Giá sách Sông Hương
40 năm ngày mất NGÔ KHA
Thi sĩ Ngô Kha trung thực một đời thơ
15:21 | 28/01/2013

VÕ QUÊ  

Mùa thu năm 1968, do trường trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị không có lớp đệ nhất ban C nên toàn bộ học sinh lớp đệ nhị C chúng tôi được chuyển vào học lớp đệ nhất ban C trường Quốc Học, Huế.

Thi sĩ Ngô Kha trung thực một đời thơ
Ngô Kha qua nét vẽ Đinh Cường - Ảnh: internet

Tại thành phố Huế thơ mộng, mới mẻ này, những văn nghệ sĩ đầu tiên mà tôi may mắn được gặp rồi dần được hân hạnh quen biết là giáo sư Ngô Kha và những người bạn cùng thời của anh là họa sĩ Vĩnh Phối, họa sĩ Đinh Cường, giáo sư Bửu Ý, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… tại quán cà phê Tổng hội Sinh viên Huế (22 Trương Định) trong mỗi buổi chiều sinh hoạt thơ ca âm nhạc. Nơi đây, tôi còn được quen biết thêm các anh Trần Văn Hòa, làm thơ với bút danh Trường Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Lê Văn Ngăn, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Đông Trình, Trần Duy Phiên, Trần Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Sơn, Ngô Văn Ban, Chu Sơn, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Văn Phụng…

Tôi được đến sinh hoạt trong ngôi nhà ấy là do các bạn học sinh cùng lớp ở Huế như Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Cửu Thanh… biết và đưa tôi tới. Là một cậu học trò từ xứ Quảng Trị gió Lào khắc nghiệt mới vô chốn cố đô văn vật cho nên những ngày đầu tôi không khỏi rụt rè bỡ ngỡ trước không khí văn nghệ hào hoa của các bậc đàn anh. Do quá yêu thơ nhạc, lại được bạn bè động viên, khích lệ nên thỉnh thoảng trong một số buổi sinh hoạt thơ nhạc tại quán cà phê Tổng hội tôi cũng mạnh dạn đọc diễn ngâm một số bài thơ mà tôi từng thuộc như “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Nhà tôi” của Yên Thao, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ” của Quang Dũng, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán… Thấy tôi có giọng đọc, ngâm thơ cũng tạm được, đôi lúc các anh Trường Sơn, Tần Hoài Dạ Vũ… nhờ tôi trình bày thơ của các anh tại các cuộc này. Trong môi trường văn hóa, văn nghệ thân ái, bao dung, chứa chan tình tự quê hương của những con người tài hoa xứ Huế, trong đó có nhà thơ Ngô Kha, và anh Ngô Kha đã cho tôi về tá túc với anh tại ngôi nhà số 42 Bạch Đằng, bên dòng sông Gia Hội. Việc về ở chung với anh là một hạnh phúc lớn, bất ngờ đối với một cậu học trò tỉnh lẻ như tôi.

Đến bây giờ, tôi vẫn hình dung được gương mặt anh Ngô Kha với đôi mắt đẹp, đầy tình sau gọng kính, với nụ cười nhân hậu trên bờ môi luôn hồng, cùng giọng nói ấm, truyền cảm, giàu sức thuyết phục người khác. Ngoài chất lãng mạn, trữ tình của anh, tôi còn tìm thấy bên trong người nghệ sĩ hào hoa ấy có những đức tính quý báu về sự quả cảm, khí phách, cương nghị, trung thực cùng chất lửa luôn hừng hực những khát vọng về sáng tạo thi ca, về hòa bình, thống nhất đất nước. Được ở chung nhà với anh, tôi mau mắn tiếp cận tập thơ Hoa cô độc, xuất bản năm 1961, tập thơ mà theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người bạn tâm giao, chí cốt của anh, sau này đã viết: “Những năm đầu thập kỷ 60 ấy, ngày tháng sao như dài hơn, và Ngô Kha đã rong chơi khắp miền để kết bạn phong trần với loài phù du, để rồi trở về ngồi nhìn cái bóng đơn chiếc của mình đổ dài trên đất rừng trơ hốc đá, nơi một sườn đồi hoàng hôn trên sông Hương… Cái nhìn chính mình Ngô Kha đã bắt gặp trên cánh đồng hắt hiu của linh hồn chàng một loài ác hoa mọc lên từ bao giờ, chàng âu yếm gọi tên nó là “Hoa cô độc”. Hành trình của chàng khởi đầu với niềm kiêu hãnh thầm kín của bông hoa ấy…”.

“Hoa cô độc” rồi “Ngụ ngôn người đãng trí”… những dòng thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu mang tính siêu thực của Ngô Kha đã giúp tôi hiểu và thương yêu anh đã có một thời gian trải nghiệm, quằn quại, dằn vặt với chính nỗi cô đơn sâu thẳm của người thơ:

lời vô tri đã bay cao
như ánh mắt tù trên đỉnh núi
mạch đất quê hương giờ lạnh rồi
sao mắt mẹ còn mở
sách trên án thư cũng ngủ khuây
nhưng hồn mẹ vẫn còn thao thức
con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu.


Đọc thơ anh rồi tìm hiểu thêm quá trình dấn thân của anh trong các phong trào đấu tranh yêu nước của đô thị miền Nam, tôi học tập và chịu ảnh hưởng anh rất nhiều trong quá trình tham gia các hoạt động báo chí, xuống đường chống Mỹ trong những năm 70 của đồng bào, thanh niên, sinh viên, học sinh Huế. Anh thường nhắc nhở tôi phải luôn có chất lửa trong lòng, đừng bao giờ để tắt. Chữ “Feu” là chữ anh hay dùng khi nói về hùng khí của con người trong cuộc sống.

Mỗi đêm, từ căn gác gỗ 42 Bạch Đằng, nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện giữa anh và bạn bè anh thường kéo dài đến tận khuya. Bên cạnh những người thân quen ở Huế, anh Ngô Kha còn tiếp những nhân vật từ Sài Gòn ra như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, nhà thơ Diễm Châu, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái của tạp chí Trình Bày… Từ những buổi hội tụ này, tôi được tiếp nhận nhiều lượng thông tin quý giá về học thuật, văn chương, thời cuộc, về nhân cách sống từ anh Ngô Kha và từ bạn bè anh. Tuy nhiên, có đêm vì quá khuya, thèm ngủ, tôi lặng lẽ trốn nằm đánh giấc trên một chiếc ghế nệm cũ đặt sau góc gác. Nửa khuya tỉnh dậy, thấy anh nằm một mình giữa sàn gỗ, dưới ánh đèn đường vàng hắt từ vào ô cửa sổ tôi càng thương quý anh. Những khi ấy tôi lại thường liên tưởng đến hình ảnh từ những dòng thơ anh viết trong “Trường ca Hòa Bình” (1968):

khi nỗi chết còn in trên dòng máu
thì bài thơ thế hệ vẫn hồng tươi
khi đau thương chỉ còn là mặt trái
của giấc mơ trỗi dậy ở trong hồn
như thoáng hiện những bàn tay bão tố
đang cùng nhau góp nhặt ánh triều lên


Ngoài ngôi nhà 42 Bạch Đằng (nhà của người anh ruột anh Ngô Kha), anh Ngô Kha hay chở tôi về ngôi nhà của anh ở Thế Lại Thượng, tại đây anh còn có người mẹ già rất đỗi nhân từ, phúc hậu và người chị gái tên Huân chơn chất, hiền lành. Ngôi nhà rường truyền thống, cổ kính ấy cũng là nơi thường diễn ra những cuộc hội ngộ thân tình, ấm áp giữa những người cùng chí hướng, tâm huyết với vận nước. Nhà thơ Diễm Châu cũng đã từng về với anh Ngô Kha nằm dưới tàng cây vải thiều bàn luận văn chương, thế sự và làm thơ. Trong một bài thơ về Huế, Diễm Châu đã viết về hình ảnh cây vải ấy rất có hồn, như một kỷ niệm tuyệt đẹp không thể mất trong mạch nguồn thi tứ.

Ở bên anh Ngô Kha, tôi không những được quen biết, tiếp xúc với rộng rãi bằng hữu thân quyến của anh mà còn biết đến các thế hệ học trò được anh dạy văn chương từ các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo… Quý thương, kính trọng anh, học trò anh đã từng tổ chức những cuộc xuống đường đòi nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế phải trả tự do cho thầy Ngô Kha mỗi khi thầy bị bắt. Qua chuyện thầy trò Ngô Kha đã làm sáng lên tinh thần tôn sư trọng đạo của người dân Huế. Chính tinh thần ấy luôn ươm mầm và lớn mạnh, xanh tươi trong tuổi trẻ học đường Huế cho tới hôm nay cái hào khí quê hương, cái tình yêu dạt dào, thiết tha dành cho mảnh đất Huế trữ tình, thơ mộng cùng sức đề kháng quyết liệt chống lại những toan tính thấp hèn muốn làm Huế đổi hình, biến dạng.

Với anh Ngô Kha, tôi và bạn bè còn học được cách làm báo đấu tranh của anh, dù thời ấy chỉ là những trang báo ronéo thô ráp. Tờ Tự Quyết (1970) của nhóm trí thức đấu tranh do Ngô Kha làm chủ biên cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Thái Ngọc San…; Tập san Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc (1972) của Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung do Ngô Kha làm chủ tịch dù mỗi tờ chỉ ra được hai số thì đình bản, nhưng những trang báo đó đã tạo được nhiều dư luận tốt trong xã hội, trong các tầng lớp nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên, học sinh thời bấy giờ, góp phần không nhỏ trên mặt trận đấu tranh đòi quyền tự quyết dân tộc, trên tuyến đầu chống âm mưu xâm lược văn hóa lai căn của ngoại bang. Mỗi trang báo chính luận đấu tranh của Ngô Kha, mỗi dòng thơ của Ngô Kha ngời lên ánh lửa chính nghĩa, lạc quan dự báo một tương lai đất nước mình phồn vinh:

ta cũng sẽ không còn
ở mãi trong vòng đai ngục tù thành phố
vì ta phải thấy
và nhất định thấy
ngày kia
một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo
một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây

              (Cho những người nằm xuống, 1971)

“Chiến dịch Bình Minh” tháng 4/1972 của Mỹ và nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế đã bắt hàng ngàn đồng bào, thanh niên, sinh viên, học sinh, trẻ em ra Côn Đảo. Tại ngục tù Côn Đảo tôi không còn liên lạc được với phong trào Huế và anh Ngô Kha nữa. May là ngày bị địch bắt tôi vẫn còn đội trên đầu chiếc mũ bê-rê của anh cho. Chiếc mũ bê-rê trở thành một kỷ vật thiêng liêng mà tôi trân trọng gìn giữ cho đến ngày thoát ly lên rừng vào tháng 9/1973.

Ngày 8/3/1973 địch trả tự do tôi, Hoàng Thị Thọ, Lê Thị Nhân tại Huế sau gần một năm bị đày ải, giam cầm trên Côn Đảo. Tôi thảng thốt, bàng hoàng khi nghe chị Bành Thị Cừ, chị dâu anh Ngô Kha ở 42 Bạch Đằng báo tin anh Ngô Kha đã bị địch thủ tiêu trong tù sau Hiệp định Paris. Vĩnh viễn tôi hết được nhìn thấy và gần gũi một người anh, một thi sĩ chiến sĩ cách mạng quả cảm, trung thực. Khi ấy tôi có cảm giác đớn đau là từ đây mình đã mất đi một điểm tựa trong đời. Không còn được ở bên anh Ngô Kha ven dòng sông Gia Hội, tôi được chị bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế đưa vào lại Viện Bài Lao Huế cho đến ngày tổ chức bố trí lên Xanh. Trong thời gian ở Viện Bài Lao Huế, tôi lại tiếp tục hoạt động phong trào, làm báo Thái Hòa. Bài thơ cuối cùng của anh truớc khi bị địch bắt rồi bị thủ tiêu được công bố trên báo Thái Hòa số kỷ niệm Hùng Vương (4/1973) tôi đã lấy bốn chữ đầu trong câu thơ thứ sáu để đặt tên “Mai có Hòa Bình” và chọn hai chữ Chính Tâm làm bút hiệu tác giả:

Mùa đổ lá thu mơ trời tháng tám
Nhớ nhau thì về chẳng quản đường đi
Ngày xưa đất nước phân kỳ
Em theo tiếng gọi quên thì gấm hoa
… Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hòa bình khác thể yêu đương
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu


Sở dĩ không lấy tên Ngô Kha vì khi ấy chúng tôi vẫn còn hy vọng anh đang còn sống trong tù ngục kẻ thù. Chính Tâm, cái tên đặt dưới bài thơ biểu hiện tấm lòng, trái tim anh chân chính, người thi sĩ trung thực một đời thơ. Bài thơ “Mai có Hòa Bình” sau đó đã tiếp tục đăng tải trên tạp chí Đối Diện số 65 - 66 tháng 12/1974; được bác sĩ Trương Thìn phổ nhạc và trở thành một bài hát nổi tiếng, rất quen thuộc trong phong trào sinh viên học sinh Huế.

Từ sau 1975 đến nay, hằng năm cứ vào ngày 25 Tết, anh chị em phong trào đô thị Huế về ngôi nhà ở Thế Lại Thượng để làm lễ cúng giỗ nhà thơ Ngô Kha. Trong không gian tỏa ngát hương trầm thành kính, những hồi ức, những kỷ niệm sâu sắc về nhà thơ Ngô Kha được thắp sáng lên, gợi mở thâm tình qua từng câu chuyện kể của những người đã từng sống, gắn bó, chiến đấu cùng anh trên mặt trận đường phố, mặt trận văn hóa.

Anh Ngô Kha! Ngọn lửa mà anh hằng tiếp truyền cho em, em vẫn đang trang trọng giữ gìn: khi tình yêu thổi bùng lên cơn gió, giữa mùa xuân ngọn đuốc mặt trời…

V.Q  
(SH287/01-13)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng