Giá sách Sông Hương
Một thoáng Mỹ Thuật đương đại Huế
Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn: VŨ ĐIỆU MIỀN TÂM LINH
16:07 | 18/07/2016

LÊ HUỲNH LÂM

Nghệ thuật khởi lên từ tâm thức của người nghệ sĩ, tâm thức một nghệ sĩ lớn bao trùm cả xã hội ở thời đại của họ, sẽ cho ra đời tác phẩm xứng tầm thời đại đó.

Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn: VŨ ĐIỆU MIỀN TÂM LINH
Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn trong giai đoạn làm tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Trong văn chương nghệ thuật có những trường hợp như: Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Phố Phái, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Lê Thành Nhơn, Bửu Chỉ,... trong âm nhạc có Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao,... và cả những trường hợp vượt lên hơn nữa, để lan tỏa suốt dòng thời gian bất tận này là không nhiều.
 

Tượng Phật tọa thiền của Lê Thành Nhơn đặt tại Bảo tàng Quốc gia Úc

Với nhà điêu khắc lừng danh Lê Thành Nhơn, có thể nói rằng qua những tác phẩm của ông, người được xem như cảm nhận được dòng tâm của tác giả khi sáng tạo đã đồng cảm với tâm thức xã hội qua các thời đoạn, như tác phẩm tượng bán thân nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu là cả một sự trầm tư, suy tưởng về vận nước. Cái tài của người nghệ sĩ là nhập vào dòng chảy của lịch sử để sáng tạo lại nhân vật. Tầm vóc của nhân vật lịch sử lớn thì sự biểu hiện của người nghệ sĩ càng thấu đạt. Chỉ với tác phẩm tượng bán thân cụ Phan Bội Châu cũng đủ để khẳng định một tài năng lớn của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn. Phong cách diễn đạt tác phẩm Phan Bội Châu thể hiện một tầm vóc lớn không kém gì các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đồ sộ của thế giới như tượng “Nhân sư” ở Ai Cập. Lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử, Lê Thành Nhơn đã cho ra đời các tác phẩm mô tả thần thái các nhà yêu nước: Phan Bội Châu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trung Trực, cùng nhiều danh nhân trong và ngoài nước. Đó là loạt tượng về danh nhân mà ông đã dày công thể nghiệm thông qua tư liệu lịch sử, để cảm nhận được cuộc đời và tâm thức của các nhân vật lịch sử, từ đó Lê Thành Nhơn đã truyền năng lực và cảm xúc của mình vào chất liệu, đất đá để tạo ra những giá trị văn hóa phô diễn được nội hàm của các nhân vật lịch sử với người xem qua tác phẩm của mình. Trở lại với bức tượng bán thân cụ Phan Bội Châu, nếu quan sát kỹ sẽ thấy cái chau mày chỉ bằng hai nét gợn, để tôn vinh đôi mắt đang khép lại để bật lên cái nhìn thấu suốt vào bên trong của con người kỳ vĩ đang đau cùng vận mệnh dân tộc, phần mảng khối ở miệng và cằm khoặm lại càng tạo nên uy dũng của một tâm hồn lớn. Ngoài phần chính là khuôn mặt cụ Phan, thì các yếu tố phụ với sự lồi lõm, gồ ghề rất tự nhiên được tác giả diễn đạt các hình tượng rất sinh động hoàn cảnh dân tộc vào thời điểm đó, để làm nỗi bật hơn nữa vóc dáng suy tưởng của một gương mặt yêu nước là phần chính của tác phẩm. Với bức tượng Quán Thế Âm, người viết chợt liên tưởng đến hình ảnh các vị tù trưởng của bộ tộc da đỏ xuất hiện trong điện ảnh, đây là phong cách lạ về tượng tôn giáo, phỏng theo sự hóa thân kỳ ảo của bồ tát Quán Thế Âm.

Ngoài điêu khắc, hội họa của Lê Thành Nhơn được diễn đạt bằng bút lực mạnh để đưa người xem đến với thế giới trừu tượng biểu hiện. Tuy hội họa của Lê Thành Nhơn ít người biết đến so với điêu khắc nhưng để đạt đến tâm thức thăng hoa của hội họa trừu tượng, tức là đem vẻ đẹp hướng vào nội tâm người xem để cùng khám phá thế giới của chính mình. Trong cách nhìn đó, chúng ta có thể thấy được những đóa hoa như đang nở trong sắc màu của nhà điêu khắc tài danh này. Như loạt tác phẩm “Đất”, “Nước”, “Gió” và “Lửa” với kích cỡ rất lớn, cao 2 mét và dài 6 mét (riêng bức Gió dài 6,5 mét) trong bộ Tứ Đại. Ông còn thể hiện hàng loạt bức tranh minh họa cho Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng bút chì trên giấy: “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” nói về đoạn Thúy Kiều đàn cho Hoạn Thư và Thúc Sinh, bức “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay” tả về đoạn Thúy Kiều đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe. Bức “Trong như tiếng hạc bay qua” và bức “Phím đàn dìu dặt tay tiên” kể về đoạn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần đầu và trong ngày đoàn viên. Loạt tác phẩm “Kiều ở lầu xanh” được diễn đạt bằng bút pháp biểu hiện, diễn đạt cơn truy hoan của dục tính trong sự co quắp của cơ thể để gợi lên sự đau đớn tinh thần của thân phận Kiều.

Càng về cuối đời, ông như chiêm nghiệm được quy luật của tạo hóa. Trong sự trầm mặc, suy tư về cuộc đời, ông càng thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống qua các tôn giáo. Với tư cách là một nghệ sỹ, ông đã thể hiện tác phẩm với sự sáng tạo đầy nhân bản, dẫn đưa người xem cùng thể nhập cảnh giới mà ông đã trầm mặc, thấu đạt.

Nhìn vào tác phẩm Sanh, Lão, Bệnh, Tử để thấy được sự tài năng của người nghệ sỹ. Cho thấy không chỉ có giới tu sĩ mới có thể diễn đạt Phật pháp qua lời nói, hành động mà bất kỳ người nào khi đã hòa vào dòng sống Phật pháp, thì tất cả phương tiện đều trở thành công cụ để truyền pháp đến mọi đối tượng. Tác phẩm Sanh được diễn tả bằng sự phồn thực nhưng thanh khiết của nghệ thuật, tác phẩm gợi nhắc về một người nữ với đôi bầu vú căng đầy và khối tròn như được bảo bọc bởi đôi cánh chứa đựng mọi vật. Tác phẩm “Lão” là sự diễn bày một con người khòm lưng được giữ thăng bằng bởi cây gậy đang vươn về phía không gian tối. Tác phẩm “Bệnh” là những chiếc xương sườn bật lên trên một dáng người đang hướng cái nhìn về phía trời cao, như đang mong đợi sự cứu rỗi. Tác phẩm “Tử” được thể hiện bởi một người thiếu phụ ngữa mặt, trong một tư thế cuộn tròn, chân chạm đầu như chuẩn bị cho một sự tiếp nối khác trong cuộc chuyển hóa của vòng luân hồi. Với tác phẩm “Hân hoan” diễn đạt niềm hoan lạc thanh thoát, như hai người đang thể nhập vào một giai điệu với những tư thế khiêu vũ hoàn hảo. Nhìn lại các tác phẩm của Lê Thành Nhơn, đều thấy bóng dáng của những vũ điệu đang hiện hữu trên tác phẩm của ông, vũ điệu đó chính là tâm thức của một nghệ sĩ đầy nội lực và luôn hướng về phía chân trời thiện mỹ.

Theo họa sĩ Đinh Cường, Lê Thành Nhơn là người thích làm những việc đội đá vá trời, người thầy có tác động đến nhà điêu khắc tài danh Lê Thành Nhơn, cùng các đồng nghiệp Lê Tài Điển, Mai Chửng,... chính là điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ; ông tốt nghiệp điêu khắc ở Đại học Mỹ thuật Montpellier, Pháp. Thầy Huệ có về tham gia giảng dạy ở Việt Nam đầu những năm 60. Ngoài ra, Lê Thành Nhơn còn để lại nhiều tác phẩm đặc sắc như: Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật tọa thiền, Mẹ Maria, Mẹ Việt Nam... với phong cách tinh tế, hiện đại, nhưng vẫn đọng lại tinh thần Việt và truyền cảm xúc mạnh đến người xem. Tên tuổi Lê Thành Nhơn đã song hành cùng những tác phẩm lớn mà ông đã để lại cho cuộc đời. Điều kỳ diệu và diễm phúc của thành phố Huế là được sở hữu những tác phẩm lớn của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, là “Phan Bội Châu”, “Quán Thế Âm” và “Cô gái Việt Nam”, cùng đặt trên con đường Lê Lợi để tăng thêm vẻ cao sang cho dòng Hương thơ mộng và gợi nhắc đến công chúng về một Cố đô ẩn chứa nhiều lớp trầm tích văn hóa.

Huế, 5/2016
L.H.L   
(SHSDB21/06-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng