Giá sách Sông Hương
Làng Bên Sông
An Bằng, miền quê sông nước
10:30 | 27/02/2015

VÕ VINH QUANG

Làng An Bằng - một vùng quê sông nước đặc trưng trong chiều dài lịch sử của xứ Huế. Theo các tư liệu Hán Nôm của làng, quá trình thành lập làng An Bằng được phụng dựng sơ lược như sau:

An Bằng, miền quê sông nước
Bãi biển An Bằng

Nguyên vào nửa thế kỷ XVI, chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào giữ chức Trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Năm 1570, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng được giao chức Tổng trấn Thuận Quảng, được quay về trấn địa. Lúc đó, một số lái buôn người thôn An Ba, xã Cừ Hà, huyện Khang Lộc, Phủ Tân Bình (sau đổi Quảng Bình) đi thuyền ra buôn bán xứ Thanh, trong số đó có ba ngài họ Nguyễn, Trần và Hoàng. Ba vị này đứng ra tình nguyện dùng thuyền trường đà (loại ghe vận tải lớn ngày xưa) chở chúa Tiên trở vào Ái Tử.


Năm 1571, ba ngài (họ Nguyễn, Trần, Hoàng) đưa vợ con, bạn bè vào miền biển huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, lập nên làng xóm, đặt tên là phường An Đôi. Nhờ có công lao phò tá, chúa cho dân phường được miễn thuế má, hàng năm chỉ nạp cá làm lễ phẩm kị giỗ tôn miếu.

Thời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687 - 1691), vì kiêng húy bà Tống Thị Đôi (người sinh ra chúa Ngãi), làng đổi tên An Bằng, thuộc nội phủ, tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

Năm 1835, vua Minh Mạng tiến hành xếp đặt lại các đơn vị hành chánh, ấp An Bằng thuộc tổng Kế Mĩ. Ngày nay, làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

*

Làng An Bằng là một địa phương còn bảo lưu tốt tư liệu Hán Nôm trên nhiều thể loại, và đa số có liên quan trực tiếp đến dấu ấn lịch sử của một vùng quê sông nước đặc trưng.

Làng hiện còn bảo tồn được 12 sắc phong từ các thời Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định… do các vị vua triều Nguyễn vinh phong cho nhiều vị thần linh hiển ứng, trong đó có nhiều vị thiên thần liên quan đến sông nước. Những dấu ấn của các vị thần vùng sông nước đã được dân làng và vương triều tôn kính thờ phụng, khẳng định giá trị của những thần linh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cư dân bản địa ở An Bằng nói riêng và các vùng đất trên lãnh thổ miền Trung nói chung. Tại Hương phổ ấp An Bằng (soạn năm 1913), các chức sắc làng ghi chép rằng “Từ khi Thái tổ Hoàng đế [Nguyễn Hoàng] vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam, xây dựng cơ nghiệp Đàng Trong, các ngài tiên tổ ta bấy giờ đi theo, đấy là dịp quay chèo vào cõi Nam vậy. Đến thời bắt Mạc Lập Bạo ở sông Ái Tử, các ngài tiên tổ ta mới ở hẳn tại đất này. Tưởng nghĩ đến thuở dầu áo gió nón mưa, lều lau nhà cỏ, nhạy thảm dạm thay. Tấm lòng lo toan xây dựng, tốn bao nhiêu công sức mới có ngày nay, ơn đức không cùng kể từ đó vậy”(1). Như thế, sự hình thành vùng quê và dân cư xứ này gắn liền đậm nét với dấu ấn lịch sử thời chúa Nguyễn mở đất phương Nam. Nếu khu vực đầm phá Hà Trung rộng lớn cũng như các làng mạc quanh vùng đầm phá ấy đều được đặt dưới sự quản lý của làng Hà Trung, thì vùng biển cạn và khơi xa thuộc dãy biển Thuận Hóa chính được ngư dân làng An Bằng tiên phong khai phá. Điều đó không những thể hiện vị thế của làng An Bằng trong thời Chúa Nguyễn Nam Hà mà còn góp phần không nhỏ cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử xã hội của toàn xứ Thuận Quảng xưa (tương đương với khu vực Trung Trung bộ cho đến Nam Trung bộ ngày nay).

- An Bằng là ngôi làng chuyên nghề sông nước, cung cấp hạng vật “cá cảm(2)” nổi tiếng cho phủ Chúa Nguyễn và triều đình vua Nguyễn.

Theo các tư liệu Địa bạ (năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), các tờ Thị (văn bản phủ Chúa Nguyễn), Khai trưng, Đơn trình, tờ Truyền, Đơn thưa nài về Thuế và Tờ Khoán cấm còn lưu giữ, làng An Bằng vốn là một ngôi làng có công lao phò tá chúa Nguyễn Hoàng, nên được phủ chúa Nguyễn cấp đặc ân cho ghe thuyền của bổn làng được đi các nơi ở Đàng Trong để vận chuyển thóc gạo, nhu yếu phẩm, vật hạng địa phương… như thuyền nhà nước và miễn sưu dịch (Tờ Thị của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu vào ngày mồng 1 tháng 8 năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), Tờ Thị năm Cảnh Hưng thứ 26 (1766), tờ Thị năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) và tờ đơn của dân làng An Bằng năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720)). Chẳng hạn, Địa bạ năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) cung cấp những thông tin cần thiết cho chúng ta hiểu biết thêm về đời sống nông ngư nghiệp cũng như địa phận vốn có của làng An Bằng. Chúng tôi xin trích toàn bộ bản dịch về bản địa bạ cổ này như sau: “Tướng thần xã trưởng Nguyễn Văn Học, Lê Văn Đâu, Nguyễn Văn Ngạch và nhân dân toàn phường An Đôi thuộc Nội Phủ, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong kính trình về việc kê khai từng loại ghe của bổn phường thả lưới vùng biển cạn [gần bờ] năm trước và khoản mới thêm năm nay; nay đem số lượng ghe [đánh cá] vùng biển cạn kê đầy đủ. Nay trình:

1. Các loại ghe thả lưới vùng biển cạn năm trước và mới thêm năm nay, trên từ cửa Eo Eo, dưới đến Cảnh Dương, tổng cộng 14 chiếc. Năm trước khai thác thả lưới vùng biển cạn: 8 chiếc ghe. Năm nay mới thêm thả lưới vùng biển cạn: 6 chiếc.

2. Một khoảnh đất cát trắng làm nhà và rừng bụi bỏ hoang: đông giáp sông Cùng, Nam giáp Bến Quan, Tây giáp Lối Dài, Bắc giáp Ngâm Hen.

Trên đây có hai trang giấy viết chữ, từng ghe thả lưới vùng biển cạn năm trước đến đất cát trắng làm nhà, chúng tôi đều đã khai báo quả đúng sự thật số chiếc ghe thả lưới của bổn phường. Nếu thu giấu hay rút bớt từ một chiếc trở lên, thì tướng thần xã trưởng Nguyễn Văn Học, Lê Văn Đâu xin chịu tội nặng không dám chối. Nay kê khai.

Ngày 29 tháng 10 năm Cảnh Trị thứ 7 [22.11.1669]

Tướng thần xã trưởng Nguyễn Văn Học, Lê Văn Đâu cùng kí tên
”(3)…

Những đặc trưng nghề nghiệp của làng An Bằng từ thời Chúa Nguyễn cũng được ghi chép cụ thể ở nhiều văn bản khác. Thí dụ, tờ Thị năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) có đoạn: “Thị (bảo) cho xã An Bằng, thuộc nội phủ, huyện Phú Vang tiện nghi… cấp cho bằng từ nay về sau, theo Nội Phủ làm việc, hàng năm có ghe đến hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa mua chở thóc gạo, vật hạng địa phương như các thuyền nhà nước, còn các dinh không được sách nhiễu, lính tráng đều miền; nếu qua trên đầu nguồn, dưới cửa biển, các nha môn tuần bị, tuần ty, tuần sát trên sông ngòi xét thật thì chuẩn cho đi…”(4). Tờ đơn Kê khai đóng thuế năm Minh Mạng 20 (1839) do Lý trưởng Lê Văn Vựng cùng nhân dân ấp An Bằng, tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang soạn cho ta biết thêm về các mục thuộc hạng mục đóng thuế của làng An Bằng ở thời điểm đó: “Lý trưởng Lê Văn Vựng và nhân dân ấp An Bằng thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vang xin kê khai ghe chài hà bạc bốn ấp 2 chiếc, lệ nộp tiền và thuế cá cảm nộp tiền thay, mỗi hạng bao nhiêu biên chép đầy đủ dưới đây: Thuyền chài: 2 chiếc (mỗi chiếc tiền thuế 1 quan), tiền thuế 2 quan. Cá cảm: 10 vại (do mỗi chiếc thuế cá cảm 5 vại, nộp tiền thay 8 mạch), nộp tiền thay 8 quan. Tổng cộng tiền 10 quan…” (5) ; Kể từ thời chúa Nguyễn, Tây Sơn (1558 - 1802), Ấp An Bằng được ưu ái cho cấp ngụ lộc trong vùng biển cạn, khai thác và quản lý trên một lãnh địa rộng lớn từ khu vực cửa Eo Eo (xã Hoàn Duân) cho đến Cảnh Dương; dân làng chuyên chú bằng nghề bủa lưới, vật ha- ng đặc trưng dâng lên phủ chúa là “cá cảm”, ngoài ra được miễn tất cả những thuế lệ. Trong tờ đơn kêu nài về thuế năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753), các viên chức ở làng An Bằng (thuộc Nội phủ, huyện Phú Vang) trình bày như sau: “Nguyên các ngài tổ phụ bổn phường trước kia đã lập sổ bộ canh tác, bao chiếm ngoài vùng biển cạn, trên từ cửa biển Eo Eo, dưới đến Cảnh Dương, làm nghề bủa lưới trong địa phận ấy mà nộp Cá Cảm. Khoảng trước đây, chín thuyền tổng Diêm Trường ngầm làm nghề chài lưới, bổ phường vào sổ thuế lệ mà xin ăn ngụ lộc, ức thu thuế ghe chài bổn phường. Nhưng bổn phường đã có bằng son của nội phủ cho nạp cá cảm và các vật chứ không nạp thuế ghe chài. Khi chín thuyền kiện cáo bổn phường việc ấy, các quan nội tả hữu sai tra xét xong, dâng tờ lên phủ, cho bổn phường cứ theo bằng son nộp Cá Cảm mà khỏi nộp thuế ghe chài cho chín thuyền hàng tổng. Nay thu lại vùng biển cạn ngụ lộc ấy, cấp cho các tên lãnh mua, nhưng khiến đòi thu thuế ghe chài bổn phường. Khó thể chịu một lần hai thứ thuế, dám xin lệnh trên căn cứ vào án trước, chuẩn miễn thu nặng để khỏi sinh ra kiện cáo. Kính trình.

Ngày 11 tháng sáu năm Cảnh Hưng thứ 14 (11/07/1753)
” (6)

Từ sau thời Gia Long, trong quá trình sửa sang địa bạ, các ấp tiếp giáp xung quanh ấp An Bằng là Hà Thanh, Xuân Thiên, Mỹ Lợi, Mỹ Á… căn cứ vào mặt nước phần đất họ để trưng chiếm, nên lãnh địa của ấp An Bằng chỉ còn quanh khu vực làng An Bằng hiện nay. Tờ đơn năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) đã kể rõ vấn đề này: “…Nhân vì ấp chúng tôi ở gần vùng biển, đều toàn cát trắng, không có một tấc ruộng đất công tư, đời sống nhân dân cùng thuế má binh dịch đều dựa vào nghề biển. Nguyên ấp chúng tôi đã có sổ cũ, trưng chiếm vùng biển cạn, trên từ cửa biển Eo Eo (tức xã Hòa Duân) dưới đến Cảnh Dương (tức xã Chu mại). Khoảng niên hiệu Gia Long, sửa sang địa bạ, các ấp Hà Thanh, Xuân Thiên giáp phía trên ấp chúng tôi, các ấp Mỹ Lợi, Mỹ Á giáp phía dưới ấp chúng tôi, mỗi ấp căn cứ vào mặt nước ở phần đất mình mà trưng chiếm, khoảng còn lại thì thuộc địa phận ấp chúng tôi, trên giáp ấp Hà Thanh, dưới giáp ấp Mỹ Lợi, vốn đã khai trưng ghe chài Hà Bạc hai chiếc, tiền thuế mười quan, hằng năm do Phủ [Thừa Thiên] thu nộp, trải đã nhiều năm, có đủ bằng bạ và biên lai chấp chiếu…”(7)

*

Tìm hiểu về làng xã miền Trung nói chung, chúng tôi lâu nay rất quan tâm đến các làng ven sông ven biển của xứ Thuận Hóa. Bởi, dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo… của mảnh đất này vốn dĩ được “khắc ghi” đậm nét tại các vùng sông nước này. Để khẳng định được vị thế địa - chính trị, địa - quân sự của vùng Thuận Hóa thời các chúa Nguyễn trong thế tương quan với triều Lê Trịnh và triều Mạc đàng Ngoài, chúng ta không thể không quan tâm đến ý nghĩa của các dòng sông, dòng suối, vùng biển cũng như toàn bộ đời sống sinh hoạt tín ngưỡng và nhất là hệ thống văn bản tư liệu vật thể cũng như phi vật thể hiện tồn trên toàn lãnh thổ hiện nay. Theo chúng tôi, việc đi sâu tìm hiểu các làng bản ven sông hồ đầm phá, nhất là các đầm phá, vùng biển lớn sẽ đem lại nhiều giá trị tích cực cho việc bổ khuyết thêm vào lịch sử của cõi Nam Hà thời chúa Nguyễn nói riêng (vốn rất khuyết thiếu hiện nay) lẫn lịch sử văn hóa xã hội của Việt Nam nói chung. Vì, toàn bộ đời sống chính trị, quân sự, kinh tế, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giao thông đi lại, trao đổi… từ trước thế kỷ XX trở về trước gắn liền đậm nét với con đường chính yếu đương thời, đó là đường thủy. Trước khi hệ thống giao thông đường bộ khá đầy đủ như hiện nay, đường thủy vẫn là giao thông huyết mạch trong toàn cõi. Vậy nên, nghiên cứu các vấn đề về lịch sử Việt Nam rất cần chú tâm đến các vấn đề liên quan đến sông nước ở từng vùng (nhất là các vùng đồng bằng, duyên hải).

Khi nghiên cứu về dân cư xã hội các làng ven đầm phá, sông ngòi, cửa biển ở Tam giang, Hà Trung, Hà Thanh, An Bằng, Mỹ Lợi, Vinh Hiền… chúng tôi thực sự rất bất ngờ và thích thú với nhiều tư liệu quý giá hiện tồn ở những khu vực này. Có thể nói, những tư liệu tại các làng xã này sẽ góp phần không nhỏ cho việc khai thác sâu hơn rất nhiều vấn đề về mọi mặt của lịch sử xã hội mảnh đất Thừa Thiên Huế.

V.V.Q
(SH312/02-15)


.............................................
1. Ban Nghi lễ làng An Bằng, Văn bản Hán Nôm làng An Bằng (Lê Nguyễn Lưu trích dịch), Huế 1999 (Tài liệu Nội bộ), tr.92
2. Cá Cảm 鱤鱼: con gọi là cá quả, tên khoa học là Elopichthys bambusa (Richardson). Theo “Bản thảo cương mục”: cá cảm thuộc họ cá Chép (lý ngư 鲩 鱼), hình thù thì giống cá chép nhưng phần bụng thì bằng, đầu giống loại cá trắm cỏ (cán ngư 鲩鱼) nhưng miệng to hơn. Má cá thì giống má cá măng (niêm ngư 鲇鱼) nhưng sắc vàng, vảy thì tựa cá chầy (tỗn ngư 鳟鱼) nhưng nhỏ hơn. Con cá lớn có thể là từ 30-40 kg.
Đây là loại cá đặc sản được Phủ Chúa cũng như đến đời các vua Triều Nguyễn ủy nhiệm cho dân làng An Bằng triều cống. Qui định này được ghi chép ở rất nhiều tư liệu tại làng An Bằng.
3. Ban Nghi lễ làng An Bằng, Văn bản Hán Nôm làng An Bằng (Lê Nguyễn Lưu trích dịch), Huế 1999 (Tài liệu Nội bộ), tr.04
4. Văn bản Hán Nôm làng An Bằng, Sđd, tr.65
5. Văn bản Hán Nôm làng An Bằng, Sđd, tr.31
6. Văn bản Hán Nôm làng An Bằng, Sđd, tr.47
7. Văn bản Hán Nôm làng An Bằng, Sđd, tr.68






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tết trên sông (17/02/2015)