Kiến trúc Huế
Cuốn "Kinh thành Huế" của Phan Thuận An là cuốn cẩm nang rất quý về lịch sử kiến trúc kinh thành Huế
09:26 | 01/06/2009
NGUYỄN VĂN HOAVì có thú chơi sách và đi du lịch nên tôi có thú vui sưu tầm sách. Nhờ vậy mà trong tủ sách cá nhân của tôi đã có trên 100 đầu sách về Huế, nhất là của tác giả sinh sống ở Huế, ví dụ cuốn Thần kinh Nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị,  do Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung biên soạn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Nhà xuất bản Thuận Hoá xuất bản, Huế, 1997. Rất may mắn tháng 5 năm 2003, tôi lại có trong tay cuốn Kinh thành Huế của Phan Thuận An (từ dưới xin viết tắt PTA).
Cuốn

Tôi đã nghiên cứu đi, nghiên cứu lại cuốn: "Kinh thành Huế" của PTA do Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế in 1999. Cuốn sách được giải thưởng quốc gia về kiến trúc. Sách in rất đẹp bìa cứng. Sách này tổng cộng 336 trang.

Cuốn sách này còn có 33 bản vẽ minh họa. Mỗi bản vẽ là một thông tin có chọn lọc hữu ích. Vị trí kinh thành ở cố đô Huế, nhờ đó mà biết được các công trình bố trí ven sông Hương, bên trái sông Hương là từ lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, Điện Hòn Chén, Văn Miếu, Chùa Thiên Mụ, Kinh thành Huế và đến tận đồn Mang Cá; còn bên phải sông Hương có lăng Khải Định, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, lăng Tự Đức, đàn Nam Giao, lăng Dục Đức, núi Ngự Bình...; Tiếp theo là bản đồ Kinh thành Huế; Độc giả tìm thấy biệt thự của Điềm Phùng Thị trên đường Nguyễn Huệ và chúng ta còn tìm thấy nhiều địa chí văn hoá khác của Kinh thành Huế. Thật là quý!

Tác giả đã căn cứ vào những tư liệu đáng tin cậy để chứng minh cho các quan điểm ý kiến nhận định cá nhân. PTA đã chỉ ra những nhầm lẫn của các tác giả trong và ngoài nước và đưa ra kết luận của cá nhân mình, ví dụ: "Kinh thành Huế do người Việt Nam thực hiện" chứ không phải do người Pháp thực hiện như nhiều người ngộ nhận. (Chương 1 trang 59-82). Đây là một trong những thành công của cuốn sách. Nếu không có phương pháp nghiên cứu, kiến thức uyên bác thì không đủ căn cứ khoa học để đưa ra nhận định này. Tại trang 163 PTA đưa ra nhận xét thật bất ngờ thú vị: "Trục chính của Kinh thành Huế lại trệch về phía Đông của núi Ngự Bình" và tác giả rất khiêm tốn: "Chúng tôi chẳng hiểu vì sao".

Tác giả PTA đã dẫn nguyên văn tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc chữ Hán Nôm để việc dịch nghĩa cho thật sát và để cho độc giả tự dịch hoặc so sánh với các cách dịch khác của các tác giả khác. Do vậy càng rộng đường tìm hiểu những vấn đề đã rõ hoặc còn tồn nghi trong lịch sử. Điều này thật cần thiết cho độc giả trong và ngoài nước khi tìm hiểu Kinh thành Huế.

Tất cả cuốn "Kinh thành Huế" có tổng cộng 325 chú thích. Điều ghi nhận là các chú thích của PTA khoa học, qua chú thích này, chúng ta có thể biết được tác giả, tên tài liệu, năm công bố, nơi công bố.

Ví dụ tại Huế có các tài liệu công bố từ năm 1914, 1915, 1916, 1924, 1933, 1944, 1960, 1961, 1962, 1963, 1968, 1971, 1973, 1981, 1986, 1993, 1995, 1996, 1997, 1998.

Tại Sài Gòn tài liệu công bố năm 1951, 1960, 1961, 1962, 1967, 1968, 1969, 1971, 1972, 1987.

Tài liệu công bố tại Pháp năm 1932, 1955, 1956, 1978, 1981, 1995, tài liệu công bố ở Hà Nội năm 1959, 1977, 1981, 1983, 1992, 1993, 1996, 1997.

Một cuốn sách dày 322 trang mà có đến 325 chú thích. Mỗi trang có một chú thích. Điều đó chứng tỏ tác giả lao động khoa học rất nghiêm túc. Làm rõ những điều tiền nhân đã nghiên cứu và sau đó nêu thẳng ý kiến của mình. Hoặc so sánh các nguồn tư liệu khác nhau để độc giả khi đọc sách này có thể tìm nguồn tài liệu gốc mà PTA đã đọc.

Về ảnh, tác giả PTA đã sử dụng 153 chiếc ảnh đen trắng hoặc ảnh màu để minh  họa cho các phần viết của mình. Thực tế đó cũng là lịch sử kiến trúc Huế bằng ảnh. Nhờ đó giá trị cuốn sách được nâng cao rất nhiều. Đó là những ảnh chụp trên mặt  đất, những ảnh chụp từ trên máy bay (không ảnh), ảnh có các năm 1898, 1904, 1906, 1914,  1916, 1920, 1922, 1924, 1925, 1930, 1932, 1933, 1935, 1936, 1945, 1960, 1965, 1967, 1968, 1970, 1977, 1994, 1996, 1997, 1998, 1999. Nếu in riêng một cuốn sách về những ảnh trên thì cũng là một cuốn sách cực kỳ quý hiếm. Nhiều ảnh lần đầu tiên tôi được nhìn thấy.

Kiến thức rộng của PTA thể hiện không chỉ viết về Kinh thành Huế mà còn so sánh nó với các thành phố khác của Việt Nam và thế giới (trang 63 về Cổ Loa, trang 66 về thành Hà Nội, trang 67 về thành Gia Định (Sài Gòn), trang 69 về thành Quảng Trị, thành Bắc Ninh; thành Vinh (Nghệ An) 1936, thành Hà Tĩnh 1936; Thành Basancon - Pháp, thành Zamosc Ba Lan...

Số liệu về Kinh thành Huế được tác giả sử dụng đều có nguồn gốc hợp pháp của các chế độ quản lý Kinh thành Huế (Thời Tây Sơn, thời Nguyễn, thời Pháp, thời Việt Nam Cộng hòa, thời CHXHCN Việt Nam). Nhiều số liệu đã được PTA đính chính lại cho chính xác. Lao động khoa học của PTA rất đáng ghi nhận.

Thời gian nghiên cứu của cuốn sách này kéo dài từ 1558 đến nay, suốt chặng dài lịch sử qua nhiều giai đoạn. Nó kéo dài suốt 411 năm. Có các giai đoạn quan trọng mà tư liệu rất hiếm hoi như ví dụ: Tám lần dời dựng thủ phủ của các chúa Nguyễn (1558-1775); Thành Phú Xuân thời quân Trịnh và Tây Sơn (1775-1801). Kinh thành Huế thời tết Mậu Thân 1968.

Qua cuốn sách, có nhiều bài học còn tính thời sự rất cao về giải phóng mặt bằng, ví dụ: Khu công nghiệp An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây ba năm không giải phóng được mặt bằng để triển khai khu công nghiệp này. Nhưng qua cuốn sách này chúng ta có học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu của tiền nhân. Ví dụ trang 84 tác giả dẫn: vào ngày 11-5-1803 xây dựng Kinh thành thực sự khởi động. Dân cư tám xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại có ruộng đất bị mở vào thì theo giá văn tự trả tiền lại, nhà cửa thì mỗi hộ cấp 3 (ba) quan, mộ thì mỗi ngôi 2 (hai) quan, còn nhân dân thì được miễn dịch. Lại thấy một xã Phú Xuân ruộng đất gần hết, dời dân xã ấy sang xã Vạn Xuân, cấp ruộng đất cho ở (đất công 3 khoảnh, ruộng công hơn 30 mẫu), lại cho vay tiền 1000 quan để giúp việc chuyển rời. Việc xảy ra đã hai trăm năm (200) mà vẫn còn nguyên bài học nóng bỏng khi nhà nước giải tỏa đất của nhân dân để mở các khu công nghiệp, xây dựng đường sá... trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Nét nổi bật qua cuốn sách này, PTA đã ghi nhận từ khi có chủ trương đổi mới, Kinh thành Huế nói riêng và Cố đô Huế nói chung đã được bảo vệ tôn tạo trùng tu với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Nhờ đó mà Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới vào năm 1993.

Kinh thành Huế của PTA là một cuốn sách càng đọc càng hấp dẫn, nó xứng đáng nằm vị trí cao trong tủ sách của những cá nhân và gia đình yêu mến Kinh thành và Cố đô Huế.

N.V.H
(174/08-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng