Giá sách Sông Hương
Vọng niệm Huyền Trân
Công chúa Huyền Trân trong tâm thức của hậu thế
08:15 | 26/04/2018

TRẦN ĐẠI VINH  

Vào cuối thế kỷ XIII, đứng trước cuộc tấn công của quân đội Nguyên Mông, hai nước Chiêm Thành và Đại Việt đã anh dũng kháng cự và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước, nhân dân.

Công chúa Huyền Trân trong tâm thức của hậu thế
Công chúa Huyền Trân - Ảnh: nghiencuulichsu

Sau chiến thắng ấy, tình đoàn kết gắn bó giữa hai lân quốc này càng phát triển. Cuối năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhân đang ở thăm vùng Tân Bình, đã theo đoàn thuyền sứ bộ Chiêm Thành trở về nước để ghé thăm Chiêm quốc.

Tại kinh đô Vijaya, Thượng hoàng đã lưu trú 8 tháng, nhiều phen đàm đạo cùng quốc vương Chế Mân tức vua Jaya Sinhavarman IV, có cảm tình sâu sắc với vua này, Thượng hoàng đã ngỏ lời hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm.

Mùa hạ tháng 6 năm Bính Ngọ 1306, lễ vu quy của công chúa Huyền Trân diễn ra long trọng ở kinh đô. Đoàn thuyền rước dâu đã rời Thăng Long tới biển Nam với hành trình nhiều tháng trời mới đến kinh đô Chiêm quốc. Để tưởng nhớ công chúa, vua Trần Anh Tông đã cho đổi tên cửa biển Ô Long ở Hóa Châu thành cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền).

Ở Thăng Long, theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư thì “Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm lời thơ bằng quốc ngữ để chê cười”1.

Về sau, khi biên soạn quốc sử, sử thần Ngô Sĩ Liên đã bàn: “Ngày xưa Hán Cao hoàng vì nước Hung Nô thường quấy phá biên giới, mới lấy con gái của dân làm công chúa gả cho Thiền vu, kết hôn với người không phải giống nòi, các tiên nho đã từng chê. Song có ý muốn nghỉ binh yên dân thì còn có thể nói được. Như Nguyên đế nhân Hồ Hàn (vua Hung Nô) đến chầu xin làm rể nhà Hán mà đem Vương Tường (Vương Chiêu Quân) gả cho cũng là có cớ. Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho vua nước Chiêm Thành là nghĩa gì? Nói rằng nhân khi đi chơi mà trót hứa gả, sợ thất tín, thì sao không làm việc đổi mệnh có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải là giống nòi cho đúng lời hẹn trước…”.2

Việc mượn sự tích nhà Hán đem Vương Tường gả cho vua Hung Nô là Hồ Hàn Da để phúng thích việc nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân đã ra đời tác phẩm “Truyện Vương Tường” bằng thơ Nôm thể đường luật thất ngôn bát cú.

Trong dân gian cũng truyền tụng những câu ca lục bát, kiểu:

“Tiếc thay cây quế giữa rừng…”
“Tiếc thay hạt gạo trắng ngần…”


Nỗi niềm thương tiếc ấy còn xuất phát từ chuyện Trần Khắc Chung và sứ bộ viếng tang lập mưu đón công chúa trở về vào 5 tháng sau khi vua Chế Mân qua đời.

Do trở ngại gió mùa nên đến giữa mùa thu tháng 8 năm Mậu Thân 1308, đoàn thuyền rước công chúa mới về đến Thăng Long. Số quan quân người Chiêm theo hầu gồm 300 người liền được Thượng hoàng sai trại chủ Châu Hóa cho thuyền đưa về nước.

Trong chuyến trở về ấy, đoàn thuyền rước công chúa phải đình trú bên trong cửa biển Tư Dung, tạm ở tại vùng dân cư ven đầm phá và cửa biển này, với sự cung cấp phương tiện và vật thực của quan lại ở Hóa Châu.

Từ đó vùng duyên hải Phú Lộc ngày nay thuộc các xã Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Giang, Vinh Mỹ, Vinh Hưng được gọi tên là đảo Huyền Trân.

Đến thế kỷ XVIII, khi Ngô Thì Nhậm phò xa giá vua Quang Trung tuần du vùng biển và đầm phá này, đã cảm xúc viết nên bài thơ “Mưa đêm trên đảo Huyền Trân”:

“Huyền Trân ứa lệ tuôn sầu hận,
Xóm bến thâu đêm lã chã rào.”

            (Dịch bài Tịch vũ Huyền Trân)

Thuở ấy, cách xa với sự kiện đời Trần non 500 năm, Ngô Thì Nhậm dường như còn đồng cảm nỗi niềm chua xót của người công chúa lá ngọc cành vàng.

Nỗi niềm ấy càng được người sáng tác lời ca Huế (đã thất truyền danh tính) chia sẻ trong một bài Nam Bình nổi tiếng lấy tiêu đề “Huyền Trân công chúa”, với những câu hỏi và cảm thán xót xa:

Nước non ngàn dặm ra đi,
Cái tình chi?
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì
Độ xuân thì!
Cái lương duyên, hay là cái nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì! (…)”


Tuy nhiên sau cuộc hôn nhân nửa đường đứt gánh, trở về quê hương đất nước, công chúa Huyền Trân đã chọn con đường xuất gia nương náu cửa thiền. Sau khi dự lễ tang Thượng hoàng, công chúa đã xuống tóc xuất gia tại chùa núi Trâu Sơn (tức núi Vũ Ninh) thuộc huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc, pháp danh là Hương Tràng.

Cuối năm 1309 sư Hương Tràng chuyển về làm trú trì chùa Hổ Sơn ở huyện Thiên Bản, lân cận huyện nhà. Sư đã đổi tên núi là Nộn Sơn.

Theo truyền tụng của nhân dân nơi này, trải qua hơn 20 năm công quả ở ngôi chùa trên, bà đã viên tịch lúc ngoài 50 tuổi.

Dần dà qua thời gian, trong lòng tưởng nhớ của dân gian, bà đã trở thành một linh thần được dân làng Hổ Sơn thờ tụng. Các triều đại đã liên tục phong sắc, ban danh hiệu. Muộn nhất là sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1925):

Sắc Nam Định tỉnh, Vụ Bản huyện, Hổ Sơn xã tòng tiền phụng sự Trần triều Huyền Trân công chúa nguyên tặng Trinh Uyển Dực Bảo chi thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc văn chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chánh trĩ trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, khả gia tặng Trai Tĩnh trung đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai.

- Dịch nghĩa:

Sắc cho làng Hổ Sơn, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định từ trước đã phụng thờ công chúa Huyền Trân triều Trần, vốn được tặng là vị thần Trinh Uyển giúp đỡ công cuộc trung hưng, đã bảo vệ nước, che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, đã lần lượt được ban cấp sắc văn chuẩn cho được phụng thờ. Bèn nay gặp lễ đại khánh tứ tuần của trẫm lại được ban bảo chiếu đền ơn, tăng thêm thứ trật cho tốt đẹp lễ nghi, được tặng thêm là Trai Tĩnh trung đẳng thần, đặc biệt chuẩn cho phụng thờ, để ghi khắc ngày vui của cả nước và tỏ bày điển lễ thờ tự. Hãy kính đấy.”
3

Trái với những nỗi niềm đau xót thể hiện trong tình cảm của hậu thế, công chúa Huyền Trân hầu như thấm nhuần ước vọng thanh tĩnh của ông nội là hoàng đế Thánh Tông đã viết trong bài “Hạnh Thiên Trường hành cung”:

“Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu
Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh,
Kim niên du thắng tích niên du.”


Dịch:

“Trăng vô sự soi người vô sự,
Nước ngậm thu lồng trời ngậm thu
Bốn biển đã trong, nhơ đã lắng,
Năm nay chơi hơn hẳn năm xưa.”


Hay hành xử của công chúa cũng thấm nhuần tư tưởng “cư trần lạc đạo” của vua cha.

Công chúa Huyền Trân, người có ân đức lớn lao đối với mảnh đất Trung Trung bộ này, không chỉ là gương hy sinh cá nhân để đem lại lợi ích cho nhân dân, mà còn là tấm gương hành trì hạnh bố thí cho con dân vùng Hổ Sơn, Vụ Bản, Nam Định và tấm gương của người thanh khiết hóa bản thân mình để trở về với đạo sống bình đạm, chất phác và trong sáng của vị nữ tu, làm tấm gương thanh sạch cho đời.

Có thể hôm nay, cảm thức của người dân Huế không còn là nỗi niềm chua xót cay đắng mà là một đồng cảm về đức hy sinh, hạnh bố thí cao vời của người con gái trong hoàng gia nhà Trần, quên mình cho đất nước.  

T.Đ.V  
(SHSDB28/03-2018)

----------------
1. Đại Việt sử ký toàn thư - NXB Thời Đại, HN 2013, trang 340.
2. Sđd, trang 340-341.
3. Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế - Thuận Hóa - Phú Xuân Thừa Thiên Huế 700 năm hình thành và phát triển, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2000, trang 52-53.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng