Truyện ngắn
Nhà nội…
09:39 | 15/11/2022

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

- Thôi, hai bà cháu về đi không mưa ướt hết!

Nhà nội…
Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG

Bà tôi cúi xuống cõng tôi quay ngoắc người lại. Một tay xốc tôi lên lưng cho chắc, tay kia đưa cao cái nón cũ ra sau che mưa cho cả hai bà cháu. Còn tôi thì cố ngoảnh lại nhìn theo bóng mẹ ngồi trên xe máy càng lúc càng xa về phía ngã ba đường làng, nơi bóng tre già đang nhạt nhòa trong mưa.

Năm ấy tôi vừa rời trường mẫu giáo. Và đó là những gì tôi còn nhớ được về mẹ. Bởi sau hôm đó, mẹ chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại về nói chuyện  với  tôi.  Bà tôi đưa đón tôi đi học, nâng đỡ và chăm bẵm đứa cháu trai mơiù  tí tuổi đầu đã vắng bóng mẹ. Tôi lẽo đẽo quẩn quanh chân bà, trừ khi ở lớp. Có hôm tan học, tôi được ba đến trường đón về sớm. Biết bà đi chặt củi, tôi ra sân ngồi bắt mặt ngó về phía Trọ. Bọn con nít chúng tôi vẫn gọi tắt như thế, lẽ ra phải gọi đầy đủ theo cách của người làng là Trọ Ôông Voi (mà lúc đó tôi không thấy rõ hình thù cái đầu voi chút nào, ngoài những lùm bụi xanh um nhô lên phía xa xa). Cho đến khi thấy bà tôi xuất hiện theo con đường đất từ phía Trọ, càng lúc càng rõ với hai bó củi lớn trên đầu triêng, tôi mới vui mừng mau chân chạy tới đón bà. Nghiêng vai đặt gánh củi xuống, bà quệt mồ hôi trên mặt bằng tay áo rồi ngồi thụp xuống ôm lấy tôi:

- Hôm nay cu Hên đi học có vui không?

Tôi áp đầu vào vai bà, nghe hơi nóng từ vai áo nâu ướt bết mồ hôi thấm trên má mình. Rồi tôi vừa đi vừa chạy theo sau gánh củi của bà, huyên thuyên đủ thứ chuyện. Sau đó ít lâu bà không lên Trọ chặt củi nữa. Một phần vì trên ấy người ta quy hoạch các khu đất trồng, không ai được tự ý vào chặt cây lấy củi, một phần vì người làng đã bắt đầu dùng bếp ga. Một lần bà gọi anh Kỳ chở ga đến thay, bảo tôi trông nhà để bà đi chợ. Làm xong, anh Kỳ xách bình ga cũ đi ra. Thấy tôi ngồi rầu rầu chờ bà trước hiên, anh véo nhẹ vào má tôi, cười cười:

- Lại trôông mệ mua quà về chơ chi? Sướng chơ rợ! Hiếm gặp bánh đúc có xương như mệ lắm đó!

- Là răng anh?

- Thì anh nói mệ thằng Hên là mệ ghẻ đó!

Tôi đợi bà về hỏi cho rõ. Bà nội tôi mất khi o Mai mới được hơn một tuổi. Hai năm sau thì bà về với ông, nuôi nấng ba tôi và o Mai khôn lớn. Biết vậy rồi nhưng thằng cu bé bảy tuổi như tôi thấy cũng chả có gì phải nghĩ ngợi...

Tôi lên Cự Nẫm học trường cấp ba, ở lại nhà o Mai, dù trường chỉ cách làng hơn mười cây số. Dượng Bình rất quý vợ và tôi được hưởng lây nhiều ưu ái từ dượng. Cuối tuần đạp xe về nhà, thi thoảng tôi mới ngồi ăn mâm cơm có đủ ông bà nội và ba tôi. Lúc đó ông đã về hưu, còn ba tôi thì bỏ việc nhà nước về mở một trang trại nhỏ, suốt ngày ở ngoài đó, có bữa không về ăn cơm. Hai người đàn ông đều ít nói, chỉ có bà là xoăn xuýt hỏi han. Dù gia đình o dượng không khó khăn gì và dĩ nhiên tôi cũng được ăn uống đầy đủ, nhưng bà vẫn luôn thấy cần phải săn sóc thằng cháu đích tôn giờ đã đứng cao hơn bà cả gang tay. Có lần bà vuốt tóc tôi, sờ nắn từ vai xuống tay rồi ấn tôi ngồi xuống trước đĩa xôi nóng thơm mùi nếp mới và cái đùi vịt kho măng đã mềm rục. Đó là lần ông cố từ hôm trước, bà để phần món ngon tôi thích và hâm đi hâm lại mấy lần chờ tôi về. Bà ngồi đối diện, nhìn tôi ăn rồi lại đứng dậy đi lấy thêm trái ớt. Ngồi chưa yên chỗ lại nhỏm dậy tìm chén nước mắm. Ánh mắt bà chỉ vui lên khi nghe tôi  khen ngon. Hai  bà cháu cười nói suốt buổi. Cho đến khi mẹ tôi, sau nhiều năm không về nhà, đã xuất hiện lúc chiều muộn. Dù không khí gia đình vốn chẳng mấy khi rộn ràng, nhưng sự có mặt đột ngột của mẹ khiến mọi thứ trở nên trầm lắng hẳn. Và rất nặng nề. Cơ mặt của ba tôi dường như căng cứng sau khi nghe người đó chỉ cất tiếng chào ông bà tôi, rồi liếc nhìn về phía người trên danh nghĩa vẫn là chồng:

- Con có lỗi khi đã không đến để lo hào soạn cho ngày giỗ cụ. Xin cả nhà thông cảm cho con, hôm đó nhà có đông đủ người... Con ngại.

Ba tôi nói, nhưng lại hất mặt nhìn ra sân:

- Lẽ ra đó là dịp đáng để cô đến để thẳng mặt thẳng lời. Nhưng thôi! Có gì thì nói luôn một thể đi!

Điều mẹ tôi “nói luôn một thể” đã không làm mọi người bất ngờ. Nó rơi thỏm vào im lặng.

Ông tôi đứng dậy cầm theo cái kính lão bước chậm vào phòng, dáng đi chúi về phía trước như chực đổ xuống. Bà tôi cũng bưng khay trà vào theo. Tôi cảm thấy ngột thở, như thể có cái gì đó đang bóp chặt lồng ngực. Thà cứ như nhiều năm qua, người đàn bà ấy thỉnh thoảng gặp tôi qua điện thoại, tặng cho tôi những mỹ từ về tình mẫu tử. Đôi khi những lời thương yêu ấy được minh họa bằng một vài món quà. Tôi đã quen không cho phép mình đòi hỏi, và đã vơi dần những khao khát về một sự sum họp, dù chỉ trong giấc mơ. Nhưng tôi chưa bao giờ mong có ngày này. Ba tôi đã vùi cả thanh xuân vào nắng mưa nhọc nhằn ở cái trang trại chon von dưới chân đồi xa kia. Nhiều năm rồi chưa bước ra khỏi làng. Mọi thứ xung quanh đang đổi thay từng ngày nhưng tôi biết ba tôi vẫn còn nguyên mong đợi. Vậy mà không hề có bất kỳ một tín hiệu vui nào. Và hôm nay thì đã vỡ tràn những nín nhịn. Mẹ tôi bảo công việc bên ấy cũng chưa ổn định, không đưa tôi đi theo được. Việc duy nhất bà ấy làm được là gửi tiền, theo quy định thì đến năm tôi mười tám tuổi. Tôi nghe ngụm nước cứ lúng búng trong mồm mãi không nuốt xuống được; năm nay tôi sắp hết bậc phổ thông.

Chỉ vài hôm sau tôi lại chăm vào các lớp học thêm, các bài kiểm tra, ít suy nghĩ về chuyện vừa xảy ra. Nói đúng hơn thì nó đã xảy ra từ lâu. Hôm ấy chỉ là xác định lại cho rõ ràng mối quan hệ dùng dằng lâu nay, chấm dứt những ngộ nhận và những hy vọng. O Mai thỉnh thoảng ghé vào phòng tôi, vờ như thu vén dọn dẹp vài thứ vớ vẩn. Tôi không quay lại, sợ bắt gặp một ánh mắt thương cảm, hay phải nghe một tiếng thở dài dù cố nén thật nhẹ. Những ngày cuối tuần, tôi đạp xe về đến nhà đã thấy bà tôi dọn lên bàn nhiều món ngon. Đã khác trước, giờ đây ba tôi không vắng mặt một bữa ăn nào. Có khi còn vào bếp phụ với bà, không cười nhưng ánh mắt vui hơn. Như kẻ lữ hành, khi biết mình chắc chắn sẽ đơn độc thì tuy không rút ngắn được con đường nhưng bước chân đã có phần mạnh mẽ quả quyết hơn. Lúc chỉ có hai cha con, ba vui miệng kể cho tôi nghe chuyện nhiều ngày trước đó. Bà tôi đã vào trang trại nấu nướng rồi ở lại chăm trại gà hoặc chăn dê đến chiều, rồi lại tất tả đạp xe ra nhà lo bữa tối cho ông. “Mạ sợ bây bỏ bữa, bệnh tới thì tội cho thằng Hên! Tâm bệnh khổ hơn thân bệnh con ơi!” Bởi sợ bà không kham nổi nhọc nhằn, ba tôi phải về ăn cơm thường xuyên. Bằng cách riêng của mình, bà đã khiến ba tôi quên đi những chuyện đã qua, hay giả vờ quên cho yên lòng bà, người đã chọn gia đình chúng tôi để neo đậu cho một thanh xuân đứt gãy của mình. Người phụ nữ ấy đã qua một lần đò, ngắn ngủi và chênh chao. Đám cưới đã rất đơn sơ chóng vánh trong những ngày chiến tranh khốc liệt, bên chồng gọi là “để có chút tương lai” cho người ra trận. Nhưng chiến tranh đã qua đi, ngày xóm làng đây đó có nơi hân hoan đón người về, căn nhà ấy vẫn quạnh quẽ. Người đi đã nằm xuống ở một cánh rừng hay đáy sông nào đó, tương lai với người ở nhà chỉ còn là khoảng trống trải khi năm tháng đang rất dài phía trước. Danh giá của người vợ liệt sĩ đã khiến bà tôi vò võ đi về, chưa đủ những hoài niệm đẹp để nhớ, nhưng đành khép cửa mặc cho những mùa xuân cứ thản nhiên đi qua bên ngoài. Người thân, và cả gia đình chồng đều thương cảm và bỏ ngoài tai mọi bàn ra tán vào của những kẻ ác miệng, đã mai mối cho ông tôi, lúc đó còn phải lúng túng vất vả đi gửi ba tôi và o Mai trong những ngày công tác xa. Ông tôi như vậy đã ổn định được chuyện nhà nhờ vào người phụ nữ vui vẻ, lành tính và đảm đang này. Công việc của ông có triển vọng thăng tiến nếu được đào tạo thêm. Cơ hội đến khi ông được một suất đi học ở Liên Xô cũ. Bà tôi trồng rau nuôi gà để chằm vá một nách hai đứa con chồng trong những ngày gạo cơm thiếu đói khắp nơi. Trong mấy năm đó, ông tôi cũng tập tành gom hàng để mua bán theo những chuyến đi và về. Nhưng vì không có kinh nghiệm và lại tin người, ông chẳng giúp được gì cho bà. Và lần về cuối cùng, ông đã mất sạch cả vốn lẫn lời vào tay một ả dân phe chuyên nghiệp ở đâu tận ngoài kia. Bà tôi cũng chẳng trách mắng phiền hà, lại còn cười, cho rằng ông tôi về đến nơi còn lành lặn nguyên vẹn là tốt rồi. Đến lúc ba tôi và o Mai đã lên bậc trung học, bà cũng đỡ bận bịu hơn. Những năm đó, người làng có thêm công ăn việc làm khi các dịch vụ du lịch đang hình thành và phát triển. Ông tôi nhờ vào các chỗ quen biết xin cho bà được chân nấu bếp của một nhà hàng. Nhưng được vài tháng thì một hôm bà về nhà giữa buổi làm và nhất quyết không trở lại nữa. “Thấy người Tây nhiều quá sinh hoảng, bỏ chạy không kịp lấy túi xách về”. Bà giải thích với ông tôi sau đó như vậy. Ông thương bà chịu khó, quý bà thật thà. Và ông mang ơn bà. Ngoài công việc, nhà là nơi ông thấy dễ chịu và yên ổn. Nhưng sẽ yên ổn thật sự nếu không thấy ông ngồi hút thuốc một mình sau mỗi chiều muộn. Im lặng. Đơn độc. Ông hoàn toàn chìm lắng trong một không gian hoài niệm mà có thể không chỉ dành cho bà nội đã khuất...

Ba tôi học xong và có việc làm, bà vui một. Khi ba đưa mẹ về ra mắt, bà vui mười. Tôi chào đời trong những ngày mọi thứ đã tốt hơn lên nhiều. Khi không còn bị thiếu hụt những nhu cầu, người ta bắt đầu nghĩ đến những tiện nghi hoàn hảo hơn. Mảnh đất khô cháy gió Lào mùa nắng và bão lũ dồn dập mùa mưa không đủ nuôi dưỡng những khát khao đó. Sinh viên học xong đi xin việc còn khó hơn hái sao trên trời. Làng bên kia lần lượt tiếp nhau những người vay tiền xin đi lao động xuất khẩu. Cày bừa vài năm là trả được nợ, rồi tích cóp gửi về xây nhà đẹp, mua xe sang. Đứng trên cầu Lý Hòa nhìn qua là thấy lô nhô những mái nhà cao tầng đỏ chót, san sát dọc theo bờ sông, rực rỡ và hào nhoáng. Cơn gió lớn xuất khẩu lao động đó chỉ lan nhẹ sang làng tôi. Số người chọn con đường tha phương viễn  xứ tuy không nhiều, nhưng trong đó có mẹ tôi. Vậy là bà tôi lại tận tụy với hai cha con tôi, như muốn san sẻ bớt cho chúng tôi những trống vắng gieo neo. Một lần tôi tình cờ đọc gần hết cuốn sổ tay trên đầu giường bà. Cũng không có gì riêng tư ngoài những ghi chép về các mốc thời gian ba tôi và o Mai đau ốm đi bệnh viện, đi học, đi thi, những ngày giỗ chạp... kèm các khoản tiền hoặc vật dụng cần phải chuẩn bị. Chỉ có dòng cuối là ghi ngày tháng, được gạch chân nhưng không chú thích sự kiện gì. Rồi trang giấy bỏ trống. Có lẽ lúc đó bà tôi đã dùng ghi chú ở điện thoại nên không cần ghi sổ nữa...

Tôi vào đại học, sẽ phải xa nhà. Con số khoảng cách về địa lý và thời gian khiến bà tôi tuy vui mừng nhưng vẫn có nhiều nghĩ ngợi. Với ông tôi và ba tôi, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng bà thì lại khác. Gặp bà con, láng giềng hoặc đi chợ có ai hỏi thăm thì bà đều hân hoan chia sẻ. Cứ như chính bà là tân sinh viên đang chuẩn bị vào trường. Một buổi tối, bà kéo tôi vào phòng, vui vẻ:

- Mệ mừng thằng Hên vô đại học một thứ ni!

Tôi ôm cổ bà, không còn mùi vai áo đẫm mồ hôi như ngày nào gánh củi từ Trọ về, mà là mùi bồ kết thoảng hương lá chanh từ tóc bà mới gội, đâu như lúc chiều. Tôi thì thầm vào tai bà:

- Sắp đi học xa rồi, con không được về nhà mỗi tuần rồi. Mệ phải giữ gìn sức khỏe, không làm việc chi nặng nhọc nữa nghe!

- Thằng cha bây! Mệ đã tra yếu chi mô mà lo rứa! Mệ còn đợi có chắt nội bưng cơm rót nước thì mới chịu tra.

Tôi nhìn rõ bà đang cười tươi dưới ánh đèn. Lâu nay tôi không hề nhận ra người phụ nữ này vẫn còn trẻ hơn tuổi và đẹp dịu dàng sau bao nhiêu năm tháng vất vả như vậy. Nếu trang điểm và ăn mặc như các bà hiện đại thì chắc chắn cũng rạng ngời đâu kém. Bà tôi có vẻ như sắp nói điều gì, không để ý đến cái nhìn đang ngây ra của thằng cháu đích tôn cưng quý:

- Mệ biết ba mi không thiếu, nhưng đây là tấm lòng của mệ. Cha con bây ưa kiểu chi thì tùy đó mà sắm.

Tôi nhìn gói giấy trên tay bà chưa kịp hỏi thì bà đã kéo tôi vào lòng:

- Vô trong đó, cũng nên có chiếc xe máy tử tế mà đi học cho đúng giờ.

Tôi nghe nghẹn thắt phía ngực trái. Nước mắt ầng ậng, tôi cầm tay bà mãi lâu mới nói được:

- Mệ ơi, mệ để lại mà lo ăn uống thuốc men, còn khi hơi gió trở trời nữa...

Bà cười to, cong mấy ngón tay gõ nhẹ lên đầu tôi:

- Coi tề! Răng mi cứ coi như mệ tra rứa rợ? Ở nhà có ôông với ba mi lo cho rồi. Mấy thứ trong hộp là của cưới ngày trước ôông sắm. Còn tiền là để phụ thêm cho đủ, chơ mệ thì biết chi giá cả xe với cộ!

Tôi vào Huế. Bốn năm học chỉ về nhà vào dịp tết, và hè mỗi năm cũng không ở lại lâu. Chỉ có mùa hè năm kia, thanh niên xã tôi đá bóng với xã bên, bà hăng hái đi cổ vũ cho đội nhà vì trong đó có tôi giữ chân thủ môn. Lại còn hào phóng đèo thêm mấy thùng nước khoáng và nước ngọt. Nhưng trận bóng đang quyết liệt thì bà bị quả bóng hung hãn của ai đó vô tình đập vào mặt, vêu cả miệng và gãy luôn hai cái răng cửa, khi nụ cười chưa khép và hai tay còn đưa lên hào hứng trong đám đông la hò vang dội. Lần đó tôi ở lại nhà lâu hơn, đến khi bà lành lặn và hai cái răng đã được bọc sứ đẹp đẽ mới trở vào. Dù vậy bà vẫn có thêm thói quen đưa tay che miệng mỗi khi cười.

Lễ tốt nghiệp tôi muốn ba tôi đưa bà vào dự, được chụp tấm ảnh tân khoa có đủ ông bà bên cạnh. Ông tôi bảo mệt không đi theo, cho nên vào dự lễ xong là bà đòi về ngay, không ở lại đi thăm các chùa cổ và danh thắng ở đây như đã từng mong muốn. Chương trình ăn mừng tôi ra trường được bà sắp xếp khá chu đáo. Ông tôi không có ý kiến gì, nhưng vẻ mặt vui hơn thường ngày. Tiệc mừng đông đủ bà con và bà tôi hởi lòng hởi dạ khi mọi người không tiếc lời khen ngợi tôi. Chiều hôm đó bà đã dọn rửa kỳ cọ từ chén bát đến bàn ghế nhà cửa thật sạch sẽ, gần khuya mới đi nằm.

Sớm ngày, ông tôi dậy soi gương cạo râu rồi săm soi bộ quần áo khá bảnh. Ông hí hửng khoe có mấy ông bạn già mời cà phê mừng cháu nội ông ra trường. Chưa lúc nào tôi thấy vẻ hân hoan lộ rõ trên nét mặt người ông vốn tư lự ít nói như lúc này. Ông vừa đi chừng mười phút thì bà tôi đã ngoắc gọi tôi ra sân:

- Hôm ni qua bên Lý Hòa, mệ cháu mình ăn sáng một bữa cho thiệt ngon!

Nghĩ rằng dư âm niềm vui hôm qua đang còn nên bà cao hứng mời đi ăn xa, tôi dắt xe ra chở bà đi. Giờ này chợ đã khá đông, nhất là những sạp hàng ăn uống. Bà gọi hai tô bún nhưng chỉ ăn qua quýt rồi nhìn tôi ăn. Có vẻ như bữa tiệc chiều qua còn làm cho bà thấy ngán. Đến khi tôi đứng dậy ra quày xe lại thì bà bảo tôi đi tiếp, bà có việc ở phía ngoài đó. Tôi chạy xe theo con đường có nhiều ngôi nhà đẹp ngời ngời tiếp nối nhau. Người ta bảo làng này giàu nhất huyện cũng không sai chút nào. Ra khỏi hết khu nhà cửa san sát đã lâu, bà mới bảo tôi dừng lại, ngồi ở một quán nước đợi bà. Không chờ tôi đáp, bà đã quày quả đi tiếp. Bóng bà khuất tầm mắt một hồi lâu, tôi bỗng thấy bất an. Bà đi bộ xa như thế, có gì đó không bình thường. Tôi lên xe chạy theo, chạy mãi mới thấy bà ngồi thụp bên một góc khuất những gốc cây to, mắt nhìn không rời về phía bãi đá lô nhô giữa những bọt sóng trắng xóa. Ở đó ông tôi đang đứng bên cạnh một người đàn bà, chỉ nhìn phía sau cũng biết là rất đẹp. Đứng xa, chẳng nghe được họ nói những gì, chỉ thấy mái tóc thả dài và dải khăn choàng mỏng của người ấy theo gió vờn bên vai ông, cả chân váy rộng và mềm mại cũng từng lúc lất phất gần bên ông. Tôi bỗng chạy lại ôm lấy bà tôi và đỡ dậy. Từ đó đến lúc cả hai bà cháu về đến chợ Lý Hòa, bà vẫn không nói gì. Tôi không muốn đưa bà về nhà ngay lúc này, bèn tạt vào một quán hàng. Bà phải ăn hoặc uống một chút gì đó để không phải quỵ xuống.

- Mệ biết chuyện ni từ lúc mô?

Bà tôi nhìn vào khoảng không trước mắt, như nói với chính mình:

- Đó là người yêu của ôông từ thời trung học, người ở Đồng Hới. Chê làng mình nghèo và quê mùa nên họ không lấy ôông. Sau đó họ lấy chồng nghe đâu ở Hà Nội, rồi ra nước ngoài. Mỗi năm vào ngày ni là ôông mi xắm rắm đi gặp họ. Cũng có năm thì không. Mệ mới biết chuyện chừng mươi năm trở lại đây thôi.

Tôi thở dài chợt nhớ đến dòng ngày tháng được gạch chân đậm nét trong cuốn sổ.

- Rứa họ còn gặp nhau để làm chi nữa? - Tôi buột miệng hỏi một câu, lẽ ra là rất không nên.

- Thì chắc cũng gặp rứa thôi, chơ có để làm chi!

Tôi ấm ức:

- Biết rứa thì răng mệ còn mất công đi rình coi họ?

Bà tôi nhìn tôi cười, nhưng ánh mắt thì đau đáu khiến tôi thắt cả tim gan:

- Thì cũng nhìn rứa thôi, có làm chi mô!

Ôi chao! Tôi suýt kêu lên. Nhưng rồi bà đã đứng dậy giục tôi về kẻo trưa. Hai bà cháu vào đến nhà đã thấy ông tôi về từ lúc nào. Bà vào bếp lục đục một loáng là xong, rồi trở ra trước bàn thờ, thắp một nén nhang cho bà nội đã khuất của tôi. Ánh mắt hai bà từ hai cõi âm dương hình như cùng sẻ chia một nỗi niềm chôn giấu. Tôi nhìn mấy hộp sô cô la với nhãn hiệu của một nhà sản xuất bên kia đại dương mà ông tôi vừa vui vẻ soạn trong túi xách ra, bảo tôi sắp lên bàn thờ. Tôi biết ánh mắt và nụ cười của ông còn in đậm hình ảnh buổi sáng trên bãi Đá Nhảy. Nhưng có vẻ bà tôi không quan tâm tới điều đó. Có thể với bà, đó là những điều đã quen, đã cũ. Nghe tiếng xe ba tôi chạy vào ngoài ngõ, bà từ bếp bước ra, đuôi mắt hằn sâu nụ cười đang chói nắng hiên nhà:

- May quá, ba thằng Hên về rồi! Mọi người cùng vào ăn trưa để còn nghỉ!

Và cười. Tiếng cười giòn hơn cả nắng ngoài hiên...

N.T.D.S
(TCSH404/10-2022)

 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Mê cung (12/01/2024)
Các bài đã đăng
Mùa sâm cầm (11/11/2022)
Con riêng (26/09/2022)
Tàn sen (15/08/2022)