Truyện ngắn
Gươm của rồng
14:46 | 13/10/2022

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.

Gươm của rồng
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Nghe vậy đám chúng tôi hãi lắm, chẳng dám đi một mình giữa trời gió cát. Ấy vậy mà hôm nay tôi một mình đi trên sông, tay cầm thanh gươm báu nạm ngọc đỏ, mặc những cơn gió mù mịt vây quanh. Khi tôi vào học lớp đệ nhị, Ái Tử trở thành sân bay của người Pháp. Và từ đó, người làng tôi thấy máy bay bà già, Dakota lâu lâu cất cánh. Câu chuyện mẹ kể tôi nhớ nằm lòng rằng họ đã bắn những người khởi nghĩa trên bến sông như thế nào, có bao nhiêu cái cột mà những nghĩa sĩ Ái Tử bị trói trong lần xử bắn tập thể máu nhuộm đỏ cát bờ sông ngày ấy. Thành ra tôi ghét cay ghét đắng những cỗ máy inh ỏi cất cánh từ sân bay, nhiều lần rủ đám bạn cùng lớp ném đá vào bót, suýt nữa bị lính Tây nổ súng.

Một tuần nữa, vua Bảo Đại sẽ ra Quảng Trị và học trò chúng tôi ăn mặc chỉnh tề đi đón vua. Thầy giáo dạy rằng Ái Tử vốn là Tiền Cung của triều Nguyễn, xưa chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lập Dinh Cát ở đây đầu tiên khi vào Nam trấn nhậm. Đến nay, hằng năm vua phải ra đất Tiền Cung nơi Tiên chúa Nguyễn Hoàng khởi nghiệp để cúng tế, tỏ lòng nhớ ơn tổ phụ mở cõi xứ Đàng Trong. Thanh gươm trong tay rung lên, mệt quá, tôi ngồi xuống đống cát. Một cơn gió mịt mù xô tới. Cảnh trí bày ra trước mắt và tôi thấy những dòng biên niên sử trên đất Ái Tử ngày nào.

*

Buổi ấy, trời đổ nắng, từng ngọn gió nóng nực chà rát lên triền sông đầy bóng cây dại. Gió hừng hực táp lên những cây cổ thụ già cỗi, dăm ba bụi mua tím và thảm xuyến chi nở trắng một vùng. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chau mày nhìn ra dòng sông xanh, rồi lại đi tới đi lui ra chiều suy nghĩ. Sóng nước Hãn Giang từng đêm vỗ vào giấc mơ đầy những lo toan. Phía trước công nghiệp chất cao như núi, nhiều gian khó, thử thách, đằng sau quê hương bến bờ ly biệt. Ngài nhớ xứ Thanh với những đêm trăng đi thuyền trên hồ uống trà, nhớ tiếng cầm ca vắt vẻo trên vọng lâu sau tiếng trống canh nhất não nề. Nhớ cha, nhớ anh Uông, nhớ chị Ngọc Bảo, nhớ mãi nhà đầm ấm thì ít, chia ly thì nhiều. Thời gian ngắn ngủi quá, đất trời thì rộng xiết bao. Rời đô thành để tìm đất mới dung thân trong thời tao loạn không phải là việc gì dễ dàng. Thuyền quân lặn lội trên sông, trong một buổi sáng trong trẻo đã hội quân tại đây. Dừng chân chốn này, đóng dinh trên một bãi cát trống trải bên bờ Hãn Giang như Thái phó Nguyễn Ư Dĩ hiến kế rằng thuận lợi cho việc phòng thủ và đi lại. Ngài đưa tách trà quan hầu dâng lên đã nguội lạnh. Giữa lúc suy nghĩ đang bộn bề, một thị vệ vào bẩm tấu có các bô lão làng Ái Tử vào yết kiến.

Đoan Quận công chỉnh lại trang phục bước ra sảnh lớn mới dựng xong. Các bô lão thấy chúa ra, lòng vui mừng khôn xiết, nhất tề khấu đầu bái tạ. Nguyễn Hoàng đỡ tay các bô lão. Một cụ lớn tuổi nhất, đại diện nói: “Xứ Thuận Quảng mấy năm nay binh biến liên miên, việc đồng áng nhiều khi ngưng trệ. Nước loạn. Dân khổ. Nay Ái Tử vinh dự đón quận công đến lập dinh cơ, ngõ mong có được đại nghiệp. Thật là phước đức của làng tộc chúng dân tôi”. Nguyễn Hoàng bất ngờ trước lời nói thậm tình của bô lão, dù chưa biết tương lai đại cục thế nào nhưng nghe lời thưa của dân sở tại cũng ấm lòng. Đoạn nhã nhặn nói: “Giang sơn nước Việt ta được các bậc đế vương gây dựng muôn công tích. Ta chỉ là kẻ hậu bối, cốt làm sao gắng hết sức mình để gìn giữ non sông ấy được trường tồn, giàu mạnh!”.

Bô lão cúi thưa: “Dân làng chúng tôi không có gì, kính dâng quận công 7 vò nước như là tấm lòng hiếu kính của chúng tôi đối với bề trên vậy. Mong quận công nhận cho”. Nguyễn Hoàng bất ngờ trước món quà của các vị bô lão làng Ái Tử, lòng băn khoăn không biết phải làm thế nào và cũng không hiểu ngụ ý của 7 vò nước kia là gì. Niềm cảm kích dâng lên, ngài truyền quan hầu bày mâm cơm mời các bô lão ở lại trước là để cảm tạ, sau tiện cho chúa hỏi việc nội trị trong xứ. Tối đến, Nguyễn Hoàng tìm gặp Nguyễn Ư Dĩ. Người đem chuyện ấy thuật lại, quan Thái phó vuốt râu cười bảo rằng: “Cháu mới đến trấm nhậm đất này mà được người dân dâng nước cho, ấy là điềm “được nước” vậy”. Nguyễn Hoàng mừng vui khôn xiết và xem đó như là một điềm đại cát trong hành trình vượt dãy Hoành Sơn gian khổ. Tay ngài lần xuống nắm thanh gươm báu của cha truyền lại cho anh em họ Nguyễn, thanh gươm rung rung trong tay, Nguyễn Hoàng chảy nước mắt, quyết chí xây dựng cơ đồ.

*

Đêm buông xuống dinh Ái Tử nặng sầu tê. Từng cơn gió từ mặt sông bủa vào mát rượi. Người nằm im, vẩn vơ nghĩ về những chuyện đã qua. Lòng chợt nhói khi nhớ ngày được báo tin Thái tể Nguyễn Kim bị Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất hạ độc thủ. Hung tin cha mất truyền đến phủ, khiến anh em Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng rụng rời chân tay. Lúc ấy, lửa hận căm lên trong lòng, chỉ chực nhảy lên ngựa truy bắt kẻ hại cha về trị tội. Nhưng Dương Chấp Nhất đã nhanh chân đã chạy sang hàng ngũ nhà Mạc đầu hàng trâng tráo. Hai anh em buồn bã đứng bên di hài của cha, bên cạnh thanh gươm nạm ngọc đỏ vẫn còn đó. Thanh gươm cha bảo sẽ truyền lại cho ai bình định được giang sơn, phò Lê diệt Mạc. Nguyễn Hoàng cung kính nhường thanh gươm lại cho anh trai Nguyễn Uông. Chừng vài tháng sau, Nguyễn Uông đột ngột chết một cách mờ ám. Nguyễn Hoàng đứng bên di hài anh, thanh gươm báu vẫn còn đó và bây giờ chỉ còn duy nhất một người sở hữu. Sao anh nỡ bỏ em? Ai đã thâm độc giết anh? Một câu hỏi đã có lời đáp. Nguyễn Hoàng hiểu sự tình, lòng ngậm ngùi cay đắng. Chàng trai trẻ cầm thanh gươm chỉa thẳng lên trời hùng hồn tuyên thệ: “Ta thề sẽ lấy được giang sơn!”.

