buồn của cô. Nhưng những người khác bắt đầu xen vào. Việc hay ho nhất chống lại cuộc đời là gập tờ báo lại, một việc hay ho đến nỗi nó tạo ra thế cân bằng trơ khấc, dày dặn, khô giòn, vuông vức, hoàn hảo so với cuộc đời. Thế là xong, tôi liếc nhìn lên, vòng tay như lá chắn ôm lấy mình. Cô nhìn xuyên qua tấm lá chắn ấy; cô nhìn chằm chằm vào mắt tôi như thể tìm bất kỳ trầm tích nào của lòng can đảm, tìm ở đáy mắt tôi và sẽ biến cái trầm tích ấy thành đất sét. Chỉ cần khoát tay thôi, cô đã chối bỏ tất cả hy vọng, từ bỏ tất cả ảo tưởng.

Cứ thế chúng tôi ba hoa suốt từ Surrey, qua hạt ấy tới Sussex. Nhưng do mải ngắm đời mà mắt tôi không thấy những hành khách khác rời toa, từng người từng người một, tới khi, trừ người đàn ông đọc sách, trên toa còn mỗi hai chúng tôi. Giờ là ga Three Bridges. Tàu chạy chậm vào ga rồi dừng lại. Vị khách đọc sách có bỏ chúng tôi lại không? Tôi cầu nguyện cả có lẫn không - tôi cầu nguyện cuối cùng có thể anh ta sẽ ở lại. Ngay lúc ấy anh ta nhổm dậy, khinh bỉ vò tờ báo, như thể đó là vật dùng rồi chẳng cần đến nữa, rồi anh ta mở cửa toa, bỏ chúng tôi lại một mình.

Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG



Người phụ nữ bất hạnh kia bèn hơi ngả người về trước, trò chuyện với tôi một cách nhạt nhẽo, thiếu sinh khí - cô nói về những sân ga, những kỳ nghỉ, về mấy ông anh sống ở Eastbourne, về quãng thời gian này trong năm, quãng thời gian mà giờ tôi quên béng là sớm hay muộn. Nhưng tôi biết, cuối cùng, từ cửa sổ tàu nhìn ra và chỉ ngắm đời, cô thở hắt ra, “Tránh xa thôi - ấy là mặt hạn chế của cuộc đời…”. Ờ, giờ thì chúng tôi gặp thảm họa, “Chị dâu tôi,” - giọng cô chua như nước chanh rơi trên thép lạnh, và cô không nói với tôi mà nói với chính mình, cô thì thầm, “vớ vẩn, chị ấy nói thế đấy - đó là điều ai cũng nói,” và khi nói, cô ngọ nguậy như thể da lưng cô giống da lũ gà bị vặt lông trong tủ kính của tiệm gà vịt vậy.

“Ồ, con bò đó!” Cô bức bối buột miệng, dù con bò gỗ to đùng trên đồng khiến cô sốc và cứu cô khỏi bị lỡ lời. Rồi cô rùng mình, lóng ngóng làm cử chỉ xoay người, một cử chỉ mà tôi chưa từng thấy, như thể sau cơn rùng mình, chỗ nào đó giữa hai vai ta bỗng nóng bừng, ngứa ran. Rồi cô lấy lại dáng vẻ của một phụ nữ bất hạnh nhất thế gian, và tôi lại trách mắng cô, dù không bằng lời buộc tội cũ, bởi nếu có lý do, và tôi biết lý do ấy là gì, thì dấu vết đớn đau kia đã bị xóa sổ khỏi cuộc đời.

“Mấy bà chị dâu,” tôi nói…

Môi cô cong lên như muốn phun nọc độc vào những từ đó; và nó vẫn cong lên. Tất cả những gì cô làm là bỏ găng tay ra, kỳ một vết bẩn trên kính cửa sổ. Cô kỳ như muốn làm thứ đó bong ra - vết bẩn nào đó, sự ô uế không thể gột sạch nào đó. Thực ra, cái vệt ấy còn nguyên sau khi cô đã kỳ cọ, nên cô lại ngồi xuống, vừa rùng mình vừa vung tay ra đúng như tôi mong đợi. Điều gì đó thúc giục tôi cũng bỏ găng ra và kỳ cọ kính cửa phía bên mình. Bên này cũng có một vệt bẩn nhỏ. Nhưng dù tôi có kỳ kỹ đến mấy thì nó vẫn còn nguyên. Rồi cơn rùng mình tràn qua tôi, tôi vòng tay ra sau và gãi chỗ giữa hai bả vai mình. Da tôi cũng giống da con gà ẩm ướt trong tủ kính của tiệm gà vịt; một chỗ ở giữa vai ngứa ngáy, nóng ran, có cảm giác nhơm nhớp, sống sít. Tôi có thể chạm tới chỗ đó không? Tôi lén thử xem sao. Cô nhìn tôi. Một nụ cười vô cùng hài hước, đau khổ, thoáng nở rồi tàn trên mặt cô. Nhưng cô đã trò chuyện, chia sẻ bí mật của mình, chuyển giao thứ chất độc mà cô sẽ không phun ra nữa. Tôi ngả lưng ở góc mình ngồi, tránh để mắt mình chạm mắt cô, chỉ nhìn những sườn dốc và thung lũng, những màu xám và sắc tím, những gì thuộc khung cảnh mùa đông, tôi đọc thông điệp, giải mã bí mật của cô, đọc thông điệp ấy dưới cái nhìn chằm chằm của cô.

Hilda là bà chị dâu. Hilda á? Hilda nào? Hilda Marsh - Hilda đẹp rực rỡ, ngực to mông nở, oai phong đường bệ. Hilda đứng ở cửa nhà khi xe ngựa trờ tới, tay cầm sẵn đồng xu. “Minnie tội nghiệp, trông em ngày càng gầy guộc xác xơ - em vận áo choàng từ năm ngoái à. Ừ giờ có con thì em cũng chẳng khá nổi. Không, Minnie, cứ để chị; đây, cầm lấy đi anh xà ích - không cần cảm ơn đâu. Vào nhà đi, Minnie. Ôi, chị bế được em đấy, xá chi cái giỏ em cầm!” Thế là họ đi vào phòng ăn. “Các con ơi, cô Minnie đến này.”

Dao dĩa từ từ được rơi bộp xuống. Lũ trẻ (Bob và Barbara) rời ghế, giơ tay gượng gạo chào cô; rồi chúng quay lại ghế, trợn mắt nhìn cô trong khi lại tọng đầy mồm đồ ăn. [Nhưng chỗ này ta sẽ bỏ qua; đồ trang trí, rèm cửa, đĩa sứ có hình cỏ ba lá, những miếng phó mát thuôn dài vàng ươm, bánh quy trắng vuông vức - bỏ qua nhé - ôi, đợi đã! Đi được nửa đường băng qua phòng ăn, một trong hai người chợt giật bắn mình; Bob chằm chằm nhìn cô, mồm ngậm thìa. “Bob, ăn bánh pudding tiếp đi con,” Hilda phản đối. “Sao chị ấy phải gạt chuyện đó đi cơ chứ?” Bỏ qua, bỏ qua, tới khi ta tới chỗ giếng nghỉ ở tầng một; tay vịn cầu thang bọc đồng; vải lót sàn mòn vẹt; ồ, đúng thế! Phòng ngủ nhỏ nhìn ra những mái nhà ở Eastbourne - những mái nhà chạy hình chữ chi y như xương sống của đám sâu bướm, lối này, lối nọ, sọc vàng sọc đỏ, với gạch lát mái xanh đen]. Giờ thì, Minnie à, cửa phòng đã khép lại; Hilda nặng nhọc đi xuống tầng dưới; bạn sẽ bỏ hành lý đang xách xuống, trải cái váy ngủ bé tẹo ra giường, cạnh đó là đôi dép ngủ bằng nỉ xù. Gương soi - không, bạn tránh xa gương soi. Ghim cài mũ cần được cất cẩn thận. Có lẽ cái hộp hình vỏ sò có thứ gì đó? Bạn lắc cái hộp; có đôi hoa tai bằng ngọc trai trong đó, đôi hoa tai từ năm ngoái - tất cả chỉ có thế. Rồi bạn khịt mũi, thở dài, ngồi xuống cạnh cửa sổ. Giờ là ba giờ chiều một ngày tháng Mười Hai; mưa phùn rả rích rơi; một tia sáng sà xuống thấp trên cửa sổ áp mái của tiệm bán rèm cửa; một tia sáng khác chiếu chếch cao trong phòng người hầu - tia sáng này lọt ra ngoài. Chẳng còn gì để nhìn. Một khoảnh khắc trống trải - rồi bạn nghĩ gì? (Hãy để tôi nhìn lén cô từ phía đối diện; cô đang ngủ hoặc giả vờ ngủ; vậy cô nghĩ gì về việc ngồi cạnh cửa sổ lúc ba giờ chiều? Nghĩ về sức khỏe, tiền bạc, các hóa đơn cần thanh toán, nghĩ về Chúa của cô ư?) Đúng thế, ngồi ở mép ghế nhìn ra những mái nhà ở Eastbourne, Minnie Marsh đang cầu Chúa. Tất cả đều tốt đẹp; rồi cô có thể kỳ cọ cửa kính, như thể làm thế sẽ thấy Chúa rõ hơn; nhưng cô thấy Chúa nào thế? Chúa của Minnie Marsh, vị Chúa của những con phố nhỏ ở Eastbourne ư, vị Chúa lúc ba giờ chiều ư? Tôi cũng thấy những mái nhà, tôi cũng thấy bầu trời; nhưng trời ơi - thấy Chúa thì, giống như thấy Tổng thống Kruger thay vì Hoàng thân Albert ấy - đó là điều hay ho nhất tôi có thể làm cho ông ta; và tôi thấy ông ta ngồi trên ghế, mặc áo măng-tô màu đen, không có vẻ gì quan cách hách dịch; tôi có thể điều một, hai đám mây tới cho ông ta ngồi lên; rồi cánh tay kéo lê trong mây của ông sẽ cầm một cây gậy, một cây dùi cui chứ nhỉ? - một thứ có gai nhọn, to nặng, màu đen -một kẻ bắt nạt già nua tàn bạo - Chúa của Minnie đấy! Ông ta gửi tới cơn ngứa ngáy, băng cứu thương và cú vung tay đó ư? Vì thế cô cầu nguyện ư? Thứ cô kỳ trên cửa kính là vết bẩn của tội lỗi. Ôi, cô đã phạm tội gì đó!

Tôi được phép chọn tội lỗi. Những cánh rừng bay vụt qua - hè về có hoa cát cánh; xuân đến, ở bìa rừng, có hoa anh thảo. Một cuộc chia ly, phải không nhỉ, cách đây 20 năm? Lời thề bị phá vỡ? Không phải lời thề của Minnie!... Cô rất chung thủy. Cô đã chăm sóc mẹ tốt lắm cơ mà! Đổ hết tiền tiết kiệm ra để làm bia mộ - vòng hoa tưởng nhớ - hoa thủy tiên trong lọ. Nhưng tôi lạc đề mất rồi. Một tội ác… Thiên hạ bảo cô chôn kín nỗi sầu, giấu nhẹm bí mật của mình - họ bảo, cô giấu dục tính của mình - những con người có đầu óc khoa học ấy. Nhưng dìm cô bằng vấn đề dục tính quả là tào lao. Không, đúng ra phải thế này. Trong khi đi trên phố Croydon hai mươi năm trước, mắt cô bắt gặp những vòng ruy-băng tím lấp lánh dưới ánh đèn điện trong tủ kính của tiệm bán rèm cửa. Cô lượn lờ đến hơn sáu giờ tối. Nếu muốn, cô vẫn chạy về nhà được mà. Nhưng cô đã đẩy cánh cửa ra vào của tiệm. Giờ là lúc giảm giá. Những khay dẹt bày đầy ruy-băng. Cô dừng lại, nhón sợi này, sợi kia, với các đóa hồng đính trên đó - không cần phải lựa, không cần phải mua, mỗi khay đều có thứ khiến ta kinh ngạc. “Đến bảy giờ bọn tôi mới đóng cửa,” rồi bảy giờ đến. Cô chạy, cô lao về nhà, nhưng đã quá muộn. Hàng xóm, bác sĩ, thằng bé em trai cô, cái ấm nước, bị bỏng, đi viện, chết, hay bị giật điện nhỉ, ai đó buộc tội cô ư? Ờ nhưng chi tiết quan trọng gì chứ! Thứ cô mang theo mới quan trọng; địa điểm ấy, tội ác ấy, thứ để chuộc tội ấy, luôn nằm đó giữa hai bả vai cô.

“Đúng,” cô dường như gật đầu với tôi, “đó là việc tôi đã làm.”

Tôi không quan tâm liệu cô có làm việc ấy hay không, hay cô đã làm gì; đó không phải là điều tôi muốn. Cửa sổ treo rèm trĩu nặng màu tím - đó mới là điều tôi muốn; có thể hơi rẻ rúng, tầm thường - bởi con người ta có thể chọn tội lỗi, nhưng có quá nhiều tội lỗi - (hãy để tôi lén nhìn lần nữa - cô vẫn ngủ, hoặc giả vờ ngủ! Mặt trắng bệch, vẻ mệt mỏi, miệng khép lại - có chút bướng bỉnh, nhiều hơn ta có thể nghĩ tới - không có chút tính dục nào) - rất nhiều tội không phải tội của bạn; tội lỗi của bạn rẻ rúng lắm; chỉ là cái vẻ nghiêm nghị chịu trừng phạt kia thôi; bởi giờ đây cửa nhà thờ sẽ mở, hàng ghế gỗ cứng dành cho con chiên sẽ đón nhận cô; trên nền gạch nâu, cô quỳ gối; mỗi ngày, đông qua, hạ tới, sáng sớm, chiều tà (giờ cô đang ở vào thời điểm ấy) cô đều cầu nguyện. Tất cả tội lỗi của cô sẽ rơi, rơi nữa, rơi mãi. Vết bẩn kia sẽ đón lấy chúng. Nó bay lên, đỏ ối, nóng rẫy. Sau đó cô sẽ khoát tay. Mấy cậu nhóc chỉ trỏ. “Bob vào bữa trưa nay…” - nhưng mấy bà già mới tệ nhất.

