Truyện ngắn
Những mùa hoa bay
10:13 | 15/07/2021

NGUYỄN LUÂN   

Lâm có một thói quen vào những ngày cuối năm, thường tìm đến những vùng đất mới lạ thật xa nơi mình sống, để thưởng cái thú giao mùa của trời đất đang chuyển mình sang xuân.

Những mùa hoa bay
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Năm nay Lâm vẫn giữ cho mình cái thói quen ấy. Nhưng kỳ thực anh chờ đợi để được lên chợ phiên Phúng Liềng. Chỉ để gặp một người, và nghe ông ta kể nốt câu chuyện còn dang dở về cuộc đời của ông cho Lâm nghe. Có nhiều người đã kể về đời họ cho anh. Hết thảy chúng đều na ná nhau, chỉ có khác là cách nhìn của mỗi người. Nhưng không hiểu sao câu chuyện của ông lão mà Lâm đã gặp lại làm anh đau đáu và suy nghĩ nhiều trong suốt một năm qua.

Chợ phiên Phúng Liềng họp ngày hai mươi lăm tháng Chạp, một phiên chợ tết theo đúng nghĩa chợ cuối năm. Người đổ từ khắp các nẻo đường, từ trên các bản, các thung sâu nhất cũng sẽ đến phiên chợ này nên càng thêm phần náo nhiệt. Lâm thích ngắm hoa đào, nhất là loại đào rừng trên mọc trên các triền núi cao. Bên cạnh những hàng rào nhà dân dọc hai bên đường chênh vênh. Một loài hoa của mùa xuân đẹp bình dị mà đầy kiêu hãnh.

Chợ phiên Phúng Liềng bán nhiều hoa đào. Những cành đào người ta tự trồng, hay chở dưới xuôi lên Lâm không rõ. Chúng được bày bán đan xen, lẫn lộn nhau trên một bãi đất trống nơi cuối chợ. Người ta mặc sức ngắm nghía, bán mua trong thảnh thơi. Lâm đã gặp ông lão như đã kể ở trên đem hai cành đào của mình xuống chợ. Hai người cùng đi chung một đoạn đường dài. Con đường trên vùng cao như sợi dây bạc, chùng chình bước chân người xuống chợ ngày cuối năm.

*
Hôm ấy đất trời đã phảng phất hơi xuân. Sương đêm làm ướt bóng những mầm non mới nhú sạch đến tinh khôi. Lâm nhận ra một người vác hai cành đào trên vai. Vừa đi vừa ngắm nghía, vừa đi vừa chậm rãi nhìn bốn phía chân trời. Trông dáng dấp người ấy không có vẻ gì là vội vã đến chợ cho kịp buổi. Càng không có gì là quan tâm tới việc mình sẽ đi bán hai cành hoa ấy. Điều lạ lùng hơn, phải nói là ở hai cành hoa trên vai ông lão. Chúng rất vừa phải, tự nhiên không có bóng dáng uốn nắn của bàn tay con người. Chỉ có điều một cành nụ hoa đã chúm chím, căng mọng, rất đều và đẹp. Nhưng cành còn lại, thì tuyệt nhiên không có lấy một nụ hoa. Nó khẳng khiu, màu xám nhạt, lơ thơ vài búp lộc mỏng gầy. Sự đối lập của hai cành đào ngày tết ấy thật khiến người ta muốn bật cười với đủ lý do nghĩ tới. Nhưng điều Lâm quan tâm là ánh mắt của ông lão ngắm nhìn hai cành đào ấy với một cảm xúc như nhau. Như thể chúng đều đẹp và quý với lão mà không hề có sự khác biệt nào cả. Lâm bắt đầu chú ý ông lão ngay từ giây phút ấy.

Lâm tiến lại gần ông lão cất tiếng hỏi thay một lời cầu thân:

- Ông đi bán đào giờ này có muộn quá không ạ?

Ông lão nhìn Lâm rồi mỉm cười. Một nụ cười đầy bí hiểm. Đợi đủ lâu ông lão mới đáp lại. Nghe giọng nói đúng là người dân ở vùng núi này. Nhưng có vẻ âm sắc đã phai tạp đi nhiều:

- Bán cũng đúng, mà mang đi chơi rong thì đúng hơn.

Suốt dọc con đường Lâm theo sau ông lão, nhưng không thấy ông nói thêm điều gì. Lâm cố gắng đưa thêm vài câu hỏi xã giao nhưng ông lão chỉ gật đầu, hay cố lắm cũng chỉ mỉm cười cho qua. Hai người đi cùng nhau, gió từ trên những vách núi tràn xuống réo vi vút qua vành tai buốt lạnh. Lâm nhìn lên những cánh đào đã nở đang lay phay bay trong gió. Trong lòng đầy hồ nghi về con người trước mặt mình.

*
Đến chợ Lâm bị cuốn vào dòng người hối hả kéo nhau đi. Hàng hóa ngày tết bày la liệt. Đám thanh niên túm tụm, áo váy xập xòe nhìn nhau rồi trộm cười rinh rích. Những đứa trẻ theo chân mẹ tay cầm đồ chơi, vừa đi vừa phồng miệng ăn dở chiếc bánh chen chân trong đám người qua lại. Lâm theo chân đám đàn ông vào hàng rượu ngô. Rượu tết thơm tỏa ra từ một dãy dài các can, chai xếp thẳng hàng. Người bán cầm sẵn cái bát, người mua chỉ việc ghé vào uống thử một ngụm. Rồi đợi rượu chui tuột vào bụng thấy ưng ý mới gật đầu mua. Lâm cũng thử vài hơi như thế. Thứ rượu ngô men lá nồng, ấm, ngọt. Lại có thêm rượu gạo nếp nương Đông chí uống mát, trong nhưng rất mạnh làm Lâm đỏ phừng mặt.

Thấp cao bước ra khu chợ bán hoa, những người bán hoa đào đứng ngồi đủ mọi tư thế. Người bản địa, người ở nơi khác bán mua rất náo nhiệt. Lâm nhận ra ông lão khi nãy đang ngồi một mình ở một góc. Cũng có vài người vào hỏi mua cành hoa trên tay lão. Nhưng lão đều lắc đầu không bán. Lâm thấy lạ liền tiến lại gần định bụng sẽ bỏ tiền ra mua cành hoa của lão xem sao:

- Ông có bán cành này không? Cháu muốn mua?

Ông lão hơi sững người khi nhận ra người đi cùng mình khi nãy. Nhưng hồi lâu mới đáp:

- Tôi sẽ bán nếu có người mua cả hai.

Lâm bật cười:

- Nhưng cành hoa này của ông...?, hay là ông tặng cho người mua cành còn lại.

- Ta sẽ không tặng, hai cành giá ngang nhau. Ai mua thì mua.

Lâm nhìn vẻ mặt ông lão thì quả không có một chút đùa cợt. Mà là một sự nghiêm cẩn hết mức. Ở một nơi sắc hoa ngập tràn như Phúng Liềng thế này thì ông lão có ngồi đến hết chợ cũng không có người mua nổi món hàng trên tay ông.

Lâm bắt đầu thấy hiếu kỳ về người đàn ông này. Nhìn ông không có vẻ sốt sắng hay lo sợ việc không bán nổi những cành đào. Anh tiến lại gần ngồi cạnh ông lão. Đủ gần để nhìn thật kỹ hai cành đào ấy. Chúng chẳng có gì lạ, vẫn đẹp và kiêu hãnh. Liệu có gì đằng sau những cành hoa này chăng? Lâm bắt đầu tò mò về câu chuyện đằng sau chúng.

Ông lão lôi bao thuốc trong túi ra, rồi châm lửa. Khi làn khói loãng trong đám người qua lại. Lão nhìn như đoán được suy nghĩ nãy giờ của một người trẻ tuổi như Lâm.

- Cậu có tin cành hoa này chứa đựng linh hồn của một kiếp người không?

Lâm lắc đầu vẻ hoài nghi.

Ông lão chầm chậm ngồi xuống. Có lẽ Lâm sẽ không bao giờ quên được buổi chợ ngày hôm ấy, giữa chợ hoa Phúng Liềng. Giọng của ông lão vang lên, chầm chậm, ngắt quãng như từ đâu đó xa lắm. Ông kể về cuộc đời mình:

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đất này. Nhúm dây rốn của tôi vẫn còn nằm dưới hốc đá dưới chân núi. Tôi là người của núi rừng. Vậy tôi đã bỏ nó mà đi. Khi bố tôi mất một thời gian không lâu. Tôi gửi thân ở đất khách quê người. Sống một cuộc đời buồn tẻ và đầy cô đơn. Cậu có hiểu cái cô đơn khi biết mình có mặt trên đời này, nhưng không thể biết mình thuộc về đâu như thế nào không? Chắc cậu chỉ lơ mơ hiểu thôi. Nhưng rồi một ngày tôi trở về, tôi nghĩ tôi phải trở về nơi tôi đã sinh ra. Để làm gì cũng được. Nhưng nhất định phải về...”.

Ông lão dừng lại, ánh mắt gờn gợn buồn nhìn lên đỉnh núi. Những màu xanh nõn của lá non đang bắt đầu loang ra. Câu chuyện lại chập chờn:

“Ngày trở về dừng lại trên con đường lên nhà cũ. Gió thổi lào rào trên những tán cây hai bên đường, mùi lá mục ngai ngái xộc lên từng đợt. Trên những sườn núi đá, từng tán rừng úa vàng xơ xác lá. Tôi mải mê nhìn như thế bỗng thấy lòng có điều gì đó đang ứa ra như nhựa cây rừng. Thứ cảm giác như quen, như lạ phảng phất đâu đó chưa thành hình ở nơi này. Đã lâu lắm tôi không trở về nơi này.

Căn nhà cũ rúm ró, như đang ho khùng khục trong gió. Đám lá khô bị gió thổi dạt lấp đầy chân thang. Bây giờ đã cuối mùa thu, rừng đang thay lá. Những cánh rừng cả tuổi thơ tôi đã hướng ánh mắt mình lên ấy. Chưa bao giờ tôi biết màu của lá rừng vào mùa thu lại buồn, và xao xác như bây giờ. Nhưng cả tuổi thơ tôi đã khóc trong căn nhà cũ này. Tôi khóc vì nhớ mẹ, nước mắt tôi ướt từ sàn trước cho đến thang sau. Lớn hơn một chút, tôi không còn khóc nữa. Tôi bắt đầu thôi nhớ mẹ mà thay vào đó là ghét người đàn bà ấy. Nỗi căm giận cứ thế lớn dần...

Bố tôi là người đàn ông đã nghèo lại còn xấu. Tôi nhớ có lần mẹ đã nói như thế với bố. Trong một lần hai người cãi nhau. Khi nghe được câu nói ấy từ chính miệng mẹ nói ra. Bố ngồi gục xuống sau nhà. Suốt đêm hôm ấy bố vẫn ngồi một chỗ nhìn lên đỉnh núi. Bấy giờ trời giữa mùa đông, mây trên núi nhờ nhờ đục như sữa loang. Trong nhà không ai nói câu nào. Mẹ bế tôi vào giường, tôi nằm yên nhưng không dám ngủ. Mẹ tôi thức, mắt mở trừng trừng nhìn ra phía cửa sổ. Ánh mắt mẹ sáng như có ánh chớp. Mẹ nhìn sang chân núi Pua Mờ, nơi có nhiều ánh sáng của những ngọn đèn nhất vùng đất này. Nơi mà mẹ hay nhìn thường ngược lại với nơi bố tôi hay nhìn. Vẫn không ai nói câu nào. Chỉ có tiếng thở dài của bà trong buồng vọng ra giữa nhà. Tiếng thở như người treo đá lên ngực. Tôi nằm với mẹ, nhưng trong lòng lại thương bố tôi rất nhiều...”.

*
Ông lão thả đầu thuốc lá xuống dưới gót giày, đưa tay vuốt lại mái tóc xơ như mớ rễ tre. Lâm nhìn nghiêng nghiêng thấy khuôn mặt của lão rất khắc khổ. Hình như lão đang nghĩ về những ngày tháng buồn đau nhất hay chăng:

“Năm bố lên ba tuổi, chân trái của bố tự nhiên sưng vù lên to như cây chuối con. Suốt ngày nước vàng chảy dầm dề, từng mảng thịt đã bắt đầu thối rữa. Ông bà nội bán cả con trâu kéo cày nuôi cả nhà để chữa cho bố. Ông trời thương bố, cái chân không còn sưng, nhưng khi vết thương lành thì nó bắt đầu teo rồi nhỏ dần. Biến bố tôi trở thành thằng bé chân thọt từ lúc ấy. Bố tôi sống một cuộc đời mặc cảm, đau khổ như cái cây mãi mãi nằm dưới chân những tán rừng cao lớn. Luôn luôn phải cúi đầu và lặng yên một mình cho đến ngày mẹ tôi về làm vợ.

Mẹ tôi là người con gái đẹp, cái đẹp của mây gió trên vùng núi cao này như được mẹ tôi lấy hết vào người. Có gã buôn trâu dưới xuôi lên, sẵn sàng giao sính lễ mấy chục cây vàng để lấy được mẹ tôi. Vậy mà mẹ chấp nhận lấy một người thua thiệt đủ đường so với mẹ như bố tôi. Thật khiến người ta không thể tin nổi. Đám cưới của bố mẹ tôi được nói nhiều hơn bất cứ thứ chuyện lạ nào vào mùa đông năm ấy. Nhưng không phải theo lẽ tự nhiên mà mẹ tôi lại chịu theo bố tôi như thế. Điều ấy cũng có nguyên do của nó.”

*
Chợ bắt đầu có những tiếng nói lớn của đám đàn ông quá chén. Tiếng trẻ con nô đùa cười váng lên, có cả tiếng đàn bà cười như người xé vải vọng tới. Nhưng tất cả như không trôi nổi vào tâm trí tôi, sự náo nhiệt ấy bị đẩy văng ra khỏi đầu tôi trước câu chuyện của ông lão bán hoa:

“Có lẽ nguyên do bắt đầu từ ông ngoại tôi. Một người đàn ông cực kỳ nghiêm khắc và tín nghĩa. Ông nội tôi và ông ngoại vốn là bạn. Trong một lần đi rừng, ông ngoại tôi gặp nạn; trong khi cái chết cận kề trong chân tơ kẽ tóc, ông nội tôi đã không nề hiểm nguy mà cứu sống bạn. Sau đợt ấy, ông ngoại tôi thề nếu sinh con gái sẽ gả làm con dâu, sinh con trai sẽ làm con nuôi ông nội tôi để trả ơn người cứu cha mình. Mẹ tôi sinh ra như chỉ là để gả về nhà tôi. Sau này nghĩ lại nhiều khi tôi cũng thấy thương cho người đàn bà không được lựa chọn cuộc sống của mình.

Bà tôi thường kể, bố tôi chỉ vui nhất ngày lấy vợ. Còn những ngày sau đó khuôn mặt bố luôn buồn, những nỗi buồn chất chồng, lớp lớp trên khuôn mặt của bố. Từ một thằng trai què lấy được vợ đẹp khiến bố tôi chưa kịp vui trọn vẹn thì sự diễu nhại của người đời cứ nhằm đôi vợ chồng trẻ mà bủa vây. Con chuột què trong hang tối lại kiếm được miếng thịt nai nướng. Bọn sư tử ngồi nhìn thì quá đáng thật! Họ đã nói với bố tôi như thế. Những gã đàn ông ngồi rượu phiếm đã ném vào bố tôi những lời đầy cay ức và đố kỵ như thế đấy cậu trai trẻ ạ.”

Lâm nhìn lên khuôn mặt của ông lão thấy từ trong khóe mắt có bóng nước. Chẳng rõ có phải ông lão đang xúc động hay không. Nhưng Lâm nhìn vẻ mặt của một con người từng trải ấy chợt thấy lòng mình hoang vắng giữa chỗ ồn ào náo nhiệt này.

Nhưng người bị lung lay trước những lời cay độc ấy không phải là bố tôi mà là mẹ. Ngày tôi sinh ra, cả dòng họ đến chúc mừng. Nhìn bố tôi bế con trong lòng mình mẹ tôi đã khóc. Bà khóc như một đứa trẻ, bà tôi bảo cùng là đàn bà nhưng chưa hiểu nổi tại sao ngày ấy mẹ tôi lại khóc như thế. Vậy thì đám đàn ông chúng ta chưa đủ sự tỉnh táo và thấu suốt để hiểu được đàn bà dù là người thân của mình đi chăng nữa đâu cậu trẻ ạ.

Năm tôi lên ba tuổi. Một ngày cuối mùa thu mẹ tôi đi hái bông. Những cánh bông trên bãi nhà tôi đã nở trắng muốt dưới chân núi. Nhưng rồi mẹ tôi đã không trở về căn nhà của bố con tôi nữa. Chiếc gùi đựng những cánh bông trắng bỏ lại bên mỏm đá trên con đường trở về nhà. Bố bế tôi trên tay đứng nhìn chiếc gùi bông mà cứ nghĩ mình đang ôm con trước vực thẳm. Suốt những đêm dài tôi khóc vì thiếu hơi mẹ, bố tôi ngồi như cột gỗ bên bếp lửa. Bà dỗ tôi ngủ trong tiếng khóc mệt lả của đứa trẻ lên ba. Bố tôi nổi giận đùng đùng đem gùi bông ấy đổ hết lên người tôi. Tôi sợ hãi im bặt. Từ đêm ấy tôi không còn khóc. Dù đi vào giấc ngủ nhưng vẫn gọi mẹ. Cứ như thế được một năm tôi bắt đầu quên. Rồi tôi đã nhận ra mẹ tôi sẽ không còn trở về với mình nữa. Có khóc cũng chẳng thay đổi được điều gì.

Tôi lớn dần trên lưng bà nội. Người ta bỗng thấy thương cảm khi thấy một gã đàn ông què chân, lúc nào trên lưng cũng đeo lỉnh kình đồ nghề. Khi thì đồ làm mộc, khi thì đồ phá đá, xẻ gỗ. Bố tôi lặng lẽ làm mọi thứ để nuôi tôi trong câm lặng. Người ta bắt đầu quên một người đàn bà đẹp, để nói về một người đàn ông khổ. Nhưng lớn lao như những ngọn núi sừng sững ở vùng đất này.

Tôi cứ lầm lũi lớn lên đến năm mười lăm tuổi thì bà tôi mất. Bà nằm xuống mà vẫn nắm chặt lấy tay tôi. Bố tôi nhìn bà nhắm mắt rồi ôm đầu khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc. Dù bố tôi đã trải qua quá nhiều đau khổ nhưng chưa bao giờ tôi thấy bố khóc như khi ấy. Những giọt nước mắt của bố đã ở sâu thẳm trong người nhưng có thể vì bà mà rơi ra ngoài đủ để biết bà quan trọng với chúng tôi thế nào.

Bà tôi là người phụ nữ cuối cùng rời căn nhà của bố con tôi đi. Chỉ còn hai người đàn ông trong căn nhà trống lồng lộng gió. Đến khi ấy thằng trai trong tôi đã bắt đầu biết được rằng: Người đàn bà như lửa, như gạo muối trong nhà. Càng thiếu vắng lâu thì hơi lạnh và nhạt nhẽo sẽ kéo đến dần dần rồi vây chặt lấy con người ta. Đấy! Ngày ấy tôi đã nghĩ được như thế đấy. Và như thế tôi càng thương bố tôi hơn”.

Thật là một người đàn ông kiên cường ông ạ! Lâm thốt lên khi ông lão nhắc đến cha của mình. Cả người ông lão chợt như chùng xuống. Hai cánh tay run run nắm chặt hai cành hoa trong tay:

Nhưng bố tôi đã không còn kiên cường hơn được nữa. Người đàn ông một đời đắm chìm trong thiệt thòi và đau khổ ấy đã không đứng dậy nữa. Một người đàn ông chưa bao giờ được may mắn từ khi sinh ra đã rời bỏ tôi đi. Chỗ dựa vững chãi nhất, cuối cùng cũng sụp đổ. Năm ấy tôi vừa qua tuổi mười tám. Một thằng trai đủ sức vác đá, nhưng trái tim thì chưa đủ lớn để chứa đựng những nỗi mất mát lớn lao như thế.

Khi ấy trời đang giữa đông. Gió lạnh thổi ràn rạt trên mái nhà. Đêm đêm tiếng gió nỉ non như tiếng người khóc than trên khắp triền núi cao. Trước khi rời đi ông dặn tôi phải đặt mộ mình dưới gốc đào trong vườn. Đến khi ấy tôi mới hiểu tại sao ngày mẹ tôi bỏ đi bố tôi đã trồng hai cây đào trong vườn nhà mình. Hai cây đào ấy là giống đào rừng cánh hoa kép. Bố tôi đã ươm giống rồi trồng hai cây gần nhau ở cuối vườn. Nhưng hai cây đào ấy rất kỳ lạ. Nó chưa bao giờ nở hoa dù chỉ một lần. Chúng vẫn trổ lá, biếc lộc vào mùa xuân. Đã có lần tôi định chặt bỏ hai cái cây hoa vô nghĩa ấy đi. Nhưng bố tôi lớn tiếng cấm cản như đó là vật thiêng không thể xâm phạm. Có lẽ khi ấy bố tôi đã chuẩn bị cho mình rất lâu sau này. Tôi định hỏi cây còn lại sẽ để làm gì. Nhưng nhìn ánh mắt của bố, tôi bỗng thấy lòng mình thắt lại. Phải chăng bố tôi vẫn chờ, vẫn đợi ngày mẹ tôi trở về. Dù có chết đi bố tôi vẫn muốn được ở gần mẹ tôi. Nhưng tôi chưa kịp nghe bố trả lời thì ông đã rời đi. Nhẹ nhàng như một chiếc lá rừng cuối mùa rơi xuống đất. Rơi xuống để cho tôi một đời xanh. Tôi mãi là người sống dưới cái bóng lớn lao của bố tôi cậu trai ạ...”.

Lâm chẳng biết vẻ mặt của mình khi ấy trông như thế nào. Có diễn tả được những điều mình đang nghĩ khi ấy. Nó ngổn ngang, vui buồn đan xen, tranh đấu và tò mò. Lâm định cất tiếng hỏi liệu có phải cành đào lão cầm trên tay là trên cây đào trong vườn nhà ông lão. Nhưng có vẻ nó thật khiếm nhã và không thích hợp vào lúc này.

Có thể cậu đang tò mò để biết đây có phải một phần của cây đào bên cạnh mộ của bố tôi hay không? Nhưng chuyện phải bắt đầu từ ngày tôi rời bỏ quê lên thành phố. Tôi không đủ nhẫn nại và sức chịu đựng khi sống một mình trong căn nhà cũ khi người thân của mình lần lượt rời đi. Tôi lên thành phố làm thuê kiếm sống, mỗi năm tết đều về thắp hương cho bố tôi. Nhưng điều kỳ diệu trên cây đào cạnh mộ bố tôi năm ấy đã ra hoa. Những nụ hoa nở bung cánh trên cành, chúng đua nhau khoe sắc dưới cái tiết trời phảng phất hơi xuân. Nhưng kỳ lạ hơn cây đào bên cạnh vẫn không có gì thay đổi. Thân cây vẫn xám xịt, một vài chùm lá khô úa tả tơi, trên cành khẳng khiu không một nụ hoa. Tôi cúi lạy bố tôi, chợt thấy lòng ấm áp khi nhìn lên cây đào đang đơm hoa. Hình như có bóng dáng, có hơi ấm của bố tôi đâu đó bên mình cậu trẻ ạ.

Nhiều năm trước, tôi làm thuê cho một xưởng bánh mỳ trên thành phố. Xưởng bánh nằm cạnh chợ. Từ sáng sớm tinh mơ sự ồn ào đã bắt đầu cho đến khi trời tối hẳn. Một lần có đám đông xúm vào xem một vụ bắt trộm, tiếng chửi bới thóa mạ vang lên không ngớt. Tôi mải chuyển bánh từ trong lò ra ngoài quầy bán nên chỉ loáng thoáng nhìn thấy một người đàn bà áo quần rách nát, đầu tóc bám đầy bùn đất. Trên tay bà ta đang cầm một miếng thịt quay. Chắc vừa ăn trộm được ở đâu đó nên người ta đã bắt được. Nhìn người đàn bà vừa ăn miếng thịt, vừa co ro chịu đựng trước lời thóa mạ, chửi mắng giữa đám người vây quanh. Tôi nhìn thấy vậy bỗng thầm chê trách đám người ngoài kia. Dù thế nào thì đó cũng là người đàn bà tâm thần. Chấp nhặt họ quá bỗng biến mình thành kẻ ác. Con người sống vì đồng tiền quá nhiều thì tình thương đồng loại ngày càng cạn khô đi.

Đến khi đám đông bỏ đi, người đàn bà điên mới cố tập tễnh lê ra khỏi chợ. Khi ngang qua cửa hàng bánh mỳ, người đàn bà nhìn những cái bánh. Rồi lại nhìn tôi hồi lâu rồi mới bước đi. Suốt buổi tối hôm đó tôi cứ áy náy trong lòng khi mình đã tiếc người đàn bà ấy một chiếc bánh. Nửa đêm tôi mơ thấy mẹ tôi, mẹ đã trở về đưa bàn tay sờ nắn lên mái tóc, lên khuôn mặt tôi như ngày còn bé. Tôi choàng tỉnh giấc, trong mơ tôi đã khóc. Nước mắt vẫn còn chảy tràn trên má. Đã lâu lắm tôi không còn nghĩ về mẹ nhiều như thế...”.

Chợ đã quá trưa, từng đám người mang theo hàng hóa trở về trên những con đường mòn. Chợ hoa đã thưa vắng bước chân người. Cả chợ chỉ còn Lâm và ông lão cùng hai cành hoa đào. Hai người ngồi giữa khoảng trống lồng lộng gió. Nhưng Lâm vẫn như đang đi lạc vào câu chuyện đầy cô đơn và kỳ bí của ông lão. Lâm không biết ông đang nghĩ gì, chỉ thấy ông lão nằm ngửa ra phía sau, đôi mắt nhìn lên vòm trời đầy nắng. Thứ nắng xuân ấm áp đang lan khắp những nản núi xanh mờ mờ bóng cây. Đột nhiên ông lão tiếp lời:

Những ngày sau đó tôi cũng quên chuyện người đàn bà điên ấy. Cũng không gặp trên đường bất cứ lần nào nữa. Miếng cơm manh áo đã cuốn tôi đi, những ngày tháng tuổi trẻ của tôi đã bị miếng ăn, tấm áo vùi lấp. Không vợ con, không gia đình. Nếu như không có ngày hôm ấy, một sáng sớm khi tôi đang lúi húi đưa bánh vào lò, thì nghe có tiếng người quát lớn từ phía trong chợ, rồi tiếng bước chân đuổi nhau rầm rập ra phía ngoài. Tôi nhìn về phía có tiếng động, thấy mấy người đang giằng xé một bọc vải trên tay một người đàn bà. Tôi nhìn kỹ thì nhận ra người đàn bà điên hôm nào. Chỉ trong chốc lát, người xung quanh đã vây chặt lấy người đàn bà. Có tiếng người nói lớn:

- Đánh chết con mẹ điên này đi! Dở người còn hay ăn cắp vặt.

Tiếng người nhao nhao hùa theo đòi đánh chết người phụ nữ ấy. Tôi hiếu kỳ cũng tiến lại rẽ đám đông ghé mắt vào nhìn. Người đàn bà điên hôi hám, rách rưới đang phục dưới đất ôm chặt một bọc vải. Đôi tay đen đúa vằn lên những đường gân xanh cố giữ cái bọc trong lòng không để cho đám người vây quay lấy đi. Có người quát lên:

- Cướp lấy cái bọc, xem nó trộm của những ai còn đem trả lại.

- Phải! Cướp lấy để mở ra xem!

Mấy gã đàn ông lực lưỡng tiến lại gần. Kẻ giữ người kéo để lôi cái túi vải ra khỏi vòng tay người đàn bà điên. Người đàn bà giãy giụa, ánh mắt vằn lên những ánh sáng lạnh người. Cuối cùng ống tay áo của người đàn bà cũng rách toạc. Chiếc túi vải cũng được lấy đi. Mọi người đổ ánh nhìn vào cái túi, ai cũng nghĩ sẽ có cái gì đó của mình bị mất trong đó. Nhưng khi cái túi được mở tung. Thì cậu có biết có gì trong đó không? Chỉ có con gấu bông hình một thằng bé bị rách nham nhở và cáu bẩn. Nhưng cậu biết không, con gấu bông ấy đội một chiếc mũ bảy màu có thêu hình coóc mò. Trên chóp mũ còn có ba đồng tiền bạc luồn qua bông hoa vải xanh. Tôi nhìn chiếc mũ ấy mà như thấy có người đâm đòn soóc xuyên qua tim. Tôi nhìn lên cánh tay trần của người đàn bà, cũng vết sẹo dài màu hồng cũng nằm ở vị trí ấy. Tôi đứng không còn vững trên đôi chân của mình. Chiếc mũ kia chính là của tôi. Ngày mẹ bỏ bố con tôi đi tôi vẫn thường đội nó. Chiếc mũ mẹ đã khâu cho tôi trong những đêm không ngủ. Còn vết sẹo đỏ trên tay kia tôi đã nhiều lần nhìn thấy nó khi mẹ tôi gội đầu hay tắm cho tôi. Tất cả những gì tôi nhớ về mẹ chỉ có thế, và bây giờ nó ở ngay trước mắt tôi.

Tôi chẳng biết vì bản năng hay một sức mạnh nào đó, mà khi ấy tôi đã lao đến mẹ. Tôi xô đám người ra xa rồi cất tiếng gọi mẹ trong nước mắt:

- Mẹ ơi! Mẹ của con ơi!

Đám người xung quanh ngơ ngác chẳng hiểu điều gì đang xảy ra. Càng không hiểu tại sao tôi lại xúc động mạnh như thế. Nhưng mẹ đã không nhận ra tôi, mẹ chỉ đợi người ta ném trả con gấu bông rồi lao tới chụp lấy và chạy đi rất nhanh. Nhanh đến nỗi khi tôi định thần quay lại đã không còn thấy mẹ nữa. Cũng chẳng biết mẹ tôi đã chạy về hướng nào.

Suốt những ngày sau ấy tôi nghỉ việc. Tôi quên hết hận thù để đi tìm mẹ. Tôi đi tìm mẹ khắp thành phố, gặp ai tôi cũng hỏi, nơi nào tôi cũng tìm. Có người biết người không. Nhưng mẹ tôi bỗng như biến mất, nhiều khi tôi nghĩ dường như ông trời muốn đày ải tôi. Đày ải gia đình và người mẹ, người bố tội nghiệp của tôi. Nên mới đem mẹ tôi giấu kỹ như thế. Suốt một tháng ròng rã tôi đi tìm mẹ, tôi cũng gần như hóa thành một người điên. Râu tóc tôi mọc dài không buồn cắt, áo quần bết bẩn không buồn thay. Một ngày tôi uống rượu say, tôi chỉ muốn uống một trận để say cho tận cùng của đời này. Nhỡ đâu tôi quên, hay biến thành người như mẹ tôi cũng được. Uống rồi tôi bỏ đi, cứ nhằm con đường đất rời khỏi thành phố mà đi. Chả biết ngày hay đêm, chẳng biết là bao xa. Còn hơi rượu thì tôi vẫn cứ đi, đi tiếp nữa...

Một buổi, có đám trẻ con gặp tôi. Chúng nó nhìn thấy tôi thì reo to:

- Thêm một người điên nữa kìa!

Tôi nghe thế cơn say như bừng tỉnh. Tôi vuốt mặt cất tiếng hỏi bọn trẻ:

- Người nữa ở đâu?

Đám trẻ con nghe tôi hỏi thì biết tôi không phải là gã điên. Thì len lén chỉ về một ngôi nhà đổ nát bên vệ đường gần đó. Tôi lao đến mà trống ngực đánh từng hồi. Tôi bước vào căn nhà đổ nát, dây dại leo kín tường, ngó vào góc tường thấy một người đang nằm co ro hướng ánh mắt ra nhìn. Mắt tôi nhòe đi vì sung sướng:

- Mẹ ơi! Con đây, mẹ có nhận ra con không chứ?

- Đừng! Đừng đánh! Không! Không ăn trộm mà!

Tôi ôm mẹ mà khóc, khóc như một đứa trẻ con trong căn nhà đổ nát. Chẳng biết trời hôm ấy nắng hay mưa. Chẳng biết là sáng hay chiều. Nhưng tôi biết, tôi sẽ không để lạc mất mẹ của tôi thêm lần nào nữa.

*
Và giờ Lâm cũng chẳng biết chợ đã tan hay chưa. Cũng chẳng cần biết đã sang giờ chiều. Lâm thấy lòng mình ngổn ngang như có đá lở, ngổn ngang mà thấy lòng hoang vắng như chính mình đang ngồi trong căn nhà hoang của mẹ con ông lão bấy giờ.

Tôi đưa mẹ trở về ngôi nhà trọ tôi vẫn sống. Nhìn mẹ được tắm rửa, thay quần áo mới trong lòng tôi vui sướng vô cùng. Nhìn kỹ mẹ tôi vẫn còn nét đẹp ngày nào. Cái đẹp đã vùi dập chính cuộc đời mẹ và những người xung quanh. Nhìn mẹ ngồi ăn ngon lành, dù trí nhớ chẳng còn gì của ngày trước. Hay một chút ấn tượng với tôi. Mẹ tôi giống như một đứa trẻ con, chỉ cần tôi lơ mắt là có thể cởi bỏ áo quần mới, chỉ quấn khăn để bới nhặt cây cối quanh nhà. Mỗi lần thế tôi thấy lòng mình như có ngàn vạn mũi dao đâm. Mỗi lần chải tóc lại cho mẹ thấy những sợi bạc bám đầy trên lược rơi ra tôi lại rớm nước mắt. Có lẽ cuộc đời đã công bằng, nhưng dù thế nào thì mẹ tôi vẫn là người thiệt thòi.

Một ngày không lâu sau. Khi mẹ tôi ngủ một giấc mê mệt, bỗng choàng tỉnh rồi lao ra khỏi nhà. Hình như mẹ nhớ tới con gấu bông mà tôi để quên trong căn nhà hoang. Mẹ lao đi như một mũi tên, tôi chỉ kịp nhoài người theo mẹ đã ra đến ngoài đường. Rồi mọi thứ đã vụt tắt, khi chiếc xe ô tô vừa lao tới. Tiếng người kêu thất thanh vọng lại. Tôi chỉ kịp lao đến, máu của mẹ loang đầy trên tay tôi. Ánh mắt mẹ lành lạnh nhìn quanh. Rồi dừng trên khuôn mặt tôi. Trong nước mắt tôi nhận ra mẹ đang nhìn mình. Nhìn rất kỹ rồi mỉm cười:

- Sèn à! Con...

Mẹ tôi chết khi vừa nhận ra con mình. Mẹ tôi rời đi với một nụ cười như thế. Nhìn mẹ cười mà tôi như hóa thành gỗ đá. Một lần nữa tôi được nếm thêm một nỗi đau buồn như thế.

Tôi đặt mộ mẹ nằm cạnh ngôi nhà hoang ven thành phố. Thứ mẹ tôi mang theo chỉ là con gấu bông rách đội mũ bảy màu. Thứ cuối cùng mẹ tôi muốn có được trước khi chết.

Những ngày sau tôi thấy mình lạc lõng giữa đời. Niềm vui đến với tôi bỗng vụt bay đi không phải là lần đầu. Tôi lại tìm cho mình một công việc mới. Tôi cố kiếm tiền để đưa mẹ tôi về dưới gốc đào còn lại bên cạnh bố tôi trong khu vườn cũ. Đó cũng là điều mong muốn nhất của tôi lúc này.

Nhưng phải đến mãi năm vừa rồi tôi mới đưa mẹ tôi trở về với bố tôi. Hai người họ nằm bên nhau dưới hai gốc đào cổ thụ. Chỉ có điều lạ, cây đào của bố tôi vẫn ra hoa, trổ nụ vào mùa xuân. Nhưng cây của mẹ tôi thì chưa bao giờ nở hoa. Tôi đã suy nghĩ nhiều lần mà chưa thể trả lời được. Phải chăng mẹ tôi còn vương vấn điều gì mà chưa thể gửi gắm mình thành những cánh hoa như bố tôi hay chăng?

Lâm nhìn vẻ mặt trầm tư của ông lão cất tiếng hỏi:

- Ông có tin vào nhân quả không? Có lẽ cụ bà còn phải đi qua những cây cầu còn lại mới tới trời xanh?

Ông lão khe khẽ lắc đầu. Lâm không biết ông không đồng ý hay ông đang suy nghĩ điều gì khác. Ông lại tiếp:

Tôi nhớ một lần có một ông cụ đi ngang qua nhà tôi. Khi ấy cây đào bên mộ bố tôi đang nở hoa rộ. Cây đào cạnh mẹ tôi vẫn nằm im lìm như đã khô héo từ bao giờ. Ông cụ bảo tôi rằng: “Sống lạc một đời, thác thời ba năm”. Ba năm nữa hai cây này sẽ cùng nở hoa. Khi ấy người ta đã tha thứ hết cho nhau. Tôi cứ ngây người ra mà nghĩ ngợi về lời nói của người khách lạ. Đến khi nhìn lại đã thấy bóng người đi về phía mặt trời lặn. Ánh sáng hào quang hắt lại phía sau cả một vùng.

Năm nay là năm thứ hai rồi, tôi đem hai cành đào này như mang cha mẹ mình đi chợ xuân. Tôi mang đi để cuộc đời định giá. Nhưng cái mệnh giá lớn nhất của con người là khi nằm xuống như cha mẹ tôi sẽ còn lại những gì. Tôi chờ đợi một năm nữa. Năm thứ ba cây hoa của mẹ tôi sẽ trổ bông. Khi ấy tôi sẽ lại mang một cành ra chợ tết này. Sẽ chẳng ai mua được chúng, bởi những cành hoa là vô giá với tôi cậu ạ.

*
Vậy là Lâm đã lên đường đến chợ Phúng Liềng. Lâm muốn biết năm thứ ba này hai cây đào của ông lão đã cùng nở hoa hay chưa? Chẳng hiểu vì lí do gì mà Lâm hồi hộp điều mình sẽ thấy khi gặp ông lão giữa chợ hoa năm nay. Có thể là niềm vui, hay cũng có thể là nỗi thất vọng trên khuôn mặt khắc khổ của ông lão.

Cuối cùng Lâm cũng nhận ra ông lão. Ông vẫn ngồi chỗ cũ của năm ngoái. Nhưng ông không ngồi một mình như trước. Những người khách ngắm hoa đang vây quanh ông. Họ đang trả giá hai cành hoa. Ông lão đang say mê ngắm nhìn hai cành đào đang căng tròn những nụ hoa đầy sức sống. Lâm thấy ông lão luôn lắc đầu trước những người khách, nhưng trên mặt luôn nở một nụ cười, có lẽ ông lão đang có một mùa xuân ngập tràn trong tim mình.

Lâm khẽ bước tới trước những cánh hoa đang bung cánh. Ông lão khẽ reo lên.

- Ồ! Cậu trai trẻ đây rồi! Vậy là cậu cũng tới. Cậu nhìn xem hai cây hoa của tôi đã nở. Có lẽ bố mẹ tôi đã về một nhà cậu ạ!

Lâm chỉ khe khẽ gật đầu với ông lão. Anh đang ngắm nhìn những cánh hoa phơn phớt sắc hồng. Chợt một cánh hoa rơi đậu vào vạt áo của Lâm. Anh định đưa tay chạm tới. Nhưng gió đã khẽ nổi lên, những cánh hoa lướt lên cao. Hình như chúng đang bay về trời.

N.L  
(TCSH388/06-2021)




 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Mẹ ơi! (09/07/2021)
Kịch câm (15/06/2021)
Trôi đi (11/06/2021)
Dưới hiên mưa (17/05/2021)