Giá sách Sông Hương
40 năm thành lập TC Sông Hương
Sông Hương: bản sắc qua một chặng đường phụng sự và kiến tạo giá trị
16:10 | 10/06/2023

Bốn mươi năm hình thành và phát triển của Tạp chí Sông Hương là 40 năm nhận được sự tin tưởng, vun đắp, chia sẻ, gửi gắm tác phẩm, công trình của đông đảo cộng tác viên trong cả nước.

Sông Hương: bản sắc qua một chặng đường phụng sự và kiến tạo giá trị
Bìa 2 số báo Kỷ niệm 40 năm

Tp chí Sông Hương luôn hướng đến những giá trị khai phóng, nhân văn, duy mỹ, dung hợp hài hòa giữa truyền thống và cách tân. Trước bối cảnh mới của thời đại, Sông Hương tiếp tục kiên trì xây dựng, xác lập một diễn đàn văn học nghệ thuật kết nối với những tác giả không ngừng sáng tạo, chuyên nghiệp. Dưới đây là cảm nhận, suy nghĩ của những cộng tác viên thân thuộc, gắn bó với Sông Hương.

 

Lê Vũ Trường Giang: Xin anh (chị) cho biết về cuộc hạnh ngộ với Tạp chí Sông Hương? Cảm xúc của anh (chị) khi lần đầu tiên có tác phẩm đăng trên Tạp chí?

Nhà thơ Lữ Mai: Tôi đọc Tạp chí Sông Hương từ khi mới là học sinh cấp I. Đó là những cuốn tạp chí cũ, xuất hiện trên giá của một hiệu sách cũ, giữa miền quê nghèo. Ông chủ hiệu sách là thương binh nặng, đã mất đi một mắt, mắt còn lại lờ mờ, nhưng ông có sự tinh tường, nhạy cảm đặc biệt với sách. Ông nhớ vị trí, đặc điểm từng cuốn, khi khách cần sẽ lấy một cách chuẩn xác. Lần đầu tiên, thấy cái tên Sông Hương xuất hiện, tôi đã bị cuốn vào niềm tưởng tượng về nơi xa xôi ấy, về dòng sông mộng mơ… và tất nhiên, ấn tượng nhất vẫn là các tác phẩm thơ, văn, lý luận phê bình… đầy sức gợi, sức nặng mà càng lớn lên, tôi càng phải đọc lại nhiều lần.

Một câu chuyện riêng tư của tôi, ít ai biết, đó là tôi từng lựa chọn thi đại học ngành Sư phạm Văn ở Huế với mơ ước biết được sự ra đời những cuốn tạp chí mình yêu thích rồi gắn bó với miền đất ấy trong chặng đường tuổi trẻ. Mùa hè đó, xứ Huế đón tôi bằng những cơn mưa nắng bất thường, những nụ cười hồn hậu của người bán hàng bên bờ sông Hương và những người bạn là sinh viên Huế đã giúp đỡ tôi từ việc tìm phòng trọ ôn thi, chăm sóc tôi từng bữa ăn, đưa tôi đi thi... Nhưng ước mơ bất thành vì những trận ốm liên miên hạ gục tôi. Thi trượt, cũng lại chưa có cơ hội đến thăm Tạp chí Sông Hương, tôi phải rời Huế thật vội vàng, xơ xác… Khi vào một trường đại học khác, tôi vẫn ấp iu tình yêu thầm lặng, vẫn gửi bài cộng tác và… không được đăng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, chất lượng tạp chí là thử thách của những cây viết trẻ. Nhiều năm sau khi ra trường, đã có gia đình, tôi mới đủ tự tin cộng tác trở lại và lần này thì thành công!

Nhà văn Nguyên Nguyên:Thời điểm tôi cộng tác với Tạp chí Sông Hương là vào tháng 7 năm 2021. Tôi cảm thấy vui và bất ngờ khi lần đầu tiên có tác phẩm đăng báo. Vì trước kia tôi chưa từng cộng tác với các tạp chí văn học nghệ thuật ở địa phương, cũng như các ấn phẩm về văn chương nghệ thuật.

Dịch giả Trần Ngọc Hồ Trường: Hơn 15 năm trước đây, tôi lần đầu tiên xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương, với bản dịch. Khi anh shipper mang tạp chí đến nhà, tôi vô cùng mừng vui và tức tốc chạy ra sạp báo ở đường Thống Nhất (Nha Trang) hỏi mua tất cả các bản tạp chí nhưng chị bán báo nói, “Anh mua vài ba bản thôi, vì còn có độc giả khác dặn mua Sông Hương rồi!”. Sau đó, tôi gởi ngay số tạp chí đó lên Buôn Ma Thuột tặng người tôi yêu. Cô ấy phone (bằng điện thoại bàn) và cười nói, “Anh được in ở Sông Hương nhen!”

Nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh: Bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên tạp chí Sông Hương là vào năm 2008. Đây cũng là bài báo đầu tiên trong cuộc đời viết lách của tôi, để đến bây giờ được anh gọi là nhà phê bình… (cười). Thật ra thì trước đó tôi đã có nhiều bài nghiên cứu đăng ở các kỷ yếu hội thảo, các tạp chí khoa học của các trường đại học. Ấy vậy nhưng cái lần đầu tiên được đăng trên tạp chí văn nghệ, mà lại là Sông Hương, một tạp chí uy tín và ở ngay quê hương mình, đã khiến cảm giác lâng lâng, tự hào từ bấy đến giờ vẫn chưa mấy nhạt phai. Như thế là tôi cũng đã có “15 năm ấy biết bao nhiêu tình” với Sông Hương rồi nhỉ?

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy: Sông Hương là một tạp chí uy tín và mang đậm bản sắc văn hóa của Huế, vùng đất của thi, ca, nhạc, họa, vùng đất của 7 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Bên cạnh đó, những tác giả, cộng tác viên là những người có trình độ, hiểu biết đa dạng về nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử, xã hội và nghệ thuật, các tác phẩm, các bài viết đã mang đến cho người đọc cái nhìn tổng thể về những giá trị của văn hóa nghệ thuật Huế. Vì lẽ đó, cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên tác phẩm của mình được đăng trên tạp chí làm tôi cảm thấy rất rất vui và vinh dự, ấn tượng về “lần đầu tiên” bao giờ cũng để lại dấu ấn khó quên.

Chị Quỳnh Hoa: Đó là thời điểm năm 2007, khi đó mình có một nhóm gồm ba người bạn đồng nghiệp cùng nhau làm các gói thiết kế web hỗ trợ các nhóm nghệ sỹ. Lúc bấy giờ, mình thấy Tạp chí Sông Hương ngoài các ấn phẩm in thì chưa có website nên đã mạnh dạn đề xuất được trợ giúp Tạp chí có một website để quảng bá, giới thiệu. Và rất tuyệt vời, lời đề nghị đó đã được Ban Biên tập Tạp chí thời điểm đó rất tán thành. Và trong vài tháng chúng mình đã cho ra được website của Tạp chí Sông Hương.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Văn Dũng: Tôi trở thành cộng tác viên của Tạp chí Sông Hương đã hơn 10 năm. Trước khi có tác phẩm được đăng, tôi được biết thông tin tạp chí từ khi ra số đầu tiên vào năm 1983. Tạp chí Sông Hương đã tạo ra dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc, nhiều người cầm bút trong và ngoài nước, trở thành một trong những tờ tạp chí có uy tín hàng đầu, với nội dung và hình thức chất lượng và mang bản sắc riêng. Các tác phẩm được tạp chí đăng tải luôn chứa đựng những giá trị chất lượng nghệ thuật, phản ánh hiện thực khách quan song cũng đảm bảo sáng tạo giá trị mỹ học. Cùng với việc giới thiệu những nghiên cứu về giá trị bản sắc văn hóa Huế, Sông Hương cũng giới thiệu những sáng tác giàu tính thể nghiệm và chuyển tải nội dung qua các bút pháp, phong cách sáng tác khác nhau. Vì vậy khi cầm trên tay ấn phẩm Sông Hương có bài viết đầu tiên của mình, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi thầm cảm ơn Tạp chí Sông Hương đã truyền “lửa” đam mê nghiên cứu văn hóa Huế và tạo môi trường để tôi được đóng góp một phần công sức nhỏ của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc Huế trong bối cảnh đương đại.

Lê Vũ Trường Giang: 40 năm hình thành và phát triển của một đơn vị tạp chí văn học như Sông Hương là một chặng đường nhiều thành tựu và thử thách. Những gì Sông Hương đã gửi đến bạn đọc trong thời gian qua đã mang lại cho anh (chị) những điều thú vị nào?

Nhà thơ Lữ Mai: Với một ấn phẩm, tôi luôn bị chinh phục bởi hai yếu tố: chất lượng và thái độ. Sự cẩn trọng, sâu sắc và cởi mở trong công tác biên tập đã mang đến cho tạp chí sức nặng, sức bền, sức lan tỏa. Xuyên suốt qua nhiều giai đoạn, có biến cố thăng trầm, ấn phẩm vẫn giữ được cốt cách, tuyên ngôn cơ bản nhất. Số nào cũng có những tác phẩm đáng đọc, những cái tứ đáng suy ngẫm. Đôi khi, chúng ta chưa cần bước ngay vào tác phẩm, đọc lời giới thiệu thôi đã nhận thấy sự lôi cuốn này. Việc ta đọc được một ấn phẩm chất lượng tốt, đôi khi có thể khiến ta cảm thấy quen thuộc, như lẽ đương nhiên, chỉ những gì không tốt mới đáng chú ý. Song, trên thực tế, rất ít ấn phẩm đạt được sự ổn định đó để không ngừng phát triển, đổi mới, góp phần tôn vinh giá trị nghệ thuật và phụng sự bạn đọc.

Nhà văn Nguyên Nguyên: Qua từng trang viết trên Sông Hương tôi cảm nhận được những tâm huyết nhiệt huyết của đội ngũ Ban Biên tập, các nhà văn, tác giả đã gửi gắm những giá trị văn học - nghệ thuật đích thực thông qua các truyện ngắn, bút ký, những bài thơ vừa mang giá trị nhân văn, vừa mang giá trị nghệ thuật, đem lại cho người đọc những trải nghiệm sâu sắc. Và nhất là với những ai đam mê văn học thì không thể bỏ lỡ Tạp chí Sông Hương.

Dịch giả Trần Ngọc Hồ Trường: Tạp chí Sông Hương là tạp chí văn học hàng đầu trong dãy các tạp chí văn học của các địa phương. Sông Hương đã kết hợp hài hòa/cân bằng giữa cái riêng và cái chung, giữa địa phương và toàn quốc. Độc giả Sông Hương không chỉ được tiếp xúc/hiểu biết/khám phá “Huế thương”, Huế của “tà áo trắng”, của con sông Hương “dùng dằng không chảy”, của cố đô trầm mặc... qua các nghiên cứu về văn học, văn hóa, kiến trúc, công dân Huế trên Tạp chí mà còn được tiếp nhận các tác phẩm văn học có tính nghệ thuật (belle lettres), giàu có về tư tưởng và kỹ thuật, nhất là thơ - một thể loại có goût riêng, đặc thù trên Sông Hương.

Nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh:Thời gian luôn có giá trị riêng của nó. 40 năm hình thành phát triển tự nó đã là một yếu tố làm nên thương hiệu của Sông Hương. Điều khiến tôi ngạc nhiên và thú vị là ở bất kỳ một chặng đường

nào trong 40 năm này, Sông Hương cũng luôn là một cái tên uy tín và được yêu mến, tin tưởng. Dường như chỉ có thời gian thăng trầm và nhiều biến động, còn Sông Hương thì trước sau vẫn vậy, vẫn luôn có bản sắc riêng.

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy: 40 năm là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thử thách, với một người yêu Huế, Tạp chí Sông Hương đã mang lại cho tôi nhiều giá trị về tinh thần, giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ. Qua các tác phẩm của tạp chí, các bài viết từ chuyên khảo, tổng quan, đến chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa lịch sử và nghệ thuật đã giúp tôi hiểu biết sâu hơn về văn hóa lịch sử của Huế cũng như văn hóa dân tộc và những kiến thức văn hóa lịch sử phong phú đó đã hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong chuyên môn là giảng dạy và sáng tác hội họa.

Chị Quỳnh Hoa:Từ việc mỗi tháng chỉ phát hành 1 ấn phẩm Tạp chí Sông Hương truyền thống, nhiều năm nay, Sông Hương đã phát hành thêm ấn phẩm Sông Hương Số Đặc biệt, điều này giúp tạp chí tăng thêm lượng bài có chất lượng, thu hút được thêm nhiều tác giả gửi bài. Theo cảm nhận riêng, cả 2 ấn phẩm của Sông Hương rất có giá trị về văn học nghệ thuật. Mỗi ấn phẩm, mình luôn lưu giữ lại sau khi đọc để dành tặng cho các cô chú, các bạn trẻ hoặc đem tặng phòng đọc sách của khu phố nhằm phổ biến tạp chí đến với nhiều độc giả hơn. Dân cư khu phố mình rất thích đọc Tạp chí Sông Hương.

Lê Vũ Trường Giang: Là một cộng tác viên thường xuyên của Sông Hương, anh (chị) có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ về Tạp chí Sông Hương?

Nhà thơ Lữ Mai: Năm 2020, tôi có chuyến công tác lên miền núi phía Bắc và trải qua một đêm trắng trong nỗi hoang mang, sợ hãi, nghi ngờ tột độ bởi một vài tình huống éo le đã xảy ra, khi chỉ một mình tôi trên hành trình ấy. Ở khoảnh khắc hiếm hoi có thể chợp mắt vì quá mệt, hình bóng một dòng sông đã lững lờ trôi trong giấc mơ tôi, như một niềm xoa dịu. Đó hẳn là dòng sông Chảy vươn mình qua tỉnh Lào Cai nơi trong hành trình mỏi mệt. Tôi bật dậy, viết những câu thơ đầu tiên: “Sông Chảy ngừng ở cuối cơn mơ/ ta lững lờ nơi đó/ những bông hoa ven hồ cánh đỏ/ chấm vào mật ngữ khuya…”. Bài thơ được viết rất nhanh, và khi định gửi đi, tôi nghĩ ngay tới Tạp chí Sông Hương - nơi cũng có một dòng sông lững lờ vắt qua nhiều giấc mơ của tôi. Rất may mắn, trong năm này, chùm thơ có bài thơ ấy được nhận Tặng thưởng của Tạp chí. Do đại dịch Covid-19, tôi không vào Huế được, lại thêm lần lỡ hẹn với Sông Hương. Luyến thương, tiếc nuối rất nhiều, nhưng tôi cũng có cảm giác, Sông Hương ở rất gần tôi, đang chảy trong tôi…

Nhà văn Nguyên Nguyên: Dù mới chỉ cộng tác với Tạp chí sông Hương 2 năm trở lại đây nhưng tôi cảm nhận được sự tận tình của Ban Biên tập tạp chí. Kỷ niệm đặc biệt với tôi có lẽ là sự tận tình chỉ bảo của các biên tập viên đã có những góp ý cho tác phẩm của tôi hoàn thiện hơn. Nhân đây, xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban Biên tập!

Dịch giả Trần Ngọc Hồ Trường: Cũng chừng 10 - 15 năm trước, Phó Giáo sư Bửu Nam lúc đó là Biên tập viên văn học dịch của Tạp chí Sông Hương. Ông rất am hiểu văn học phương Tây và tiếng Anh, tiếng Pháp, là những ngôn ngữ tôi dịch. Ông thường điện thoại cho tôi, có những nhận xét thích đáng về các bản dịch. Ông lưu ý tôi về độ thanh nhã, việc lựa chọn nghĩa từ... của các bản dịch. Đó là những điều bổ ích cho một dịch giả trẻ.

Nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh: Năm 2022, Sông Hương đã đăng một bài báo của tôi về tác giả Nguyễn Thị Thụy Vũ. Trước đó, những nghiên cứu về Nguyễn Thị Thụy Vũ tuy nhiều nhưng chủ yếu vẫn chỉ được công bố trong môi trường học thuật của các trường đại học. Nhìn chung, công chúng vẫn chưa có dịp biết rõ một trong những nhà văn nữ tiêu biểu của văn học miền Nam trước 1975. Thật mừng là Ban Biên tập Tạp chí đã đồng cảm, tin tưởng tôi, cũng như trân quý những đóng góp của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Bài báo “Ý thức vượt thoát” trong sáng tác của Nguyễn Thị Thụy Vũ nhanh chóng được đăng vào đúng tháng 3/2022. Đến giờ, mỗi khi nhìn bức ảnh nhà văn cầm cuốn Tạp chí Sông Hương trên đôi tay có phần run rẩy, để đọc bài viết về mình với nụ cười rạng rỡ, tôi vẫn không thôi xúc động. Chính điều này khiến tôi thêm tin tưởng Sông Hương, để rồi dấn thêm một bước nữa, cũng lại tháng 3, nhưng năm 2023, một bài viết khác về nhà văn nữ miền Nam người Huế Nguyễn Thị Hoàng đã được Sông Hương đăng tải. Sau gần nửa thế kỷ, những ghi nhận tiếp tục của một thế hệ mới về một thế hệ nhà văn cũ, chắc chắn sẽ là một niềm vui lớn cho các nhà văn tuổi thất/bát thập cổ lai hi. Nên tôi nghĩ rằng, Sông Hương thật sự là một tạp chí văn học nghệ thuật lớn vì một tinh thần cởi mở, nhân văn như thế.

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy: Cũng có kỷ niệm nho nhỏ vui vui như thế này. Thường nhà văn Nhụy Nguyên hay gửi truyện ngắn cần minh họa cho tôi vào thứ Sáu và lúc nào cũng kèm theo một câu là “Thời gian trong 3 ngày”. Tôi luôn gửi minh họa đúng hẹn hoặc trước hẹn. Nhưng có 1 lần… trễ hẹn. Đó là lần minh họa truyện “Chị Linda” của Macario D. Tiu, Trần Ngọc Hồ Trường dịch, và nhà văn nhủ tôi nhắn qua email nhé. Tôi mở email và đọc được dòng tin: “Chị Thúy ơi. Sông Hương nhờ chị minh họa giùm truyện ở file. Thời gian khoảng 3 ngày. Thanks chị Bích Thúy. Thân vui.” Sang ngày thứ 3 không có thông tin phản hồi, sang ngày thứ 4 cũng không luôn, và cứ vậy gần 1 tuần trôi qua… Có lẽ nhà văn sốt ruột lắm?

Đến sáng ngày thứ 7, tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại, mở ra đọc và… giật mình với dòng chữ rất nhẹ nhàng: “Chị Thúy ơi nhớ minh họa giùm Sông Hương với nhé.” Tôi vỗ trán và lẩm bẩm: Ui trời! Sao như mình chưa từng nhận “hợp đồng” minh họa vầy nè, đầu óc lãng đãng quá rồi. Liền ngay đó lật đật nhắn lại: “Sáng mai chị gửi được không Nhụy Nguyên? Mấy nay lu bu việc quá. Sorry nhiều nha!…” Và rứa là bỏ hết công việc đang làm, dành trọn một ngày ngồi hí hoáy vẽ minh họa, và vẽ rất kỹ để chuộc lỗi. Sáng sớm hôm sau, lúc 7h18 phút ngày thứ 8 tôi nhắn tin rằng: “Goodmorning! Sáng nay lo gửi minh họa nè. Ngày mới an lành!” Tôi thở phào nhẹ nhõm vì dù sao cũng hoàn thành công việc được giao dù… trễ hẹn. Và rất vui nhận được lời khen: “Minh họa thích quà (quá - từ địa phương mà Nhụy Nguyên hay dùng). Hồi đêm làm bài thơ thấy giờ có ý trong minh họa ni. Thanks chị Thúy buổi sáng vui.”
Rứa là có kỷ niệm vui thôi…

Chị Quỳnh Hoa: Mỗi chương trình nghệ thuật cộng đồng được tài trợ của Tạp chí Sông Hương cho các triển lãm dành cho nhóm các họa sỹ khuyết tật đều là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ của mình. Trong thời gian gắn bó từ 2007 đến nay với Sông Hương, mình đã thực hiện được 3 triển lãm nhóm cho các bạn họa sỹ khuyết tật. Các chương trình do Tạp chí Sông Hương tổ chức đều rất hiệu quả về truyền thông, các họa sỹ nhận được nhiều sự quan tâm và yêu mến của người yêu nghệ thuật Huế. Dù các họa sỹ đều từ các tỉnh thành khác nhau về Huế nhưng được tạp chí và những người yêu mến tạp chí đón tiếp rất nhiệt thành, để lại nhiều tình cảm sâu sắc với mình và các bạn họa sỹ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Văn Dũng: Kỷ niệm đáng nhớ của tôi về Tạp chí Sông Hương gắn liền với bài viết “Biệt phủ Tuyên Hóa Vương - quá khứ bị lãng quên”. Sau đó, bài viết này đã được tạp chí trao Tặng thưởng tác phẩm hay năm 2016.

Vào năm 2016, bức ảnh tư liệu do người Pháp chụp về kiến trúc tuyệt đẹp mang dấu ấn đậm nét của sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Đông, Tây với dòng chú thích kèm theo: “1077. AN NAM - Hué - Palais du Prince Tuyen - Hoa, frère du Roi” (Phủ hoàng tử Tuyên Hóa, em trai nhà vua) được đăng trên trang mạng xã hội Facebook đã mang lại cho tôi và nhiều người khác một cảm giác hết sức ngỡ ngàng, ấn tượng về một công trình kiến trúc tuyệt đẹp ở Huế mà từ trước đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến. Sau đó đã có nhiều ý kiến trái chiều về lai lịch và chủ nhân công trình kiến trúc nói trên. Có nhiều người khẳng định rằng đó là bức ảnh chụp phủ An Định của Phụng Hóa công Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau), là tiền thân cung An Định hiện nay vì đối sánh bức ảnh nêu trên và hình ảnh cung An Định ngày nay có một số nét tương đồng về kiến trúc. Họ còn giải thích thêm dòng ghi chú trên bức ảnh đã bị nhiếp ảnh gia người Pháp ghi nhầm là phủ Tuyên Hóa mà đáng lẽ ra phải ghi là phủ Phụng Hóa mới đúng.

Sau quá trình nghiên cứu khảo sát, tôi đã có bài nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sông Hương (Số Đặc biệt 22, tháng 09/2016) khẳng định bức ảnh trên là kiến trúc phủ đệ Tuyên Hóa vương Bửu Tán (vị hoàng tử thứ 9 của vua Dục Đức) chứ không phải cung An Định. Lúc này, hiện trạng phủ Tuyên Hóa không còn giữ dáng vẻ kín cổng cao tường như xưa, thay vào đó là khuôn viên phủ đệ nhỏ hẹp do bị chia năm xẻ bảy để xây dựng nhà cửa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và buôn bán của người dân. Hạng mục kiến trúc còn sót lại gồm nhà chính và cổng ngõ đang trong tình trạng xuống cấp. Hiện nay, ngôi nhà chính đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại cổng phủ đứng bơ vơ giữa phố thị đông đúc, mang lại cho du khách một cảm giác tiếc nuối về ánh hào quang quá vãng, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế.

Lê Vũ Trường Giang: Sông Hương không ngừng chuyển tải những giá trị văn hóa, văn học và luôn đổi mới trong những năm qua. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến “Tinh thần Sông Hương” đã được anh (chị) đón nhận như thế nào?

Nhà thơ Lữ Mai: Trước bước chuyển đầy mạnh mẽ và tinh tế, từ góc độ chi tiết hay tổng thể, ta đều nhận thấy một tinh thần mới đã được xác lập, kế thừa và không ngừng tận hiến. Từ diện mạo tới nội dung; từ điều có thể gọi tên cho tới điều chỉ thuộc về cảm nhận… Tôi cảm giác, rõ ràng mình đã bước qua một cánh cửa đã lâu, và giờ trong không gian thân thuộc ấy, cùng lúc mọi cánh cửa từ mọi hướng lại tiếp tục bật ra, soi rọi, va đập vào mình nhiều thanh âm, màu sắc và cảm xúc. Nhiều va đập, nhiều cảm nhận cùng lúc, là điều cần thiết, cũng là cơ hội không phải bất cứ khi nào người đọc muốn thì sẽ nhận được. Tạp chí Sông Hương mang đến cho tôi cảm giác hạnh phúc này.

Nhà văn Nguyên Nguyên: Ban đầu khi nhắc tới tạp chí địa phương tôi luôn nghĩ tới việc đề cao những giá trị truyền thống nhằm truyền tải những giá trị văn học cốt lõi tới cộng đồng. Tuy nhiên như thế theo cảm nhận của riêng tôi, tôi thấy nội dung trên mỗi trang viết sẽ bị co lại, đề tài gói gọn trong vài vấn đề. Nhưng ở Tạp chí Sông Hương, tôi luôn cảm nhận được một tinh thần luôn đổi mới, sẵn sàng tiếp nhận cái mới mẻ nhưng vẫn không phá vỡ nét văn hóa truyền thống độc đáo. Điều đó tạo nên sự đa dạng của Tạp chí, đem tới những cung bậc cảm xúc qua từng trang viết.

Nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh: Thật ra thì, trước khi gửi bài cho một tạp chí nào, tôi đều tìm hiểu nhu cầu và cái “gu” của nó. Và không phải ngẫu nhiên mà tôi thường lựa chọn Sông Hương để gửi những bài mới, những bài có thể hơi “chuyên sâu”, hơi phá cách, những bài mà tôi tin rằng nếu không phải Sông Hương, nhiều tạp chí khác sẽ ngại ngần vì mức độ “kén” độc giả. Tôi đọc thấy được sự mạnh dạn của Sông Hương trong việc giới thiệu cái mới, cái tương đối hàn lâm. Tôi cũng trân trọng những trao đổi, đối thoại thiện chí và đầy tôn trọng của Ban Biên tập đối với bài vở được gửi đến. Có lẽ đây chính là tinh thần của Sông Hương mà tôi và nhiều cộng tác viên khác đều cảm nhận được, để luôn nghĩ đến tạp chí với một tình cảm trìu mến và tin tưởng.

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy: Đúng là Sông Hương đã không ngừng đổi mới và truyền tải những thông điệp và các giá trị văn hóa đến công chúng, đó cũng là điều tất yếu trong bối cảnh có sự phát triển đa dạng và cạnh tranh của nhiều lĩnh vực khoa học, văn hóa… Qua nhiều năm cộng tác và cũng thường xuyên đón đọc tôi cảm nhận được một tinh thần rất đáng quý của Sông Hương là: “Luôn đổi mới, hòa nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc”, và tôi mong rằng tinh thần đó không mất đi.

Lê Vũ Trường Giang: Sự cộng tác của bè bạn văn chương khắp mọi miền đất nước góp phần tạo nên chất lượng, nguồn năng lượng cho Tạp chí. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng văn học nghệ thuật đang dần mất đi vai trò và vị trí trong lòng công chúng và Sông Hương với vai trò là một tạp chí văn nghệ, một diễn đàn văn học nghệ thuật ít nhiều chịu các thách thức đó. Anh (chị) nghĩ thế nào trước bối cảnh mới này?

Nhà thơ Lữ Mai: Ở một góc độ nào đó, sự bình đẳng giữa các lĩnh vực là điều khó. Tuy nhiên, tôi thường nghĩ về đội ngũ vận hành mà quan trọng là người đứng đầu sẽ quyết định tới số phận còn hay mất và còn thì còn thế nào, tồn tại vật vờ cho có hay thực sự tạo nên một tinh thần, một sức ảnh hưởng. Thời đại hiện nay, thách thức dành cho mọi lĩnh vực, mọi đối tượng và không phủ nhận với văn học nghệ thuật điều đó càng cấp thiết. Nhưng chúng ta cũng đã nhìn thấy, có ấn phẩm làm tốt, có ấn phẩm thì chưa, có ấn phẩm đã không còn tồn tại… Phía sau là rất nhiều nguyên nhân, câu chuyện và không thể phủ nhận, với những gì không còn tồn tại, phần nhiều đã có những cái sai đến mức cái hay, cái đúng không đủ sức gồng gánh được.

Nhà văn Nguyên Nguyên: Sự phát triển của công nghệ hiện đại đã phần nào làm cho các ấn phẩm in ấn truyền thống giảm sức hút, đó là hiện trạng mà chúng ta vẫn thấy. Và nhất là với các ấn phẩm về văn học nghệ thuật vài năm lại đây. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi và những gì tôi nhận thấy trong thời gian gần đây, một bộ phận độc giả trẻ và những tác giả trẻ đang miệt mài tìm về những giá trị truyền thống, lịch sử và văn hóa, bên cạnh đó là một bộ phận cũng nỗ lực thoát khỏi khuôn thước truyền thống để cách tân nghệ thuật. Dù theo trường phái nào nhưng người viết vẫn còn, vẫn còn những tác giả say mê với văn chương nên chắc chắn cần những tạp chí, diễn đàn văn học nghệ thuật như Tạp chí Sông Hương để có thể gửi gắm đứa con tinh thần của mình tới độc giả thực sự quan tâm. Dù bộ phận công chúng mê văn chương có thể ít, nhưng tôi nghĩ họ luôn trung thành.

Dịch giả Trần Ngọc Hồ Trường: Ở thế kỷ XIX, người ta dự báo văn học sẽ bị tiêu vong (die/mort) hoặc bị kinh tế tư bản/thị trường thù địch. Trên thực tế, văn học không chết. Ở Việt Nam, có hàng ngàn nhà văn, hàng vạn tác phẩm. Trên thế giới, có các giải thưởng văn học danh giá, như Giải O Henry (Mỹ), Giải Goncourt (Pháp), Giải Nobel (Thụy Điển)... Các tạp chí như The Guardian (Anh), The Atlantic (Mỹ)... vẫn đều đặn in truyện ngắn. Ở Việt Nam, các tạp chí khác và nhất là Tạp chí Sông Hương cơ bản vẫn có độc giả rộng rãi. Tuy vậy, cần nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của độc giả, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của họ, nghĩa là phải biến đổi không ngừng về hình thức và nội dung.

Nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh: Những thách thức của thời đại số đến báo giấy, trong đó có cả Tạp chí Sông Hương là điều không thể tránh khỏi. Sự phì đại của thông tin, của tri thức trong thế giới phẳng khiến các tạp chí không còn là kênh duy nhất được người đọc săn đón cũng là điều tất yếu. May mắn thay, Sông Hương vẫn luôn được người viết ưu tiên lựa chọn; được người đọc “tin” kể cả khi họ không theo dõi hết, không theo dõi kịp mọi bài vở của tạp chí. Tuy vậy, để Sông Hương tiếp tục có chỗ đứng trong giới văn học và độc giả, vẫn cần thêm những đổi mới về nội dung, hình thức và cả cách thức… quảng bá như tạp chí đã đang đi đúng hướng trong một vài năm trở lại đây.

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy: Đó là thực tế, mỗi thời đại đều có một lĩnh vực phát triển và chi phối đời sống xã hội. Thời Cổ đại với thành tựu rực rỡ là triết học và thơ ca, thời Trung cổ là Tôn giáo, thời Phục Hưng là thời kỳ trỗi dậy của chủ nghĩa nhân văn… thì thời đại ngày nay là sự thống trị của công nghệ. Thế nên, văn học nghệ thuật cũng phải chật vật để thực hiện vai trò của nó đối với xã hội, và đó là thách thức khiến tất cả chúng ta, những nhà quản lý về văn hóa nghệ thuật, các nghệ sĩ phải trăn trở và nghĩ suy.

Lê Vũ Trường Giang: Hiện nay, văn hóa đọc càng ngày càng mai một và sự lấn sân của internet, mạng xã hội, phim ảnh, truyện tranh, game, công nghệ AI... Cùng với đó, văn hóa đọc cũng chuyển sang hình thức mới với chiếc smart phone, laptop, máy tính bảng… Sông Hương cũng như nhiều tờ báo và tạp chí khác vẫn đều đặn ra các ấn phẩm của mình bằng sản phẩm in và tạp chí điện tử. Theo anh (chị), trước những thay đổi của thời đại, của khoa học công nghệ, Sông Hương cần làm gì để tiếp tục phát triển?

Nhà thơ Lữ Mai: Sông Hương hãy cứ là Sông Hương, với nền tảng xuyên suốt, với tinh thần đổi mới không ngừng, như con đường Tạp chí đã và đang bền bỉ. Người ta quen nói về sự thay thế hoặc triệt tiêu khi loại hình này ra đời và loại hình kia đang tồn tại, nhưng ít quan tâm tới các yếu tố quan trọng, đặc thù nhằm xác lập một vị trí không-thể-thay-thế. Thực tế, trên thế giới có những ấn phẩm tồn tại rất lâu đời, số lượng phát hành cực hạn chế mà vẫn được săn đón; có những giải thưởng giá trị tiền bạc cực thấp, chỉ mang tính tượng trưng vẫn là ước mơ của bao người sáng tạo; có những thương hiệu cổ điển, chế tác thủ công, đánh số giới hạn… được giới siêu giàu đặt hàng trước cả vài năm… Vấn đề vẫn là ta phải khẳng định giá trị thương hiệu bằng những điều không dễ trùng lặp, trộn lẫn. Bên cạnh đó, có thể nghĩ theo chiều hướng mở, rằng làm thế nào để những hình thức mới của thời đại bổ trợ được cho một mô hình mang tính truyền thống thì sự kết hợp đó chính là dấu ấn của tinh thần sáng tạo, văn minh và bản lĩnh.

Nhà văn Nguyên Nguyên: Theo tôi, sự xuất hiện của internet, mạng xã hội, phim ảnh, trí tuệ nhân tạo là điều tất yếu, chắc chắn sẽ diễn ra và đúng là đang diễn ra trước mắt chúng ta. Tuy nhiên, tôi không cho đó là một bất lợi mà đó phải là một lợi thế, điều quan trọng là chúng ta bắt kịp và “sống chung”. Trước đây khi chưa có internet độc giả truyền thống khó tiếp nhận thông tin một cách nhanh lẹ, nhưng giờ đây chỉ cần một chiếc máy tính bảng, smart phone là chúng ta có thể đọc ngay một tác phẩm, thậm chí phản hồi ngay bên dưới bài viết hoặc tương tác gián tiếp qua mạng xã hội, với tác giả.

Nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh: Câu này có lẽ hơi khó đối với tôi, người chỉ viết và đọc Sông Hương chứ chưa thử hình dung mình trong vai trò chịu trách nhiệm về sự mạnh yếu của Tạp chí. Tôi chỉ nghĩ rằng trước những cái khó chung mà tạp chí văn học nghệ thuật nào cũng phải đối diện, Sông Hương ắt sẽ tìm được hướng đi hợp lý, nhất là khi đã có một điểm tựa là 40 năm phát triển vững mạnh như thế. Ngoài ra, Ban Biên tập của Sông Hương hiện nay không chỉ có chuyên môn, có trải nghiệm sáng tác mà còn chuyên nghiệp và tâm huyết, ắt sẽ biết cách lắng nghe cả người viết và người đọc để có những điều chỉnh về bài vở khi cần thiết. Và tôi tin rằng, giữ được sự tin cậy, yêu mến của các cộng tác viên và người đọc cả trong và ngoài giới văn học, chỉ cần được “hỏi” đến, nhiều người sẽ sẵn sàng chia sẻ ý tưởng để giúp Sông Hương ngày một lớn mạnh hơn.

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy: Đây là vấn đề lớn đòi hỏi có sự phối hợp của các cơ quan chức năng và xã hội, ví dụ tại sao giới trẻ bây giờ bị lệ thuộc vào công nghệ giải trí như Tiktok.. nhiều khi gây ra những hiệu ứng tiêu cực, mạng xã hội tràn lan những video rác, nhảm nhí nhưng gây tò mò cho giới trẻ, điều này thuộc chức trách của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan quản lý văn hóa. Trước thực tế như vậy tôi nghĩ rằng Tạp chí Sông Hương vẫn kiên trì giữ vững tinh thần của mình, năng động trong bối cảnh có sự phát triển đa dạng và cạnh tranh của khoa học, công nghệ và các hình thức giải trí khác bằng cách chắt lọc các tác phẩm có giá trị thực tiễn, có chất lượng, luôn mang hơi thở của thời đại, chân thực và phù hợp. Tôi tin rằng cho dù cuộc sống đa dạng muôn màu, có sự cạnh tranh để tồn tại thì những giá trị văn hóa, nghệ thuật chân thực, tốt đẹp luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

Xin chúc cho Tạp chí Sông Hương luôn giữ vững tinh thần và bản sắc của mình, hội nhập tốt trong sự phát triển và mãi đem lại những tinh thần không thể thiếu trong lòng công chúng và những người yêu Huế.

Chị Quỳnh Hoa:Trước xu thế phát triển nhanh của thời đại số, những tạp chí văn học như Tạp chí Sông Hương phải đương đầu với nhiều khó khăn để duy trì và phát triển tạp chí theo những tôn chỉ đã lựa chọn quả thực là vô cùng gian nan, nhưng mình tin Sông Hương sẽ luôn giữ được mạch nguồn của một trong những tạp chí văn học nghệ thuật uy tín của cả nước. Và trên phương diện cá nhân, mình vẫn mong muốn website của Tạp chí Sông Hương sẽ phát huy vai trò mạnh hơn nữa.

Lê Vũ Trường Giang: Và để làm rõ hơn sự vận động, phát triển cũng như yếu tố chất lượng trong một số chuyên mục, hoạt động của Tạp chí Sông Hương trong thời gian gần đây, xin phép quý anh (chị) cho chúng tôi trao đổi một vài câu hỏi nhỏ, riêng biệt dành cho từng người. Đầu tiên, xin được hỏi nhà thơ Lữ Mai những cảm nhận của chị về thơ được đăng tải trên Tạp chí? Cuộc thi thơ hiện đang được Sông Hương tổ chức đã được chị hưởng ứng như thế nào?

Nhà thơ Lữ Mai: Từ rất lâu rồi, chúng tôi thường gọi thơ trên Tạp chí là “đặc sản”. Đặc sản ấy không đơn giản được gọi tên bằng yếu tố vùng miền như nhẽ thường mặc định mà từ lâu nó đã vươn rất xa, thậm chí có nhiều tên tuổi ở ngoài biên giới Tổ quốc. Vậy với biên độ rộng mở ấy, điều gì là “đặc sản”? Đó chính là cái gu, là cách cảm nhận, lựa chọn và khích lệ. Tạp chí xâu chuỗi được để những cá tính, giọng điệu cùng lúc đa thanh đa sắc mà vẫn vững vàng trên nền tảng đã được Ban Biên tập xây dựng.

Thơ ca với tôi như hơi thở, song, những cuộc thi thực sự là thách thức. Dù đã viết nhiều tác phẩm, đạt một số giải thưởng mang tính đề tài, nhưng cuộc thi thơ về Huế khiến tôi… run rẩy. Điều gì mình quá yêu, quá tin… lại thường khiến mình phải dừng lại mà chiêm ngắm, suy ngẫm thay vì lăn bổ vào. Tôi thường trực một niềm ấp ủ rằng viết gì cho xứng. Hiện tôi chưa gửi tác phẩm nào dự thi. Ngay cả nếu cho tới cuối cuộc thi tôi chưa gửi tác phẩm nào hoặc không đoạt giải thì một thực tế khiến tôi gắn bó hơn với Sông Hương, đó là cuộc thi thực sự khiến tôi có nhiều thao thức.

Lê Vũ Trường Giang:Trong dòng chảy văn chương đương đại, nhà văn Nguyên Nguyên có nhận định thế nào về các tác phẩm văn xuôi đăng tải trên Tạp chí?

Nhà văn Nguyên Nguyên: Các tác phẩm văn xuôi trên Sông Hương đa dạng thể loại, chấp nhận mọi phong cách từ truyền thống tới hiện đại cách tân. Ở đó chúng ta dễ dàng tìm thấy một thể loại, một phong cách mà mình yêu thích hoặc một điều mới mẻ để thưởng thức.

Lê Vũ Trường Giang: Dịch văn chương là công việc công phu, kỹ lưỡng lại có yêu cầu cao như cần truyện mới, truyện hay và việc chuyển ngữ cũng phải hay. Anh đánh giá thế nào về chất lượng tác phẩm dịch đăng tải trên Sông Hương?

Dịch giả Trần Ngọc Hồ Trường: Bản dịch không đơn thuần là phiên bản (version). Dịch văn học cần quan tâm đến giọng điệu, thái độ của tác giả, tính cách, số phận của nhân vật, căn tính các dân tộc... Người ta cũng thường nói đến các yêu cầu chân tín, thanh nhã của bản dịch.

Văn học là vị đời (l’art pour la vie/literature for life). Đọc văn học dịch không chỉ để giải trí, thư giãn mà cái chính là/chủ yếu là để tìm kiếm thông điệp, tư tưởng văn học, các giá trị nhân bản, nhân văn.

Người ta thấy những điều đã nói ở trên trên Sông Hương, cụ thể là ở chuyên mục Cửa sổ nhìn ra văn học thế giới.

Lê Vũ Trường Giang: Nhà phê bình là một siêu độc giả và là một nhân tố quan trọng để đánh giá, định hình giá trị văn chương nghệ thuật. Xin được hỏi nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh về chuyên mục phê bình lý luận của Tạp chí Sông Hương có điều gì đáng nổi bật?

Nhà phê bình lý luận Thái Phan Vàng Anh: Trong các chuyên mục, tôi luôn nghĩ phê bình lý luận là chuyên mục sang trọng và uy tín nhất của Sông Hương. (Có thể vì tôi chuyên viết bài cho mục Phê bình lý luận nên có chút thiên vị). Tuy vậy, nhìn một cách khách quan, các bài viết về phê bình lý luận thường vẫn dễ tạo nên bản sắc, xu hướng riêng hơn là thơ và văn xuôi. Tinh thần cởi mở với các vấn đề nghiêng về lý thuyết, học thuật, hay các hiện tượng văn học được đón nhận đa chiều, cũng thường dễ được nhận thấy ở chuyên mục phê bình lý luận hơn là các chuyên mục khác. Trong những đánh giá, so sánh không chính thống, đây cũng là chuyên mục đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện “thương hiệu” của các tạp chí văn học nghệ thuật ở Việt Nam. Quan sát nhiều tạp chí trung ương và địa phương trong hơn mười năm qua, tôi cho rằng các bài viết về phê bình lý luận ở Tạp chí Sông Hương thường có chất lượng cao và chuyên mục phê bình lý luận cũng có mức uy tín thuộc top đầu nếu so sánh với chuyên mục này ở các tạp chí khác. Có lẽ vì chuyên mục Phê bình lý luận ở Sông Hương không quá hàn lâm như các tạp chí của các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, song cũng không quá nặng “tính văn nghệ” mà ít tính lí luận vốn thường thấy ở các tạp chí văn học nghệ thuật địa phương. Giữ được mức cân bằng và “vừa đủ” này, theo tôi, chính là lợi thế và điểm mạnh của Sông Hương. Và nhờ điều này Sông Hương thu hút được đa dạng cả đối tượng người viết lẫn người đọc.

Lê Vũ Trường Giang: Theo họa sĩ Tô Trần Bích Thúy hình thức trình bày của Sông Hương, bìa, vinhet, minh họa, tranh ảnh cần thêm những ưu điểm gì?

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy: Theo thiển nghĩ của tôi, Tạp chí Sông Hương đã để lại dấu ấn đặc trưng và quen thuộc trong lòng người đọc, những gì đã tạo nên dấu ấn thì không nên thay đổi nhiều, các trang bìa và minh họa nên giữ nguyên “chất” của nó. Tuy nhiên, để làm mới về mặt hình thức thẩm mỹ nên bổ sung tranh của nhiều họa sĩ khác nhau để việc trang trí Tạp chí được phong phú hơn, các ảnh chụp nên có những bức ảnh về cuộc sống đời thường của con người và vùng đất Huế… sẽ sinh động hơn.

Lê Vũ Trường Giang: Sông Hương luôn đón chờ những chương trình văn hóa nghệ thuật, những hoạt động thiện nguyện tạo dựng và khơi mở các giá trị cho cộng đồng. Sắp tới chị Quỳnh Hoa có ý tưởng mới nào cho cuộc gặp gỡ trong tương lai không ạ?

Chị Quỳnh Hoa: Mình vẫn nuôi dưỡng kế hoạch tiếp tục được Tạp chí Sông Hương tài trợ tổ chức các triển lãm nhóm của nhóm họa sỹ khuyết tật trong tương lai. Nhưng do đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua và nền kinh tế đang vào giai đoạn suy thoái, cũng như tạp chí cũng có nhiều những khó khăn chung, vì vậy kế hoạch sẽ được bàn lại khi thời điểm thích hợp. Và mình cũng rất mong luôn có Tạp chí Sông Hương là đối tác uy tín và là điểm đến tuyệt vời của các sự kiện nhóm sẽ diễn ra tại Huế.

Lê Vũ Trường Giang: Nhiều độc giả yêu thích Sông Hương không chỉ tính chất lượng của các tác phẩm văn xuôi, thơ, tác phẩm dịch… mà còn đón nhận những bài viết, công trình nghiên cứu đặc sắc về văn hóa, lịch sử Huế. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Văn Dũng là một cộng tác viên viết nhiều về mảng đề tài này. Là người trong cuộc, xin chia sẻ về vai trò của Tạp chí Sông Hương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế?

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Văn Dũng: Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất giàu trầm tích văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, tương ứng với thời kỳ Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636 - 1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788 - 1945). Hiện nay, Huế sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO vinh danh, gần 1000 công trình được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 3 di sản đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì vậy, Tạp chí Sông Hương có vai trò quan trọng trong việc nhận diện giá trị, bảo tồn và khai thác phát huy hệ thống di sản nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”.

Lê Vũ Trường Giang: Xin cảm ơn các tác giả!

(TCSH412/06-2023)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng