Giá sách Sông Hương
Về cuốn "Thơ đến từ đâu"
Gió thoảng trên quê hương tôi
10:37 | 08/01/2010
NGUYỄN THỊ HOÀNG BẮCTHƠ ĐẾN TỪ ĐÂU sau khi ra đời đã gây ra một bối cảnh khá sôi nổi từ ý kiến, bình luận, tranh cãi từ các bạn văn và độc giả tiến đến mạ lỵ, tố cáo, chụp mũ với những từ ngữ khá mạnh mẽ lẫn thô bỉ, tục tằn, vượt qua nhiều lằn ranh tưởng tựơng của những người trước đó vẫn lạc quan tếu (tôi trong số những người này!) tin rằng thì là sự ồn ào trên tạp chí điện tử talawas có thể là một cách giúp PR tập sách tận tình.

Cứt đái, phân, lồn cặc, liếm giày, fuck, và fuck rồi đạp khỏi giường…v.v (những từ in nghiêng trích dẫn nguyên văn từ loạt các bài viết phản ứng sau khi tập TĐTĐ ra mắt ở Việt Nam) thật ra không nhắm vào nội dung sách mà chỉ đánh thẳng vào vụ việc tác giả tập sách, người chủ trương phỏng vấn- Nguyễn Đức Tùng và các tác giả liên quan trả lời phỏng vấn, nhất là các tác giả đang sống ở nước ngoài, chịu chấp nhận sự kiểm duyệt và biên tập để sách được ra đời từ trong nước.

Là một tiến trình hoàn toàn không dễ sau khi nói chuyện với anh Nguyễn Đức Tùng, và sau đó các anh chị Đà Linh, Trần Thị Trường, so với việc tôi chịu chấp nhận cắt bớt vài chữ, vài câu mà theo tôi và Nguyễn Đức Tùng cùng đồng ý là chỉ cắt bớt chứ không phải cắt bỏ, nguyên bản vẫn còn ở tạp chí điện tử talawas và trong tay các tác giả, chúng tôi chờ một dịp tái bản nguyên con khác, không sao.

Chuyện là chuyện đưa đến tay độc giả trong nước (tất nhiên là còn có người muốn đọc) một văn bản không nguyên vẹn có là đìều nên làm hay không? Tôi cho là “có còn hơn không”. Nên nhớ, không phải chỉ có các tác giả ở nước ngoài mới bị cắt đốt cột, anh Dương Tường lững lẫy vậy mà lâu nay vẫn phải còn chịu sống chung với lũ, tôi chia lũ với anh một chút cũng là vui hết biết. Không phải ai trong tập sách TĐTĐ cũng là chung lập trường chính kiến gì đâu, chỉ là lần đầu trong nước ngoài nước in chung một tập và xuất bản trong nước là sự kiện lớn trong tâm cảm lớn của người viết bằng tiếng Việt trong và ngoài nước lần đầu đứng chung với nhau. Vô cùng cảm động.

Tôi hiểu, biên tập là làm cho văn bản hay hơn, đẹp hơn, kiểm duyệt là cắt bớt những câu, đoạn nhạy cảm để lọt được qua cơ chế xuất bản hiện tại của nhà nước Việt Nam. Biên tập, khi tôi trả lời phỏng vấn thì đã bị/được Nguyễn Đức Tùng, BBT talawas biên tập tưng bừng rồi mới lên talawas chứ sao không, biên tập, khi sách dự định in thì đã bị/được trao đổi với Nguyễn Đức Tùng, và sau đó Đà Linh, Trần Thị Trường, Tạ Duy Anh đã biên tập và giúp chỉnh sửa một lần nữa cho hay hơn, và tất nhiên, qua cái khâu cuối cùng là cái khâu không ai muốn, chẳng đặng đừng, kiểm duyệt, để lọt cửa xuất bản.

Đọc lại văn bản bài mình, tôi chẳng đếm bao nhiêu chữ đã bị/được biên tập/kiểm duyệt (vì tôi đã đồng ý, Nguyễn Đức Tùng đã làm việc rất khoa học, highlight những câu, những đoạn cần cắt bỏ, và hỏi tôi có đồng ý không, tôi đã trả lời vâng,) tôi thấy tôi vẫn là tôi, những câu trả lời phỏng vấn của tôi, dù không được lan man nói hết mọi chuyện đôi khi lạc đề muốn nói, đã không phản lại tôi. Thực tế dù vẫn còn một chút rượi buồn, nhưng nỗi niềm xúc cảm của tôi về những chia sẻ tâm sự về văn chương, đất nước, kết nối bạn bè, người viết, người đọc trong và ngoài, vẫn lai láng, tràn đầy, và vì chúng tôi đã đến với nhau, xích lại gần nhau hơn, và đã ngồi xuống đây nghe thân phận này.

Vì vậy, tôi vẫn rất muốn cảm ơn các anh chị Nguyễn Đức Tùng, Đà Linh, Trần Thị Truờng …đã giúp tôi đưa tiếng nói tôi xa xôi (cùng các bạn khác) đến với độc giả trong nước. Tiếng nói dù nhẹ như gió, thoảng qua rồi bay mất, cũng là tiếng của ngọn gió từ tấm lòng tôi, thổi trên quê hương tôi.

Virginia , 1/1/2010
       N.T.H.B










Các bài mới
Các bài đã đăng