Thế giới không gian
Huyền thoại Gustave Eiffel
14:37 | 25/03/2014

Gustave Eiffel, một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại, ông chính là  tác giả của ngọn tháp lừng danh Eiffel đồng thời là đồng tác giả của tượng Nữ thần Tự do bất hủ ở Mỹ và những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới. 

Huyền thoại Gustave Eiffel
Gustave Eiffel và những người bạn tại tháp Eiffel.

Nhưng không phải ai cũng biết, với Việt Nam, ông đã thể hiện những dấu ấn về kiến trúc sâu đậm của mình qua các công trình nổi tiếng: Cầu Long Biên ở Hà Nội; Nhà Bưu điện Sài Gòn ở thành phố Hồ Chí Minh và cầu Tràng Tiền ở Huế. Nhưng dường như người đời chỉ quen thuộc và ngưỡng vọng các công trình mà ít ai chịu tìm hiểu về đời tư của ông…

Nền tảng gia đình và cá tính một thiên tài

Đã nhiều năm nay, mỗi buổi sáng và buổi chiều đi qua cây cầu Long Biên lịch sử, tôi luôn miên man suy nghĩ và thán phục về người thiết kế ra nó. Cảm hứng nào đã gợi dựng nên một tuyệt phẩm tồn tại vững bền với thời gian đến vậy? Và không riêng gì độ bền đọ với thời gian, mà chính là mỹ cảm các thế hệ đi qua cây cầu không kể màu da, tôn giáo dành cho nó. Biết bao người đã trầm trồ trước ý tưởng độc đáo của người thiết kế cây cầu. Chẳng khó khăn gì, tôi biết được đó chính là Gustave Eiffel, một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại.

Alexander Gustave Eiffel sinh ngày 15/12/1832 tại Dijon, Pháp. Ông đặc biệt nổi danh với tài nghệ về kết cấu thép, một nghề luôn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Nhưng sinh thời, qua hồi ức của những người từng tiếp cận Gustave Eiffel lại khẳng định rằng, trong đời sống, ông rất lãng mạn, thích giao du với giới văn chương và đặc biệt yêu thích văn học cổ điển, trong đó các tác giả Hugo, Zola, Voltaire luôn chiếm cảm tình đặc biệt của ông cho tới tận lúc cuối đời.

Không biết khi Gustave Eiffel thiết kế cầu Long Biên đã lấy cảm hứng từ đâu, nhưng chắc chắn, gợi ý từ dải sông Hồng uốn lượn như một con rồng khổng lồ vươn mình ra biển hẳn ít nhiều ảnh hưởng tới tư duy nhạy cảm và lãng mạn của ông. Cầu Long Biên như một con rồng lung linh sống động. Vào những đêm đông tối trời, khi quầng sáng thâm thẫm của nó hắt xuống lòng sông như tôn thêm dáng vẻ quẫy mình băng lên không trung thật rõ ràng, diễm lệ.

Theo tư liệu, ông nội Gustave Eiffel là chủ một doanh nghiệp sản xuất thảm giàu có tại Pháp. Xuất phát điểm vững chắc về kinh tài cũng như các mối quan hệ với giới quý tộc Pháp của dòng họ Eiffel đã là nền tảng để các thế hệ kế tiếp thực hiện những hoài bão lớn lao của mình. Cha Eiffel từng tham gia quân đội của Napoléon và dường như không thành đạt lắm trong đường binh nghiệp. Nhưng bù lại, Eiffel có một bà mẹ tuyệt vời, vừa thông minh vừa xinh đẹp cũng chính là người mà ông luôn coi như thần tượng. Cũng chính bà đã bổ sung kiến thức nhiều mặt trong đó có mảng kinh doanh cho cậu con trai mà biểu hiện cụ thể nhất là hỗ trợ con thành lập và điều hành một doanh nghiệp riêng.

Nghị lực và lòng đắm say cuộc sống của mẹ mình đã truyền cho Gustave Eiffel một sức lao động gần như là huyền thoại. Ngoài đảm đương phác thảo và hoàn thiện những công trình kỳ vĩ như tham gia thiết kế, xây dựng tượng Nữ thần Tự Do, tháp Eiffel thì ông còn vừa điều hành doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học và nhất là đã viết 31 cuốn sách cùng hàng trăm chuyên luận về cấu kết công trình và kết cấu móng. Người đương thời tấn phong ông là vua của lĩnh vực kết cấu thép. Những phương pháp xử lý kết cấu thép của ông đến nay vẫn có giá trị, nhiều phương pháp đã trở thành kinh điển được áp dụng trên toàn thế giới.

Thuở nhỏ, Eiffel học tại Trường Lycée Royal (một dạng trường trung học thuộc Hoàng Gia Pháp). Đó cũng là những ngày tháng buồn tẻ, nhàm chán của một cậu bé vốn cực kỳ thông minh nhưng luôn hiếu động và không ưa thích gì những thứ có sẵn trong sách vở. Thật kỳ lạ, đến tận những năm cuối phổ thông, Eiffel mới có được đam mê của mình nhưng oái oăm thay lại là về văn chương và lịch sử. Điều này giải thích tại sao Eiffel trong tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc thì giỏi nhất lại là hai môn kể trên. Đây cũng là một bước ngoặt của ông khi quá mê mẩn những tác phẩm văn chương nghệ thuật tại Nhà hát Opera, Bảo tàng Louvre hay những buổi dã ngoại lãng mạn ở ngoại ô Paris hoa lệ, để đến nỗi liền sau đó thi trượt École Polytechnique, Trường Đại học Bách khoa nổi tiếng thế giới. Với bản tính thông minh và giàu lòng tự trọng, ngay lập tức ông thi đỗ vào École Centrale des Art et Manufactures, một dạng trường Bách khoa có xu hướng đào tạo kỹ thuật và công nghệ châu Âu khá cấp tiến khi ấy.

Nhưng việc học tập tại trường đại học với ông không phải là mối bận tâm duy nhất. Tư duy của ông là tư duy tự học và luôn tìm tới những sáng tạo mang tính đột biến trên nền thẩm mỹ tuyệt vời của một trí tuệ đỉnh cao. Sau những xích mích trong gia đình về học hành cũng như công ăn việc làm, ông trở thành một kỹ sư của Công ty Nepveu vừa vỡ nợ đã phải bán cho một công ty chuyên về xây dựng của Bỉ. Đây chính là bước ngoặt để ông tạo nên cú hích đầu tiên trong đời khi được giao trách nhiệm thiết kế xây dựng một chiếc cầu vượt qua sông Garome dài 500m nằm gần thành phố Bordeaux. Đến đây thì năng lực kỳ diệu của ông đã được phát tiết và đơm hoa kết trái. Sự thành công vang dội của tác phẩm đầu tiên của chàng kỹ sư trẻ đã lập tức được giới kiến trúc Pháp ngày ấy chú ý. Chính các xử lý kỹ thuật của ông, đặc biệt phần nền móng đã góp phần đưa Gustave Eiffel, một kỹ sư không ai biết đến trở thành một tài năng mới của kiến trúc Pháp. Sáu năm sau, năm 1864, với sự giúp đỡ của người mẹ, Gustave Eiffel đã mạnh dạn thành lập một công ty riêng lấy tên là Công ty Eiffel chuyên về kết cấu, cũng là sở trường thiên phú của ông. Với sự cầu thị của mình cũng như sự hỗ trợ của mẹ, nhiều phương pháp kỹ thuật, ý tưởng thiết kế táo bạo của ông đã mang lại thành công cho công ty và uy tín cá nhân của Gustave Eiffel. Chính ông đã lập kỷ lục khi tham gia dự án xây dựng cầu Sioule cao 80m so với mặt sông, đó cũng là kỷ lục cao nhất của giới xây dựng cầu bấy giờ. Chính những thực tiễn này làm tiền đề để ông có những xử lý kỹ thuật tuyệt diệu khi xây dựng kiệt tác tháp Eiffel.

Kiệt tác Eiffel, món quà thiên tài dành cho nước Pháp

Tháp Eiffel là công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789 - 1889). Khi ấy, Chính phủ Pháp có ý định phô trương sức mạnh công nghiệp và khoa học kỹ thuật của nước Pháp với thế giới nên một công trình có tính kỳ vĩ về nhiều mặt nhưng phải mang dáng dấp hiện đại từ kết cấu tới vật liệu được đặt ra. Hàng trăm ý tưởng, dự án được trình lên nhưng cuối cùng Hội đồng phê duyệt đã nhất trí chọn đề án của Gustave Eiffel vì các lý do: Mỹ thuật, kỹ thuật, tính vĩnh cửu và đặc biệt là giá rẻ.

Được khởi công từ năm 1887, hai năm sau tháp Eiffel đã được hoàn thành chỉ với sự lao động của 300 công nhân lắp ghép 18.038 cấu kiện với 2 triệu rưỡi đinh rivets. Ngay lập tức Eiffel trở thành ngọn tháp cao nhất thế giới khi đó (324m) và tên tuổi Gustave Eiffel gây lên một làn sóng ngưỡng mộ của những người yêu cái đẹp toàn cầu. Nhưng không phải ai cũng có suy nghĩ như thế. Ngay cả các công dân tại thủ đô Paris cũng đã có những phản ứng tiêu cực khi ngọn tháp được tiến hành xây dựng. Đã có những cuộc biểu tình phản đối, những la ó thậm chí cả chuyện bôi nhọ Gustave Eiffel cũng đã xảy ra trong quá trình dựng tháp. Ngay cả nhà văn Maupassant, người rất nổi tiếng ở Pháp và thế giới khi ấy cũng lớn tiếng chỉ trích việc xây dựng ngọn tháp sẽ phá vỡ không gian văn hóa của Paris. Có hề gì! Một người như Gustave Eiffel luôn tìm nguồn vui trong sáng tạo bất tận thì những chỉ trích vặt vãnh không thể làm ông bận tâm. Ngọn tháp vẫn được hoàn thành đúng tiến độ và ngay trong năm 1889 đã thu hút gần 2 triệu lượt khách đến thăm quan. Đây cũng là một kỷ lục thế giới khi ấy.

Bây giờ thì không còn ai bàn cãi về giá trị thẩm mỹ cũng như lợi ích kinh tế của tháp Eiffel. Người ta còn coi tháp Eiffel là biểu tượng của nước Pháp nói chung và Paris nói riêng. Nó xứng đáng được vinh danh là những công trình kiến trúc đẹp nhất toàn cầu mọi thời đại.

Nỗi niềm riêng… và cơ duyên với Việt Nam

Cuộc đời riêng của Gustave Eiffel cũng nhuốm màu huyền thoại. Năm 1862, Gustave Eiffel lập gia đình với Marie Guadelet, một cô gái nết na, thuần hậu người Pháp. Trong 15 năm chung sống mặn nồng hạnh phúc, hai vợ chồng ông sinh được 5 người con. Đây cũng là quãng thời gian gian khổ nhưng hạnh phúc của chàng kỹ sư tài hoa và lãng mạn. Vợ ông mất vì bệnh viêm phổi năm 1887 đã giáng vào ông một đòn số phận đau đớn. Thương vợ, ông dồn tất cả sức lực cho công việc và làm nên những đỉnh cao về kiến trúc. Trong 36 năm còn lại, không những ông không đi bước nữa, luôn chăm chút các con mà tuyệt nhiên không gây ra một điều tiếng gì về sắc giới cho dù vây quanh ông nhiều biết mấy những bóng hồng thuộc đủ các sắc tộc, đủ các màu da.

Trong những năm cuối đời, ông dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu khoa học và thiết kế ngay tại tháp Eiffel. Ông hiểu rằng, chỉ có khoa học kỹ thuật và công nghệ mới là động lực chính yếu giải phóng và thúc đẩy sự phát triển của con người. Là người có sức khỏe và trí nhớ cực kỳ mẫn tiệp, ông đã phác thảo, thiết kế, khảo sát thực nghiệm vô vàn các vấn đề liên quan đến xây dựng, đặc biệt là vấn đề kết cấu thép. Cũng thật kỳ diệu và cơ duyên, những năm tháng ấy cũng chính là khoảng thời gian ông hoàn thiện thiết kế cầu Long Biên - Hà Nội, cầu Tràng Tiền - Huế và nhà Bưu điện Sài Gòn. Ba công trình kiến trúc đã trở thành một trong những nét kiến trúc đặc trưng của Pháp tại Việt Nam mà nếu thiếu nó hẳn là chúng ta khó có thể hình dung ra những thời kỳ lịch sử của sự tiếp nối văn minh đa phương mang lại.

Gustave Eiffel mất ngày 27/12/1923 tại nhà riêng, thọ 91 tuổi. Cuộc đời ông là huyền thoại sống động với những công trình vẫn còn đang sừng sững không chỉ hiện ra dưới vòm trời mà còn luôn hiện diện trong trái tim của các thế hệ đã, đang và sẽ tiếp tục ngưỡng vọng ông, người con ưu tú của nước Pháp.

Nguồn CAND.COM

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng