Nhịp sống âm thanh
Công diễn vở opera của nhà soạn nhạc 11 tuổi
14:40 | 06/01/2017

Nhiều người đã gọi nhà soạn nhạc 11 tuổi Alma Deutsher là Mozart hiện đại khi vở opera Cinderella của cô bé lần đầu công diễn tại Vienna và nhận được sự tán thưởng đặc biệt của khán giả.

Công diễn vở opera của nhà soạn nhạc 11 tuổi
Alma Deutscher biểu diễn tại Israel

Alma Deutscher không phải là một nhân vật vô danh. Trước khi vở opera ra mắt khán giả tại Vienna vào ngày 28/12, cô bé sống ở Surrey, Anh, trong một gia đình mà cha mẹ đều là người chơi nhạc nghiệp dư, đã nổi tiếng toàn thế giới về tài năng thiên bẩm với cây đàn piano và violin. Alma Deuscher đã chọn đàn phím ở tuổi lên hai, tuổi lên ba bắt đầu học violin, điều đó có vẻ thú vị và hứa hẹn về một tài năng âm nhạc trong tương lai. Điều làm cô bé khác biệt với những tài năng âm nhạc cùng tuổi khác là khả năng sáng tác. Khi ba tuổi, Alma đã nhớ bài ru con của Richard Strauss rồi ngâm nga giai điệu bài hát, “và cháu nói với bố mẹ là sao âm nhạc có thể đẹp thế”. Lên bốn tuổi, cô bé đã có những bài ký xướng âm với cha và năm tuổi học cách viết nhạc. “Khi bắt đầu viết nhạc, cháu không biết đó gọi là sáng tác. Cháu chỉ [ghi lại] những giai điệu vang lên trong đầu cháu. Mọi người đều nghĩ những giai điệu đó là của người khác sáng tác mà cháu chỉ đơn giản là nhớ lại chúng, nhưng thực ra tất cả đều là của cháu”.

Lên sáu tuổi, Alma đã sáng tác một bản sonata piano, bảy tuổi sáng tác một vở opera ngắn dựa trên một tác phẩm của Neil Gaiman, tiếp sau đó là hàng loạt tác phẩm cho violin, piano, viola và dàn nhạc thính phòng. Hai năm trước, cô bé đã viết một bản concerto violin, bản giao hưởng đầu tiên và năm 2015 là Cinderella. Vở opera có phần nhạc đẹp, dễ nhớ theo phong cách gallant thế kỷ 18. Alma đã khéo léo chỉnh câu chuyện theo cách đưa Cinderella thành nhà soạn nhạc - “có một chút gì đó của cháu” – và hoàng tử là nhà thơ. Cinderella đã phổ nhạc một bài thơ của chàng và hát trong buổi khiêu vũ trước khi rời đi lúc nửa đêm. Hoàng tử kiếm tìm khắp vương quốc không phải với một chiếc hài thủy tinh mà là giai điệu mà chàng đã nghe nhưng không thể nhớ hết. Cô bé giải thích một cach logic: “Cháu nghĩ là việc hoàng tử dò hỏi cô gái nào có đôi chân vừa với chiếc giày thủy tinh không hẳn có nhiều ý nghĩa. Nhiều người có thể cùng cỡ chân nhưng chỉ có một người từng viết giai điệu đó”.

Alma chững chạc hơn tuổi: “Cháu chưa bao giờ sợ hãi trên sân khấu, vì cháu rất vui khi thấy mọi người muốn tới và lắng nghe âm nhạc của cháu. Khi chơi đàn, cháu có thể tự chủ, cháu biết mình đang làm gì và cháu không thấy những gì khiến cháu phải sợ hãi”, Alma đã từng thổ lộ trên The Guardian như vậy vào đầu năm 2016.

Mẹ của Alma là một học giả về đàn organ tại Oxford và cha là nghệ sỹ sáo nghiệp dư. Cô bé cho biết, nhiều âm nhạc truyền cảm hứng cho Cinderella và những sáng tác khác của mình bất chợt đến khi trí óc mình đang ở đâu đâu. Cô kể trên chương trình Today của kênh Radio 4, “Một vài giai điệu và chủ đề của vở opera này đến khi cháu đang nhảy dây. Thế là cháu mang cả sợi dây thừng tới buổi tập và lại nhảy dây vào lúc nghỉ”. Alma cũng nói trên chương trình Today của đài truyền hình NBC rằng “buồn cười là khi cháu cố gắng viết ra những giai điệu thật đẹp thì chúng lại không đến và đầu óc cháu trống rỗng. Ví dụ một vài ngày trước, khi cháu đang nằm ngủ thì đến nửa đêm, cháu lại lóe ra một giai điệu rất đẹp.”


Một cảnh trong vở "Cinderella" mới được công diễn trên sân khấu Vienna

Vở opera dài 150 phút với tổng phổ 237 trang. Nhạc trưởng Simon Rattle 1 đã công nhận là ông đã “hết sức kinh ngạc” khi lần đâu tiên thấy cô bé biểu diễn, còn Stephen Fry ngay lần đầu xem một video của cô bé trên Youtube đã cho rằng, cô bé là một Mozart của thế hệ ngày nay.

Tuy vậy cô bé không thích được so sánh như thế, “Cháu hết sức ngưỡng mộ Mozart, ông ấy có lẽ là nhà soạn nhạc yêu thích nhất của cháu. Nhưng cháu không thích mọi người gọi cháu là ‘tiểu Mozart’ bởi vì cháu không thích bị coi là ‘bé bỏng’. Cháu đã lớn và nữa là nếu như chỉ sáng tác lại những gì Mozart đã sáng tác thì thật là tẻ nhạt”.

Alma đã gặp gỡ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như nghệ sỹ piano Murray Perahia, nữ nghệ sỹ violin Anna Sophi Mutter, nhạc trưởng Simon Rattle, Zubin Mehta, biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Cô bé luôn bận rộn. “Nhiều người nói là cháu có thể chọn lựa violin hoặc piano nhưng bây giờ cháu có thể chơi được cả hai nhạc cụ vì vậy cháu sẽ tiếp tục. Và dĩ nhiên là cháu muốn trở thành một nhà soạn nhạc”. Cô bé viết một bản impromptu, “giống như impromptu của Schubert”, viết một vở ballet và vở opera khác. “Và cháu còn có nhiều dự định khác nữa. Hiện giờ cháu đang dành thời gian tập tư thế trồng chuối trong vườn. Và cháu tập rất tốt”.

Nguồn: Thanh Nhàn - Tia Sáng

dịch theo:

 https://www.theguardian.com/music/2016/feb/05/alma-deutscher-10-music-world

https://www.theguardian.com/music/2016/dec/30/11-year-old-british-composer-debuts-first-opera-in-vienna

-----------------------------
1. Nhạc trưởng Anh Simon Rattle từng là giám đốc âm nhạc của dàn nhạc Birmingham (1980–1998), sau đó là nhạc trưởng chính của Berlin Philharmonic kể từ năm 2002. Vào tháng 3/2015, ông tuyên bố trở về Anh dẫn dắt dàn nhạc London vào năm 2017. Ông được đánh giá cao với việc dàn dựng các tác phẩm thế kỷ 19 và 20, đặc biệt là các bản giao hưởng của Gustav Mahler.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng