Giá sách Sông Hương
10 năm ngày mất BỬU CHỈ
Bửu Chỉ, tiếng vọng một đời người
10:33 | 17/12/2012

ĐINH CƯỜNG

En ce monde bouleversé je ne vis plus que dans le souvenir
(Trong cuộc đời điên đảo này tôi chỉ còn biết sống với kỷ niệm)

                                                   Paul Klee

Bửu Chỉ, tiếng vọng một đời người
Tranh "Lưỡi gươm Damocles" của Bửu Chỉ

Bửu Chỉ gởi cho tôi xem bức chân dung tự họa Tiếng vọng một đời người vẽ tháng 10/2002, một trong vài bức tranh cuối của Chỉ. Dạo đó chúng tôi trao đổi qua email gần như hàng ngày, tôi thường in ra giữ lại những đoạn thư bàn về Phật về văn chương nghệ thuật. Email cuối cùng Bửu Chỉ gởi ghi ngày 9 tháng 12 năm 2002, mấy ngày kế tiếp không thấy email của bạn, cứ ngóng trông… để rồi tin dữ bất ngờ ập đến, Chỉ bị đột quỵ và ra đi sau 5 hôm vắng email, 14 tháng 12 năm 2002. Mới đó mà đã mười năm sao Chỉ:


Bây giờ mình ban ngày làm việc theo cảm hứng, tối ngủ theo ý thích. Nghĩa là thường ngủ khuya lắm. Chừ bên ngoài lạnh và ẩm ướt, vừa trở gió mùa Đông Bắc, ngồi trong nhà ấm gõ @ cho bạn bè còn gì vui bằng. Hết gõ @ lại tìm sách đọc, không đọc sách lại lục lọi mấy cuốn sổ tay cũ đôi khi cũng tìm ra được những cái hay mà mình cần. Mới gởi cho DT một lưỡi gươm Damocles như đã gởi cho ông bữa trước. Trời lạnh, ngồi góc ấm ông tìm đọc hai cuốn sách dịch này cũng thú: Báu vật của đờiĐàn hương hình (nói về xã hội Trung Quốc trong những biến chuyển lịch sử cận đại) của Mạc Ngôn (sinh 1955)…

Nên đọc để thấy muốn tiến bộ thì phải tự lột da để nhìn vào chính mình…

Ông còn mang tượng Phật mình tặng không? mang đi, tốt lắm. Thôi thăm ông vui, mình đi tìm việc khác để làm đây.

Nhà văn Mạc Ngôn mà Chỉ bàn đến những ngày cuối, cả buổi sáng ngồi uống cà phê cùng Nguyễn Hữu Ngô:

10/12/02

Quán cà phê Sơn. Trời mưa bụi. Chúng tôi ngồi dước gốc đa phía bờ sông. Gió rất lạnh. Câu chuyện xoay chung quanh hai cuốn tiểu thuyết của Mạc Ngôn, nhà văn hiện đại Trung Quốc. Mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Gió lạnh phía sông cứ thốc vào thật khó chịu. Chỉ đề nghị vào ngồi trong quán sát quầy cho kín gió. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện. Lúc này quán đã vắng khách. (Nhà Báo Huế - Xuân Quý Mùi 2003).

Mạc Ngôn vừa được giải Nobel Văn chương năm nay, không có Chỉ để cùng nhắc lại bộ phim Cao Lương Đỏ do Trương Nghệ Mưu quay mà chúng ta cùng thích... Và quán cà phê Givral ở Sàigòn chúng tôi hay ngồi cũng đã khai trương trở lại, sau thời gian dài xây dựng cả khu cao ốc đồ sộ ở góc đường Đồng Khởi - Lê Lợi. Nơi đó Chỉ đã vẽ chân dung bạn bè, đã trò chuyện cùng nhau đầy sảng khoái. Bức ảnh cuối cùng ở cà phê 27 Nguyễn Thị Diệu vào tháng 10/2002 Chỉ ngồi bên góc trái, hai tháng sau bạn ra đi. Bao nhiêu quán cà phê nữa: Tổng Hội đường Trương Định, Cô Ba, Liễu Quán, cà phê Tôn... những bức ảnh xưa còn đó. Có lẽ vì những kỷ niệm hay ngồi cà phê cùng nhau mà tôi đặc biệt yêu thích những bức tĩnh vật ly cà phê của Chỉ. Bức tranh Ly cà phê đu dây Chỉ vẽ tại studio của tôi ở Tân Định - Sài gòn tháng 9 năm 1988 trước khi Chỉ đi Paris triển lãm, với lời ghi tặng phía sau, luôn treo trước mặt tôi nơi bàn viết. Chiếc ly được đắp dày với màu trắng Titane, chênh vênh giữa trời đất, chực rơi xuống vực sâu, mong manh như đời người. Như Đặng Tiến đã thấy: “…Phải yêu và tin tưởng cuộc sống mới xả thân cho hội họa như Bửu Chỉ. Nhưng tranh anh thường buồn: những mong manh, đổ vỡ, lìa tan, chết chóc. Những điếu thuốc tàn tro tắt lửa. Con cá trơ xương vẫn còn trõm lơ đôi mắt. Chim vui đâu, cây đã gãy lìa cành (Huy Cận). Những bất hạnh hóa thân thành cái đẹp và nguồn vui. Tác phẩm nghệ thuật là dấu chân con người vượt qua khỏi định mệnh…” (“Tranh Bửu Chỉ và ván cờ huề” - Diễn Đàn số 123, tháng 11/2002).

Viết về Bửu Chỉ đã nhiều, nhiều bài phân tích về tranh và kỹ thuật, cũng như tình cảm yêu thương của bạn bè, ghi thêm vài kỷ niệm cũng là giúp thêm những dấu mốc trong thế giới tranh của Chỉ. Nhớ lại mỗi lần về Huế tôi thường hay ngồi bên một quán xép cùng Chỉ và Thái Ngọc San, nay San ra đi cũng đã 7 năm (trong một tai nạn giao thông ở Huế ngày 25 tháng 7/2005). Nhớ năm xưa gặp Thái Ngọc San ở Đà Lạt, Blao cùng Nguyễn Đức Sơn, một thời chiến tranh nhiễu nhương, bất trắc:

dù một ngày nào đó chiếc xe dodge có chở vào trại tù binh

ôm những cục đá lăn vào ngục tối

(Thái Ngọc San - “Những buổi chiều một mình” - Thơ Tự Do Miền Nam - Thư Ấn Quán xb Hoa Kỳ 2008, trang 532).

Tác phẩm "Ai lăn hòn máu qua cầu"


Làm nhớ bức Ai lăn hòn máu qua cầu, Bửu Chỉ vẽ ở Orléans tháng 2 năm 1989. Chiếc cầu trắng trên sông Loiret trước nhà Đặng Tiến với mặt trời chiều đỏ thắm, nơi nhiều bạn bè đã ghé qua, ghi dấu những bước chân và tay vịn vai cầu. Tôi còn giữ bức ảnh Bửu Chỉ chụp ở Orléans gởi về, với lời ghi câu của Tagore: “…aujourd’hui un oiseau m’a montré le chemin, m’ a conduit de la forêt jusqu’aux rives de l’océan de joie… Tout a coup mon âme s’est ouverte” (…hôm nay một con chim đã vạch cho tôi con đường, dẫn tôi ra khỏi khu rừng đến những bến bờ của đại dương niềm vui… Bỗng nhiên tấm lòng tôi rộng mở).


Bửu Chỉ là một tấm lòng rộng mở, một dòng máu tài hoa của Vương Phủ, Vỹ Dạ, một “mệ” vừa là nghệ sĩ tài danh vừa là con người dấn thân có sức thuyết phục: Khi bạo lực còn tồn tại thì đấu tranh chống bạo lực vẫn còn tiếp diễn (Bửu Chỉ - Mặt trời tự do - Tuyển tập một số tranh sáng tác trong phong trào sinh viên từ 1970 đến 1974). Con người luôn phản kháng trong anh là để đi đến cái đích cuối cùng: Sự Thật và sự Cao Đẹp. Hay nói như Thái Bá Vân: “Tôi không hiểu sai Bửu Chỉ: nghệ thuật không phải để trang điểm hay phụ bạc, mà nó phải được bảo đảm và định hướng bằng chính cái ý nghĩa người, bao giờ cũng đẹp đẻ và có ích, trong cuộc sống thường là nhỏ nhen và tàn bạo. Sự trốn thoát nào đó cái hàng ngày, bằng hội họa, của anh là có nghĩa bởi nó đồng nhất với nhập cuộc và đấu tranh cho cái chưa là”. (“Bửu Chỉ giữa hài hòa Việt Nam” - Thái Bá Vân - Tiếp xúc với nghệ thuật - In touch with art - Nxb Mỹ Thuật 2009, trang 206).

Tiếc rằng người bạn quyết liệt, chân thành và không bao giờ biết thỏa hiệp, anh đã sống, đã vẽ với tất cả máu từ tim mình (“Vĩnh biệt anh Bửu Chỉ” - Trần Thùy Mai - Thanh Niên 16/12/2002) đã ra đi quá sớm, 54 tuổi, khi sức sáng tạo còn tràn đầy mạch huyết. Làm sao không ngậm ngùi khi đọc lại mấy dòng thư cuối cùng anh gởi cùng ảnh chụp bức tranh vẽ Trịnh Công Sơn Cây đàn sắc không với mấy dòng ghi chú phía sau:

Chân dung thứ sáu, chân dung cuối cùng tháng 8/2002... Ông để ý cái thùng đàn: nó giống như tiếng “O…M ” được phát ra (OM MANI PADME HUM). Khởi đầu và kết thúc ở đó, âm vang rồi lặng thinh cũng ở đó, sắc sắc không không đều ở đó… Vì vậy mà gọi là cây đàn sắc không.

Từ trái qua: Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ - ảnh chụp năm 1988


Cây đàn sắc không, sao buồn quá Chỉ ơi, nhìn tấm ảnh Trịnh Công Sơn, bạn và tôi chụp cũng tại studio của tôi ở Tân Định - Sài Gòn năm 1988 mà ứa lệ. Một mình tôi còn lại. Chiều hôm nay đang ngồi giữa mùa thu ngập lá vàng, tiếng còi tàu đi ngang qua cánh rừng Natick nơi tôi ở đã hơn hai mươi năm nay, tiếng còi tàu và tiếng rít của gió lạnh làm tôi rùng mình, như tiếng lưỡi gươm Damocles[1] bản vẽ đen trắng 1993, bạn đã gởi cho riêng tôi và Đặng Tiến xem, như một điềm báo: đã rơi xuống chém gục một người luôn hiến dâng mình cho nghệ thuật, như kẻ tuẫn đạo. Tôi còn mãi nghe tiếng vọng của bạn, tiếng vọng của một đời người, như tiếng đàn âm vang rồi lặng thinh, Chỉ ơi. Vẫn luôn mang tượng Phật bạn tặng, tốt lắm…

Virginia, 10 Nov. 2012

Đ.C
(SĐB 7/12-12)

------------

[1] Lưỡi gươm Damocles: Theo điển tích Hy Lạp, gươm treo lửng lơ trên đầu Damocles, như gươm kề cổ, tai họa giáng xuống bất cứ lúc nào.

 

 

 

Các bài mới