Truyện dịch
Con diệc trắng
09:26 | 22/08/2024

Nhà văn Mỹ Sarah Orne Jewett sinh năm 1849 và mất năm 1909. Bà là nhà tiểu thuyết, nhà thơ và nhà văn viết truyện ngắn (Short Story Writer). Bang Maine là không gian chính trong tác phẩm của bà. Văn chương của bà sớm đề cập đến các vấn đề sinh thái và các vấn đề xã hội khác, có tính vùng miền.
                    Trần Ngọc Hồ Trường dịch và giới thiệu

Con diệc trắng
Nhà văn Sarah Orne Jewett khoảng năm 1894 - Ảnh: wikipedia

SARAH ORNE JEWETT


Con diệc trắng

I.
Rừng chiều tháng sáu tràn bóng tối, dù chỉ mới chưa được 8 giờ và hoàng hôn sáng tỏ vẫn còn chiếu lấp lánh trên các thân cây. Một cô bé đang lùa bò về nhà. Con bò cái già chậm chạp bước và là người bạn đáng giá nhất trong đời của cô. Con bò bước đi trong rừng, dù ánh sáng có thế nào, vì nó đã quen đường. Mắt nó nhìn thấy đường hay không không thành vấn đề.

Trong những đêm mùa hè, khó mà thấy con bò cái này đứng nhởn nhơ trên đồng cỏ. Ngược lại, nó vui sướng đứng giấu mình sau các bụi việt quất và dù nó mang lục lạc, nó vẫn biết là nếu nó đứng im thì lục lạc sẽ không kêu. Do đó, cô bé Sylvia phải đi tìm nó, miệng gọi “Bò, bò!” nhưng không có một tiếng “Úm bò” trả lời. Cô bé tìm cho đến khi hết kiên nhẫn. Nếu con bò cái này không cho nhiều sữa thì nó sẽ mệt với bà chủ của nó. Sylvia thường luôn bên nó khi vắt sữa và khó hiểu khi nó không có sữa. Thi thoảng, lúc thời tiết đẹp, thật vui khi chơi trốn tìm với nó. Cô bé không có bạn nên trò đùa này với em là rất thú vị. Trò chơi quá dài, đến mức con bò ra hiệu cho cô bé biết là nó đang ở đây và Sylvia cười, đi đến bên nó ở rìa đầm lầy, âu yếm lấy roi gỗ bulô lùa nó về nhà. Con bò cái không muốn đi lang thang nữa, nó rẽ đúng hướng ngay khi rời đồng cỏ và bước thong dong về nhà. Nó đã sẵn sàng để được vắt sữa nhưng rất ít khi dừng ăn cỏ khi đang được vắt. Sylvia tự hỏi bà ngoại mình sẽ nói gì vì em và con bò về muộn. Em rời nhà đã lâu, từ lúc 5h30 nhưng ai cũng biết chặng đường về nhà không phải là ngắn. Đã nhiều mùa hè, bà Tilley khổ sở vì những người giúp việc chậm trễ nhưng giờ bà biết ơn khi có Sylvia. Nhưng bà già tốt bụng đang nghĩ Sylvia la cà đâu đó. Từ khi lập địa, chưa có đứa bé nào đi lạc mà! Ai cũng nói sẽ là may mắn nếu một đứa bé được sống 8 năm ở một thị trấn phồn thịnh. Nhưng với Sylvia, cô bé biết mình chỉ được sống kể từ khi về nông thôn. Cô bé thương xót cho cây phong lữ phải đứng trước sân nhà một ông hàng xóm ở thị trấn.

“Nó sợ phải sống trong gia đình nó”, bà Tilley thì thào. Bà cười sau khi chọn Sylvia, là con gái của con gái bà. Cô bé sống trong một gia đình đông anh chị em. “Nó sợ gia đình nó”, người ta nói vậy. “Tôi đoán nó không bực dọc khi phải xa nhà, đến sống với mình”, bà tự nhủ. Khi hai bà cháu trở về căn nhà đơn côi và mở cửa, con mèo chạy ra kêu ồn ào và quấn vào chân họ. Đây là con mèo lẻ loi nhưng mập mạp. Sylvia thì thầm rằng đây là nơi đáng sống và sẽ chẳng bao giờ muốn trở về nhà mình.

Cô bé và con bò bước đi trên đường rừng. Con bò bước chậm, cô bé bước nhanh. Con bò dừng lại bên suối uống nước, như thể đồng cỏ không có một nửa diện tích là đầm lầy. Sylvia đứng im chờ đợi, cô bé nhúng đôi chân trần xuống dòng nước đầy cá, trong khi các đàn côn trùng đêm quấn quýt bên cô. Cô bé và con bò lội qua suối. Cô lắng nghe chim hét kêu, lòng vui rộn rã. Có những tiếng sột soạt trong các lùm cây. Ở trong đó có đầy chim chóc và thú hoang đang thức và sắp đi kiếm ăn hoặc đang ríu rít chào tạm biệt nhau. Sylvia thấy buồn ngủ khi cô bước đi. Tuy nhiên, đường về nhà không còn xa và tiết trời thì dịu mát. Cô bé ít khi ở trong rừng muộn như thế này và điều này làm cô nghĩ mình là phần của bóng tối và của thế giới đang chuyển động. Cô bé tự hỏi đã bao lâu rồi kể từ khi mình chuyển đến nông thôn, dù cô biết là đã một năm và không biết mọi việc ở thị trấn có như cũ không, như khi cô còn ở đó. Khi nghĩ tới thằng bé mặt đỏ hay rượt và làm cô sợ hãi, cô bước nhanh hơn để vượt qua các bóng cây.

Bỗng cô bé giật mình khi nghe có tiếng huýt sáo cách mình không xa lắm. Đây không phải là tiếng chim thân thiện mà là tiếng huýt của một người đàn ông, có phần dữ tợn. Sylvia bỏ mặc con bò và lánh vào bụi nhưng đã quá trễ. Kẻ thù đã phát hiện ra cô và xởi lởi hỏi, “Chào cô bé, đường còn xa không?”. Sylvia lí nhí đáp, “Còn khá xa”.

Cô bé không dám nhìn mặt người đàn ông cao dáng, đang vác một khẩu súng nhưng cô bước ra khỏi bụi cây và đi theo con bò, người đàn ông bước bên cạnh.

“Tôi đi săn chim”, người lạ vui vẻ nói. “Nhưng tôi bị lạc đường, rất cần bạn lúc này. Đừng sợ!”. “Nói cho tôi biết em tên gì và liệu tôi có thể nghỉ lại nhà em đêm nay, sáng mai đi sớm được không?”.

Sylvia cảnh giác hơn. Liệu bà ngoại cô có quở trách cô không? Nhưng ai có thể đoán được sự thể như thế này? Đây không phải là lỗi của cô và cô cúi đầu, như cổ đã bị gãy. Cô mấp máy môi nói, “Sylvia”, khi người đồng hành lại hỏi tên cô.

Bà Tilley đứng ở cửa khi bộ ba đi tới. Con bò kêu “Úm bò”, như để giải thích.

“Vâng, mày nói đi con bò của nợ? Nó lần này trốn ở đâu vậy Sylvia?”. Nhưng Sylvia không đáp, cô có linh cảm bà của mình không hiểu vấn đề. Cô đã nhầm tưởng người lạ là một nông dân trong vùng.

Người đàn ông đặt súng và một cái giỏ đầy xuống, sau đó chào bà Tilley và kể lại câu chuyện của mình, hỏi có thể ngủ nhờ được không.

“Tôi ngủ ở đâu cũng được”, anh ta nói. “Tôi sẽ đi sớm nhưng giờ tôi rất đói. Chị có thể cho tôi ít sữa hoặc thứ gì cũng được”.

“Được thôi!”, bà chủ nhà nói. Hình như lòng mến khách trong bà đã thức dậy. “Anh đi ra hơn một dặm thì có sữa nhưng tôi chào đón anh, sẽ trao anh thứ chúng tôi có. Tôi sẽ đi vắt sữa ngay. Anh cứ tự nhiên. Anh có thể ngủ trên giường lót trấu hoặc lông”, bà rộng rãi nói. “Tôi tự lo hết. Có một đồng cỏ có nhiều ngỗng phía dưới đầm lầy. Giờ, đi dọn đồ ăn cho chú đi Sylvia!”. Sylvia nhanh chóng bước đi. Cô bé vui vì có việc để làm, vả lại, cô cũng đang đói.

Thật ngạc nhiên khi có một chỗ ở tiện nghi và sạch sẽ ở vùng hoang vu này. Người đàn ông kinh hãi với nhà cửa, sự dơ bẩn của những kẻ chẳng biết phản đối việc phải sống chung với gà mái. Đây là ngôi nhà khang trang, dù nó hơi giống một nơi để sống ẩn dật. Anh ta lắng nghe tiếng bà già chủ nhà hục hặc và nhìn cô bé với khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt sáng đang hăm hở. Anh ta chắc chắn là mình sắp có một bữa tối ngon nhất trong tháng, sau bữa ngồi cùng các bạn mới lúc trăng lên.

Bữa ăn sắp tới gần. Sylvia đang làm món ngon. Con bò cho sữa nhiều, dù có vú không có sữa. Bà chủ nhà trò chuyện chân thành. Bà kể bà đã phải chôn cất bốn đứa con. Mẹ của Sylvia và một con trai ở California (có lẽ đã chết) là hai đứa con còn lại của bà. “Con trai Dan của tôi săn bắn rất giỏi”, bà buồn bã nói, “Tôi không thích gà gô và sóc nâu khi nó trở về nhà. Nó thích đi phiêu dạt, không thích viết thư. Nhưng tôi không trách nó. Tôi sống cuộc đời tôi có thể”.

“Sylvia giống nó”, bà nói âu yếm sau một quãng dừng. “Không có tấc đất nào là con bé không đến và chim thú xem nó là bạn. Nó thuần hóa sóc, tự tay cho chúng ăn, các thứ chim khác nó cũng làm thế! Mùa đông năm ngoái, một đàn chim giẻ cùi sà xuống đây. Tôi nghĩ nó sẽ dành hết thức ăn của nó cho chúng, nếu tôi không cản. Tôi nói với nó, tôi chỉ thích quạ. Thằng Dan đã thuần hóa một con quạ. Con quạ này từ đó, giống một người thân. Con chim này quanh quẩn ở đây sau khi nó bỏ nhà đi. Nó và cha nó không bất hòa nhưng cha nó không bỏ qua cho nó khi nó dọa ổng, rồi bỏ đi xa”.

Vị khách không thích thú mấy với chuyện buồn trong gia đình bà chủ nhà. Anh ta đang chú tâm vào một việc khác.

“Vậy Sylvia biết tất cả các loài chim?”, anh ta ngạc nhiên hỏi, mắt nhìn cô bé nhỏ nhắn đang ngồi e lệ và buồn ngủ trong ánh trăng. “Tôi sưu tầm đủ loại chim từ khi tôi còn là một cậu bé. Có hai, ba loại chim rất quý tôi săn được trong 5 năm vừa rồi. Tôi muốn nói là tôi sở hữu chúng nếu tôi phát hiện ra chúng”.

“Anh nhốt chúng trong lồng?”, bà Tilley hỏi sau khi nghe câu nói hồ hởi.

“Ồ không, chúng sẽ được nhồi để bảo quản. Tôi có hàng loạt chim nhồi”, tay săn chim nói. “Cách đây vài dặm, tôi thấy có một con diệc trắng vào ngày thứ bảy và tôi đi về hướng này theo nó. Người ta không thấy diệc ở quận này. Diệc rất hiếm”. Anh ta quay sang nhìn Sylvia, hy vọng biết được diệc cũng là bạn của cô bé.

Nhưng Sylvia đang nhìn một con cóc trên lối mòn. “Cháu sẽ nhận ra diệc nếu cháu nhìn thấy nó”, người lạ hăm hở nói. “Đó là giống chim trắng và rất cao, có lông mềm, hai chân dài, khẳng khiu. Chúng làm tổ bằng củi trên đọt cây, như tổ chim ó”.

Tim Sylvia đập mạnh. Cô bé biết loại chim trắng này, đã từng rón rén đến bên chúng khi chúng đứng bên một cái đầm sáng xanh bên kia rừng. Có một khu đất trống, nơi mặt trời luôn chiếu những tia nắng tươi lạ lùng, có những bụi cây cao, đầu cúi mặt. Bà cô bé từng cảnh báo cô rằng, cô có thể bị chìm xuống bùn ở đó và không ai có thể nghe được tiếng kêu cứu của cô. Không xa bên kia đầm lầy là biển cả. Sylvia ao ước được đến đó nhưng chưa bao giờ đến được. Tiếng biển đôi khi lấn át tiếng rừng trong những đêm bão tố.

