Giá sách Sông Hương
Chuyên đề LỤT
Thơ văn và lũ lụt
10:07 | 02/11/2009
ĐẶNG TIẾNTừ thượng tuần tháng mười dương lịch năm nay, cũng như năm 1999, nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng nhất chưa từng thấy từ một thế kỷ nay đã đổ ập xuống miền Trung Việt Nam, đặc biệt đã tàn phá vùng Thừa Thiên-Huế. Nhiều tỉnh khác, cũng bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như tài sản.
Thơ văn và lũ lụt
Đại Nội trong ngày lũ- Ảnh: Hoàng Hữu Tư

Việt Nam từ xa xưa đã có câu ca dao tang tóc: Ông tha mà bà chẳng tha /Vẫn làm cơn lụt hăm ba tháng mười.
Tháng mười âm lịch, vẫn còn ứng đúng vào thời kỳ lũ lụt ngày nay, cũng như trận lụt năm Giáp Thìn 1964, chồng thiên tai lên chiến tranh, vào một giai đoạn ác liệt nhất, đã phá hại miền Trung thân yêu của nhà thơ Tường Linh (1933- 2005), qua những hình ảnh bi thảm:

            Biết thủa nào quên

            Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
            Cả trăm người, cả ngàn người không chạy kịp
            Nước réo ầm ầm, át tiếng kêu la
            Chới với, ngửa nghiêng, người cuốn theo nhà,
            Nhà theo sóng, người không thấy nữa
            ...
            Những kẻ sống không nhà không cửa
            Không áo cơm, không cả lệ thông thường
            Cắn vành môi nhìn lại một quê hương
            Bỗng run sợ, tưởng đây là địa ngục
            Thảm nạn quê hương

Lũ lụt là một tai họa thường xuyên ám ảnh tâm thức Việt Nam, từ bộ tộc Văn Lang thời kỳ Hùng Vương dựng nước, mà truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh là một biểu tượng.

Núi cao sông hãy còn dài
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen

Thủy Tinh hàng năm dâng nước lên đánh nhau với Sơn Tinh là hình ảnh những trận lũ lụt thường niên tàn phá đồng bằng sông Hồng, cái nôi của bộ tộc Âu Lạc tự ngàn xưa. Chiến thắng của Sơn Tinh là hy vọng của một dân tộc thường xuyên chiến đấu với thiên nhiên.

Về sau, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đã giải thích là chọn địa điểm cao ráo để dân cư không còn sợ nạn lũ lụt, trong Chiếu dời Đô (1010).

Như vậy bão lụt đã là mối đe dọa đời đời, phản ánh qua truyền thuyết cũng như văn học Thành Văn.

Phòng vệ lũ lụt, xây dựng và bảo vệ đê điều là nhiệm vụ hàng đầu của quốc gia, là nhiệm vụ sống còn của dân tộc. Từ ngàn xưa, văn thơ đã đánh dấu những thiên tai như bài thơ của Nguyễn Húc thời Lê Thái Tổ, năm 1429:

            Gió thu nổi trận ào ào
            Phập phồng mái lá, rào rào mặt sông,
            ... Trận mưa ập xuống, hãi hùng
            Tràn khe ngập suối, mịt mùng trời mây
                        (Phong Vũ Thán, (1429), ĐT phỏng dịch)

Không cứ gì châu thổ sông Hồng là vùng đất trũng, cả miền Trung từ thời xa xưa đã là nạn nhân của Thủy Tinh, như trận lụt ở phủ Triệu Phong (Thừa Thiên ngày nay) giữa thế kỷ 18 đã được nhà thơ Nguyễn Cư Trinh ghi lại:

            Triệu Phong đợt đợt sóng dồi
            Nát lòng Châu Định, cuốn trôi nghìn nhà
            Nghìn nhà dạt tận châu xa
            Sông sâu sấu dọa, rừng già rắn hăm
                        (Đại Phong Kỷ Hoài (1751) , ĐT phỏng dịch)

Khi chữ Nôm phát triển, nhà thơ Nguyễn Khuyến gắn bó với nông thôn, đã để lại nhiều bài thơ lụt xuất sắc, mô tả nhiều trận lũ tàn phá đất Hà Nam nhiều năm liên tiếp từ năm Canh Dần (1890) sang Quý Tị (1893) đến Ất Tị (1905).

Năm Canh Dần, mưa lớn vùng Nam Định đã phá vỡ con đê quai làng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, và nước sông Đáy đã tràn ngập quê hương Nguyễn Khuyến.

Nước lụt Hà Nam

Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi, / Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi. / Gạo dăm ba bát cơ còn kém, / Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi. / Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng,/ Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi, / Đi đâu cũng thấy người ta nói. / Mười chín năm nay lại cát bồi.

Bốn bài thơ lụt của Nguyễn Khuyến có giá trị nghệ thuật cao, nhưng cho dù hôm nay, ở đây, không phải là chỗ để chúng ta phân tích hay thảo luận về nghệ thuật thi ca, cũng xin nhắc lại những vần thơ đằm thắm và tài hoa trong cơn lụt lội:

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu,/ Lụt lội năm nay bác ở đâu?/ Mấy ổ lợn con rày lớn bé,/ Vài gian nếp cái ngập nông sâu?

Đồng bằng sông Cửu Long không tránh khỏi tai trời ách nước:

Trời mưa từng trận, gió từng hồi,/ Bốn mặt Giang Sơn ngập cả rồi,/ Lũ kiến bất tài muôn khóm dạt,/ Giống bèo vô dụng một bè trôi./ Liu riu rừng quạnh nghe chim hót,/ Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi./ Nỡ để dân đen chìm đắm mãi,/ Này ông Hạ Vũ ở đâu rồi?
                                                   (Nước lụt, Nguyễn Đình Chiểu)

Trong bất cứ đề tài nào, văn thơ Nam Bộ vẫn một giọng nghĩa khí, “trung hiếu làm đầu”

Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu đã có bài Văn Tế đồng bào Nghệ Tĩnh đồng hương chết vì bão lụt, giọng văn bi tráng:

Sông vàng máu đỏ, chết đã quá oan;/ Nước mặn đồng chua, sống càng thêm cực./ Chật làng xóm chứa đầy là oan quỷ, tha hồ khóc khóc rên rên;/ Thây trâu bò cũng sạch với Diêm Vương, vắng ngắt rì rì tắc tắc,/ Thương những kẻ mất vợ mất chồng, mất anh em cha mẹ,/ bới đất tìm nhưng sợ ngục nhiều tầng;/ Xót vì ai không cơm không cháo, không nhà cửa ruộng vườn,/ kêu trời hỏi biềt chồng thang mấy bậc!

Nhà văn Ngô Đức Kế trên báo Hữu Thanh năm 1924, có lời kêu gọi cứu lụt hôm nay vẫn còn thời sự:

Đến hôm nay mà nói cứu nước lụt thì chẳng chậm lắm ru? Phải, vẫn khi chậm thiệt, song đã là một việc tai nạn trời làm, mà lại nghĩa anh em đồng chủng, không thể khoanh tay ngồi nhìn mà không cứu, vậy thì dù chậm cũng còn cứu được, mà đã cho là chậm rồi thì trong lúc cứu này, lại phải làm sao cho chóng, cho mau, nghĩa là làm sao cho có tiền có gạo ngay bây giờ, chứ nếu để lại chậm hơn nữa thì thương thay!

Cứu dân nước lụt! Dân nước lụt nghĩa phải cứu, mà cứu thì phải cứu cho mau, đã có món tiền để cứu rồi thì phải làm sao cho trong mười đồng phát đến dân không sót tay ai đồng nào, lại làm sao cho dân được lĩnh món tiền cứu tế ấy chỉ là những kẻ chân bùn tay lấm, áo manh khố một mà thôi, đó là điều chúng ta rất nên chú ý.

Nhà thơ Tản Đà cũng có lời kêu gọi tương tự:

Này những ai, này những ai / Ai có nghe rằng việc thủy tai / Tỉnh Bắc, tỉnh Đông, cùng tỉnh Thái, / ruộng ngập nhà chìm, thây chết trôi

Các nhà văn quốc ngữ đã đặc biệt quan tâm đến cảnh lũ lụt và những lầm than của con người.

Một trong những thành tựu đầu tiên của văn chương quốc ngữ là truyện ngắn “Vỡ Đê” của Phạm Duy Tốn, 1917. Truyện ngắn đầu tay của Tô Hoài là “Nước Lên”, 1938, tả cảnh hộ đê, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố và nhiều nhà văn khác đã để lại những trang văn xuôi xuất sắc về cảnh lũ lụt.

Thơ văn thời chống Pháp đã có bài thơ mưa lụt thật hay của Hồ Vi (?- ?), hồn nhiên và tài hoa, mà các tuyển tập thi ca chính thức sau này đã bôi xóa:

            Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng,
            Chừng chưa bưa lụt, nước còn cao,
            Hi hôm bộ đội hành quân tới,
            Trấn thủ dầm phơi chật cả sào.

                                    (Lời Quê, 1950)

Trong thơ văn hiện đại, bão lụt vẫn còn là một đề tài lớn lao, bài thơ “Thảm nạn quê hương” của Tường Linh nói trên, tả cảnh lụt năm Giáp Thìn 1964 tại Quảng Nam là một ví dụ. Ví dụ khác là tiểu thuyết “Mẫn và Tôi” của Phan Tứ (1972) đã nhập đề bằng một chương tả cảnh lụt tại Quảng Nam - Quảng Ngãi trong thời kỳ chiến tranh. Tiểu thuyết “Thời Xa Vắng” (1980) của Lê Lựu được cấu trúc trên một chuyện tình xảy ra một đêm trăng lũ lụt, khoảng 1956, tại Hà Nam quê hương Nguyễn Khuyến.

Ở một miền văn học khác, tùy bút “Thư Nhà” (1961) một trong những thành công đầu tay của Võ Phiến đã nhập đề bằng một cảnh lụt ở Quy Nhơn. Nhà thơ Tô Thùy Yên, nổi tiếng với bài thơ “Qua Sông” (1971) tả cuộc hành quân trong cảnh trời nước mênh mông của đồng bằng sông Cửu Long:

            ...Giặc đánh lớn, mùa mưa đã tới
            Mùa mưa như một trận mưa liền
            Châu thổ mang mang trời nước sát
            Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
            ...Người chết mấy ngày không lấy xác
            Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh

Bài này, viết về đề tài lũ lụt, là một thâm tình, đặc biệt hướng về đồng bào, và bè bạn, nạn nhân của tai trời ách nước, vừa mới ập xuống trên quê hương. Để chứng tỏ rằng văn chương, dù ở xa tổ quốc, vẫn gắn bó với số phận điêu linh của đồng bào trong nước. Và để kêu gọi tinh thần lá lành đùm lá rách của mỗi độc giả đối với bà con ruột thịt nạn nhân của thiên tai, vọng lại lời kêu gọi trước đây của Tản Đà:

            Hỡi ai ai! Là những người
            Ông ở trong nước, bà ngoài nước
            Có nhiều cho nhiều, ít cho ít,
            Cứu kẻ bần dân lúc thủy tai.

Đ.T

(249/11-09)

 

 

 

 

Các bài mới
Cùng bạn đọc! (02/11/2009)
Đi qua vùng lũ (02/11/2009)
Lụt Huế (02/11/2009)