Truyện ngắn
Đàn bà tuổi Dần
09:31 | 03/06/2008
Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

Bà nheo mắt nhìn kỹ làn da trên khuôn mặt qua tấm gương tròn. Nếu không kể những nếp nhăn ở đuôi mắt, trên làn da vốn mịn màng của bà, những lỗ chân lông đã bắt đầu to ra và lì cứng lại. Bà xoa một lớp phấn. Nghiêng qua, nghiêng lại, bà nhìn xuống cần cổ. Một vài cái ngấn ngang như lát cứa của thời gian, một hung thủ vô lương tâm, vô hình dung đang bóp cổ bà. Bà lè lưỡi sợ hãi.
Nỗi cô đơn như một con rắn. Nó phùng mang trợn má phun ra những điều chua ngoa, đầu độc sự yên tĩnh và làm cho sự phẳng lặng của thời yên nghỉ này trở nên sóng gió. Nó xui khiến bà muốn chiếm lĩnh, đôi khi mông lung, đôi khi cụ thể. Nỗi khao khát được nuôi nấng từ trong đêm và cùng với ánh sáng mặt trời, nó bùng lên chói chang thúc giục. Bà không thể thiếu đàn ông.
- Cô Tư cho một ly đen.
Ông Minh bao giờ cũng chấm dứt buổi tập dưỡng sinh hàng ngày của mình bằng một ly đen chỗ quán bà Lan trước khi về nhà.
- Hôm nay tôi là người mở hàng, phải không?          
- Dạ, anh luôn mang tới sự may mắn.
- Chà, phải chi được như thế được.
Có một vẻ gì đó như sự thư giãn, hài lòng nơi người đàn ông này, mặc dù ông không uống thuốc xổ. Sự táo bón những kinh nghiệm trong đời làm cho người ta dễ mắc bệnh trĩ.
Khi bà Lan cúi người xuống đặt ly café lên bàn, ông Minh nói:
- Uống café còn là một cái thú bằng mắt.
Chỉ cần bán quán một thời gian rất ngắn, người ta có thể quen với những câu nói ỡm ờ như thế. Bà Lan mỉm cười:
- Nếu còn là một cái thú cho thiên hạ, thì tôi còn bán café.
Bà chủ quán café Mướp Vàng luôn biết bày tỏ thiện cảm của mình với khách.
- Đường của anh hôm nay có vừa uống không?
- Cám ơn. Sự ngọt ngào thì không bao giờ thừa, nhưng đường ngọt quá thì làm mất mùi café. Café ngon giống như con gái. Vị ngọt của đường và vị đắng của café trộn lẫn vừa đủ. Đàn bà thì đôi khi ngọt quá, đôi khi đắng quá, tôi ví vậy đúng không cô Tư?
- Thế anh thích café loại nào?
- Tôi không phải loại đàn ông háo ngọt. Nhưng tôi sợ cái đắng rồi.
Đấy là người khách đầu ngày.

Khi tất cả mọi người khách đã rời quán, hắn vẫn ngồi lại. Không bao giờ tới quán trước mười giờ tối và luôn luôn uống café đá, bà Lan đã quen với thông lệ của hắn. Bà gọi hắn là người khách lúc không giờ. Bởi vì hắn chỉ rời quán đúng lúc ấy, ngoại trừ những khi bà mệt muốn nghỉ sớm. Có lần bà hỏi hắn:
- Tại sao cậu thường uống trễ vậy?
- Tại tôi thích vậy.
- Tôi không hiểu được tại sao cậu chỉ rời quán đúng giữa đêm như thế?
- Có thể là vì tôi muốn đi giữa hai ngày.
Uống café đá. Rời quán lúc không giờ. Đó chưa phải là cái ấn tượng thực sự của hắn. Bà cho rằng hắn lập dị, quái đản. Tuy nhiên, hắn lại tỏ ra quá tử tế khi mỗi lần rời quán đều khép cánh cửa lại cho bà với một cử chỉ dịu dàng và đôi mắt đầy bóng tối.
Đấy là người khách cuối ngày.

Bán quán, đối với bà Lan không chỉ là vấn đề sinh kế, bởi vì bà vẫn có thể kinh doanh những thứ đòi hỏi có vốn lớn. Trong thâm tâm, bà chỉ muốn vui. Bán quán cho bà cơ hội cà kê với đàn ông.
Bà có chồng rất sớm. Người chồng nghiện ngập, nhưng cũng đã kịp cho bà ba đứa con, trước khi anh ta trở nên bải hoải tứ chi và ớn lạnh tình dục. Anh ta như một cái xác khô và chỉ có một đòi hỏi duy nhất là được hút, còn thì: “Mày muốn làm gì thì làm. Đi với ai cũng được”. Anh ta nói với vợ như thế. Đến nước ấy, bà cũng đành kiếm người để “đi” thôi.
Bà vẫn cho rằng, số bà lận đận vì tình. Mà tình không có thì xin. Thời buổi kinh tế thị trường, chẳng ai cho không điều gì, bà bỏ tiền ra mua. Tình thì khó chứ tiền đối với bà không khó.
Hồi ấy bà chưa mở quán. Công việc buộc phải đi đây, đi đó, nên gia đình chồng và các con chẳng thắc mắc gì về sự vắng mặt thường xuyên của bà. Không phải là bà vẫn mang tiền về sao. Người ta khen bà giỏi.
Gã con trai bà dụ được đầu tiên là một anh giao hàng của phía đối tác. Từ những bữa ăn bà mời mọc trong lúc công vụ, bà đã mời được “người ấy” ra tới biển cách chỗ bà ở sáu trăm cây số để ăn đặc sản tươi sống. Kỷ niệm chuyến đi ấy, bà tặng tình nhân sợi dây chuyền một lượng. Bà nói: “đeo ra đeo”.
Nhưng anh chàng này hình như thiếu thực tế. Tình của bà, thân xác của bà chan chứa nỗi đam mê đến thế cũng không làm anh ta hứng khởi. Anh ta không mắc cỡ vì đeo sợi dây chuyền một lượng mà mắc cỡ vì bà lớn tuổi.
Tình ngắn, nỗi buồn cũng ngắn.
Bà trở nên có kinh nghiệm hơn và cũng đốt giai đoạn hơn.
Tình nhân thứ hai trong buổi hồi xuân của bà là một người đàn ông đã có vợ, nhưng còn trẻ và đầy sức sống. Hắn đúng là một Don Juan. Thượng vàng hạ cám, hắn không từ chối bất cứ người đàn bà nào. Bởi thế, hắn cũng không từ chối bà. Tình yêu thì vô hạn nhưng sức người có hạn, hắn ban phát nhỏ giọt theo lịch dù bà đã thả đầy lá dâu bằng vàng theo lối xe dê. Hắn nói: “Con người đạt đạo chỉ làm theo những gì mình muốn và theo những gì mình cho là đúng. Tiền có cũng được, không có cũng được. Nhưng tình thì không thể không có”.
Đến khi bà chọn được người thứ ba thì bà bỏ hắn.
Đó cũng là một người đàn ông còn trẻ nhưng đã ly dị. Anh chàng này biết chiều và làm cho bà thỏa mãn. Bởi thế bà chẳng tiếc gì với anh ta. Hắn cần bao nhiêu tiền, tiêu cái gì chỉ cần hỏi bà một tiếng, không bao giờ bà từ chối hay thắc mắc. Khi mới gặp bà, hắn như người mới được móc ra từ lỗ cống, nhưng chỉ sau vài tuần lễ, người ta thấy hắn lột xác. Từ giày dép đến quần áo, hắn đều chơi hàng “hiệu”. Bà cũng không quên trang sức cho hắn một chiếc đồng hồ vàng cáu cạnh mua trên đường Đồng Khởi. Hắn trở thành người đàn ông để bà “ăn nói” với thiên hạ.
Ngay khi hắn chấp nhận ở chính thức với bà, bà mua ngay một căn nhà trên một con phố yên tĩnh kèm theo một xe Dream đứng tên hắn. Bà khoe với bạn: “Mình có phước”. Quả thực, muốn tiền có tiền, muốn tình có tình. Bà hãnh diện dắt người tình trẻ vào thương trường chung với bà.
Phần hắn, hắn muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình không chỉ là bám váy đàn bà. Hắn yêu cầu bà chung vốn cho hắn làm ăn. Và để phô trương thanh thế, hắn vòi thêm một chiếc xe hơi đời mới. Nhân tiện, bà cho xây lại tổ uyên ương. Bà nghĩ, hắn tính cũng phải. Có xe hơi, chuyện du hí của bà tiện lợi hơn. Hơn nữa, nhà cửa cũng phải cho nó xứng đáng.
Hắn chí thú làm ăn. Nhưng làm một tiêu mười. Hắn cho sự sang trọng là một nhu cầu và là phẩm cách của mình. Thỉnh thoảng, bà lại bù cho hắn vài chục triệu để củng cố phẩm cách ấy. Bà cho rằng hắn chưa gặp thời. Những lúc nằm bên nhau, hắn bào chữa cho sự thất bại của mình: “Đen bạc đỏ tình. Tình của em choán hết chỗ, bạc không còn lối chen vào”. Ừ, thà như thế. Bà vẫn biết, đàn ông bất đắc chí buồn lắm. Bởi thế, bà vẫn cố tạo cơ may cho hắn lập nghiệp.
Một vài người bạn bảo bà: “Nuôi bồ cũng giống như nuôi khỉ làm xiếc, cho nó nghiện nhưng cũng biết trừng phạt để nó nghe lời mình”. Bà nói: “Mình yêu anh ấy. Anh ấy cũng yêu mình”. Bạn khuyên: “Đừng tin người”. Bà nói: “Không tin làm sao sống?”.
Niềm tin ấy được hắn khai thác triệt để. Mỗi lần muốn moi tiền của bà, hắn lại vẽ ra một kế hoạch: “Thắng cú này, anh hoàn vốn lại cho em”. Nếu bà chần chừ, hắn bồi ngay một câu quyết liệt: “Em không tin anh sao? Nếu không tin thì...”. Bà phải bịt mồm hắn. Tài sản của bà lần lượt đội nón ra đi. Chính hắn cũng không tưởng tượng được tài sản của bà đến lúc nào mới cạn. Nhưng đấy không phải là điều hắn thực sự quan tâm. Hắn chỉ muốn sướng. Cái sướng thứ nhất là được làm ông chủ. Hắn đã toại nguyện. Cái sướng thứ hai là có gái đẹp bên mình. Điều này, hắn cũng không phải quá đỗi mất công mới tìm được. Cái thứ lăng nhăng ngoài đường, ngoài chợ, trong quán xá chẳng kể làm gì. Trong lĩnh vực này, hắn cũng muốn chứng tỏ sự sành sõi, có “tâm hồn” và là một tên đàn ông thực sự. Tuy nhiên, ngoài bộ vó ra, hắn vẫn phải mượn xe hơi của bà để trấn áp mọi kiêu hãnh của các cô gái. Thời gian đầu, hắn tỏ ra khôn ngoan. Dù đang ở cạnh bồ nhí, hắn cũng gọi điện thoại cho bà bày tỏ sự quan tâm chăm sóc. Bởi thế, bà chẳng nghi ngờ gì những chuyến đi xa của hắn. Nhưng cho đến một đêm, vì khó chịu với chồng, bà mò đến tổ ấm để ngủ với hắn thì bất ngờ bắt gặp một cô gái đang nằm trên chỗ của mình. Bà nổi tam bành: “Cô là ai?”. Cô ta cũng hoạnh hoẹ: “Bà là ai?”. Cuối cùng, bà biết cô gái là vợ mới cưới của thằng bồ mình. Nó có hôn thú đàng hoàng.
Bà thua cuộc. Và bà nhận ra một sự thực cay đắng: Cô gái ấy đẹp và trẻ hơn bà rất nhiều. Bà đi coi thầy, coi bà giải nguồn cơn và tìm nguồn trợ lực của thần linh. Nhưng vận hạn xoay vần vào cơn bĩ cực, công việc làm ăn của bà cũng thất bại. Sau cái chết của chồng, bà chôn vùi mình vào chỗ ẩn dật, quên đi mọi sự đời.

Đàn bà tuổi Dần, lại sinh vào ban đêm, muốn sống phải tự vồ mồi. Muốn chết cũng không đơn giản. Tự trong thẳm sâu cõi lòng bà, nỗi thèm khát đàn ông nhen nhúm cháy. Trong nỗi cô đơn và tẻ nhạt, lẫn lộn sự khinh bỉ, bà đành mở quán giăng bẫy bắt mồi.
Đàn ông đối với bà, vừa là ông chủ vừa là đầy tớ. Nhưng tiếc thay, đời bà chỉ gặp toàn đầy tớ, chúng phục dịch bà và lấy tiền công. Bà tuổi Dần, nhưng thiếu sức mạnh chinh phục. Quen cung cách của thương trường, bà nghĩ, mọi thứ đều có thể mua chuộc được. Bởi thế, sự dịu ngọt là vũ khí của bà.
Gã trai trẻ có tính khí hơi kỳ cục, nhưng gương mặt đầy bóng tối của hắn lại ẩn chứa một nỗi đam mê cuồng nhiệt. Mỗi lần khép cánh cửa cho bà, hắn tỏ ra quá dịu dàng.
Khi bà quyết định vồ lấy hắn, bà ra tay ngay:
- Thuốc này tôi mời cậu.
Bà chỉ tính tiền nước.
- Có lý do chứ?
- Vâng. Tôi thích việc làm của cậu.
- Về cái gì?
- Tất cả.
- Thực ra, nếu chỉ vì việc khép cửa cho bà thì giá cũng được.
- Còn hơn thế thì sao?
- Bà trả giá?
- Hiểu vậy cũng được.
- Tôi không quen mua bán.
- Cho và tặng cũng không khác gì mấy. Hoa mĩ thôi.
- Bà bi quan quá.
- Kinh nghiệm đấy.
- Quá đáng.
Bà cười:
- Cậu hay hơn tôi tưởng.
- Bà cũng lì hơn tôi nghĩ.
Bà bước ra đóng cánh cửa lại và đứng dựa ngay chỗ cửa khép, nói:
- Tôi phải vồ con mồi của mình thôi.
- Nếu tôi không phải là con mồi?
Bà bước tới ôm lấy hắn:
- Thì em là con mồi của anh.

Ông Minh bước vào quán, chưa ngồi xuống ông đã than:
- Thời tiết bây giờ sao ấy, nó làm cho mọi thứ trong người rời rạc ra. Cô Tư cho tôi một ly trà đường nóng.
- Chắc là anh...
Ông Minh đỡ lời:
- Ờ, hình như tôi muốn cảm.
- Anh Minh này.
- Gì thế cô?
- Người ta có cần phải chết vì một cái gì không nhỉ?
- Hôm nay cô hỏi lạ.
- Anh cứ trả lời giùm đi.
- Để tôi nghĩ... Khi tôi còn trẻ, tôi nghĩ mình phải sống vì một điều gì đó và chết không hổ thẹn.
- Thế bây giờ?
- Tôi không khuyên ai đâu nhé. Đối với riêng tôi, sống và chết không nhất thiết phải vì một điều gì.
- Anh không nghĩ đến tình yêu à?
- À... à... chuyện này đối với tôi chỉ là một cơn mơ mộng.
- Và người ta có thể chết vì nó?
- Cũng có thể.
- Anh Minh.
Bà Lan đứng ngay trước mặt ông.
- Gì thế cô?
Ông ngước ngang lên chỗ bộ ngực bà, rồi lại cúi xuống.
- Em có thể là một cơn mơ mộng không?
-... Ừ, với một ai đó. Thôi, chắc là tôi phải về...
Và như thế, lại qua một buổi sáng. Bà Lan cầm chiếc tách của khách vừa uống đi ra phía sau, chẳng ai biết là bà có mệt mỏi không.
 1997

NGUYỄN VIỆN
(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Con khỉ B’ Li (03/06/2008)
Thật bồ đoàn (02/06/2008)
Nhân ngư (02/06/2008)
Thời gian (02/06/2008)
Lọ lem (30/05/2008)
Cõi riêng (30/05/2008)
Chị Huệ (30/05/2008)
Đường chim bay (30/05/2008)