Phê bình toàn cảnh
Dấu ấn Trần Đình Hượu trong nghiên cứu Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa, văn học Việt Nam
15:08 | 10/02/2015

1. Lịch sử nghiên cứu Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo  đối với văn hóa, văn học Việt Nam đã có một bề dày rất đáng kể với nhiều thế hệ tác giả, nhiều công trình, nhiều phương hướng chiếm lĩnh đối tượng khác nhau.

Dấu ấn Trần Đình Hượu trong nghiên cứu Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa, văn học Việt Nam
Học giả Trần Đình Hượu

Trong khoảng bảy thập kỷ đầu của thế kỷ XX, nhiều vấn đề về nó đã được đề cập, luận bàn. Tưởng như khó có thể nói gì hơn!... Sự xuất hiện Trần Đình Hượu với các bài viết bàn về Nho giáo (từ những năm 70 của thế kỷ XX) và những công trình tiếp nối của ông (Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930; Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại; Đến hiện đại từ truyền thống; Các bài giảng về tư tưởng phương Đông) (1)… khiến giới nghiên cứu không khỏi ngỡ ngàng. Thì ra, với một đối tượng nghiên cứu đã thuộc về quá khứ, từng được “cày xới”, “lặp đi lặp lại” đến mức nhàm chán, qua cái nhìn khoa học mới vẫn có thể mang tính cập nhật, thời sự, vẫn có thể gợi ra nhiều điều mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.

Có thể tìm thấy nhiều bài học kinh nghiệm sáng giá về nghiên cứu Nho giáo từ Trần Đình Hượu. Đối với ông, vấn đề không phải là “làm mới” đối tượng, mà là ở chỗ phải có cái nhìn khoa học mới về nó, phát hiện đích đáng bản chất cũng như sự hiện tồn với những giá trị và phản giá trị của nó, từ đây để có thể lựa chọn một thái độ ứng xử công bằng, khôn ngoan với di sản quá khứ, nhằm tìm kiếm một mẫu hình có thể được cho một xã hội hiện đại, văn hóa hiện đại, con người hiện đại trên đất nước mình. Nhiều đề xuất của ông mang tính chiến lược, tính thực tiễn nóng hổi. Đọc Trần Đình Hượu, người ta thấy dễ vào, dễ thấm. Sức thuyết phục của các bài viết, các công trình của ông không chỉ ở ý tưởng, tư tưởng, mà còn ở lập luận, cách viết. Nỗ lực, ráo riết tìm một con đường riêng với lối viết dung dị, thiết thực; không theo lối “tầm chương trích cú”, “liên miên” làm phức tạp hóa, “rối hóa” vấn đề; không đại ngôn, “nói lấy được” thiếu thực chứng; không áp đặt, cực đoan,... Đấy là phong cách khoa học của Trần Đình Hượu.

2.  Đến với nghiên cứu Nho giáo, ngoài các thứ vốn cần có cho bất cứ nhà nghiên cứu nào (vốn học vấn, vốn sống, vốn văn hóa,…), Trần Đình Hượu có những lợi thế mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng có được. Trước hết, trên phương diện lý thuyết, ông có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về triết học cổ đại Trung Quốc, về lịch sử tư tưởng và triết học cổ phương Đông nói chung, Nho giáo nói riêng. Nho giáo cũng như bất cứ một học thuyết hay tôn giáo nào trong tiến trình lịch sử cũng đều có những bất biến và khả biến, những khả thủ và phái sinh, những ưu điểm và hạn chế, những tích cực và tiêu cực… Trước một đối tượng như vậy, nhà nghiên cứu rất dễ bị cuốn hút, hấp dẫn về một phía, dẫn tới những phiến diện, cực đoan, hoặc chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng, và ngược lại. Thấy trước điều đó, Trần Đình Hượu đã từng khuyến cáo - và cũng là bắt bệnh trong nghiên cứu Nho giáo xưa nay: “Vì chọn cái gì đó, ai đó là Nho không xác định cho nên khi đi thẳng vào bàn tính tích cực, tính tiêu cực, ý kiến rất phân tán, tùy thuộc một mức độ khá lớn vào tình cảm, định kiến chủ quan. Muốn nói là tích cực thì lấy cái này, bỏ cái kia, và muốn nói là tiêu cực thì làm ngược lại”… Với tư cách là nhà nghiên cứu nghiêm túc, có tư tưởng, có phương pháp luận riêng, khách quan, trung thực, Trần Đình Hượu đã không hề rơi vào cực đoan, phiến diện. Những gì ông nói, ông viết tuy không phải tất cả đều thấu triệt, có chỗ mới vỡ vạc, nhưng về cơ bản, cho đến giờ phút này, dám khẳng định là rất nhất quán, hệ thống, khó tìm ra chỗ phải “đính chính”, “hiệu chỉnh”. Hơn thế, không ít ý kiến của ông đã trở thành định luận có thể làm chỗ dựa đáng tin cậy, hoặc gợi mở hướng tiếp cận triển vọng cho lớp người sau.

Không dừng lại ở phương diện tìm hiểu lý thuyết với những thao tác phân tích, tổng hợp, luận giải khoa học, nhằm tìm cho ra bản chất và quy luật của đối tượng - một việc làm không dễ chút nào, nhất là với một kiểu triết thuyết đầy phức tạp như Nho giáo. Trần Đình Hượu còn vượt xa hơn thế nhiều. Đối với ông, “nghiên cứu là cho thực tế, và từ thực tế để nghiên cứu”; nghiên cứu Nho giáo, điều quan trọng là phải thấy được sự “vận hành” của nó trong thực tiễn (trong đời sống xã hội, gia đình, họ hàng, làng, nước; trong văn hóa, văn học, nghệ thuật,…).

3. Ngay từ những ngày đầu đến với Nho giáo, Trần Đình Hượu đã “muốn nhìn từ nhiều phía để hình dung Nho giáo như nó tồn tại thực”, muốn “cắm một số  tiêu vè để tìm con đường đến đối tượng, đến phương pháp nghiên cứu thích hợp”. Thủy chung không mỏi trên hành trình thâm canh đối tượng này, Trần Đình Hượu thực sự đã vạch ra được những định hướng, cắm được những “tiêu vè” xác đáng, có sức kích hoạt giới nghiên cứu tập trung hơn vào Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa, văn học Việt Nam theo hướng mà ông đã chọn.

Điều quan trọng cần nói trước hết là về phương pháp luận trong nghiên cứu Nho giáo. Từ rất sớm, Trần Đình Hượu đã chủ trương “chống chủ quan trong nghiên cứu bằng một phương pháp cụ thể” (trong lúc khởi phát của Trần Đình Hượu là từ địa hạt triết học - tư tưởng). Ông đề nghị (và trên thực tế ông đã thực thi, triển khai): “phải vận dụng phương pháp của nhiều ngành khoa học” (liên ngành); một mặt phải bao quát được Nho giáo qua nhiều hiện tượng phức tạp, đa dạng, đa trị, mặt khác từ muôn mớ hỗn hợp lùng nhùng ấy, phải xác định được “cái lõi” và “khả năng biến dạng” của Nho giáo cả trên phương diện lý thuyết và “sự vận động của nó trong thực tế rộng rãi, cụ thể, đa dạng và lịch sử”, để “không bị những hiện tượng đa dạng làm rối trí, không rơi vào mô tả liên miên, không coi là phổ biến cái đơn nhất, không lấy cân nhắc chủ quan thay cho phân tích khoa học”…

Thứ hai, về cấu trúc, chức năng, nội dung và các hình thái, thể thức của Nho giáo. Đây là những vấn đề quá phức tạp, có thể “cãi nhau” đến mãn kiếp cũng không xong vì rất dễ mỗi người một ý, dễ suy diễn, “tái cấu trúc” đối tượng theo nhiều hướng khác nhau… Lường trước và tránh những hệ luận vô bổ không cần thiết ấy, Trần Đình Hượu đã dựng lên được một hệ thống hợp lý, xác thực các thành tố cấu thành bản thân đối tượng (Nho giáo), cố gắng bàn dứt điểm từng thành tố, xâu chuỗi nó lại theo một logic như là tất yếu của nó, mô hình hóa nó. Hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng cũng như các phương pháp diễn dịch hoặc quy nạp trong luận bàn về đối tượng được nhà nghiên cứu tổ chức một cách chặt chẽ. Từ phát hiện Nho giáo với chế độ chuyên chế phương Đông, với cơ chế chính trị - xã hội cụ thể và mô hình hóa nó = Chuyên chế + làng, họ + gia đình,… Trần Đình Hượu đã bàn về các bộ phận cấu thành, những quy luật kết hợp, và hệ thống khái niệm của Nho giáo (từ Nho giáo Trung Quốc đến Nho giáo Việt Nam); về bản chất (Trần Đình Hượu gọi là “phần thực chất của Nho giáo”), về cái bất biến, đặc biệt là cái khả biến (Trần Đình Hượu gọi là “biến dạng”) của Nho giáo trong lịch sử qua sự tiếp thu, cải biến của các chủ thể phong kiến Việt Nam… Cũng trên cái nền đó, Trần Đình Hượu đã chỉ ra đích đáng Nho giáo với vấn đề nhân bản, dân bản; Nho giáo với cuộc sống nông thôn và cung đình (gắn bó), với đô thị (xung khắc); Nho giáo và Nho học ở Việt Nam, nhà nho Việt Nam; Nho giáo với vấn đề truyền thống và hiện đại,…Trần Đình Hượu là một trường hợp tiêu biểu trong số ít người có khả năng bao quát và tóm lược hữu hiệu tinh thần cơ bản cũng như sức sống dai dẳng / lâu bền của Nho giáo, từ đó có hướng ngăn chặn những tàn dư và khai thác tính năng sản của nó vì nhu cầu của hiện đại và tương lai.

4. Với khả năng ưu trội trong phát hiện và xác định ảnh hưởng nhiều mặt của Nho giáo đối với văn học, nghệ thuật, Trần Đình Hượu đã dày công khảo sát nhiều hiện tượng mang tính quy luật sâu sắc của văn học dân tộc. Đấy là văn học nhà nho (qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Đào Tấn, Nguyễn Thông,…); văn học nhà chí sĩ - kiểu nhà nho tiếp thu tư tưởng tư sản, tiên phong đi làm cách mạng (qua Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, đặc biệt qua Phan Bội Châu); văn học nhà nho tài tử trong xã hội tư sản (qua Tản Đà); văn học giai đoạn giao thời (qua sáng tác của nhiều kiểu nhà nho trong bối cảnh chuyển hướng từ văn học Hán – Nôm sang văn học bằng chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX); văn học hiện đại qua bước ngoặt hiện đại hóa trong lịch sử văn học phương Đông nhìn từ góc độ tính liên tục của lịch sử (qua Tự lực văn đoàn),... Một số vấn đề cơ bản khác của văn học Việt Nam có liên quan đến Nho giáo (Vấn đề phân kỳ lịch sử văn học dựa trên cơ sở xác định cái cổ điển, cái dân tộc; Vấn đề thực tại, cái thực và cách nhìn về chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại; Vấn đề loại hình - thể loại văn học; Vấn đề loại hình tác giả văn học Việt Nam trung cận đại)… Có thể thấy ở từng vấn đề, Trần Đình Hượu đều có những phát hiện, đúc kết quan trọng. Nhìn tất cả những vấn đề ấy trong một tập hợp, càng thấy tính hệ thống và nhất quán trong quan điểm và phong cách khoa học của Trần Đình Hượu.

Không ít những tiêu vè mà ông đã cắm, những định hướng mà ông đã vạch, có ý nghĩa mở hướng quan trọng cho học thuật nước nhà… Một thời gian dài, từ những năm bảy mươi của thế kỷ XX, thấy có nhiều ý kiến tập trung đi tìm sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam (xuất phát từ Truyện Kiều của Nguyễn Du); hoặc đề xuất một kiểu chủ nghĩa hiện thực phương Đông (2)... Vì muốn chứng minh cho sự xuất hiện, tồn tại của kiểu chủ nghĩa hiện thực ấy, các tác giả đã không tránh khỏi những lúng túng, bất cập, mâu thuẫn, áp đặt... Cho đến khi xuất hiện bài viết “Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại” (3), hướng nghiên cứu đã có những chuyển biến, thay đổi tích cực theo đề xuất của Trần Đình Hượu: “Hướng vào thực tại bằng tâm, chí, không dắt văn học đến con đường hiện thực”,… “nhìn thực tại thành cuộc đời, thành cuộc đánh ghen của trời, mệnh với tài, tình khó nhìn đúng những điều trông thấy” (4)... Cũng suốt một thời gian dài (kể cả hiện nay, do sự phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc) mối quan hệ giữa các thành tố ngoại lai và bản địa, Nho và Việt bị nhìn nhận thiếu tỉnh táo, thiên lệch, thậm chí là cực đoan. Đã từng có hai khuynh hướng, hoặc tuyệt đối hoá ảnh hưởng của cái ngoại lai / Nho giáo đối với văn học dân tộc; hoặc ngược lại, chứng minh cái dân tộc hoàn toàn chống đối, xung đột với cái ngoại lai / Nho giáo, từ đấy thấy cái dân tộc mới thực sự là cái làm nên giá trị... Quan điểm muốn loại trừ các tác phẩm viết bằng chữ Hán ra khỏi văn học dân tộc là biểu hiện của tinh thần cực đoan vừa nêu (5). Quan điểm của Trần Đình Hượu hoàn toàn khác. Theo ông, cái dân tộc và cái ngoại lai, cái Việt và cái Nho (qua lựa chọn và tiếp thu của các nhà Nho Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... đến Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,...) là không bài xích, triệt tiêu nhau mà hoàn toàn có khả năng kết hợp, bổ sung cho nhau để tạo nên giá trị mới, vẫn mang đậm tinh thần dân tộc…

Bóc tách, đối lập khiên cưỡng giữa cái ngoại lai và cái bản địa, cái Nho và cái Việt ở những “hợp chất” thành tạo giá trị, cũng như không thấy tính liên tục của một quá trình văn học từ truyền thống đến hiện đại, có nguy cơ sẽ dẫn đến những sai lầm, cực đoan… Đến hiện đại từ truyền thống là một đề xuất quan trọng của Trần Đình Hượu không chỉ đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc, mà còn đối với cả việc tìm kiếm một mô hình nhân cách và chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

5. Dấu ấn Trần Đình Hượu trong nghiên cứu Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa văn học Việt Nam rõ ràng là hết sức đậm. Có thể nói đóng góp của ông trên lĩnh vực này là khó có thể thay thế. Tuy nhiên ở đây, không phải không còn những điều khiến chúng ta băn khoăn. Chẳng hạn về khái niệm “cận đại” trong lịch sử văn học dân tộc mà ông thường dùng (“văn học Việt Nam trung cận đại”); về ba loại hình tác giả nhà nho trong văn học Việt Nam mà ông khái quát và định danh (“nhà nho hành đạo”, “nhà nho ẩn dật”, “nhà nho tài tử”); về việc soi xét Nho giáo chủ yếu qua lăng kính của Chủ nghĩa Mác),... Có lẽ, nên xem đây như là những vấn đề, những dấu hỏi mà nhà nghiên cứu đặt ra cho lớp người sau tiếp tục suy ngẫm, tìm lời giải thích đáng...

Vinh, 05.02.2015
Nguồn: Biện Minh Điền[*] - VHNA

(1). Trần Đình Hượu: - Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988; - Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995; - Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội, l996; - Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (Lại Nguyên  Ân ghi), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001.
(2). Đỗ Đức Dục,“Suy nghĩ về vấn đề xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 4/1971; - Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1970; v.v...
(3), (4). Trần Đình Hượu, “Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại”, in trong Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995, tr. 414 - 499.
(5). Ý kiến của các học giả: Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Tố, Trương Tửu, Hoài Thanh...,  (đăng trên tạp chí Thanh Nghị, số 1/4/1942, số 16/4/1943, số 92 tháng 11/1944),...
 
 


[*]Trường Đại  học Vinh



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dịch là khác (19/01/2015)
Bùi Giáng "chơi" (09/01/2015)