Giá sách Sông Hương
Năm Tỵ nói chuyện Rắn
Công năng và sự thật của ngọc rắn
08:46 | 07/02/2013

BÙI NGUYÊN

Trên dải đất hẹp của miền Trung, hầu như ở địa phương nào cũng có những thần y chữa bệnh bằng ngọc rắn tổ truyền. Một loại ngọc được truyền tụng là mang đầy công năng kháng độc và bao giờ lý lịch thần vật ấy cũng gắn liền những huyền tích đầy tính duy linh.

Công năng và sự thật của ngọc rắn
Viên ngọc rắn gia truyền của bà Sanh

Có người cho rằng Ngọc là tinh khí, nội đơn của con rắn tu luyện hàng trăm năm mới có được, rồi từ một mối hữu duyên siêu nhiên nào đó họ có đặc ân trời ban cho viên ngọc với sứ mệnh cứu nhân độ thế. Và viên ngọc rắn của họ có thể “chữa” lành bất cứ thứ bệnh gì từ vết cắn của độc vật đến sự lây nhiễm do vi rút mang bệnh dại… Tuy nhiên vẫn có những chủ nhân của ngọc, hiểu khá rõ thứ báu vật mình đang sở hữu, chỉ là một loại dược chất do bàn tay con người tạo tác. Nhưng hầu như họ đều có một sự lý giải rất mù mờ về xuất xứ, là do ông Cố, ông Sơ nào đó trong dòng họ làm Ngự y dưới triều Nguyễn được đi sứ và mang từ Trung hoa về. Vậy cái mà một số người gọi là ngọc rắn thực chất là thứ gì? Và công dụng chữa bệnh của nó có thần kỳ như bao nhiêu lời đồn đại?

Riêng tôi, là người có cơ may nhìn thấy và được viên ngọc rắn thần kỳ hút hết sự đau nhức sưng tấy do một con Ông vò vẽ đốt, để có thể tường thuật, đặc tả khá chính xác từ hình dáng và quá trình được ngọc rắn hút độc. Số là trong lúc làm vườn tôi phát trúng tổ ong vò vẽ, loại ong độc đã được lưu truyền trong ca dao hò vè xứ Huế “ong vò vẽ đốt nẻ lưỡi cày”. Cỡ như cái lưỡi cày bị chúng tia một phát còn nẻ hà huống gì khuôn mặt con người. Tuy tôi đã chạy vội ra nhà thuốc tây mua vài liều kháng viêm, giảm đau nhưng chẳng công hiệu mấy. Dù không tin vào lời giới thiệu, tán tụng của một ông bạn tốt bụng, nhưng vì đau quá, nên đành nghe lời khuyên đi đặt ngọc rắn. Miễn phí mà, chẳng mất gì, lại biết đâu…

Ôm cái mặt đã sưng tấy, phồng to như mặt nạ thổ địa ngồi phía sau xe để người bạn chở đến nhà bà Phan Đình Thị Sanh, một giáo viên đã nghỉ hưu, ở đường Tống Duy Tân trong khu vực Thành Nội Huế. Bây giờ tôi mới chân diện mục cái báu vật vẫn được truyền thuyết hóa từ bao đời nay. Bà Sanh lấy từ trong một chiếc hộp nhỏ một “viên ngọc rắn”. Ngọc có hình dáng chữ nhật, màu đen tuyền, bốn cạnh vuông khoảng 10 cm, chiều dài chỉ chừng 20 cm, rắn như đá. Nhìn chung chung, viên ngọc rắn đầy huyền thuyết chẳng khác gì một viên mực Tàu bị cắt ngắn. Bà Sanh dùng nước lạnh thoa nhẹ lên bề mặt viên ngọc rồi áp nó lên chỗ bị ong đốt. Tôi có cảm giác lớp da mặt như bị co lại tạo ra một từ trường mát lạnh dễ chịu, sự đau nhức quanh vết đốt cũng dần vơi bớt. Bà Sanh bỏ tay ra khỏi viên ngọc, nó vẫn bám cứng, thít chặt lên mặt tôi.

Theo lời bà Sanh thì phải mất hơn hai mươi phút, viên ngọc sẽ hút hết nọc độc của ong rồi tự động rời ra, xong phải khử độc trên viên ngọc bằng cách ngâm nó trong rượu gạo cao độ, thời gian và số bọt khí do ngọc sủi ra khi ngâm rượu, là tùy vào lượng độc chất nó hút vào nhiều hay ít.

Trong thời gian chờ viên ngọc hút hết độc. Người giáo viên hưu trí đã hơn bảy chục tuổi vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về xuất xứ của viên ngọc bà đang sở hữu. Trước tiên, bà Sanh khẳng định nó chẳng phải là ngọc do loài rắn tu luyện thành mà do con người bào chế, (việc này ai đã từng thấy viên ngọc nầy cũng có thể đoán định được). Bà còn cảnh báo cho chúng tôi, chuyện không ít người bị lầm tưởng xem ngọc rắn là thần vật nên khi bị chó, mèo cắn hay vết thương bị nhiễm trùng cũng tìm đến xin đặt ngọc chữa trị, bà phải giải thích cặn kẽ cho họ biết viên ngọc chỉ có công dụng hút độc chất do độc vật cắn đốt, truyền dẫn. Còn những vết thương có nguy cơ lây nhiễm do tác nhân là vi rút như bị chó, mèo cắn, thì cần phải nhanh chóng đến bệnh viện để chích ngừa bệnh dại,

Bà Sanh là hậu duệ của ông Phan Văn Du, một vị quan dưới thời nhà Nguyễn. Chính ông quan Ngự y này đã mang về nhà không chỉ một viên, mà là năm sáu viên ngọc rắn phân phát cho những người con đã lập gia đình ra ở riêng, mỗi người một viên để phòng thân và chữa trị cho bà con xóm làng. Ngoài chuyện cho con cái ngọc rắn, ông còn truyền lại khẩu quyết chế tác loại dược chất có tính hóa giải độc tố này cho họ. Qua nhiều năm tháng chiến tranh loạn lạc, số ngọc rắn trong gia đình bà Sanh bị thất lạc hết, chỉ còn lại một viên duy nhất đang gắn chặt trên gương mặt thổ địa của tôi.

Chủ nhân viên ngọc rắn cũng tỏ ý buồn khi than thở với chúng tôi, đúng ra viên ngọc lớn hơn nhiều, chiều dài của nó phải gấp ba lần bây giờ. Do trước đây hễ ai cần mượn về nhà hút độc, gia đình bà cũng sẵn sàng cho mang đi, và vì sau khi sử dụng, không ít người nảy tham ý nên đã cắt xén bớt một ít trước lúc đem trả lại. Bây giờ thì với kích thước chừng ấy chỉ đủ để chữa trị những vết cắn đốt của loài độc vật nhỏ như ong, rết, bọ cạp… chứ không còn đủ khả năng hóa giải được lượng độc tố lớn của loài rắn.

Bà Sanh cũng rất thoải mái khi cho chúng tôi biết cái khẩu quyết bí truyền trong gia đình bà về chất liệu, công đoạn chế tác, với hy vọng một ai đó đủ điều kiện sản xuất thêm “ngọc rắn” để giúp ích được nhiều người hơn.

Công thức bào chế ngọc rắn có thể nói là khá đơn giản, chất liệu là Gạc nai tươi (sừng nai còn sống), sữa lấy từ người mẹ sinh con lần đầu (con so). Gạc nai cắt nhỏ ra, bằng thanh mực tàu (tôi phỏng đoán quy cách, kích cỡ viên mực tàu, là một tiêu chuẩn đo lường đã được nghiệm chứng đủ để viên ngọc có thể hút hết lượng độc chất của rắn truyền dẫn trong một lần cắn, mổ). Dùng nồi đất đun sôi gạc nai trong sữa mẹ bằng than hoa, nhỏ lửa. Đúng bách nhật (một trăm ngày) không được để tắt lửa, cạn sữa. Xong một trăm ngày đêm đun sôi trong nồi thì vớt ra, rồi đem bọc kín trong đất sét, nung trần trên lửa than hoa, giữ nhiệt độ vừa phải không được quá nóng, cũng nung liên tục đúng một trăm ngày đêm thì hóa ngọc.

Thời sinh tiền, chồng bà Sanh, cũng là giáo viên nghỉ hưu đã từng chiếu theo công thức khẩu truyền của gia đình vợ để chế tác, do điều kiện khó khăn không thể kiếm đâu ra gạc nai tươi, phải dùng một mảnh gạc hưu đã bị tử (lâu ngày, mất chất). Dù vẫn tạo được một vài mẫu “ngọc rắn” mang đầy đủ tính chất khử độc, nhưng nó không đủ độ rắn, dễ vỡ, tính kháng độc không cao, thời gian hút độc lại quá dài so với viên ngọc gia truyền.

Tuy vậy, từ lần chế tác có thể gọi là không thành công mỹ mãn ấy của gia đình bà Sanh cũng minh chứng cái công thức chế tạo ngọc rắn được khẩu truyền trong gia đình bà là đáng tin cậy. Và xuất xứ của loại ngọc rắn nhân tạo, nếu đối chiếu thêm một vài nguồn tin từ những người đang sở hữu ngọc rắn (đều có xuất phát điểm từ Kinh đô Huế), có thể lập luận rằng những viên ngọc rắn tồn tại trên đất nước ta là do các vị Ngự y dưới triều Nguyễn bào chế ra, chẳng phải là do ông quan nào đó đi sứ sang Trung Hoa mang về. Thật sự họ có mang về từ nhà Thanh, được chăng cũng chỉ là viên ngọc, chứ làm sao mang về được cả cái công thức bào chế, bởi tính cách đặc thù của dân phương Đông nói chung, nhất là dân Trung Hoa thời ấy là khá xấu, thích chơi trò giấu nghề. Anh em cật ruột với nhau cũng không truyền, con gái cũng không truyền vì sợ nó mang về nhà chồng mất bí quyết nhà nghề… Huống chi, đối với các ông thầy thuốc đến từ phương Nam ta.

B.N
(SH288/02-13)










 

Các bài mới
Các bài đã đăng