Thực ra giờ bạn chẳng thể cầu nguyện được nữa. Đám mây của cụ Kruger bị chìm dưới những đám mây kia - được gột sạch như thể họa sĩ quệt một vệt màu xám lỏng lên toan, rồi thêm chút đen vào - giờ ngay cả đầu dùi cui cũng biến mất. Đó là điều luôn xảy ra! Giống như bạn vừa nhìn thấy, cảm thấy ông ta, thì ai đó xen vào. Chính là Hilda.

Sao bạn ghét chị ta đến thế! Chị ta thậm chí còn khóa cửa nhà tắm suốt đêm, dù thứ bạn muốn chỉ là nước lạnh, mà đôi khi tối đến trở trời thì rửa ráy một chút có sao đâu. Rồi thằng John vào bữa sáng - lũ trẻ nhà ấy - những bữa ăn tệ nhất, rồi thi thoảng bạn bè ghé chơi - hàng dương xỉ không che họ đi được, họ cũng đoán thế; thế là bạn ra khỏi nhà, đi dạo phía trước nhà, nơi sóng biển màu xám, giấy bay tứ tung, mấy nhà kính xanh lục, lồng lộng gió, mấy chiếc ghế giá hai xu - quá đắt - bởi chắc phải có mấy kẻ giảng đạo đi dọc bãi cát. À, kia là gã da đen - gã này buồn cười lắm - gã có đám vẹt đuôi dài - những sinh vật bé nhỏ tội nghiệp! Không ai ở đây nghĩ đến Chúa à? - Chúa ở trên kia thôi, trên cầu cảng, cầm roi ấy - nhưng không - chẳng có gì ngoài bầu trời xám hoặc nếu trời xanh, thì những đám mây trắng che hết cả, còn nhạc ư - đó là nhạc quân hành - mà họ câu cá làm gì nhỉ? Họ có câu được cá không? Lũ trẻ nhìn chằm chằm kinh quá! Được rồi, giờ ta về nhà thôi - “Nhà là nơi để về!” Ngôn từ mới sâu sắc làm sao; chắc hẳn một ông già râu dài đã nói những lời ấy - không, không, ông ta không thực sự nói; nhưng mọi thứ đều có nghĩa - tranh quảng cáo dựng ở lối đi, tên món hàng bày trong tủ kính, trái cây màu đỏ trong giỏ xách, tóc phụ nữ trong mấy tiệm làm tóc - tất cả đều kêu “Minnie Marsh!” Nhưng có cú giật mạnh. “Trứng rẻ hơn kìa!” Đó là điều luôn xảy ra! Tôi đang hướng cô tới chỗ thác nước, thẳng tới sự điên rồ, khi mà giống một đàn cừu mơ ngủ, cô rẽ sang nẻo khác và vụt khỏi tay tôi. Trứng rẻ hơn kìa. Bị ràng buộc với bờ biển của thế giới, không tội ác, không buồn khổ, không bài rhapsody hay cơn điên khùng nào dành cho Minnie cả; không bao giờ ngồi vào bàn ăn trưa muộn; không bao giờ mắc giông bão mà không mang theo áo mưa; không bao giờ vô thức nói trứng thì rẻ tiền. Thế là cô về tới nhà - kéo lê đôi ủng của mình.

Tôi đọc suy nghĩ của bạn có đúng không? Nhưng khuôn mặt người kia -khuôn mặt phía trên trang báo đầy chữ ấy, nó nắm giữ nhiều điều, kiềm nén nhiều điều. Giờ mắt mở to, cô nhìn ra ngoài; và trong mắt con người - bạn định nghĩa nó thế nào nhỉ? - có một khe hở, một vết nứt, vậy nên khi bạn chộp lấy thân bướm, là con bướm đêm đang đậu yên trên đóa hoa vàng vào buổi chiều ấy - cử động, giơ tay, vẫy cái, bay cao, bay đi. Tôi sẽ không giơ tay. Vẫn run rẩy đậu yên là sinh mệnh, tâm hồn, linh hồn, hay bất kỳ thứ gì tạo ra Minnie Marsh - tôi cũng đậu trên đóa hoa của mình - con ó đậu trên sợi lông tơ - một mình, hay cái gì khiến cuộc đời đáng sống? Bay lên; hay đậu yên vào buổi chiều, vào chính Ngọ; đậu yên trên sợi lông tơ. Bàn tay thoáng cử động - vẫy cái, bay đi! Rồi làm lại nào. Một mình, chẳng bị ai trông thấy; thấy tất cả dưới kia quá tĩnh lặng, đáng yêu. Chẳng ai trông thấy, chẳng ai coi sóc. Mắt của kẻ khác là nhà tù của chúng ta; suy nghĩ của họ là cũi nhốt chúng ta. Không khí bên trên, không khí bên dưới. Rồi mặt trăng và sự bất tử… Ôi, nhưng tôi rơi xuống cỏ! Bạn xuống chưa, bạn ngồi trong góc toa - bạn tên gì, hỡi người phụ nữ -Minnie Marsh ư; tên gì giống thế ư? Minnie đây rồi, mặc đồ bó tới ngực; cô mở túi xách, lôi ra một vỏ rỗng - một quả trứng - ai nói trứng rẻ tiền nào? Bạn hay tôi? Ồ, chính bạn đã nói điều đó trên đường về nhà, nhớ ra chưa, khi ông cụ đột nhiên mở ô ra - hay hắt hơi vào đó nhỉ? Dù sao, cụ Kruger đến, và bạn “quành về nhà,” kéo lê đôi ủng của mình. Đúng thế. Và giờ trên chiếc khăn tay đặt trên đầu gối, bạn thả những mảnh vỏ trứng be bé góc cạnh lên đó - những mảnh của tấm bản đồ - một câu đố. Tôi ước mình có thể ghép những mảnh ấy lại! Nếu bạn chịu ngồi yên. Cô xê dịch đầu gối - tấm bản đồ lại biến thành những mảnh vụn. Trên sườn dãy Andes, những tảng đá cẩm thạch trắng nảy lên, lăn tròn, vùi chết một nhóm người Tây Ban Nha dắt la, cùng đoàn tùy tùng - chiến lợi phẩm cho Drake, vàng và bạc. Nhưng hãy trở lại với…

Với cái gì, với chỗ nào? Cô mở cửa nhà, để ô lên giá đựng đồ - việc này tất là thế; rồi mùi thịt bò từ tầng hầm tỏa lên; ba chấm… Nhưng điều tôi không thể xóa bỏ, điều mà tôi phải cúi mặt, nhắm mắt, với lòng can đảm của một binh đoàn và sự mù lòa của bò đực, đón lấy rồi xua đi, một cách rành rành, chính là đám người đứng sau hàng dương xỉ, những nhân viên bán hàng. Tôi đã giấu họ nãy giờ, với hy vọng bằng cách nào đó họ sẽ biến mất, hoặc tốt hơn vẫn ở đó như thực ra họ phải thế, nếu câu chuyện tiến triển ngày càng hấp dẫn và khoa trương, chứa đựng số phận và bi kịch, như đáng lẽ nó phải thế, và cùng với nó là hai, nếu không phải là ba, nhân viên bán hàng cùng bụi tỏi rừng. “Lá dương xỉ chỉ che phần nào người bán hàng…”. Đỗ quyên sẽ che hết anh ta, và tôi lao vào cuộc trả giá, mặt hết đỏ lại trắng, và vì nó, tôi sẽ chết đói hoặc mua hời; nhưng đỗ quyên ở Eastbourne, vào tháng Mười Hai, trên bàn ăn nhà Marsh ư - không, không, tôi nào dám; đây là vấn đề giữa cùi bánh và dầu giấm, diềm áo và dương xỉ. Có lẽ tôi sẽ đi dạo bên bờ biển một lát. Hơn thế, bứt rứt một cách dễ chịu xuyên qua ô cửa khắc nổi xanh lục và kính có hoa văn chạm chìm kia, tôi bỗng thèm được nhìn trộm người đàn ông đối diện - cái người cũng kiềm nén việc nhìn trộm, y như tôi. Anh ta có phải James Moggridge, người mà nhà Marsh gọi là Jimmy đấy không? [Minnie, cô phải hứa không vung tay tới khi tôi làm rõ chuyện này]. James Moggridge ghé - ta nói, trên những cỗ xe bé tẹo? - nhưng đây chưa phải lúc khoe những cỗ xe ấy - xe lớn xe nhỏ trong có những bưu kiện dài, xe trông như mắt chim công, xe màu vàng xỉn; xe màu vàng khói, xe màu hồng san hô - nhưng tôi nói, chưa phải lúc. Anh ta đến chơi, vào các thứ Năm, là ngày ghé Eastbourne, dùng bữa với nhà Marsh. Mặt đỏ ửng, mắt bé tẹo điềm tĩnh - dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thế - ăn như hạm (chuyện này ổn; anh ta sẽ không nhìn Minnie tới khi bánh mì quệt sạch nước sốt), khăn ăn nhét trước ngực có hình thoi - nhưng, đây là nếp rừng rú, và dù nó tác động tới bạn đọc thế nào đi nữa thì đừng lôi tôi vào. Hãy lẻn vào nhà Moggridge, chứng kiến điều đó. Ừ, ủng cả nhà được đích thân James sửa vào các ngày Chủ Nhật. Anh ta đọc Kinh Thánh. Còn thứ anh ta mê mẩn? Hoa hồng - vợ anh ta là y tá đã nghỉ hưu - thú vị đấy - trời ơi, hãy để tôi có một phụ nữ có cái tên mà tôi thích! Nhưng không; cô ta là đứa con của tâm trí, chưa chào đời, con hoang nhưng đáng yêu, giống bụi đỗ quyên của tôi. Bao nhiêu người đã chết trong mọi cuốn tiểu thuyết được viết ra - cuốn hay nhất, gần gũi thân thương nhất, trong khi Moggridge sống. Đó là lỗi của cuộc đời. Còn đây Minnie đang ăn trứng, lúc này ngồi đối diện tôi, lúc khác đứng ở cuối hàng - tàu vừa đi qua Lewes thì phải? - đó chắc là Jimmy - chứ không Minnie vung tay làm gì?

Chắc phải có anh chàng Jimmy Moggridge nào đó - lỗi của cuộc đời. Đời áp đặt luật lệ của nó; đời chắn lối ta đi; đời đứng sau hàng dương xỉ; đời là tên bạo chúa; ôi, nhưng đời không phải là kẻ bắt nạt! Không, vì tôi cam đoan với bạn, tôi sẽ vui vẻ đến; tôi đến, bị chèo kéo dụ dỗ, có trời mới biết sự cưỡng ép nào vượt qua được dương xỉ và dầu giấm, bàn ghế bị đổ nước và chai lọ bị dây bẩn. Tôi đến, một cách bất khả cưỡng, để tìm chốn an trú ở đâu đó trên làn da săn chắc, trong đốt sống khỏe khoắn, bất cứ nơi nào tôi có thể đột nhập hoặc tìm được chỗ đứng trên con người này, trong linh hồn này, gã Moggridge này. Khung xương cực vững vàng; xương sống chắc như xương cá voi, thẳng như cây sồi; các dẻ sườn rẽ nhánh; da thịt căng bóng như vải dầu; những khoảng hõm đỏ au; quả tim bơm rồi xả máu ra; trong khi đó từ họng, những vuông thịt màu nâu đổ xuống dạ dày và bia tuôn vào máu - và thế là mắt chúng tôi chạm nhau. Phía sau mớ tỏi rừng, chúng thấy thứ gì đó: đen, trắng, ủ dột; lại một món ăn; phía sau mớ tỏi rừng, chúng thấy một phụ nữ luống tuổi; “em gái Marsh đấy, kiểu người Hilda thích chứ tôi thì không”; giờ tới khăn trải bàn. “Marsh biết điều gì không hợp với nhà Morris…” nói xong đoạn ấy; tiếp đến là món phó-mát; lại một món khác; chuyển nó cho người khác - những ngón tay to đùng; giờ tới người phụ nữ đối diện. “Em gái Marsh à, chẳng giống Marsh chút nào; khổ sở, già nua… Cô nên để dành tiền nhiều vào... Chúa ôi, điều gì khiến cô ấy giật mình thế? Không phải điều tôi nói chứ? Ôi thôi nào! Mấy bà cô già này. Thôi nào!”

[Đúng, Minnie ạ; tôi biết cô đã giật mình, chỉ một lát thôi - là James Moggridge nói].

“Ôi thôi nào!” Âm thanh này mới đẹp làm sao! Giống tiếng vồ gõ lên thân cây bị đốn hạ mỗi mùa, giống tiếng tim đập của người đi săn cá voi già khi biển nổi sóng và bầu trời xanh lục bị mây mù che phủ. “Thôi nào!” thật là tiếng chuông trỗi lên dành cho linh hồn những kẻ khốn khổ, để vỗ về, an ủi, ủ ấm họ trong lớp vải lanh, nói với họ rằng, “Tạm biệt. Chúc cô may mắn!” rồi nói thêm, “Niềm vui của cô là gì?” bởi dẫu Moggridge có cài hoa hồng cho cô, thì việc đó cũng xong, cũng qua rồi. Giờ tiếp theo là gì? “Thưa cô, cô sẽ lỡ tàu mất,” vì họ đâu có lượn lờ.

Đó là cách nói của gã Moggridge này; đó là âm thanh dội lại; đó là nhà thờ Thánh Paul và những chiếc xe buýt hai tầng. Nhưng ta đang phủi vụn bánh mì. Ôi, Moggridge, cậu không ở lại à? Cậu phải đi à? Chiều nay cậu rời Eastbourne trên một trong những cỗ xe bé tẹo ấy à? Cậu sẽ ngồi trên cỗ xe đưa thư màu xanh lục, thỉnh thoảng hạ mành cửa sổ xuống, thỉnh thoảng nhìn nghiêm trang, chằm chằm như một nhân sư, và luôn có ánh nhìn ủ dột của nấm mồ, ánh nhìn của nhà đòn, của quan tài, và chiều tà vây quanh ngựa và người đánh xe ư? Kể tôi nghe đi - những cánh cửa đóng sầm lại. Ta sẽ không gặp lại. Moggridge, vĩnh biệt!

Đúng, đúng, tôi đến đây. Ngay trên nóc nhà. Một sáng nọ tôi sẽ lượn lờ. Tâm trí bị bùn bám lấy thế nào - đám quái vật rời đi hệt cơn lốc, nước vỗ vào đá, tảo dập dềnh chỗ xanh lục chỗ đen xì, tấp vào bãi cát, tới khi những phân tử dần tụ lại, trầm tích tự lắng xuống, và một lần nữa, nhờ cặp mắt, ta nhìn rõ ràng, sâu lắng hơn, rồi môi ta cất lời cầu nguyện cho kẻ cáo biệt, một sự mù mờ nào đó dành cho linh hồn của những ai gật đầu chào họ, những người mà ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại.

James Moggridge giờ đã chết, đã đi xa mãi mãi. Ờ thì Minnie này - “Tôi có thể đối mặt với điều đó.” Nếu cô ấy nói thế - (hãy để tôi nhìn cô ấy. Cô ấy đang phủi vỏ trứng khỏi tà váy dốc.) Cô ấy nói với vẻ chắc chắn, tựa vào thành toa phía sau, rồi vồ lấy những viên bông nhỏ ở mép tấm rèm màu đỏ rượu. Nhưng khi bản ngã nói chuyện với bản ngã, thì ai thực sự nói? - là tâm hồn chưa bị vùi chôn, là linh hồn bị đẩy vào, vào tận, vào tít trong hầm mộ ư; là cái tôi che mạng và lặng thinh ư - một cái tôi hèn nhát, nhưng có lẽ đẹp đẽ, khi nó lướt đi cùng ngọn đèn dọc hành lang tối tăm ư. “Tôi chẳng chịu nổi chuyện đó nữa,” linh hồn cô ấy nói. “Cái gã ấy, rồi Hilda, rồi lũ trẻ.” Ôi, Chúa ôi, cô ấy khóc nức nở! Đó là linh hồn than khóc cho số phận, cái linh hồn bị đẩy chỗ nọ chỗ kia, trọ trong những tấm thảm thu nhỏ - những vị trí bé tẹo - những mảnh bị co lại của toàn bộ vũ trụ đang tan biến này - tình yêu, cuộc sống, niềm tin, chồng con, những gì lung linh lộng lẫy mà tôi không biết từng hiện ra ở thời thiếu nữ. “Không dành cho tôi - không dành cho tôi.”

Nhưng rồi - còn bánh mufin, còn con chó già hói trọi? Những tấm thảm đính cườm mà tôi mê mẩn và niềm an ủi của đồ lót. Nếu tình cờ ta chạm mặt Minnie Marsh, rồi đưa cô tới bệnh viện, rồi chính các bác sĩ y tá kêu lên là… Có tầm nhìn và triển vọng - có khoảng cách - cái vệt màu xanh ở cuối đại lộ, trong khi ấy, rốt cuộc, trà đậm vị, bánh mufin nóng hổi, và con chó - “Benny, mời quý anh nhìn vào giỏ, xem mẹ mang gì tới cho quý anh này!” Thế là, bỏ chiếc găng có ngón cái cũ mèm ra, chống trả lần nữa con thú đang lao tới cái giỏ đầy lỗ ấy, bạn làm mới những lỗ công sự ấy, và lôi cuộn len xám ra, rồi thả ra kéo vào.

Thả ra kéo vào, vắt rồi thắt lại, tạo thành tấm len mà qua đó chính Chúa trời - suỵt, đừng nghĩ tới Chúa! Những mũi đan mới chặt làm sao! Bạn hẳn phải tự hào về tài đan len của mình. Đừng để thứ gì làm phiền cô ấy. Hãy để ánh sáng rơi khẽ, hãy để các áng mây khoe tấm gi-lê bên trong của phiến lá xanh đầu mùa. Hãy để chim sẻ đậu trên cành, lắc mình cho giọt mưa rơi xuống, neo lại trên kẽ cây… Sao nhìn lên? Đó là âm thanh, là ý nghĩ ư? Ôi, trời! Quay lại với việc bạn đã làm, tủ kính cùng những vòng hoa tím ư? Nhưng Hilda sẽ đến. Bao nỗi nhục, bao bẽ bàng, ôi! Khép lại mối bất hòa.

Mạng xong găng tay, Minnie Marsh đặt nó vào ngăn tủ. Cô đóng tủ lại, đầy dứt khoát. Tôi thoáng thấy mặt cô trong gương. Môi cô cong lên. Cằm ngẩng cao. Tiếp đến, cô cột dây giày. Rồi cô chạm vào cổ. Cái trâm cài cổ áo đâu rồi nhỉ? Tầm gửi hay ý nghĩ vui vẻ nhỉ? Chuyện gì đang xảy ra? Trừ phi tôi nhầm, tim cô đang đập rộn, thời khắc ấy đang đến, sợi len đang tăng tốc, thác Niagara đang ở trước mặt. Cao trào ấy đến rồi! Chúa về phe bạn mà! Cô ấy đang xuống. Can đảm lên, can đảm lên! Đối mặt với chuyện đó, làm đi! Vì Chúa, đừng đợi ở chỗ tấm thảm! Cửa toa kia rồi! Mạnh mẽ lên. Nói đi! Đối mặt với cô ấy, làm cô ấy ngạc nhiên đi!

“Ôi, xin thứ lỗi! Đúng, đến ga Eastbourne rồi. Tôi sẽ lấy hành lý cho cô. Để tôi xách cho.” [Nhưng Minnie này, dù ta giả vờ hiểu nhau, tôi đọc đúng ý nghĩ của cô mà - giờ tôi theo phe cô mà.]

“Đây là tất cả hành lý của cô à?”

“Chắc thế, cảm ơn anh.”

(Nhưng sao cô cứ nhìn quanh vậy? Hilda sẽ không đến, John cũng không đến; còn Morridge lên xe tới đầu kia ga Eastbourne rồi.)

“Tôi sẽ đứng đợi cạnh hành lý, chị ạ, thế là an toàn nhất. Nó bảo nó sẽ đến đón tôi… Ồ nó kia rồi! Đây là con trai tôi.”

Thế là hai người họ bỏ đi.

Ôi trời, nhưng tôi sửng sốt… Chắc là, Minnie à, cô biết rõ hơn tôi mà! Một chàng trai lạ mặt… Dừng lại! Để tôi nói với cậu ấy - Minnie này, cô Marsh này, dù sao tôi chẳng biết nữa. Áo choàng của cô ấy tung bay thật kỳ quặc. Ôi điều này không đúng, không đứng đắn… Nhìn cách cậu ta cúi xuống khi hai người họ ra tới cửa ga kìa. Cô ấy tìm vé. Trò đùa gì thế? Họ đi, trên đường, cạnh nhau… Thế giới của tôi banh chành rồi! Tôi đứng đây làm gì? Tôi biết gì chứ? Đây không phải là Minnie. Kia không phải là Morridge. Tôi là ai? Cuộc đời trần trụi như khúc xương vậy.

Song tôi nhìn họ lần cuối - cậu kia bước khỏi vỉa hè, cô kia đi theo cậu và rẽ ở góc tòa nhà to đùng; cảnh tượng ấy khiến lòng tôi lại đầy thắc mắc. Hai nhân vật bí ẩn! Mẹ và con trai. Hai người này là ai? Tại sao họ đi trên phố? Tối nay, rồi mai, họ ngủ ở đâu? Ôi toàn những ý nghĩ cuồn cuộn, quay mòng - xuất hiện tươi rói trong đầu! Tôi bắt đầu dõi theo họ. Thiên hạ chạy qua chạy lại. Ánh sáng trắng chớp tắt, soi rọi. Những tủ kính bày hàng. Hoa cẩm chướng; hoa cúc. Thường xuân trong những khu vườn tối. Xe giao sữa trước cửa nhà. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều thấy bóng hình bí ẩn kia, những bà mẹ và những đứa con trai; các người, các người, các người. Tôi dấn bước, tôi bám theo. Tôi hình dung, đây chắc là biển cả. Khung cảnh màu xám; u ám như tàn tro; tiếng nước thì thầm, róc rách. Nếu khuỵu gối xuống, nếu vượt qua nghi lễ này, những trò đùa cổ xưa này, chính các người, những hình bóng vô danh, các người là kẻ mà tôi tôn sùng; nếu tôi giang rộng vòng tay, chính các người là kẻ tôi ôm lấy, là kẻ tôi kéo về phía mình - hỡi thế nhân đáng tôn sùng!

V.W
(TCSH411/05-2023)

 

 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Nhóm lửa (21/04/2023)
Bức tranh thêu (16/03/2023)
Tuyết (18/01/2023)
Chị Linda (25/11/2022)
Kẻ hách dịch (31/08/2022)