Nhịp sống âm thanh
Nhạc sĩ Trần Hoàn người nghệ sĩ trong lòng nhân dân
16:50 | 04/02/2009
NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNĐã gần một năm, Anh từ biệt trần gian về cõi vĩnh hằng, tâm tưởng tôi vẫn vấn vương với Anh, vẫn luôn mường tượng thấy Anh với nụ cười tươi tắn, rất hồn nhiên, lại nhiều lúc thấy Anh đang mơ màng chìm trong một thế giới riêng tư xa thẳm nào đó.
Nhạc sĩ Trần Hoàn người nghệ sĩ trong lòng nhân dân

Khi Anh cười tươi thắm, ấy là lúc Anh đang tiếp xúc với mọi người với tấm lòng nồng hậu. Khi Anh đắm chìm trong suy tưởng, ấy là lúc Anh đang sáng tác, đang khó nhọc hình dung ra những ý tưởng mới cho một tác phẩm nào đó, hoặc đang suy nghĩ để xử lý một công việc gì đó mà cương vị của Anh đòi hỏi Anh phải giải quyết. Đó là hai trạng thái, hai khuôn mặt thân quen của Anh - nhạc sĩ Trần Hoàn thân thiết - còn đọng mãi trong tôi.

Những năm chống Mỹ, cô em gái tôi cùng sống với Anh trên chiến khu Quảng Trị, có một thời gian dài ở căn cứ Pa-nang. Chồng nó là đạo diễn ở đoàn văn công Quân khu Trị Thiên, còn nó là chiến sĩ, giữ thư viện của Quân khu. Hai vợ chồng lấy nhau mấy năm, đến cuối 1974 mới sinh đứa con đầu lòng ở ngay tại căn cứ Pa-nang. Bấy giờ, đó là đứa trẻ đầu tiên sinh ra tại  vùng căn cứ này nên được các cô, các chú, các bác rất quý, rất thương. Bác Trần Hoàn lúc đó ở Tuyên huấn khu uỷ Trị Thiên, và bác Dương Bá Nuôi, Phó tư lệnh quân khu, nhận làm bố nuôi, và đặt biệt danh cho cháu là "Pa nang" để kỷ niệm nơi cháu sinh ra đời. Đến giờ, cô gái Tôn Nữ Anh Sơn, tức cháu Pa nang ngày ấy, vẫn giữ mãi tấm ảnh chụp các bố nuôi đang bồng ẵm cháu. Ngày giải phóng về Huế, cháu chỉ mới 4 tháng tuổi, các bố nuôi vẫn ần cần chăm sóc, biếu cháu nhiều quà như bánh, sữa, áo quần v.v...

Mới giải phóng Huế, Anh Trần Hoàn về làm Trưởng ty Thông tin Văn hoá, lúc đó phụ trách đến mười mấy ngành khác nhau, như văn công, văn nghệ, thư viện, thông tin, phát thanh, truyền hình.v.v. Cuối năm 1975, một cơn lụt lớn tràn ngập vùng Thừa Thiên, thành phố Huế chìm trong cơn lũ, Đài phát thanh Huế, nơi tôi làm việc ở ngay bên chân cầu Trường Tiền, kề ngay bên trụ sở của Ty Thông tin Văn hoá. Anh Trần Hoàn chỉ đạo chúng tôi phải bám lại ở đài 24/24 giờ, liên tục phát các bản tin về tình hình cơn lụt, các chỉ thị, mệnh lệnh của Uỷ Ban quân quản lúc đó do đồng chí Lê Tự Đồng làm Chủ tịch. Hai ba ngày liền, chúng tôi bám lại ở trụ sở, ngay cả việc đi từ chỗ làm việc ra đường cũng rất khó, vì nước lụt làm ngập cả sân Đài. Nơi làm việc của bộ phận hành chính ở dãy nhà sau, thấp ngang mặt sân, nên bị ngập, không có chỗ để nấu nướng. Anh Trần Hoàn lệnh cho bộ phận văn phòng bên Ty tìm mọi cách chuyển cho chúng tôi mấy thùng lương khô. Bộ phận phát thanh lúc đó do anh Hồ Như Ý, phó Ty phụ trách, nhưng đợt đó, anh Ý đang đi công tác chưa về kịp. Vậy là anh Trần Hoàn trực tiếp giao cho tôi phụ trách biên tập các chương trình, nhiều khi không thể trình sang anh để duyệt, anh bảo đọc những nội dung chính qua điện thoại để anh duyệt.

Ba ngày sau cơn lụt, nước đã rút dần, tôi được anh cho về nhà ở số 4 Nguyễn Huệ để nghỉ bù. Nhưng vừa về lúc buổi trưa, ăn vội vài bát cơm, lăn ra ngủ, thì vợ tôi đã đánh thức dậy. Tôi choàng dậy, thì thấy Anh Trần Hoàn đã ngồi trong phòng khách, nói ngay : "Mình vừa đi dự cuộc họp ở Uỷ ban quân quản. Có lệnh là phải viết ngay lời kêu gọi của Uỷ ban quân quản về việc tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Phải viết ngay lúc này để kịp đưa anh Lê Tự Đồng duyệt và phát đi ngay. Cậu xuống Đài, mình truyền đạt kỹ thêm, rồi viết". Tôi ra xe, nhưng ngạc nhiên vì không thấy lái xe đâu cả. Đó là chiếc xe jeep của Mỹ. Anh Trần Hoàn cười cười : "Đồ xe này lái dễ ợt. Nó như nồi đồng cối đá ấy mà. Cậu lên xe đi!". Tôi bất ngờ, vì chưa lúc nào nghĩ rằng mình lại được "thủ trưởng" đích thân lái xe đưa đến cơ quan! Sau này, trong công việc, tôi còn nhiều dịp được đi công tác với anh, và những lúc khó khăn, anh thường rất tế nhị động viên tôi. Có lần, từ Tuyên Hoá, Quảng Trạch đi công tác về qua Bố Trạch, ghé vào huyện uỷ. Một số anh chị em ở đó nói vui: "Anh viết bài hát cho Tuyên Hoá hay như thế mà không thấy viết gì cho Quảng Trạch, Bố Trạch cả". Hồi đó, chả là anh vừa viết xong bài "Về Đồng Lê" được phát nhiều lần trên đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) và đài Phát thanh Bình Trị Thiên. “Ô! Quảng Trạch thì mình đã có bài về Cảnh Dương. Còn Bố Trạch thì... phong trào của các cậu còn... ì ạch, khó viết lắm!". Anh nói vui như thế, nhưng mọi người cũng cười xoà, vì họ biết anh nói tránh đi, chớ khi nói riêng, có lần anh đã nói: "Tớ cũng muốn viết về huyện các cậu, nhưng nghĩ chưa ra. Cái vần ạch ạch, khó viết quá !"...

Một hôm, anh đến Đài phát thanh rất sớm, ngay đầu giờ làm việc. Chúng tôi đón anh, định mời anh lên phòng Giám đốc. Nhưng Anh nói: "Thôi khỏi, cho mình vào phòng thu nhạc". Chúng tôi dẫn anh vào phòng ghi âm lớn. Anh đến ngay bên chiếc đàn pianô cũ kỹ, ngồi xuống, mở nắp đàn ra, dạo mấy nốt, rồi lắc đầu: "Tiếc quá, đàn hỏng rồi!". Sau đó, anh cho chúng tôi biết, anh vừa sáng tác xong bài "Một mùa xuân nho nhỏ”, bài hát phổ thơ của nhà thơ Thanh Hải. Anh muốn dàn dựng ở Huế để cho Đài địa phương được sử dụng ngay, nhưng không có phòng thu âm nào đạt tiêu chuẩn cả. Ít lâu sau, bài hát ấy của anh vang lên trên làn sóng của Đài TNVN, và không lâu sau, anh chuyển cho chúng tôi cuốn băng ghi âm bài hát của Anh do đài TNVN dàn dựng.

