Truyện ngắn
Sandwich và mứt phúc bồn tử
09:25 | 11/12/2020

ĐINH NGỌC TÂM

Mỗi sáng, với khuôn mặt còn ngái ngủ, nàng thường hỏi tôi thích ăn gì: bún, mì, phở hay hủ tíu. Nếu tôi nói gì cũng được, nàng sẽ bực dọc bảo rằng tôi ba phải, ngay cả thứ đơn giản nhất như bữa sáng cũng không tự đưa ra được lựa chọn.

Sandwich và mứt phúc bồn tử
Minh họa: Ngô Lan Hương

Để tránh cơn giận dữ của nàng, tôi thường chọn bừa một món trước khi kịp nghĩ xem mình thật sự thích gì. Trong khi nấu bữa sáng cho tôi, nàng bắt đầu huyên thuyên đủ thứ chuyện không dứt, tốc độ nói nhanh như đọc rap, chủ đề này nhảy cóc sang chủ đề nọ. Khi nói, khuôn mặt ngái ngủ của nàng trở nên tươi tắn, tỉnh táo, sinh động lạ kì. Nàng nói về loại mĩ phẩm rởm nào đó vừa gây chết người, về một loại nước hoa đang được săn đón, về thương hiệu thời trang cao cấp nọ đang giảm giá, về bê bối tình ái của một ông chủ tập đoàn. Hình như tôi chưa bao giờ đủ tập trung để nghe hết bản tin của nàng. Từ khẩu hình miệng nàng, quá nhiều thông tin phát đi, xen lẫn tiếng nước sôi, tiếng rè rè của máy pha cà phê, tiếng xe cộ ngoài đường vọng tới và tiếng lọc cọc của thứ gì đó như một viên bi thủy tinh lớn rơi đều đặn trên nền nhà. Kì lạ thay, nàng chẳng để ý đến âm thanh nào ngoài giọng nói của chính mình. Trong khi đẩy tô phở đến trước mặt tôi, nàng nuốt nhanh miếng sandwich kẹp mứt phúc bồn tử rồi phóng ra đường, biến mất vào dòng người hối hả buổi sáng. Thực lòng tôi không thể hiểu nổi bằng cách nào nàng ngày này qua tháng nọ liên tục ăn sáng bằng bánh sandwich với mứt phúc bồn tử mà không thấy chán. Có gì hấp dẫn ở món mứt chua ngọt kì dị phết lên thứ bánh khô khốc đó? Bù lại, nàng làm một việc rất dễ thương là nấu bữa sáng cho tôi, thay đổi mỗi ngày, khi bún khi phở khi bánh canh, lúc thì hủ tíu, toàn những món bản thân nàng chẳng lấy gì làm ưa thích. Hôn nhân, nói rộng hơn là cuộc đời này, tôi kết luận, đều là kết quả của những thỏa hiệp lớn nhỏ. Chỉ khi nào cô độc trên một đảo hoang người ta mới có thể sống hoàn toàn theo ý mình. Dẫu vậy, thỏa hiệp không phải lúc nào cũng đủ giữ ta yên ổn.

Mỗi buổi chiều sau giờ làm, nàng trở về bên tôi với một vài câu hỏi vu vơ. Như chiều nay chẳng hạn, nàng hỏi tôi ủng hộ đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa. Câu trả lời nào cũng vô nghĩa như nhau, tôi đâu có quyền lựa chọn, nào tôi có phải công dân Hoa Kì. Nhưng nàng tiếp tục căn vặn, ai cũng phải nghiêng về một phía nào đó chứ. Tôi chọn đảng Dân Chủ cho yên chuyện. Nàng chọn đảng Cộng Hòa. Vô nghĩa như nhau thôi, nàng cũng nào phải công dân Hoa Kì. Thỏa mãn khi có câu trả lời, nàng chuyển chủ đề ngay lập tức. Nàng kể chuyện ở sở làm, khách hàng này phá sản, khách hàng kia trốn nợ. Tay đồng nghiệp nọ ngoại tình với chị đồng nghiệp kia. Như mọi khi, nàng nói liến thoắng không ngừng nghỉ. Cặp chân mày nhợt nhạt của nàng lúc cau lại tức tối, lúc giãn ra phấn khích. Nàng kể chuyện với đôi mắt chớp lia lịa, như thể sau mỗi cái chớp mắt một cảnh huống mới lại diễn ra. Đôi khi tôi tưởng tượng nàng là một sản phẩm nhân cách hóa của mạng xã hội, nơi những mẩu chuyện thiên hạ ồn ào sống động thi nhau tuôn trào trước khi người ta kịp tiêu hóa. Tôi hầu như không thể tập trung nghe hết các câu chuyện của nàng, không thể nhớ nổi tên các khách hàng và các đồng nghiệp mà nàng liệt kê, không thể liên kết mẩu chuyện này với mẩu chuyện nọ. Xen vào đó, tiếng ấm đun nước reo lên, tiếng dao chặt thịt va vào mặt thớt, tiếng vòi nước ào ào xả xuống chậu rửa rau và tiếng lọc cọc của thứ gì đó như một viên bi thủy tinh lớn rơi đều đặn trên nền nhà. Như một người diễn thuyết chuyên nghiệp chỉ toàn tâm vào bài nói chuyện của mình, nàng xem mọi âm thanh lào xào khác chỉ là tiếng vỗ tay tán thưởng không đáng để nàng gián đoạn. Chỉ chờ tôi buông đũa, nàng dọn dẹp bàn ăn nhanh như một bồi bàn chuyên nghiệp rồi biến mất vào phòng khách. Tôi nhận ra rằng, câu hỏi tỏ vẻ hệ trọng của nàng thật ra chẳng ý nghĩa gì. Làm sao một người có thể đưa ra lựa chọn nghiêm túc mà không cần đắn đo trong thế giới phù phiếm ngồn ngộn thông tin chớp nhoáng như thế giới của nàng. Khoảng cách giữa tôi và nàng không chỉ là tuổi tác mà còn là vời vợi khác biệt giữa đàn ông với đàn bà, giữa lựa chọn này với lựa chọn kia, giữa người này với người khác. Cái khoảng cách hiển nhiên mà ta thường sống chung trong thỏa hiệp ấy đôi khi giãn ra thành cả một vũ trụ bao la khiến tôi thấy cô đơn khủng khiếp, vào lúc nàng ngồi ngay bên cạnh.

Buổi tối, nàng tận hưởng khoảng thời gian bên nhau bằng cách đặt tiếp những câu hỏi vu vơ. Như tối nay chẳng hạn, nàng hỏi tôi theo anh người ta nên bỏ hay giữ án tử hình. Câu hỏi này phức tạp, cần cả một cân nhắc đạo đức lớn trước khi trả lời. Nhưng nàng không cho tôi thoái lui, nàng chờ đợi câu trả lời, sốt ruột như trẻ con chờ mẹ cho uống sữa. Ánh mắt chờ đợi, hệ trọng và riết róng chỉ buông tha khi tôi bảo rằng theo tôi án tử hình nên giữ. Chỉ chờ có vậy, nàng nói nàng ủng hộ bỏ án tử hình, chẳng ai có quyền cướp đi sinh mạng người khác, ngay cả khi đó là tội phạm nghiêm trọng. Tôi chờ đợi nghe nàng tranh luận tiếp nhưng nàng bỏ lửng chủ đề, với nàng thế là đủ. Thay vào đó, nàng kể những câu chuyện của nàng, liến thoắng, liên tục, không ngắt quãng. Đa số thông tin nàng có được từ mạng internet hoặc lời kể của người quen. Nhưng qua giọng nói say sưa tự tin của nàng, người ta có cảm tưởng nàng tận mắt chứng kiến tường tận tất thảy những chuyện đó. Sáng nay cảnh sát truy bắt một tay côn đồ có vũ khí. Người dân thay vì hoảng sợ lại bu đen đến xem như xem phim hành động. Cảnh sát cuối cùng không ra tay được. Tay côn đồ lẩn vào đám đông trốn thoát. Tôi chờ xem chuyện tay côn đồ dẫn tới án tử hình thế nào, nhưng chuyện của nàng dừng lại ở đó. Nàng kể tiếp chuyện khác, một vụ đánh ghen rúng động bằng axít nhưng thủ phạm lại nhận nhầm mặt nạn nhân, một bi kịch xảy ra. Không ai chịu án tử hình. Trong khi kể chuyện, mắt nàng không rời màn hình, nàng cầm điều khiển chuyển kênh truyền hình liên tục, đang bóng đá nhảy sang ca nhạc, rồi phim truyền hình dài tập. Có tiếng lóc cóc đều đều của một viên bi thủy tinh lớn rơi trên nền nhà. Âm thanh quái gở đó không phát ra từ ti vi. Dù sao thì nàng cũng chẳng quan tâm, chẳng thứ gì làm nàng bận lòng hơn chính những câu chuyện nàng đang kể. Phải thừa nhận rằng có những lúc tôi thấy cuộc hôn nhân này là một sai lầm khủng khiếp. Ước gì thay vì cưới nàng, tôi được cưới người đàn bà đào cát trong tiểu thuyết hư ảo của Kobo Abe, một người đàn bà giản đơn cả đời chỉ biết đào cát, không phiền nhiễu, không nói nhiều, không hỏi lắm, không chất vấn cũng chẳng suy tư. Nhưng từ bỏ một cuộc hôn nhân khó khăn hơn nhiều so với từ bỏ một cuộc tình. Nếu người đàn ông đi lạc có thể sống với người đàn bà đào cát, lý gì tôi không sống nổi với những câu hỏi lửng lơ và những câu chuyện ợm ờ của nàng.

Hằng đêm, như một nghi lễ, nàng chúc ngủ ngon bằng một vài câu hỏi vu vơ trước khi biến mất vào giấc mơ riêng tư của mình. Như đêm nay chẳng hạn, câu hỏi liên quan đến tiểu thuyết tôi đang viết dở. Tiểu thuyết kể về một họa sĩ minh họa vô danh một ngày kia bị hội chứng rối loạn thị giác hiếm gặp khiến mọi khung cảnh trong mắt hắn đều méo mó xiêu vẹo. Hắn không tài nào nhìn cuộc đời một cách thẳng thớm được nữa. Vô tình, những bức tranh hắn vẽ trong cơn bệnh với sự hỗn loạn nội tâm bỗng thành độc đáo làm hắn nổi danh và giàu có vô cùng. Khi người ta tìm ra phương pháp điều trị cho hắn, tay họa sĩ đứng trước lựa chọn trở về với thế giới thẳng thớm bằng phẳng đã mất hay sống trong thế giới xiên xẹo với rất nhiều tiền. Tôi biết ngay nàng sẽ hỏi tay họa sĩ chọn con đường nào. Lần này không phải câu hỏi vu vơ. Tôi kiên nhẫn giải thích cho nàng hiểu rằng lựa chọn là của tay họa sĩ chứ không phải của tôi, ngay bây giờ tôi cũng chưa biết hắn sẽ chọn điều gì, vì tiểu thuyết vẫn chưa xong. Kể cả khi tiểu thuyết xong rồi, nàng cũng phải nhẫn nại đọc bốn trăm trang giấy để tìm đến kết thúc. Chẳng nghĩa lý gì khi đi đến kết cục mà không trải qua hành trình nội tâm phức tạp của nhân vật, hành trình đó mới thực quan trọng, chứ không phải cái đích của hành trình. Nàng không hiểu. Nàng để ngoài tai mọi giải thích. Nàng vẫn đòi câu trả lời. Tay họa sĩ đâu phải người thật, hắn chui ra từ tưởng tượng của anh, anh phải biết hắn muốn gì chứ. Thế sau cùng rốt tận, tay họa sĩ chọn tiền hay cuộc đời thẳng thớm? Đến đây thì sự thỏa hiệp trong tôi đi đến giới hạn. Tôi không thể chịu nổi nàng, không thể chịu nổi đầu óc ngô nghê của nàng. Trong suy nghĩ của nàng, thế giới nội tâm mà tôi dốc công xây dựng cho nhân vật không khác gì những câu chuyện giật gân nàng tìm thấy hàng ngày trên báo lá cải, cũng sự kiện, cũng biến cố, cũng thủ phạm, cũng nạn nhân, cũng hậu quả và bài học rút ra. Những câu hỏi của nàng đơn giản hóa thế giới đa dạng thành những đường biên lựa chọn trắng đen rạch ròi nơi người ta bắt buộc phải bước về phía bên này hoặc bên kia, con đường này hoặc con đường khác, không được quyền lưỡng lự, đắn đo, dằn vặt, bỏ chạy hay tháo lui. Nàng không hiểu tác phẩm của tôi, càng không hiểu tôi. Thấy tôi nhất quyết không trả lời, nàng thất vọng vùng vằng giận dỗi. Nàng bảo tôi chẳng phải nhà văn gì, chỉ là một người có ý tưởng, những ý tưởng thể nghiệm không ra được kết quả. Vậy mà chỉ một lát sau, nàng bỏ lửng câu hỏi mới vài phút trước còn hệ trọng để chuyển sang kể những câu chuyện vụn vặt như thường ngày. Chị họ nàng vừa mua một căn penthouse, lúc chuyển đến ở mới biết hàng xóm là một siêu mẫu, cô này đang cặp anh bồ đại gia rất già. Nói đến đây, mũi nàng hơi nhăn lại vẻ khinh miệt. Cô bán trái cây gần nhà tôi trúng xổ số nhưng chưa kịp hưởng thụ đã quay lại kiếp ve sầu vì dốc toàn bộ tiền thưởng đi đánh số đề. Nói đến đây nàng lắc đầu ngao ngán. Cặp diễn viên gạo cội bên nhau ba mươi năm qua với bao thăng trầm đột ngột tuyên bố ly hôn. Nói đến đây, mặt nàng sầu bi như thể chính nàng là nhân vật trong câu chuyện đó. Không muốn nghe nữa, tôi gắt lên:

- Người ta giải thoát cho nhau đó, em buồn nỗi gì. Anh thấy tụi mình cũng nên chia tay để giải thoát cho nhau thôi.

Lập tức hối hận, tôi ước thu ngay câu này lại. Tôi ước được quay lại một phút trước, để kịp ngăn cái miệng thối tha của mình. Tôi chờ nàng òa lên khóc, nàng sẽ giận dữ la hét, tôi sẽ giãi bày, sẽ giải thích, sẽ xin lỗi. Nhưng nàng nhìn tôi trân trân bằng đôi mắt kinh khiếp, rồi chìm vào im lặng. Đột nhiên tôi không thốt thêm được lời nào. Không khí im lặng thê lương bao trùm. Trước đây chẳng khi nào nàng chịu để cho miệng kịp mọc da non. Nàng không chịu được sự im lặng, như thể im lặng là chết chóc. Nàng không cho mình đủ thời gian để cân nhắc câu nào nên hỏi câu nào nên trả lời. Nàng không cho mình không gian để thải độc những câu chuyện vô bổ của thiên hạ. Giờ thì nàng im lặng. Khi không có gì để nói, nàng như thể không phải là nàng.

Hôm sau nàng đi làm từ sớm, không chuẩn bị bún, phở, mì hay hủ tíu, cũng không hỏi tôi thích ăn gì. Không biết nấu ăn, tôi đành phết mứt phúc bồn tử lên bánh sandwich cố nuốt cho qua bữa. So với hàng trăm thỏa hiệp phải đưa ra trong đời, ăn sáng bằng bánh sandwich với mứt phúc bồn tử thực ra chẳng đến nỗi nào. Không có tiếng ấm nước sôi, không âm thanh máy pha cà phê, chỉ có tiếng xe cộ từ ngoài đường vọng vào và tiếng lóc cóc khó chịu của thứ gì đó như hòn bi thủy tinh rơi trên sàn nhà. Vắng nàng, tôi có một cảm giác nhẹ nhõm. Không bị xáo trộn bởi những câu hỏi và những mẩu chuyện liến thoắng của nàng, tôi chìm đắm vào thế giới công việc của riêng tôi, nơi anh họa sĩ nọ quẫn trí vì mỗi lần mở mắt ra chỉ nhìn thấy thế giới dị hợm xiên xẹo méo mó. Buổi chiều, nàng vẫn không về. Tôi vào bếp phết mứt phúc bồn tử lên bánh mì sandwich. Món này quả đơn điệu khó ăn. Không tiếng phim truyền hình, không tiếng chén bát loảng xoảng hay tiếng dao chặt trên mặt thớt. Sự yên tĩnh bất thường làm tiếng lóc cóc vang trên nền nhà nghe rõ ràng hơn, trở thành một âm thanh quái gở. Lúc này tôi nghiêm túc nghĩ đến nàng. Nếu lược bỏ nội dung tất cả những câu hỏi và những mẩu chuyện phiếm của nàng thì bản chất hành động đặt câu hỏi và kể chuyện có gì khác so với hành động đào cát mỗi ngày của người đàn bà trong tiểu thuyết Kobo Abe? Nếu lược bỏ ý nghĩa những câu hỏi và những mẩu chuyện nàng kể mỗi ngày, chỉ còn lại âm thanh, nó có khác gì tiếng lóc cóc lặp lại vô nghĩa của viên bi thủy tinh rơi đều đều trên sàn nhà? Đến khuya, nàng vẫn không về, không nghe điện thoại cũng không trả lời tin nhắn. Phần mình, tôi không nuốt thêm nổi bánh sandwich phết mứt phúc bồn tử, nhưng chẳng còn lựa chọn nào. Xe cộ ngoài đường thưa vắng rồi im bặt. Lúc này, tiếng viên bi thủy tinh rơi lóc cóc trên nền nhà vọng lên thành một thanh âm chối tai không thể chịu đựng.

Tôi đi khắp nhà nghe ngóng xem tiếng lóc cóc đó phát ra từ đâu. Có vẻ như nó đến từ căn hộ tầng trên. Khu chung cư này tường và sàn đều mỏng, cửa không cách âm và ít người ở nên tiếng động nào lọt ra ngoài cũng bị khuếch đại. Tôi định gọi cho ban quản lý chung cư yêu cầu nhắc nhở nhà hàng xóm nhưng rồi đổi ý. Khoác áo ngoài, tôi lên tầng trên, đắn đo một lúc trước khi gõ cửa. Xuất hiện ở ngưỡng cửa một phụ nữ gầy gò có đôi mắt thâm quầng. Trên sàn nhà, một đứa bé liên tục ném viên bi thủy tinh rất to của nó xuống sàn, sự va đập phát ra những tiếng lóc cóc làm nó thích thú. Một phụ nữ khác tóc bạc trắng, có lẽ là bà nội hoặc bà ngoại cầm những món đồ chơi nhiều màu sắc hỏi đứa bé thích món nào. Nhưng nó không trả lời mà tiếp tục ném hòn bi xuống sàn, lượm lên rồi lại ném xuống. Người bà lại đưa kem và sữa chua ra trước mặt đứa bé, hỏi nó thích món nào. Nhưng đứa bé không đáp mà tiếp tục ném viên bi xuống sàn nhà, thích thú cười khi nghe tiếng va đập lóc cóc. Nhận ra có người lạ đứng trước cửa, đứa bé cũng không nhìn lên. Tất cả sự tập trung của đứa trẻ dồn hết vào viên bi thủy tinh và tiếng va đập của viên bi. Đứa bé say mê trò chơi của nó, với một sự chú tâm dị thường.

Sau một hồi phàn nàn về tiếng ồn, tôi trở về phòng cố chợp mắt ngủ. Trong đêm, tôi nghiêng người sang trái rồi sang phải, không sao ngủ được. Cuối cùng tôi nằm thẳng ngay ngắn nhìn lên trần nhà trống trơn, chỗ tiếng lóc cóc phát ra, cảm thấy mình bị thôi miên trước khi rơi vào cơn chiêm bao kì dị.

Đ.N.T
(SHSDB38/09-2020)

 

 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Chiếc cù lao (13/11/2020)
T (05/10/2020)
Con mèo đen (30/09/2020)
Góa phụ Paris (18/09/2020)