Ngồi bên chị Ngọc Bảo, Nguyễn Hoàng xót  xa kể lại chuyện của anh. “Nếu em không đi khỏi đây, thể nào rồi cũng sẽ nằm dưới tay anh rể”. Ngọc Bảo khóc như mưa trước sự đã rồi: “Đã sinh vào nhà vương tướng thì sống theo đạo vương tướng. Đã thấy cửa tử cũng là mở được đường sinh. Họ Nguyễn ta chỉ còn chị và em, không nương dựa vào nhau không đành. Họ Trịnh lại là chồng chị, thôi thì chỉ còn có sách ấy mới vẹn toàn”. Nói xong, chị em lại nắm tay nhau sướt mướt, lòng dạ quặn thắt trước chuyện nhà tan nát và nỗi chính trị đầy thủ đoạn, đớn hèn.

Một ngày nọ, Ngọc Bảo liền vào phủ thưa với Thái sư Trịnh Kiểm: “Đứa em của tiện thiếp là Quận Đoan bỗng dưng phát chứng điên đến nỗi ngu mê. Em nó như thế thì không thể giúp việc chính sự trong triều. Thiếp bị người trong triều chê cười phải xấu hổ nhiều phen”. Trịnh Kiểm vẫn không rời mắt khỏi bản tấu sớ từ chiến trường phía bắc gửi vào. Người thứ phi tiếp lời: “Nay thiếp nghe nói hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa là chỗ rừng thiêng nước độc, dân man hung dữ, người ta đều chê không muốn đến. Cúi xin tôn ông nghĩ đến công cha tình thiếp, cho Quận Đoan em thiếp vào trấn thủ ở xứ ấy, làm bề tôi nơi phên giậu”. Trịnh Kiểm nghe vợ nói xong liền ngẩng mặt lên, vẻ hoài nghi nhìn Ngọc Bảo. Nàng nói như van lơn: “Mong tôn ông thương xót ưng thuận cho”. Thái sư ra bộ suy nghĩ, khó nhọc đáp với vợ rằng: “Đoan Quận công là một kẻ tuấn kiệt, là người trong nhà cả, làm sao nỡ để vào nơi ác địa ấy”. Ngọc Bảo thấy sự việc sợ không thành liền khẩn khoản van nài nhưng Trịnh Kiểm nhất mực không thay đổi. Một hôm, nhân Trịnh Kiểm mới đánh thắng quân Mạc, mở tiệc khao quân, lòng dạ đang phấn khởi, Ngọc Bảo liều mình vào thư phòng Thái sư, lại đem chuyện em ra nói. Trịnh Kiểm định thoái thác nhưng vị thứ phi ngài yêu mến cứ khóc mãi không thôi. Trịnh Kiểm mới nghĩ lại thấy xứ ấy có quân đồn trú của nhà Mạc khá mạnh, cứ cho Nguyễn Hoàng đến đó, mượn gió bẻ măng, kể như nhờ tay họ Mạc lấy mạng Nguyễn Hoàng, khỏi phải mang tiếng không biết dùng người vậy. Với Quận Đoan giết đi thì sợ mang thêm tội, mà để bên cạnh thì lại cứ phải lo lắng cũng mệt mỏi không kém. Thôi thì cứ y như vậy. Trịnh Kiểm có vẻ đắc ý với kế hoạch này nên gật đầu chấp thuận. Ngọc Bảo mừng vui khôn tả. Đêm ấy, Ngọc Bảo nằm lại bên Thái sư hàn thuyên nhiều chuyện, tình nghĩa vợ chồng như được thắp lửa. Chuyện nhà sắp xếp như vậy đã ổn. Nguyễn Hoàng nhờ chị đã mở được cửa sinh, ân tình chị em thật không thể nghĩ bàn.

Đêm nay, nhớ đến người chị xa cách nghìn trùng, Nguyễn Hoàng trằn trọc mãi không ngủ được. Ngài liền trở dậy, bước chậm đến gian giữa, với tay lấy thanh gươm báu của họ Nguyễn. Thanh gươm nạm ngọc đỏ sáng lên trong đêm tối. Tuốt vỏ gươm ra, một thứ ánh sáng huyền ảo soi sáng cả một góc phòng. Ngài bất giác kêu lên. Cha ơi! Anh ơi!

*

Tiếng gọi từ xa xăm của mấy trăm năm trước đánh thức tôi dậy. Trời từ lâu lặng gió. Màu cát hoai hoải đã ngủ yên. Một vài con ong đất cần mẫn chích mật những bông cỏ trai cuối ngày. Nắng bắt đầu nhạt đi, thay vào đó là màu vàng của tơ non rải rác buông xuống ruộng đồng hãy còn khô khát. Nghe đâu đó trong thinh không giọng ai hò lay động mặt sông. Thanh gươm vẫn còn trong tay, im lìm sắc đỏ. Tôi bật dậy tìm đường về nhà. Sớm hôm sau, cha chèo đò rủ tôi đi bủa lưới. Tôi kể chuyện mình chứng kiến những cảnh tượng về chúa Tiên, về sự ly kỳ của thanh gươm báu. Cha lặng yên nghe tôi kể không bỏ sót một chi tiết nào. Kể xong, tôi nhảy ra mũi đò, định bụng rút thanh gươm ra cho cha xem. Cha nhíu mày. Kia vầng dương hồng đã nhô lên từ phía đông, kéo theo từng tiếng gà gáy sáng. Cha con bất giác thấy một đoàn thuyền cờ xí rợp trời, trống giục, chiêng khua giữa màn sương mù lớp lớp trên mặt sông. Chúng tôi ù tai, mờ mắt giữa làn hư ảo.

Đó là đoàn quân theo chân Đoan Quận công Nguyễn Hoàng gồm tùy tùng và những dân binh đa số là đồng hương ở Tống Sơn và các lính nghĩa dũng xứ Thanh Hóa, Nghệ An. Họ đem theo cả gia đình với ý định ra đi tìm cơ hội mới nơi vùng đất hứa xa lạ. Đoàn chiến thuyền chở đầy lương thực giương buồm ra khơi để xuôi nam vào ngày 10 tháng 10 năm 1558. Sau ba ngày giong ruổi trên biển Ðông, nhờ thuận buồm xuôi gió, họ đã vào Cửa Việt, ngược dòng Hãn Giang để về neo trú Ái Tử làng tôi. Đoan Quận công đứng ở mũi thuyền, tay nắm đốc gươm, mắt không rời những bến bãi đôi bờ trù mật. Quan Thái phó đứng bên vuốt râu nói: “Riêng một giang sơn. Quả đúng như lời sấm của Trạng Trình. Chim cũng đã sổ lồng. Từ nay, cõi này sẽ trông cậy vào tài đức Đoan Quận công để thu phục nhân tâm, xây cơ dựng nghiệp muôn đời như cố phụ từng mơ ước”. Đoan Quận công gật đầu, giơ thanh gươm báu lên trước ba quân. Tiếng hò reo vang dội bốn bề.

Quả đúng như lời quan Thái phó, dân làng tôi đã dâng tấm lòng thành của mình qua 7 vò nước, một mực tận tụy với minh chúa buổi đầu mở nghiệp. Trong sự cai trị của mình, ngài vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nên nhân dân mến phục, hết lòng phò trợ. Cha tôi nói rằng, nhà chúa cho lập 5 đại binh đóng ở 5 làng chung quanh là Trung kiên, Tiền kiên, Hậu kiên, Tả kiên, Hữu kiên. Cho đến ngày nay, những ngôi làng vẫn mang tên do Chúa Tiên đặt như minh chứng cho bề dày lịch sử của một vùng đất. Bạn bè tôi ở 5 làng ấy, sau này có những người chí cốt, thâm giao, cùng nhau đi qua những năm tháng đầy biến động của thế kỷ XX giông bão.

*

Tôi được nghe kể nhiều về loài rồng, một giống loài mạnh mẽ vô song, biểu tượng linh thiêng của vương quyền. Tương truyền nó ở trên trời và trong lòng biển. Rồng được họa ở cả trên áo bào của vua, trên những cái vạc khổng lồ. Vậy mà chưa bao giờ thấy được một con rồng thật, có thể sờ thấy được. Nhưng khi cầm thanh gươm nhà chúa trên tay, cảm giác như đã chạm vào những lớp vẩy của nó. Cha nói con cá chép vượt vũ môn thì thành rồng. Xưa ở làng Ái Tử, có con cá chép to nhất sông, phải lưới mấy chục thuyền chài quành lại mới bắt được nó. Loài chép ấy sẽ vượt vũ môn, sẽ thành rồng. Tin chúa đến lập dinh Cát, cá chép được thả và chắc là đã hóa rồng đâu đó. Có thể cha đã nói điều gì đó huyễn thực nhưng tôi vẫn cảm giác đó là một sự thật. Cả điển tích thiêng liêng lẫn câu chuyện lịch sử khiến hai từ Ái Tử gieo vào lòng tôi sự đồng vọng thao thiết. Rồng là gì hở cha? Tôi buộc miệng hỏi. Con sẽ thấy sức mạnh của rồng khi cha kể chuyện dưới đây.

Chuyện vào năm 1572, họ Mạc lợi dụng thời cơ nhà chúa Trịnh ở Đàng Ngoài rối loạn liền đem quân vây đánh Thanh Hóa. Mặt khác, vua Mạc sai tướng Mạc Lập Bạo đem 60 chiến thuyền vào đóng tại làng Hồ Xá, Lạng Uyển chuẩn bị tiến đánh Nguyễn Hoàng chiếm đất Thuận Quảng. Trước thế lực mạnh của quân nhà Mạc, Đoan Quận công vô cùng lo lắng. Một buổi chiều muộn phiền, ngài thơ thẩn dọc bờ sông Hãn Giang, thả ý nghĩ bay cùng những đám mây hình thuyền lên bầu trời. Đoạn sai binh lính bày hương án trước sông, khấn thần linh phò trợ. Đêm đó, Đoan Quận công nằm mơ thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm chiếc quạt thẻ đến thưa rằng: “Tướng quân muốn diệt trừ ngụy đảng cần lập kế dụ chúng đến bãi cát ven sông, thiếp sẽ giúp sức trừ được, khỏi phải phiền nhiễu đến dân trong miền”. Nói xong, người trong mộng buông tay áo ra đi. Nguyễn Hoàng tỉnh dậy, trong lòng thầm vui liền đi kể chuyện nằm mộng cho Thái phó nghe. “Chiêm bao thấy người đàn bà bảo ta phải lập kế dụ địch, như vậy ắt phải dùng kế mỹ nhân”, Thái phó nói. “Con đã vững vàng lên nhiều rồi. Chi bằng tìm trong đám cung nữ của dinh Cát để mưu sự lớn”. Lúc bấy giờ, Đoan Quận công có một nàng hầu xinh đẹp, tên là Ngô Thị Lâm, một người nổi tiếng gan dạ, mưu trí, ứng đối trôi chảy, nhan sắc nguyệt mờ hoa thẹn. Đoan Quận công mới gọi nàng Lâm đến giao nhiệm vụ đầy gian nguy. Nghe lệnh chúa, nàng Lâm sụp lạy kêu khóc, xin nhận tội chết chứ không thể làm ô uế thân mình, bất kính với Đoan Quận công. Chúa vừa đau xót vừa kính phục người tiết phụ, tìm lời an ủi: “Ta hiểu rõ lòng nàng. Lời của nàng thật đúng với phẩm hạnh cao quý. Nhưng nay vì sự nghiệp quốc gia đại sự, nếu nàng không xả thân thì không thể phá được giặc”. Nàng Lâm nước mắt tràn mi, lạy biệt chúa thượng. Hôm sau, mang lễ vật vàng bạc, kỳ nam đến doanh trại địch, cành dương ngả theo bóng dương khiến cho Quận Lập như lạc chốn đào nguyên. Nàng ca hát thả lời mê mị, Quận Lập đắm say buông cung rời kiếm, lặn ngụp trong chốn khuê phòng. Bấy giờ nàng Lâm mới mở lời: “Hay là Minh công và bản quan của thiếp kết tình hòa hiếu. Minh công làm huynh trưởng, bản quan của thiếp làm nghĩa đệ, chung sức đồng lòng, tránh khỏi hiềm thù đánh giết lẫn nhau gây đau thương cho trăm họ”. Chiều ý người đẹp, Quận Lập bằng lòng. Hạ tuần tháng mười năm ấy, nàng Lâm đưa Quận Lập đến miếu tranh làm lễ thề. Thấy quân binh của Chúa Tiên không bao nhiêu, phần nhiều lại có vẻ già yếu, Quận Lập chủ quan không đề phòng, chỉ dùng một chiếc đò nhỏ cùng với 30 lính thân hành đến chỗ hội thề. Khi Quận Lập đã vào trận địa mai phục, các dũng sĩ nhà chúa đội cát vùng dậy, tấn công vào quân Mạc. Quận Lập hồn xiêu phách lạc, định co giò tháo chạy nhưng không thoát khỏi lưỡi gươm họ Nguyễn. Sau chiến thắng, Nguyễn Hoàng cư xử rất nhân đạo đối với tàn binh nhà Mạc, cho họ đất Cồn Tiên để lập nghiệp, cấp phương tiện làm ăn. Những hàng binh sau này đã lập miếu thờ Chúa Tiên để tỏ lòng nhớ ơn. Chúa vẫn duy trì nền chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quan dân thân yên tín phục, cảm nhân mến đức. Trong xứ, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Chính rồng là như vậy đó.

*

Tôi chợt nghĩ có những điều chính ta chưa từng trải qua, nhưng tấm mệnh của vùng đất tự thân đã khắc tín cho những hoài cảm được khơi nguồn. Tôi chau mặt nhìn dòng nước lững lờ, cành rong gợn đáy, thuyền lá tre vàng trôi ngẩn ngơ vô định như chúng tôi đang lạc trong dòng lịch đại chưa tỏ hồi kết. Ngày vua Bảo Đại thân chinh ra làm lễ tế cáo tiên vương ở Tiền Cung Ái Tử rồi cũng đến. Tôi hỏi cha việc đem thanh gươm nạm ngọc đỏ theo để dâng lên đức vua. Dù gì thanh gươm báu là của tiền nhân, không phải của mình. Cha bảo hay là ta sang làng Trà Liên hỏi quan Thái phó xem sao. Nói rồi cha con tôi xách một giỏ bông ba, hương đèn cuốc bộ sang Trà Liên. Cha xin vị thủ từ của đình vào thắp hương, cúng lễ cho quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, người được dân làng phụng thờ trang nghiêm. Tôi ngước nhìn bức tượng đồng quan Thái phó trên đài cao với gương mặt chữ điền, mũi cao, cằm vuông, râu dài, tai to. Ngài đội mũ quan hai lớp, chân đi hia để lộ phần mũi. Toàn thân được khoác tấm áo choàng rộng phủ từ vai xuống, vắt trên hai chân. Cả bức tượng toát lên thần thái uy nghi, đĩnh đạc. Tôi ngỡ mình đang đối diện với ngài, người cậu, người quân sư thao lược đã góp phần củng cố vương cuộc cho Chúa Tiên. Cha gieo đồng âm dương xin ý ngài. Việc thuận.

Sớm hôm sau, tôi ăn vận áo dài, theo các bạn đồng môn xếp hàng ngay ngắn đón vua. Một đoàn xe rước trang trí hoa hòe hết sức lộng lẫy. Quan lại Nam triều tùy theo phẩm trực trước sau một đoàn đi theo xe vua. Tiếng chuông, tiếng khánh đồng vang khắp chốn. Dân làng Ái Tử đã bày hương án, trầm thơm xông nghi ngút đón xa giá. Quân Pháp đóng tại lỵ sở Quảng Trị, tòa Khâm cũng phái một quan hai với một trung đội lính Lê dương tham dự. Dáng bộ đám người Pháp ngạo mạn khinh khỉnh những kiểu lễ nghi Nam triều. Chúng tôi đứng hai bên đường, vòng tay cung kính đón đoàn rước. Nghe đâu thời cụ kỵ nhà tôi, mỗi lần vua ra, hai bên đường dân chúng đều cúi rạp mình xuống, tuyệt không được nhìn long nhan, trái lệ mất đầu. Bây giờ, vị vua Tây học Bảo Đại có vẻ xuề xòa chuyện đó, an phận của một ông vua bù nhìn. Khi việc tế tự đã thực hiện xong, vua quan đang ngơi nghỉ, tôi liền bước ra giữa chiếu cúi đầu khấu việc về thanh gươm nạm ngọc. Cha tôi được lệnh mang thanh gươm đến cho vua tôi được xem.

Vua Bảo Đại, đám quan lại và người Pháp nhìn cha con tôi nghi ngờ. Tôi gỡ tấm vải điều bọc thanh gươm báu dâng lên vua, đồng thời kể về những chuyện tôi chứng kiến. Một vị quan lớn tuổi, vẻ hiểu biết xin phép vua cầm thanh gươm lên xem xét. “Quả thật, trong sử sách nhà Nguyễn chúng ta cũng có chép về thanh gươm báu của Chúa Tiên nhưng chỉ loáng thoáng và cũng chẳng biết nó thất truyền từ lúc nào trong thời chiến loạn liên miên”, vị quan già nói. Tôi kể về sự rung giật của thanh gươm và những ảo ảnh quá khứ xuất hiện. Nhiều người không khỏi bưng miệng cười chuyện nhảm nhí. Riêng tay quan hai người Pháp cười to nhất, như thể đám người ngồi đây chỉ để cho thằng con nít xỏ mũi. Nhà vua có vẻ mệt mỏi bày tỏ cảm ơn cha con tôi và sẽ nhận lấy thanh gươm báu mang về hoàng cung, hứa sẽ thưởng cho chúng tôi.

Thanh gươm bấy giờ nằm trên án chợt rung rung. Vua quan nhìn nhau không hiểu chuyện gì. Tôi như nhìn thấy thanh gươm dựng đứng lên như có ai nắm, vỏ gươm rời ra. Và rồi lưỡi gươm nạm ngọc đỏ bay vào kinh đô, đi khắp nước Nam đánh dẹp quân cướp nước ra khỏi bờ cõi. Lưỡi gươm ấy cũng không bỏ sót những kẻ bán nước cầu vinh, đớn hèn nô lệ. Tôi chỉ là đang tưởng tượng và chuyện ấy có thể không xảy ra, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng vào hôm đó bóng rồng đã hiện trên đám mây ngũ sắc, với những móng vuốt, những chiếc vảy lấp lánh hoàng kim. Tôi ngước lên trên bầu trời để nhìn cho rõ, thật rõ hình dáng Chúa Tiên cưỡi rồng bay về hướng nam. Một điều gì đó đã mở ra, về tương lai rạng rỡ của xứ sở này trước hồi chuông lịch sử. Gió đã nổi lên, cuốn những cuộn cát xoáy mù mịt khắp đàn tế như muôn nghìn linh hồn cha ông tề tựu về đây, nói lên tiếng nói thao thiết của giang sơn này.

L.V.T.G
(TCSH46SDB/09-2022)

 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Mê cung (12/01/2024)
Các bài đã đăng
Con riêng (26/09/2022)
Tàn sen (15/08/2022)
Bơi đêm (05/08/2022)