Truyện ngắn
Người lạ
09:29 | 26/12/2023

KIM UYÊN

“Cộc… cộc… cộc…”.

Người lạ
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Chi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng gõ cửa. Ở trạng thái lơ mơ cô nghĩ, đã rất khuya, có thể sang ngày hôm sau rồi. Gian phòng bé tí, lặng thinh nhờ nhờ thứ ánh sáng của chiếc đèn ngủ bé bằng quả nhót. Chi nhoài người với tay lấy điện thoại để dưới sàn từ tối qua. Ánh điện từ chiếc smartphone bật sáng khiến cô bị chói mắt. Đúng là đã gần một giờ sáng. Trên Zalo, Facebook và Email đều không có tin nhắn của bạn bè nói về việc họ sẽ tìm đến chỗ cô vào đêm nay, cũng không có cuộc gọi nhỡ nào.

Chi bỏ điện thoại xuống, tung chăn ngồi dậy. Tuy nhiên, ngay lúc đó người cô đổ ập xuống trong trạng thái hoàn toàn bị động. Ở tư thế nằm co, Chi nghĩ mình có thể mắc căn bệnh nào đó, hoặc tụt huyết áp vì đói. Lúc đi làm về phải lội trong tuyết gần một cây số nên cô bị lạnh. Khi về đến phòng trọ Chi chỉ kịp tháo giày, lột áo khoác rồi lăn xuống đệm. Hơi ấm của chiếc chăn bông khiến cô nhanh chóng chìm vào giấc ngủ với nguyên bộ đồ bảo hộ còn dính vài vệt bẩn.

“Cộc… cộc… cộc…”.

Chi cố gắng ngồi dậy trong khi mắt vẫn nhắm nghiền.

Cô biết, cảnh sát vẫn thường kiểm tra Visa người nước ngoài nhưng chắc họ không đến vào giờ này. Lynh cũng chưa bao giờ về đột xuất bởi ca đêm ở xưởng cô ấy quanh năm thiếu người. Chi lê chân về phía cửa sổ kéo tấm kính để khí lạnh tràn vào cho bớt cảm giác ngột ngạt. Ngoài trời tuyết vẫn rơi! Tuyết dày trên mái nhà, tuyết tụ trên những chiếc xe hơi nằm im lìm, tuyết rải đầy con đường xa tít, tuyết bám trên những cành cây khẳng khiu đen đủi. Tuyết phủ khắp mọi nơi khiến cả bầu trời và mặt đất trong đêm mang một màu trăng trắng.

Mở cửa bây giờ cô có thể bị uy hiếp, thậm chí bị giết chẳng vì lí do gì dưới bàn tay một kẻ xa lạ, một kẻ đang cần tiền, đang bế tắc hay dân máu lạnh! Cái chết thật lãng xẹt, vô nghĩa và vớ vẩn. Mẹ cô sẽ chết khi biết tin. Không hẳn, trước khi chết bà ấy sẽ kêu gào thảm thiết và sau đó tồn tại vật vờ như một bóng ma. Cuối cùng, người ta sẽ thấy bà gục bên lề đường hay nổi xác dưới sông.

“Cộc…cộc…cộc…”. Tiếng gõ lần này ngắt quãng và nhỏ hơn.

Hay bà già Haruhi không ngủ được mang cho hai đứa thứ gì đó. Thỉnh thoảng bà vẫn cho Chi ít lạc luộc, vài quả hồng hay táo. Có lần bà còn gõ cửa lúc mười một giờ đêm để đưa cho cô hộp bánh mochi do bà tự tay làm. Từ khi dịch bệnh xảy ra, cô chưa gặp bà mặc dù bà ở ngay căn hộ bên cạnh.

Một vài phút chậm chạp trôi qua, Chi nghe rõ tiếng thở của mình.

Những lần đi qua khu rừng Aokigahara dưới chân núi Phú Sĩ cô hay nghĩ về ma, mặc dù trước mắt cô chỉ là thảm rừng xanh thẫm. Cô bị ám ảnh về những cái chết tuyệt vọng. Khu rừng đầy bí ẩn với những câu chuyện về thân phận con người. Những con ma lẩn khuất bên gốc cây, trong bóng đêm hay ở nơi hoang vắng. Đêm nay, có thể là sự hiện hữu của những linh hồn già nua và ốm yếu. Họ đã sống một mình và chết cô đơn bởi những đứa con mải miết đi xa. Xa hơn cả sự tưởng tượng bởi có thể chúng không còn tồn tại nữa, do chiến tranh, đại dịch hay tai nạn. Nhiều người già sống mòn mỏi trong căn hộ của mình cho đến khi thân xác họ bị phân hủy mới được phát hiện và mang đi. Căn nhà bị rao bán hoặc cho thuê. Tuy nhiên, linh hồn của họ vẫn lảng vảng quanh ngôi nhà…

Những nỗi sợ khiến vô số giả thuyết cứ lộn phèo trong đầu cùng với tâm trạng hoang mang, Chi thấy quá sức nếu như cứ ở trong phòng để đoán già đoán non mọi chuyện. Sau một chút đắn đo, cô thận trọng đặt tay lên chốt cửa. Một tiếng tách nhẹ bật lên, liền đó là luồng ánh sáng yếu ớt và khí lạnh ùa vào phòng.

- Cho tôi… vào… được không?

Chi giật mình lùi lại bởi giọng một người con trai vang lên, nghe xa xôi như bật lên từ nấm mồ ngoài nghĩa địa. Trong ánh sáng nhờ nhờ cô thấy một người ngồi tựa lưng vào tường, hai chân thả trên sàn, giày còn dính tuyết. Cô cẩn thận nhìn quanh rồi hỏi một câu không chủ ngữ.

- Từ đâu tới?

- Tôi bị… cảnh sát đuổi.

- Muộn lắm rồi!

- Lạnh... quá! - Giọng nói của người đó ngắt quãng trong khi vẫn không quay lại nhìn cô. Chi bất chợt nhớ đến vài người bạn đã lâu không tin tức, cô không biết giờ họ phiêu bạt nơi đâu.

- Vào đi.

Chi mở rộng cánh cửa. Người đó bò vào và nằm bệt ngay trên thảm trải sàn. Điện phòng bật sáng, cô nhận ra người thanh niên chừng ngoài hai mươi tuổi, gương mặt xơ xác, hơi thở khó khăn như đang kiệt sức. Chi hỏi thêm vài câu nữa nhưng người đó không trả lời, chỉ khẽ rên.

*

Công việc của Chi là phục vụ người cao tuổi ở nhà dưỡng lão mười tiếng một ngày. Còn Lynh chủ yếu làm đêm ở xưởng sản xuất giấy ăn. Do làm lệch ca nên hai đứa chỉ ở nhà cùng nhau vào ngày nghỉ cuối tuần. Buổi sáng, khi Lynh trở về là lúc Chi xách túi ra đi, buổi tối cô về phòng cũng là lúc Lynh chạy đến chỗ làm để vào ca đêm. Một vài lần Chi bảo Lynh chuyển làm ca ngày cho đỡ vất vả và hai đứa được ở cùng nhau nhiều thời gian hơn, nhưng Lynh bảo mẹ mình đang mắc bệnh nặng, muốn làm đêm để có thêm tiền gửi về. Cả hai luôn hy vọng dịch bệnh sẽ qua đi và mọi việc ổn dần. Mặc dầu, do làm nhiều ăn uống tiết kiệm nên thân thể hai đứa gầy nhom. Từ khi chuyển đến đây, cả hai không có chút thời gian rảnh rỗi. Nơi biết đến chỉ ga tàu điện, chỗ làm và mấy cửa hàng tạp hóa. Xa chừng hơn ba cây số là trung tâm thương mại cao bảy tầng chủ yếu phục vụ cho du học sinh và dân lao động ngoại quốc.

- Sao ngồi đây, không thấy lạnh à?

Nghe tiếng hỏi, Chi rời mắt khỏi chiếc điện thoại trên tay. Từ lúc trở dậy cô chờ Lynh về với ba lô quần áo và một vài đồ sinh hoạt cá nhân mà cô đã sắp sẵn cho bạn. Chi không cho Lynh bước vào phòng nữa. Thực ra, trước đó cô định chốt cửa lại và sẽ nói chuyện qua điện thoại khi Lynh trở về. Tuy nhiên, cô biết là Lynh sẽ không đồng ý nếu như không tận mắt nhìn thấy những gì Chi nói. Đồng ý cho người lạ vào phòng, suốt từ đêm qua cô lo lắng không biết phải giải thích với Lynh thế nào. Phong tỏa, cách ly, mất việc và chết chóc trong đại dịch khiến hai đứa gồng lên để tồn tại, giờ lại rơi vào cảnh trớ trêu này.

- Đừng lại gần tớ - Chi đứng bật dậy cảnh báo.

Lynh dừng lại nhìn bạn: - Hâm à.

- Không! Tớ xin lỗi - Vừa nói Chi vừa xua tay để Lynh tránh xa mình thêm một chút.

- Sao? - Giọng Lynh lo lắng.

- Có một người... đêm qua đến.

- Người yêu à?

- Không.

- Bạn hay đồng hương?

- Không.

- Thế là gì?

- Người Việt.

- Đồ dở hơi! Đi chứa một kẻ lạ huơ lạ hoắc.

- Anh ta đang bệnh, yếu tới mức không đi được.

- Tuyết ngập gần tới mặt vậy mà anh ta đến được đây?

- Anh ta bị…

- Mày điên thật rồi! Chúng ta cũng từng phải chạy trốn vô số cuộc...

- Lynh đi đi, tìm nơi nghỉ tạm. Tớ để ba lô quần áo gần cửa đấy. Anh ta đang sốt, phòng ở không còn an toàn nữa.

- Ôi! Tao đi đâu bây giờ? - Lynh thốt lên đầy tuyệt vọng.

- Tớ xin lỗi, chả còn cách nào.

- Vậy còn mày?

- Đi đi… - Chi nói như kẻ hụt hơi - Tớ sẽ đưa anh ấy đến viện. Cậu cần phải khỏe, nếu không cả hai chúng ta sẽ nguy đó.

Chi nén tiếng thở dài, nhìn xuống sân chung cư tuyết trắng tránh ánh nhìn của Lynh. Mùa đông đầu khi đặt chân tới xứ lạnh, hai đứa thích thú đuổi theo những bông tuyết đang bay. Ngày đến trường Chi rón rén bước trên tuyết mà vẫn cảm thấy mình tàn nhẫn với màu trắng tinh khôi. Nhiều khi nâng niu những bông tuyết trong tay, Chi và Lynh cùng nhìn nó tan đi đầy tiếc nuối. Còn giờ đây, tuyết không gợi cho cô những cảm xúc ngây thơ và lãng mạn, tuyết không khiến cô như lạc vào hoang mạc trắng mênh mông để kiếm tìm ảo vọng. Cả những ước mơ nhỏ nhoi mỗi khi nhìn lên bầu trời xanh thẳm cũng thật xa vời. Công việc triền miên khiến hai đứa không có chút thời gian ngắm nhìn trời đất. Cái lạnh thấu xương khiến cuộc sống thêm phần vất vả. Kiếp lưu vong cứ trôi như lục bình mùa nước nổi. Sự tồn tại đã khó khăn, trong đại dịch lại quá mong manh.

- Mày quên năm ngoái thằng Công đã bán đứng hai ta cho ông chủ chế biến hải sản sao? Làm đến lợt cả da tay hai tháng trời không một đồng lương.

- Thế còn những người đã giúp chúng ta?

- Tính tao vậy, chỉ nhớ những kẻ hại mình.

- Bây giờ là chọn sống hay chết. Cậu đi đi… - Chi nói rồi đóng sập cửa lại để mặc Lynh đứng đó. Cô không muốn nói nhiều, cô sợ những con virus vô hình từ người lạ đã bám vào cô và từ cô chúng sẽ nhanh chóng bay sang Lynh.

Thật lâu sau Chi mới nghe thấy bước chân Lynh xa dần về phía cầu thang bộ. Khi cô mở cửa sổ nhìn xuống, Lynh đã ra tới đường. Dáng người bé nhỏ của Lynh trong chiếc áo dạ dài tất tả di chuyển, cái ba lô đen xộc xệch trên vai in trên nền tuyết trắng. Chi biết là Lynh đang khóc.

- Lynh ơi! Lynh… ơi!

Tiếng gọi của Chi lạc lõng rơi vào không gian giá lạnh. Bóng Lynh nhỏ dần và khuất vào những gốc cây đen thẫm bên đường. Chi ngậm ngùi kéo cửa sổ lại. Cô thầm cầu mong có chiếc tắc-xi nào đó bò qua để Lynh không kiệt sức vì giá lạnh.

*

Bạn cô đi rồi à? - Người lạ vẫn nằm trùm chăn hỏi khi nghe thấy tấm kính cửa sổ được kéo lại.

- Vâng! - Chi kín đáo lau đi hai giọt nước mắt.

- Xin lỗi, vì tôi mà cô ấy phải đi.

- Làm sao anh biết có người Việt ở đây?

- Tôi đã từng đến đây bảy tháng trước. Đêm qua tôi nghĩ gặp bạn mình chứ không phải các cô.

- Họ về nước rồi, anh không biết sao? -Chi thở dài ngồi xuống đệm.

Năm tháng trước, người Việt ở đây về nước đã nhường cho Chi và Lynh thuê lại chỗ này. Một căn phòng bé tí, kê đủ hai tấm đệm nhỏ với khoảng cách hẹp ở giữa. Phía trên đầu có hốc tường treo vài bộ quần áo. Cuối phòng đặt cái tủ lạnh mini, nồi cơm điện và vài vật dụng cần thiết. Khu vệ sinh cũng chỉ vừa đủ cho một người bước vào. Chi đoán, có thể đây là kho chứa đồ của căn hộ bên cạnh được chủ sửa sang ngăn ra thành phòng cho thuê. Tuy chật hẹp nhưng cũng phù hợp bởi hai đứa đi làm suốt, chỉ trở về khi cần ngả lưng. Thích nhất là tiền thuê hợp lí trong tòa chung cư nhỏ toàn dân bản địa. Trước đó, Chi và Lynh đã phải chuyển chỗ ở mấy lần. Nơi trung tâm giá thuê cao quá, chỗ ở ưng ý lại không kiếm được việc làm. Ở tòa chung cư cũ này yên tĩnh, cả hai đứa đi làm không xalắm, mọi thứ đều ổn. Vậy mà bỗng dưng xuất hiện gã thanh niên lạ hoắc, đang bệnh.

- Tôi là Trung.

Chi quay lại, thờ ơ nhìn vào đống chăn.

- Vâng.

Đêm qua, cô đã tháo giày, cởi áo khoác, xoa dầu vào hai bàn chân lạnh ngắt và lấy tấm chăn đầy hơi ấm của mình đắp cho người lạ. Cuối cùng, cô đi pha trà gừng nóng cho cả hai. Người thanh niên uống một hơi hết cốc trà và nhìn Chi bằng ánh mắt he hé rồi thiếp đi. Khi đêm trở lại yên tĩnh, cô kéo chăn của Lynh đắp cho mình và ngồi tựa vào tường xem tin tức trên điện thoại. Trà gừng nóng ngấm dần vào cơ thể khiến cô tỉnh hơn trong cơn đói. Gần sáng, Chi bảo người lạ lên đệm của mình nằm cho ấm. Tuy nhiên, cũng từ đó cô nhìn đống chăn trên người anh ta đầy bất an bởi tiếng thở khò khè lẫn trong những tiếng ho khan.

- Tôi bị…

- Anh nói rồi.

- Khi thấy những cảnh sát lên tầng 3 tôi mới biết họ đang kiểm tra giấy tờ của lao động ngoại quốc. Là ngày chủ nhật nên ở tầng thời trang rất đông khách. Tôi ẩn vào giữa hai giàn áo khoác bông to xù… Rất lâu, rất lâu tôi cảm thấy là rất lâu, mồ hôi túa đầy mặt, đến lúc tưởng mình sắp chết ngạt trong đám áo ấy tôi nhoài ra. Cảnh sát đã rút đi, tôi nghĩ như vậy và tiếp tục công việc treo lại những thứ đồ khách đã thử vứt thành đống. Kết thúc ca làm việc vào lúc 10 giờ đêm, mọi người lục tục ra về. Tôi chào người phụ trách và xách ba lô xuống tầng một. Vừa bước chân ra đến cửa lớn, đón luồng khí lạnh ngoài trời phả vào mặt, hít một hơi thật sâu cũng là lúc tôi thấy một viên cảnh sát đang ở gần mình. Tôi chạy, viên cảnh sát đuổi theo và tôi còn nghe cả thấy tiếng còi xe của họ. Tôi chạy vào một con đường nhỏ và tối. Tuyết dày nên xe cảnh sát không thể đi vào ngõ hẹp. Tôi cứ chạy, để lại những vệt giày trên tuyết, ước chừng đến vài cây số. Khi đến đầu đường ngoài kia, tôi nhận ra tòa chung cư bạn mình ở. Tuy nhiên, tôi đã kiệt sức chỗ ngã tư, nơi người ta vun tuyết thành đống to ấy. Đêm vắng lặng chỉ có ánh đèn đường vàng vọt hắt xuống, vậy mà chẳng hiểu sao tôi đã vào được đây. Cho tới giờ, tôi vẫn không thể nhớ làm cách nào bò được vào chỗ cô khi cơ thể đã đông cứng vì lạnh.

Xen lẫn cơn ho và những hơi thở khó nhọc Trung kể cho Chi nghe chừng ấy. Cô nhìn gương mặt ốm yếu của anh thò ra dưới tấm chăn khẳng định:

- Anh phải đến viện.

Trung lắc đầu: - Tôi chỉ mệt vì nhiễm lạnh.

- Anh bệnh rồi!

- Tôi vốn bị xoang, giờ nhiễm lạnh chắc chỉ viêm đường hô hấp.

- Không! Con Covid đã vào người anh.

Chi khẳng định, nhưng rồi cô vẫn lục tìm trong va li lấy hai viên kháng sinh đưa cho Trung. Cô hy vọng chỉ là viêm nhiễm vớ vẩn thì anh sẽ đỡ. Sau đó, cô gọi điện xin nghỉ ốm. Tuy nhiên, bà tổ trưởng phản đối và nhấn mạnh, bệnh dịch đang lan nhanh chóng, người cao tuổi ở nhà dưỡng lão cần được chăm sóc cẩn thận để tránh nhiễm dịch. Nếu cô không đến sẽ đuổi việc. Chi năn nỉ xin bà nghỉ mấy hôm, cô rất cần việc làm, mấy tháng nay cô phải sống phải dè xẻn vì hết tiền. Cô hứa tới đây sẽ đi làm tất cả các ngày thứ bảy và chủ nhật. Nhưng bà tổ trưởng vẫn không chấp nhận việc cô vắng mặt vì đang thiếu người. Bà càu nhàu gì đó cô nghe không rõ rồi tắt máy. Một lúc sau, ông Inou - Giám đốc nhàdưỡng lão gọi điện lại. Chi đành phải nói thật với ông rằng cô có thể đã bị nhiễm virus từ một người Việt. Ông Inou lo lắng hỏi cô một hồi về thời gian, lịch trình di chuyển, những nơi cô đến, và những người cô tiếp xúc. Chi phải khẳng định những người cao tuổi cô chăm sóc hàng ngày không ảnh hưởng gì để ông yên tâm, chỉ là do có một người bạn đến chỗ cô đêm qua và cô đang nghi ngờ đề phòng. Cô không được ra ngoài, phải cẩn thận nhé, cần hỗ trợ thì gọi điện cho tôi - Ông Inou nhấn mạnh trước khi tắt máy.

Chi thở phào ném cái điện thoại xuống đệm.

*

- Đến hôm nay nhiều người nguy lắm…

Chi nói với Trung khi vừa thức dậy vào sáng ngày thứ ba kể từ khi anh đến.

- Cô đang nói gì vậy?

- Về thế giới dịch bệnh và chết chóc. Anh phải đến viện.

- Ở đó không có chỗ cho tôi - Trung trả lời trong khi vẫn nằm trùm chăn.

- Tôi sẽ phát bệnh như anh.

- Cô có nghe người ta nói đến khái niệm miễn dịch không?

- Đừng ảo. Anh vẫn coi thường sự sống.

- Chúng ta còn trẻ.

Chi bĩu môi quay đi.

- Tôi định khi nào ổn sẽ quay lại học tiếp.

- Anh sẽ chết - Chi lạnh lùng.

- Trời đất chỉ cho mỗi người hai mươi tư tiếng đồng hồ, tôi không thể làm tốt mọi việc trong cùng một lúc. Vừa lo trang trải học hành, vừa phải lo trả nợ tiền lúc đi, tôi đã không thể. Tôi quyết định rời Nagasaki theo thằng bạn về Chiba làm ở cửa hàng bán đồ điện lạnh. Trước đó, tôi đã nhiều lần trình bày lí do về việc hay nghỉ học, thậm chí nói dối bà hiệu trưởng rằng bố mẹ tôi mới bị tai nạn, hy vọng bà ấy thương cảm mà chiếu cố cho thi lại. Tuy nhiên, làm việc nhiều thời gian đã vắt kiệt sinh lực, có hôm lên lớp tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng thầy rồi gục xuống chìm vào giấc ngủ. Sau nhiều lần gia ân và sẻ chia gia cảnh, nhà trường vẫn đình chỉ việc học của tôi.

Trung dừng lại một lúc rồi tiếp tục:

- Tôi từng đến Kyoto và cả Hiroshima. Có chỗ làm được vài tháng phải đi, có chỗ chủ quỵt lương vì biết tôi vừa hết hạn lưu trú. Trung tâm thương mại này tôi làm ở tầng thời trang được gần ba tháng. Tuy dịch bệnh, doanh số bán hàng thấp nhưng ông chủ vẫn trả lương khá. Bây giờ cô bảo tôi đến viện ư? Coi như bị đưa ngay đến tận cửa máy bay.

Chi buồn bã: - Từ khi đến đây anh chỉ nằm và... sốt!

Trung giống như cô và vô số người lao động khác. Mười tám, hai mươi lăm hay ba mươi tuổi rời xa gia đình, đến một quốc gia khác hay miền đất xa xôi nào đó để kiếm tìm công việc và tiền bạc, hy vọng một tương lai khả dĩ hơn. Trên hành trình ấy đầy gian nan, trắc trở và dối lừa, có khi còn bỏ mạng. Hai đêm qua cô phờ phạc không thể chợp mắt bởi trong gian phòng bé tí chỉ có cô và gã trai lạ. Tận tụy chăm sóc anh ta nhưng trong thân tâm Chi nguyền rủa kẻ bất ngờ xuất hiện khiến cô phải đuổi Lynh đi vì sợ lây bệnh dịch. Tệ hại hơn anh ta lo sợ mất việc nên nhất định không đồng ý vào viện.

- Tôi sẽ đưa anh đến viện. Người ta sẽ chữa bệnh trước khi yêu cầu anh về nước - Chi kết luận.

- Không! Chúng ta sẽ vượt qua.

Chi giận dữ lật tung tấm chăn trên người Trung, anh không giật lại như lần trước mà trả lời yếu ớt: Xin cô đấy, đừng ép tôi.

Chi đắp lại chăn cho Trung vì thấy anh ta lại lên cơn sốt.

Nếu như hôm qua trời không tiếp tục đổ tuyết xuống thì Chi đã gọi tắc-xi đưa anh vào viện, mặc kệ Trung có đồng ý hay không. Nhưng tuyết rơi dày quá, chẳng có một chiếc tắc-xi nào còn chạy. Xe buýt cũng không thể, thỉnh thoảng cô nhìn qua cửa sổ hiếm hoi lắm mới thấy một chiếc xe con cuốn dây chống trượt ở bốn bánh bò khó nhọc trên đường. Giao thông hầu như tê liệt.

Nhiều người đã chết bởi ốm đau, bệnh tật và tai nạn, có người kiệt sức vì làm nhiều, di ảnh và bài vị gửi ở chùa, tro cốt chưa mang về được. Anh ta có thể chết trong vài ngày nữa. Còn Chi sau đó ít ngày. Cô sẽ kiệt sức từ từ. Thức ăn trong tủ lạnh đã hết chỉ còn mấy gói mì tôm, nước cũng không, cô lịm dần trong im lặng. Báo chí và mạng xã hội tha hồ nguyền rủa đôi tình nhân thiệt mạng vì giấu bệnh. Nghĩ đến đây Chi rùng mình hoang mang, cô không muốn mình phiêu dạt xứ Phù Tang cùng vô số câu chuyện oan trái vây quanh.

Chi vùng dậy bấm điện thoại cho ông Inou.

*

Khi hai chiếc xe y tế cùng đến dưới tầng một thì bất ngờ Lynh cũng xuất hiện ở cửa khiến Chi thảng thốt. Không đợi Chi kịp phản ứng, Lynh tháo ba lô trên vai xuống để vào góc phòng, quay lại bảo: Hai đêm qua ngủ ở xưởng tao nghĩ nhiều rồi. Giờ về đây, nếu có mắc bệnh thì cả hai cùng vào viện. Và nếu có chết thì hai đứa chôn luôn một thể.

Chi đưa tay lau hai giọt nước vừa trào ra nơi khóe mắt. Cô muốn ôm lấy Lynh òa khóc cho vơi đi mệt mỏi. Cô muốn gục vào Lynh để cảm nhận sự sẻ chia và an ủi. Cô muốn thanh minh với Lynh rằng đuổi bạn đi trong tuyết lạnh là điều cô không tưởng… Tuy nhiên, khi nhìn vào gương mặt phờ phạc nhưng đôi mắt vẫn ánh lên sự cương quyết của Lynh, Chi biết Lynh hiểu điều đó. Mấy ngày qua Lynh đã không thể tìm được nơi nào bởi đến chùa xin tá túc thì xa quá, đến chỗ một vài người bạn cũng không thể vì những con đường ngập tuyết. Lynh đã xin nghỉ tại xưởng sản xuất giấy ăn của bà Yuko.

Ngoài trời tuyết đã ngừng rơi, trời có vẻ hửng lên đôi chút nhưng khi tuyết tan thời tiết còn buốt lạnh hơn.

- Nhắn với bố mẹ tôi là tôi rất thương họ. Số tiền ít ỏi còn lại trong áo khoác của tôi cô gửi về… - Trung thì thào lúc đã nằm trên xe đẩy ở hành lang khiến Chi cảm thấy lo sợ.

- Không! Bố mẹ cần anh trở về. Anh phải chữa khỏi bệnh để trở về. - Chi hét lên: - Họ cần anh…

Mấy nhân viên y tế nhìn nhau không hiểu hai người nói gì.

Gương mặt Trung đỏ bừng vì sốt, mắt dại đi, hầu như anh đã hoàn toàn kiệt sức. Chi nắm chặt tay anh và cúi xuống, nhưng Trung đã khép mắt lại rồi. Anh rơi vào trạng thái hôn mê. Hai nhân viên y tế đưa Trung xuống xe cũng là lúc người ta phun khử khuẩn toàn bộ căn phòng, khu hành lang và cầu thang. Khi chiếc xe chở Trung khó nhọc bò trong tuyết khuất dần, Chi và Lynh vẫn đứng thẫn thờ ở hành lang nhìn theo, phải đến lúc một nhân viên phun khử khuẩn đề nghị hai người vào phòng Chi mới bừng tỉnh. Cô bối rối xin lỗi vì đã làm phiền họ.

Buổi tối, ông Inou gọi điện báo cho Chi biết Trung mắc Covid và đã bị nhiễm vào phổi. Tuy nhiên, anh đã qua cơn nguy kịch. Liền đó ông vui mừng thông báo cho hai người biết là Bộ Lao động Japan vừa quyết định cho những người lao động bất hợp pháp được gia hạn Visa sáu tháng một lần. Điều đó giúp tháo gỡ khó khăn cho các công ty trong điều kiện thiếu hụt lao động trầm trọng. Chi vui mừng ôm lấy Lynh và khoe rằng ông Inou bảo hết thời gian cách ly, ông sẽ đến đưa hai đứa đi làm giấy tờ. Hưởng ứng niềm vui của bạn, Lynh lôi trong ba lô ra hai gói mì tôm và nấu cho mỗi đứa một bát.

- Mấy ngày nữa hai đứa mình vào viện thăm Trung nhé - Chi nói trong lúc đưa bát mì lên miệng.

- Sao phải vội… còn lâu mới hết cách ly.

- Chắc anh ấy ổn rồi, tớ muốn nói cho anh ấy biết việc được gia hạn Visa.

- Mê trai rồi đấy - Vừa nói Lynh vừa nháy mắt cười.

Chi đỏ mặt phản đối, nhưng khi vừa ăn xong bữa tối cô đã ra đứng nơi hành lang chung cư nhìn xuống. Cả không gian vẫn một màu tuyết trắng. Cửa phòng của bà già Haruhi và các phòng bên vẫn đóng im ỉm. Cô mong ngày mai, ngày kia và cả tuần tới nắng ấm lên để tuyết tan nhanh và cô gọi được tắc-xi đưa vào viện thăm Trung. Cô cầu mong bệnh dịch qua nhanh và cuộc sống bình yên trở lại.

Những lo lắng của Chi đang tan dần, cô quay vào phòng với Lynh và khe khẽ cất tiếng hát.

K.U
(TCSH51SDB/12-2023)

 

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Lão Cao (15/03/2024)
Các bài đã đăng
Cây cảm xúc (04/12/2023)
Phấn Di (28/11/2023)
Chứng nghiệm (23/11/2023)
Tung đồng xu (06/11/2023)
Ảo ảnh Tây Thi (10/10/2023)