“Tôi chẳng thấy có gì thích hơn là tìm được tổ con diệc này”, người lạ nói. “Tôi sẽ cho bất cứ ai chỉ cho tôi nơi có tổ 10 dollar”, anh ta nói quyết đoán. “Tôi muốn dành hết mùa hè của mình để săn bắt diệc. Có lẽ nó đang di cư hoặc bị chim săn mồi đuổi ra khỏi vùng đất của nó”.

Bà Tilley lắng nghe chăm chú nhưng Sylvia chỉ nhìn con cóc, chẳng tiên đoán được, như cô bé có thể trong những lúc lặng lẽ, là con cóc muốn chui xuống cái lỗ dưới bậu cửa và đang bị cản trở do có người lạ vào buổi tối. Đêm đó, cô bé không nghĩ gì về 10 dollar, là số tiền có thể mua được nhiều thứ mình ao ước.

Ngày hôm sau, người săn chim và cô bé đi vào rừng. Cô bé không còn sợ anh ta vì anh ta thân thiện, tốt bụng và biết đồng cảm. Anh ta kể cô bé nghe nhiều điều về chim chóc. Chúng biết gì, sống ở đâu, chúng làm gì với chính chúng. Anh ta cho cô một con dao là thứ mà cô nghĩ là báu vật nếu cô sống một mình trên đảo hoang. Cả ngày dài, anh ta chẳng làm gì cho cô bé phải lo sợ ngoại trừ khi anh ta bắn hạ những con chim biết hót từ trên cành. Sylvia sẽ mến anh ta hơn, nếu anh ta không có súng. Cô không hiểu tại sao anh ta lại giết quá nhiều chim mà anh ta có vẻ thích. Nhưng tới chiều, Sylvia vẫn yêu mến nhìn ngắm người đàn ông. Cô bé chưa bao giờ được thấy ai duyên dáng và vui tươi. Trái tim nữ giới đang ngủ trong cô mơ hồ nghĩ đến tình yêu. Linh cảm về tình yêu này thức giấc trong lòng các chàng trai trẻ là những người đã đi lặng lẽ qua khu rừng nghiêm trang này. Họ dừng lại lắng nghe chim hót rồi dấn bước, rẽ cây cối, nói xì xào với nhau. Người đàn ông lạ đi trước, Sylvia theo sau, cách vài bước, đôi mắt đen nâu của cô thật phấn khích.

Cô bé đau lòng vì con diệc mà người đàn ông ao ước nhưng khó bắt được. Tuy vậy, cô không chỉ đường cho anh ta, chỉ đi theo sau, không nói năng gì. Tiếng nói trong sâu thẳm lòng cô làm cô sợ hãi. Thật khó nói Không hoặc Có để chỉ đường cho anh ta. Chiều xuống, họ cùng lùa con bò trở về. Sylvia cười vui vẻ khi đi qua khu vực cô nghe tiếng huýt sáo và hoảng sợ tối hôm qua.

Minh họa: Ngô Lan Hương


II.
Cách xa nhà nửa dặm, ở bên bìa rừng, có một vùng đất cao và có một cây thông lớn cuối cùng đứng ở đó. Nó đứng để làm dấu hay vì lý do gì, không ai biết. Thợ rừng chặt các cây bạn nó đã chết từ lâu. Cả rừng cây cường tráng gồm thông, sồi và thích lại mọc lên. Nhưng cây thông già vững chãi vươn lên cao nhất, là cột mốc giữa bờ và biển ngái xa. Sylvia hiểu rất rõ nó. Cô bé tin là, ai trèo lên được đọt cây này sẽ có thể trông thấy đại dương. Cô bé từng đặt tay mình quanh thân cây to lớn và nhìn lên các cành màu đen sẫm của nó mà gió đung đưa, dù trời nóng hay mát mẻ. Bây giờ cô bé có niềm hứng khởi mới, đó là cô bé nghĩ, nếu ai đó trèo lên tới đọt cây vào lúc bình minh, họ sẽ không chỉ nhìn thấy được cả thế giới mà còn thấy được con diệc trắng bay, nhờ đó, đánh dấu và phát hiện ra tổ của nó.

Thật là có đầu óc phiêu lưu và đầy tham vọng! Thật sung sướng, vinh quang và khải hoàn khi vào sáng hôm sau, cô bé làm được điều đó! Thật tuyệt vời và chân thực cho trái tim bé nhỏ.

Cả đêm, cửa ngôi nhà cô mở rộng và các loài chim ăn đêm đến, kêu ở ngay bậu cửa. Tay thợ săn và bà già chủ nhà ngủ rất say, riêng Sylvia thì thao thức. Cô bé không nghĩ đến việc ngủ. Đêm hè ngắn ngủi dường như dài như đêm đông. Khi các loài chim ăn đêm đã bay đi và bình minh sắp đến, cô bé lẻn ra khỏi nhà và băng ra đồng cỏ theo đường rừng, hướng về phía khoảng rừng trống, trìu mến lắng nghe tiếng líu ríu của một con chim nửa thức nửa ngủ, nín thở khi đi qua chỗ đậu của nó. Ôi, nếu sóng cả của sự khoái trá và thích thú của nhân sinh trào lên thì cô bé nhỏ nhắn này sẽ quét sạch chúng đi bằng tình yêu dạt dào dành cho tự nhiên, cho rừng tĩnh lặng!

Cây thông già cao lớn đứng lặng trong ánh trăng. Cô bé nhỏ nhắn và dại dột quyết chí trèo lên đọt nó. Máu sẽ chảy từng giọt, rỉ ra từ khắp cơ thể. Các ngón tay, ngón chân trần của cô sẽ bám vào thân cây, như vuốt chim, như leo lên thang, lên cao mãi cho đến tận trời. Đầu tiên, cô bé leo lên cây sồi cạnh cây thông. Cô bé gần như mất hút giữa các tán lá màu tối và xanh đậm, có sương phủ. Một con chim bay ra từ tổ, một con sóc đỏ ngơ ngẩn nhìn cô bé như muốn mắng kẻ xâm nhập vô ý tứ. Cô bé trèo lên dễ dàng. Cô thường trèo lên cây này và biết có một nhành sồi trên cao áp sát vào cây thông, nơi các cành của hai cây đan vào nhau. Ở chỗ đó, cô bé sẽ lèn qua cây thông và ý định lớn của cô sẽ thật sự được bắt đầu.

Cô bé leo ra đầu cành sồi đang lắc lư và luồn qua cây thông già. Luồn qua khó hơn cô bé tưởng. Cô bé phải leo ra xa cành sồi và giữ chặt tay. Các cành cây khô cào cấu cô bé, như cái vuốt của chim. Nhựa cây thông làm cho các ngón tay nhỏ bé của em cứng đơ. Cô bé xoắn xuýt leo lên thân cây thông to lớn, càng lúc càng cao. Chim cổ đỏ và chim sẻ trong rừng phía dưới đã thức dậy và ríu rít đón bình mình. Trên cao thật nhẹ nhõm. Cô bé biết là mình phải nhanh chân, nếu muốn dự án thành công.

Cây thông hình như càng lúc càng cao hơn khi cô bé leo lên. Nó như cột buồm chính chống trên mặt đất. Nó chắc rất ngạc nhiên vì trên thân thể nặng nề của nó, có một cô bé từ từ leo lên càng lúc càng cao. Ai biết được là các nhành thông có vững chắc không để nâng giữ cô bé! Cây thông già hẳn thích thú với cô bé. Nhịp đập của con tim cô bé mắt nâu ngọt ngào, to hơn tiếng con dơi, con diều hâu và con bướm đêm. Cây thông đứng lặng, cau mày với gió sáng tháng sáu, khi bình minh đã dậy ở hướng đông.

Nếu nhìn lên từ mặt đất, sẽ thấy gương mặt Sylvia như một vì sao nhợt nhạt. Khi cô bé leo lên được mắc cao tít cuối cùng, cô bé đứng run và mệt mỏi nhưng thấy khải hoàn. Vâng, biển lấp lánh dưới mặt trời bình minh. Ở phía đông rực rỡ, có cánh chim diều hâu bay chầm chậm. Chúng hình như bay thấp trên nền trời xanh khi nhìn từ xa. Lòng chúng mềm như cánh con bướm đêm. Chúng có vẻ đang ở gần cây thông. Sylvia thấy mình cũng có thể bay giữa mây trời. Về hướng tây, cánh rừng và các trang trại nằm xa xa hàng dặm. Đây đó, có tháp chuông nhà thờ, các làng mạc màu trắng. Thế giới thật rộng lớn và đáng kinh ngạc!

Chim chóc kêu to hơn. Cuối cùng, mặt trời đã hiện rõ. Sylvia có thể thấy các cánh buồm trắng của tàu bè ngoài biển. Màu vàng, tía và đỏ của mây tan dần. Tổ con diệc trắng ở đâu giữa rừng cây? Cảnh quan huy hoàng, nên thơ của thế giới là phần thưởng cho những ai lên cao? Sylvia lại nhìn xuống đất. Đầm lầy xanh tươi nằm giữa rừng cây độc cần màu tối và cây bulô sáng rực. Ở trên cao, khi đã thấy con diệc trắng, bạn sẽ thấy nó lần nữa. Nhìn kìa, đốm trắng của con diệc như một chùm lông bay lên từ cây độc cần đã chết và càng lúc càng lớn hơn. Cuối cùng, nó bay tới gần cây thông bằng những sải cánh dài, cổ cong và đầu nghểnh. Hãy đợi! Đừng nhúc nhích tay chân, cô bé ơi! Đừng chiếu ánh mắt sáng, hăm hở vào nó. Con diệc đậu xuống một cành thông không xa cô bé, cất tiếng kêu bạn trong tổ và rỉa lông ngày mới.

Cô bé thoáng thở dài khi có một đàn chim mèo cũng đậu xuống cây thông đó, bực dọc đập cánh, làm cho con diệc nghiêm trang bay đi. Cô bé hiểu bí mật của con diệc. Con chim hoang, nhẹ nhàng, mảnh mai vỗ cánh và bay lại về tổ, như một mũi tên, trên thế giới xanh bên dưới. Sau khi mãn nhãn, Sylvia lại nhọc nhằn leo xuống, không dám nhìn xuống nhành cây cô đã đứng. Cô như muốn khóc vì tay chân đau nhói. Cô bé nghĩ đi nghĩ lại là người lạ sẽ nói gì và nghĩ gì khi cô chỉ cho anh ta đường tới tổ con diệc.

“Sylvia, Sylvia!”, bà ngoại cô gọi gióng giả nhưng không có tiếng đáp. Chiếc giường lót trấu vắng tanh. Sylvia đã biến mất.

Vị khách thức dậy và nhớ tới thú vui của mình nên vội vã mặc quần áo vào. Anh ta ngỡ là cô bé đã biết nơi có tổ diệc vì cô hôm qua có vẻ tư lự và giờ chắc cô bé sẽ chỉ đường. Cô bé về kìa. Trông cô nhợt nhạt, quần áo rách tươm, người dính đầy mủ thông. Bà ngoại cô và tay thợ săn đứng ở cửa hỏi cô. Giờ khắc nói về cây độc cần đã chết, đứng bên đầm lầy xanh đã tới.

Nhưng Sylvia không nói gì, dù bà em quở trách em còn tay thợ săn thì nhìn em khẩn khoản. Anh ta có thể giúp họ trở nên giàu có bằng tiền đã hứa. Họ lại nghèo. Anh ta tốt khi làm thế và đợi cô bé chỉ đường.

Không, cô bé không nói. Điều gì làm cô câm nín? Cô đã 8 tuổi và khi đời lần đầu tiên giơ tay ra cho cô, cô lại gạt đi, chỉ vì một con chim? Tiếng thông reo bên tai cô. Cô nhớ cánh diệc trắng bay qua trời vàng. Cô nhớ mình đã ngắm nhìn biển cả và sớm mai. Sylvia không chỉ. Cô không thể nói về các bí mật của con diệc và hủy hoại đời nó.

Hôm sau, vị khách bỏ đi, lòng đầy thất vọng, một nỗi thất vọng bám theo anh ta như một con chó trung thành. Nhiều tối sau đó, Sylvia nghe tiếng huýt sáo ám ảnh vọng lại khi cô đi qua đồng cỏ với con bò chậm chạp. Cô không nhớ nỗi buồn của mình khi nghe tiếng súng đanh thép, không nhớ cảnh tượng chim hét và chim sẻ rơi xuống đất, tiếng ca của chúng dứt hẳn còn bộ lông đẹp đẽ của chúng dính đầy máu. Chim chóc có phải là bạn tốt, hơn người thợ săn? Rừng và mùa hè là báu vật đối với cô bé, hãy nhớ điều này! Hãy mang quà và phước lành đến để nói về điều bí mật của bạn với cô bé quê mùa này!

S.O.J
(TCSH425/07-2024)

_______________
Dịch từ tiếng Anh, trong Great American Short Stories, New York, 2012.

 

 

Các bài đã đăng
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)