Giá sách Sông Hương
Văn chương Việt Nam đương đại
Thơ trẻ - nhìn từ thể loại
10:12 | 18/01/2013

LƯỜNG TÚ TUẤN

Chỉ có những sự liên hệ được ngôn ngữ thừa nhận
mới được coi là phù hợp với hiện thực.

                                           F. de Saussure

Thơ trẻ - nhìn từ thể loại
Ảnh: internet

Tiến trình thơ Việt nhìn chung là quá trình “đánh đắm hành ngôn văn học1”. Phá vỡ cấu trúc thẳng, cấu trúc của văn xuôi, thứ hành ngôn mù quáng mà ở đó từ bị rút hết chất sống chỉ còn lại là những ký hiệu sống một đời sống của công cụ. Thơ cổ điển với những lề thói niêm luật và cái quyền uy của một thứ khế ước xiềng xích đã trói buộc những xúc cảm của con người trong những khuôn mẫu vững như bàn thạch. Và cá nhân, trước sức mạnh đè nén của văn phạm, trong bao nhiêu thế kỷ không cách gì thành thật được với chính mình. Cần phải phá tan bức tường giam hãm của những lề luật tư tưởng ấy bằng con đường khai hóa một thứ văn phạm mới. Văn phạm của thơ tự do.

Thơ tự do là gì? “Không lấy vần điệu làm đơn vị cấu trúc để tạo nên hình tượng âm thanh, thơ tự do thực hiện chức năng thi ca của ngôn từ bằng nhịp điệu của hình ảnh (các từ ngữ hoạt động trong cấu trúc liền mạch hoặc đứt đoạn tự chúng dựng dậy chuỗi hình ảnh song hành hoặc tương phản, những ám tượng bình thường và đột biến, gần gũi và bất ngờ làm nảy sinh trong đầu người xem những tư tưởng - giống như “thủ pháp Montage” của điện ảnh); ngôn từ không còn là phương tiện biểu đạt mà trở thành chất liệu tạo hình trực tiếp (như đường nét, màu sắc của hội họa, hình khối của điêu khắc) để thực hiện sự tự do của mộng tưởng, sự phiêu lưu bất tận của tâm hồn2”.

Điều này đồng nghĩa với việc con người, đặc biệt là thi ca hoàn toàn có thẩm quyền sáng tạo nên những thực tại mới. Và con đường của nó là gì? Là thiết lập một lối viết mới/khác. Chỉ có lối viết này với sự bôi xóa những liên kết đã đông cứng của cấu trúc cú pháp cổ điển, tạo dựng một thứ ngữ pháp mới, “ngữ pháp thơ” (Jakobson), mới mong kiến tạo một thực tại xa lạ, một thế giới chưa từng được tri kiến. Nhìn bề ngoài, thực chất của những phá phách và dựng xây này chính là công cuộc khai sinh những thể loại mới cho thi ca.

Thể loại là “các khuôn mẫu rắn chắc nhất định để đúc kết kinh nghiệm nghệ thuật3”. Nó đồng nghĩa với cái nhìn. Thể loại là con mắt, là lăng kính của văn học. Mỗi hình thức sẽ là một thực tại. Cố gắng của Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng hay sớm hơn nữa ở Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi chính là nỗ lực xác lập một hình thức mới cho văn chương nhưng sâu bên trong là cả một cuộc cách mạng nhận thức lại cuộc đời, kiến thiết lại hữu thể. Đó là một bước ngoạt lớn của hoạt động tinh thần trong thơ ca.

Sự thức nhận lại này không chỉ tìm thấy nơi những cây bút “Sáng tạo” hay “Nhân văn” mà còn xuất hiện ở những nhà thơ trẻ với nỗi đam mê khám phá một thực tại người, một thế giới tâm thức sâu thẳm mà ở đó những chập chờn, những chiêm bao, những mộng tưởng tứ tán có lúc đồng hiện xô đẩy nhau trong “Một hỗn độn đẹp xô bồ say dậy” (Bích Khê).

Người ta đã nói tới Thơ Mới như một sự bứt phá khỏi thi pháp cổ điển, thiết lập nên thơ tự do. Chúng tôi e rằng nhận định ấy có phần vội vàng. Gọi thơ của lớp thi nhân Việt Nam đầu thế kỉ XX là thơ tự do đồng nghĩa với việc chỉ quan tâm tới bề mặt của thể loại. Thơ Xuân Diệu, thậm chí thơ Hàn Mặc Tử hay Bích Khê cùng lắm chỉ là sự nới rộng biên độ của thơ cổ điển. Đóng góp của nó là thông qua việc đưa ngôn ngữ của đời sống vào văn chương đã cho phép thơ nói được nhiều hơn, rộng hơn và thật hơn. Cái tôi cá nhân qua đó có cơ hội đứng vụt dậy bộc lộ tất cả những hỉ nộ ái ố mà nó đã phải chịu đè nén hàng ngàn năm qua. Biến “thời đại chúng ta” thành thời của chữ Tôi. Cá nhân được giải phóng. Nhưng bên cạnh đó vần vẫn thống trị thơ, cái du dương, nhịp nhàng vẫn là một tiêu chuẩn mĩ học lớn. Cấu trúc khép kín và tính chất “chuyện kể” vẫn phủ lên trên một hình thức có vẻ như tự do. Hành ngôn thơ mới, vì vậy, vẫn là một thứ hành ngôn chịu sự chế ước của ngữ pháp; và do đó những “mảng hiện thực” trong thơ vẫn phải tuân theo logic của văn phạm. Logic không những chưa hề bị phá bỏ mà ngược lại vẫn đóng vai trò trung tâm, thậm chí còn chặt chẽ hơn cả Đường thi. Cấu trúc của Đường thi là cấu trúc gián đoạn, cấu trúc cách li trong khi đó thơ Mới đầy những liên từ, hư từ và những hình thái cú pháp ẩn tàng.

Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngã nghiêng điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết

            (Vũ Hoàng Chương - Say đi em)

Không có tự do trong những câu thơ này. Những câu dài ngắn với sự mất cân đối bề ngoài có vẻ như tự do nhưng nhìn sâu vào văn phạm thì ta vẫn dễ dàng nhận ra một cấu trúc chặt chẽ với đủ thứ quan hệ ngữ pháp được xác lập mà thông qua đó hiện thực được tái tạo. Điều này đồng nghĩa với rằng cái hình thức tự do ở đây chỉ là một hình thức giả hiệu. Nó không mang lại cho ta một thực tại mới. “Tuyến tính của năng biểu” đã không phá tan được trật tự sở biểu. Tư duy thơ vì vậy vẫn là một thứ tư duy đơn tuyến chìm ngập trong thế giới quyền uy của văn xuôi hay đúng hơn của tính liên kết văn phạm.

Cần phải xóa sạch cái tự do giả dạng, nâng cuộc đời trên đôi cánh của trực giác huyền đồng. Một trực giác hòa điệu cùng những câu thơ đứt đoạn được ghép nối trong sự ngượng ngùng phi cú pháp. Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly… là những người đang cố mang lại cho thơ cái tự do của một “vũ điệu không vần” (Khế Iêm) ấy.

Tung rợp trời những con chim xòe cánh chữ “V”
Ngày lồng khung chân dung đức hạnh
Tôi bước khỏi bức tranh
Hối hả khai hóa để hồi quy trinh bạch

            (Vi Thùy Linh - Sinh năm 1980)

Sự nối kết giữa những câu thơ trên là tự do! Nó chối bỏ logic hay ít ra cũng là sự chối bỏ logic của một lý trí đã cằn cỗi. Nó không thèm đếm xỉa đến một chuyển vận “có lý” nào giữa “những con chim xòe cánh chữ V” với “ngày lồng khung chân dung đức hạnh”. Từ tự do mang tính định lượng chuyển ngược vào trong hướng đến cái tự do của tâm thức. Và một thế giới với đầy những dị biệt được kéo lại, đẩy vào sống chung trong ngôi nhà thơ. Thơ tự do, như thế, cần phải được nhận thức từ trong bản chất của sự tái thiết lại cuộc đời. Câu chữ không làm nên tự do cho thơ. Chỉ có cách tri nhận thực tại qua thơ bằng những lăng kính mới, lăng kính của tưởng tượng, của chiêm bao, của vô thức, đưa đến một sự lắp ghép mang tính “sinh sự” mới thật sự vượt thoát khỏi cái tự do bề mặt, cởi trói cho cái tâm thức bất kham, giúp nó thâu nạp đủ mọi hỗn độn của cuộc đời vào trong một ánh nhìn bao chứa.

Khác với cái hối hả của Vi Thùy Linh là nỗi buồn hoang dại, đằm sâu của Phan Huyền Thư.

Tôi còn đau
Bọn trẻ hoang
Mùi nắng dại
Nỗi buồn vó bè
Lơ lửng thương đêm
Thiếu phụ chong đèn
Khâu đợi chờ thành tấm chăn
Ủ men ái tình hương cốm

            (Phan Huyền Thư - Chia sẻ)

Đọc những câu thơ này ta bỗng giật mình thấy thấp thoáng bóng Hoàng Cầm trên trang giấy.

Bất chấp quy luật tư duy kiểu logic học Aristotle các nhà thơ trẻ Việt đã mạnh dạn sáng tạo ra một thế giới phi tuyến tính. Tôi, bọn trẻ, mùi nắng, nỗi buồn, thiếu phụ cứ thế xuất hiện trong tính tự phát đầy ngẫu hứng, bỏ quên luật tư tưởng, thiết lập một trật tự mới cho thế giới hiện tồn. Đó là thế giới của tự do. Và thơ tự do xét cho cùng là cố gắng xây dựng cái trật tự mới ấy. cần phải làm “rỗng ngực” những kẻ “cơ tâm” (Lão Tử), xóa đi cái tự động máy móc của, những nền tảng mĩ học đã trở nên cứng đờ. Những câu thơ như:

Hoa mướp bồng áo con
Ru hời
Thoại Khanh - Châu Tuấn
Đun nấu sụt sùi đứt ruột ống bơ

            (Phan Huyền Thư - Rỗng ngực)

quả là một sự mới mẻ. Xúc cảm được giải phóng qua một hữu thể vừa được kiến tạo tức thì. Tự do đã đạt tới đích.

Nhưng có một thực tế rằng những thi phẩm cập bến tự do nơi những cây viết trẻ này chưa nhiều. “Thơ tự do không đơn giản là tự do hình thức với lượng câu chữ dài ngắn khác nhau, mà quan trọng hơn là ở chất lượng biểu đạt: một nỗ lực thoát ra khỏi cơ chế tự động (hay thói quen) của ngôn ngữ tự nhiên và cả cơ chế tự động về âm luật của các thể thơ truyền thống4”.

Từ những tiêu chí thi pháp ấy soi vào những câu thơ:

Khỏa thân trong chăn
Thèm chồng
Thèm có anh ở bên
Chỉ cần anh gối lên đùi
Mình ôm lấy Anh ôm mình
Biết sự bình yên của mặt đất

            (Vi Thùy Linh)

ta vẫn thấy thiếu một tự do thật sự. Nó giống với những câu văn xuôi được cắt khúc nhiều hơn là sự tập trung của thi tánh. Tính liên kết, sự đổ dồn của cú pháp vẫn giữ vai trò chi phối. Và như vậy hành ngôn cổ điển vẫn thống trị trong chiều sâu của một diễn ngôn mang nặng tính văn xuôi. Không có một sự gián cách nào để tạo ra những khoảng trống cho sự tung hoành của chữ.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói tới một thể loại khác cũng hiện diện chững chạc trong thơ trẻ: thơ văn xuôi.

Khi người ta viên nỗi buồn của một cô gái trẻ thành một cục tròn
tròn rồi mỗi ngày gặm nhấm một ít thì cô gái ấy sẽ vui hay sẽ điên
lên? Tôi không biết rõ - tôi chỉ biết cô gái sẽ không cảm thấy đau
cái nỗi buồn ấy mà chỉ thấy đau từng sợi tóc của cô ta
Một ngày cô ta dứt đứt hai mươi chín sợi tóc rồi lấy tay vân vê cảm
giác sừn sựt của sóng tóc. Rồi quẳng tóc xuống đất sau khi thỏa
mãn cảm giác sừn sựt ở da tay.
Tóc tích tụ thành một mớ rối rít chui xuống gầm giường âm thầm
sừn sựt ở gậm giường
Ở ngoài trời đêm nào cũng mưa mưa rối rít
Ở trong phòng nhỏ nhỏ cũng mưa mưa đêm nào cũng
cô gái mưa mưa từng sợi tóc
Mưa ngoài trời không bao giờ dứt nhưng tóc cô gái không kịp mọc
để cô gái tiếp tục tự mưa mưa mình
tự mưa mưa mình

            (Ly Hoàng Ly - Lô lô)

Đây không phải là những thể nghiệm, lối thơ này Đặng Đình Hưng đã làm cách đây hơn 20 năm. Có lẽ chúng ta cũng nên quan niệm như Thụy Khuê gọi đây là “thơ tự do làm thể văn xuôi5”. Có những dị biệt về cấu tứ và cấu trúc nhưng không khác với thơ tự do mà chúng ta đang tìm hiểu là bao. Nó cũng mang nặng một hoài bão phá vỡ lối tư duy thơ cũ, đạt tới sự tự do trong những kết nối dị biệt, buộc thế giới phải phơi mình trong một thực tại phi nhân tính. Và như vậy, thơ văn xuôi về thực chất là nằm trong địa hạt của thơ tự do. Một tự do được sinh thành qua cuộc hôn phối của lối biểu đạt chắp nối và cuộc phiêu lưu của trí tưởng. Sự nhào trộn của các thể loại văn học không phải là điều gì bất thường. Chính M. Bakhtin đã chỉ cho chúng ta thấy rằng: “Một vấn đề rất quan trọng và lý thú nữa là sự tác động qua lại giữa các thể loại trong tổng thể thống nhất của văn học từng thời kì. Ở một số thời đại (…) tất cả các thể loại, ở mức độ nhất định, đều bổ sung hài hòa cho nhau và toàn bộ nền văn học như một phức hợp thể loại ở mức độ đáng kể hiện ra như một chỉnh thể hữu cơ hết sức trật tự6”. Sự xâm lấn của văn xuôi vào thơ như đã thấy thực ra là một đòi hỏi được giải thoát. Đi sâu vào trong bản chất của thể loại chúng ta có quyền gọi thể thơ văn xuôi này là một biến thể của thơ tự do.

So sánh với những cách tân của Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng thì những nhà thơ trẻ của chúng ta chưa thật sự triệt để. Cái mới của họ có lẽ được tập trung trên phương diện “cái được biểu đạt” nhiều hơn là “cái biểu đạt”. Đó là sự trỗi dậy của cái tôi cá nhân, sự hiện hữu của sex, tóm lại là một khát vọng được thành thật. Như vậy nếu dùng mô hình chức năng sáu nhân tố trong lý thuyết thông tin của Jakobson để định danh thơ trẻ ta sẽ nói rằng thơ trẻ là thơ biểu hiện. Tức là sự ưu thắng của ngôn ngữ khi hướng vào nhân tố “người phát thông điệp”. Cái táo bạo, cuồng nhiệt và “liều lĩnh” thật ra được khởi lên từ chức năng biểu hiện này của ngôn ngữ thi ca trẻ. Nhà thơ, vì vậy có lúc ồn ào và nhiều lời. Thơ nhiều khi cần cái im lặng, cái khoảng trống cho sự phát nghĩa, biến cấu trúc thơ thành cấu trúc biểu nghĩa. Có lẽ cái cuồng nhiệt và bấn loạn của tuổi trẻ trong một thời đại đầy những hoang mang đã buộc các nhà thơ không thể không “hét tên tôi cho nguôi giận” (Thanh Tâm Tuyền). Thành ra cái được cho đời sống thì nhiều mà cái tổn thất với thơ cũng lắm.

L.T.T   
(SH287/01-13)



........................................
1. R. Barthes, Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Văn học.
2. Châu Minh Hùng, Tự do thơ tự do, Tạp chí Sông Hương số 240, tháng 2, 2009.
3. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du.
4. Châu Minh Hùng, Tự do thơ tự do, Tạp chí Sông Hương, Số 240, tháng 2/2009.
5. Thụy Khuê, Cấu trúc thơ, thuykhue.free.fi
6. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du   







 

Các bài mới
Các bài đã đăng