Giá sách Sông Hương
Một thoáng Mỹ Thuật đương đại Huế
Họa sĩ Tô Bích Hải: Đọc và họa theo tứ thơ của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
08:35 | 22/07/2016

LÊ QUANG THÁI

I. VÀO CHUYỆN
Viết để lưu lại một số cảm nhận về nữ họa sĩ Tô Bích Hải, người đã tặng tập sách với tựa đề bằng thư pháp Việt ngữ: VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH của Nguyễn Du năm 2012 tại Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị.1

Họa sĩ Tô Bích Hải: Đọc và họa theo tứ thơ của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
Nghệ sĩ Tô Bích Hải đang giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và lạ của mình tới công chúng

Gọi là sách nhưng kỳ thực là một nguồn tư liệu mới về Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh được dịch ra tiếng Pháp của Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị kèm theo tranh minh họa theo ý từng khổ thơ song thất lục bát mà họa sĩ Tô Bích Hải đã kiên trì, miệt mài vẽ bay thoát từ nguồn thơ của Nguyễn Du. Hẳn đúng với lời Tự bạch ở đầu sách: “Và tôi chợt nhận ra tiếng kêu oan của mọi loài trong Thập Loại Chúng Sinh mà đại văn hào Nguyễn Du đã tế độ”. Đó là phần I của tư liệu đặc sắc, phần thứ 2 là OAN HỒN: HỌA TRÊN GỖ của nữ họa sĩ tài hoa và độc sáng.

Sách dày trên 50 trang, gọi là trên vì không thể kể những trang giấy lót làm nền có từng những bức tranh được họa sĩ Tô Bích Hải do cảm nhận từ tứ thơ theo từng khổ của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.

Tư liệu quý hiếm này khổ 17,5 x 22,5, bìa màu nâu nhạt và được đóng theo lối sách xưa bằng chữ Hán. Đặc biệt, sách chỉ để đặc biệt tặng cho khách quý.

Được quà tặng, tôi mừng và lo. Họa sĩ như thường tình nhẹ nhàng nói: “Anh vui vẻ nhận, về nhà thủng thỉnh đọc, rồi viết cho một bài cảm nhận về văn học và nghệ thuật qua nội dung sách này hay gọi cho đúng là tư liệu liên quan đến cô hồn qua bản dịch của chị cả Điềm Phùng Thị và sáng tác tranh theo cách nhìn mới của tôi”.

Vì quá đột xuất, tôi thú thật với họa sĩ là “lực bất tòng tâm”. Họa sĩ nói lại: Nại hà gì, nhận biết sao viết vậy. Vô tư. Tôi mong anh ở “gần chùa, có thiện duyên thì sẽ viết được”. Tôi nói không dám “hứa khả” nhưng sẽ cố gắng. Nại hà gì trước lòng tốt và hiếu khách của họa sĩ người dân tộc Tày anh em.

Chỉ vì suy tư xoay quanh thuật ngữ “Nại hà” đã như chỉ đường mở lối cho bài viết này được hình thành.

“Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh, chí những năm cất gánh non sông. Nói chi những buổi tranh hùng, tưởng khi thế khuất, vận cùng mà đau”


II. CHẤP BÚT

Gần hai năm qua, tôi đọc đi đọc lại khổ thơ số 39 của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh:
 

“Đau đớn nhẽ không hương không khói, hồn ngẩn ngơ dòng suối, rừng sim. Thương thay chân yếu tay mềm, càng năm càng héo một đêm, một dài”

“Gặp phải lúc đi đường nhỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?”


Thôi đành chấp bút, nại hà gì, để đáp lời thịnh tình của họa sĩ đã khéo động viên một cách chân thành và thật tế nhị trong cung cách lập ngôn.

Nại hà (viết thường) là thuật ngữ có nghĩa là “chần chờ gì, biết làm sao, làm sao cho được việc, cho nên chuyện”. Lời dịch thoát từ khổ thơ gồm 4 câu tiếng Việt sang thơ tiếng Pháp giảm trừ thành 3 câu vì câu 1 và 2 được gom ý để dịch ra thành 1 câu thơ bằng tiếng Pháp.

“Le pont du fleuve de l’oubli, chacun le traverse.
Chacun son tour, chacun sa destinée,
Les âmes s’égarent, òu sont-elles à présent?”2

Bên dưới lời dịch có tranh “long ẩn” tờ mờ dựa theo tứ thơ như đã “thoát xác” từ chữ nghĩa để biến thành tranh “chiêu hồn”. Dưới tựa đề “MIỆT MÀI TRÊN ĐÁ” tác giả đả đánh động và như để đá từ từ xuất lộ như một mạng tơ để nói tiếng từ phiến đá cổ.

Họa sĩ Tô Bích Hải đã giải thích việc làm miệt mài ấy để khám phá ra được cái mới lạ:

“Mạng tơ dệt bằng những ký hiệu, những vết tích hình thành từ triệu năm, xin để mỗi người tìm cho mình chiếc chìa khóa hay dây tơ hồng dẫn sang bên kia tấm gương, bên kia bờ bến và dệt cho mình sứ điệp thầm kín của riêng mình”.3

Lý giải ấy như được nâng lên cao một cung bậc trong chiều sâu trầm tư mặc tưởng của người sáng tạo và sáng tác theo lối mới lạ, dẫn đưa người đọc sang một bờ bến khác. Họa sĩ tài hoa như đã “ngộ ra”, vâng Tô Bích Hải đã tỉnh ngộ.

“Và tôi chợt nhận ra tiếng kêu oan của mọi loài trong Thập Loại Chúng Sinh mà nhà đại văn hào đã tế độ”4

Toàn bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh gồm 45 khổ + 2 câu thất ngôn, thì bản dịch ra tiếng Pháp của Điềm Phùng Thị được minh họa bằng 22 bức tranh trên giấy “can” hai mặt trơn và màu trắng trong5, tức 44 cảnh tượng thông hưởng giao hòa giữa hai cõi âm dương cách trở mà không cách trở giữa hai cõi sống/chết. Vẽ thế mới là họa, như bằng cảm quan tư duy nối kết, liên tưởng và thăng hoa.

Có vượt qua cầu “Nại Hà” thì mới sáng tạo, độc sáng được như thế. Linh thiêng và thật nhiệm mầu. Chữ nghĩa của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh và nét vẽ diệu kỳ của họa sĩ Tô Bích Hải đạt tới mức mới lạ. Phải chăng từ “chữ nghĩa” của Nguyễn Du đã tạo nên chiếc cầu “NẠI HÀ” - nối liền hai bờ cầu trong từng khoảnh khắc ẩn hiện lung linh. Có có mà không không ở hai câu cuối của bài Văn Tế CÔ HỒN bất hủ:

Phật hữu tình từ bi phổ độ;
Chớ ngại rằng có có không không.

                        (Câu 181-182)

III. CẦU NẠI HÀ

Xưa các bản phiên âm từ bản Nôm của VĂN TẾ CHÚNG SINH ra quốc ngữ (theo mẫu tự Latin), có bản viết cầu Nại Hà (viết hoa hai chữ), có bản lại không. Nại (奈) gốc là quả nại, một loài giống như quả lần. Còn đọc là “nài” như “nài làm sao”. Nại Hà là dòng sông thần thoại. Dịch ra tiếng Pháp thì lại dễ nắm bắt nghĩa lý hơn. Le fleuve de l’oubli có nghĩa sông quên. Qua cầu giữa dương gian và âm phủ bằng cầu Nại Hà. Ở đó, đầu cầu này có quán cháo lú vừa ngon vừa thơm. Cho vong ăn thì vong hưởng đến độ quên cả đường về, quên cả quê nhà, quên cả họ tên.

Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp tu từ biểu trưng trong 2 câu thơ:

Gặp phải lúc đi đường nhỡ bước,
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.


Trước Nguyễn Du; Ôn Như Hầu - Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798) trong tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc để lại cho người đời sau ý tưởng mới trong khổ thơ theo thể ngâm song thất lục bát. Đó là khổ thơ bản lề đối với người viết bị đánh động, vượt qua ái nại để viết một cách tự nhiên, ý tưởng trào dâng ra đầu ngọn bút:

Cầu Thệ Thủy ngồi trơ cổ độ,
Quán Thu Phong đứng rũ tà huy.
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
6

Ý tưởng thâm sâu của 4 câu thơ đi liền thông suốt mạch văn. Làm công việc dẫn giải và chú thích CUNG OÁN NGÂM KHÚC, cụ Vân Bình Tôn Thất Lương đã viết để lột tả tấn tuồng biến hóa hư huyển bằng thủ pháp ý tại ngôn ngoại.

“Như vậy thì nào là người mẫn thế ưu thời phải sinh lòng cảm xúc vô hạn đành ngồi trơ bên cầu Thệ Thủy, bến cũ.
Và chịu đứng rũ chân trời dưới bóng trời (tà huy) ở quán Thu Phong.
Gớm ghê thay nỗi phong trần lan khắp chốn sơn khê (núi khe)
Và cảnh tang thương thấu đến loài cây cỏ vậy”
7

Nhìn chung lại thì cầu Thệ Thủy, quán Thu Phong và cầu Nại Hà. Hai chữ cầu, quán chỉ là nói dặm thêm sao cho có nghĩa bằng cách nương tựa theo điển cố văn học. Tuyệt nhiên, không có cầu, quán nào là Nại Hà, Thệ Thủy, Thu Phong cả. Thiết tưởng đó là đạo thể bày tỏ như nước chảy qua cầu, gió thoảng ở trên trời vậy.

Ai ai cũng từng nghe hát “Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay” vậy mà thôi.

Phải thành khẩn và thành thật mà nói, trong đời người, ai mà chẳng hơn một lần đã từng đi qua cầu khỉ gập ghềnh hay cầu nại hà cheo leo, khấp khểnh ở chốn thôn dã hoặc ở tận chốn khe suối để rồi trực nhận ra rằng:

Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.


Đó là kiếp người, thân phận làm người, làm chúng sinh hữu tình với trăm vàn cảnh khổ bi lụy. Nếu không khéo tu, hay vụng tu thì mỗi khi vô thường đã chín, thân mạng đều mong thoát khỏi thân phận “cô hồn”. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh được Điềm Phùng Thị dịch là “Requiem pour les âmes errantes”. Ngôn ngữ nhà chùa đã dùng hai tiếng “cô hồn” là “những con ma đói”.

IV. OAN HỒN: HỌA TRÊN GỖ8

Phần I là phần hợp tác giữa người dịch ra Pháp ngữ Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nhà điêu khắc, tạo hình nổi tiếng châu Âu, có hai quê hương Hà Tĩnh - Huế, Huế - Hà Tĩnh với tranh minh họa của nữ họa sĩ người Tày có thủ pháp họa về thế giới của người chết, và ngay cả thấy, rồi nghe được tiếng thì thầm, xôn xao, than trách của đồ vật mà người trần thế cứ nghĩ như vô tri, vô giác. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như đã thổi hồn vào sỏi đá, gió thoảng để nói lên tiếng lòng thổn thức: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” hoặc “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” để “Gió cuốn đi”.

Động lực nào đã khiến họa sĩ Tô Bích Hải chọn lựa cách sáng tạo độc đáo này, được xem như một “ngoại lệ”9. Hãy nghe họa sĩ thổ lộ nguồn cơn tâm sự:

“Lần đầu tiên đến Huế để tìm sáng tạo, tôi bị lôi cuốn ngay vào cái huyền bí lung linh của khổ đau qua bao cuộc chiến. Và người dân hiền lành Huế vẫn tưởng nhớ đến người đã khuất qua các bàn thờ trong nhà ngoài ngõ cho gia đình và vong linh. Trong tôi có sức vô hình nào bắt chung tay vào việc ghi nhớ đó. Tôi dựng lên những công trình nghệ thuật làm bằng những vật liệu của ngay chính miền đất này, chọn từng mẫu đá, từng cây cột nhà đã mục, đã bầm dập với thời gian và cuộc thế.

Sắp đặt tượng gỗ


Đá và cây trở thành nguyên liệu của sáng tác nghệ thuật, được trân trọng như những đài tưởng niệm, dù chỉ là nghệ thuật phù du”10.

Phải chăng rằng trên đã sáng tạo, họa sĩ Tô Bích Hải như thấm được cái ý vị thanh thoát của khổ thơ thứ 43 của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh:

Kiếp phù sinh như hình với ảnh,
Có chữ rằng vạn cảnh giai không.
Ai ai lấy Phật làm lòng,
Tự nhiêu siêu thoát khỏi trong luân hồi.


V. LỜI KẾT

Tô Bích Hải, sinh năm 1947, người dân tộc Tày, sinh tại Mống Cáy, vùng biên giới của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn tiếp giáp với nước Trung Quốc.11

Không biết ngọn gió nào đã thổi nữ họa sĩ tài danh, mở ra một loại hình nghệ thuật phù du trên đá và gỗ. Tốt nghiệp Viện hội họa Lausane, Thụy Sĩ năm 1967 từ năm sau cho đến nay sinh sống và hội họa tại Pháp.

Họa sĩ đã tham gia dự triển lãm nghệ thuật từ năm 1978 cho đến năm 2012 đến 20 lần tại các quốc gia châu Phi, châu Âu, châu Mỹ… Tác giả được thiện duyên kết thân với nhà nghiên cứu, điêu khắc Điềm Phùng Thị đã nổi tiếng ở châu Âu về nghệ thuật sắp đặt, mà lại xuất thân từ hoa khôi của trường Trung học Đồng Khánh Huế, từ một Nha sĩ. Thật là “sinh nhi tri chi”. Có ai ngờ đâu! Giữa Điềm Phùng Thị với Tô Bích Hải có mối giao cảm “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Cho nên hai người đã dìu dắt nhau để thành danh ở xứ người. Giữa Điềm Phùng Thị với Tô Bích Hải gặp nhau “giữa đường”, khác nào trong lộ trình mà Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh đã viết “Gặp nhau phải lúc đi đường nhỡ bước”. Mỗi người một nghiệp, nhưng chẳng “nại hà” vượt qua lằn ranh phân biệt tuổi tác, người Kinh - người Tày để kết nối thân tình và thâm tình thắm thiết bằng con đường yêu chuộng và đam mê nghệ thuật.

Mốc thời gian Festival Huế, 2012 là dấu ấn mà họa sĩ Tô Bích Hải để lại khá đậm nét sau gần 4 năm tìm hiểu về chiều sâu của văn hóa tâm linh ở Huế. Năm 2008 lại cũng là khởi điểm đáng ghi nhận đối với Tô Bích Hải, vì đây là thời điểm họa sĩ lần đầu tiên trong đời đến với Huế và đã khám phá ra một đường bay nghệ thuật mới: Nghệ thuật phù du. Huế đã mở rộng cửa đón người tài khắp nơi đến tham quan, nghiên cứu về những nét đặc sắc của văn hóa Huế, đặc biệt là văn hóa tâm linh Huế. Danh phận của thành phố Huế, mỗi ngày một mới do sự tôn phong của thiên hạ trên địa cầu xanh ngày nay.

Huế hôm nay thật linh thiêng. Chỉ vì “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Cả người sống lẫn người chết đều đồng tình ủng hộ người hiền tài. Hạnh phúc thay một khi “NÃO PHIỀN TRÚT SẠCH, OÁN THÙ RỬA KHÔNG”12.

Cố đô Huế, Vu Lan năm Giáp Ngọ, 2014
L.Q.T
(SHSDB21/06-2016)

---------------
1. Trước lễ Vu Lan, nhân dịp Festival Huế, 2012 năm Nhâm Thìn, PL 2556, tại Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, số 01 đường Phan Bội Châu, Huế tổ chức triển lãm trưng bày tác phẩm của họa sĩ Tô Bích Hải theo chủ đề giới thiệu tác phẩm hội họa của Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và Tô Bích Hải.
Điềm Phùng Thị sinh ngày 18/8/1920, mất ngày 17/2 năm Nhâm Ngọ (2002) tại Huế, tên là Phùng Thị Cúc, lấy chồng Bửu Điểm cho tên ghép Điềm Phùng Thị.

2. Cầu Nại Hà: Được chuyển ngữ sang tiếng Pháp là: LE PONT DU FLEUVE DE L’OUBLI - Dịch là “Chiếc cầu bắc qua sông quên”. Nể kính dịch giả Điềm Phùng Thị xuất thân là một Nha sĩ. Vì say mê văn học - nghệ thuật, bà đã hiểu biết sâu về thần thoại và truyện cổ của các quốc gia vùng Viễn đông Châu Á. Có táo bạo tung bút mới dịch được một cách cao tay như thế.

3. Dưới tựa đề “MIỆT MÀI TRÊN DẤU ĐÁ”, sau lời tự bạch, họa sĩ Tô Bích Hải đã viết ở trang 9 của tư liệu (còn được gọi là sách).

4. Câu kết của lời TỰ BẠCH, sđd, tr.5: “Tranh chì xoa trên đá - họa trên gỗ như để tưởng nhớ đến Đại thi hào Nguyễn Du”.

5. Giấy can: Một loại giấy dầu “đục trong” được cán láng cả hai mặt, được dùng trong việc vẽ, in ấn. Vẽ, họa một ảnh, một tranh, một cảnh tượng trên mặt A của giấy này, thì như được 2 bức ảnh hoặc tranh. Có thể nói mặt A là mặt dương, mặt B là mặt âm. Cứ cầm tờ giấy can sau khi được họa sĩ vẽ rồi soi lên ánh sáng trời thì dễ nhận ra điều đã nói.

6. CUNG OÁN NGÂM KHÚC, Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều), Vân Bình Tôn Thất Lương dẫn giải và chú thích, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1950. Theo bản in lần thứ 4, qua lời tựa của soạn giả. Cụ Tôn Thất Lương là nhà cựu học, đỗ Tú tài Hán học, nguyên Giáo sư trường Trung học Đồng Khánh và Khải Định Huế (tức trường Hai Bà Trưng và Quốc học). Cụ đã có câu nói bất hủ: “Cung oán ngâm khúc, cũng là Kinh Thi phôi thai của Việt Nam ta ngày nay vậy”.

7. Thệ Thủy (逝水) là nước chảy. Sách Luận Ngữ cho biết: Khổng Tử đứng trên sông mà nói: “Thể giả như ty phù (逝 者如斯夫) bất xả trú dạ, nghĩa là nước chảy như vậy chẳng dét cả đêm ngày. Ý nói ngồi nơi bến cũ (cổ độ) mà nhìn sự quá vãng. Nước chảy, thời gian chảy... Xem CUNG OÁN NGÂM KHÚC, Sđd từ câu 97 đến câu 100, tr.35, 42.

8. OAN HỒN: HỌA TRÊN GỖ (Les âmes errantes: Bois peints). Theo Tô Bích Hải thì có một nghệ thuật phù du: Đá và cây trở thành nguyên liệu của sáng tác nghệ thuật, được trân trọng như những đài tưởng niệm, dù chỉ là nghệ thuật phù du.

9. Ngoại lệ: chữ dùng của Tô Bích Hải tự lên khuôn tóm tắt tiểu sử của sách đã dẫn với chủ đích hướng thượng trở về nguồn: “Tưởng nhớ đến Nguyễn Du qua tác phẩm: “VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH” (viết theo hàng đứng, mỗi chữ một dòng). Thẳng đứng với cột dọc tên tác phẩm là lời dịch ra tiếng Pháp (viết hàng ngang) tạo thành với hàng đứng thành góc thước thợ. “Requiem pour les âmes errantes”. Tiếng Pháp viết “La Horde des Pieux” có nghĩa là “ngoại lệ”.

10. Nguồn tư liệu liên quan vừa là suối nguồn cho sáng tác cho Tô Bích Hải, sđd, tr.34. Nghệ thuật phù du (oeuvre d’art éphémères), từ họa tiết, tranh vẽ, nghệ thuật sắp đặt đều như biểu lộ, thể hiện hai cõi sống/ chết của chúng sinh.

11. Tô Bích Hải đã phiên âm địa danh, nơi chôn nhau cắt rốn của mình từ ngôn ngữ Tày. Giữa “Tày” và “Kinh” hòa nhập.

12. Câu cuối cùng và là câu kết của Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng