Truyện ngắn
Chim hạc đen
16:32 | 01/06/2022

HÀ KHÁNH LINH

Thuở còn tiệm đế, đức Thái Tổ Cao Hoàng đế đã bôn ba tạo dựng cơ nghiệp - Vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật nhiều phen.

Chim hạc đen
Minh họa: Phạm Đại

Có lúc ở cùng những người nông dân, cùng đi chân đất, ăn rau rừng, nhường nhau từng con cá nhỏ, con tép, con cua, chia nhau từng củ khoai luộc, củ sắn lùi; có lúc phải ở hải ngoại để lánh nạn, để cầu thân, để chiêu mộ nghĩa sĩ, mọi việc nhà giao hết cho các bà vợ - là những bậc mẫu nghi trọn tài, trọn đức - thay chồng nuôi dạy các con, thờ phụng mẹ chồng, kính trên nhường dưới, đối xứ với quân sĩ hết sức khiêm tốn.

Công chúa Nguyên Nhung vốn được Phụ hoàng yêu quí hơn hết ngay từ hồi còn nhỏ, giờ nghiễm nhiên trở thành cô công chúa được cả triều thần ngưỡng vọng. Vừa thông minh, xinh đẹp và đoan trang, công chúa còn có tài thơ văn và tâm hồn hết sức đa cảm. Công chúa thường không chịu nổi khi phải mục kích cái ác, cái xấu, đồng thời có lòng thương yêu hết thảy muôn loài. Bất kì một động thái nào có thể làm phương hại đến sự sống của các loài động vật đều gây cho công chúa cảm giác đau đớn, bởi vậy, ngay từ nhỏ công chúa đã không chịu ăn thịt các loài cầm thú. Kịp đến khi ý thức đầy đủ về sự sống chết và nỗi đau máu chảy của muôn loài, công chúa đã xin phép phụ vương và hoàng hậu cho công chúa chỉ dùng thức ăn bằng các sản phẩm chế từ thực vật - như một cư sĩ Bắc tông, mặc dầu Hoàng thượng có khuynh hướng chơi thân với các giáo sĩ Ki-tô hơn là với hàng tăng lữ Phật giáo, bằng chứng là Hoàng tử Trưởng đã được Hoàng thượng cho theo đòi Tây học. Để làm đẹp lòng Hoàng thượng và Hoàng hậu, các mệnh phụ, phu nhân đã thi nhau sáng chế ra những món ăn tinh xảo, đẹp đẽ và thanh khiết để dâng lên công chúa. Nàng nhận, tỏ lòng biết ơn và hờ hững. Ở tuổi dậy thì mà lạ thay nàng không thích ăn ngon, mặc đẹp, không ham muốn châu ngọc gấm vóc lụa là, Công chúa phục sức giản dị và tinh tế. Tuy vậy, sắc đẹp và sự duyên dáng ở Công chúa luôn bừng tỏa, làm cho bao giai nhân mĩ nữ bị lu mờ đi khi có sự xuất hiện của công chúa. Nhiều công tử con của các vị đại thần, cũng như Hoàng Thái tử của các lân bang đều ngấp nghé muốn được thành thân cùng công chúa - đã cậy nhờ mai mối đánh tiếng gần xa, hoặc mang đồ sính lễ vượt biên cương đến xin cầu hôn, nhưng tất cả đều bị công chúa khiêm nhượng chối từ. Hoàng hậu buồn phiền, Hoàng thượng vốn yêu chiều công chúa nên không ép, dẫu rằng trong mắt Hoàng thượng, vị tướng trẻ tài ba lẫm liệt họ Hoàng dưới trướng của Hoàng thượng là người xứng đáng nhất trong số - để có thể sánh duyên cùng công chúa. Ngoài tài năng kiếm thuật ra, vị tướng trẻ còn biết làm thơ hay, nên đã có lúc được mời đến dự xướng họa và bình thơ với các Hoàng tử và Công chúa ở gác Khuê Văn. Hoàng thượng ngắm các con trai, con gái yêu quí, rồi ngắm Nguyên Nhung trong vóc dáng thanh tân yêu kiều, đôi mắt phượng trong như ngọc, đôi mày liễu cong, mảnh và xanh mướt, giọng nói trong trẻo, nhỏ nhẻ, rõ ràng, diễn đạt rành mạch các ý tứ ngôn từ trong các pho sách... Hoàng thượng nói với Hoàng hậu:

- Này ái khanh, con gái của chúng ta - công chúa Nguyên Nhung là một dư duệ của Hoàng gia, một bảo vật vô giá mà trời đất đã ban tặng cho trẫm và hậu, nên Nguyên Nhung sẽ không dễ dàng trở thành bà chủ của một vương triều hay vương phủ, lại càng không thể trở thành một bà công chúa bình thường sánh duyên cùng Phò mã đô úy - suốt cuộc đời sống ung dung nhàn hạ hưởng bổng lộc của triều đình đâu...

Hoàng hậu nghe nói sụt sùi nhỏ lệ và gặng hỏi, nhưng Hoàng thượng đã không nói gì thêm. Hoàng hậu bèn mời các thầy dạy công chúa đến để thăm hỏi việc học hành của công chúa và thuật lại lời của Hoàng thượng cho quí thầy nghe. Một Thái sư đã quỳ tâu:

- Muôn tâu Hoàng hậu, tuy bận nhiều việc nước nhưng Hoàng thượng đã không hề bỏ qua việc chăm sóc các Hoàng tử, Công chúa, Hoàng thượng quả đã không hề nhầm lẫn khi nhận xét về công chúa Nguyên Nhung. Với đức hạnh và sắc đẹp ấy, với tài năng học vấn và trí thông minh tuyệt vời ấy, công chúa sẽ dễ dàng thừa hưởng được hạnh phúc mà người đời hằng mơ ước, nhưng Hoàng hậu không thấy sao, trong đôi mắt ngọc kia luôn ngời lên một niềm khao khát bất tận về một cuộc sống cao đẹp thuần khiết đâu đang ở phía trước...

- Thái sư ạ, những ngày gần đây nhất ta thấy công chúa có vẻ bận rộn với một niềm vui nào đó?

- Tâu hoàng hậu, đúng thế, từ nhỏ công chúa vốn yêu thích nghi lễ, và giờ đây công chúa đã vào tuổi thành niên - niềm hứng khởi mới nhất bắt nguồn từ hôm công chúa đi dự lễ tế trời long trọng của triều đình do Hoàng thượng chủ xướng. Công chúa bảo ấy là thời điểm thiêng liêng nhất, là khi có sự giao lưu giữa trời đất với con người.

- Mỗi năm chỉ một lần hành lễ tế trời cha đất mẹ. Có cách gì để duy trì niềm vui ấy cho trọn chu niên? Thái sư có hề đọc thấy một niềm tâm sự nào của Công chúa giấu trong những áng thơ văn?

Câu hỏi bất ngờ của Hoàng hậu làm cho Thái sư thật sự bối rối, như sự bối rối lần đầu khi đọc được những nỗi sầu muộn thấp thoáng trong thơ văn của Công chúa. Nàng yêu quí phụ hoàng và hiểu được nỗi khó khăn cực nhọc của cha già trong buổi đầu dựng nghiệp. Đối nội và đối ngoại. Trị quốc và trị nhà. Tuy đã ở ngôi cao nhất trong thiên hạ đấy, nhưng đời sống riêng tư của Hoàng thượng cũng hết sức đáng thương! Ngoài hai hoàng hậu ra, chỉ trong thời gian ngắn tại vị, Hoàng thượng đã phải tiếp nhận quá đông phi tần mĩ nữ - hầu hết là con cháu của các quan đại thần. Thêm một người là thêm cung điện vàng son, thêm người hầu kẻ hạ, thêm xiêm áo nữ trang, thêm màn loan trướng gấm, và thêm... rối việc của phụ vương (!), dẫu rằng phụ vương đã sáng suốt kiên quyết sớm định ra luật không cho phép những người đàn bà của mình lạm bàn vào việc nước. Nhưng sau những giờ cặm cụi làm việc nước, Phụ vương đã mấy lúc thực sự được nghỉ ngơi thanh thản giữa tình yêu ích kỷ của những người đàn bà kia? Mẫu hậu vốn hiền thục nhưng cũng chẳng giúp được gì cho Phụ vương trong việc giải quyết những mâu thuẫn ở hậu cung, vì chính mẫu hậu cũng thừa biết rằng mỗi một người đàn bà đến với Phụ vương là nấp phía sau lưng họ dằng dặc một lớp người với nhiều mưu đồ to lớn. Đó là những con người hàng ngày vẫn gặp nhau trong sân đại triều, trong cân đai áo mũ chỉnh tề, họ cùng túc trực dưới long sàng sẵn sàng lĩnh ý của Hoàng thượng. Muôn lời họ nói ra như một - tưởng như là ăn ý nhau lắm, nhưng trong lòng họ chất chứa nhiều mưu sâu hiểm độc không thể lường hết. Ai cũng muốn chỉ riêng mình giành được sự ưu ái của Hoàng thượng và loại bỏ đối phương, ai cũng xu nịnh bề trên, lừa phỉnh người dưới, ai cũng sẵn sàng hạ sát nhau để một mình họ với vây cánh của họ, dòng họ của họ được hưởng vinh hoa phú quí, ngay cả việc xin cầu hôn với công chúa được vua cha yêu quý nhất cũng không ngoài mưu đồ tham vọng được gần kề hơn bên chiếc ngai vàng, chứ chưa hẳn là nặng một lòng yêu công chúa; tuy nhiên, cũng có thể không phải tất cả đều là như vậy, nhưng giữa cõi đời hỗn mang biết lấy gì để phân biệt?...

- Muôn tâu Hoàng hậu, công chúa Nguyên Nhung là một người con thông minh và hiếu thảo. Niềm vui nỗi buồn của công chúa luôn gắn liền với những vui buồn của phụ vương và mẫu hậu. Xin hãy cứ để cho công chúa tự nuôi dưỡng lấy những niềm vui hiếm hoi mà công chúa có được...

Xuân qua, thu lại, đông về, sen trong hồ đã mấy lần đơm bông tụ hạt, những cây sứ trong hoàng cung đã bao lần thay lá mới, một vài hoàng tử công chúa anh chị em nàng đã lần lượt lập phủ, chỉ riêng nàng chưa chịu gá nghĩa cùng ai. Nàng chỉ vui với đèn sách, thi phú, những cuộc dạo chơi ngắm phong cảnh, và những lần cải trang đi dã ngoại để lắng nghe thần dân nói về vị Hoàng đế của mình, để thấy tận mắt cảnh sống của muôn dân.

Một lần công chúa cải trang ra khỏi Hoàng cung cùng với một thị nữ. Cuộc hành trình ngược lên dòng chảy của con sông trong ngần và xanh biếc. Cách xa kinh thành chừng vài dặm, công chúa bất ngờ được gặp một vị Sa môn. Nàng cung kính đảnh lễ và xin cúng dường. Trong lúc cúng dường nàng ngắm vị Sa môn và bất thần nói:

- Bạch thầy, vì đâu trong mắt thầy luôn giữ được trạng thái an nhiên?

- Lành thay! Công chúa! Phải chăng công chúa vì quá bận tâm đi tìm sự an nhiên trong tâm hồn mà phải cất công cải trang để làm cuộc hành trình trong thiên hạ?

- Bạch thầy, đúng thế ạ. Thầy là bậc đại trí tuệ nên sự cải trang vụng về của con đã không qua mắt được thầy. Chẳng hay con có thể thỉnh cầu ở thầy một lời chỉ giáo?

- Bần tăng sẵn sàng, xin công chúa cứ dạy bảo!

- Bạch thầy, con vẫn nhớ lời của đức Phật dạy rằng: Con người hãy tự mình làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho chính mình, nhưng cơ duyên may mắn hôm nay con được gặp thầy, con muốn thầy chỉ cho con biết ai là bạn, ai là thù của phụ vương con? Ai là người cho con có thể kết thành thân?

