Giá sách Sông Hương
Mỹ Thuật hiện đại-Một Góc Nhìn
Mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
16:14 | 22/01/2020

VĨNH THÔNG

Toàn cầu hóa hiện là một tiến trình tất yếu không thể cưỡng lại của tất cả các quốc gia trên thế giới, đang diễn ra ở nhiều phương diện của đời sống và làm biến đổi sâu sắc diện mạo của chúng.

Mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Ảnh: internet

Toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội mới để mỗi quốc gia phát triển và hội nhập quốc tế, nhưng cũng mang lại những thách thức lớn. Dẫu vậy, mỗi nền văn hóa không thể khép cửa để tự vận động và từ chối hội nhập. Mỹ thuật Việt Nam không đứng ngoà i quy luật của toàn cầu hóa, đã và đang vận động với nhiều thay đổi lớn.

1. Bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa

Ngày nay, khái niệm toàn cầu hóa đã trở nên quen thuộc trong đời sống thường ngày, tuy nhiên vì tính phức tạp về nội hàm nên nó có rất nhiều cách hiểu khác nhau. “Toàn cầu hóa là khái niệm miêu tả hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như hội nhập kinh tế, chính trị, văn hóa… giữa các quốc gia trên thế giới” . Qua toàn cầu hóa, xã hội thay đổi gắn liền với kinh tế thị trường và công nghệ thông tin, sự khác biệt của đời sống nhân loại dần bị xóa nhòa, sự liên kết giữa các cộng đồng với nhau ngày càng gia tăng.

Mặc dù toàn cầu hóa thường được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực kinh tế với thị trường chung toàn cầu và sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản, tuy nhiên toàn cầu hóa lại ảnh hưởng mạnh đến chính trị qua những hiệp ước chung được các quốc gia ký kết. Do đó, toàn cầu hóa phản ánh xu thế các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau hơn để xây dựng những giá trị chung toàn cầu. Đồng thời, nó còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có văn hóa.

Toàn cầu hóa văn hóa mở ra cơ hội cho các nền văn hóa đối thoại cùng nhau, nhưng ẩn chứa nhiều thách thức đến sự tồn tại bền vững của mỗi đơn nguyên. Đối với Việt Nam, toàn cầu hóa đã làm cho đời sống văn hóa biến đổi mạnh mẽ. Hoạt động giao lưu, đối thoại đa văn hóa và quảng bá những thành tựu văn hóa quốc gia ra thế giới là xu thế nổi bật. Song, toàn cầu hóa cũng dẫn đến những biểu hiện tiêu cực, đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn khách quan và toàn diện. Nhìn chung, toàn cầu hóa là tiến trình không thể ngăn chặn được, do đó việc cần thiết là hiểu rõ bản chất và đề ra phương pháp phù hợp để giải quyết vấn đề.

2. Những bước chuyển mình trong mỹ thuật Việt Nam

Về bối cảnh chung, từ thập niên 1980 - 1990, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới và mở cửa tạo ra những cơ hội mới cho các họa sĩ bước đầu hòa nhập vào đời sống mỹ thuật khu vực và quốc tế. “Các triển lãm lớn giới thiệu hội họa được gọi là Doimoi Paintingp - Hội họa đổi mới được tổ chức dồn dập ở nước ngoài từ Hongkong, Sydney, Singapore tới Paris, Brussel, Amsterdam rồi Washington D.C, Boston và California cũng như sự ‘đổ bộ’ ồ ạt các nhà sưu tầm, nhà buôn tranh nước ngoài vào Việt Nam đã làm cho việc ‘phát hiện ra hội họa doimoi’ đầu những năm 1990 thành một hiện tượng sôi động nhất trong khu vực” .

Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN và mở rộng giao lưu với các nước phát triển ở phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ… nhiều cánh cửa mới đã mở ra cho giới họa sĩ học hỏi và giao lưu với mỹ thuật quốc tế. Từ những năm 2000, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thế giới càng lúc càng xích lại gần nhau hơn. Giới mỹ thuật Việt Nam tiếp thu mạnh mẽ nhiều trào lưu, trường phái, xu hướng mỹ thuật đương đại. Từ đó, sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa đã để lại dấu ấn lên mỹ thuật Việt Nam trên nhiều bình diện.

Trước tiên là sự đa dạng ở khuynh hướng đề tài. Xác định “một hiện thực đa khuynh hướng, với những tác động thuận nghịch đan xen, toàn cầu hóa được cảm nhận và giải thích khác nhau từ những góc nhìn khác nhau” , do đó đề tài mỹ thuật cũng vận động đa chiều. Các tác giả không còn tập trung vào dòng tranh với đề tài kháng chiến, lao động sản xuất, ca ngợi đời sống mới, tuyên truyền cổ động… mà bắt đầu có sự cởi mở trong tư duy. Họ “chuyển sang các chủ đề về tự do cá nhân, thân phận con người, đô thị hóa, gia đình, tình yêu, tính dục và giới cũng như vấn đề hội nhập quốc tế…” .

Về hình thức thể hiện, các họa sĩ dễ dàng tìm kiếm những chất liệu mới để đưa vào thử nghiệm trong hoạt động sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, những phương pháp sáng tác mới chú trọng hướng đến tính chuyên nghiệp và hiện đại. Những thể nghiệm này phần nào đã thúc đẩy nhiều phân ngành mới trong mỹ thuật từng bước hoàn thiện. Song song đó, những nhu cầu thực tiễn xuất phát từ đời sống xã hội công nghiệp hóa và đô thị hóa đã tạo nên cơ hội phát triển mạnh cho những phân ngành mỹ thuật ứng dụng, đồ họa ứng dụng, nghệ thuật xếp đặt…

Bản thân mỗi họa sĩ cũng có thêm điều kiện thuận lợi để tự học hỏi, rèn luyện, nghiên cứu. Nếu như trước đây họ phụ thuộc phần lớn vào sách vở và chương trình đào tạo của các đơn vị nhà nước, thì hiện nay họ dễ dàng tìm kiếm những công trình nghiên cứu, những trào lưu mới, những thủ pháp mới từ bạn bè quốc tế. Do các công trình nghiên cứu mang tính lý luận được phổ biến một cách dễ dàng khiến mỹ thuật dần thoát khỏi tính phong trào, trở nên chuyên nghiệp hóa, từ đó dẫn đến sự phát triển có chiều sâu của phân ngành nghiên cứu - lý luận - phê bình.

Cuối cùng là khâu công bố tác phẩm. Sự nở rộ của các thế hệ họa sĩ độc lập, đã kích thích sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt phòng tranh cá nhân ở các đô thị. Toàn cầu hóa còn mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho các họa sĩ công bố tác phẩm trong bối cảnh giao lưu đa văn hóa. Những thập niên gần đây, càng lúc càng xuất hiện nhiều chương trình liên hoan - triển lãm đa quốc gia, liên kết khu vực và quốc tế. Ngoài ra, các họa sĩ cũng có thể dễ dàng giới thiệu tác phẩm qua Internet để được đông đảo công chúng tiếp cận. Các phương thức công bố tác phẩm đa dạng giúp những người làm hội họa có dịp cùng thưởng thức, cùng trao đổi và cùng học hỏi với nhau.

3. Mỹ thuật dân tộc đối diện với những thách thức mới

Dù nhiều điều kiện thuận lợi, toàn cầu hóa cũng mang đến một số thách thức cho mỹ thuật Việt Nam. Yếu tố thị trường đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, trong đó có cả văn hóa, mỹ thuật cũng không thoát khỏi thực trạng đó. Nhiều tác giả chạy theo xu thế thị trường và đặt nặng việc sáng tạo nghệ thuật vì mục đích lợi nhuận, từ đó dẫn đến hiện tượng chạy theo thị hiếu. Người họa sĩ dễ dàng sáng tác những tác phẩm nhằm chiều lòng những đối tượng công chúng dễ tính, hoặc “ăn theo” xu hướng nước ngoài. Việc chạy theo lợi nhuận còn dẫn đến một hệ lụy khác đáng báo động hơn, đó là vấn nạn sao chép - đạo tranh.

Xu hướng quốc tế hóa dễ dẫn đến việc tạo ra những sản phẩm tương tự nhau, thậm chí là rập khuôn. Văn hóa nói chung và các ngành nghệ thuật nói riêng cũng chịu chung số phận bị khoác lên mình chiếc “đồng phục” với những phong cách lặp đi lặp lại. “Sân bay, trung tâm thành phố, hình dáng kiến trúc, dịch vụ, quần áo, biển báo, âm nhạc, ẩm thực... đều cùng một ‘phong cách quốc tế’ hướng về tiêu dùng và giải trí”. Mỹ thuật cũng đứng trước nguy cơ đó, nên dễ dẫn đến tính đơn điệu, thiếu sự đa dạng, đánh mất các giá trị đặc thù của văn hóa dân tộc. Mặc khác, không ít nghệ sĩ và đông đảo công chúng chưa ý thức cao về việc đưa giá trị văn hóa dân tộc vào tác phẩm, chưa khai thác hiệu quả nghệ thuật để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cụ thể qua sáng tác những tác phẩm bằng phương pháp hiện đại nhưng thể hiện những đề tài văn hóa truyền thống, vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Người họa sĩ phải đối mặt với nỗi lo “cơm áo gạo tiền ”. Hầu như hiện nay không có nhiều họa sĩ chỉ sống bằng nghề vẽ , mà họ có những nghề chính thức khác nhau, việc vẽ tranh chỉ được thực hiện trong những lúc rỗi rảnh. Nếu không làm những nghề khác , thu nhập từ vẽ tranh không đủ nuôi sống bản thân và gia đình họa sĩ. Thực trạng đó khiến người nghệ sĩ bị chi phối thời gian sáng tạo nghệ thuật , mất đi nguồn cảm hứng. Song song với trường hợp đó, lại có một bộ phận những họa sĩ khác không thật sự có nhiều tài năng nhưng dễ dàng nổi tiếng nhờ sự đánh bóng một cách thiếu chính xác của truyền thông. “Kinh tế thị trường và xã hội thông tin mang lại nhiều điều thuận lợi nhưng cũng nhiều áp lực với nghệ sĩ trẻ. Chu kỳ biến mất của những cái tên đáng nhớ cứ ngắn dần từ 20 - 15 xuống 5 thậm chí chỉ 2 năm ” .

Trong công chúng thưởng thức mỹ thuật, chúng ta dễ dàng nhận thấy nổi lên hiện tượng “trưởng giả học làm sang ”. Hiện nay, do các trào lưu mỹ thuật quá dễ dàng để tiếp cận giữa thời đại Internet, nên trên các mặt báo người đọc thường thấy những cụm từ tranh trừu tượng, siêu thực, lập thể, hậu hiện đại … và công chúng thỏa sức sử dụng các cụm từ đó để phô trương trình độ của mình, mặc dù có thể họ không hiểu chúng là gì. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua những bức tranh sao chép của các danh họa nổi tiếng để chứng minh “đẳng cấp” của mình, nhưng không trân trọng những sáng tác mới của các họa sĩ trẻ.

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong bối cảnh toàn cầu hóa là tính quốc tế, thể hiện qua việc tôn trọng các quy ước quốc tế trong từng lĩnh vực. Song đối với mỹ thuật Việt Nam, vấn đề này dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Những quy định, luật pháp quốc tế về hoạt động quảng bá, mua bán tác phẩm vẫn chưa được phổ biến và thực hiện ở Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ sáng tác cũng chưa quan tâm đúng mức đến vần đề này, chưa có một cơ quan tổ chức quan tâm giới thiệu những vấn đề này” . Nhìn chung, vẫn chưa có một hành lang pháp lý đủ mạnh, hệ thống quản lý nhà nước còn lỏng lẻo trong lĩnh vực này.

Cuối cùng, một khía cạnh rất gần gũi nhưng lại ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đương đại, đó chính là sự thay đổi của xã hội Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bởi, chính đời sống là nguồn cảm hứng cho sáng tạo. Hình ảnh làng quê bình dị hay những dãy phố cổ của các danh họa thế kỷ XIX đã bị thay bằng đô thị hiện đại. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải đưa diện mạo của thời đại vào tác phẩm, nhưng vẫn làm sao thể hiện được dấu ấn Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia cùng bước vào quỹ đạo của toàn cầu hóa do đó không dễ để nhận diện được những hình ảnh đặc thù của từng nền văn hóa.

4. Thay lời kết

Mặc dù toàn cầu hóa bị nhiều quốc gia xem là mối đe dọa đối với văn hóa dân tộc, song không thể phủ nhận rằng chính toàn cầu hóa đã thổi đến những làn gió mới cho mỗi quốc gia. Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho một nền văn hóa có cơ hội cọ xát với nhiều văn hóa bên ngoài để nhìn nhận và đánh giá lại mình, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để tồn tại và phát triển. Vấn đề then chốt được đặt ra hàng đầu trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn là làm thế nào để bảo đảm sự hài hòa giữa hội nhập và phát triển với bảo tồn văn hóa dân tộc. Điều đó phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa và tính năng động sáng tạo của chủ thể văn hóa.

Ở Việt Nam, toàn cầu hóa đã mang đến những diện mạo mới cho đời sống văn hóa nói chung và mỹ thuật nói riêng, trong đó có những biểu hiện mang tính giá trị, nhưng cũng có nhiều thách thức lớn được đặt ra. Việc tiếp tục đón nhận những thành tựu của mỹ thuật thế giới đặt trong mối quan hệ hài hòa với mỹ thuật dân tộc và trong bối cảnh đặc thù của thời đại là điều hết sức có ý nghĩa. Song song đó, cần nghiêm túc trong nhận thức và ứng xử với các biểu hiện mới một cách phù hợp, đặc biệt là những chuyển biến của đời sống đương đại. Với định hướng đó, ngành mỹ thuật có thể biến thách thức thành cơ hội, vượt qua những khó khăn và mở rộng lợi ích thụ hưởng được từ bối cảnh toàn cầu hóa.

V.T
(TCSH369/11-2019)

-----------------------
[1] Nguyễn Đức Quỳnh (2017), “Tác động của toàn cầu hóa với tôn giáo - Một số kiến nghị với công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo hiện nay”, www.btgcp.gov.vn
[2], [4], [6] Nguyễn Quân (2014), “Những chuyển động và trì trệ - nghệ thuật Việt Nam những năm 1990 - đầu 2000”, Tham luận Hội thảo quốc tế Arts Du Vietnam Nouvelles Approches.
[3], [5] Nguyễn Thị Thường (2015), “Toàn cầu hóa từ góc nhìn vă n hóa”, www.tapchicongsan.org.vn
[7] Trần Khánh Chương (2009), “Mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế - thuận lợi và thách thức”, www.vietnamfineart.com.vn






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xem tranh (03/01/2020)