Truyện ngắn
Hương cổ tích
08:27 | 24/03/2023

PHẠM XUÂN PHỤNG

Xưa, về phương Nam có một chàng trai, mặt mày thanh tú, tính nết hồn hậu, tuổi trạc đôi mươi. Chưa có người gá nghĩa trăm năm nên cây xanh còn lẻ bóng. Tên chàng là La Hồng Phượng.

Hương cổ tích
Minh họa: PHAN CHI

Không ai nơi cái làng sơn cước chàng ở hiểu chàng xuất xứ từ đâu. Chỉ biết chàng là người võ nghệ cao cường, đã mấy phen cứu làng đánh cọp. Những con cọp bị chàng đánh cũng chẳng chết, cũng chẳng bị thương. Chúng chỉ bị chàng đánh đau, sợ mà bỏ chạy, không bao giờ dám quay lại quấy nhiễu dân làng. Cũng không ai biết chàng học vấn ra sao. Chỉ thấy đêm đêm khi nàng trăng toả bóng, chàng lại ngồi dưới gốc cây tùng đọc sách. Gió rì rào bên tai và hoa rừng đưa hương thơm ngát như ru hồn chàng vào cõi mộng.

Một hôm giữa đêm khuya chàng tỉnh dậy, khăn gói lên đường. Dân làng không biết chàng đi đâu, lúc đầu nhắc với niềm luyến tiếc, lâu rồi cũng lãng quên. Cuộc đời lầm lũi của dân miền sơn cước có mấy khi rảnh để nhắc nhở một con người tuy tốt bụng, tài hoa, nhưng không mấy ai hiểu. Có kẻ kém tài, từ lâu đem lòng đố kị, nay thấy vậy phao tin: "Chàng trai có khi là yêu quái, giả dạng người làm việc thiện để mưu việc ác chi đây”. Lúc đầu, có người từng chịu ơn chàng, tức giận phản bác cái tin đồn vớ vẩn ấy. Riết rồi, chẳng ai nhắc đến chàng, cả điều tốt lẫn tiếng xấu. Chàng như hòn ngọc lăn xuống hồ sâu, chỉ loáng ánh hồng quang như ráng chiều vụt tắt. Mặt hồ thoáng dợn sóng buồn tiễn biệt rồi trở lại yên bình. Gió vẫn rì rào với ngàn cây và hoa rừng vẫn đưa hương ngan ngát. Nhưng bóng chàng trai nay đã xa rồi!

* * *

La Hồng Phượng dựng một căn lều nhỏ bên gốc cây tùng, nơi những đêm trăng xưa chàng thường ngồi đọc sách. Dân làng vui vẻ đón chàng trở về sau mấy năm xa cách. Giờ đây chàng xấp xỉ ba mươi, khuôn mặt nhuộm màu sương gió. Nhưng ánh mắt rực sáng long lanh và nụ cười - lạ thay - như hoa mơ chưa nở trọn. Chàng không còn mặc bộ võ phục đen tuyền như xưa. Bây giờ chàng thường mặc áo dài, đầu vấn khăn nhiễu xanh, chân đi giày cỏ. Trên bàn, một lọ mực, một cây bút lông. Bên gối một cuốn sách, một cánh hoa nhỏ. Chàng làm việc không kể đêm ngày. Sáng ở nhà khám bệnh, kê đơn. Chiều lên núi hái hoa, tìm thuốc. Chàng chữa bệnh không kể sang hèn, ai tặng gì không phân nhiều ít, chàng đều cảm ơn. Chàng kể với dân làng rằng: "Cơ duyên đến, gặp ân sư truyền thụ ĐẠO CỨU NGƯỜI. Ân sư trước lúc chia tay, có dặn: "Thuận thiên dã tồn, Nghịch địa dã vong"." Bệnh thông thường, chàng chỉ bốc một thang là khỏi. Bệnh nặng, quỷ bắt hồn đã đứng ở đầu giường, thấy chàng đến cũng cúp đuôi bỏ trốn. Người được chàng cải tử hoàn sinh kể đến hàng nghìn. Người bệnh tứ phương ùn ùn kéo đến. Riêng đức vua mãi lo đánh giặc phương xa, công chúa bận ngồi trang điểm nên không đến với chàng. Mỗi con bệnh qua khỏi cơn đau như tiếp thêm cho chàng sức mạnh. Danh tiếng Thần y vượt mọi núi sông. Tên thầy mo trong khắp xứ căm giận vì bị mất nghề lừa bịp, tìm đủ cách hãm hại chàng. Nhưng đã có dân làng ngày đêm bao bọc, nên lũ ác tâm chẳng thể làm gì. Chúng hằm hè chờ đợi.

Cho đến một hôm...

Thần y cứu người thì được, cứu mình chẳng xong. Bị quỷ sứ giữa ban trưa, quăng thòng lọng kéo hồn về chín suối. Đối diện với Diêm Vương, xưa nay có Tề Thiên là chẳng ngán. La Hồng Phượng là người trần, thấy địa ngục đã ba hồn mất bốn, nhìn vạc dầu đã bảy vía thiếu hai. Trên ngai cao, thập điện minh vương vểnh râu ngất nghểu. Dưới sân chầu, Thần y La Hồng Phượng xanh mặt quỳ run. Diêm Vương đập bàn quát:

- Tên La Hồng Phượng kia! Mi có biết tội hay chăng?

- Tâu Diêm Chúa! Cả đời con từ khi biết điều phải trái, chỉ nhất tâm hành thiện cứu người; chẳng hề gây tội ác, cúi xin Diêm chúa mở lượng hải hà cứu xét cho con nhờ!

- A! Tội đã rành rành còn bẻm mép. Phán quan đâu?

Thôi Phán quan nghe truyền lệnh vội ôm đến một tập sách dày chi chít chữ, rồi hắng giọng nói to:

- La Hồng Phượng nghe đây! Từ khi mi hành nghề bốc thuốc đến nay, mi đã cứu sống hàng nghìn người. Đây là danh sách. (Nói đoạn, đọc vanh vách tên người...). Có đúng không?

- Dạ đúng! La Hồng Phượng mừng khấp khởi, trả lời.

- Sinh tử là luật trời - Thôi Phán quan nói - Phàm làm muôn vật ở trần gian, đã có sinh là có diệt. Sinh sinh diệt diệt mãi chẳng cùng. Cớ sao mi dám làm trái luật Trời, cứu cho người hết số? Để đến nỗi địa ngục vắng teo, Diêm vương thiếu lính? Đó là tội của ngươi, biết chưa?

- Dạ, dạ. Thưa Ngài! Quả tình con chẳng biết cứu sống người lại mắc tội với Diêm Vương, con cứ tưởng thế là ẩn ác dương thiện. Con tình thật tỏ bày. Cúi xin ngài tâu với Diêm Vương tha cho con tội chết.

Thôi Phán quan động lòng thương, quỳ tâu:

- Tâu Diêm Vương! Tên này tuy làm trái luật Trời nhưng căn bản vốn thiện. Lỡ làm một đận, xin Diêm Vương tha cho y về trần gian lập công chuộc tội.

Diêm Vương nghe tâu, bớt giận, phán bảo:

- Lần này ta tha cho. Nhớ vô trần gian lập công chuộc tội.

La Hồng Phượng mừng quá vái lia lịa rồi... tỉnh giấc. Mồ hôi ra ướt áo. Nhớ cảnh địa ngục âm u, bất giác rùng mình sởn ốc. Ngặt lời thầy dạy, biết tính sao đây?

* * *

Từ đó, mỗi khi Thần y đi chữa bệnh, lại có quỷ bắt hồn nương bóng đi theo. Người chết ngày một nhiều, chẳng mấy chốc gần đủ số. La Hồng Phượng vừa mừng thoát nợ Diêm Vương, lại lo nỗi quên lời thầy dạy. Cứ bâng khuâng hai ngả dữ lành, ngày đêm ray rứt. Hồn những kẻ chết oan đâu có biết quỷ vương núp bóng người hiện ra để ra tay độc, cứ nhất tâm oán hận Thần y đã giết mình. Rủ nhau lên thiên đình kiện cáo. Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi về trần bắt Thần y lên thiên đình xử tội. Các thiên thần nghị án, khép vào tội chết chẳng tha. Thiên lôi tuân lệnh đem Thần y ra thiên môn toan hạ búa. May đâu gặp Thái Bạch Kim tinh vừa tới, thấy vậy bèn hỏi. Thiên Lôi cứ y sự mà tỏ bày. Thái Bạch Kim tinh động lòng bèn bảo:

- Hãy khoan động thủ. Để ta vào tâu đã.

Nói đoạn vào tâu với Ngọc Hoàng:

- Muôn tâu Ngọc Hoàng Thượng đế! Thần đã nghe rõ đầu đuôi tội trạng này. Xét kỹ thì, tội đành đáng xử, tình thật nên thương. Không cứu người là trái lời thầy dạy, cứu sống người mắc tội với Diêm Vương. Để người chết phạm tội cùng Thượng đế.

Ngọc Hoàng nghe tâu, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi phán hỏi:

- Theo khanh, bây giờ nên xử thế nào?

- Tâu! Theo thần, bây giờ nên cho nó sống cuộc đời lộn ngược là xong.

- Sống ngược đời như vậy nghĩa làm sao? Ngọc Hoàng hỏi lại.

- Tâu! Sống ngược một đời, đó là bí quyết để tìm ra lẽ sống muôn đời.

Ngọc Hoàng chuẩn tấu.

* * *

Thế là trên trần gian, ở nơi làng cũ, có một kẻ xưa vốn là Thần Y, xưa nữa là chàng trai thông minh dĩnh ngộ, văn võ kiêm toàn; nay sống đời lộn ngược. Ban ngày nói lảm nhảm, ăn bậy bạ, chân tay quờ quạng như điên. Đêm về khi mọi người đã say, chàng lại tỉnh. Bao ý nghĩ sáng suốt tuyệt vời cứ hiện rõ trong đầu nhưng không biết tỏ cùng ai. Đau khổ tận cùng mà không sao giải được. Dân làng lúc đầu còn thương, năng lui tới vỗ về, cho đồng quà tấm bánh. Dần dà biết rõ Thần Y xưa, nay chỉ là thằng dở điên dở tỉnh, không được tích sự gì, lần lần tất cả xa lánh. Bọn thầy mo trong làng và các xứ được dịp trả thù, tha hồ bêu riếu Thần Y và kích động dân làng trừ diệt. Những kẻ chịu ơn chàng lúc đầu còn bảo vệ, mãi rồi đâm chán, hùa theo kẻ ác chửi rủa đêm ngày. Rốt cùng, vác dao gậy đuổi đánh Thần Y. Chàng hết chỗ dung thân ở cõi người, đành tìm non sâu ẩn nấp! Từ đó, ĐẠO CỨU NGƯỜl chẳng mấy ai dám học, tàn lụi dần. Nơi rừng sâu, giữa ban ngày vắng bóng người. Thần Y lại tỉnh. Chàng đem hết tài nghệ và tình thương chữa chạy cho chim chóc và muông thú. Chúng lại đêm ngày nuôi dưỡng chàng, gần gũi âu yếm sưởi ấm lòng người đang tan nát.

Một đêm, biết mình sắp lìa đời, La Hồng Phượng quỳ xuống khấn Ân sư: "lạy Ân sư nghìn lạy! Lời Ân sư con chẳng dám quên. Chẳng may, con không sao làm tròn được. Thuận Thiên thì nghịch Địa. Thuận Địa thì nghịch Thiên. Cả hai đàng đều mắc tội. Con đành chịu kiếp lưu đày, sống giữa rừng sâu cùng cỏ cây, muông thú. Lòng con thanh thản, không oán hận gì. Chỉ tiếc nỗi không sao thi hành được ĐẠO CỨU NGƯỜI như Ân sư hằng mong mỏi. Con thật đắc tội với Người!" Đoạn, chàng chắp tay vái tạ Đất Trời: "Hoàng Thiên Hậu Thổ soi xét lòng con. Con những mong ẩn ác dương thiện cho hợp với Đạo Trời. Chẳng may tài thô đức bạc mà đành mang tội với Đất Trời, chịu án lưu đày biệt xứ. Con quyết không một lời oán hận, không một ý khinh nhờn. Cúi xin Hoàng Thiên Hậu Thổ chứng giám cho lòng thành của con, cho con sau khi chết được hóa thân thành một vật có ích cho Đời là thỏa nguyện". Khấn đoạn, La Hồng Phượng nhắm mắt lìa đời. Gió ngừng thổi. Hoa rừng thôi đua hương. Nhựa trong cây ngừng chảy. Chim chóc, muông thú đau buồn quần tụ bên di hài Thần Y. Cả vạn vật như bao trùm một nỗi buồn chìm đắm. Nhưng niềm đau vĩnh biệt bên trong cuồn cuộn dâng trào như nước ngầm trong đất chực trào sôi khi Thần Y vừa nhắm mắt. Lòng thành của chàng động đến Ngọc Hoàng. Ngài cho anh linh của chàng hóa thành một loài cây lạ. Cây sống lẩn khuất ở non cao hiểm trở, từ khi còn non đến lúc già chẳng có chi khác lạ nếu không bị làm đau. Vết thương của con người rỉ máu, vết thương của cây thì rỉ nhựa. Nhựa đau lắng chìm, lắng chìm rồi tụ lại ở góc thành khối. Để càng lâu, KHỐI ĐAU càng nặng, càng sắt lại, càng tinh khiết hơn. Gặp lúc cháy rừng, cây bị lửa thiêu. Lạ thay, khi ngọn lửa bạo tàn chạm đến, KHỐI ĐAU bỗng tỏa hương thơm ngát núi rừng. Và ngọn lửa bạo tàn đột nhiên tắt ngấm. Chim chóc và muông thú thoát nạn, nhảy nhót reo mừng. Chợt nghe mùi hương thơm, chúng bỗng dưng kéo về quần tụ lại quanh KHỐI ĐAU đang tỏa hương, thân thiết như chung một loài bên dư hương người cứu nạn; như thể Thần Y không chết bao giờ.

Về sau có người già biết được, đem KHỐI ĐAU của cây hay nỗi đau đời của Thần Y hóa thân, đốt lên trước bàn thờ tổ tiên. Khói vần vụ phảng phất dáng người và hương thơm kỳ lạ. Bèn đặt tên là TRẦM HƯƠNG ngụ ý là hương thơm chìm lặng. Còn gọi là KỲ NAM. Từ ấy, con người mỗi khi cúng tế đem TRẦM HƯƠNG đốt lên để tưởng nhớ anh linh người đã khuất.

P.X.P
(TCSH53/01&2-1993)

 

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Về nhà đi (10/03/2023)
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)
Trà (10/02/2023)
Lão Kình (02/02/2023)
Đồng đội (14/01/2023)
(12/01/2023)
Một người cha (30/12/2022)