Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm 30 năm TCSH (1983 - 2013)
Chuyện kỷ niệm “30 năm Sông Hương”: TRI ÂN VỚI DÒNG SÔNG NGUỒN CỘI
14:52 | 19/08/2013

NGÔ MINH

Chương trình kỷ niệm “30 năm Tạp chí Sông Hương” đã qua gần tháng rồi, mà trong tôi những xúc động vẫn không nguôi. Quả thực tôi chưa thấy cuộc “kỷ niệm” nào lại ám ảnh và ấn tượng đến vậy.

Chuyện kỷ niệm “30 năm Sông Hương”: TRI ÂN VỚI DÒNG SÔNG NGUỒN CỘI

Kỷ niệm “30 năm Tạp chí Sông Hương” đã làm cho tất cả các quan khách được mời từ khắp nơi trong nước và khán thính giả Huế, khán thính giả Đài truyền hình VTV, TRT phải thốt lên: “Rất sang trọng, đúng với tư chất một tạp chí văn chương uy tín của cả nước!”. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, hơn chục anh em trong Tòa soạn, nếu cứ “ngày tám tiếng, làm công ăn lương” thì không thể có được một chương trình hoành tráng và lay động lòng người như thế. Anh em đã lao động cật lực mấy tháng trời, bằng tất cả trí thông minh và tấm lòng tri ân, tự hào của mình đối với tờ Tạp chí, đối với dòng sông mà Tạp chí mang tên, tạo dựng được một chương trình rất văn hóa, rất Huế và sâu sắc như vậy.

Đầu tiên là chuyện in 4 ấn phẩm kỷ niệm 30 năm: Truyện ngắn Sông Hương 30 năm, tuyển chọn (1983 - 2013), Thơ trên Sông Hương, tuyển chọn (2003 - 2013), Huế - dòng chảy văn hóa, tuyển chọn (2003 - 2013), Nghiên cứu, Lý luận & phê bình, tuyển chọn (2003 - 2013), cuốn nào cũng dày 300 - 450 trang khổ 14,5x20,5cm, riêng tuyển truyện ngắn dày tới gần 1000 trang. Để tổ chức triển lãm sắp đặt thơ ở công viên Tứ Tượng, anh em đã chọn 200 câu thơ hay nhất về Sông Hương để viết lên 200 chiếc áo pull trắng cùng với phù hiệu 30 năm Sông Hương. Đó là Trường giang như kiếm lập thanh thiên (Cao Bá Quát); Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu (Nguyễn Du); Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh (Văn Cao); Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (Bùi Giáng); Nếu như chẳng có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi (Huy Tập); Chợ chiều Bến Ngự chưa tan/ Ai đi ngược dốc Phú Cam một mình (Nguyễn Duy) v.v. Ngô Minh cũng có câu thơ được chọn: Mạ ơi/ Vườn mạ tháng năm góc trời trắng xóa/ chỉ còn cây dừa như ngọn đuốc xanh... Khi cuộc sắp đặt xong, mọi người được tặng áo. Tôi kiếm được chiếc áo có câu thơ của mình. Thấy nhà văn Hà Nội Nguyễn Xuân Khánh, người viết những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa…, đang đứng cạnh tôi, chăm chú xem dãy áo thơ với vẻ mặt xúc động, tôi đã tặng ông chiếc áo có câu thơ của tôi. Ông bảo: “Đây là kỷ vật Sông Hương. Là kỷ vật!”.

Trước lễ kỷ niệm, có 4 chương trình lớn được tổ chức rất sinh động. Tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương đã tổ chức phòng triển lãm tranh “Về với Sông Hương” của 15 họa sĩ. Nhiều tranh đã được người xem gắn nơ. Triển lãm kéo dài tới cả tuần liền. Sáng 19/6, Tạp chí Sông Hương tổ chức Hội thảo “Đóng góp của các tạp chí văn nghệ địa phương trong dòng chảy văn học Việt Nam” tại Nhà hàng Nổi Sông Hương. Chỉ chuyện tổ chức Hội thảo ở một nhà hàng trên Sông Hương là một sáng kiến độc đáo, chưa từng có ở Huế. Các nhà văn, các lãnh đạo các tờ tạp chí văn nghệ địa phương Bắc miền Trung và các tỉnh có kinh đô xưa và nay như Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, đã phát biểu về sự ra đời và đóng góp của tạp chí mình đối với phong trào sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh nhà, ngay trên dòng sông đã sinh ra tuần báo nổi tiếng Sông Hương do cụ Phan Khôi chủ trương từ 1/8/1936 - 27/3/1937. Thư Sông Hương số đầu tiên vào tháng 6/1983 nêu rõ: “Mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế - SÔNG HƯƠNG, những trang tạp chí này là dòng chảy của những cảm xúc tươi đẹp trên “khúc ruột miền Trung” đất nước”... “Từ nơi đây, như truyền thống đã có, sẽ bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu với bạn đọc cùng thời của họ… Tạp chí phấn đấu là tiếng nói văn nghệ, văn hóa chính thức của một vùng đất, với những dấu hiệu riêng của nó, trong khi không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước”... Nhờ tri âm, tri kỷ với dòng sông nguồn cội, mà Tạp chí Sông Hương 30 năm qua vẫn giữ dòng chảy thơm hương thạch xương bồ, luôn thu hút độc giả trong và ngoài nước. Ngoài hội thảo, Tạp chí còn tổ chức in ấn hai tập Sông Hương (số 6/2013 và số Đặc Biệt) dày dặn là “chuyên đề 30 năm” với nhiều bài viết, hồi ức cảm động để làm quà cho khách mời.

Vang vọng nhất có lẽ là Lễ hội “Tri Ân Dòng Sông” được tổ chức tối ngày 18/6 trên dòng sông Hương huyền thoại là một dấu ấn khó quên trong dòng chảy thi ca bất tận. Đêm tri ân dòng sông, 5 chiếc bằng (thuyền đôi) trang trí rực rỡ, đưa bạn hữu Sông Hương từ mọi miền đất nước về tụ hội, ra với dòng sông thơ, dòng sông tâm tưởng. Trong đêm vang lên tiếng thơ, tình khúc Huế, Ca Huế, với tiếng đàn, sáo réo rắt và những câu chuyện tâm tình. Nhà phê bình Phạm Quang Trung từ Đà Lạt về ghé tai tôi: “Đúng là rất Huế, rất Sông Hương. Xúc động lắm!”.

30 năm Sông Hương là 30 năm trở trăn và đi tới. Hăm hở, nhiệt huyết và sâu thẳm những trang đời. Một tạp chí văn nghệ địa phương mà được Chính phủ tặng bằng khen cũng là một việc xưa nay hiếm. Đó không chỉ là thưởng công, mà đó là sự khẳng định sự phát triển, đổi mới của Tạp chí 30 năm qua là đúng đắn và chất lượng. Trong báo cáo của Tổng Biên tập Hồ Đăng Thanh Ngọc trong Lễ Kỷ niệm 30 năm Tạp chí sông Hương ra số báo đầu tiên tại Khách sạn sang trọng Century Riverside Huế, đã đúc kết: “Mang tên Sông Hương, Tạp chí từ khi ra đời đến nay đã không để mình phải hổ thẹn với tên sông mà Tạp chí đã mang lấy và phụng sự trên hành trình hướng về cái Đẹp. Văn hiệu Sông Hương của Tạp chí đã làm sang trọng cho văn hóa Huế và càng được như thế, Tạp chí Sông Hương càng nhớ đến con sông mà mình đã mang tên”. Sông Hương 30 năm qua có một đội ngũ cộng tác viên vô cùng hùng hậu, với những tên tuổi lừng lững như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện, Trần Độ, Nguyễn Tài Cẩn...; những cây bút tiền chiến như Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Văn Cao, Tế Hanh...; những tên tuổi của thời kỳ dựng xây đất nước như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Trần Quốc Vượng, Vũ Quần Phương...; những tên tuổi của phong trào đô thị miền Nam như Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Dương Kỵ, Trần Quang Long, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn...; những tên tuổi từ chiến trường chống Mỹ như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ngọc, Thanh Hải, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Thanh Thảo, Lâm Thị Mỹ Dạ...; những tên tuổi của thời kỳ Đổi Mới và sau Đổi Mới như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Trần Thùy Mai, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tấn Hầu, Inrasara, Đỗ Lai Thúy v.v. Tác phẩm họ gửi đến cho Sông Hương xứng đáng tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Tạp chí Sông Hương từng là nơi cộng tác thường xuyên của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình có tiếng ở hải ngoại như Đặng Tiến, Lê Huy Cận, Nguyễn Đức Tùng, Thái Kim Lan… Sông Hương là tạp chí có chính kiến mạnh, rõ ràng, bảo vệ cái hay, cái mới, chấp nhận nhiều phong cách, xu hướng sáng tạo văn học nghệ thuật khác nhau. Sông Hương là nơi đã in sáng tác đầu tay và là đất ươm mầm cho những tên tuổi văn chương sáng giá hôm nay như Nguyễn Quang Lập, Trần Thị Huyền Trang, Văn Cầm Hải… Để được sự yêu mến và tin cậy của độc giả, Sông Hương đã có những Tổng Biên tập giỏi, luôn lấy sự đổi mới làm trọng như Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Thạch, Hồ Đăng Thanh Ngọc và một đội ngũ biên tập viên có chất lượng. Nhờ họ mà bạn đọc cả nước được đọc từng số tạp chí có chất lượng thuộc loại hàng đầu của các tạp chí văn học nghệ thuật trong cả nước.

Để kết cấu thành công chương trình kỷ niệm 30 năm Sông Hương đậm đặc và hiệu quả như thế, ngoài nguồn kinh phí của Tỉnh cấp, anh em cơ quan Tạp chí đã nghĩ ra nhiều cách để huy động tài chính và lực lượng vật chất. Kể chuyện tiền nong trước thiên hạ thì “ôốc dôộc”, nhưng cũng phải nói ra đây để biểu dương cách “xã hội hóa” tài tình của anh em. Cũng cần nói thêm rằng, Tạp chí có uy tín với bạn đọc mới thu hút sự ủng hộ của mọi người như thế được. Vận động mỗi mạnh thường quân, mỗi doanh nghiệp góp một tay để làm được việc lớn - đó là cách làm của Tạp chí Sông Hương trong lễ lỷ niệm này. Riêng số tiền in “250 chiếc áo thơ” đã 25 triệu đồng rồi. Để in ấn bộ sách 3 cuốn tuyển chọn tác phẩm trên Sông Hương 30 năm, Tạp chí phải bỏ ra trên cả trăm triệu. Đó là chưa kể “Truyện ngắn Sông Hương 30 năm - tuyển chọn” phối hợp với Nxb. Trẻ và Nxb. Thuận Hóa ấn hành, Sông Hương phải bỏ tiền mua lại sách để biếu khách mời. Anh em phải tính toán để tiết kiệm từng đồng chi phí. Như 5 cái pa-nô trên 5 chiếc thuyền rồng trong đêm Lễ hội “Tri Ân Dòng Sông”, nếu thuê làm bằng sắt thì mỗi cái 1,5 triệu, nếu thuê làm bằng gỗ cũng một cái gần 1 triệu. Anh em Sông Hương quyết định làm bằng tre, rẻ mà cũng chắc không kém. Rồi tiền thuê khách sạn cho hơn trăm khách ngoại tỉnh về dự lễ, tiền đặt tiệc, tiền nước… trăm thứ bà dằn, tính ra cũng gấp nhiều lần số tiền in sách chứ chẳng chơi. Rứa mà tất cả đều êm xuôi nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và nhờ tình yêu dòng sông cùng tấm lòng của bạn bè với tờ tạp chí mang tên Sông Hương.

Chìa khóa xe máy của tôi bây giờ được gắn cái lập lắc trắng được tặng mang nhãn hiệu “30 năm sông Hương 1983 - 2013”. Mỗi lần cầm chìa khóa mở xe, tôi lại thầm nghĩ về lễ kỷ niệm rất ấn tượng được thể hiện trong từng cái nhỏ nhất là cái gắn chìa khóa xe luôn có trong túi hơn 250 khách mời. Đó là một lời chào tri âm, tri kỷ…

N.M
(SH294/08-13)





 

Các bài đã đăng