Giá sách Sông Hương
Mỹ Thuật hiện đại-Một Góc Nhìn
Thử nhận diện hội họa Việt Nam thời kỳ đổi mới
08:41 | 16/12/2019


VŨ HIỆP

Thử nhận diện hội họa Việt Nam thời kỳ đổi mới
Tác phẩm "Hà Nội 1972"- Sơn dầu- Tác giả:Nguyễn Trung Tín

Nguồn gốc

Trong mối quan hệ với chính trị, mặc dù nghệ thuật luôn có “sân chơi” hay “đường đi” của chính mình, nhưng sự ảnh hưởng qua lại với nhau là không thể phủ nhận. Đặc biệt đối với nghệ thuật hiện đại Việt Nam, mỗi khi có biến động lớn về chính trị - xã hội lại có thay đổi lớn về nhận thức nghệ thuật, mặc dù không ít các nghệ sĩ “đương đại” Việt Nam vẫn hay có cách thể hiện rất “mốt” hiện nay là khước từ, lẩn tránh chính trị... Nói về hội họa thời kỳ Đổi mới của Việt Nam, đến nay đã đi được chặng đường dài, khoảng 30 năm, và sự thúc đẩy nó ra đời chính là sự đổi mới trong tư duy quản lý chính trị - kinh tế - xã hội từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, năm 1986.

Hội họa thời kỳ Đổi mới dù không có tuyên ngôn hay lý luận mỹ học, nhưng chắc chắn sự ra đời của nó khác hẳn đối với mỹ học Hiện thực xã hội chủ nghĩa, xu hướng đã thống trị tư duy sáng tác ở miền Bắc 1945 - 1986 và miền Nam 1975 - 1986. Hội họa Hiện thực xã hội chủ nghĩa đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đã đồng hành cùng đất nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ giữ gìn nền độc lập và thống nhất đất nước, đã sát cánh cùng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có lẽ chưa khi nào mà vị thế của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng lại đạt đến mức cao như vậy. Bởi giai đoạn trước cách mạng và giai đoạn Đổi mới hiện nay, hội họa phục vụ thị trường, giới tư sản, và cá nhân con người là chính. Nếu như hội họa Hiện thực xã hội chủ nghĩa phục vụ đất nước, tập thể cộng đồng, thì hội họa thời kỳ Đổi mới phục vụ thị trường, cá thể con người. Người họa sĩ Hiện thực xã hội chủ nghĩa sáng tác bằng lý tưởng chung, sống bằng trợ cấp nhà nước, còn người họa sĩ Đổi mới sáng tác bằng cái Tôi cá nhân, sống bằng thị trường, bằng khách hàng. Trong mối quan hệ với thế giới, hội họa Hiện thực xã hội chủ nghĩa được tham khảo từ các nước XHCN Đông Âu là chính, còn hội họa Đổi mới thì học theo các nước tư bản là chủ yếu.

Về mặt quản lý tư tưởng, Hiện thực xã hội chủ nghĩa là một định hướng do nhà nước đề ra, còn Đổi mới thì nhấn mạnh sự tự do của người họa sĩ, không bị nhà nước cấm đoán, trừ một số trường hợp quá nhạy cảm (chúng ta cần lưu ý rằng ở bất cứ đất nước nào cũng có “ngưỡng nhạy cảm” trong sáng tác nghệ thuật, dẫu khá mơ hồ). Trong mô hình quản lý bao cấp, nhà nước kiểm duyệt rất gắt gao về nội dung, đồng thời khuyến khích những hình thức thể hiện dễ tiếp nhận đối với nhân dân, chủ yếu là hiện thực. Khi Đổi mới, nhà nước vẫn có sự kiểm duyệt nhất định, nhưng về cơ bản là tất cả những xu hướng, phong cách sáng tác mới trên khắp thế giới đều có thể được thực hiện ở Việt Nam, có thể kể đến các phong cách: Trừu tượng, Biểu hiện, Biểu hiện trừu tượng, Nguyên thủy, Pop-art…

Tên gọi

Đổi mới không phải là một xu hướng hay phong cách, mà là một giai đoạn. Mặc dù giai đoạn này chưa kết thúc (bởi chưa có “cái mới khác” nào thay thế nó) nhưng chúng ta có thể hài lòng với tên gọi “Đổi mới”. Nếu như trong tương lai có một giai đoạn khác thay thế thì Đổi mới vẫn là một thuật ngữ có thể chấp nhận được để các nhà lịch sử nghệ thuật sau này gọi tên cho những gì đang diễn ra hiện nay, cũng giống như các tên gọi không gắn liền với một tư tưởng mỹ học kiểu Gothic (nghệ thuật của người Goth, man rợ), Phục hưng (phục hồi các giá trị Hy-La cổ đại), Hiện đại (mốt, mới), Hậu hiện đại (sau cái mốt, mới)…

Một số đặc điểm

Dù cho Đổi mới không phải là một thuật ngữ mang tính tư tưởng nghệ thuật hoặc hình thức diễn đạt (như Baroque, Ấn tượng, Trừu tượng, Tối giản…) nhưng khi đứng ra đại diện cho một giai đoạn lịch sử thì nó cũng có những đặc trưng riêng, đó là:

Thứ nhất, đề cao cá nhân: Trong kinh tế - xã hội, Đổi mới là sự từ bỏ tư duy quản lý kế hoạch tập trung của nhà nước và nhấn mạnh kinh tế tư nhân, cá thể. Tương tự như trong nghệ thuật, vai trò của nhà nước chỉ là kiểm soát các tác phẩm để không phạm vào “ngưỡng nhạy cảm” trong thiết chế văn hóa - xã hội đương thời, còn lại người nghệ sĩ được tự do sáng tác. Tranh được vẽ ra là để phục vụ cái Tôi bản thân và phục vụ khách hàng.

Thứ hai, sự quản lý của nhà nước. Trong quản lý kinh tế, Đổi mới vẫn nhấn mạnh “những đỉnh cao chỉ huy” theo mô hình NEP của Lenin, lấy những tập đoàn của nhà nước làm xương sống, nhà nước chỉ nắm giữ các ngành kinh tế quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Gần tương tự như vậy trong mỹ thuật, chúng ta thấy cũng có sự điều tiết nhất định của nhà nước, thông qua các Bộ, Hội, Cục, Sở. Nhà nước định hướng dư luận bằng truyền thông và các giải thưởng. Còn thị trường liệu có đang bị dẫn dắt bởi những can thiệp từ nhà nước hay không, câu trả lời vẫn là một ẩn số.

Thứ ba, định hướng của thị trường. Thực tế diễn ra hiện nay cho thấy, thị trường là yếu tố quan trọng trong việc định hình xu hướng phát triển của hội họa. Người họa sĩ vẽ ra mà không có người mua thì cũng khó có thể yêu nghề vẽ mãi được. Đến Van Gogh cũng phải tự tử vì không bán được tranh, vì nỗi tủi hổ ăn bám. Dù phải giữ “đức hạnh thẩm mỹ” của mình nhưng họa sĩ vẫn cần tham khảo thị trường, các quỹ đầu tư nghệ thuật, các gallery, các sàn đấu giá, các họa sĩ “đắt khách” để điều chỉnh bản thân mình. Trước Đổi mới, khi được nhà nước bảo trợ và trả lương thì họa sĩ phải vẽ theo định hướng của nhà nước. Ngày nay, thị trường và khách hàng mới là người trả công thì đương nhiên họa sĩ phải lựa theo định hướng thị trường.

Thứ tư, học hỏi các nước phát triển. Không phải cứ mạnh về kinh tế là sẽ mạnh về nghệ thuật. Điều đơn giản đó không phải ai cũng nhận ra. Thực tế cho thấy rất nhiều (không phải tất cả) những xu hướng, phong cách nghệ thuật mới được tạo ra bởi các nghệ sĩ ở các nước phát triển có thể là những bước lùi về mặt thẩm mỹ nói chung hoặc không phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam, nhưng các nghệ sĩ của ta vẫn hăng hái học hỏi, áp dụng. Dẫu sao, thị trường tranh của Việt Nam vẫn còn quá non trẻ so với các nước tư bản phát triển vốn đã quen với việc buôn bán tranh hàng trăm năm nay, nên chúng ta bị họ thao túng cũng là điều dễ hiểu. Ở đây, chúng ta rất cần những nghệ sĩ có tài, những nhà lý luận phê bình có tầm, những nhà quản lý có tâm, thì mới có thể xây dựng được nền nghệ thuật Đổi mới vừa có chất lượng vừa tự chủ, độc đáo.

Triển vọng

Sau 30 năm, đường lối chính trị - kinh tế - xã hội nước ta ổn định và phát triển theo đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, và hội họa cũng ổn định trong sự đổi mới của chính mình. Chúng ta chưa thể biết khi nào kết thúc thời kỳ hội họa Đổi mới này. Tuy nhiên, sự hỗn loạn của thị trường tranh hiện nay, sự đầu cơ của các nhà buôn tranh, sự tấn công tư tưởng mỹ học từ giới tinh hoa đế quốc, khiến chúng ta cần có sự điều chỉnh chăng?

Và có lẽ câu trả lời đã được một số họa sĩ bậc thầy chỉ ra: “Quay về với dân tộc!” Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… dù sống trong những giai đoạn chính trị - xã hội biến động hơn rất nhiều hôm nay mà vẫn tạo nên những thành tựu xuất sắc để mở đường cho nền hội họa hiện đại Việt Nam. Nếu như hội họa Việt Nam có thể đạt đến tầm thế giới thì chắc chắn đó không phải là cứ chạy dài theo các nước phát triển mà phải tự mình đi lên từ chính truyền thống của mình. Chúng ta không thể không học hỏi và giao lưu với thế giới nhưng cần phải nhìn bằng lăng kính tư duy của truyền thống dân tộc mình để phê phán và chắt lọc. Chỉ khi cái mã gien nghệ thuật mà cha ông đã truyền lại qua hàng ngàn năm thử thách có thể chinh phục được thế giới thì mới có thể coi nền nghệ thuật của chúng ta thành công.

V.H
(TCSH369/11-2019)




 

Các bài mới
Xem tranh (03/01/2020)
Các bài đã đăng