Nhịp sống âm thanh
Hơn 50 năm bài hát "Lúa vàng" và lớp văn nghệ quân đội liên khu 4
09:40 | 27/05/2009
MẶC HY                Hồi ký "Lúa vàng! Lúa vàng trên cánh đồng làng, tang tình tang, tang tình tang... Đêm nay, gặt mà lúa về... ta đập mà ta xay, ta giã mà ta giần..."
Hơn 50 năm bài hát
Nhạc sĩ Mặc Hy

I. Vài nét về lớp văn nghệ quân đội liên khu 4 và đoàn kịch chiến sĩ ở chiến trường Bình Trị Thiên thời chống Pháp:

Tháng 3-1949, theo lệnh của Thiếu tướng Nguyễn Sơn, một lớp văn nghệ quân đội được triệu tập ở Thanh Hoá gồm trên 70 chiến sĩ làm công tác văn nghệ của ba trung đoàn 77 (Thanh Hoá), 9 (Nghệ An) và 18 (Hà Tĩnh) cùng các thành viên đoàn kịch Giải phóng mới ở Việt Bắc vào... Hiệu trưởng là nhà văn Nguyễn Đình Lạp - tác giả tiểu thuyết "Ngoại ô"; giáo viên kịch có Chu Ngọc, Trọng Miên, Trúc Quỳnh, Hoàng Uẩn; giáo viên nhạc: Lê Yên, Phạm Văn Chừng, Phạm Duy; giáo viên hoạ: Sỹ Ngọc, Phạm Văn Đôn; giáo viên văn: Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đức Quỳnh...

Tây nhảy dù xuống Bắc Kạn 1948, đoàn kịch Giải phóng và một số văn nghệ sĩ ở Việt Bắc vào Thanh Hoá trong đó có Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương (Hoài Trung, Hoài Bắc), Thái Hằng (sau là vợ Phạm Duy). Thanh Hoá lúc đó gần như là thủ đô văn nghệ của cả nước, tập họp trong Hội Văn hoá kháng chiến do ông Đặng Thai Mai lãnh đạo và Phòng chính trị Liên khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh.

Lớp học được quân sự hoá, cùng theo nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Liên khu 4, khi thì ở Quần Kênh, Quần Tín, Chợ Đà (huyện Thọ Xuân), khi thì ở vùng núi Nưa, Cổ Định (huyện Nông Cống). Chúng tôi vừa học, vừa dàn dựng những vở kịch biểu diễn phục vụ địa phương. Tôi đã đóng vai Chủ tịch xã cùng vợ (chị Trúc Quỳnh) trong vở "Đứa con hư" của Trần Doãn Tý, đóng vai Anh dân quân cùng Lê Lự trong vở "Ghen hụt" của Đoàn Đức Nhã. Tôi nhớ những buổi luyện nói bên bờ ao, đọc to lên lời thoại: "Bộc ơi! Bộc! đây là đâu, bây giờ là bao giờ? ta là ai?..."

Chúng tôi dựng lại cả cảnh thủ đô Hà Nội những ngày đầu kháng chiến ở gần chợ Đà: có hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Đào v.v... có xe xích lô chở Tây... tối đến có diễn kịch "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng ở Nhà hát lớn. Hơn 70 học viên lớp văn nghệ quân đội năm ấy, sau này chỉ còn chưa đến 10 người theo đuổi nghệ thuật như: Hải Ninh (điện ảnh), Hải Hồ, Hải Bằng, Chung Anh (văn thơ), Đình Quang (kịch), Mặc Hy (nhạc)...

Song song với lớp văn nghệ của chúng tôi, nhà văn Đặng Thai Mai cũng tổ chức mấy lớp văn nghệ kháng chiến đào tạo cán bộ văn nghệ cho liên khu.

Học xong 3 tháng (3 - 6/1949), chúng tôi gồm trên 15 bạn trẻ của đội tuyên truyền trung đoàn 77 và một số đoàn viên ở Phòng chính trị Liên khu 4 như cô Kim Khanh, anh Vĩnh Tôn, Vĩnh Cường... xung phong vào phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên. Anh Đình Quang làm đội trưởng, phó là hai anh Bửu Tiến với Phạm Duy, cũng chỉ trên dưới 30 tuổi. Anh Đình Quang 22 tuổi, cùng tuổi với tôi. Ngoài ra còn anh Đình Cao, Lê Lự, Phạm Toan, Duy Châu, Quốc Đống... 2 anh cấp dưỡng là Nguyễn Mậu và Lê Văn Mốc (sau đổi là Nhân).

Xuất phát từ Thanh Hoá, sau gần 1 tháng đi bộ, chúng tôi đã có mặt ở chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Trên đường đi, chúng tôi vừa tập các tiết mục văn nghệ, vừa biểu diễn phục vụ ở Đô Lương, Nam Đàn, Đức Thọ... Ở Đức Thọ, chúng tôi gặp 2 họa sĩ Nguyễn Đức Nùng và Văn Giáo ở khu 5 ra, anh Trần Hoàn cùng đi, ở Bình Trị Thiên ra. Lúc ấy, ở Đức Thọ đang mùa ép dầu lạc. Chúng tôi gặp nhau, ngồi bên những cỗ máy ép dầu bằng nêm, mùi dầu lạc thơm lừng.

Qua Linh Cảm, đến ga Đò Vàng, chúng tôi đi xe "goòng tự hành" lên, xuống dốc, phó mặc cho số phận, qua cầu Khe Nét tới đất Quảng Bình. Chúng tôi nghỉ và biểu diễn ở Chợ Gát, ở Minh Cầm, nơi có những hàng cây cao thẳng đứng như hàng sao đen phố Lò Đúc (Hà Nội). Tại đây nghe một anh bạn thổi kèn Ác-mô-ni-ca bài "Chiều Minh Cầm ca" rất hay. 50 năm sau mới biết đó là nhạc sĩ Chiêm Tứ, người Huế vừa là tác giả, vừa là người thổi kèn.

Đoàn chúng tôi là đoàn A, có nhiệm vụ vào thẳng chiến trường, còn đoàn B vào đến Quảng Bình, rồi quay ra. Tôi nhớ đoàn B có họa sĩ Phạm Văn Đôn, nhạc sĩ Phạm Văn Chừng, nhà viết kịch Trần Doãn Tý...

Theo một đơn vị quân đội, chúng tôi trèo đèo U Bò, Ba Rền vào đất lửa miền Nam Quảng Bình. Qua ga Lệ Kỳ, theo đường sắt qua cầu Sa Lung, chúng tôi rẽ hướng Tây qua Gio Linh - Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nghỉ ở Gio Linh, nghe lãnh đạo huyện kể chuyện một bà mẹ giữ đầu con mình là du kích bị Pháp giết. Phạm Duy sáng tác ngay bài "Bà mẹ Gio Linh", lời hát có câu:

"... Hai tay nâng nâng, rưng rức nước mắt đầy,
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay..."

Qua vài đồn địch chưa bị ta tiêu diệt, Phạm Duy viết bài "Bao giờ anh lấy được đồn Tây?". Nét nhạc lấy từ bài "Em ơi! buồn làm chi? còn chờ mong lúa về đồng xanh, một ngày mai ước hẹn về đô thành...", anh viết tặng chị Thái Hằng (1949).

Vào đến Ba Lòng, chúng tôi chia nhau ra ở các lán mái lợp tranh, ngủ trên những sàn ghép bằng cây gội, nằm rất đau lưng. Chiếu là những mảnh đệm dệt bằng cỏ lác. Chăn là những phông màn, cánh gà trang trí. Chúng tôi được lãnh đạo mặt trận: đồng chí Hà Văn Lâu, Trần Quý Hai, các chiến sĩ, cùng đồng bào chiến khu đón tiếp rất ân cần trong đêm biểu diễn đầu tiên ra mắt. Mở đầu bao giờ cũng là màn đồng ca "Văn nghệ sĩ ra tiền tuyến!" bài ca chính thức của Đoàn. Ấn tượng nhất là bài thơ "Đêm liên hoan" của Hoàng Cầm, do Phạm Duy ngâm: "Đêm liên hoàn, đầu nhấp nhô như sóng biển ngang tàng, ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực vì say sưa thân thiết Vệ quốc đoàn..."

