Truyện ngắn
Vòm xanh nõn lá
09:45 | 14/10/2021

BẢO THƯƠNG

Kelvin, con đã về rồi à? 

Vòm xanh nõn lá
Minh họa: Phan Thanh Bình

Ông Phương ngồi trên chiếc ghế sofa màu hạnh nhân, nhìn ra khu vườn, nơi ríu rít những con chim đang chuyền trên cành ngọc cửu, lá lên những màu nõn của những đợt nắng hè đầu tiên. Mọi thứ bung mình nhanh quá. Tuyết tan, cái lạnh xua đi, và nắng về, tràn khắp chốn, khắp nơi, khắp ngóc ngách, vào cả chiếc giường tựa, nơi bà Kiều nằm. Hai tay bà nâng cốc cà phê ông pha lúc trước, hơi ngửa cổ về phía sau trong tư thế nằm sấp. Bà vẫn nằm được tư thế đó, tức bà còn trẻ lắm. Đúng ra, bà như một cô gái, bao giờ cũng ăn mặc quyến rũ, những chiếc váy sát người, và dáng nằm không thể nào khêu gợi hơn, kể cả những ngày thằng con trai từ Texas, xin bố mẹ được về nhà tránh dịch, bà vẫn không bỏ thói quen nũng nịu chồng, đòi những đặc quyền, như ông pha cà phê và hôn bà mỗi sáng.

Thật tuyệt đó! Kelvin thường giơ ngón tay cái lên như cổ vũ thêm cho hạnh phúc của đôi già và thủ thỉ: Con và Jenny đã bỏ nhau rồi. Cô ấy không chịu lãng mạn, không chịu lãng mạn cũng là một cái tội.

Ông Phương nhìn con mỉm cười, cái mỉm cười đồng tình của hai người đàn ông, hoặc là sự giễu cợt, đã bao lần thằng con đưa bạn gái về giới thiệu cho đôi già, cuối cùng vẫn kết luận, con bỏ Lan rồi, con bỏ Mary rồi, giờ là Jenny, bằng đủ những lý do khác, như, cô ấy không chịu du lịch về Việt Nam một chuyến, cô ấy thực tế quá, cô ấy cần con phải độc lập hơn, mà con đã ra ngoài sống từ năm mười bảy tuổi.

Điều này thì ông rõ lắm, còn việc nó độc lập hay không, cũng chỉ nó biết. Mẹ nó thì nhìn hai bố con trìu mến, với bà, con bà có bao nhiêu phụ nữ không quan trọng, quan trọng là chồng chỉ có một mình bà, nên như thế, chỉ như thế, như một xác tín để bảo đảm tình yêu, ở người phụ nữ vẫn mang nhiều sắc thái Á Đông, dù bà sống nơi văn minh hơn bốn mươi năm, càng cần hơn với tâm hồn nhạy cảm ở người xa xứ luôn nghĩ về món cá kho bà ngoại nấu với nước dừa, thêm những cọng ngò.

Có gì là bí mật đâu, Kelvin vẫn nói. Nó muốn bảo, dừa thì đầy ngoài chợ người Việt, còn ngò, chẳng phải má đã có cả một vườn, với tình yêu của ba, má có thể có thêm nhiều vườn ngò nữa, ba làm mọi điều cho má. Và nó ước, có thể yêu một người con gái như thế. Nhưng người đó là ai, và ở đâu, thì chưa biết, Kelvin vẫn mong, như mẹ nó nhớ món cá kho cụ ngoại làm từ sáu chục năm trước, với nước dừa và những cọng ngò.

Nhưng nó không phải thế này, bà chun mũi ngay từ miếng nếm đầu tiên, với món cá, mà cả bà và chồng hì hục chọn nguyên liệu, để tìm về tuổi thơ, phải rồi, những món ăn tuổi thơ thì có bao giờ về lại, và có bao giờ giống được, nên bà vẫn đi tìm cái giống đó ở nhiều món ăn khác nữa, và ông là người kiên trì trong công cuộc tìm kiếm đó cho bà, hay cho cả ông nữa, không biết.

Kelvin nhún vai, thật kỳ lạ, rồi nó đi vào bếp đánh răng, tiếng súc miệng òng ọc vọng ra. Lúc này, bà Kiều cong người hơn, cho nắng chiếu vào đúng nơi bà nằm, hoặc để đường cong lộ rõ hơn. Có thể lắm. Bà thường làm như thế để khêu gợi, khi trường đại học ông giảng dạy, có nhiều cô gái gợi tình, có cả những cô gái Việt, nhưng bà chưa bao giờ thấy ông nhắc về họ, hoặc quan hệ giữa ông với họ chỉ là thầy trò, công việc, những đề tài, những dự án cần hỗ trợ. Bà chưa thấy điều gì bất thường. Nhưng không phải vì bất thường mà bà khêu gợi, đơn giản, vì bà rất yêu ông.

Bà gặp ông năm mười chín tuổi, cũng ở giảng đường, khi ông đang là sinh viên năm cuối. Ông luôn có khuôn mặt buồn.

Sao anh có thể vào trường muộn vậy, anh Phương?

Anh đi làm, rồi mới học lại.

Năm đó, ông đã gần ba mươi, cặp mắt sáng, kính cận dày, môi dày, mũi hơi khoằm và da sáng, trán cao, tóc hất ngược, có một chiếc răng hơi chìa ra, làm mỗi khi ông cười như có nắng, và dĩ nhiên, không ít thiếu nữ thích được sưởi dưới điệu cười có nắng đó của ông, nhưng ông lại cười nhiều hơn với bà, hoặc bà tìm mọi cách quyến rũ ông, lại thêm sự cộng lực của bố bà. Thằng này được, uống một ly nào, zô zô… Và từ đó, câu chuyện của hai người đàn ông. Thường, những lúc đó, bà và mẹ bà chúi vào bếp, làm những món ăn mà hai người thích. Mẹ bà rặt người đàn bà Nam bộ Việt, nhu mì, hiền thục, cả đời chỉ biết sống vì chồng con, bà sẽ nhớ chiếc áo nào của chồng bị đứt cúc, cái quần nào của ông có vết ố cà phê, hơn là những câu chuyện đánh đấm. Tuy nhiên, có lần, bà cũng ngồi bên chồng như là một sự cổ vũ, có đoạn bà nhắm mắt lại, khi ông kể những câu chuyện xuyên thời gian. Người mà không bao giờ tham gia đề tài đó là bà. Bà là cô tiểu thư chính hiệu. Bà học trường Nữ sinh.

Kelvin thì hoàn toàn không có khái niệm, bà thì càng không, với bà, chỉ làm đẹp, đọc tạp chí, tám những câu chuyện thời trang cùng các bà bạn, và rủ chồng đến quảng trường, nơi có những chú chim bồ câu hiền lành mổ thóc, rồi nằm trên giường, trong một ngày nắng mới, cong người lên để phô đường cong, ngay cả khi bà đã gần bảy mươi, là quan trọng nhất.

Kelvin, đợt tới con định về Việt Nam ư? Ông cắt ngang dòng suy nghĩ của mình bằng câu hỏi với vào. Sao ba biết? Thì con chẳng nói, cô bạn nào đó không muốn cùng con về Việt Nam là gì. Vâng, ba, con muốn trở lại Vũng Tàu, con còn muốn ra Đà Nẵng, có thể đến Hà Nội. Tốt, rất tốt, bao giờ con đi. Con muốn sớm nhất, trước khi mùa thu đến, tức trong mùa hè, mà phải là sau dịch bệnh. Ba tin, mọi thứ sẽ ổn, để con thực hiện được giấc mơ của mình.

Vậy giấc mơ của ông ở đâu? Ông nhìn ra khoảng vườn xanh ngắt, những chiếc lá đã lên nõn thắm, những chú chim chào mào đã kết thành bầy nhảy nhót. Những vòm cây, ơi những vòm cây, luôn làm ông nhớ ngôi trường Luật Khoa ngày đó. Có hàng long não xanh màu mạ non đứng nghiêm trang trước sân nhà giáo vụ, những tán xà cừ xòe xuống mái vòm cong cong hình bán nguyệt, lối kiến trúc Pháp, làm cho những trái hiên mềm mại biết bao. Nơi đó, cũng có những chú chim ríu rít suốt mùa hè, ở một góc khác, cành sala tỏa vào phía thư viện, ông hay ngồi trên những chiếc rễ xù xì của nó để đọc bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu những học thuyết của Kant, Palaton, ông say mê nó. Con làm gì với những cuốn sách đó, thầy giáo ông thường hỏi, mỗi lần đi qua, thấy ông chăm chú trên từng trang chữ. Đời con rồi sẽ khổ. Thầy nói xong rồi đi. Và ông không biết vì sao đời mình khổ. Tối đó mẹ ông bảo, Phương, mấy đứa bạn cùng học với con trong xóm trốn hết sáng nay rồi. Và ông nghĩ, sao phải trốn? Rồi người ta đến đưa ông đi vào sáng hôm sau. Ông không chống cự. Và ông không gọi được là gì, bị bắt hay tự nguyện.

Kelvin, tiếng vợ ông gọi ra từ giường. Gì vậy mẹ? Sắp tới mẹ sẽ được nhìn một nàng dâu tóc vàng hay đen nữa, mẹ không biết. Mẹ có thích một cô gái Hồng Kông, Trung Hoa hay Philips không, nếu mẹ thích tóc đen? Ồ không, Kelvin, sao không là một cô gái Việt Nam? Điều này thật khó.

Ông thấy con ông đáp nhỏ nhất so với những lần nói chuyện cùng mẹ trước. Thường, nó gào lên và đầy hào hứng. Trong nhà, hình như nó và mẹ hợp nhau hơn. Người ta bảo khác giới thường hút nhau. Như ông với bà ư? Ông không dám nghĩ thêm nữa, để mình trôi về vòm cây xưa bên trường đại học.

Sắp tới sau khi tốt nghiệp cậu định thế nào?

Ông nghe thấy những anh chị khóa trên hỏi nhau lao xao như thế, trong ngày chuẩn bị tốt nghiệp. Tớ sẽ vào làm việc trong đại sứ quán, bố tớ muốn vậy. Thế à, tớ chắc là chân bàn giấy. Cũng được đấy, sẽ có dịp gặp nhiều chàng trai trắng. Chắc thiếu, cậu nhìn đường phố đi. Nhưng tớ muốn bảo, nơi đó sẽ có nhiều ngon nghẻ hơn cho cậu lựa chọn. No, no, no, với tớ chỉ truyền thống, khẩu vị của tớ mặn lắm, như nước mắm Phú Quốc thôi, tớ thích da vàng, nhưng mũi không được tẹt.

Tiếng cười rộn lên sau vai ông. Ông cũng mỉm cười nhìn anh chị và tự nghĩ, bao giờ mình được như thế. Ông lang thang lên khoa Quốc tế tìm Thảo. Ông muốn hỏi cô, thích da trắng hay da vàng, mà có lần Thảo đã cốc vào trán ông cười hì hì, đồ ngốc, tớ thích thế, đã không ở đây bên cậu. Điều này ông tin, mà cũng không tin lắm. Bởi ông đã thấy chị Tường gần nhà, yêu sống chết anh Lâm sinh viên Y Khoa, khi anh đi du học, chị vẫn yêu, khi anh về, chị càng yêu. Anh ngày càng thành đạt, giỏi giang, họ vẫn đèo nhau trên chiếc Vespa, tà áo dài của chị vẫn được vắt sau xe anh, anh vẫn đẹp trai, nụ cười không bao giờ đổi, đắm say và rạng rỡ, khi bên chị. Thế mà chỉ một mùa hè đã thay đổi, sau khi chị vào làm việc ở tòa thị chính, nghe đâu quen một chàng trai mắt xanh, rồi theo anh ta về bên đó. Từ đó, ngõ nhà ông, không bao giờ nhìn thấy con Vespa màu xanh ngọc cùng nụ cười rạng rỡ của anh Lâm lần nào nữa. Để chắc chắn, ông vẫn hỏi. Thảo, Thảo thích kiểu người nào? Và kiểu người nào Thảo liệt kê cũng đều có bóng dáng ông. Lúc đó, ông mới yên tâm trở lại với những cuốn triết học mà ông vốn quan tâm và say mê.

Như ba con ấy, cả một đời chỉ biết có má. Tiếng vợ ông nói chuyện cùng con trai vang đến. Đàn ông cũng chỉ cần một người là đủ thôi con.

Có ai được như hai ông bà đâu.

Kelvin đã đánh răng xong, nó đang chiên miếng thịt bò trên bếp, ông ngửi thấy mùi thơm của bít tết bay đến làm bụng ông hơi cồn mà vẫn chưa muốn ăn. Dường như cốc cà phê là đủ cho buổi sáng. Lượng mỡ trong máu nhiều trong lần đi khám cuối, khiến ông chợn lại tất cả những món ăn.

Con đang phấn đấu như ba đây, má yêu. Gần như để má không than phiền gì thêm nữa, Kelvin bao giờ cũng lấy những mẫu mực của tình yêu ba dành cho má để an ủi, hay để ngưng lại những cuộc trò chuyện mà nó không còn muốn tiếp tục, cũng là để vuốt ve cho niềm vui thú rất đỗi đàn bà ở má. Mà quả thật, bà nằm im, mắt lim dim mơ màng. Bà đang nghĩ về hạnh phúc có thật bên chồng, khi chồng bà ngồi cách bà ba hàng ghế, bên hiên nhà, nhìn những chú chim trên cành.

Thảo, Thảo có đi cùng Phương không? Ngày cuối cùng ông chạy đến tìm Thảo, khi đường phố, những chú ve đã bắt đầu ngân lên khúc điệp quen thuộc của những mùa hè vắng, khi những hàng sao liên bên hông Nhà hát lớn đã trổ những đợt lá xanh non, ẩn mình trong màu rêu xám của gạch vôi, tường đá.

Không được Phương ơi, còn ba má Thảo nữa…

Rồi Phương sẽ tìm cách đón họ.

Không được Phương ơi, Thảo đi, ai sẽ chăm họ trong lúc loạn lạc này.

Thảo, nhưng không có Thảo… Và ông khóc. Chiếc tàu đã chờ sẵn ngoài kia. Nhưng biết làm sao. Thảo đã cùng bạn bè xung phong lên vùng kinh tế mới làm công tác của Đoàn thanh niên. Thảo đã là đoàn viên, còn ông... Thảo hứa chờ Phương không. Thảo sẽ chờ. Thảo nhớ nhé, Phương sẽ về đón Thảo và gia đình Thảo đi.

Vòm lá nơi sân trường đại học… Ông lại nhớ. Lá vẫn ngời xanh lắm. Ông còn nghe những con chim chích chòe rủ nhau về kêu tích tích, tiếng tuých tuých, tích tích râm ran cả mái vòm…

Hồi mới sang, ông viết đến cả nghìn lá thư về cho Thảo mà không thấy hồi âm. Không một hồi âm. Vẫn địa chỉ đó, tên đó, không một hồi âm. Thời gian sau, khi đã kiếm đủ tiền, ông thấy mình cần trở lại trường đại học, ông muốn học lại chuyên ngành xưa…

Ba, thằng con cắt ngang suy nghĩ của ông, ba có nghĩ đợt này, ba đi cùng con về Việt Nam không?

Điều này ông chưa nghĩ đến, sự đề đạt của Kelvin làm ông bất ngờ.

Nếu ba đi, mẹ đi cùng với, được chứ con trai? Ồ điều này thì lại nằm ngoài kế hoạch đó. Giọng đùa mà như thật của Kelvin, làm vợ ông hơi chững lại. Đàn ông, dẫu có không hợp nhau, song có những quyết định quan trọng của cuộc đời, họ vẫn biết gắn kết với nhau, tìm đến nhau, và sự kết hợp của họ dường như không gì hoàn hảo hơn, như Thượng Đế đã cho đàn bà đi liền với đàn ông để làm nên đắm say, còn chỉ đàn ông đi với đàn ông mới làm nên sự cải tổ của nền kinh tế hay chính trị vậy.

Như thế thật bất công cho mẹ mà Kelvin. Ông luôn biết cách bênh vợ, bà biết. Vì bà là người phụ nữ duy nhất trong lòng ông. Bà luôn nghĩ vậy, hoặc việc luôn nghĩ vậy cho bà hạnh phúc đến tận giờ, hoặc ít ra bà thấy mình trẻ ra đến vài chục tuổi, ở sự hồn nhiên, ở dáng vẻ, và lời nói, là chính nhờ suy nghĩ đó, suy nghĩ ông chỉ có một mình bà.

Tiếng con chim chào mào mổ trái, rồi mổ nhau lại lao xao vọng đến, nó làm ông lại đi một chặng đường dài để về cái chiều tháng sáu đó. Thảo đã khóc khi nắm tay ông. Phương, Phương đừng đi, Thảo biết sống sao? Nhưng Phương cũng không thể không đi, Phương còn ba mẹ già, em gái, rồi đây họ sẽ sống ra sao, khi gia đình Phương...

Tiếng Thảo khóc xé gió vào chiều hè năm đó, như tiếng con chích chòe mổ nhau và xé quả trên cành cây kia. Nghìn lá thư ông viết về, không một hồi âm.

Ba, ba cần nghiêm túc nghĩ đến lời con nói. Tiếng Kelvin vừa nhai miếng bít tết vừa vọng lên. Được rồi, con trai, ba sẽ nghĩ.

Ông lại lặng nhìn ra thảm cỏ, chỗ hàng rào dựng lên để ngăn vài luống rau, những thức giống được mang từ Việt Nam. Bụi húng quế, chút ngò gai, luống diếp cá, và cây ớt hiểm đã đơm hoa trắng xen lẫn với trái non, già, màu xanh và đỏ chói, làm ông nhớ lại món hủ tiếu Nam Vang mà ông cùng Thảo vẫn ăn dạo nọ; miếng mực trắng phau, bát mắm cá linh đặc sánh, bà chủ nào khéo léo, cắt những lát ớt hiểm đổ đầy, Thảo và ông vừa húp vừa gắp ớt, môi Thảo bỏng lên và rát, mà hôm sau nói đến gánh hủ tiếu, đã thèm đến tứa nước miếng.

Chiếc xe đưa hai người đàn ông ra phi trường, vào sáng tháng ba, sau những ngày đầu tiên cấm phong tỏa.

Ba, con không nghĩ ba dễ bị rủ rê thế đâu. Tiếng Kelvin ngồi trên ghế lái vọng xuống. Được rồi, con trai, ta cũng có những lí do. Con biết, ba thân yêu. Con biết gì, Kelvin? Nó đây, con đã nhặt được dưới gầm giường ba, chắc chắn nó rơi xa từ một chiếc vali nào cũ lắm, hoặc hốc tường kín lắm, mà má chắc chắn không hề biết. Ồ, Kelvin, ông thốt kêu lên và nhìn vào tấm ảnh. Tấm ảnh đen trắng, chụp người đàn ông mũi cao, tóc mái bằng, miệng ngậm lại mà như đang cười, khoác vai cô gái tóc đen dài, thẳng mượt, môi nàng dày, nàng hơi nhìn nghiêng, thấy cả hàng lông mi đen rợp, hàm răng trắng đều tắp, nụ cười rất đẹp. Con nghĩ ba nên về Việt Nam, bao năm ở cùng ba con đã hiểu, hiểu phần nào, ba ạ… Anh không nói nữa. Những người đàn ông họ luôn có cách hiểu nhau rõ nhất, dù thường ngày, họ không trò chuyện, không hét lên cùng nhau đầy phấn khích trước một vấn đề, hoặc rúc rích với nhau những câu chuyện tình yêu trai gái. Nhưng họ vẫn có cách hiểu nhau nhất định, và kết dính tâm hồn giữa những mảnh vỡ tác tan.

Con biết, ba yêu má nhiều, nhưng…. Con chịu, con thật chịu những người đàn ông Việt Nam, họ có thể giấu cảm xúc, và hơn thế, hy sinh cảm xúc thế ư, con thật không hiểu, ba à.

Có những điều… ông ngập ngừng, trong hoàn cảnh nhất định, điều đó vẫn có thể xảy ra, con trai. Mà con quên mất rằng, năm hai mươi lăm tuổi, ba mới rời nơi đó sao. Nên ba không thể nào khác được, hay không thể nào khác được.

Con hiểu, con hiểu, và chính con cũng không thể nào khác được. Anh nói rồi nghẹn đi. Chưa khi nào ông thấy con trai khóc, điều đó là ngoại lệ, trừ hồi mười lăm tuổi, đó là lần thất bại điểm số, và một cuộc đua thể thao, nhưng từ đó về sau, chưa một lần nào.

Có chuyện gì hả con trai, có thể nói cùng ta không, ta sẵn sàng nghe con.

Con cũng không thể nào khác được, con nặng tình, như má và như ba…

Với một cô gái Việt Nam sao? Ông thảng thốt. Điều này ông đã linh cảm, những lần mẹ con Kelvin nhắc về mái tóc đen dài trước đó.

Đúng, con rất muốn hỏi cô ấy, cô ấy cần con bao nhiêu, còn con, thì cần cô ấy cả cuộc đời, cả cuộc đời đấy, ba ạ.

Chưa khi nào ông thấy con trai lại nghiêm túc trong chuyện tình cảm như thế, dù bao nhiêu Jenny, Mary, tóc vàng, nâu, đỏ, mà nó đưa về giới thiệu, nhưng chưa lần nào nó xúc động trước sự chia xa, ly biệt, và mơ hồ đau đớn của sự cách ngăn đến như thế. Cô ấy không yêu con? Con không biết, nhưng con tin là có. Nhưng vì không gian, địa lý, hoàn cảnh, vì nhiều điều khác, nhưng con không bỏ cuộc đâu, vì cô ấy là cả cuộc đời con, con nghĩ về cô ấy như má nghĩ về món cá kho nước dừa và rau ngò của cụ ngoại xưa, ba có hiểu cảm giác đó không?

Hiểu, ba hiểu. Ông càng hiểu, vì chuyến trở về này, phải chăng, ông cũng đang đi tìm nước dừa và rau ngò của món cá xưa kia ư.

Rồi chúng ta sẽ đến đích thôi, ông bảo.

Anh nắm bàn tay ba, vẫn không thôi thổi thức. Phải ba, rồi chúng ta sẽ tìm thấy thôi.

Những người đàn ông bên nhau, họ đâu phải làm nên chiến tranh, mà gắn kết được cả những tâm hồn đang tan vỡ kia. Ông tin thế.

Phải rồi, chúng ta rồi sẽ đến đích.

Chiếc xe vẫn băng băng trên đại lộ về phía sân bay. Vòm mái cong phía đó ông đã nhìn thấy. Những chú chim và những tầng lá biếc, cây sala có những chiếc rễ xù xì cho ông ngồi đọc những học thuyết xã hội, ông thầy đứng bên hỏi ông suy nghĩ gì, rồi em sẽ khổ lắm đây, câu nói đó làm ông ngẩn ngơ đến giờ. Lùm cây sao liên phía ấy vẫn xanh quá, tiếng chim vẫn tích tích liên hồi trên tầng lá biếc...

Và ông quay sang cậu con trai. Con có thể nói tên cô gái đó cho ta biết được không?

Lý Diệu Phương Hòa?

Con nói sao, Lý Diệu Phương Hòa?

Vâng, thưa ba, mẹ cô ấy là Lý Diệu Phương Thảo.

Những vòm cây vẫn xanh lên màu nõn lá, những đàn chim vẫn đu đưa một điệu buồn cổ tích. Sân trường, lá vẫn lên xanh thẫm, những vòm cong mềm mại của những ô cửa nhìn ra phía con đường…

B.T
(TCSH391/09-2021)



 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Khế (08/10/2021)
Ngày tốt (16/09/2021)
Mưa xanh (27/08/2021)