Thơ dịch
Thơ của các tác giả Giải Nobel
09:52 | 08/01/2021


Louise Glück - Jaroslav Seifert - Wislawa Szymborska - Pablo Neruda - Boris Pasternak

Thơ của các tác giả Giải Nobel
Louise Glück - Ảnh: internet

LOUISE GLÜCK
(Giải Nobel Văn học 2020)

Cái nhìn hoang dã

Tận cùng đau khổ của tôi
đã có sẵn một cánh cửa.


Hãy nghe tôi nói đây: cái mà bạn gọi là cái chết - tôi nhớ rõ.

Trên đầu chúng ta, những tiếng động, những nhành thông chuyển mình.
Rồi chả còn gì. Mặt trời yếu lả
nhấp nháy nhạt nhòa trên bề mặt hanh khô.


Thật kinh hoàng để sinh tồn
khi ý thức
bị vùi chôn trong lòng đất tối thẳm.
Sau đó, chấm dứt: điều mà bạn sợ hãi
là một linh hồn không thể thốt lên,
mọi chuyện chấm dứt đột ngột,
mảnh đất cứng nhắc khẽ cựa mình.


Và những gì tôi trở thành
chính là mấy cánh chim lao đi trong bụi cây lấp thấp.


Bạn không nhớ nổi
hành trình từ thế giới bên kia
tôi nói với bạn rằng tôi có thể nhắc lại: bất cứ thứ gì
quay trở lại từ sự lãng quên, rồi sẽ quay trở lại
để tìm thấy một tiếng nói:


từ trung tâm cuộc đời tôi hiện ra
một con suối khổng lồ, những bóng hình thăm thẳm
rọi xuống mặt nước biển màu thiên thanh.



Mơ ước

Anh nhớ dạo đó anh đã từng mơ ước?

Tôi từng ước lắm chuyện trên đời.

Lần đó tôi đã dối anh
về cánh bướm. Tôi luôn tự hỏi
anh ước điều gì.

Anh nghĩ tôi ước điều gì?

Tôi chả rõ. Rằng tôi sẽ quay lại,
rằng cuối cùng bằng cách này hay cách khác
chúng ta sẽ ở bên nhau.

Tôi đã ước ao có trong tay những gì tôi luôn ao ước.
Tôi đã ước một bài thơ khác.



Giao lộ

Cơ thể ta ơi, giờ chúng ta sẽ không còn đồng hành cùng nhau lâu hơn nữa
Ta bắt đầu cảm thấy một nỗi đau mới mẻ ở nơi ngươi, rất thô sơ và xa lạ,
như những gì ta nhớ về tình yêu khi ta còn rất trẻ -

tình yêu thường hay ngu ngốc về mục tiêu
nhưng không bao giờ khờ khạo trong lựa chọn và cường độ
Cứ đòi hỏi trước quá nhiều - quá nhiều mà không thể hứa hẹn được điều chi

Tâm hồn ta đã từng quá sợ hãi, quá hung bạo;
tha thứ cho sự hăm hở của nó đi
Như thể nó là linh hồn kia, bàn tay ta di chuyển trên cơ thể ta
một cách rất thận trọng,

chẳng mong chi sự xúc phạm
nhưng cuối cùng, hăng hái thể hiện thực chất:

chính ra, ta sẽ không nhớ cõi đời này
mà ta nhớ ngươi.


                        Trần Như Luận dịch




JAROSLAV SEIFERT
(Nhà thơ Czech - Giải Nobel Văn học 1984)

Đoạn rời một lá thư

Mưa suốt đêm tạt vào cửa sổ
Không thể nào ngủ
Tôi trở dậy bật đèn
Ngồi viết một lá thư.


Nếu tình yêu có thể bay xa
Điều tất nhiên chẳng xảy ra
Và nó cũng không mấy khi ở gần mặt đất
Hẳn nó sẽ cảm thấy mê say được ấp ủ
Trong cơn gió nhẹ thoảng qua.


Nhưng giống như những con ong giận dữ
Dồn những chiếc hôn ghen tị
Trên cơ thể con ong cái ngọt ngào
Và một bàn tay nóng vội
Níu chặt những gì có thể với tới
Và lòng khao khát thì chẳng hề suy giảm
Ngay cả cái chết cũng có thể xảy ra
trong khoảnh khắc hân hoan
mà không hoảng sợ


Nhưng nào ai đã một lần tính được
Bao nhiêu yêu thương gởi gắm
Trong đôi vòng tay rộng mở.


Những lá thư gửi cho phụ nữ
Tôi vẫn chuyển qua cánh chim bồ câu
Ý thức tôi vẫn luôn sáng tỏ
Chẳng bao giờ nhờ cậy diều hâu
Và cũng không nhờ chim ó đâu!


Dưới ngòi bút tôi thơ không còn bay nhảy
Và như giọt lệ đọng lại nơi khóe mắt
Con chữ còn treo lại đằng sau.
Và cuộc đời tôi, đến thời kỳ cuối,
Giờ chỉ là chuyến hành trình hối hả trên con tàu:
Tôi đứng trong toa, bên cửa sổ
Ngày qua ngày
Chạy ngược về quãng thời gian qua
Để lẫn vào đám bụi mờ u sầu
Có nhiều lúc tôi bất lực nắm lấy
Cái phanh cấp cứu của con tàu.


Có lẽ sẽ thêm một lần tôi bắt gặp
Nụ cười một người phụ nữ,
Đọng lại nơi mí mắt
Như một cánh hoa héo hắt.
Có lẽ tôi sẽ còn được phép
Gởi đến đôi mắt nàng ít nhất là một nụ hôn
Trước khi chúng lạc mất trong bóng tối đen.


Có lẽ sẽ thêm một lần tôi nhìn thấy
Một mắt cá chân thon nhỏ
Nổi lên như viên ngọc
Toát ra vẻ dịu dàng ấm áp,
Khiến tôi gần như nghẹt thở vì khát khao.


Bao nhiêu điều con người đành bỏ lại phía sau
Khi chuyến tàu dửng dưng tiến lại gần
Ga Quên Lãng
Với khu vườn lan nhật quang lung linh mờ ảo
Trong hương hoa mọi thứ đều bị lãng quên
Kể cả tình yêu nhân thế.


Đây đã là ga cuối:
Con tàu không đi xa hơn.




WISLAWA SZYMBORSKA
(Nhà thơ Ba Lan - Giải Nobel Văn học 1996)

Không có gì hai lần

Không có gì xảy ra hai lần
Thực tế mọi chuyện đều đúng vậy
Ta sinh ra chỉ tình cờ thôi đấy
Rồi chết đi chẳng tính trước được đâu.


Cho dù chỉ là người lười nhác
Và tối dạ nhất ở trên đời
Ta chẳng thể nào học lại lớp:
Khóa học chỉ mở một lần thôi.


Không ngày nào mô phỏng ngày hôm trước
Không có hai đêm trao cùng niềm hạnh phúc
Và cũng sẽ không làm sao có được
Hai nụ hôn, hai tia nhìn giống hệt nhau


Ngày hôm qua em nghe như có tiếng
Ai nhắc tên anh, bất chợt, khác thường
Em cảm thấy như bông hồng chao liệng
Rơi vào phòng, ngan ngát mùi hương.


Hôm nay đây khi ta ở gần nhau
Em mải nhìn lên tường lặng lẽ
Một đóa hồng. Có phải là như thế?
Một bông hoa? Hay là viên đá, biết đâu?


Sao ta cứ nhìn ngày tháng lướt trôi
Với sợ hãi, với âu lo vô ích?
Rất thường tình, mọi thứ rồi sẽ mất,
Ngày hôm nay còn đâu nữa đến mai.


Nở nụ cười, và ôm nhau thắm thiết
Ta cố tìm sự thân thiện hòa đồng
Dẫu thực lòng chúng ta vẫn từng biết
Mình khác nhau như hai giọt nước trong.




PABLO NERUDA
(Nhà thơ Chile - Giải Nobel Văn học 1971)

Tiếng em cười

Nếu em muốn cứ lấy đi không cho anh thức ăn,
Lấy đi cả không khí, nhưng
Đừng lấy đi tiếng em cười khỏi anh.


Đừng lấy đi đóa hồng,
Nụ hoa em đã hái
Giọt nước bất chợt
Vui mừng bắn tóe ra
Con sóng bạc
Tình cờ hiển lộ nơi em.


Cuộc đấu tranh gian lao và anh trở về,
Với đôi mắt mệt mỏi
Vì nhiều lúc đã phải nhìn
Trái đất chẳng hề thay đổi
Nhưng khi tiếng em cười
Vang vọng lên không trung tìm kiếm anh
Nó đã mở ra cho anh tất cả
Cánh cửa của nhân sinh.


Em yêu, trong giờ phút đen tối nhất,
Tiếng em cười bật ra,
Và nếu bất chợt
Em thấy máu anh nhuộm bẩn
Gạch đá con đường,
Thì em hãy cười lên, vì tiếng em cười
Sẽ là thanh kiếm mới
Trong tay anh.


Bên cạnh biển trong mùa thu,
Tiếng em cười hẳn sẽ làm cuộn lên
Dập dồn sóng bạc.
Và, vào mùa xuân, em yêu,
Anh muốn tiếng em cười giống như
Đóa hoa anh hằng chờ đợi,
Đóa hồng xanh vọng tưởng quê hương.


Em hãy cười nhạo buổi tối,
Cười ban ngày, cười ánh trăng,
Hãy cười nhạo những con đường
Ngoằn ngoèo trên đảo,
Hãy cười nhạo chàng trai vụng về
Đang yêu em.
Nhưng khi anh
Mở mắt rồi nhắm lại,
Khi anh bước ra đi,
Khi anh bước trở về,
Em có thể khước từ anh thức ăn, không khí,
Ánh sáng, mùa xuân,
Nhưng đừng bao giờ lấy đi tiếng em cười,
Vì anh sẽ chết mất, em ơi!




BORIS PASTERNAK
(Nhà thơ Nga - Giải Nobel Văn học 1958)

Mùa thu

Anh đành để cho gia đình phân tán
Bao người thân thiết lưu lạc khắp nơi
Một lần nữa, nỗi cô đơn dằng dặc
Vây bủa hồn anh, tràn ngập đất trời.


Túp lều tranh, em và anh ẩn náu
Khu rừng hoang vu không một bóng người
Lối cũ đường mòn, như lời bài hát,
Cỏ dại lan tràn phủ khắp nơi nơi.


Chỉ chúng ta thôi đang ngồi ở đấy
Bức tường gỗ mục buồn bã nhìn ta
Dẫu không hứa phải vượt qua trở ngại
Ta vẫn thực lòng chấp nhận chia xa.
Ta vẫn bên nhau qua bao giờ khắc
Anh đọc sách và em bận vá may
Khi ta ngừng, thôi không hôn nhau nữa
Ta nào hay đêm đã chuyển sang ngày.


Hỡi lá rừng, hãy cứ rơi xào xạc
Lộng lẫy hơn và cũng kiêu sa hơn.
Trong chiếc cốc đắng cay ngày tháng cũ
Sầu khổ hôm nay hãy rót cho tràn.


Tất cả quyến luyến, hân hoan, say đắm,
Ta tan vào trong ầm ĩ mùa thu
Hãy vùi đắm trong tiếng thu xào xạc
Cứ lặng im hay có thể điên rồ!


Em ngã vào vòng tay anh âu yếm
Tấm thân son trong vải lụa óng mềm
Em khẽ lắc cho xiêm y trút xuống
Như cây rừng trút hết lá rất êm.


Em hạnh phúc trên đường anh khổ luỵ
Khi cuộc sống tồi hơn cả thương đau
Và can đảm là cội nguồn cái đẹp
Chính là điều đưa ta đến với nhau!


Việt Phương dịch
(TCSH382/12-2020)




 

 

Các bài mới
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Các bài đã đăng
Trang thơ da đen (30/08/2019)
Trang thơ Adonis (04/01/2018)
Thơ Jan Wagner (02/05/2017)