Ở lại chiến khu 3 tháng, học chính trị, xây dựng tiết mục, ban ngày, chúng tôi sơ tán vào những cánh rừng bên cạnh sông Thạch Hãn, tối đến mới ra nhà ở, sinh hoạt tổ 3 người dưới ánh đèn dầu hoả làm bằng lọ mực Oa-téc-man. Cũng dưới ngọn đèn này, tôi đã học hoà âm, sáng tác nhạc qua các tác gia Vincent Dinđy, Reber Dubois, Lavignac...

Hàng ngày, chúng tôi cơm ăn hai bữa, mỗi bữa một đĩa nhôm "sắn cõng cơm" cùng một đĩa bí đỏ nấu ruốc (mắm tôm). Từ các anh Lê Tự Đồng, Vũ Lãm, trưởng phó phòng Chính trị phân khu đến các anh Hà Văn Bảng (ban địch vận), anh Độ (ban tuyên huấn), đều xếp hàng, đợi chị Giang cấp dưỡng múc cho mỗi người một muôi cơm và một muôi canh. Sau đó, ngồi bệt trên sàn đất vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Một số hàng binh Pháp ở địch vận cùng ăn, rất ngạc nhiên vì không biết ai là sĩ quan, ai là lính?...

Để đỡ đói, chúng tôi thường hái rau má, rau tàu bay ăn thêm. Ngày nghỉ, ra chơi nhà đồng bào Vân Kiều, Kà Tu được đồng bào luộc sắn cho ăn no kễnh bụng.
Cuộc sống cứ thế đều đặn trôi đi...


II. Về bài hát "Lúa vàng"

Sau mấy tháng ở chiến khu, mở mắt ra, tầm nhìn của chúng tôi đã bị ngọn núi che khuất. Đặc biệt, nhìn về hướng Tây, những ngày nắng, thấy lửa đốt rẫy của đồng bào dân tộc, tàn tro bay về tận chỗ ở. Chúng tôi được lệnh xuống đồng bằng, rồi được bổ sung thêm mấy chiến sĩ thuộc "Ban ca hò" của mặt trận, trong đó tôi nhớ có o Tịnh o Mai... cộng với chị Kim Khanh (em nhạc sĩ Ngọc Bích) chúng tôi có 3 nữ.

Từ chiến khu, chúng tôi hành quân tới Hải Đạo, sát đường quốc lộ, trời vừa tối. Đợi đến tối mịt, chắc chắn không có địch phục kích, các du kích địa phương mới dẫn cả đoàn băng qua đường quốc lộ xuống vùng biển. Không khí tĩnh lặng, mùi xăng của đoàn "Công voa" địch vừa chạy qua lúc chiều còn sặc vào mũi chúng tôi.

Sau mấy giờ ngủ mê mệt, sớm hôm sau thức dậy bước ra sân, nhìn ra bên ngoài là cả một cánh đồng lúa chín vàng rực, chạy dài xa tắp tới tận chân trời. Chúng tôi chia nhau ở nhà đồng bào. Đây là vùng giáp ranh, có hội tề ngụy ban ngày, tối đến theo Việt Minh. Chúng tôi ăn mặc như dân thường, sống trà trộn với đồng bào. Ban ngày giúp dân gặt lúa, phơi lúa. Tối đến, trên các sân nhà, tiếng chày vồ thình thịch nhịp nhàng theo tiếng hò cho đến sáng. Khó nhất đối với chúng tôi, những thanh niên miền Bắc là ngôn ngữ, tập nói tiếng địa phương cho chuẩn. Dù sao thì đồng bào cũng vẫn nhận ra chúng tôi từ Bắc vào nên càng thương yêu nhiều.

Một tứ thơ, một ý nhạc chợt nảy ra trong óc tôi:

"Lúa vàng! Lúa vàng trên cánh đồng làng, tang tình tang, tang tình tang... Nét nhạc uốn lượn như sóng lúa, nhẹ nhàng, êm ái. Đoạn 2, tiết tấu thay đổi, nhịp nhàng như tiếng chày vồ cùng điệu hò rộn rã.

"Đêm nay, gặt mà lúa về... ta đập mà ta xay, ta giã mà ta giần..."

Bài hát hoàn thành trong một đêm cuối năm 1949 ở vùng Kế Môn, Đại Lược, huyện Phong Điền, bắc Thừa Thiên, được đoàn dựng, giới thiệu ở Đại hội Văn nghệ Quảng Trị 1950, do hai vợ chồng Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm trình bày. Ở Đại hội này, bài hát "Công nông liên minh" của tôi được giải thưởng về nhạc. Phòng chính trị Phân khu cho in li-tô lấy tên là "Hạt lúa phản công" trong không khí chuẩn bị tổng phản công trong toàn quốc. Sau đó được phổ biến rộng rãi toàn Bình Trị Thiên ra cả vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh.

Tại Đại hội Văn nghệ Thừa Thiên họp ở Mỹ Lợi, tôi cũng đã giới thiệu "Lúa vàng".

Năm 1954, hoà bình lập lại, tôi tập kết ra Bắc, về Hà Nội mới biết "Lúa vàng" được nhà xuất bản "Tinh Hoa" (Huế) in tái bản 3 lần. Bìa do họa sĩ Phi Hùng trình bày. Trang cuối in ảnh Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm, hai danh ca xứ Huế. Tôi còn được anh bạn cho nghe cuốn băng cối "Tiếng sáo đồng quê" của hai ca sĩ trên gồm 15 bài hát về quê hương trong đó có "Lúa vàng", phầm đệm có tiếng đàn nhị.

Khi mà Hải Phòng còn 90 ngày trước khi tiếp quản, tôi nhờ anh bạn Vũ Nhật Thăng, có gia đình ở Hải Phòng gửi cho vợ chồng Thiết một lá thư. Ít lâu sau, anh Thăng chuyển cho tôi năm nghìn (5000) đồng tiền Đông Dương, đổi ra tiền Việt (taux = 30) được 15 vạn. Tôi mua một xe đạp Follis Lyon 9 vạn. Tôi tìm đến đại diện nhà xuất bản ở phố Lương Văn Can nhưng họ đã di cư vào Nam.

Nhờ bài "Lúa vàng" một số nhạc sĩ Hà Nội không di cư đã biết tôi là tác giả ở kháng chiến về, nên trong Đại hội Đoàn Ca Vũ Nhạc Hà Nội họp đầu năm 1955 ở Câu lạc bộ Đoàn kết đã bầu tôi làm uỷ viên ban chấp hành. Cụ Lưu Quang Duyệt, giám đốc Âm nhạc học xá, một thân sĩ làm chủ tịch. Anh Trần Việt Ngũ làm chánh văn phòng. Ủy viên chấp hành còn có anh Phạm Đức Cần, Anh Tu My... Trụ sở đặt ở 18 Cột Cờ sau chuyển 63 Hàng Trống. Đồng thời, tôi được giới thiệu là uỷ viên chấp hành hội liên hiệp thanh niên thành phố do bác sĩ San làm chủ tịch. Một loạt bài hát của tôi được giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam, như "Đưa anh thêm một quãng đường", "Gặp nhau dưới trăng", "Nên vợ nên chồng"... Riêng "Gặp nhau dưới trăng" (hay Tát nước đêm trăng) được nhà xuất bản Âm nhạc thu đĩa cùng bài "Ánh đèn cầu Việt Trì" của Hoàng Hà.

Nhạc sĩ Tô Vũ, cố vấn chuyên môn của nhà xuất bản Kuy Sơn đã tuyển chọn 20 ca khúc của tôi để giới thiệu. Bản in thử đã xong, tiền tác giả đã lấy, đùng một cái xảy ra "Nhân văn, Giai phẩm". Các nhà xuất bản tư nhân bị cấm hoạt động. Tập nhạc bị đình lại để 36 năm sau (1957 - 1993) Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế in 15 tình khúc Mặc Hy.

Năm 1956, nhà thơ Giang Quân cho tôi xem một bài phê bình "Lúa vàng" trên tập san "Nghệ thuật" xuất bản ở Sài Gòn, khen chất dân tộc của nét nhạc và cho rằng nhà xuất bản đã đúng khi gọi "Lúa vàng" là dân ca.

Tôi cũng được xem một tờ chương trình giới thiệu vợ chồng Thiết - Cẩm trình bày "Lúa vàng" ở Tân Xuân Đại nhạc hội năm 1951 ở lâu đài Nô rô đôm (Sài Gòn)

Năm 1986, sau hơn 30 năm xa chiến trường, tôi được anh Vĩnh Tôn (Hải Bằng) mời vào chơi Huế. Hội văn nghệ Bình Trị Thiên tổ chức một đêm giao lưu, tôi đi thăm lại chiến khu Dương Hoà, viết bài "Về lại chiến khu xưa". Mỗi năm một lần, dù sức yếu, tài chính eo hẹp, tôi vẫn sắp xếp vào thăm Huế, cầm đàn đi hát ở những vùng kháng chiến xưa.

Một số học sinh Quốc Học cũ như anh Nguyên, anh Vấn (nay cũng trên 60 tuổi) cho biết nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cũng rất yêu "Lúa vàng" dù biết in ở Huế nhưng tác giả của nó vẫn nằm trên chiến khu tham gia kháng chiến. Trong một cuộc họp thân mật ở nhà anh Phan Thuận An, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tôi rất xúc động khi nghe gần hai chục "bà" trên 50 tuổi đứng lên đồng ca "Lúa vàng" để tác giả nghe có đúng như sáng tác của mình không?

Ở Đà Nẵng, nhạc sĩ Trần Phước Khiêm (người Huế) đã giật mình, ngạc nhiên khi gặp tôi năm 1992 vì tưởng tác giả "Lúa vàng" đã chết. Anh đã viết bài báo "Cây lúa với tình yêu âm nhạc Mặc Hy (Báo Thừa Thiên Huế).

Ở Mộc Trụ, một cán bộ xã xúc động kể chuyện cái chết của vợ chồng Nguyễn Hồng - Nguyễn Thị Lan bị Tây bắn, dẫm nát cây đàn. Nhân dân đã chôn mộ cây đàn giữa hai ngôi mộ. Anh cho biết Nguyễn Hồng thường hát "Lúa vàng" cùng nhân dân địa phương.

"Lúa vàng" cũng sang cả Thái Lan được Việt Kiều đón nhận. Chị Bạch Liên ở UĐon đã hát cho tôi nghe.

"Lúa vàng" cũng được Việt kiều Pháp, Mỹ, Canada biết đến. Em rể tôi ở Mỹ về thăm tổ quốc, nghe tôi giới thiệu "Lúa vàng" cả hai vợ chồng hát theo ngay.

Năm 1997, nhạc sĩ Dương Thụ, đại diện hãng Audio Sài Gòn ra Hà Nội xin phép tôi cho in "Lúa vàng" vào đĩa CD "Nhạc tình kháng chiến" cùng 9 bài hát khác của Trần Hoàn, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Lê Lôi, Lê Yên v.v... Ca sĩ Bảo Yến hát.

Năm 2000, nhà xuất bản Trẻ xuất bản "Tuyển tập 100 ca khúc tiền chiến, trong đó có "Lúa vàng" (1949 - 1950).

Trên đây là một số kỷ niệm vui nho nhỏ mà "Lúa vàng" đem lại cho tác giả.

Nhớ lại, Sài Gòn giải phóng năm 1975, mãi đến 1991, tôi mới có dịp vào thăm. Tôi tìm đến thăm anh Thiết ở một mình. Sau đó, cháu Hồng Hà, con gái anh mời tôi về thăm mẹ cháu - chị Ngọc Cẩm, nay đã biến thành một bà "xồ xề" vui vẻ đi chợ làm cơm mời tôi. Khi tôi về Bắc, Ngọc Cẩm còn dúi vào tay tôi 200 nghìn đồng cùng cuốn băng "Tiếng sáo chiều quê" và cuốn giới thiệu Thiết - Cẩm.

Mấy tháng sau, cháu Hồng Hạnh (ca sĩ con Thiết - Cẩm) cùng chồng cũng ra Hà Nội thăm tôi.

Ở cái tuổi gần 80, ngồi nhớ lại những kỷ niệm xưa về một bài hát viết từ thời trai trẻ tự trong lòng tôi xin được cảm ơn mảnh đất Thừa Thiên Huế, cảm ơn quân đội, cảm ơn nhân dân Bình Trị Thiên đã nuôi dưỡng cả tuổi trẻ của tôi, đã cho tôi cảm hứng sáng tác "Lúa vàng". Lúa vàng đã được sinh ra ở mảnh đất này, được Huế thân thương nuôi dưỡng, yêu thương. "Lúa vàng" và tác giả đã sống được đến hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ.

Một đêm mùa hè 2003

M.H
(174/08-03)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng