Truyện ngắn
Khóc trong cười
14:44 | 03/06/2022

DƯƠNG PHƯỚC THU
              Truyện ngắn dự thi

Kìa, lão đang đứng trước mắt chúng tôi đây, tay ngửa ra xin của bố thí, và đợi chờ một chút ân huệ nhỏ nhoi...

Khóc trong cười
Minh họa: Đỗ Kỳ Huy

Với khoảnh khắc ngắn ngủi, chúng tôi không ai bảo ai cùng nhau dốc sạch số tiền lương công chức ít ỏi còn lại của những ngày cuối tháng cho lão. Bằng một cử chỉ nghĩa hiệp, lão chắp hai bàn tay thiếu ngón ép số tiền vừa kiếm được, xá chúng tôi rồi lắc mình khật khưởng bước đi qua những người khác, và động tác cứ lặp lại như vậy thành một chu kỳ.

Trong suốt hành trình, kể từ lúc hừng đông cho đến khi mặt trời rơi hẳn phía Tây thành phố, lão đã đi trên mười lăm cái chợ và hơn hai chục quán hàng: không bị gậy, không chén bát, không có vật gì vướng víu - lão dùng duy nhất một thứ của tạo hóa, ban phát phải dùng - bàn tay, bàn tay trái bị cụt mất hai ngón ngửa ra, to xù chai sạn (hình như tay phải của lão bị liệt thì phải) đã bị các vết nhơ bẩn che lấp làm mờ đi những đường vân chỉ tay (có lẽ lão cố ý) nên anh bạn tôi, tiến sĩ chiêm tinh học kiêm khoa tướng số (nghề gia truyền nổi tiếng mười đời của nhà anh) cũng không tài nào "nhìn thấy một chút dấu hiệu của hậu vận đời lão còn lại đi về đâu?".

Thi thoảng buồn tình hay có bạn bè rủ, tôi lại ra cái "quán thịt chó giá rẻ" của cái thằng cha trước đây chuyên đi thu thuế chợ như đi trấn lột, rút cuộc sinh ra năm đứa con đều nói ngọng, còn bà vợ bỗng nhiên lên cơn tăng-xông rồi thành mãn tính lúc tỉnh lúc mê như có ma dẫn lối quỉ đưa đường. Bây giờ hắn bỏ nghề "thu thuế" về mở quán - nhưng vẫn tiếc nguồn thu lợi khi xưa nên đứng bán thịt chó kiếm lời - song cũng mong tu tâm tịnh đức hòng cứu vớt sau này, mới có danh "quán thịt chó giá rẻ" mà kỳ thật đâu có rẻ gì! Ở quán nầy tôi hay gặp lão; nên biết rằng giờ đây lão sống bằng chính vào nguồn thu nhập do thiên hạ hảo tâm: đôi lúc của anh nhà giàu hay sĩ! Một chút từ tâm của những phật tử đã nguyện chân tu làm việc thiện, hay của những con chiên vâng mệnh Chúa trước giây phút mủi lòng đắc đạo. Lão có cái mà sống, mặc cho sự vần vũ của kiếp đời.

Lão cười! Phải thừa nhận rằng lão cười nhiều hơn khóc, đôi lần quan sát tôi thấy rằng khóc của lão chính ở điệu cười "cười ra nước mắt mà lỵ?” Tiếng cười của lão nhiều khi nghe như tiếng gió xoáy rít liên hồi, tiếng mưa tuôn giá buốt và hồng hộc như con thú lạc bầy bị thương. Sau đó lão mới khóc, nhưng tiếng khóc của lão thật êm dịu và rất ngắn. Một lần lão đang cười, mặt méo xệch, rồi bỗng nhiên im bặt và từ từ ngửa bàn tay cụt ngón ra chợ đợi thời vận đánh rơi một vật gì đó. Trong khi "chờ thời vận" quá lâu buộc lão phải xẵng giọng "đặt vấn đề" thẳng thắn như một mệnh lệnh:

- Cho nhà ông xin tý gì kiếm sống! Tiếng nói nặng, giọng khàn rè như chiếc loa bị rách màng, bàn tay cụt ngón giật giật nhắm hướng người ngồi định xin áp sát. Nghe lão nói, anh bạn "ngụ cư" của tôi lên tiếng. Anh nói rằng ở cái xứ nầy (chỉ quê nội của tôi) bất cứ làm việc gì cho dù anh đang thắng thế cũng phải đề phòng, phải nhã nhặn lời ăn tiếng nói và luôn tìm chỗ đứng thế thủ để "mã hồi” nhanh nếu cảm thấy thất bại. Và anh khuyên lão đừng nói vậy đừng nói vầy kẻo thất bại.

Anh chân thành quá, nhưng chưa dứt lời đã bị lão nổi cáu, mặt tím bầm, hai hàm răng siết mạnh vào nhau phát ra một thứ âm thanh như người thợ đan quạt cạo da cây tre giang ghê rợn, rồi chìa bàn tay cụt ngón chỉ vào mặt anh bạn "ngụ cư" của tôi mà rồ giọng:

- Nhà ông đói, nhà ông đi xin chứ có làm phiền đứa nào đâu mà ông sợ - Lão thét lên - Cho thì cho không thì thôi việc đếch gì phải hạ thân chiều lụy - nhục ơi là nhục!

Lão lại cười rồi nổi giận bỏ đi, còn chúng tôi ngồi lặng như trời trồng...

Kẻ ăn mày của chúng ta đã có một thời oanh liệt: lúc ở làng từng đoạt nhiều giải vật võ hàng tỉnh. Cái dáng chắc nịch màu đồng thau, cao khoảng thước bảy mươi, phô diễn cơ bắp cuồn cuộn, nở nụ cười sảng khoái đầy mỹ mãn mỗi khi chàng bước lên bục danh dự nhận giải trước ánh mắt chiêm ngưỡng của hàng vạn người. Rút cuộc, cô con gái cưng của ông chủ lò vật bước theo chàng chấp thuận làm người nâng khăn sửa túi. Năm tháng trôi vèo, chàng và nàng đã cho ra đời hai thằng xích tử! Tưởng hạnh phúc ấy bên nhau trọn đời, ai dè - mùi thuốc súng khét lẹt đã lan đến tận cái làng cát quê chàng. Gác cày cuốc, chia tay vợ con - làm trai nước Việt, chàng khoác súng lên đường ra trận... ở chiến trường anh đánh giặc cực giỏi, đơn vị anh cũng vào loại đánh cực hay. Công lao của anh treo đỏ ngực, nhưng toàn thân của anh cũng đầy những vết thâm đen lâu dần hóa thành sẹo. Một lần đơn vị anh ở mũi tiên phong được lệnh đánh thẳng vào đầu não của kẻ thù mở màn cho chiến dịch. Bỗng trước mắt anh chớp đỏ, xanh lè, đất dưới chân rung lên, tai ù điếc và toàn thân thể anh cứ bồng bềnh bay cao, bay cao như vô tận vào cõi không gian mờ mịt...

Tiếng súng ngừng tạm thời giữa hai trận đánh, ai cũng tưởng anh đã hi sinh, nhưng số kiếp không ác nghiệt như nó muốn. Anh bị thương ở chân và một mảnh đạn xớt nhẹ lớp mỏng hộp sọ phía đỉnh đầu, cũng may chưa tới phần não (bây giờ đặt tay lên ta có cảm giác mềm mềm và phập phồng như nhịp thở nên anh phải luôn luôn bảo vệ đầu bằng chiếc mũ lưỡi trai có đệm lớp bìa cứng suốt quanh năm).

Trận ấy đơn vị của anh hy sinh bảy mươi ba chiến sỹ!

Anh bạn cùng xã khác thôn nhập ngũ cùng lần với anh được phong quân hàm đại tá.

Sau ngày xuất viện, anh có bước đi khật khưỡng, trí nhớ mất đi, lúc cười lúc lại khóc, lúc hô xung phong rồi đánh trần hoa chân múa tay đi quyền vật võ. Khi quân y viện đã không "điều chỉnh" được trí nhớ của anh về lại như xưa. Một ngày đẹp trời chiếc co măng ca quân sự đưa anh trở lại cái làng cát quê hương nơi có người vợ chờ chồng và hai thằng con ngóng bố!

Thật kỳ lạ, trước mảnh làng quê hương sao anh không còn nhận ra một điều gì nữa, tất cả đã đi đâu? Vợ anh đâu? con anh đâu? Cái đám tung hô anh thắng cuộc ngày xưa đâu rồi?!...

* * *

Theo thông tin của tổ trưởng dân phố khu vực có "quán thịt chó giá rẻ" thì lão xuất hiện ở đây sau trận bão năm 1985. Lúc đầu không ai để ý, vì chỉ là kẻ ăn mày như bao ăn mày khác, nhưng rồi cử chỉ của lão làm họ để mắt tới.

Lão xin ăn bằng những thứ gì ăn được ngay, còn tiền lão để giành trong một cái túi khâu dưới nách tay phải (túi này do lão tự chế tạo để bảo vệ an toàn tài sản công dân) cũng tưởng rằng lão góp nhặt cho mai sau, nhưng không. Có tiền rồi, lão đi tìm bọn trẻ cỡ chín mười tuổi, đứng nhìn xem chúng nô đùa, khi thật chán mắt lão mới gọi chúng lại, gạ gẫm:

- Lại đây các cháu, lại đây ông cho tiền mua kẹo nầy! Rồi lão móc tiền ra đếm như muốn khoe với chúng. Bọn trẻ con thành phố ngạc nhiên, nghi ngờ, nhưng cũng kéo đến vây tròn quanh lão. Chúng cảnh giác theo dõi mọi hành động của ông già lạ lùng. Còn lão đưa tiền cho bọn nhóc nhưng đòi được đổi lại:

- Ông sẽ cho tiền, đứa nào cho Ông hôn cái đã, xoa đầu cũng được, hoặc sờ, sờ chim - lão cười - sờ chim tý ông cho tiền nhiều hơn, à cho hết!

Nghe vậy bọn trẻ cười ồ rồi ù té chạy. Lão khật khưỡng đuổi theo. Chẳng may cho đứa bé chậm chân để lão tóm được, thế là một trận mưa hôn hít đổ xuống khắp thân thể thằng bé, rồi hứng chí lão sờ chim nó, kéo mạnh quá làm đứa bé khóc thét lên. Người đi đường dừng lại định can thiệp, nhưng lão đã đặt thằng nhỏ xuống nhét toàn bộ số tiền kiếm được vào túi nó, hôn nó lần cuối. Thằng nhỏ tuột khỏi tay lão, ù té chạy.

Lão chôn chân tại chỗ cười rung người, nước mắt từ mạch nguồn sâu thẳm trong ký ức tuôn trào như mưa làm nhòa đi không gian trước mắt lão. Bọn trẻ đã đi xa... Giờ đây lão kiếm được nhiều hơn trước - có lẽ lão đã lựa lời chăng? Rồi lão khật khưỡng đến các nhà trẻ mẫu giáo (một cuộc điều tra cho hay các nhà trẻ mẫu giáo trong thành phố nầy đều thấy bóng dáng lão xuất hiện) đứng nhìn chúng chơi đùa, chúng hát lão cũng hát theo, chúng nhảy múa lão cũng nhảy múa theo. Khi đã chán mắt, lão ném toàn bộ số tiền đang có cho bọn trẻ, mặc chúng làm gì thì làm. Lão khoái chí "khóc" rồi "cười"... Bọn trẻ phố tôi bây giờ đâm ra khoái lão. Chúng nói rằng lão kể chuyện đánh nhau với tụi Mỹ ở Khe Sanh hay lắm, rằng sau kể chuyện còn được xem lão đi quyền võ vật rồi được cho tiền nữa, nhưng thỉnh thoảng bị lão kéo "chim" đau dễ sợ!

Ngày lão trở lại mảnh làng quê sau gần mười lăm năm chinh chiến, nhưng than ôi! Dân làng kể lại rằng vợ con lão ra đi khi bữa cơm chiều chưa chín tới!...

Người ta đưa lão về trại an dưỡng mong hàn gắn bớt nỗi đau cho lão, nhưng mùi đồng quê khơi gợi và tiếng gà gáy mỗi sáng mai làm lão sực tỉnh. Lão trốn trại tìm về quê với "vợ con làng xóm", nhưng ác nghiệt thay, vết thương đỉnh đầu không để cho lão nhớ lâu, thế là lạc đường và cuộc hành trình tìm lại dĩ vãng của lão cứ bồng bềnh trôi dạt trong mênh mông trời đất...

Giờ đây khi tôi biết đích thực về quá khứ của lão thì đã muộn, người ta không còn tìm thấy bóng dáng khật khưỡng của người ăn mày chuyên đi tìm trẻ em để "sờ chim" ở thành phố nầy nữa.

Tin đồn rằng ông đã qua tỉnh khác, hoặc có thể trở lại cái làng cát quê hương tiếp tục kiếm tìm?! Riêng điều này có thực: Anh bạn cùng xã khác thôn với ông đã đưa vợ con lên Hà Nội ở và mới đây được phong quân hàm cấp tướng trước lúc hồi hưu.

Huế, 1990-1993
D. P. T.
(TCSH57/09&10-1993)

 

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Các bài đã đăng
Hang Gió (02/06/2022)
Chim hạc đen (01/06/2022)
Lưỡi dao (13/05/2022)
Khúc (19/04/2022)