Phê bình toàn cảnh
Tinh thần Phật giáo trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
10:04 | 30/07/2021

Ở thời điểm hiện tại, bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý LyMẫu Thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh đã trở thành đề tài bàn luận của nhiều hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu.

Tinh thần Phật giáo trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
Ảnh: internet

Tuy vậy, với kết cấu khung đa tầng và lớp truyện kể rậm rạp chi tiết, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh vẫn còn nhiều điểm hấp dẫn, cần được nghiên cứu từ những góc độ mới. Bài viết này vận dụng lí thuyết diễn ngôn làm cơ sở nghiên cứu mô hình truyện kể của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, xác định Phật giáo và căn tính dân tộc như là bài học xuyên suốt Hồ Quý LyMẫu Thượng ngàn và Đội gạo lên chùa.


Tinh thần Phật giáo trong những cuộc bể dâu dân tộc

Bối cảnh của Hồ Quý LyMẫu Thượng ngànĐội gạo lên chùa đều là thời kì khủng hoảng chính trị, khủng hoảng văn hóa. Nước Đại Việt thời cuối nhà Trần sang nhà Hồ là bối cảnh của Hồ Quý Ly. Cuộc xâm lược của người Pháp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là bối cảnh của Mẫu Thượng ngàn. Quãng thời gian từ kháng chiến chống Pháp đến hết kháng chiến chống Mĩ là bối cảnh của Đội gạo lên chùa. Tuy xây dựng truyện kể trong khung lịch sử thời loạn nhưng các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh không đặt trọng tâm ở các vấn đề chính trị, nhà nước mà phát triển hệ chủ đề xung đột văn hóa, tư tưởng xử thế giữa các cộng đồng, lực lượng xã hội. Hồ Quý Ly xây dựng truyện kể xoay quanh xung đột xử thế giữa Phật giáo và Nho giáo. Mẫu Thượng ngàn xoay quanh xung đột văn hóa bản địa và ngoại lai. Đội gạo lên chùa chủ yếu xoay quanh quan hệ xung đột tư tưởng xử thế giữa Phật giáo và cách mạng quốc gia. Cần lưu ý rằng, dưới ánh sáng lí thuyết diễn ngôn, thế giới tồn tại trong ta như nó được kiến tạo chứ không phải như nguyên bản, toàn vẹn. Theo đó, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh trước hết là một kiến tạo lịch sử dân tộc với câu chuyện về những thăng trầm của đạo Phật qua các thời kì.

Đặt truyện kể vào khung lịch sử thời loạn, mạt, Hồ Quý LyMẫu Thượng ngànĐội gạo lên chùa phát triển hệ chủ đề xung đột tư tưởng xử thế giữa Phật giáo và các tư tưởng hệ khác. Hồ Quý Ly trải ra câu chuyện bể dâu của dân tộc và những thăng trầm của đạo Phật. Nổi lên ở bề mặt truyện kể là mối quan hệ xung đột giữa phe thủ cựu (Trần Nghệ Tông và vương triều nhà Trần) và phe canh tân (Hồ Quý Ly và các cộng sự). Xung đột giữa phe thủ cựu và phe canh tân là xung đột quyền lực thống trị, nhưng có can hệ trực tiếp đến đạo Phật. Nói khác đi, đó chỉ là bề nổi của xung đột sâu xa hơn giữa Phật giáo và Nho giáo. Hồ Quý Ly xét thấy việc nhà Trần trị nước theo tư tưởng Phật giáo là nguyên nhân chính khiến đất nước loạn lạc. Ông thu hẹp sự phát triển của Phật giáo: lấy chùa làm trường học dạy nhân tài, lấy ruộng chùa cho dân nghèo cày cấy, bắt sư sãi trẻ hoàn tục, đi lính. Chống Phật giáo là chống tinh thần và ý chí toàn dân. Điều đó khiến ông tổn hao tâm sức. May cho ông, những người theo tư tưởng Phật giáo không ủng hộ nhưng cũng không hành động chống trả vương quyền. Họ sống và hành đạo trong nhân dân, được nhân dân tin, bảo vệ.

Hồ Quý Ly tôn vinh Nho đạo. Đó là thứ Nho chuyên chú vào sức mạnh kỉ luật, pháp cương, chứ không phải là Nho đạo của kẻ sĩ “ngu trung” trong thiên hạ. Ông xét lại tiền nhân, viết Minh Đạo luận giảng giải cái “chí” của Nho giáo, cũng là chí canh tân bài hủ ông theo đuổi. Dù thế nào, tư tưởng xử thế của Nho giáo đều cổ vũ con người dấn thân, hành động. Cách Hồ Quý Ly cùng thuộc hạ thực hiện cuộc duy tân đất nước hay cách phe phái Trần Nguyên Hàng, Trần Khát Chân chống lại Hồ Quý Ly đều là cách hành xử của kẻ sĩ Nho giáo mang tinh thần nhập thế. Ở cực này hay cực khác họ đều hung hăng, nhiệt tình thái quá. Tất cả bị hút vào vòng xoáy quyền lực, tan biến vào sự mê cuồng giết chóc. Ai cũng tuyên xưng vì nước hành động, nhưng hồn nước là gì thì họ không hiểu được. Hay chính vì không hiểu hồn núi sông nên biến mình thành con thiêu thân lao vào trò chơi vương quyền không lối thoát.

Ngược lại với nét “dương tính” của Nho giáo, tư tưởng Phật giáo thiên về “âm tính”: hướng nội, chủ về phần tâm của con người, lấy tâm từ bi và nguyên tắc xử thế “tùy duyên” làm lẽ sống. Phạm Công - nhạc phụ của Hồ Quý Ly - tâm niệm: đạo Phật là “cái tâm” của con người, sâu thẳm như giếng trời, nhưng không vì thế mà bài xích đạo khác. Ông dạy cháu ngoại là Nguyên Trừng: đọc tất cả, tâm hướng về nhà nào thì thuận theo đấy mà hành xử, tùy duyên mà sống, không khiên cưỡng. Trong cái nhìn của nhà Phật, tất cả những ai chủ về canh tân hay bảo thủ đều là những kẻ cuồng mê quyền lực, cuồng mê tín niệm trói buộc con người vào trật tự vĩnh cửu. Cuồng là trạng thái vô minh, thiếu hiểu biết, u mê, không thấy được cái lẽ tồn tại vô thường của vạn vật. Vì cuồng mê nên con người sinh lòng cố chấp, cừu hận, nôn nóng dùng bạo lực đổi thay thế giới theo ý muốn. Những người theo tư tưởng nhà Phật hiểu rằng hồn nước có nhịp đi của riêng nó. Ai đi nhanh đi chậm hơn hồn nước đều không thành sự. Thời mạt pháp, biết không thể dùng bạo tàn chống bạo tàn, sư Vô Trụ, Phạm Công, Sử Văn Hoa, Trần Nguyên Đán, Phạm Sinh chọn rời xa vòng xoáy quyền lực, nhận về mình trách nhiệm nuôi dưỡng phần âm của hồn nước, nuôi dưỡng mầm lành trong thiên hạ để một ngày chúng vươn dậy thành sức mạnh chống đỡ non sông.

Mẫu Thượng ngàn xây dựng truyện kể về quan hệ xung đột văn hóa giữa người Việt và người Pháp những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Đạo Phật trong bối cảnh ấy như là dấu lặng đau thương của hồn nước. Chùa làng (Cổ Đình) đổ nát, hoang tàn, sư sãi bỏ đi, tượng Phật bị quân Pháp ném xuống sông. Đạo Phật bị tàn phá tức là phần hồn đất nước bị chà đạp, nền văn hiến dân tộc bị đe dọa. Không phải ngẫu nhiên vào thời tao loạn chùa đổ, sư vãn, con người ta lại tìm về đạo Mẫu để tôn thờ và nương nhờ. Chăm sóc, nương nhờ đền Mẫu chủ yếu là phụ nữ. Rõ ràng, từ Hồ Quý Ly đến Mẫu Thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh giải đáp mối quan hệ gắn kết đạo Phật, đạo Mẫu và hồn dân tộc. Phật như Mẫu, Mẫu như Phật. Thời nào, đạo nào cũng là lối sống “âm tính” của người Việt, chở nặng hồn đất nước, gắn bó với nhân dân, nhất là người phụ nữ. Quan hệ của thím Pháo và ông hộ Hiếu canh chùa mang ý nghĩa sâu sắc về mối liên hệ, gắn kết tự nhiên giữa Phật giáo với đạo Mẫu.

Đội gạo lên chùa tiếp nối câu chuyện lịch sử dâu bể của dân tộc và những cuộc trầm luân của đạo Phật xuyên suốt thế kỉ XX. Tác phẩm thể hiện hệ tư tưởng nhà Phật qua câu chuyện cuộc đời những con người cá nhân. Đó là cuộc đời sư Vô Úy, Vô Trần, sư Khoan Độ, chú tiểu An. Con đường đến Phật giáo của họ có khác nhau: người vì niềm yêu mến, người vì cuộc đời đưa đẩy mà nương nhờ cửa Phật. Câu chuyện của Đội gạo lên chùa đặt ra vấn đề vai trò nhà Phật đối với lịch sử phát triển và số phận dân tộc trong thế kỉ XX. Mặt khác, đặt các tổ chức xã hội khác bên tư tưởng đạo Phật cho ta thấy rõ nét những đặc thù, cống hiến và hạn chế của chúng, mà nếu tiếp tục trên đà xử thế “dương tính” ấy, dân tộc sẽ trượt dài ở con dốc bạo lực, mông muội.

Hồ Quý LyMẫu Thượng ngànĐội gạo lên chùa nối kết nhau kiến tạo câu chuyện lịch sử bể dâu của dân tộc và những trầm luân của cơ sở Phật giáo. Có thể thấy, ở thời nào, trong cuộc va chạm với tư tưởng hệ nào, nhà Phật cũng chọn đứng xa tâm bão quyền lực. Và dù luôn đứng về phía quần chúng nhân dân lao động, đem tinh thần từ bi bác ái xây dựng một thế giới đại đồng, ủng hộ những tư tưởng, tổ chức bảo vệ đất nước nhưng Phật giáo không coi con đường cứu thế của mình là duy nhất. Người tu hành không tranh đoạt ngôi đầu thiên hạ, nhưng vẫn trở thành mục tiêu đấu tranh của các tư tưởng hệ khác.


Tinh thần Phật giáo được biểu hiện qua khung truyện kể

Nghệ thuật phản ánh cái vô hạn của thế giới trong không gian giới hạn. Khung được tạo ra để giới hạn khu vực sáng tạo của người nghệ sĩ, giới hạn phạm vi ngữ nghĩa. Khung, vì vậy, thuộc về kết cấu của tác phẩm. Mỗi loại hình nghệ thuật quy định kiểu khung riêng, phụ thuộc vào chất liệu và ý đồ sáng tạo. Khung của tác phẩm văn học được đánh dấu bởi hai yếu tố: mở đầu và kết thúc. Theo Iu.M.Lotman trong Kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, yếu tố “mở đầu” và “kết thúc” của khung tác phẩm văn học không tương đồng với phần mở đầu và kết thúc tác phẩm về phương diện vật lí, mà mang nghĩa là hướng phát triển vấn đề truyện. Điều này cũng có nghĩa là khung tác phẩm văn học bao giờ cũng đặt trên logic ngữ nghĩa của một thế giới quan, một tình trạng văn hóa.

Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh cơ bản phát triển truyện kể trong khung chung cục, mạt pháp nhưng đan cài lớp khung khởi nguyên và khung đương đại, tiếp nối nhau xây dựng huyền thoại về căn tính dân tộc: Phật tính. Biểu hiện rõ nhất của Phật tính trong con người là tâm hướng thiện và lòng từ bi trong mọi hoàn cảnh, từ đó mà sinh ra những huyền thoại về Phật tính. Hồ Quý LyMẫu Thượng ngànĐội gạo lên chùa có cách mở đầu và phát triển truyện chủ yếu trong lớp khung chung cục: loạn - lạc - lầm - diệt. Chung cục đồng nghĩa với mạt (mạt thế, mạt vận, mạt pháp). Mạt thì loạn. Loạn tất sẽ lạc, chia rẽ, xung đột. Lạc tất có những lựa chọn khác biệt. Lựa chọn trong cái loạn thì có đúng đắn, có sai lầm (lầm đường, lầm lối, lầm lỗi, lầm than). Đúng thì tồn tại phát triển. Lầm thì diệt. Ở đây, diệt không có nghĩa là kết thúc mà quay về cái khởi nguyên. Khởi nguyên là nguồn cội, mở đầu, khởi lập, khởi nghiệp, trở về, hồi sinh. Có khởi nguyên là có tồn tại, nên như một tất yếu truyện kể đưa thế giới về cái đương đại đang phát triển. Quan hệ chung cục - khởi nguyên trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh có thể khái quát thành sơ đồ: ra đi - trở về - chuẩn bị hành trình mới. Và như vậy, một huyền thoại được xác lập, tuần hoàn vĩnh cửu.

Trong Hồ Quý Ly, khởi nguyên mang nghĩa là sự trở về nguồn cội, về nơi khởi đầu để hồi sinh trong hình hài mới, tư tưởng mới. Phạm Sinh hăm hở lên đường tìm cha - Phạm Sư Ôn - nhưng không cùng ý hướng hành động. Sau khi Phạm Sư Ôn bị hành quyết, Phạm Sinh tìm cách tiếp cận Hồ Quý Ly để trả thù, nhưng từ bỏ ý định dù rằng không đồng ý quốc sách của họ Hồ. Không thể cản Hồ Quý Ly, chàng tìm đến Sử Văn Hoa để được dạy bài học xử thế và rồi rời kinh đô, về Yên Tử, sớm tối bên hòa thượng Vô Trụ, học bài học “tùy duyên lạc đạo”. Sự trở về của Phạm Sinh có ý nghĩa là trở về cội nguồn, trở về với khởi nguyên cái thiện, trở về với Phật tính của chính mình.

Mẫu Thượng ngàn tiếp nối Hồ Quý Ly để phát triển câu chuyện bể dâu lịch sử, kể chuyện đi - về của nhân thế. Tác phẩm mở đầu bằng cảnh tượng về nguồn. Phác trở về nguồn cội nhưng không ra khỏi tình trạng chung cục, mạt kì. Qua bao sóng gió, Hoa, Huy, Điều trốn vào Nam - bắt đầu hành trình nhập thế. Xuân, Nhụ về làng Cổ Đình sống bên Mẫu nuôi dưỡng thiện lương bằng lòng bao dung độ lượng. Một vòng tròn lặp lại như cách Phác năm xưa đã ra đi, bỏ lại quê hương, cha già và người tình. Tác phẩm khép lại với hai hướng rẽ cuộc đời: người ra đi, kẻ trở về.

Đội gạo lên chùa mở đầu bằng cảnh loạn lạc. Hai chị em Nguyệt - An chạy nạn, lưu lạc đến chùa Sọ, được nhà chùa cưu mang. Chùa Sọ trở thành ngôi nhà thứ hai. Chùa Sọ, đạo Phật đã trở thành nguồn cội, thúc đẩy căn tính thiện lương của An. Qua bao phen “bão nổi can qua”, đến cuối truyện, anh sống giữa đời nhưng vẫn nuôi dưỡng tâm Phật: tùy duyên lạc đạo, từ - bi - hỉ - xả. Tác phẩm khép lại với cảnh tượng An ngắm nhìn cảnh vật trong đêm và ngộ ra bài học: ánh sáng Phật như ánh trăng vằng vặc soi chiếu khắp thế gian, nhưng con người ta ai cũng cần tự tỏa ánh sáng thiện lương của chính mình, dù chỉ là chút ánh sáng nhỏ. Như vậy, kết thúc của Đội gạo lên chùa là ý niệm tiếp tục quay về nguồn cội và tu dưỡng bản thân.


Tinh thần Phật giáo được biểu hiện qua các dụ ngôn

Hồ Quý LyMẫu Thượng ngànĐội gạo lên chùa phát triển truyện kể theo kiểu dụ ngôn - thể loại truyện kể hoặc thi ca nhằm đưa ra bài học hoặc triết lí sống. Cần hiểu rằng, diễn ngôn trong dụ ngôn văn học là đối tượng nhận thức chứ không phải là phương tiện, thủ pháp. Chủ thể lựa chọn giá trị và thực hành nó trong đời sống. Mỗi lựa chọn gắn với một hệ quả. Hệ quả đó là bài học mà người đọc sẽ lĩnh hội. Cho nên, tác phẩm phát triển theo thể dụ ngôn thường xây dựng thế giới theo mô hình lưỡng cực, đối lập, xung đột. Không gian phân giới là chỉ dấu mô hình này. Có tuyến nhân vật chọn cực này, có tuyến nhân vật chọn cực kia. Mô hình phân cực trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh xác lập rõ ràng với hai lối sống, lối xử thế: “âm tính” và “dương tính”. Mỗi lối sống gắn với một tư tưởng hệ, một kiểu chủ thể, một loại hình không gian.

Sự kết hợp hai lớp truyện về hai lối sống đối lập (xuất thế - nhập thế) là chỉ dấu để tiếp cận bài học lịch sử về việc giữ hồn nước và lẽ xuất xử ở đời. Bởi mỗi lối sống đều có những điểm ưu việt và hạn chế. Lối sống nhập thế mạnh mẽ, quyết liệt cần thiết để ổn định và bảo vệ đất nước trước kẻ thù lớn mạnh, nhưng nếu thái quá sẽ dễ sa vào bạo tàn, hỗn loạn. Lối sống xuất thế ưa sự mềm mỏng, linh hoạt, trọng tình cảm cần thiết để giữ gìn, bồi dưỡng phần hồn đất nước, nhưng ôn nhu thái quá thì dễ thành yếu đuối, trì trệ, phải hứng chịu trầm luân, tổn thương. Vì lẽ đó, mỗi người tùy thời, tùy duyên mà chọn nhập thế - xuất thế. Dù chọn lối sống nào đi nữa thì điều căn cốt là phải có ý thức răn mình, sửa mình, xử thế đúng mực, hợp thời, bao dung. Đó hẳn nhiên là việc không dễ dàng, nhất là khi người ta ở vào thời loạn.

Nguyên Trừng trong Hồ Quý Ly, An trong Đội gạo lên chùa là những chủ thể lựa chọn, thực hành lẽ xuất xử tùy duyên. Trong cuộc chiến tư tưởng hệ và vương quyền, Nguyên Trừng đứng giữa “hai bên cùng co kéo…”. Dù cảm mến Phật, Lão và muốn sống đời tài tử, tự do tự tại nhưng Nguyên Trừng vẫn chọn nhập thế. Tuy vậy, Nguyên Trừng không phải là kẻ cuồng mê quyền lực, cũng không có tham vọng thống lãnh, thay đổi dòng lịch sử như cha và em trai. Chàng hiểu tham vọng của cha mình sẽ đẩy gia tộc và đất nước vào thảm họa binh đao. Nhưng bởi tình cốt nhục, chàng không thể chống đối. Thuận “nghiệp” gia tộc, Nguyên Trừng thực hiện những nhiệm vụ được giao phó với thái độ trung hòa, chừng mực; dùng quyền che chở, bảo vệ cho người trân quý (Phạm Sinh, Sử Văn Hoa, Trần Khát Chân) và phần nào hạn chế xung đột giữa các bên bảo thủ - canh tân. Có thể nói, lối sống của Nguyên Trừng hội tụ tinh hoa của cả trăm nhà. Chọn lối xử thế tùy duyên, trung hòa, Nguyên Trừng như dấu gạch nối, gắn kết các lực lượng đối kháng: Nho - Phật, canh tân - bảo thủ. Nguyên Trừng là nhân vật duy nhất trong thế giới xung đột của Hồ Quý Ly có thể tự do đi lại giữa các không gian văn hóa: không gian kinh kì quyền lực và không gian dân dã, đậm Phật tính như vườn thuốc, núi Yên Tử.

Bài học xử thế tùy duyên được thể hiện rõ nét qua những chặng đường đời của nhân vật An. Anh đến với đạo Phật trong tình thế nguy khốn và hiểu đạo Phật qua quá trình quan sát, chiêm nghiệm. Những bài học Phật pháp được An thấu hiểu trong những cảnh huống đời sống mà mình phải trải qua. Bài học lớn nhất mà An học được ở nhà Phật là bài học xử thế “tùy duyên”: “Nếu tốt đẹp, ta chẳng nên chấp trước một điều gì”. Từ đó, An sống thuận theo “duyên”: nhập ngũ khi đất nước cần, sống bên Huệ để làm chỗ dựa tinh thần cho cô. Đi theo cách mạng, dấn thân vào cuộc đời trần tục là cuộc “hành hương” khó khăn nhất mà anh phải trải qua - cũng là hành trình đi tìm bản lai diện mục. Hành đạo tùy duyên, như thế, là không chấp niệm xuất thế hay nhập thế, chỉ cần làm việc tốt, việc thiện. Bài học xử thế tùy duyên của nhà Phật thực chất là hướng con người sống một đời sống hữu ích, thiện lành, như con đom đóm tự tỏa sáng mình, góp phần chiếu sáng nhân gian.

Phát triển truyện kể theo kết cấu khung và sử dụng chiến lược thể dụ ngôn, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh là lời giải về căn tính dân tộc và đạo Phật như là một phần cốt lõi của căn tính ấy. Hồ Quy Ly, Mẫu Thượng ngànĐội gạo lên chùa biểu hiện những lát cắt của lịch sử đất nước. Trong mỗi giai đoạn, Phật giáo vừa là chứng nhân của những trầm luân dâu bể thời cuộc vừa là điểm tựa, là kim chỉ nam cho con người. Có thể nói tinh thần Phật giáo đã thấm đẫm, chan hòa vào đời sống và Phật tính đã thật sự trở thành một phần cốt lõi của căn tính dân tộc.

Nguồn: Lê Thị Gấm - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng