Kiến trúc Huế
Huế, thành phố di sản thành phố Festival
15:05 | 19/08/2008
THÁI THÀNH VÂNTôi xuống ga Huế một chiều đầu xuân. Ngoài trời mưa phùn rét nhẹ. Chàng trai chạy xe ôm đón tôi, nói vui:- Anh đến Huế mà gặp mưa là hên đó. Anh về mô?

Tôi cảm ơn và cho anh hay: Nơi tôi nghỉ chỉ bên kia cầu, đầu đường Lê Lợi.
Một cô gái chìa ra cái áo mưa màu vàng gói trong bọc ni lông nhỏ xíu, nói chen: Anh mặc vô cho khỏi ướt - Chắc về họp Kiến trúc sư?
Tôi gật đầu hỏi lại: Sao em biết?
Cô gái nhoẻn cười:
- Biết chớ. Khách sạn đó mấy bữa ni toàn đón Kiến trúc sư. Mà nhìn các ông Kiến trúc em biết liền.
Tôi chột dạ, ngắm lại quần áo, giày tất của mình rồi bước đi.

Nhớ lại cách đây hai năm, trận hồng thuỷ năm Mèo đã tàn phá miền Trung, tàn phá Huế ghê gớm. Mỗi sáng sớm hay đêm khuya, triệu triệu người đợi bản tin trên các kênh truyền hình để biết xem giờ này nước lũ rút bao nhiêu, lực lượng cứu trợ đã đến được nơi nào? Cả nước thương Huế và lo cho Huế.
Nhưng hôm nay Huế đã đổi khác. Tôi bước trên vỉa hè đường Lê lợi được lát loại gạch hoa sang nhất nhì cả nước. Huế xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Có phải vì Huế đã nỗ lực để đón cái Tết thứ hai của Thiên niên kỷ mới? Hay Huế đang gấp gáp chuẩn bị cho mùa lễ hội Festival 2002? Cũng có thể xa hơn như tinh thần Hội thảo Khoa học "Tạo lập diện mạo Kiến trúc Đô thị đặc trưng cho thành phố Huế" mà Hội Kiến trúc Thừa Thiên - Huế và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đồng tổ chức trang trọng tại Trung tâm Festival, bên dòng Hương Giang.
Trước hội thảo các Kiến trúc sư cả nước về dự Hội nghị mở rộng Ban chấp hành đã được mời xem phòng triển lãm quy mô về Qui hoạch, Kiến trúc thành phố Huế đến năm 2020. Được mục sở thị công trình đang xây dựng, công trình cải tạo, dự án bảo tồn di tích, phố cổ, chỉnh trang trục phố, thăm nhà vườn và vị trí dự kiến khu đô thị mới.
Có thể nói hiện tình Huế như một công trường lớn, ngổn ngang vật liệu, dở dang đào bới... Tất cả chạy đua cùng mùa khô, gấp gáp cho kịp mùa lễ hội.
Kế thừa tạo lập bản sắc Kiến trúc đô thị trong phát triển thành phố Huế không chỉ là nỗi bức xúc của các nhà lãnh đạo, các tổ chức chuyên môn, của người dân địa phương mà còn là nỗi lo lắng của những ai yêu Huế và giới Kiến trúc sư cả nước.
Hội thảo thực sự lôi cuốn độc giả khi các nhà qui hoạch, kiến trúc tâm huyết đăng đàn tham luận, phát biểu.
Huế đẹp, Huế thơ, Huế cổ kính, Huế di sản. Tất cả mọi mỹ từ đều đã dành cho thành phố bên sông hương. Tất cả mọi nhận xét, đánh giá hiện trạng, nguy cơ đều xác đáng, thấu đáo cho Huế hiện tại và tương lai.
Làm gì để bảo vệ, tôn tạo vẻ đẹp tự nhiên của Huế trong xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Lo cho bờ nam sông Hương bị xâm lấn. Lo cho xung quanh Đại nội có những ngôi nhà ở kiểu Tây mới mọc lên. Lo khu phố Tây cũ nhiều công sở cao tầng xây chen. Lo việc tôn tạo các di sản lăng tẩm sai lệch, biến dạng. Lo các khu nhà vườn bị chia lô. Lo kinh phí quá lớn di dời mồ mả cho những dự án xây dựng mới...
Bao nhiêu nỗi lo, tựu trung chỉ lo Huế đánh mất bản sắc kiến trúc của mình.
Lo, nhưng phải làm gì và bắt đầu từ đâu? Câu hỏi ấy không dễ trả lời, mặc dù đã có rất nhiều kiến nghị, đề xuất.

Sau hội thảo, một Kiến trúc sư trẻ của Huế nói với tôi:
- Các cô, các chú ở xa Huế đều nhìn Huế với vẻ đẹp lãng mạn mà trăn trở, hy vọng. Còn bọn cháu ở đây phải tiếp cận cuộc sống hàng ngày của người dân, mới thấy khó làm sao.
Quả có như vậy. Các qui hoạch nhiều khi chưa theo kịp xu thế phát triển của đô thị. Qui hoạch thường chỉ mới dừng lại ở định hướng phát triển không gian; phân khu chức năng mà thiếu qui hoạch chi tiết đến từng ô phố, đoạn đường. Nhưng nếu may mắn có qui hoạch được phê duyệt thì sự không đồng bộ trong chính sách đền bù giải toả, tiêu chuẩn đất đai, quản lý xây dựng, phong tục tập quán, ý thức người dân sẽ là những lực cản thực thi qui hoạch.
Còn nhớ phương án "Di dân làng vạn đò" của một đồng nghiệp ở Huế đã giành giải thưởng Kiến trúc Việt Nam 96, những tưởng sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của cơ quan chức năng và trực tiếp của người dân vạn đò sông Hương. Nhưng không, theo báo cáo tận đến hôm nay vẫn tồn tại 900 hộ với 8.000 con người có cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó, hoặc trên những con đò cũ rách để hàng ngày góp phần làm ô nhiễm môi trường và xâm hại cảnh đẹp Huế.

Mặc dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng sau 27 năm giải phóng Huế đã không ngơi nghỉ để tự vượt lên, tự khẳng định vị thế của mình. Điều đó thể hiện ở diện mạo thành phố, trên những trục đường, từng khu dân cư, trong nhà máy, xí nghiệp... và hơn đâu hết là những nụ cười, ánh mắt của người dân Huế. Huế đã quyết tâm bứt phá để đi lên. Huế đang sửa sang, tô điểm cho diện mạo chính mình.
Tháng 5 này Festival Huế lần thứ hai sẽ khai mạc với qui mô hoành tráng, rực rỡ. Cầu Tràng Tiền được chiếu sáng nghệ thuật, phục vụ cuộc trình diễn áo dài của 200 người mẫu thời trang. Sẽ có khoảng 800 diễn viên, nhạc công của các nước bạn Lào, Căm pu chia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, In-đô-nê-xi-a... tham gia biểu diễn ca nhạc truyền thống, ca nhạc hiện đại chọn lọc cùng các đoàn nghệ thuật danh tiếng trong nước tụ họp thi tài. Từ khuôn viên Đại nội đến nhiều sân khấu khác sẽ mở dạ hội, biểu diễn nghệ thuật, ca múa cung đình, rối nước, thả diều, rước đèn, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, trưng bày cổ vật, hội chợ sách báo, hội thảo khoa học... Và một trại điêu khắc quốc tế được tổ chức qui mô. Mặt nước sông Hương sẽ lung linh, huyền ảo với hội đua thuyền, hội hoa đăng.
Không gian cuộc chơi không bó hẹp nơi thành nội mà còn mở rộng, kéo dài vùng phu cận, lên các lăng tẩm, chùa chiền, sẽ du thuyền ngược ngã ba Tuần, xuôi về cửa Thuận An, vào bãi biển Lăng Cô hay lên rừng nguyên sinh Bạch Mã...
Các tua du lịch sẽ từ Huế ra đàng ngoài thăm Thành cổ Quảng Trị, động Phong Nha, sẽ vượt đèo Hải Vân vào đàng trong thăm non nước Đà Nẵng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn...
Huế đẹp và thơ. Huế không chỉ là thành phố di sản thế giới mà Huế còn là thành phố Festival đặc trưng của Việt . Vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử tạo dựng đã khiến cho thành phố nằm bên bờ Hương Giang mang một sức hấp dẫn văn hoá, thu hút khách du lịch quốc gia và quốc tế.
Chúng ta tự hào và tin tưởng Huế.
Tháng 3-2002
T.T.V
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng