Giá sách Sông Hương
Tết Huế
Sắc màu tết cũ
09:39 | 07/02/2018

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH  

Tháng chạp của năm nhuận, có người vẫn bâng khuâng hỏi sao ngày tháng qua nhanh, mới đó mà sắp Tết rồi. Ấy là người ta đã chạm vào cái ngưỡng già nua, bỏ quên từ bao giờ những bồi hồi nao nức hóng Tết.

Sắc màu tết cũ
Bến đò ngang - Ảnh: Trương Vững

Nao nức vì mỗi năm chỉ một lần Tết ta, có nhiều ngày nghỉ học, nghỉ làm, nghỉ bán buôn để ăn Tết và chơi Tết. Gọi là ba ngày Tết - được in đỏ trên tờ giấy lịch - nhưng màu xuân đã hây hẩy đất trời từ tháng chạp cùng với không khí rộn ràng sắm sửa, và các hội chơi xuân còn tưng bừng cho đến giêng hai...

Tôi mỗi lần đi dọc theo những ruộng cải vàng hoa trong gió xuân, lại miên man nhớ những sắc màu Tết cũ nơi làng quê xưa, đã hơn năm mươi năm rồi có lẽ. Ngày đó làng tôi đất rộng người thưa, dải đất cát không mỡ màu càng khiến những người dân bám làng ngày càng ít đi. Nương sắn cằn cỗi, gốc sắn nhổ lên mấy củ có khi bộng không vì mối ăn hết ruột. Không gặp ngày cấy hái hay làm cỏ, người làng tôi lại cù đày lặn lội dưới bàu ngòi để xúc tép, bắt cá. Mưa gió lạnh lẽo, gặp nhau tiếng gọi chào nhạt nhòa trong gió mưa... Những dịp cuối tuần tôi hay về thăm nhà. Mạ đón tôi giữa nương cải với nụ cười lóng lánh răng đen và môi đỏ quết trầu không đủ xua đi cái lạnh căm căm giữa mưa phùn và gió bấc hun hút. Bữa cơm ngày đông tháng giá chỉ có chút cá khô và rất nhiều rau cải với đủ món xào, luộc, kho... Nhìn rổ cải cao có ngọn, mạ nói mùa lạnh ăn cải tốt, chứ không muốn tôi biết rằng thêm vài bó cải sẽ đỡ tốn vài nắm gạo. Mấy thím trong làng gánh cải theo xe đò lên chợ huyện, gặp hôm ế ẩm, chiều về đã phải đổ hết bên đường để gánh đôi triêng gióng về không cho nhẹ. Không bán được cải, đi bộ đỡ tốn tiền xe...

Khéo chằm vá như thế để có một cái Tết đơn sơ nhưng ấm áp từ bao giờ đã thành lệ ở quê tôi cũng như những làng quê nghèo của miền Trung cằn cỗi này. Chẳng gì cũng đói giỗ cha, no ba ngày Tết... Những ngày trước và sau hăm ba tháng chạp thường có mưa, theo như các cụ vẫn nói, Hăm mốt xâu tai, hăm hai đeo hoa, hăm ba đưa về... Là đau vì xâu tai mà khóc thành mưa đó thôi. Từ sau hăm lăm thế nào cũng gặp vài hôm nắng ấm, sân nhà ai cũng phơi đầy các trẹc mứt gừng, mứt cà rốt, mứt khoai, mứt dừa... do những người phụ nữ nông dân đảm đang biết vun vén ra sức trổ tài tỉa tót. Những lát mứt đủ màu đỏ, trắng, vàng, cam... được nắng, lóng lánh lớp áo đường ngọt thơm trong gió Tết. Những thẩu dưa món, dưa kiệu đỏng đảnh vừa kịp đặt lên kệ bếp. Chợ làng dĩ nhiên cũng bày bán đủ thứ mứt món, nhưng mạ tôi và mấy o mấy thím luôn cho rằng phải tự tay mình làm mới thể hiện lòng thành để dâng cúng tổ tiên ông bà... Nhà nhà đã quét vôi, sửa sang lại cửa ngõ hàng rào, mấy cây cúc vạn thọ cũng được bứng lên cho vào chậu tử tế, bày vàng rực trước hiên. Ba tôi và các chú trong làng cho rằng chưa có bông thọ là chưa thấy mùa xuân. Đâu đó trong rặng tre xanh, thấp thoáng dải lụa điều nhẹ rung trên những cây nêu đón Tết. Đường ra chợ quê lúc nào cũng có người đi. Đi bán những thứ của nhà và mua thêm những thức còn thiếu. Quày quả suốt ngày vẫn chưa sắm đủ. Hoặc đơn giản là đi ngắm cái bận rộn mà náo nức trên vẻ mặt người làng, năm hết tết đến mới hưởng được mấy bữa nhàn rỗi việc nhà nông. Vài đứa chị gái dắt em nhỏ quẩn quanh trước cái nia xếp đầy những con tò he ngộ nghĩnh lắm màu sặc sỡ. Những con bột nhuộm màu này thường chơi chưa được bao lâu, chúng đã cho vào bếp than. Những đôi mắt trong veo hăm hở đón chờ con tò he uốn éo rồi nở phồng ra, thay hình đổi dạng. Mỗi đứa nhấm nháp một chút, thấy trên đời chắc không có món nào ngon hơn nữa. Có bác trai cứ đứng hồi lâu bên bộ ấm trà men sứ xanh vẽ hình mấy ông Phúc Lộc Thọ. Nhìn rồi đi chứ không mua: thúng gạo nếp đã vút sạch và mấy cuộn lá chuối xếp sẵn ở nhà đang chờ. Củi dương - quê tôi cát trắng không thiếu gì cây dương liễu cho than rất đượm, có nơi gọi là phi lao - gom từ tháng trước chất lên giàn bếp đã khô, chuẩn bị cho nồi bánh tét có cả nhà quây quần canh chừng ngọn lửa. Lửa bập bùng đây đó trong các bếp xua đi cơn gió bấc quyện mưa phùn từng hồi lùa qua mái tranh, làm ấm lên đêm cuối đông của những người hân hoan chờ Tết.

Những tấm áo nâu mới sáng ba mươi còn cặm cụi dưới đồng làm cỏ lúa, thoắt cái đã thay bằng nhiều màu rực rỡ trên đường làng sớm mồng một đầu xuân. Luôn luôn là áo dài và quần trắng còn nguyên nếp gấp bởi lâu ngày để tận đáy rương. Trông họ thật vui mắt như thể vừa bước ra từ những mâm ngũ quả khổng lồ, tỏa đi len lỏi dưới những rặng tre xanh, qua những bờ rào vương vấn dây tơ hồng. Khắp nơi tiếng guốc gỗ khô giòn khua vui ngõ xóm. Chưa thấy mặt người đã nghe rộn tiếng nói cười chúc mừng năm mới. Sau vành nón Tết còn xanh lá, mấy o mấy thím đỏ hồng môi má vì miếng trầu cay. Đình miếu nghi ngút hương trầm thấp thoáng mấy cụ già áo dài khăn đóng lâm râm khấn lạy, nét mặt trang nghiêm. Tôi lúc đó chạy theo lũ bạn, dù lạnh mấy cũng không mặc áo len để còn khoe quần áo mới, tay giữ chặt phong bao lì xì mấy tờ bạc cứng sột soạt. Vào sân vườn nhà ai cũng đầy lộc biếc cành non, và nương cải để lấy hạt cho mùa sau đã trổ đầy hoa vàng hoa trắng, rung rung trong nắng xuân...

Ngày Tết tôi theo mạ đi lễ chùa làng. Sân chùa rộng có cả hồ sen to, ở giữa là tượng Đức Quán Thế Âm lúc nào cũng nhìn xuống, hiền từ mà uy nghiêm. Vườn chùa trồng những cây hoa rất quen thuộc với người làng: hoa ngâu, hoa mộc, hoa sói, hoa hồng tường vy... Hương hoa không nồng, hương thơm dịu dàng thoảng trong nếp áo dài lam của người đi lễ vào đến tận trước chính điện. Sư cụ đã già, rót mời chén trà xuân tự tay mình ướp hoa vườn chùa cho khách tĩnh tâm trước khi lên đảnh lễ Phật. Mạ không cầu lộc cầu tài, chỉ xin được bình an vô sự cho các con mình trên những nẻo đường xa. Sư cụ là em họ xa với ba tôi. Khi đã cao tuổi, sư thu nhận vài ba chú tiểu, cho đi học trường làng và hướng dẫn làm Phật sự. Những gia đình nghèo trong làng có người bệnh nặng hoặc có việc tang, thầy trò lại chở nhau trên chiếc xe đạp cũ đến tận nhà lo việc giúp rất tận tình, không đợi ai mời, chẳng quản nắng mưa...

Đi mỗi đoạn đường làng lại thấy bọn trẻ tụm lại xúm xít đánh bầu cua cá. Những hình tôm cua rùa cá bầu nai xanh, đỏ, tím, vàng đầy sức mê hoặc bọn trẻ. Và tiếng cười đùa cứ thế chốc chốc lại rộ lên tràn ngập xóm quê. Người lớn thích ra chợ làng, nơi có hội bài chòi vẳng giọng hò trong trẻo và tiếng gõ phanh phách vào cột chòi của người chơi cứ thi thoảng vang lên... Trên chiếc chiếu cói còn tươi màu hoa trải trước hiên nhà, mạ tôi và mấy o mấy thím ngồi đủ sáu người cho hai phe bài tới. Những con bài bằng giấy bìa mới cứng, một mặt in tên bài và hình vẽ tượng trưng, mặt kia sơn màu đỏ thắm. Không có đàn ông, cánh phụ nữ chẳng cần ý tứ, thỉnh thoảng ghẹo nhau hô tên những con bài đã được gán thêm những từ nghe rất lạ với bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy, rồi cười ngặt nghẽo quên cả tới lượt mình...

Và ngày xuân qua mau. Nhiều mùa xuân qua mau. Cây cầu gỗ bắc ngang con hói nhỏ để đến chùa đã được xây xi măng rộng đủ cho ô tô đi qua. Chùa cao lớn kiên cố hơn và sân chùa lát gạch với nhiều chậu cây cảnh sang trọng bề thế. Không còn nhận ra những lối đi xưa giữa nhiều màu hoa dân dã. Những mùi hương cũ trong vườn chùa không biết giờ đã về đâu. Thời gian đưa sư cụ, ba mạ và mấy o mấy thím tôi về cùng thiên cổ. Thời gian đưa lớp trẻ con chúng tôi ngày ấy lên lão ông lão bà. Năm mươi năm sau, làng tôi đã thay đổi nhiều. Đất chật người đông. Khu công nghiệp mọc lên cạnh làng và ruộng đồng như co lại, manh mún. Đã thưa dần những lũy tre làng và lối vào nhà giữa hai hàng chè tàu xanh um. Đi cả xóm mới thấy có đụn rơm. Xem ra cuộc sống vội vã nhưng khấm khá hơn với đủ các loại xe máy, có vài nhà trong làng đã tậu ô tô, dễ và nhanh hơn ngày xưa tậu trâu và sắm cối xay. Mừng cho người dân quê tôi đã chạm tay vào những tiện nghi của cuộc sống văn minh. Nhưng tôi thấy hụt hẫng thế nào khi nhìn những quán cà phê và karaoke ầm ào tiếng nhạc, được trang trí lòe loẹt cũng như mấy em gái vào ra, môi má và móng tay móng chân đỏ chót. Nơi đó ngày xưa mấy thím tôi hay đứng trong gió đưa cao chiếc thúng quá đầu để gie gạo, người làng tôi gọi là dên gạo. Chỗ trấu được un thành đống, lũ trẻ chúng tôi ngồi xúm xít canh từng củ khoai lùi chín thơm lừng... Con đường làng đất đỏ chạy giữa cánh đồng lúa xuân trổ đòng ngọt mùi sữa ấm nồng ngày nào giờ đã đổ nhựa, nở nang cao lớn. Và hai bên đường, nhà cửa san sát che khuất tầm nhìn, không thấy ruộng đồng. Không còn thấy nhà ai phơi mứt trong nắng vàng. Mấy đứa cháu gái và cháu dâu ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi, cười bảo: Thời này là thời não thời nào mà còn ngồi làm mứt! Vào siêu thị khuân về mứt gì chẳng có! Không chỉ siêu thị mà các quán hàng hai bên đường đều trưng bày đủ thức đủ màu, đóng gói các kiểu lấp lánh bắt mắt. Hội chợ làng năm nào cũng có bài chòi, nhưng tiếng nhạc từ các giàn loa của mấy gian hàng lân cận đã ồn ào lấn lướt giọng hò... Và các o các thím bây giờ đã khác lớp trước, cũng xem như khá hiện đại khi mặc vét hay đồ đầm đi chơi tết. Còn tôi thì thấy chính tôi mới thật quê mùa, đi lạc giữa nơi đã từng là quê mình, hay là người từ xa xăm nào trở lại, cũng thế. Bức tranh quê tôi bây giờ cũng lắm màu nhiều vẻ. Buồn thay, tôi vẫn thấy lạc loài khi ngoái nhìn nhưng biết tìm mãi nơi đâu những sắc màu Tết cũ...

N.T.D.S  
(TCSH348/02-2018)


 

 

Các bài mới
Tím độ em về (02/02/2019)
Các bài đã đăng
Mệnh con khỉ (07/02/2016)
Tết quê xưa (31/01/2016)