Đối với bạn bè, văn nghệ sĩ, Anh sống hết sức chân tình, quí trọng. Hôm lễ tang anh Thanh Hải, anh là trưởng ban tang lễ, vì lúc đó Anh đang là Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên. Trước lúc hạ huyệt, đứng bên quan tài nhà thơ Thanh Hải, anh đọc lời điếu, với giọng trầm trầm. Đến phần cuối, anh không nhìn vào tờ giấy viết sẵn mà nhìn vào quan tài nhà thơ đang đặt dưới huyệt sâu. Anh cất tiếng nói nghẹn ngào: "Anh Thanh Hải ơi. Vẫn biết sống chết là lẽ thường tình. Con người có sống thì có chết. Nhưng sao anh ra đi sớm như vậy. Nhìn cảnh chị và các cháu thế kia... Sao anh nỡ vội ra đi!" Và không ngờ, chính Anh đã cất lên tiếng khóc thật thống thiết, khiến cho mọi người chung quanh đều không cầm được nước mắt. Tình cảm của Anh đối với nhà thơ Thanh Hải thật sậu nặng biết chừng nào!

Lần cuối cùng gặp Anh ở Huế là những ngày đầu năm 2001, khi Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đại hội. Gặp chúng tôi ở Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Anh nói ngay: "Mình có bài hát mới cho Huế đây. Mình biết bây giờ các cậu đã có nhiều trang bị hiện đại, nhờ các cậu dựng ngay cho mình bài hát này". Rồi Anh rút từ trong cặp ra một tờ giấy có ghi nhạc và lời bài hát "Huế - Festival". "Cậu Việt lấy cho mình mượn cây đàn ghi ta, mình hát thử cho các cậu nghe!". Anh chị em ở Đài đều coi Anh như người Anh cả thân thiết, không hề có chút khách khí gì. Nhạc sĩ Nguyễn Việt, trưởng phòng văn nghệ của Đài PTTH tỉnh đem đến cho Anh cây đàn, và Anh say sưa thể hiện ngay tác phẩm của mình với giọng hát rất khoẻ khoắn, sôi nổi. "Huế bây giờ là thời kỳ mới rồi, phải sôi nổi lên, rộn ràng lên. Cho nên mình viết bài này theo điệu disco". "A! Vậy xin mời Anh chiều ngày mai thứ Bảy, từ 17 giờ đến tham gia chương trình âm nhạc - tin tức phát trực tiếp, có phần giao lưu với các bạn trẻ. Hôm đó, Anh có thể trình bày trực tiếp bài hát này được không ạ?". Nguyễn Việt đề nghị. Anh trả lời ngay: "Sẵn sàng!"... và hôm sau, đúng hẹn, Anh đã đến tham gia chương trình.

Rất nhiều các bạn trẻ đến dự buổi giao lưu, hết sức hào hứng được trực tiếp hát với nhạc sĩ Trần Hoàn những bài hát của Ông, và nghe Ông trả lời về hoàn cảnh, cảm hứng khi sáng tác những bài hát đó. Nhiều bạn trẻ và khách qua đường đứng lâu ngoài bờ rào, trước đường Lê Lợi, hay bên chân cầu Trường Tiền, hướng nhìn về sân khấu là khoảng sân nổi trên tiền sảnh của Đài, chăm chú lắng nghe nhạc sĩ Trần Hoàn tâm tình và ca hát. Nhiều lúc, tiếng hát trầm ấm của Ông hoà vào với những giọng hát trẻ trung, sôi nổi của các bạn trẻ, là những ca sĩ xứ Huế, và cả nhiều sinh viên, học sinh...
            N.T.Đ

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng