Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm ngày thành lập TCSH
Chuyện quá khứ tuổi 15
10:17 | 05/06/2023


VÕ MẠNH LẬP

Chuyện quá khứ tuổi 15
Ảnh: tư liệu

Tạp chí Sông Hương đạt đến tuổi trăng rằm! 15 năm, thời gian chưa phải là dài, mà dài với nghĩa thăng trầm, nhiều gian nan vất vả vỏn vẹn chỉ hơn chục người gánh trọn trên vai, cứ đi tới chỉ với mong muốn cầm lòng bạn đọc như giữ gìn một tình yêu đẹp. 15 năm cũng nhiều chuyện để nói, để nhắc lại nhưng mỗi người giữ lại những ấn tượng khác nhau. Tôi cũng có cái riêng và xin bộc bạch.


PHỤ TRƯƠNG BÃO 1985

Gió lớn lắm. Mưa ào ào. Nước thượng nguồn đổ về. Lụt to. Nước dưới biển dâng lên cao. Một cơn bão chưa từng thấy cả hơn 100 năm qua: Người chết. Nhà cửa trôi, sập mái, thuyền bè mất - Không nhà ở! Đói ! Đau !

Trong giới Văn nghệ báo chí lại có sự cố : Nhà văn Tô Nhuận Vỹ mất tích. Nhiều người tìm: Tỉnh ủy, ông Vũ Thắng Bí thư tỉnh ủy cũng tìm, Hội Văn Học nghệ thuật tìm, tòa soạn, người nhà Tô Nhuận Vỹ tìm. Và bạn bè cũng tìm. Đông nghịt ở số nhà 15A Lê Lợi, nơi Tô Nhuận Vỹ tá túc gần như thường xuyên. Họ đến vì khổ tâm mất Tô Nhuận Vỹ và đến cũng vì hiếu kỳ tò mò (Bệnh của người rỗi rãi)...

Đi vào lặng lẽ khoảng 2 ngày thì Tô Nhuận Vỹ xuất hiện. Hình ảnh có thật Tô Nhuận Vỹ như là giấc mơ của mọi người. T.N.Vỹ vẫn bình thản và không gầy yếu qua cơn bão, chứng tỏ anh chưa bị nạn và mất sức...

Huế đang trở lại bình thường về chuyện T.N.Vỹ thì khắp nơi, bạn bè của Vỹ, của Sông Hương điện về thăm hỏi, có lời chia buồn và còn nhờ thắp giùm vài nén hương cho người “quá cố”. Đặc biệt có vài địa chỉ như nhà thơ Bùi Minh Quốc còn gởi cả hương, đồ cúng... Phàm người được cúng sống thường sống lâu. Người được “cúng sống” nhạy cảm với báo chí đề xuất làm TỜ BÁO PHỤ TRƯƠNG VỀ CƠN BÃO. Tôi thú vị với sáng kiến này và bàn luôn với ông Phan Văn Khuyến trực Hội và Nguyễn Khoa Điềm (Tổng biên tập). Anh Điềm, con người điềm đạm, chín chắn mà cũng trả lời nhanh: Rất tốt, ta cứ làm thử!

Bỗng nhiên không khí báo chí ở 26 Lê Lợi bừng bừng sôi động hẳn lên. Hơn 20 con người là phóng viên, biên tập của Hội Văn nghệ, Tạp chí Sông Hương giờ phút ấy cảm nhận thực sự cho mình là chiến sĩ trên mặt trận thiên tai bão lụt vừa xảy ra. Đội quân báo chí chúng tôi chia ra nhiều đoàn nhất loạt tung ra Tuyên Hóa, Minh Cầm (Bắc Quảng Bình), Nông trường chè Đại Giang, 5 xã vùng Gio Hải (Gio Linh - Quảng Trị) và dọc phá Tam Giang Thừa Thiên Huế, nơi trung tâm cơn bão số 8 hoành hành và sóng thần cuốn quét nhiều người chết và bị thương...

Trong gần 1 tuần bài tin đã thu gom hoàn tất. Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê và tôi được cử đi TP. Hồ Chí Minh thực hành nhiệm vụ in ấn, phát hành tờ phụ trương. Mảnh đất nghèo lại bị thiên tai quái ác, trong tay lại không có đồng xu nào, chúng tôi vẫn cứ đi liều. May thay, đề xuất ra sáng kiến, T.N.Vỹ (có phần đóng góp của Võ Quê) tự tin hướng đến sự giúp đỡ của bạn bè thân hữu ở trong ấy. T.N.Vỹ hướng thẳng chúng tôi đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Tổng biên tập Kim Hạnh và nhiều bạn bè trong ngoài tòa soạn đã chân tình và coi chúng tôi như những “người lính” ở chiến trường nóng bỏng về với hậu phương. Ban biên tập tòa soạn cho đến anh chị mông-ta, sắp chữ đã ngày đêm quây quần cụm đầu cùng chúng tôi để hoàn thành nhanh ma-két tờ phụ trương. Chưa đầy tuần đã có 25000 tờ báo tung ra thị trường cả nước, được bạn đọc khắp nơi đón nhận với tấm lòng ưu ái thương yêu Huế - Bình Trị Thiên. Thấy có vẻ thiếu thiếu, chúng tôi bàn tiếp với báo Tuổi Trẻ in thêm 10.000 tờ nữa và cũng bán vèo trong vòng vài ba ngày.

Báo Tuổi Trẻ đã vui vẻ hỗ trợ giấy, công in và lo luôn cả khâu phát hành ngay trong khuôn viên tòa soạn. Cử chỉ đầy sáng tạo này nói lên khả năng nhạy cảm làm báo của con người xứ Huế, mối quan hệ bạn bè trong nghề nghiệp nhất là tình cảm, công sức của anh chị em từ thợ in, người chế bản, mông-ta, người kế toán, phát hành cho đến anh chị trong lãnh đạo, ban biên tập Báo Tuổi Trẻ đã dốc hết toàn lực để đem lại hiệu quả góp thêm một tiếng vang lớn cho TCSH về nhiều phương diện. Tôi cảm động trước tình cảm bạn bè đồng nghiệp nhất là Báo Tuổi Trẻ đã để lại trong tôi một dấu ấn đẹp đẽ không bao giờ quên.


CHUYỆN PHÁT HÀNH

Thời đó bao cấp, báo Tuổi trẻ đã tự thân vận động, tự tổ chức phát hành không thông qua bưu điện và các công ty phát hành sách báo. Một việc làm tiên phong đổi mới sớm hơn 10 năm. Điểm hẹn ngày phát hành báo, khách hàng tứ xứ trong thành phố, miền Đông tây TP (đăng ký số lượng trước) đã tụ tập xe máy, xích lô, người đông nghịt chờ đón nhận báo tung nhanh ra thị trường.

Cảnh tượng ấy đập vào mắt Tô Nhuận Vỹ. Anh đứng quan sát say sưa và ao ước tờ Sông Hương ở Huế cũng có cảnh nhộn nhịp, hấp dẫn như thế. Tô Nhuận Vỹ bộc lộ khao khát: “Cụ có cách gì để Huế có kiểu phát hành như thế này ?”

Loay hoay rất nhiều năm để cải tiến nội dung, hình thức Tạp chí nhưng không bao giờ có được không khí phát hành như thế.

Người Huế không phải không có năng lực để dựng nên tờ báo hấp dẫn nhưng hạn chế kiểu phát hành như các báo Sài Gòn, Hà Nội có lẽ là : điều kiện cụm dân cư mỏng, ít, nên chưa làm nên chuyện.


“PHÒ”

Đời cán bộ CNV ai cũng ăn lương làm công cho nhà nước. Riêng tôi ăn lương làm công và được ân huệ làm “phò” cho 5 đời Tổng biên tập. Đời Tổng biên tập Nguyễn Khoa Điềm còn ở chung với Hội VHNT 26 Lê Lợi. Đến Tô Nhuận Vỹ Sông Hương mới thực sự là tờ báo độc lập có “chủ quyền”. Cái công lớn trước tiên là Tô Nhuận Vỹ thứ đến là Võ Quê, Phương Lan đã tạo dựng lên cơ ngơi bề thế 2 tầng ở số nhà 5 Đinh Tiên Hoàng. Từ đó Sông Hương nổi như cồn, bạn đọc bạn viết khắp nơi mến mộ chiêm ngưỡng. Tôi bắt đầu ám ảnh con “số 5” từ giờ phút ấy. Đến nhà thơ Hồng Nhu (TBT) bởi một ẩn số nào đó không được giải mà, ông lặng lẽ, êm dịu nhưng cương quyết viết đơn xin đổi trụ sở và đáp lại bằng 1/2 nhà của ngôi nhà 5 Phạm Hồng Thái phía nam bờ Sông Hương làm trụ sở. Ba năm hơn trôi qua trụ sở SH vẫn dùng dằng ở 1/2 ngôi nhà 5 Phạm Hồng Thái cho đến khi anh nghỉ, chuyển đổi công việc mới. Gần 1 năm lên ngôi, Nguyễn Quang Hà Tổng biên tập mới, năng nổ đến tóe lửa trên nhiều mặt trong đó có việc giải quyết 1/2 ngôi nhà còn lại vẫn chưa xong. Một sự ì trệ, bất lực vừa chật chội khó thở trong nghĩa đen. Và ông Quang Hà kêu oai oải cũng có cái lý đúng đắn của nó. Lan man nhiều sợ lạc đề tôi xin trở lại chuyện “phò”. Lại nói về con số 5. 5 đời Tổng biên tập tôi “phò” có điểm chung nhất là ông nào cũng biết thừa kế những gì tốt nhất của người đi trước và ông nào cũng ra sức “thổi” vào sản phẩm của mình làm ra có nét mới tiến bộ hơn trước, thích hợp thời thế hơn trước để được bạn đọc yêu quý đón nhận. Có nghĩa là khi ở vị trí đứng đầu, vị trí quyền lực ai cũng biết làm nổi mình nhưng 5 ông vẫn là 5 ông không ông nào giống ông nào. Mỗi thời kỳ là một tính cách, một trình độ, một năng lực đều được ghi đậm nét qua từng trang báo. Ai tinh ý sẽ thấy rõ mồn một. Chỉ tiếc rằng các nhà phê bình, các cây bút điểm báo chưa ai đề cập một cách thú vị về vấn đề này.

Nguyên TBT TCSH Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê thập niên 90 (thứ 1 và 3 từ phải qua) - Ảnh: tư liệu



Tạm kết thúc : Tôi tọa lạc ở nhà con số 5 - 5 đời TBT (Nguyễn Khoa Điềm - Tô Nhuận Vỹ - Nguyễn Khắc Phê - Hồng Nhu - Quang Hà). Hai lần thay đổi trụ sở của SH cũng “Con số 5”. Con số 5 có liên quan đến ngũ hành là con số hên. Từ sự liên đới trùng hợp ấy tôi muốn TBT Quang Hà trong một phút nhẹ dạ nào đó (khác với cá tính vốn có) mà đổi “con số 5 Phạm Hồng Thái” thành một cơ ngơi khác. Chắc Quang Hà cũng hiểu rằng Sông Hương là có nước mà nước là Thủy. 5 Phạm Hồng Thái có hướng chiếu thẳng phía tây - tây nam. Hướng này là Kim. Kim sinh Thủy ắt có nhiều thuận lợi to. Sông Hương ơi! Hiền hòa, êm đềm trôi như lời ru. Và không bao giờ, không bao giờ nổi cơn lôi đình thành “mẹ Đốp”. Vậy là Hỏa đấy - không ổn đâu, Sông Hương hỡi! Hãy nghiệm ra những gì đã được, sẽ được đang chờ Sông Hương phía trước. Những lời cảm nhận của “phò” gởi đến “con số 5” và chỉ “phò” đến “con số 5” nay dù có nghỉ cũng phải đạo lắm rồi.

(TCSH112/06-1998)

 

Các bài mới
Chiều (09/06/2023)
Các bài đã đăng
Hệ lụy thơ (04/06/2023)