Truyện dịch
Cơn choáng
08:52 | 18/12/2023

HENRI TROYAT

LTS. Henri Troyat tên thật là Lev Tarassov sinh năm 1911 tại Moskva. Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Giải thưởng văn học đầu tiên với tác phẩm "Faux jours" (1935). Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tác phẩm được dư luận đặc biệt chú ý như bộ ba tiểu thuyết "Tant que la terre durera" (1947), "Le sac et la cendre" (1948) và "Etrangers sur la terre" (1950) hoặc như "La lumière des Justes"... Ông còn viết cả kịch bản văn học. Truyện ngắn "Cơn choáng" (Le vertige) lấy từ tập "La Fosse Commune" xuất bản năm 1986.

Cơn choáng

Cô Pascal có gương mặt khô đét, với cặp má hóp, trũng như nách một bé gái và có tròng mắt như mắt loài gia cầm hung tợn. Tóc cô lấm tấm gàu, kéo sát về phía sau gáy, bị nuốt chửng bởi cái búi tóc to đùng, xù lên những kim là kim. Cô mặc áo đầm may bằng vải len màu sẫm tối, và trang sức duy nhất mà cô chấp nhận đính lên áo, là cái trâm hoa-gắn-phong vũ biểu, thêm một nụ hồng khác từ loại vật liệu xốp, mà cô gọi là "đá Afghanistan". Một khăn choàng màu lục, có tua rua rũ rượi, phủ lấy vai cô. Động tác của cô thì cụt ngủn. Cô bắt tay bạn như thể người ta xoay cái nắm cửa.

Đã từ năm năm nay, cô Pascal giữ vai phó tại Cục tố tụng thuộc Bộ Ký thác quốc tế và Đường dẫn. Nhiều hành vi tiểu nhân khiến cô chậm thăng tiến, và cô đã quá biết về "tinh thần bình đẳng" của Ban tổ chức nhân sự. Hễ có dịp là người ta lại làm nhục cô. Vì vậy, mặc dù tính chất quan trọng của công việc đòi hỏi dưới quyền cô phải có ba hoặc bốn biên tập viên, cấp trên chỉ cho cô có một người, vừa tốt nghiệp chân ướt chân ráo từ khung tham tá, và hoàn toàn không đủ khả năng đảm đương phận sự được giao.

Chàng ta tên Huche. Chàng có vẻ mặt gà mờ ám chướng, cặp mắt tròng trành bối rối và cặp môi nhão. Tí râu hung hung dán ngay dưới mũi như thể con tem. Lúc nào chàng ta cũng cảm mạo. Nói về chàng ta, cô Pascal phát biểu: "Đó là tay sơ đẳng. Nhưng ít ra, hắn cũng không bao giờ uống rượu. Nếu có uống, thì bốc mùi biết ngay, phải không?". Và cô đối xử với hắn với vẻ khinh miệt lạnh lùng, chỉ mở lời khi nào có yêu cầu hành chính. Cô dành cho hắn những việc chán phèo nhất và mỗi khi cảm thấy không muốn hắn làm việc gần mình, cô bèn sai hắn đi lấy tin ở tít phía bên kia của trụ sở Bộ. Bởi vì, họa vô đơn chí cho cô, bàn làm việc của hai người lại đối diện nhau, và phòng ốc chật chội đến nỗi không thể nào sắp xếp khác hơn được.

Ngày kia, chàng Huche đi làm trễ một giờ đồng hồ. Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, chàng rụt rè mỉm cười như thanh niên mới lớn. Chàng nhỏ nhẹ xin lỗi:

- Bởi vì trưa nay khai mạc phòng tranh lần thứ nhì của "Nhóm nghệ thuật công nhân viên chức Bộ ký thác quốc tế và Đường dẫn"...

Chàng ta ngừng để thở, rồi mắt ngó xuống, miệng chúm chím, khẽ khàng để rơi rớt từng chữ như thể một thiếu phụ xinh đẹp đánh rơi chiếc khăn tay của mình:

- Tôi triển lãm tranh ở đó.

Sự tiết lộ này làm cô Pascal bất ngờ, khiến gương mặt cô thoáng do dự giữa những biểu hiện của lòng quan tâm vừa phải, nét tội nghiệp bỡn chơi và cơn giận dữ quân phiệt. Cuối cùng cô nói:

- Thôi được, tôi sẽ đi xem.

- Dạ ở tầng trệt. Tổ Gambetta. Và vào cửa miễn phí.

- Được rồi, được rồi! Nhưng còn cái khẩn hơn. Anh đã trả lời ghi chú của ông Cardebauche về việc hoàn trả chi phí giám sát đặc biệt liên quan đến việc quản lý Công ty quốc gia CPLN chưa?

Chàng Huche nhũn người trước bàn làm việc, tựa như cỏ bị cắt, và cô Pascal rất khoái vì đã quyết liệt kéo chàng ta về với thực tế hành chính.

Vào lúc 5 giờ, sau khi xong một công việc quan trọng, cô quyết định đến thăm galerie tranh ở tầng trệt. Cô sửa khăn choàng cho ngay ngắn, vuốt khối tóc đặc của mình và bước ra khỏi văn phòng với vẻ oai phong của con thuyền ra biển cả.

Phòng tranh lần thứ nhì của "Nhóm nghệ thuật" tọa trong một gian rộng, xám xịt, lạnh lẽo, với hai hàng cọ đã phai màu. Ngay từ ngưỡng cửa, bạn được chào đón bởi cái im lặng như nhà tiễn biệt. Khách tham quan lưa thưa, thì thầm, lặng lẽ như lén lút. Cô Pascal tiến đến các bức họa với vẻ nghiêm trang thành kính.

Minh họa: THIỆP ĐÁNG


Tác dụng của cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật này chỉ có thể là tích cực, bởi lẽ làm cho chính quyền an tâm về trạng thái tinh thần của nhân viên mình. Chủ đề bất di bất dịch vẫn là hoàng hôn kiểu kem đánh răng, vẫn là ao hồ màu xanh lục như bảng tín hiệu giao thông cho phép dừng tùy ý, vẫn cánh đồng lúa mì màu vàng phai nhạt điểm lấm tấm mấy chiếc hoa dại. Cũng có vô số mèo con trong giỏ, mắt tựa như nút giày ủng, có mấy cô dê nhỏ với bộ lông màu hoa cà, mấy chú thỏ bé mũi màu hồng. Và đương nhiên phải có những góc phố ngập nắng! Tất cả những thứ này đều tạo cảm giác thoải mái, vô hại, dễ thương. Cô Pascal cảm thấy hoàn toàn thông cảm với các đồng nghiệp, vốn dùng thời gian rảnh rỗi vào những việc làm lương thiện như thế.

Cô sắp kết thúc chuyến tham quan của mình, đột nhiên cô sững sờ khi trông thấy tấm pa-nô có gắn bốn bức tranh lớn. Tranh vẽ đàn bà trần truồng. Một con trơ tráo, tóc hung đỏ, da thịt mịn màu kem, đang lặn ngụp giữa tấm thảm dưới chân giường. Con kia ngồi chàng hảng trên ghế, vừa hút thuốc vừa nhìn vào khoảng không với vẻ dâm dật chuyên nghiệp. Con thứ ba quay lưng lại, đang ưỡn mình một cách dục lạc trước tấm gương. Ả thứ tư lại e dè nhún chân thử nước trong thau tráng men. Và các thân thể ấy được họa bằng một sự hiện thực nóng bỏng, một sự vô liêm dâm đãng phát buồn nôn. Không có miếng voan mỏng nào đến cứu nguy, chẳng có đám mây nào được dàn trải cho đoan trang, không có lấy một cành cây lá xum xuê một cách tinh xảo. Người ta có thể thấy hết tất cả.

Đỏ mặt vì mắc cỡ, cô Pascal tiến đến phía các bức tranh để thử phăng ra tên nghệ sĩ. Cô đọc và suýt ngất đi vì đột cảm: cái thứ rác rưởi ấy mang tên Huche.

Cô trở về văn phòng với một trạng thái bực tức gay gắt. Mình phải chọn thái độ nào đây? chẳng lẽ lại khen ngợi tên biên tập viên ấy à? cho dù chỉ khen xã giao, thì mình cũng bị hiểu lầm là tán đồng với các sản phẩm thô tục ấy. Phải công phẫn lên? Nhưng mà lấy quyền gì? Hay nên im lặng? Và cô Pascal dừng ở giải pháp sau cùng này.

Nhưng ngay từ ngày hôm sau, phiền não bắt đầu. Thế tin hành lang sẽ đồn đãi gì đây? Có lẽ người ta sẽ lên tiếng về việc cô chung phòng khép kín tám giờ đồng hồ mỗi ngày với một tên quỷ ám, chuyên no say với những thứ tục tĩu! Hay là người ta sẽ chế diễu về sự không may của cô? Thậm chí biết đâu người ta lại truyền tai nhau về một giai thoại của cặp "Pascal - Huche"? "Với một gã có tầm cỡ như thế, ắt hẳn cô nàng tha hồ!”. Cô không thể nào chịu đựng được ý nghĩ ấy.

Từ nay, cô sẽ quan sát tên biên tập viên của mình với cái nhìn mới. Cô ngạc nhiên vì sao trước giờ mình không phát hiện trên mặt hắn những vết tích mờ ám của sự đồi trụy. Gương mặt tái nhợt ấy, cặp mắt đờ đẫn ấy cho biết rằng sau những đêm trụy lạc, hẳn cực nhọc lắm hắn mới dậy nổi. Những bàn tay run rẩy ấy tố cáo sự lạm dụng tình dục. Lời nói lúng túng ấy gợi nhớ sự lắp bắp của đam mê. A! cô hình dung chàng ta trong một phòng vẽ đầy những chiếc gối Ả Rập, những lư xông hương và da lông thú, chàng ta đang sửa tư thế của một ả đã trút bỏ xiêm y và lần lữa mơn trớn ả. Rồi sau khi thưởng thức các thú vui đê tiện của tiệc tùng trác táng, hắn đến văn phòng, hắn ngồi trước mặt cô, hắn nghiên cứu hồ sơ nhưng thực ra đầu óc còn đầy ắp những điều ghê tởm mà hắn đã trải qua.

Trong khi buông thả theo nỗi ám ảnh ấy, cô Pascal cảm thấy tia nhìn nhớp nháp của chàng Huche dừng lại, tựa lên và dạo chơi trên cơ thể mình tựa như con ốc sên. Người đàn ông ấy lột quần áo cô bằng mắt của hắn. Cô đang trước mặt hắn như một người mẫu.

Một làn hơi nóng rần lên mặt cô. Cô ngọ nguậy trên ghế ngồi, rồi đứng dậy, bước ra hành lang. Nhưng khi cô trở vào, tròng mắt đục của tên biên tập viên lại phủ lấy cô, và cô lại có cảm tưởng rằng mình bị khuất phục, xét đoán đánh giá như một con nô lệ ở chợ người. "Sớm hay muộn gì, cô thầm nghĩ, hắn cũng mưu toan cưỡng bức mình". Và cô run như cầy sấy cho đến lúc ra về.

Sáng hôm nọ, hai người thợ thuộc bộ phận hành chính bước vào:

- Thưa ông, chúng tôi mang đến chiếc ghế dài mà ông đã yêu cầu ở mục trang thiết bị.

Cô Pascal bị nghẹn tim. Chà, con quỷ này tự tin dữ đa! Cô lén nhìn hắn. Hắn có vẻ ngạc nhiên. Hắn xác nhận rằng không có ký đơn đặt hàng nào cả. Sau khi hỏi thăm, mới biết đúng là có lầm lẫn, và chiếc ghế ra đi về nơi chốn khác. Nhưng cô Pascal hồi hộp cho đến tối.

Kể từ sau sự kiện ấy, người con gái tội nghiệp ấy sống trong trạng thái thất thần: "Việc ấy xảy ra ngày hôm nay chăng? Hay là ngày mai?". Đôi lúc, cô tưởng chừng như chàng Huche tựa con báo, đang thu mình lấy trớn ngay mép bàn của hắn. Và cũng có lúc hắn nhờ cô đưa cho cái "Sơ-mi" (nghĩa thứ nhất: tập hồ sơ, nghĩa thứ hai: cái áo), sao cô cảm thấy nhột nhạt tê mê. Những chữ "thụ nhượng tín dụng" (nghĩa thứ hai: phế bỏ uy tín), "bỏ thầu" (nghĩa thứ hai: qui thuận) bên trong tư tưởng cô bèn khoác thêm ý nghĩa nhục dục. Cô lơ là công việc. Cô hết dám rầy rà tên thuộc cấp. Cô khô héo đi trong sự chờ đợi kinh khủng của điều không thể tránh. Nhưng chàng Huche vẫn không chịu quyết định. Hắn đùa với cô như mèo vờn chuột. Cô hỏi hắn:

- Anh vẽ theo mẫu à?

Hắn nheo mắt, nét nhăn nhở tựa vị Dê thần.

- Rất nhiều trường hợp! Nhưng cũng có khi gặp chủ thể hấp dẫn, tôi xử lý bằng trí nhớ.

Chắc chắn là hắn phải "xử lý" cô "bằng trí nhớ". Trong ngăn kéo của hắn chắc đầy ắp những hình ảnh, theo đó cô được trình bày trong cùng loại "y phục" của mấy ả mất nết ở phòng tranh. Biết đâu vào lần tới hắn sẽ trưng bày mấy bức vẽ ấy? Như thế, toàn thể Bộ Ký thác quốc tế và Đường dẫn sẽ thấy của cô những gì mà cô chưa bao giờ cho ai thấy. Cô sẽ không chịu được sự hạ nhục ấy đâu! Cô nghĩ vậy, nhưng đồng thời một niềm vui bất tịnh len nhẹ vào tim. Vâng, ngày tháng càng trôi qua, cô càng chịu ảnh hưởng thế thượng phong lạ lùng của chàng Huche. Sống gần gụi cái thứ thối nát ấy, cô cũng cảm thấy bị lây lan. Trong đêm, cô bị ám bởi những mộng mị đồi bại. Cô hình dung bên trong những tấm bìa hồ sơ màu xanh lá cây của Cục có những cảnh tượng trụy lạc phóng đãng. Hắn anh anh em em với cô. Và cô vuốt ve tóc hắn như thể một kỹ nữ. Thức giấc, cô nóng bỏng và khao khát. Cô điên tiết vì hắn chậm trễ trong việc mở lời. Cô nóng lòng muốn cùng hắn hư thân trong biển cả dâm ô. Cô không thể chờ đợi được nữa.

Một hôm đến văn phòng, cô mặc áo màu tươi sáng và trang điểm thật táo tợn. Khi cô hỏi hắn, giọng cô nhỏ xíu:

- Anh có thích vẽ chân dung tôi không?

- Tôi không bao giờ vẽ chân dung.

Cô nhũn người vì mắc cỡ:

- Vâng, tôi hiểu: anh là chuyên gia về khỏa thân.

Nhưng chàng Huche lắc đầu:

- Ồ, không! Mấy bức khỏa thân kỳ triển lãm là của anh chàng đồng nghiệp Ruche, bên bộ phận văn phòng tổng thư ký.

Và, mỉm cười như đứa trẻ thơ, anh nói thêm:

- Tôi, tôi vẽ mấy chú mèo con.

Minh Huy dịch
(TCSH55/05&6-1993)

 

 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Các bài đã đăng
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Nhóm lửa (21/04/2023)