- Bần tăng tài hèn sức mọn, sợ rằng không giúp được gì cho công chúa, nhưng bần tăng sẽ chỉ đường cho công chúa tìm đến chỗ cần thiết, đường thì xa và lắm cực nhọc gian nguy...

- Bạch thầy, con sẵn sàng vâng lĩnh và làm theo sự chỉ giáo của thầy.

- Đi ngược lên mãi thượng nguồn con sông này, xuyên rừng đại ngàn, lên đỉnh non cao, lại vào trong rừng thẳm, công chúa sẽ được gặp một con hạc đen. Công chúa có thể nhờ đôi mắt tinh tường của chim hạc đen giúp mình trong việc xác định những khuôn mặt đời đích thực.

- Chim hạc đen, bạch thầy con đã được nghe nói. Đó là loài chim luôn ẩn mình bên sườn của một ngọn núi cao, không bao giờ chim hạc đen bay đi kiếm ăn ở những vùng trời vùng đất có loài chim hồng chim hộc hay đến.

- Đúng thế! Vị Sa môn nói - Con hạc đen cô đơn và không hề có chút tham vọng nào kia sẽ giúp ích cho công chúa. Kính chúc công chúa vô lượng an lạc để phụng sự.

Công chúa thầm nhủ như nối tiếp lời của vị Sa môn:

“- Và ngược lại với Chim hạc đen là chim hồng chim hộc luôn bay tít tận trời xanh, là loài chim biết chỗ nào kiếm được miếng ăn ngon nhất và thường ăn uống hả hê no đủ..."

Khi cáo biệt vị Sa môn để tiếp tục cuộc hành trình, công chúa bỗng cảm thấy một nỗi buồn trống trải quạnh hiu xâm chiếm tâm hồn mình, một nỗi cô đơn to lớn khủng khiếp bất thần ập xuống cuộc đời nàng - như thể nàng vừa đánh mất hết cha mẹ anh chị em, đánh mất hết người thân cùng những cung vàng điện ngọc, lầu son gác tía - nơi đã từng ấp iu chôn giấu những khát vọng cháy bỏng của tâm hồn nàng - về những miền đất thánh thiện cho cái lành cái đẹp được ươm mầm kết quả. Công chúa cảm thấy mình bơ vơ lạc lõng giữa cõi đời rộng lớn vô biên. Mỗi bước chân đi của nàng mang theo nỗi buồn nhớ khắc khoải da diết đối với cuộc hội kiến vừa rồi, và đối với vị Sa môn.

Lại nói về vị tướng trẻ họ Hoàng, vốn từ lâu những ao ước được sánh duyên cùng công chúa. Tuy đã bị từ hôn, nhưng lòng của Hoàng tướng quân không thể nào dập tắt được ngọn lửa yêu đương đang âm ỉ cháy. Mặc dầu công chúa Nguyên Nhung rất tự tin vào khả năng kiếm thuật của mình nên không bao giờ muốn đem theo vệ sĩ, nhưng mỗi một lần nàng rời Hoàng cung để đi dã ngoại, là một lần Hoàng thượng và Hoàng hậu đều bí mật phái người theo để hộ giá nàng. Người được giao trọng trách đầy vinh dự này không ai khác hơn là vị tướng trẻ tài ba lẫm liệt họ Hoàng. Càng theo hộ vệ công chúa trong những chuyến đi của nàng, Hoàng tướng quân càng cảm thấy tình yêu của mình đối với nàng ngày một sâu đậm hơn, to lớn hơn! Nàng đã nghe được những người dân thường mộc mạc lam lũ cũng như những nho sinh ở các vùng xa xôi hẻo lánh nhất nói về thân phụ của nàng. Bao lời ngợi khen Hoàng đế và Hoàng triều, cũng bao lời oán trách những luật lệ hà khắc của triều đình, cùng những việc làm thất đức của tham quan ô lại! Sự trình tâu của nàng cũng đã có những tác động nhất định đối với phụ vương. Nhưng Hoàng thượng vốn là một con người có trái tim rắn như thép. Có lẽ những việc làm của Hoàng thượng lúc công chúa hãy còn nhỏ nàng chưa kịp có ý thức đầy đủ, nên khi lớn lên nàng muốn tìm hiểu cho cạn kiệt đến ngọn nguồn? Phải chăng sự sợ hãi về nỗi đau máu chảy của muôn loài dẫn đến việc nàng ăn chay trường như hiện nay - lại không xuất phát từ những ký ức thuở ấu thơ nàng đã nhìn thấy máu tuôn như suối trong một trận phục thù lịch sử của Hoàng thượng?

Như bao lần khác, lần này võ tướng họ Hoàng cũng cải trang đi bảo vệ nàng từ xa. Mỗi cử động nhỏ của công chúa và thị nữ đều không lọt khỏi mắt của vị tướng trẻ tài hoa và đang cưu mang mối sầu tình ái.

Hoàng tướng quân nhận thấy từ sau lúc cáo từ vị Sa môn và quyết tâm đi theo hướng mà vị Sa môn đã chỉ, sắc diện của công chúa bao đổi khác. Cái nhìn của công chúa luôn xa vắng như đang chìm vào một ký ức sâu thẳm, hoặc đang độc thoại, hoặc đang trò chuyện trong im lặng cùng ai. Đôi mắt ngọc của nàng thoáng chốc như bị bao phủ bởi một lớp sương mù của nhớ nhung và đau đớn, cả trên từng thớ lụa của xiêm y nàng đang phấp phới kia, cả trên từng ngón tay nàng đưa lên vén tóc... như cũng rung lên niềm đau xé của tâm tư. Hoàng tướng quân đau lấy nỗi đau của người mình yêu, nhưng không biết làm cách nào. Bỗng một nỗi giận hờn phi lý như dội lửa lên bầu máu nóng đang sục sôi trong lồng ngực của vị tướng trẻ!

Ngày đi, đêm nghỉ lại trong quán trọ ven đường. Sáng sớm hôm sau Hoàng tướng quân tìm cách gặp riêng cô hầu gái của công chúa và gặng hỏi, liền được biết: Suốt cả đêm hôm qua công chúa không ngủ. Công chúa chong đèn làm thơ đọc sách đến quá khuya, lại chong đèn nằm thao thức. Hoàng tướng quân nghe nói thì trong lòng vô cùng lo lắng cho sức khỏe của công chúa. Nhưng lạ lùng thay suốt cả chặng đường dài công chúa không hề đau ốm. Càng đi bước chân của công chúa như càng cứng cáp hơn, sức vóc của nàng như ngày một dẻo dai hơn. Đã nhiều ngày trôi qua. Cuộc viễn du xuyên sơn đã đến hồi kết thúc. Đó là một buổi sáng đẹp trời, công chúa kiên nhẫn men theo những triền đồi dốc đứng cố leo lên đỉnh một ngọn núi cao, ở đó có một con hạc đen đang đứng bất động. Từ đằng xa đã nhìn thấy đôi mắt hạc sáng long lanh như đôi vị tinh đẩu. Thị lực phát ra như có một sức hút diệu kỳ không những đối với công chúa Nguyên Nhung, với cô hầu gái, mà cả với vị tướng trẻ tài hoa.

Vừa lên đến đỉnh, Hoàng tướng quân tìm ngay chỗ ẩn nấp để tiện việc quan sát.

Công chúa đã trò chuyện với hạc đen như với một người bạn chí thiết đã gặp đã hiểu nhau đâu từ lâu lắm trong quá khứ. Lúc sắp từ biệt, công chúa xin hạc đen cho mình một sợi mi mắt của hạc. Nói rồi, công chúa đứng lên tự tay nhón lấy một sợi mi mắt trên mắt trái của hạc đen. Họ chia tay nhau bịn rịn như không thể rời nhau...

Một mối hoài nghi to lớn choán ngợp cả tâm hồn của vị tướng trẻ. Cái gì thế kia? Một sợi mi mắt của hạc đen để làm gì? Bàn tay nàng, những ngón tay ngà ngọc của nàng đã chạm vào đôi mắt rực sáng như đôi vì sao ấy! Vị tướng trẻ cảm thấy như mình bị xúc phạm!

Gắn sợi lông mi hạc lên mắt mình và ngước nhìn người hầu gái tin cẩn nhất của mình, công chúa đã kịp kìm nén cho tiếng kêu kinh ngạc khỏi bật ra khỏi cổ họng - khi thị nữ hiện nguyên hình một con rắn nhỏ, mảnh mai, non nớt, với màu da xanh mướt dịu dàng óng ả như màu lá cây vừa đâm chồi thay mới. Công chúa ngoảnh sang bên, bắt gặp Hoàng tướng quân trong hình hài một con mãnh hổ nấp bên tảng đá lớn đang ở tư thế rình rập, chực nhảy xổ ra vồ lấy con mồi. Giấu nỗi kinh hoàng vì những điều kỳ lạ vừa khám phá, công chúa lặng lẽ cất bước. Ở lưng đồi công chúa dừng lại, quay mắt về tìm kiếm bóng dáng của hạc đen. Kia là mỏm núi đã trở nên quen thuộc và đầy tôn kính mà nàng vừa mới rời bước. Nhưng thật kỳ lạ, bộ lông đen tuyền của hạc đã chuyển dần sang màu đất cát vàng pha đỏ mà ta vẫn thường bắt gặp trên các đồi nương, đôi cánh hạc như rộng lớn hơn ra, rộng lớn hơn mãi, và kìa, hạc không còn là hạc nữa, mà hiển hiện trong thân tướng của một vị Sa môn! Nhưng lạ lùng chưa: y ấy, vóc ấy, thân tướng ấy... Đúng là vị Sa môn mà công chúa đã gặp hôm nào - khi vừa ra khỏi kinh thành chừng vài dặm. Nỗi vui mừng không lấy gì để sánh được khi bất ngờ lại được nhìn thấy vị Sa môn mà nàng đã nặng một lòng yêu quý. Nàng không che giấu sự xúc động. Nàng run rẩy trong một hạnh phúc bất ngờ mà nàng cảm thấy là vô cùng to lớn! Thị nữ luống cuống đỡ lấy nàng trong một trạng thái đột ngột xây xẩm. Nàng tự hỏi:

- Phải chăng con hạc đen tu lâu năm đã trở thành người, thành một vị Sa môn? hay bản chất của hạc đen đã ngang tầm một con người thanh cao tuyệt đối và nhờ tu luyện đã vươn đến hàng một bậc Minh triết? Còn nàng, nàng đã yêu bậc Minh triết này bằng một tình yêu thế tục...

Công chúa những muốn quay về bên đỉnh núi để được gặp lại vị Sa môn, nhưng nàng đã kịp ghìm chân. Nàng nói với thị nữ:

- Đức Phật đã từng nói: Khói, bụi, sương mù làm cho ánh sáng của mặt trăng mặt trời bị lu mờ đi như thế nào, thì phạm hạnh của các vị Sa môn cũng bị Iu mờ như thế ấy khi gần gũi với hàng phụ nữ...

Thị nữ ngước nhìn nàng bằng cái nhìn ngơ ngác.

Nàng trở về kinh thành với sợi mi mắt của hạc đen cất vào túi gấm. Hoàng thượng và Hoàng hậu vui mừng được gặp lại công chúa xinh đẹp và có phần mạnh khỏe hơn trước. Hoàng thượng và Hoàng hậu hỏi thăm nàng chuyến đi có gì thú vị không? Nàng trình tâu rằng "có" và không nói gì thêm. Nhưng cũng từ đó Hoàng thượng và Hoàng hậu để ý thấy công chúa sắc mặt ngày một kém tươi, suốt ngày ở mãi trong phòng đọc sách, ít khi đi dạo chơi ngắm phong cảnh. Những cây quý, hoa lạ, cảnh đẹp trong vườn thượng uyển như cũng vì nhớ mong công chúa mà buồn héo hao gầy đi. Hoàng thượng lấy làm băn khoăn và cho đòi Hoàng tướng quân đến để dò hỏi, may ra có thể đoán biết được nguyên nhân làm cho công chúa trở nên ưu tư sau cuộc hành trình xuyên sơn ấy.

Cùng thời gian này, công chúa cảm thấy kinh sợ ghê khiếp vì những khuôn mặt đời đích thực đang bao quanh nàng, bao quanh ngai vàng của cha nàng. Với sợi mi hạc gắn lên mắt nàng thấy hàng ngày lớp người xúng xính đi lại trong kinh thành kia hiện ra trong hình hài của beo, gấu, khỉ, lợn, rắn hổ mang... Cũng có vị dưới cái nhìn của mi hạc đen vẫn mang hình hài thân xác con người, cũng vẫn cân đai, áo mũ, cũng hài thêu, áo gấm, võng lọng kia, nhưng khuôn mặt đích thực của họ không giống khuôn mặt hàng ngày mà bằng mắt thường con người đã nhìn thấy... Còn phụ vương của nàng thì hiện ra trong hình hài một con sư tử hung hãn. Nàng cay đắng khi chợt liên tưởng rằng đã là loài thú thì điều quan tâm lớn nhất của chúng là những bãi cỏ xanh tốt và những vữa thịt béo bở. Con ăn cỏ thì tranh giành nhau từng búi cỏ, con ăn thịt thì cắn xé nhau, tị hiềm nhau từng miếng thịt nhỏ to. Sự giành giật này có lúc làm cho những bãi cỏ bị dày xéo bầm dập tan nát, những con thịt bị phanh thây nhầy nhụa văng mỗi nơi một miếng ứa máu đỏ lòm, hoặc bị vùi trong đất cát ruồi nhặng bu quanh... bất chợt nàng nhìn lên những đệm gấm, những hàng ghế bọc nhung đỏ của các quan đại thần tựa như màu của các vựa máu thịt đỏ tươi ấy, và tấm thảm trải trên lối vào chánh điện cũng xanh cái màu xanh của những vạt cỏ bị loài thú tranh giành xéo nát ấy. Công chúa nhìn lại mình thử coi bản chất mình là gì? Mình là ai? Công chúa Nguyên Nhung là con hạc trắng. Một con chim hạc bỏ đàn không phải để bay lên đậu trên đỉnh non cao, mà đậu vào điểm cao nhất của cành vàng lá ngọc, nên đã cô đơn lại càng cô đơn hơn.

Bây giờ là mùa đông, Kinh thành chìm trong sương giá từ buổi hoàng hôn, và sáng sớm mai thức dậy trong tiếng chuông chùa ngân nga sâu thẳm, tiếng trống cầm canh dục dã, và tiếng chèo bì bõm của những người dân chài quanh năm lênh đênh trên sông nước. Công chúa thường thức dậy với những âm thanh quen thuộc quanh mình, và ý nghĩ đầu tiên trong ngày đến với công chúa là nghĩ về một đỉnh non cao chắc giờ này đầy mưa bay sương phủ. Những bông hoa chịu lạnh giỏi như trà mi, thược dược, cúc đại đoá... buổi bình minh vừa thức dậy đã đua chen nhau phô hết sắc thắm tươi lộng lẫy dưới khung trời tái ngắt của Hoàng cung. Như hẹn cùng với hoa, các cung tần mỹ nữ cũng vừa thay xiêm y mới, và các mệnh phụ phu nhân cũng phục trang những len nhung gấm vóc sặc sỡ, họ nối đuôi nhau vào chầu hầu Hoàng hậu như thường lệ, vừa đem theo những bánh trái tinh khiết nhất dâng lên công chúa. Và, đặc biệt hơn, hôm nay một lần nữa vị tướng trẻ họ Hoàng lại cậy nhờ mai mối mang đồ sính lễ đến để xin cầu hôn công chúa.

Thấy công chúa vẫn một mực chối từ, Hoàng thượng và Hoàng hậu như không thể kiên nhẫn hơn được nữa, Hoàng thượng nói:

- Lẽ nào cho đến nay bao trang anh hùng lừng lẫy đã mỏi mệt vì con mà con không hề trông thấy? Và bậc thân sinh ra Hoàng tướng quân đây đã dày công với Trẫm trong buổi đầu dựng nghiệp. Đại phu đã ngã xuống trong một trận chiến đấu không cân sức với quân ngụy, bây giờ đây, đến lượt Hoàng tướng quân đã theo phò Trẫm hết sức trung thành...

Công chúa Nguyên Nhung cảm thấy không thể giấu kín Hoàng hậu và Hoàng thượng mãi được, nàng đã phủ phục dưới chân phụ hoàng kể lại hết ngọn nguồn vì sao nàng phải làm cuộc hành trình vào trong núi thẳm, do đâu nàng có được cái nhìn tinh tường để thẩm định bản chất đích thực của những con người chung quanh, và vì thế nàng không thể dễ dàng nhận lời cầu hôn.

Tưởng rằng nghe xong phụ hoàng sẽ hết sức vui mừng vì từ nay trong tay mình đã có một báu vật thiêng liêng và vô giá để dẫn đường, để khỏi nhầm lẫn khi xét đoán con người, để giúp ai muốn tu thân, muốn hoàn thiện mình cho đúng với vai trò của mình trong xã hội, và cũng từ đó phụ hoàng chắc chắn sẽ thông cảm với công chúa, sẽ nói lời an ủi may ra có thể chia sẻ và xoa dịu được bớt niềm đau nhức đang trĩu nặng trong trái tim công chúa. Nào ngờ nghe xong Hoàng thượng đùng đùng nổi giận. Suốt một đời chưa bao giờ công chúa thấy phụ hoàng giận các con trai con gái yêu quý đến thế! Phải chăng con người ta khó có thể chấp nhận những nhận xét đánh giá của đối tượng khách thể - nhất là khi sự đánh giá đó gọi đúng tên của sự việc, chỉ đúng cái bản chất đích thực mà phía chủ thể hằng muốn che giấu?! Mắt long sòng sọc, da mặt xạm ngắt, đôi môi run run tái mét, Hoàng thượng nói:

- Hoàng tướng quân, Công chúa quả đã bị mê hoặc bởi một vị Sa môn! Bây giờ khanh hãy chứng tỏ tình yêu của khanh đối với công chúa Nguyên Nhung, và lòng trung thành của khanh đối với Trẫm đi! Khanh hãy đi lùng bắt vị Sa môn kia về đây cho Trẫm hỏi tội!

Vị tướng trẻ cúi rạp mình vâng lệnh và vút đi ngay với tất cả niềm tự tin.

Công chúa Nguyên Nhung trở lại phòng đọc sách của mình, lắng nghe tiếng vó ngựa của Hoàng tướng quân, rồi ngửa mặt nhìn vòm mái cong với những đầu móng vi và đuôi rồng lượn chập chùng giữa vòm mây trắng xốp, nàng than thầm:

- Ai đi chinh phục tình yêu bằng bạo lực bao giờ? Ai đi tìm cái thánh thiện bằng một trái tim độc ác thì bao giờ cho gặp được hở phụ vương?! Không thể gặp, không bao giờ, không thể...

Phụ vương đã phản ứng dữ dội như thể chiếc áo giáp ngụy trang bị một mũi tên độc đột ngột xuyên thủng!

Nàng quay mắt hướng về phía đỉnh non xa. Vị Sa môn đã chúc nàng vô lượng an lạc. Sao mà nhiều quá thế thưa thầy? Con chỉ cần được một chút an lạc thôi cũng đã đủ cho con sống qua hết cuộc đời đầy những phiền trược đau đớn...

3/1993
H.K.L
(TCSH55/05&6-1993)

 

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Các bài đã đăng
Lưỡi dao (13/05/2022)
Khúc (19/04/2022)