Thế giới không gian
Mong những điều tôi nói sau đây là sai?
10:08 | 28/05/2009
NGUYỄN TRỌNG HUẤN LTS: Thực trạng về kiến trúc ở nước ta nói chung, ở Huế nói riêng trong vài thập kỷ nay đang gây "nhức nhối" trong dư luận. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn để bạn đọc quan tâm vấn đề này tham khảo.Có một số thông tin đã khác so với thời điểm bài viết nhưng vì "tôn trọng lịch sử", chúng tôi xin giữ nguyên.
Mong những điều tôi nói sau đây là sai?
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn

I. Đánh giá cuả KTS về thành tựu và cả những yếu kém cuả kiến trúc Việt Nam trong những thập kỷ qua? (từ 1975 trở lại đây).

*** Nước ta vừa rộng lại vừa dài, giao thông chưa thật phát triển. Việc đi đó, đi đây, tiếp cận công trình, tiếp xúc tác giả để tìm hiểu, suy ngẫm, nói lời trách nhiệm là một việc không đơn giản. Nhất là với một người như tôi, “kiến trúc – quy hoạch” là một cái gì đã thuộc về quá khứ, như một cuốn sách đã gấp lại sau khi đọc xong.

Hai mươi lăm năm là một thời đoạn tuy không hẳn dài - nhưng cũng không ngắn - vừa đủ cho một đứa trẻ giã từ tã lót, trở thành một tài năng, trở thành một kiến trúc sư được đào tạo chính quy, ngồi trước máy tính, sáng tạo những kiệt tác kiến trúc lưu truyền hậu thế. Trong hai mươi lăm năm ấy, nước ta nói chung, và kiến trúc nói riêng, tốc độ đổi thay lúc chậm lúc nhanh nhưng hiện thực trên là một tự nhiên, tất yếu.

Vì vậy, có lẽ câu hỏi này thích hợp cho một tổ chức gồm những người tài giỏi, thừa khôn ngoan, thời gian và phương tiện cần thiết, dày công khảo cứu một cách nghiêm túc, dựa trên những chuẩn mực thẩm mỹ thống nhất và những tiêu chí khoa học xác định, ngõ hầu đánh giá về “những thành tựu và yếu kém của kiến kiến Nam“ trong 25 năm qua.

Vì vậy, cho khách quan và cũng để “rộng đường dư luận“, thử tìm một góc tiếp cận khác.

Tôi gửi câu hỏi này đến một số người quen, theo tôi, ít nhiều có liên quan đến kiến trúc, trong vị thế người thụ hưởng, người có tham gia, và người trực tiếp “lao động từ A tới Z“ trong việc tự kiến tạo một “không gian kiến trúc” cho chính mình, nhằm mục đích tham khảo.

* Người đầu tiên là Ông NGUYỄN KHẢI. Đại tá. Nhà văn. Tác giả “Xung đột“, “Mùa lạc”, “Trò chuyện cuối năm” vv... và nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác.


                (Nhà văn Nguyễn Khải)

Ông Khải ở một căn nhà trệt (một tầng) được hoá giá, trong một con hẻm, đối diện kho 5 cảng Khánh Hội, trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Bốn, thành phố Hồ Chí Minh. Cấp nhà từ bốn đến ba rưỡi là cùng (?).

Căn phòng chúng tôi ngồi, ngay sát đường - nhâm nhi mấy ly rượu suông - là một “không gian kiến trúc đa chức năng”. Trong diện tích chừng hai mươi lăm mét vuông, có một bàn viết khá rộng, ngổn ngang giấy má, bản thảo, một bộ bàn tiếp khách nhỏ, một chiếc nệm Kim Đan trải trên nền nhà, cạnh cửa sắt, ngay lối ra vào. Tài liệu, giấy tờ đựng trong một chiếc hòm bằng tôn, như thời sơ tán, đánh nhau với Mỹ. Công cụ làm việc hiện đại nhất mà tôi thấy là một chiếc máy đánh chữ điện tử mà ông lóc cóc mổ cò hàng đêm.

Trong cái “không gian kiến trúc tổng hợp“ ấy, hàng đêm ông viết những truyện ngắn, truyện dài, góp cho văn học Việt nam đương đại những tác phẩm văn chương được người đời đón nhận, như đã từng trân trọng đón nhận trong năm mươi năm qua.

Ông thủ thỉ như thường vẫn vậy:

Các cháu nhà tôi đang định “đổ thêm một tấm” (ngôn ngữ xây dựng ở đây có nghiã là nâng thêm một tầng), phần trước cho thuê, lấy tiền để sống, anh ạ, phần sau khỏi nâng, để ở và viết, với tôi, thế là được rồi. Cứ nhớ thời còn ở Hà Nội, mấy gia đình chung chạ trong một ngôi nhà, bếp chung, vệ sinh chung, nay đã có căn hộ riêng, diện tích đủ ở, đã thấy hơn trước nhiều. Các cháu nhà tôi bàn, sự nghiệp văn chương cuả bố thế là được, nhưng thời buổi bây giờ, khách đến nhà, thấy mình ăn ở xập xệ, họ khinh. Thôi thì góp nhau, mỗi người một ít, cơi nó lên, cũng là con gà tức nhau tiếng gáy. Các cháu thuê thợ, tự mình trông nom, thuê mướn kiến trúc sư thành to chuyện, lại hay “phát sinh”, có khi rách việc. Như vậy là xuất hiện một nhu cầu mới, không phải chỉ để che nắng, mưa, đáp ứng những điều kiện tối thiểu cuả đời sống nữa, mà còn phải đẹp, phải đàng hoàng, khang trang. Còn đẹp như thế nào, và như thế nào là đẹp, thì lại là một vấn đề rắc rối hơn, khó thống nhất hơn. Nguyên nhân chưa hẳn chỉ nằm trong kiến trúc.

Tôi ra Hà Nội, không biết nói với anh thế nào, nửa buồn, nửa vui, khó tả. Vui vì dân mình bây giờ nhiều người giàu có, ăn ở đàng hoàng hơn, thành phố to hơn, nhiều nhà mới, lộng lẫy, nhưng cứ thấy xa lạ thế nào??? Gần chỗ tôi nghỉ, có hai nhà mới xây, đối diện nhau, mặt nhà bên này đắp nổi con đại bàng dương vuốt, mặt nhà bên kia đắp con sư tử nhe nanh, hai con suốt ngày nhìn nhau, gườm gườm. Mâu thuẫn ở chỗ cái ngưỡng văn hoá còn quá thấp mà tiền lại hơi nhiều. Nó là cái thứ “văn hoá khoe mẽ” dễ thấy lắm. Mấy nhà xóm bãi nơi tôi ở trước đây, nay cũng “lên lầu”. Con gái mặc quần lửng, áo thun hở bụng, chửi tục như hát bằng điện thoại cầm tay, tuổi trung niên thì mặc váy, cắt tóc tém, nói năng điệu bộ nửa mới nửa cũ, các bà trạc tuổi vợ tôi đeo vàng, đeo ngọc nửa thật nửa giả, nói năng nhẽo nhợt, khách sáo, giả dối như mợ phán, mợ ký hoặc dân buôn bán ở các chợ ngày xưa.

Còn các nhân vật chính tạo nên sự đổi thay cuả từng nhà, cuả cả phố, là cái đám trẻ con hồi chiến tranh mới kết thúc bây giờ ở cỡ trong ngoài bốn mươi, để ria mép, uống rượu tây, đi lại, nói năng quát bảo, có cái phong độ ngông nghênh, tự mãn của những kẻ giàu sổi. Họ là chủ nhân của nhiều cái nhà bóng lộn trong thành phố mà các anh vẽ đấy. Mà bảo các anh vẽ cũng oan cho các anh. Chính họ mới là tác giả. Họ thuê các anh vẽ theo ý họ, không làm, họ thuê người khác. Mà sao trong một thời gian ngắn mà họ nhiều tiền thế nhỉ? Nhìn những ngôi nhà như thế tôi cứ thấy ghê ghê. Biết bao ông chủ những ngôi nhà ấy mới ngày nào nghênh ngang xe pháo, nay lũ lượt dắt nhau ra toà? Là nhà văn, tôi cứ nhìn qua cái lớp vỏ bê tông ấy để suy ngẫm về con người và những số phận. Chính họ mới là tác giả cuả bộ mặt kiến trúc thời bây giờ, cả dân lẫn quan. Bộ mặt kiến trúc nước ta được quyết định bởi những người có tiền và có quyền, chứ không bởi những người có nghề! Nhất là ở nông thôn anh ạ. Miền núi miền xuôi gì bây giờ cũng kiểu cách như thành phố cả. Mà vụng dại hơn nhiều. Trụ sở thật to, nghênh ngang, quê kệch đứng giữa một đám nhà dân lôi thôi nhếch nhác như ông phú hộ giữa đám tá điền xưa. Tôi hỏi một ông chủ tịch tỉnh: ”Sao không xây một cái trụ sở nhỏ thôi còn tiền để mà xây bệnh viện, trường học?” Ông chủ tịch cười: ”Bây giờ là thời kinh tế thị trường, cái trụ sở lúi xùi, làm sao bắt tay đối tác?”. Không biết các ông đã “đối tác” như thế nào mà báo đăng ảnh nhà ông chủ tịch một tỉnh ngoài bắc trông như một tòa lâu đài, nằm mơ cũng khó thấy chứ bỡn
! (Báo Thanh niên, số 47, 20/3/2000,Tr 5. NTH chú thích)

Rời nhà ông, người bạn cùng đi, vốn là một nhà khoa học tên tuổi, từng có chức, quyền, ngậm ngùi: ”Mình thấy ngượng ông ạ. Tài mình thì bé mà ở cái nhà hơi lớn. Còn Ông ấy, tài lớn thì lại ở cái nhà quá bé!“. Tôi không biết bình luận câu cảm thán cuả anh bạn tôi trong một phút thực tình xúc động như thế nào!

* Giáo sư – Tiến sỹ ngữ văn LÊ NGỌC TRÀ.


(Giáo sư - Tiến sỹ Lê Ngọc Trà)

Ông Trà còn là một nhà mỹ học nổi tiếng, góp mặt trong khá nhiều cuộc tranh cãi về văn học và mỹ học sôi nổi những thập kỷ gần đây ở nước ta. Tôi không được am tường về lĩnh vực này nên không thể biết ông Trà nói đúng hay sai, hay hay dở, chỉ biết ông là tác giả công trình “Văn học và lý luận” một thời gây xôn xao dư luận. Nhà ông cũng ở trong một con hẻm, nhưng rộng, xe hơi vào ra thoải mái. Chỉ tiếc ông Trà không có xe hơi, đi đâu phải nhờ con đưa đón bằng xe máy. Đấy cũng là một ngôi nhà hoá giá, “đổ thêm hai tấm”. Nhà đẹp, sang trọng, “có cây có đá sẵn sàng“. Ôâng cho biết, để thực hiện, ông mất khá nhiều công phu tìm kiếm một kiến trúc sư tâm đầu ý hợp, cùng nhau nghiên cứu thật kỹ ngôi nhà cũ, tìm ra giải pháp thiết kế mà ông ưng ý nhất.

Quá trình xây dựng, ông lắng nghe và tìm hiểu ý kiến của kiến trúc sư, bàn bạc mọi chi tiết để đi đến thống nhất. Ông có một người cộng sự khá đắc lực, giàu sáng kiến là chị Hải, vợ ông, một phụ nữ xinh đẹp, thông minh và rất tháo vát. Tôi nghi nhiều ý kiến sáng giá trong việc xây cất ngôi nhà là của chị Hải chứ không phải của ông. Nhưng đúng là cơ ngơi cuả một nhà mỹ học, không hay nhầm lẫn kiến trúc sư với kỹ sư kiến trúc (?!) như nhiều người. Lại tiếc cho ông là miếng đất được phân còn hẹp, không đủ không gian để phô diễn những tư duy thẩm mỹ trong kiến trúc mà ông tâm đắc. Sau đây là ý kiến của ông:

1. Kiến trúc Việt Nam mấy chục năm qua không có một công trình lớn, gây ấn tượng, có khả năng sống với thời gian với tư cách là một công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ (chứ không phải ý nghiã chính trị).

2. Mấy chục năm qua không nổi lên được một vài phong cách kiến trúc có ảnh hưởng chung trong phạm vi cả nước, để lại dấu vết trong các công trình xây dựng. Còn thiếu một bản lĩnh trong kiến trúc, thiếu những phong cách vừa độc đáo vừa có giá trị thẩm mỹ cao.

3. Đang lan tràn một lối kiến trúc dễ dãi, chủ yếu đáp ứng thị hiếu của những người có tiền nhưng thị hiếu thẩm mỹ thấp, một lối kiến trúc chắp vá, bắt chước mỗi nước, mỗi thời một chút, một kiểu “tân cổ giao duyên”, “Đông –Tây kết hợp” trông chẳng ra làm sao cả.

4. Ý thức về môi trường như một vấn đề cuả chính bản thân kiến trúc cũng như một vấn đề cuả thời đại chưa được quan tâm đầy đủ. Hầu hết nhà trong thành phố là xây để ở chứ không phải để sống. Nhà không có sân, không có vườn, dù là một mảnh con con là phổ biến. Quy hoạch đô thị thì bao nhiêu đất đều dành xây nhà, xây các công trình, còn vườn cây, bãi cỏ, khu dạo chơi chỉ được dành cho rất “hẻo”, thành ra khi có người lấn chiếm thì mất luôn. Về phương diện thẩm mỹ, ngày nay chúng ta không những kém so với các nước mà còn thụt lùi so với cha ông.

5. Môn thẩm mỹ học chưa được quan tâm đúng mức trong các trường đào tạo kiến trúc sư. Các kiến trúc sư giỏi về kỹ thuật hơn là mỹ thuật, nhiều người biết vẽ ngôi nhà, biết thiết kế ngôi nhà nhưng thị hiếu thẩm mỹ còn thấp, chứ chưa nói là những tư tưởng, ý đồ cao siêu.

* Ông THU BỒN – Đại tá. Về hưu. Nghề nghiệp: Làm thơ – Bán quán.


           (Nhà thơ Thu Bồn)

Nhà thơ Thu Bồn là người có một sự nghiệp chắc chắn trong lĩnh vực thi ca. Ông là tác giả trường ca nổi tiếng “Bài ca chim Chơ Rao” và nhiều trường ca khác; giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965), giải thưởng Hội Nhà văn Á-Phi Lotus (1973), giải thưởng Nhà nước 2001 và nhiều giải thưởng văn học nữa. Ông còn nổi tiếng trong bạn bè vì một đời bận rộn với hai việc “làm nhà - lấy vợ - lấy vợ - làm nhà”.

Cơ ngơi ông hiện ở nằm gác trên một triền đồi, nhìn xuống suối Lồ Ồ, cạnh khu du lịch “Suối Lồ Ồ“, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn chừng hai mươi lăm cây số. Toàn thể là một tổ hợp gồm nhiều kiến trúc xinh xắn, biến hoá, cao thấp khác nhau, tựa lưng vào những vách đá rêu phong. Là một người quảng giao, “nấu nướng có nghề” nên phòng khách nhà ông rộng, thoáng, đặt ở vị trí cao, tương đối tách biệt. Không gian trống nhìn ra ba phía. Một bức mành do chính tay ông làm, kết bằng những ống bương to, đung đưa, va chạm, phát những âm thanh vui tai khi trời nổi gió. Một dòng suối nhỏ róc rách đêm ngày, bên kia suối là rừng cây.

Không cần bản vẽ, ông nghĩ ra, tự mình xếp đá, trồng cây, xây tường, chỉ trỏ người này kẻ khác như một ông thợ cả. Những ngày làm nhà, trông ông y như một “già làng Tây nguyên” nguyên mẫu. Ngôi nhà một thời là nơi thu hút văn hữu xa gần, bốn phương, giờ kiêm thêm chức năng thương nghiệp: “Cà phê THU BỒN”, chắc pha bằng nước suối Lồ Ồ, uống mệt nghỉ.

Ông nói về “Những thành tựu và yếu kém của kiến trúc Việt Nam” trong 25 năm qua:

Phải nói một cách rõ ràng là từ sau 1975 (Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước) ta xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn. Lời tiên đoán cuả Bác đã được thực hiện. Các nhà kiến trúcViệt Nam có điều kiện để phát huy tài năng cuả mình và họ đã làm được nhiều điều kỳ diệu. Trong một thời gian ngắn từ thành thị đến nông thôn đồng bằng đến núi rừng khuôn mặt Việt Nam qua kiến trúc đã nhanh chóng hàn lại vết thương chiến tranh. Hàng vạn ngôi nhà, phố xá, nhà cao tầng, biệt thự, đền đài, cây xanh, công viên, khu dân cư... thay đổi hình dạng theo một ước mơ làm đẹp thêm cho tổ quốc.

Sự đa dạng cuả kiến trúc được mang từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam cũng là một nét đặc thù cuả Việt Nam: Kiến trúc Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ấn độ, Ai Cập, Liên Xô, Triều Tiên, Cu Ba... làm cho mắt người thấy mới lạ.

Sau chiến tranh con người nhận ra những sự đổi thay đó một cách đồng tình là điều tất nhiên.

Nhưng đến nay những điều đó qua thời gian đã được nhìn nhận lại một cách thong dong cuả một con người làm chủ đất nước, cụ thể là làm chủ vẻ đẹp cuả non sông mình, những điều cuả kiến trúc được đặt ra: Độc lập – Dân tộc và chỉ có độc lập và dân tộc mới tiếp thu được tinh hoa cuả loài người. Và cũng chỉ có nét riêng cuả dân tộc mình thì mới đóng góp cho nền kiến trúc cuả loài người.

Sau khi chúng ta lột hết bộ áo giáp của chiến tranh, mắt ta sáng hơn, trí óc ta tỉnh táo hơn để nhìn nhận lại vẻ đẹp ta nhận thấy:

- Những ngôi nhà lổn nhổn mọc lên không có quy hoạch hoặc theo quy hoạch cuả một đầu óc nông dân: tiện đâu làm đấy chưa nói đến phần quy hoạch toàn bộ kiến trúc phố thị cuả toàn lãnh thổ theo những yêu cầu mới cuả quốc gia và toàn cầu môi sinh.

- Đem râu ông nọ cắm cằm bà kia một cách buồn cười kệch cỡm.

- Phô trương thiếu tiết kiệm góp phần làm xấu bộ mặt đất nước. Có nhiều ngôi nhà đem những vật liệu thường dùng trong nhà vệ sinh dán hết lên mặt tiền để khoe mẽ ta có nhiều tiền mua được nhiều vật liệu qúy. Thành phố hào nhoáng một cách giả tạo. Đường nét kiến trúc không có tổng phổ cuả một bản nhạc giao hưởng nên chỏi nhau làm hại nhau, cái nầy đè bẹp cái kia, cái kia ngáng đường cái nọ...

- Bắt chước phương Tây một cách vô tội vạ. Nhất là những hội trường, những nhà văn hoá, những cung văn hoá (những nơi đó có đủ điều kiện để đánh thức kiến trúc dân tộc).

- Những ngôi nhà ở đồng bằng sông Cửu Long đương tiến hành mạnh mẽ cũng tước hết vẻ đẹp cuả nông thôn Nam Bộ. Cụ thể nhất là những ngôi nhà sống chung với lũ có điều kiện để chúng ta tiến sát lại cái đẹp cuả kiến trúc phương Đông là hoà đồng với thiên nhiên, nhưng chúng ta thất vọng nhìn những chiếc hộp giấy thả vuông trên đồng nước. Không để chết con người là điều quan trọng nhưng làm sống con người là điều quan trọng hơn.


Tôi nghĩ chắc cũng không có gì cần nói thêm.

II. Xin KTS cho biết việc hành nghề cuả kiến trúc sư nước ta hiện nay có những thuận lợi và khó khăn thế nào? Cần làm gì để giới KTS phát huy hết khả năng sáng tạo vì sự nghiệp kiến trúc chung cuả cả nước?

* Kiến trúc nước ta là một bộ phận cấu thành văn hoá Việt Nam. Chính vì vậy, nghệ thuật kiến trúc Việt Nam cùng gánh chịu một đứt gãy lịch sử khi ông cha chúng ta “vứt bút lông đi dắt bút chì”!

Tổng kết cuả nhân dân: “Ăn cơm Tàu – Ở nhà Tây – Lấy vợ Nhật!” đã từng là lý tưởng cuộc sống một thời! Hệ quả lịch sử và xã hội là cho đến nay vẫn đang đặt người Việt Nam chúng ta trước nhiều lựa chọn đau đớn và đặt kiến trúc trước bi kịch cuả một nền nghệ thuật “không biết từ đâu đến và cũng không biết đi về đâu!”. Kế thừa tinh hoa cha ông thì không còn gốc rễ, bắt kịp thế giới thì không đủ trình độ, không có khả năng!

Trên bình diện lịch sử và nhân loại, so với các bộ môn nghệ thuật truyền thống như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, nhảy múa vv... không một ngành nghệ thuật nào chịu tác động cuả tiến bộ khoa học – kỹ thuật sâu sắc, triệt để như nghệ thuật kiến trúc. Và cũng trong phạm trù các loại hình nghệ thuật, có lẽ kiến trúc là một ngành nghệ thuật không chấp nhận “trò chơi nghiệp dư”. Quá lệ thuộc vào kỹ thuật, thoát ly mục đích sáng tạo là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vong thân cuả kiến trúc. Vậy mà,“Quy hoạch phục vụ thiết kế - Thiết kế phục vụ thi công”, “Vững chắc – Tiện dụng – Rẻ tiền – Mỹ quan trong điều kiện có thể” từng là phương châm một thời cuả ngành kiến trúc, xây dựng.

Thân phận nửa dơi, nửa chuột cuả kiến trúc trong gia đình nghệ thuật Việt Nam vẫn là một vấn đề có tính thời sự. Giữa các nhà văn, nhà thơ, kiến trúc sư vẻ như là người thông thạo khoa học-kỹ thuật... và ngược lại, ai cũng tưởng họ là người am tường nghệ thuật nhất trong giới kỹ sư?! Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật một thời không thể hiểu được lý do về sự có mặt của Hội Kiến trúc sư trong một Hội Liên hiệp “toàn sỹ”. Còn Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật thì không biết có nên kết nạp cái tổ chức toàn những ông râu rậm tóc dài này hay không? Tình trạng “Khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào...” như thơ Nguyễn Duy quả là một bi kịch. Tính hai mang, tình thế nước đôi và nhiều sức ép khác đã là những nguyên nhân làm cho kiến trúc bộc lộ tất cả điểm yếu cuả mình khoảng hơn mười năm qua, khi đất nước chuyển mình, và cuộc sống, với tất cả những yêu cầu nghiệt ngã, đòi hỏi giới kiến trúc giã từ những phối cảnh màu mè cuả sự tự lừa dối, trình diện chân dung đích thực cuả chính mình dưới ánh sáng gay gắt của sự thật. Có lẽ vì vậy mà Nhà nước ta chưa bao giờ coi kiến trúc là một nghệ thuật trưởng thành. Cứ nhìn vào cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và cơ cấu cán bộ thì rõ.

Còn bây giờ làm kiến trúc đã thuận lợi hơn trước nhiều. Đất nước đang cần, nhân dân đang cần, thông tin phong phú, bà con ta có tiền, được kích thích bằng lợi ích kinh tế, luật lệ đã thông thoáng hơn, những khúc mắc dần rồi cũng sẽ được tháo gỡ, đi vào ổn định, điều kiện hành nghề thuận lợi mà khoảng ngoài mười năm trước là một thực tế không dám ước mơ. Chỉ còn thiếu tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên những điều trên chỉ có ý nghiã khách quan, những yếu tố cần nhưng chưa đủ. Còn để có một nền nghệ thuật kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc (chứ không phải một công nghiệp xây dựng phát triển, hiện đại) thì cần trước hết là một chiến lược phát triển kiến trúc ở tầm vỹ mô, dài hơi, trong đó việc đào tạo những thế hệ tài năng kiến trúc - những tài năng thực sự, biết hiến thân, coi sáng tạo kiến trúc là mục đích, là lý tưởng, là một đam mê, một nghiệp chướng chứ không chỉ là một phương tiện để kiếm cơm hai bữa - có tầm quan trọng quyết định.

Còn để có tài năng kiến trúc thì - cũng như mọi ngành nghệ thuật khác- khâu trọng yếu vẫn là một chiến lược con người. Công việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng vun xới những mầm non trong nhiều năm tháng là một công việc thường xuyên, lâu dài... không thể ăn đong. Còn nội dung, quy trình, phương thức đào tạo nhân tài mang tính đặc thù cuả một ngành nghệ thuật (cũng như nhạc, hoạ, như xiếc, rối vv...) chỉ là một công đoạn có tính tác nghiệp.

Khác với đào tạo “thợ vẽ”, đào tạo kiến trúc sư là đào tạo một nghệ sỹ mà điều trước tiên là đào tạo một phẩm chất, một nhân cách nghệ thuật, một lý tưởng nghệ thuật mà tính đặc thù là phải biết “phủ nhận để sáng tạo, phủ nhận không ngừng để sáng tạo không ngừng”. Với bất cứ ngành nghệ thuật nào, khi luẩn quẩn trong vũng bùn sao chép, kể cả sao chép chính mình, cũng là dấu hiệu báo trước ngày tàn. Và chuyện này thì quá dài, xin hẹn dịp khác, nếu có điều kiện.

 Hiện kiến trúc sư nước ta sau khi ra trường có ba khả năng phân nhánh như sau:

1. Học thêm cao nữa, kiếm một mảnh bằng để “làm quan”. Được làm quan thì tự nhiên giàu. Quý ắt sinh Phú. Nhưng hoạn lộ cuả những người làm kiến trúc xem ra giỏi lắm cũng đến giám đốc hay cục, vụ, viện là cùng, là đã có thể in “cạc-vi-dít” trưng diện sự thành đạt. (Xưa nay chỉ mới thấy có ba ông làm đến thứ trưởng. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một ngoại lệ). Nhưng cục, vụ, viện lại là cái nghề quản lý. Nghề này không có trong giáo trình cuả các trường đại học kiến trúc nước ta. Như vậy là tự nhiên mất đi một số kiến trúc sư giỏi (?) lại có thêm khá nhiều nhà quản lý tồi!

Tôi chưa thấy, hoặc giả không được biết một “phó tiến sỹ nay thống nhất gọi là tiến sỹ” kiến trúc nào, sau khi công thành danh toại, tiếp tục nghiên cứu, phấn đấu cho một hoài bão khoa học, đem kết quả ứng dụng vào đời sống, làm lợi cho đất nước, cho nhân dân. Lý lịch khoa học của nhiều người chủ yếu là sự vụ, danh thiếp ghi đầy học hàm, học vị, chức danh, chỉ thiếu mỗi chức danh: “tác giả”. Trong khi một không gian mênh mông cuả lĩnh vực nghiên cứu khoa học, lý luận và phê bình kiến trúc đang hoàn toàn bỏ trống! Cho đến tận bây giờ, ít nhất là hai mươi lăm năm sau ngày đất nước thống nhất, với hơn hai trăm “nhà khoa học” có bằng cấp trên đại học, tôi chưa thấy một “nhà” nào cho công bố bất cứ một công trình khoa học nào! Rất có thể gánh nặng quản lý, hành chính sự vụ đã và đang đè nặng lên vai các anh, chiếm hết thời gian, đến mức khoa học không còn chỗ để chen chân?!

Còn phải nói đến một số “nhà” một đời công việc, bận rộn nhất là:“HỌP”. Có mặt gần đủ trong các loại hội đồng, dự mọi cuộc hội thảo, sắm trọn vai trò một “Đông Quách tiên sinh” (1) cho đến ngày về hưu. Trừ KTS Ngô Viết Thụ vừa quá cố, nước ta hình như chưa có một nhà kiến trúc nào được phong tặng danh hiệu viện sỹ một viện hàn lâm kiến trúc nào, dù chỉ là viện sỹ thông tấn cho có chút tình hữu nghị! Con đường khoa học cuả nhiều vị chấm dứt ngay sau khi rời ghế nhà trường!

2. Làm quan. Không có chí sôi kinh nấu sử, tiến thủ trên con đường học vấn cũng có thể tìm cách tiến thủ trên đường công danh, dù gian nan hơn. Có nhiều con đường, nhiều cách thức để dẫn đến quan trường. Mà cách đơn giản nhất, mà cũng khó nhất đối với một kiến trúc sư là ”thủ khẩu như bình”, quên đi mọi ý kiến riêng để không bao giờ nói ngược ý kiến cấp trên. Xin thú thật, tôi không có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chỉ biết lọt được vào quan trường rồi thì cũng có khả năng giàu lên nhanh chóng, làm rất nhiều việc, trừ việc “làm kiến trúc sư”!

 3. Làm giàu. Với những kiến trúc sư không có chí làm quan nhưng có gan thì làm giàu, nhanh chóng mở văn phòng, “bắt áp phe”, kiếm tiền bằng mọi giá.

Cả ba cách đều không theo được thì chỉ còn mỗi cách một đời làm“lính đánh thuê”.

Tuy vậy, trong ba cách trên, tôi thấy dù sao đi nữa cách thứ ba, xem ra vẫn là lương thiện hơn cả, mặc dầu không phải không có bi kịch.

Tôi quen một kiến trúc sư, tác giả một công trình kiến trúc trong khu vực trung tâm Sài Gòn. Một trụ sở cơ quan năm tầng, y như một cái hộp bê tông nhẵn thín. Tôi hỏi: -“Sao vậy?”. -“Bên A dứt khoát thế!”. Cái hộp bê tông ấy, khi đào móng, làm đứt rễ một cây bồ đề 200 năm! Cây cổ thụ xum xuê đứng đó đã hơn hai thế kỷ, trong một vườn hoa nhỏ, một địa chỉ lịch sử nơi trung tâm thành phố, chứng kiến biết bao biến động, thăng trầm cuả thời cuộc, đêm đêm vẫn vươn cành che bóng cho một sân khấu ca nhạc dân tộc thu hút khá đông khán giả đã vĩnh viễn không còn, nhường chỗ cho một kiến trúc vô cảm bên kia tường rào! Sau công trình ấy, người kiến trúc sư tôi quen đã bỏ nghề. Anh chuyển sang hoạt động trong một lĩnh vực nghệ thuật được nhiều người biết. Nhắc đến kiến trúc, anh lắc đầu bàn sang chuyện khác. Âu cũng là một người nặng lòng tự trọng. Tôi mến anh vì điều đó.

Anh bạn phóng viên một tờ báo có tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh sau chuyến thăm Trung Quốc đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau: ”Một hướng dẫn viên du lịch nước bạn cho biết là anh ta đã sang thành phố Hồ Chí Minh, ở đấy có một công trình kiến trúc mới xây dựng, rất lớn, trông rất giống mấy ngôi chùa ở Quảng Đông. Thích lắm!”

Tôi hiểu và xin được chia sẻ nỗi niềm này cuả những người làm kiến trúc: không nhiều những công trình xây dựng được thực hiện một cách trung thực theo đồ án thiết kế như nó đã từng được tư duy bằng nỗi đau sinh thành trên bản vẽ. Ở nước ta, kiến trúc dường như là một loại hình nghệ thuật duy nhất chấp nhận hình thức lao động đám đông, tác giả đích thực cuả nó là một tập thể vô danh, từ thân chủ, ông trưởng phòng, ông giám đốc cho đến mọi loại “hội đồng”! Hình thức đóng góp ý kiến cho tác giả, bản thân nó hoàn toàn vô tội, nhưng lề lối làm việc và chất lượng ý kiến đóng góp đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Vì lẽ đó, hiện nay, việc xác định tác giả chỉ có thể tìm thấy trong “ba rem” chia tiền thiết kế, còn việc bảo hộ quyền tác giả trong sáng tạo kiến trúc là những khái niệm khá mơ hồ, chỉ mang tính ước lệ trong văn bản. Giả như có một thứ kiến trúc đích thực - nếu có thể gọi như vậy - với tư cách là một sáng tạo nghệ thuật mang phong cách và dấu ấn của từng tác giả thì cũng chỉ tồn tại dưới dạng bán thành phẩm, trên bản vẽ và... trong ước mơ, nói gì đến trường phái?! Không ít cuộc thi kiến trúc quốc tế, nhiều kiến trúc sư trẻ Việt Nam đạt thứ hạng cao. Nhưng những ý tưởng đẹp đẽ đó đã như con chim gãy cánh khi chạm vào thực tiễn quản lý kiến trúc Việt Nam! Sáng tạo nghệ thuật bắt đầu từ đâu nếu không từ ý tưởng? Không có ý tưởng nghệ thuật, kiến trúc khác gì những sản phẩm khéo tay phục vụ văn hóa tiêu dùng? Có thể nói trong hai mươi lăm năm qua, ngành kiến trúc nước ta do sức ép nhiều mặt của thực tiễn cuộc sống, đã cung cấp cho xã hội khá nhiều mẫu mã, như ghế, như bàn, như giày dép vv... giúp sản xuất một số lượng hàng hoá đáng kể dưới dạng những ngôi nhà. Còn từ cái nền rất rộng đó, tìm cho được một cái đỉnh tương đối cao, với tư cách tác phẩm, có tư tưởng nghệ thuật, có tư duy sáng tạo là một thách thức thực sự không chỉ riêng với người sáng tác mà còn cả với bộ máy quản lý sáng tác nữa. Trong hai mươi lăm năm qua, đã có bao nhiêu thế hệ kiến trúc sư ra trường? bao nhiêu tác giả đã đóng góp vào toàn cảnh bộ mặt kiến trúc Việt nam? Và kết quả mang đến cho đất nước, cho nhân dân này những gì nếu không phải là sự lo âu và cả tâm trạng bất an, nhất là ở các đô thị lớn khi nghe nhắc đến hai từ “kiến trúc - quy hoạch“? Còn Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quản lý trong tay hơn 1500 hội viên, có cơ sở gần như phủ kín địa bàn cả nước có trách nhiệm đến đâu trước thực trạng kiến trúc, quy hoạch hiện tại?

Xét cho cùng, để đạt đến một nền nghệ thuật kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc e rằng còn phải mất nhiều năm tháng nữa.  

Theo tôi nghĩ, từ bây giờ và ngay trong nhà trường nên có một môn học: “Kiến trúc là một nghệ thuật đáng sợ!?”, vì khác với nhiều nghệ thuật khác, cái làm ra cứ đứng đấy, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đập không được mà nhìn thì... đau lòng!!! còn luật pháp cần bổ sung một điều khoản: “bắt buộc tất cả các kiến trúc sư phải ghi rõ danh tính dưới chân công trình”.

III. KTS có nhận xét gì về vai trò và chức năng tư vấn phản biện xã hội cuả Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong sự nghiệp cuả kiến trúc nước nhà? Theo kiến trúc sư để làm tốt vai trò và chức năng này Hội cần làm gì và làm như thế nào?

Tôi xin được đặt cụm từ “Tư vấn phản biện xã hội”??? trong ngoặc kép. Lý do: không hiểu những ẩn ý sau câu hỏi này. Và càng không hiểu cụm từ mà tạp chí sử dụng, về phương diện ngữ nghĩa.

Theo tôi: Tư vấn (2) nghiã gần như hỏi/đáp, có hỏi mới đáp, ông bà mình bảo thế, “biết thì thưa thốt” là vậy.

“Tư” theo cụ Đào Duy Anh có nghiã là "mưu kế ”. “Tư vấn” là hỏi mưu kế, bày mưu tính kế. Còn “phản biện” (3) nghiã gần như cãi lý, phân tích, chứng minh, đồng tình, phản bác. (“Phản” là chống lại. “Biện” là luận giải.)

“Tư vấn” nôm na nghiã gần như “dạy đời”, và “phản biện” gần như “chỉ bảo”,“dạy cho mà biết”, hàm nghiã khác nhau không nhiều. Giống nhau ở chỗ “phải được mời”.

Còn “Xã hội”(4) là một khái niệm định tính mà không định lượng, định vị, định hình. Xã hội cũng như Trời. “Thiên hà ngôn tai?”. “Trời nói gì đâu? Bốn mùa qua lại, vạn vật sinh sôi, Trời nói gì đâu?” (“Thiên hà ngôn tai? Tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai?”) (5). Xã hội cũng vậy, đâu có mời ai? Đâu có cãi nhau với ai? Không ai hỏi, biết đâu mà nói? Biết nói với ai? Biết nói cái gì? Không lẽ cứ chia nhau đứng chỗ đông người, nói to một mình về những điều mình nghĩ, tự mình tranh biện?

Xin có một lời bàn về ý định cuả Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong chủ trương “tư vấn phản biện xã hội”. Thiển nghĩ, dường như Hội Kiến trúc sư Việt Nam sốt ruột, thấy xã hội Việt Nam này tuồng như kém phát triển, không hiểu kiến trúc là gì, rất cần được dạy dỗ, bảo ban (?!).

Tôi thì cho rằng vấn đề cần được đặt ngược lại: đối tượng cần được bảo ban lại chính là “Hội Kiến trúc sư”(!) và những người làm kiến trúc. Chủ thể, khách thể cần hoán vị. Mệnh đề sau đây: “Xã hội tư vấn phản biện Kiến trúc sư hội” có lẽ sẽ khiêm nhường hơn.

Xã hội Việt Nam xưa, dù không được giáo dục “những nguyên lý kiến trúc hiện đại” thì cũng tự mình xây dựng cho mình một không gian vật lý và tâm linh đã hàng nghìn năm và đã làm nên những giá trị được nhân loại xếp vào hàng “di sản văn hoá thế giới”. Ngôi nhà cổ xưa cuả cha ông chúng ta, không chỉ sử dụng vật tư, vật liệu truyền thống một cách khoa học, hợp lý, thông minh mà còn tiềm ẩn cả một hệ thống những giá trị tinh thần sâu thẳm trong mối tương quan với môi trường địa lý và nhân văn mà người Việt vốn thân quen, gần gũi. Về mặt truyền cảm, những hội trường tân tiến hiện nay làm sao thay nổi những mái đình cổ xưa trong cuộc sống làng quê Việt Nam? Còn làng quê Việt Nam không có mái đình, gốc đa, không còn những con đường vỉa gạch, những hàng rào mạn hảo xanh tươi, bảo bọc những nếp nhà ấm cúng, thân mật, thay vào đó bằng những khối bê tông xanh đỏ, tím vàng chen chúc, bắt chước kiểu phố thị như lâu nay thì nào có khác gì làng quê cuả những đất nước khác? Mà sợ có khi không bằng! Xem ra trong quá trình “hoà nhập” với kiến trúc thế giới, kiến trúc Việt Nam đang “hoà tan” hơn là “đóng góp, khẳng định”?

Vậy thì cách “tư vấn phản biện“ tốt nhất cuả Hội kiến trúc sư Việt Nam là hãy tập hợp hội viên tâm huyết, có kế hoạch đi vào cuộc sống cuả người Việt hôm nay, tìm hiểu tình cảm, tâm tư, nguyện vọng cuả người dân, giải mã bằng được những bí ẩn trong tâm hồn người Việt, khai thác những bài học trong kiến trúc truyền thống chưa ai điều tra, nghiên cứu, tổng kết đặng sáng tạo những ngôi nhà, những làng quê, những phố thị mẫu mực, làm thị phạm cho người Việt Nam đang trên đà bay cuả quá trình hiện đại hoá cuộc sống, hiện đại hoá đất nước trong khát vọng đổi đời.

Có thể có người “tư vấn phản biện“ rằng, với kỹ thuật tiên tiến, vật liệu hiện đại, kiến trúc phải hiện đại (?). Tôi không dám phản bác ý kiến này. Chỉ nghĩ rằng, nghệ thuật kiến trúc ngoài chức năng thẩm mỹ thấu thị - cái đẹp cuả con mắt - còn một chức năng, có khi còn quan trọng hơn nhiều là thẩm mỹ cuả tâm thức, cuả cái hồn Việt. Vẻ đẹp cuả những “nếp nhà xưa, phố cũ” từng sưởi ấm tâm hồn cuả biết bao thế hệ người Việt Nam chúng ta, đời này qua đời khác ngay cả lúc “ly hương, nhìn về cố quận”. Qúy giá biết bao! Mà đấy mới chính là một vấn nạn cần người kiến trúc sư giải đáp - khi cuộc sống đất nước đang đòi phải nhanh chóng đổi thay - bằng vốn kiến thức nhiều mặt, bằng tài năng sáng tạo, trái tim thiết tha và bằng chính những công trình, những tác phẩm kiến trúc để đời, chứ không phải chỉ bằng những tham luận trong các “hội thảo”, dù có mang danh là “hội thảo khoa học” đi nữa.

Còn nếu muốn có một diễn đàn để “tư vấn phản biện xã hội” thì xin thưa xã hội có một đại diện, đấy là Quốc hội. Quốc hội cử ra một cơ quan điều hành đất nước, trong đó có điều hành kiến trúc. Cơ quan ấy là Chính phủ. Có thể tư vấn cho Chính phủ với điều kiện là nếu Chính phủ thấy cần. Hội ta trước đây cũng đã có một “Hội đồng tư vấn cho Thủ tướng”. Nhìn vào Hội đồng thấy khá nhiều “Đông Quách tiên sinh”! Một số “tiên sinh” rất khó trưng ra một công trình kiến trúc nào mà mình là tác giả. Lao động sáng tạo một đời cuả nhiều “tiên sinh” chủ yếu là “lao động góp ý”. Cũng không biết các “Đông Quách tiên sinh” đã “góp ý” cho Thủ tướng thế nào, nhưng cuối cùng cũng thấy Thủ tướng quyết định cho phép Hội đồng... ” đã hoàn thành nhiệm vụ!?”.

Còn nếu hiểu “vai trò và chức năng tư vấn phản biện xã hội” như một nguyện vọng tiếp xúc, giao lưu cùng xã hội để biện giải, để chứng minh, hòng tạo sự cảm thông, thì tốt nhất là “làm báo”,”lên truyền hình”. Đấy chính là cơ quan ngôn luận cuả giới kiến trúc, là diễn đàn cuả “xã hội”, cuả mọi người. Ở đấy mọi người cùng “tư vấn cho nhau, phản biện với nhau”, cùng nhau xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” một cách sòng phẳng và dân chủ.

Tóm lại là nếu muốn cũng có thể “tư vấn phản biện xã hội” với điều kiện là chọn đúng cách, tìm đúng người. Đúng cách, đúng người, mọi việc xuôi thuận. Ông bà mình chả bảo ”nói phải củ cải cũng nghe” là gì.

Rất mong rằng tất cả những điều tôi nói trên đây đều sai.         

Thành phố Hồ Chí Minh, 28 tháng 3 năm 2000
N.T.H
(174/08-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng