Giá sách Sông Hương
100 năm Nam Phong tạp chí
Nơi yên nghỉ của cụ chủ bút Nam Phong tạp chí
08:05 | 23/08/2017

THANH TÙNG

Cụ Phạm mất lúc nửa khuya ngày mồng 6/9/1945 (ngày 1/8 âm lịch) và nằm lại ở vùng gò đồi Hiền Sĩ, thuộc huyện Phong Điền, phía tây bắc thành phố Huế. 11 năm sau, như là một sự ngẫu nhiên của định mệnh, cụ được cải táng về chùa Vạn Phước.

Nơi yên nghỉ của cụ chủ bút Nam Phong tạp chí
Văn nghệ sĩ, trí thức Huế dự lễ giỗ lần thứ 70 của cụ Phạm Quỳnh

Chùa Vạn Phước do cụ Nguyễn Đình Hòe, Hiệu trưởng trường Hậu Bổ, sáng lập hồi đầu thế kỷ 20. Sau cụ Nguyễn Đình Hòe, cụ Thượng Chi là người có nhiều công đức với chùa Vạn Phước. Trong chùa cụ Phạm có một phòng đọc sách, những lúc mỏi mệt, căng thẳng, sau giờ làm việc cụ thường lên đây thư giản, tĩnh tâm. Hiện nay chùa Vạn Phước vẫn lưu giữ một số kỷ vật của cụ.

Theo hồi ức của bà Phạm Thị Hảo, người con thứ năm, và của ông Phạm Tuân, con trai út của cụ Thượng Chi, gia đình họ Ngô tìm được nơi mất và nơi táng hai cha con ông Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân. Một ngày cuối năm ta, tây lịch là ngày 5/2/1956, gia đình cụ Phạm (ở Sài Gòn) được thông báo chuẩn bị đi tìm mộ và cất bốc hài cốt thân phụ. Thực ra thì năm 1948, ông Phạm Bích, con thứ tư của cụ Phạm, đã dò hỏi được nơi mai táng thân phụ mình nhưng không thể đưa cụ về được vì khu vực này hẻo lánh, hiểm trở, không bảo đảm sự an toàn trong quá trình tìm kiếm mộ phần, mà phải chờ cho đến tận bây giờ. Việc tìm kiếm hài cốt không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực, phương tiện và trên hết là vấn đề an ninh.

Trong bài “Sống lại với ký ức thưở ngày xưa” ông Phạm Tuân  viết:  …Thật “nghịch đời”, lúc sinh thời, Thầy tôi và cụ Khôi vì khác chính kiến nên đã trở thành thù địch, thề “không đội trời chung”, thế mà khi thác lại nằm chung   một   hố... Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi, giả sử như Thầy tôi không bị chôn vùi cùng huyệt với cụ Khôi và ông Huân, những người thân của Tổng thống, thì chúng tôi có được sự giúp đỡ này không?

Xác định được tọa độ nhưng công việc đào bới tìm kiếm mộ phần suốt một ngày (8/2/1956) không có kết quả. Chiều ngày hôm sau, may có một cụ già người địa phương đi ngang qua đã chỉ dẫn mới đào được ba bộ hài cốt. Nhờ có các di vật nên việc xác định hài cốt của mỗi người cũng rất dễ dàng.

Tại hiện trường, trên một ngọn đồi, trong một chiếc lều bạt nhà binh, hai chị em bà Phạm Thị Hảo và cụ bà Ưng Trình (nhạc mẫu ông Phạm Bích) túc trực, thắp nhang cho cụ Phạm. Gia đình mời một vị Thượng tọa trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ trong làng đến làm lễ cầu siêu. Bên chính quyền cũng cử một đại diện đến phúng điếu và phân ưu; cử hai quân nhân lễ phục nghiêm chỉnh túc trực bên quan tài. Ban tổ chức lễ cải táng có chuẩn bị ba cái tĩnh bằng sành để đựng hài cốt. Cả ba có nắp in hình thánh giá nên bà Hảo tế nhị từ chối để dùng cái tĩnh đã mua sẵn dành riêng cho đệ tử nhà Phật có khắc chữ Vạn.

Trong khi đó quan tài ông Ngô Đình Khôi và ông Ngô Đình Huân được quàn trong một lều vải lớn, chứa cả trăm người, có điện chiếu sáng, có lính mặc lễ phục túc trực, quan chức đủ các cấp mặc âu phục trắng cà vạt đen ra vào tấp nập, vòng hoa phúng viếng bày la liệt… Tiếng cầu kinh của giáo chúng vang vọng suốt đêm. Ngày hôm sau sẽ di quan cha con ông Ngô Đình Khôi về Hiền Sĩ để cử hành tang lễ trọng thể theo nghi thức quốc táng, sau đó mới đưa về Phú Cam an táng. Thấy tủi thân trước sự khác biệt, chị em bà Hảo xin một chiếc đò chở cụ thân sinh về Huế ngay đêm đó. Đò đi suốt đêm đến sáng thì tới bến gần chùa Vạn Phước. Trên bến sư cụ cùng các đệ tử chờ đón. Mai táng cụ thân sinh xong, chị em bà Hảo về lại Sài Gòn vừa ngày áp Tết. Tưởng công việc đã hoàn mãn. Ra Giêng sư cụ Vạn Phước báo với bà Ưng Trình là cụ Phạm về báo mộng, bảo chỗ cụ nằm bị ướt. Đây là chỗ tốt nhất trong vườn chùa, đáng ra là dành cho sư cụ, nhưng sư cụ nhường cho cụ Phạm, không ngờ... Bà Ưng Trình gửi thư vào Sài Gòn hỏi ý kiến bà Hảo. Bà Hảo nhờ bà Ưng Trình thỉnh cụ Phạm ra phía trước cửa chùa. Đó chính là nơi yên nghỉ 50 năm đã qua của cụ chủ bút Nam Phong.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhạc sĩ Phạm Tuyên và thân hữu bên tượng cụ Thượng Chi


Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, gia đình đã có ý định đưa cụ Thượng Chi về quê nhà. Thế nhưng, một số văn nghệ sĩ, trí thức là thân hữu của giáo sư Phạm Khuê và nhạc sĩ Phạm Tuyên đề nghị nên bảo tồn nguyên trạng phần mộ của cụ Thượng Chi ở nơi này. Bởi vì cuộc đời hoạt động chính trị - văn hóa và số phận của cụ Phạm gắn liền với những năm tháng cuối cùng của triều đình Huế. Cụ Thượng Chi không chỉ là nhà văn hóa mà còn là một chứng nhân lịch sử của Huế.

Tháng 9/2015, sau lễ giỗ lần thứ 70 của cụ Phạm Quỳnh, được tổ chức ngay tại mộ phần và tại chùa Vạn Phước, con cháu cụ đã quyết định trùng tu lại mộ phần và dựng tượng, xây dựng nơi đây thành một địa chỉ văn hóa. Lễ khởi công được tổ chức ngay sau ngày khai mạc Festival Huế 2016. Công trình hoàn thành trước Lễ Phật đản một ngày. Về nội dung tư tưởng khu mộ nhà văn hóa Phạm Quỳnh thể hiện những nét tinh túy của cuộc đời cụ. Trụ cổng giữ nguyên hai câu: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” bằng chữ Nôm. Bia mộ dựng một cuốn thư bằng đá đen khắc thủ bút và chữ ký của cụ Phạm “Tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia”. Đó là những dòng cụ Phạm viết ở biệt thự Hoa Đường vào sáng ngày 23/8/1945, trong bài tùy bút cuối cùng có tựa đề Cô Kiều với tôi mà chúng ta đã được đọc ở tập “Hoa Đường tùy bút”.

Bình phong dựng thêm cuốn thư khắc câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” bằng chữ Nôm và Quốc ngữ, để nhiều người đọc được. Kiến trúc tổng thể khu mộ được giữ nguyên trạng, kể cả cây xanh. Chỉ dựng thêm bức tượng làm điểm nhấn, lát gạch toàn bộ diện tích khuôn viên, và dựng hai chiếc ghế đá.

Tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Đây là một nét đẹp văn hóa được bén rễ từ trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Vừa là một công trình báo hiếu của con cháu trong gia đình vừa là một công trình văn hóa, góp phần giúp “dân ta biết sử ta”, và hơn thế nữa, hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đất nước trên nhiều phương diện. Từ đầu thập niên 2000, hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” ở Thừa Thiên Huế, Hội Khoa học Lịch sử đã thực thi được ba bức tượng bán thân, chất liệu đồng, là tượng Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, tôn trí ở phủ thờ tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy; Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương tôn trí ở đền thờ Nguyễn Tri Phương, tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền; Tượng chí sĩ Phan Bội Châu, dựng ở Trường THCS Phan Sào Nam, phường Tây Lộc, thành phố Huế. Đây là bức tượng thứ hai của cụ Phan Bội Châu ở Huế.

Danh nhân Đặng Huy Trứ cũng có hai bức tượng. Bức thứ nhất do hậu duệ dựng ở nhà thờ gia tộc, tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Bức thứ hai chất liệu đồng, dựng ở sân trường THPT Đặng Huy Trứ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà. Đây là công trình tưởng niệm ông tổ nghề nghiệp của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, kinh phí do hội viên trong cả nước đóng góp.

Năm 2011, Hội đồng họ Phạm Thừa Thiên Huế đã dựng tượng danh tướng Phạm Tu, Trưởng Ban võ triều Tiền Lý, ở giữa sân nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ, phường Hương Long, thành phố Huế. Tiếp theo là tượng danh tướng Đặng Tất, được Hội đồng họ Đặng dựng tại nhà thờ họ Đặng, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.

Thật là thú vị, người từng được mệnh danh là Chủ tịch Ủy ban dựng tượng danh nhân, mà bức đầu tiên là tượng chí sĩ Phan Bội Châu, được thực hiện vào năm 1973, cũng đã có mặt tại lễ khánh thành tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Đó là họa sĩ Vĩnh Phối.

Xin được nói thêm về vùng đất nơi cụ chủ bút Nam Phong yên nghỉ.

Vùng đất này nằm trong phạm vi nghiên cứu, tìm kiếm cung Đan Dương thời Tây Sơn và lăng Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung. Tháng 10/2016, Viện Khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng Thừa Thiên Huế đã tiến hành đào thám sát tại 5 hố. Cả 5 hố đều có dấu tích nền móng công trình kiến trúc cổ và một số hiện vật có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Sau 3 tháng nghiên cứu, kết quả cuộc thăm dò khảo cổ học địa điểm gò Dương Xuân đã được công bố. Kết quả khai quật khảo cổ học phù hợp với kết quả công trình nghiên cứu Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn - tiền thân của Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế của Nguyễn Đắc Xuân. Nhưng để xác định rõ đó là công trình gì và chủ nhân của nó là ai, Viện Khảo cổ đề nghị: “Tiếp tục khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khu vực gò Dương Xuân nhằm tìm hiểu diện phân bố cụ thể của di tích (trọng tâm là chùa Vạn Phước nơi có địa thế cao nhất của gò Dương Xuân, cồn Bông Sứ, hồ Bán Nguyệt, suối Tiên, khu vực giếng nước,…), nhằm thu thập các tư liệu hiện còn lưu giữ trong/trên mặt đất, trong nhân dân, các nơi khác như chùa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm và các vùng phụ cận.

T.T  
(TCSH341/07-2017)




 

Các bài đã đăng