LỆ HẰNG
Trong giọng nói tôi
Năm mười tám, lần đầu tôi đi xa, đến nơi người ta nói như hoa như ngọc
Tôi cất lên trằm trịa đất đá, bùn non, lúa lép
Họ cười tôi vì chất giọng quê hương
“Mày quê ở đâu?”, họ hỏi.
“Quê tôi? Tôi có biết?”
Tôi muốn độn thổ, sao họ cười tôi
có phải mặt đất trù phú tiếng cười
mà cằn cỗi cảm thông
ai đã hình thành, uốn nắn, dung dưỡng giọng nói tôi
tôi đổ lỗi quê cha đất tổ
tôi không thể giấu điều gì giữa đôi môi của mình,
chiếc lưỡi cục cằn hay một vố chơi khăm.
“Con chim có tổ, con người có tông.”
Có tiếng nói cất lên
từ sâu thẳm
Mặt đất dưới chân tôi đóng lại cánh cửa cuối cùng,
Đôi môi tôi mở ra,
một cánh đồng mở ra
chạy đến rất cuối buổi hoàng hôn tơ lụa
nơi tiếng cười cù lét mặt trăng,
sương tắm gội bạch đàn,
gió cuối mùa chín rục,
con chim sẻ khóc một mùa màng trong lồng ngực
ngày thất bát, tót rạ như kim khâu vá bầu trời
phân trâu đất sét bện vách nhà
hai vai cha tôi gánh buổi chiều giông bão
mẹ tôi nuôi lớn ước mơ tôi trên đôi tay rễ cây khô khốc
chiếc ti vi lỗi thời chiếu trận bóng yêu thích
trắng đen, tôi không thể nhìn ra đội bóng của mình
đen trắng, mọi thứ không có màu sắc khi tôi xấu hổ
nhưng quê hương phát ra tiếng nói sắc màu
trên những nỗi đau
có bài thơ vỗ cánh bay lên
đây, cuống họng một cánh đồng.
Tôi lớn cao lên, thế giới rộng ra nhiều
thế giới sâu hơn sau những đường biên hút gió
Người ta vẫn hỏi “Mày quê ở đâu?”
Giọng nói tôi không giấu giếm điều gì, “Tôi, người Việt.”
Không giấu diếm, ngay cả khi tôi uốn lưỡi theo cách khác
thứ ngôn ngữ xa lạ
những phụ âm ngỗ nghịch
những nguyên âm thách thức
tiếng mẹ đẻ mỉm cười trong từng cái bật hơi
từng âm tiết nối đuôi đi về kiêu hãnh
và tôi kiêu hãnh
không phải về vùng đất của mình, mà về tình yêu tôi dành cho nó
không phải về ngôn ngữ của mình, mà về ý thức tôi dành cho nó
bên trong giọng nói tôi là đất đá, bùn non, lúa lép
bên trong giọng nói tôi là cha mẹ tôi
anh chị tôi, người Việt tôi, nước Việt tôi
và bản thể tôi.
(TCSH48SDB/03-2023)