Nhịp sống âm thanh
Xây dựng nhân cách bằng giáo dục âm nhạc
15:22 | 16/09/2014

Giáo dục âm nhạc trở nên rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển không chỉ mỗi cá nhân mà còn của một quốc gia

Xây dựng nhân cách bằng giáo dục âm nhạc
Trần Ngọc Duy, thí sinh Giọng hát Việt nhí mùa đầu, một trong 120 học viên của Trường nhạc Soul Music Academy được trao chứng chỉ Trinity College London

Lần đầu tiên hội thảo giáo dục âm nhạc do Trinity khu vực châu Á tổ chức, diễn ra tại Việt Nam (Trường Soul Music Academy, TP HCM) từ ngày 12 đến ngày 14-9, với sự tham dự của 50 đại diện Trinity từ các nước khu vực châu Á. Trinity College London là một hội đồng khảo thí quốc tế hàng đầu hoạt động trên 60 quốc gia. Trinity giúp hỗ trợ hoạt động giáo dục âm nhạc cho hàng ngàn học viên với hệ thống đánh giá bao quát các thể loại âm nhạc khác nhau như nhạc cổ điển classical & jazz và nhạc nhẹ rock & pop.

Muốn thoát ra “ao làng” thì phải học

Ông Tyler Smith, Phó Chủ tịch cấp cao Trinity College London, khẳng định nhiều ngôi sao đình đám trên thế giới chưa hẳn đã qua đào tạo trường lớp âm nhạc. Những thứ họ có là khả năng thiên phú cùng với kinh nghiệm làm nghề. Họ có thể nổi tiếng khắp thế giới nhưng chắc chắn, sự nể trọng của người trong giới dành cho họ có hay không lại là điều hoàn toàn khác. “Để có được sự nể phục của mọi người, bạn chắc chắn phải là người có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mình đang hoạt động. Những nghệ sĩ nổi tiếng có được sự nể phục của cả công chúng lẫn giới chuyên môn đều là những người qua trường lớp” - ông Tyler Smith nói.

Ông Tyler Smith cho biết ở thị trường âm nhạc thế giới, thành công của một ngôi sao ca nhạc không qua đào tạo về giáo dục âm nhạc có đến 70% là sự may mắn nhưng trong số những người được đào tạo bài bản, có đến 85% gặt hái thành công.

Theo ông Michael Thien (điều phối viên khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Trinity London), 5 năm trở lại đây, châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, là điểm đến thú vị của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh âm nhạc danh tiếng trên khắp thế giới. Sự đầu tư của Universal hay BoomBox vào thị trường nhạc Việt là minh chứng rõ nét. “Thực tế, với kinh nghiệm làm việc ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, tôi thấy việc ngôi sao ca nhạc hổng kiến thức âm nhạc là tình trạng chung, không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải là điều không thể cải thiện, chỉ cần chúng ta nhìn nhận thực tế này và mong muốn cải thiện nó mà thôi” - ông nói.

Các chuyên gia đến từ Hội đồng Trinity trong khu vực châu Á đều thừa nhận nếu hài lòng với những gì có sẵn (ám chỉ đến tài năng thiên bẩm) thì những gì chúng ta làm được cũng chỉ gói gọn trong một ô vuông nhỏ. Để có thể bước ra thế giới giao lưu và kết nối rộng lớn hơn, chúng ta cần phải có kiến thức, đủ để nói chuyện ngang bằng với những nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng thế giới, để cảm nhận những gì đang được thấy, diễn ra quanh mình. Vì vậy, giáo dục âm nhạc trở thành điều rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển không chỉ mỗi cá nhân mà còn của một quốc gia.

Tạo ra thế hệ công chúng mới

Các chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng giáo dục âm nhạc không phải để biến một người nào đó trở thành nghệ sĩ. Không phải cứ biết nhạc là trở thành nghệ sĩ hoặc muốn trở thành nghệ sĩ mới đi học nhạc. Có rất nhiều doanh nhân thành đạt trên thế giới cực kỳ giỏi nhạc. Họ đi học nhạc chỉ để cho cuộc sống của mình thêm thi vị. “Kiến thức chính là cách để chúng ta khẳng định vị trí của mình với thế giới. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích hướng đến của giáo dục âm nhạc. Điều chúng tôi muốn xây dựng là sự tự tin đủ để học viên thoải mái trong những câu chuyện về âm nhạc, dù đang trao đổi với một nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Chúng tôi đến đây để khẳng định rằng giáo dục âm nhạc góp phần xây dựng văn hóa, nhân cách bằng chính âm nhạc, biến mỗi cá nhân thành những người biết thụ hưởng những giá trị đúng của âm nhạc chứ không phải biến tất cả các học viên trở thành nghệ sĩ” - ông Tyler Smith nói.

Về giải pháp nâng cao khả năng hưởng thụ âm nhạc cho công chúng thông qua giáo dục âm nhạc, ông Tyler Smith cho rằng học nhạc không phải để chứng tỏ bản thân mà để xây dựng sự tự tin của mỗi người trong việc lựa chọn và xác định gu âm nhạc một cách đúng mực và tinh tế. Để làm được điều ấy, tất cả những người làm việc trong ngành âm nhạc, đặc biệt là giáo dục âm nhạc, cần phải hiểu trách nhiệm đào tạo một thế hệ công chúng mới cho thị trường âm nhạc và cần giải quyết tức thì. Đó là một thế hệ hoàn thiện về mọi kỹ năng và cả sự tự tin. Thế hệ đó sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường âm nhạc khi họ là động lực cho mọi phát triển theo hướng tích cực của âm nhạc.

Trinity giúp hỗ trợ hoạt động giáo dục âm nhạc cho hàng ngàn học viên với hệ thống đánh giá bao quát các thể loại âm nhạc khác nhau như nhạc cổ điển classical & jazz và nhạc nhẹ rock & pop. Mục đích của hội thảo này là cập nhật tình hình hoạt động của Trinity ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ (được tổ chức hằng năm) cùng với những cải tiến về giáo trình giảng dạy ở từng bộ môn cho phù hợp với diễn biến hiện thời của thị trường âm nhạc. Việt Nam được chọn cho lần hội thảo này vì trường nhạc Soul Music Academy (TP HCM) chính thức gia nhập Hội đồng Trinity khu vực châu Á dưới sự kiểm soát của Trinity toàn cầu (tại London - Anh).

Nguồn: Thùy Trang - NLĐ
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng