Giá sách Sông Hương
Nhà thơ Lê Văn Ngăn
LÊ VĂN NGĂN: Ký ức về một vẻ thuần khiết
15:02 | 05/01/2015

VƯƠNG KIỀU

1.
Nếu không thức dậy đúng lúc loa phóng thanh báo rằng, tàu sắp rời ga Diêu Trì thì ngày hôm đó tôi phải vất vả quay lại Quy Nhơn ở ga dừng kế tiếp.

LÊ VĂN NGĂN: Ký ức về một vẻ thuần khiết
Họa sĩ Phan Ngọc Minh vẽ nhà thơ Lê Văn Ngăn

Không hiểu sao tôi thức dậy được để hấp tấp lấy hành lý, xách giày chạy ra cửa toa, vừa nhảy xuống khỏi tàu chỉ kịp nghe ông bảo vệ la toáng:

- Có ngủ thì nhờ người chung quanh đánh thức chứ!

Cũng vừa lúc chuyến tàu SE7 hú còi chuyển bánh...

Vào thành phố Quy Nhơn lúc 7 giờ hơn, còn quá sớm để đến nhà Lê Văn Ngăn ở đường Hai Bà Trưng, tôi dạo một vòng quanh mấy con đường mong tìm lại vài hình ảnh Quy Nhơn ngày trước, nhưng hoàn toàn xa lạ, chỉ thấy nhà cao cửa lớn, khắp nơi đều bê-tông hóa, những con đường không còn cát biển nằm rải rác đó đây, thỉnh thoảng vướng vào chân tạo cho người đi cảm giác vui vui như được nghe muối biển thì thầm dưới gót.

Tôi đến nhà Ngăn lúc 8 giờ 30, chị Phước vợ Ngăn đang dọn dẹp bên trong, chị thấy tôi liền vội ra mở cổng và câu chuyện của chị bắt đầu. Chị kể rất nhiều chuyện, mới có, cũ có, chuyện bệnh tật của Ngăn, chuyện bạn bè... Chị kể một thôi, tôi nghe một hồi, rồi chị mới đi lên lầu báo cho chồng biết là tôi ở Huế mới vào. Lát sau tôi nghe Ngăn vọng xuống gọi tôi lên, giọng rất bình thường, không có vẻ gì là người đau yếu cả. Ô. Lê Văn Ngăn mới mổ não ngồi đó, trên giường, nhìn tôi cười, mắt vẫn vui vui như mọi khi nói:

- À! Cậu mới vào! Đến đây ngồi.

Tôi đến ngồi bên cạnh, lạc quan:

- Ông hơi trắng, mập ra, chỉ có cái đầu là khác, giống mấy ông thầy chùa.

- Ừ! phải vậy thôi!

Ngăn đứng dậy bảo tôi đến ngồi ở bàn pha trà uống, dáng đứng và đi vẫn nhẹ nhàng, nếu không có tấm băng phía sau ót thì tôi không nghĩ ông Lê Văn Ngăn mới qua cơn mổ não nguy kịch. Điều tuyệt vời là trí nhớ của Ngăn không suy suyển, thậm chí số điện thoại của Lê Gành, Ngăn đọc cho tôi từng số một không chút ngập ngừng. Ông Ngăn vẫn đinh ninh là hồi đó bị té nên máu bầm ứ ở não mới ra cớ sự và hy vọng là không di căn di kiết gì hết. Tôi đồng ý với mong muốn của Ngăn và không nói gì về bệnh trạng nữa.

2.

Quy Nhơn mới 9 giờ 30 sáng mà tìm quán bia mồi nhắm đàng hoàng thì khó thật. Lê Gành chở Kim Quy (bạn thời sinh viên của Gành) và tôi đến một quán bia đường Trần Cao Vân để hàn huyên.

Sáng hôm ấy chúng tôi nói về “Lê Văn Ngăn, Cuộc đời! Thơ ca! Và những kỷ niệm với bạn hữu”.

Kỷ niệm về Lê Văn Ngăn thì nhiều, và Lê Gành bắt đầu kể:

“...Vào một đêm năm 1970, Lê Gành đang ở tại cư xá Minh Mạng Nam Giao thì Ngăn xuất hiện, mặt mày có vẻ hớt hải... “trốn lính”. Gành mở tấm cửa thông lên gác, nói Ngăn mau vội leo lên trên ấy, đừng ho hen, đụng đậy gì hết. Nửa đêm, chung quanh chó sủa náo loạn, ngoài kia quân cảnh, cảnh sát đang đi lùng sục... Quá nửa đêm thì không nghe chó sủa nữa, Gành biết đã yên liền mở cửa thông gọi Ngăn xuống. Có lẽ “Người đi trốn” hôm đó chưa có chén cơm nào trong bụng nên hỏi Gành có gì ăn không? Gành kéo mấy hộc tủ, may mà còn sót vài khúc bánh mì khô cứng, bỏ vào ca đổ nước cho đường, xăm dầm thành món xúp mì đưa cho nhà thơ...

Trưa tôi về nhà Ngăn kể lại kỷ niệm ấy, Ngăn không quên, buột miệng:

- Bữa đó mình ăn ngon thiệt.

3.

Chiều hôm ấy, bác xe thồ chị Phước gọi chở tôi về ga Diêu Trì, khi tàu chuyển bánh khoảng 15 phút thì Ngăn gọi:

- Cậu về ga có kịp tàu không?

- Mình đang ngồi trên tàu, tàu chạy rồi, mong ngày gặp lại.

- Ừ!

“Mong ngày gặp lại! Có không? Tôi hỏi lòng mình.”

Lê Văn Ngăn! Thi sĩ! Sống chân thật với lòng mình, với bạn hữu và cuộc đời! Cho dù có những thời đoạn Ngăn nhầm lẫn chọn pháp môn dấn thân sai khác với lòng, nhưng con người vốn dĩ có ai không sai lạc.

Vào một thời im bóng” tập thơ đầu tay của Lê Văn Ngăn xuất hiện ở Đà Lạt năm 1972, bây giờ như là một định mệnh ứng vào số phận của ông. Hình ảnh ông Lê Văn Ngăn lặng lẽ với bệnh tật như chiếc bóng trên mái lầu, phía trước có một khoảng trời xanh và vài ba cây kiểng nói thầm với ông về ý nghĩa màu xanh hy vọng. Tôi nhớ có một câu thơ Ngăn viết rằng: “Đừng đi về phía khổ đau nhiều hơn hạnh phúc”. Những năm tháng sau nầy, bạn bè đều biết, “Ông đang đi dần về phía khổ đau.” Có lần khi Ngăn và tôi ngồi ở Sài Gòn, qua điện thoại nói chuyện với Lê Huỳnh Lâm ở Huế, tôi nhớ mãi câu nói của Ngăn mà xót xa, “Mình đang sống dần và đang chết dần”. Đó là tiếng kêu thương của một người đang đi dần vào “cuối mùa im bóng” đang đi về phía khổ đau không còn hạnh phúc.

4.

Mùa thu, năm 1974, Huế là nơi tôi sinh trưởng học hành, ở tù và bị bắt lính. Những tháng năm cuối mùa chinh chiến, không một ngày đi đứng yên ổn, cuối cùng tôi phải “nương bóng từ bi”, Phạm Tấn Hầu là người mở đường đưa tôi vượt qua cơn bão từ hai phía để vào Đà Lạt. Và, đặc biệt là được gặp gỡ thi sĩ Lê Văn Ngăn.

Tại phòng trọ của Lê Văn Ngăn nằm cạnh ao rau muống, nơi đầu tiên tôi gặp Ngăn, Hầu có đôi lời giới thiệu và gửi gắm:

- Nếu sau nầy có gì thì chia sẻ...

Ngăn chân thành, vì quý mến bạn nên không đắn đo, liền trả lời:

- Ừ!

Sau nầy khi Hầu về Sài Gòn không quay lại nữa, đến hồi lúng túng mọi bề, tôi đã tìm đến căn phòng “Im bóng” bên ao rau muống hỏi xin Ngăn gạo và tiền. Ngăn không ngừng ngại, đáp ứng ngay.

Từ đó tôi thành tri kỷ của thơ Lê Văn Ngăn, và của cuộc đời anh.

6.

“Thơ, trước hết là phải cảm xúc thật, tự nhiên”, đó là quan niệm của Lê Văn Ngăn trong sáng tác khi chúng tôi trao đổi về những bài thơ “Tân Hình Thức” xuất hiện gần đây trên Tạp chí Sông Hương, phải tự nhiên như hoa nở, chim hót, cái đẹp nằm ở trong ấy. Suốt một đời làm thơ, Lê Văn Ngăn đã để lại rất nhiều tác phẩm tự nhiên như đời sống, những gì đi qua trong đời ông để lại cảm xúc, và những lúc nhớ về ông đã bật ra tiếng lời để thành những bài thơ xúc động lòng người. Ví dù như bài:

THƠ TẶNG CHỊ BA Ở PHAN RANG

Phan Rang năm ấy, có lẽ chị Ba không còn nhớ nữa
nhưng tôi, kẻ từng chịu ơn chị, tôi không thể nào quên quá khứ.

Năm ấy, tôi đến từ phương xa
không giấy tờ, không người quen, không nhà không cửa
và tương lai tôi
... ...
Có thể tôi đã rơi vào bước đường cùng
nếu không tình cờ gặp chị

Dưới rặng me già, bên chiếc xe những ổ bánh mì lặng im
... ...

Ai ở Đà lạt thời ấy mà không biết đến cà phê Tùng cũng như cà phê chị Sáu nằm ở bến xe, tôi đoan chắc trong sổ tay của chị còn rất nhiều người uống cà phê ghi sổ đến nay chưa trả, trong số ấy chắc chắn có bạn bè của Ngăn và tôi. Trong bài thơ “Lâu năm, nhưng chưa phải là vĩnh viễn”, Ngăn đã cởi lòng với chị Sáu:

Lâu năm, chưa trở về Đà Lạt
đi qua mấy chặng đường mưa
ghé vào quán cà phê chị Sáu.

... ...
Tôi biết chị thường thức dậy lúc người chưa xuất hiện trên đường
Người an ủi chị lúc cô đơn là ngôi sao mai trên nền trời sẫm
ngọn lửa bập bùng trong bếp than hồng
tiếng rơi đều trong tách cà phê đợi chờ khách đến
... ...
Lâu năm, chưa trở về Đà Lạt
Lâu năm, nhưng chưa phải là vĩnh viễn

Nếu cuộc đời đôi khi có sự mầu nhiệm đến từ trời cao, tôi ước sao sự mầu nhiệm ấy được đến cùng căn bệnh của Lê Văn Ngăn, để anh em bạn bè ở Huế cũng như khắp nơi còn có dịp ngồi uống với ông thêm một ly cà phê nữa hoặc một ly bia trước khi hoàng hôn tắt nắng.

Sài Gòn 1/11/2014
V.K
(SDB15/12-14)

>>
Lê Văn Ngăn, thi ca là tín ngưỡng của một người - PHẠM TẤN HẦU giới thiệu
Thơ Lê Văn Ngăn - Tiếng hót của loài Dạ Oanh - LÊ HUỲNH LÂM
Lê Văn Ngăn "Viết dưới bóng quê nhà" - BỬU Ý
Lê Văn Ngăn Nhà thơ không bao giờ lớn tiếng - NGÔ THẾ OANH
Nhà thơ Lê Văn Ngăn từng viết "những bài thơ tôi chỉ sống đôi ngày" nhưng tôi nghĩ thơ ông thật sự đã sống và sống không chỉ đôi ngày - ĐÌNH PHÚ




 

Các bài mới
Các bài đã đăng