Nhịp sống âm thanh
Nhà sư Phật Triết với Lâm Ấp bát nhạc và quan hệ giữa nhã nhạc Nhật Bản - Việt Nam
15:25 | 30/05/2017

NGUYỄN XUÂN HOA

Tại Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (Forum of Asian and Pacific Performing Art) năm 1996 ở Hyogo, Nhật Bản, những nhạc công Nhã nhạc Huế đã có các buổi giao lưu, cùng biểu diễn với Nhã nhạc Nhật Bản; đồng thời một số nhà nghiên cứu Nhã nhạc của hai nước cũng đã có dịp trao đổi về mối quan hệ giữa Nhã nhạc Á Đông (Gagakư Nhật Bản, Ahak Hàn Quốc, Yayue Trung Hoa và Nhã nhạc Việt Nam).

Nhà sư Phật Triết với Lâm Ấp bát nhạc và quan hệ giữa nhã nhạc Nhật Bản - Việt Nam
Họa ảnh Nhạc Lâm Ấp

Điều bất ngờ là các nhà nghiên cứu Nhã nhạc Nhật Bản đã cho biết một nhà sư xuất phát từ vùng đất Lâm Ấp xưa, nay thuộc Việt Nam, là Phật Triết, đã được người Nhật suy tôn là vị Tông sư khai sáng Nhã nhạc Nhật Bản, từ giữa thế kỷ thứ VIII, chính xác là vào năm 752.

Thông tin thú vị này còn cho biết, đến nay trong dàn nhạc khí của Nhã nhạc Gagakư Nhật Bản, ngoài các nhạc khí được xây dựng theo cơ chế “Bát âm” của Trung Hoa, còn có một loại nhạc cụ dùng hơi là Sho, có nguồn gốc xuất phát từ Việt Nam, tương tự loại Khèn truyền thống của người Việt và các dân tộc ở Đông Nam Á. Sho có mặt trong cả ba thể loại của Gagakư Nhật Bản là ca, múa và hòa tấu nhạc. Đây là dấu ấn độc đáo, đã có từ thời nhà sư Phật Triết truyền bá Lâm Ấp nhạc để hình thành Nhã nhạc cung đình Gagakư tại Nhật Bản. Từ những thông tin của các nhà nghiên cứu Nhã nhạc Nhật Bản, chúng tôi đã tiếp cận thêm các trang viết về nhà sư Phật Triết và Lâm Ấp nhạc, để tìm hiểu về quan hệ giao lưu giữa Nhã nhạc Nhật Bản và Việt Nam, vào thời điểm Huế tập trung khôi phục Nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những trang viết về lai lịch và hành trạng của nhà sư Phật Triết được giới học thuật tại Nhật nghiên cứu hơn 100 năm nay. Có lẽ sớm nhất là từ năm 1907, Takakusu Jyunjiro trong công trình nghiên cứu “Bát nhạc Lâm Ấp - Âm nhạc của triều đại Nara” đã căn cứ vào tấm bia cổ năm 770 và tập thông sử Phật giáo Nhật Bản sơ khai, đệ trình lên triều đình vào năm Nguyên Hưởng thứ 2 (1332), để phân tích và khẳng định nhà sư Phật Triết, người truyền bá Lâm Ấp bát nhạc đã xuất phát từ nước Chămpa. Tuy nhiên, do một vài thông tin bị nhầm lẫn về địa danh, năm 1964, Tanaka Otoya trong luận văn “Phật Triết - Nhà sư Lâm Ấp” đã suy đoán nước Lâm Ấp, nơi xuất phát của Phật Triết, chính là Bắc Thiên Trúc ở miền Bắc Ấn Độ. Lập luận này được Tomita Haruo sử dụng lại năm 1984, trong bài khảo luận “Phật Triết trong Nhã nhạc”. Nhưng cả hai giả thuyết này đã được các học giả Nhật Bản, nhất là Onishi Kazuhiko trong tiểu luận “Sự tích về Phật Triết của Lâm Ấp trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật” phản biện và chứng minh về những điểm sai lầm. Nỗ lực khảo sát về sự tích, lai lịch và di tích, di sản của nhà sư Phật Triết để lại trong Nhã nhạc Gagakư Nhật Bản ngày càng rõ hơn.

Những nghiên cứu về Nhã nhạc Nhật Bản đã cho biết trước khi có sự hình thành của âm nhạc cung đình Gagakư vào thế kỷ thứ VII - VIII, ở Nhật đã xuất hiện những sinh hoạt của âm nhạc tôn giáo bản địa: nhạc Sinto giáo (Thần đạo) với tên gọi Gakura (Thần nhạc). Đến khoảng thế kỷ thứ V, người Nhật bắt đầu tiếp thu âm nhạc cung đình từ bán đảo Triều Tiên. Vào thế kỷ thứ VII, Nhật Bản đã gởi nhiều sứ thần và du học sinh sang Trung Hoa tiếp xúc, học tập về âm nhạc cung đình thời nhà Đường, phát triển thành loại nhạc Togakư của Nhật Bản, chủ yếu là loại hình yến nhạc (Engakư); nhạc nghi lễ Khổng giáo Trung Hoa vẫn không phát triển được, vì người Nhật không thừa nhận Khổng giáo như một tôn giáo.

Phải đến giữa thế kỷ thứ VIII, Phật Triết (tên Nhật là Buttetsu), nhà sư nước Lâm Ấp - một vương quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, từng thoát khỏi sự đô hộ của nhà Hán từ thời Sơ Bình (niên hiệu thứ nhất của vua Hiến Đế, khoảng năm 190 - 193), sau cuộc khởi nghĩa của Khu Liên ở huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam (nhiều nhà nghiên cứu về Chămpa xác định đây là xứ Huế hiện nay) - sau một thời gian tu học ở Nam Thiên Trúc, Ấn Độ, nhà sư Phật Triết đã cùng với sư phụ người Ấn Độ là Bồ Đề Tiên Na (Bodhisena) sang Trung Hoa truyền giáo, cả hai nổi tiếng là những vị cao tăng, được đoàn sứ bộ Nhật Bản, gồm Tajitino Mahito Hironari và cao tăng Li Kyo ngưỡng mộ, mời đến kinh đô Nara (Nại Lương) của Nhật Bản truyền đạo.

Chùa Đông Đại ngày nay


Năm 736, Phật Triết và Bồ Đề Tiên Na cùng Đạo Nhược (người Trung Hoa) sang Kinh đô Nara của Nhật Bản, trú ở chùa Đại An. Tại đây, nhà sư Phật Triết đã truyền giảng về kinh điển Mật tông, dạy tiếng Phạn và để lại một phần bộ “Sittan chương”, với một số câu trích dẫn có liệt kê những bảng chữ cái tiếng Phạn, làm cơ sở để hình thành hệ thống 50 âm chữ Kana tiếng Nhật sau này. Thời kỳ nhà sư Phật Triết và Bồ Đề Tiên Na sống ở Kinh đô Nara là lúc Hoàng đế Shomu trị vì (724 - 749), vị hoàng đế này đã thực hiện chính sách dùng Phật giáo làm nền tảng để củng cố chế độ tập quyền quân chủ. Ông đã từng ban chiếu chỉ năm 741 cho xây dựng các ngôi chùa có quy mô lớn trên khắp các tỉnh thành; trong số các ngôi chùa được xây, Đông Đại Tự ở Kinh đô Nara là ngôi chùa lớn nhất, vừa là tổng hành dinh quốc gia, vừa là trung tâm tôn giáo và cũng là trung tâm chính trị của nước Nhật, thể hiện sự hội tụ của giáo quyền và thế quyền Nhật Bản. Toàn bộ chùa được hoàn thiện trong vòng 15 năm, bao gồm cả việc khai quang, san bằng và tái tạo một sườn núi; hơn 2,6 triệu người được huy động tham gia xây dựng. Quần thể chùa có 2 ngôi điện chính bằng gỗ cao 100 mét, với tượng Đại Phật bằng đồng cao 16 mét, có lẽ đến thời điểm đó, ngôi chùa này chỉ đứng sau Kim Tự Tháp của Ai Cập về chiều cao. Sau khi hoàng đế Shomu mất, năm 752, đánh dấu 200 năm Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, vị vua kế nghiệp Shoho mới tổ chức Đại hội Khai nhãn tượng Đại Phật Như Lai tại Đông Đại Tự. Để chuẩn bị cho đại lễ nầy, năm 751, nhà vua đã phong Bồ Đề Tiên Na làm Tăng Chính; năm 752, Bồ Đề Tiên Na lại được cử làm Khai nhãn Hướng sư, phụ trách cúng dường tại Đại hội Khai nhãn Đại Phật ở Đông Đại Tự.

Để chuẩn bị cho đại lễ có Hoàng đế, bá quan văn võ và 25.000 tăng lữ tham dự, Bồ Đề Tiên Na đã giao nhà sư Phật Triết xây dựng các vũ điệu Lâm Ấp nhạc để cúng dường chư Phật. Những vũ điệu Bồ Tát, Bạt  Đầu, Bội Lư… được nhà sư Phật Triết xây dựng thành những tiết mục công phu, kết hợp cả diễn tấu âm nhạc, múa hát, hóa trang, mang nội dung tư tưởng Phật giáo và âm hưởng nhạc Lâm Ấp, kết hợp với màu sắc cung đình Nhật Bản, đã tạo được hiệu ứng độc đáo, trở thành nền tảng để triển khai thành âm nhạc cung đình Nhật Bản về sau này.

Sau thành tựu của đợt diễn tấu cúng dường Đại Phật, nhà sư Phật Triết đã tiếp tục phát triển Lâm Ấp nhạc thành một hệ thống âm nhạc phục vụ cung đình với 8 điệu múa, được người Nhật gọi là Lâm Ấp bát nhạc, cơ sở để hình thành một trong những loại hình Nhã nhạc Gagakư Nhật Bản. Lâm Ấp bát nhạc là loại hình vũ khúc cung đình hóa trang, diễn xướng trên nền nhạc kết hợp giữa âm nhạc Lâm Ấp và nhạc tế lễ của Thần đạo Nhật Bản, chuyển tải những nội dung tư tưởng Phật giáo Đại thừa, dung hợp với màu sắc Nhật Bản. Qua các đợt cải cách, ngày nay người Nhật vẫn còn lưu giữ được một phần lớn các điệu múa, bao gồm:

Vũ điệu Bồ Tát


1. Vũ điệu Bồ Tát (Bosatsu) là một vũ khúc hí kịch, được trình diễn bởi 25 vũ công, hóa trang thành các vị Bồ Tát mang mặt nạ, đội mũ Bồ Tát, gắn với vòng hào quang bao quanh đầu, múa tiếp dẫn chúng sinh Vãng sanh Tịnh độ. Ngày nay vở múa vẫn còn được các ngôi chùa ở Nara tổ chức diễn trong các lễ rước cúng dường chư Phật.

Vũ điệu Ca Lăng Tần Già


2. Vũ điệu Ca Lăng Tần Già (Karyobin) được trình diễn với 4 thiếu niên hóa trang toàn thân thành chim thần, đeo vòng hoa trên đầu, mang cánh chim và đuôi chim dài, trang phục cách điệu đẹp, vừa nhảy, vừa dậm chân, lắc đuôi chim và đánh cặp chũm chọe, mô phỏng diệu âm của loài chim thần. Hình tượng chim thần trong điệu múa tương tự như những hình ảnh chim thần Ca Lăng Tần Già được điêu khắc trên tháp Mẫm ở Bình Định, hoặc ở chùa Phật Tích thời Lý, chùa Thái Lạc thời Trần của Việt Nam.
 

Vũ điệu Ryo o

3. Vũ điệu Lăng Vương/Long Vương (Ryo o) là vũ khúc nổi trội, tiêu biểu cho đặc trưng tiết tấu nhanh của nhạc Lâm Ấp, với lối múa độc diễn. Người múa mang mặt nạ rồng, với những nếp nhăn trên khuôn mặt, những gợn tóc khắc trên trán, mũi nhọn, mắt lồi “động nhãn”, hàm răng to có thể cử động, trang phục áo dài rộng, quần chẻn để múa cầu mưa. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng đây là loại hình “Phạn hí” hay kịch nhà chùa của Chămpa đã có từ thế kỷ thứ VIII, từng tạo ảnh hưởng đến vũ đạo tuồng Bình Định của Việt Nam.

4. Vũ điệu An Ma nhị vũ (Anma) là loại hình múa đôi, 2 vũ công mang mặt nạ lụa trắng vẽ mực đen, trang phục rộng, tương tự hình ảnh vị thần A Tu La được thờ trong các đền miếu. Người múa tay cầm hốt, vừa phất tay vừa ngâm xướng.

Vũ điệu Bội Lư


5. Vũ điệu Bội Lư (Bairô) là vũ khúc bộ tứ, thể hiện hình ảnh 4 chiến binh, hóa trang làm 4 vị thần Bairava mang mặt nạ đỏ, xõa tóc. Người múa tay cầm kiếm, múa các động tác diễn tả sự thịnh nộ và hủy diệt của thần Shiva trong Ấn Độ giáo.

Vũ điệu Bạt Đầu


6. Vũ điệu Bạt Đầu (Batô) là vũ khúc múa đơn, vũ công mang mặt nạ rủ tóc, biểu hiện tâm trạng tuyệt vọng, cô độc và u sầu của một người con, quỳ múa khóc cha bị hổ vồ và chuyển sang múa tìm hổ, múa kịch chiến giết được hổ và nhảy mừng chiến thắng trong tiếng trống tưng bừng, thường được người Nhật gọi tên là “cổ nhạc loạn thanh”.

7. Vũ khúc Hồ Ẩm Tửu (Koinju) là vũ điệu say độc diễn, vũ công mang mặt nạ đỏ, mũi to, thể hiện đặc trưng của người Hồ ở Tây Vực, múa theo nhịp điệu của người uống rượu say.

Vũ khúc Vạn Thu Nhạc


8. Vũ khúc Vạn Thu Nhạc (Manjuraku) là một đại khúc, một bi khúc được nhà sư Phật Triết dàn dựng sau đại lễ khai nhãn Đại Phật 10 năm. Vũ công gồm từ 4 hoặc 6 người, tiêu biểu cho lối múa cung đình mang tính kinh điển. Đây là vũ khúc mẫu mực, một bi khúc được bảo lưu, bắt buộc giới quý tộc và cung đình Nhật Bản ngày xưa phải học.

Ngôi chùa Đông Đại, nơi phát xuất các vũ khúc và âm nhạc Lâm Ấp tại Nhật Bản, tiền thân của Nhã nhạc Gagakư đã trải qua nhiều biến động, từng bị chiến tranh và thiên tai hủy hoại nhiều lần vào các năm 1183, 1692,. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại năm 1709, đã hai lần được tu sửa lớn dưới thời Minh Trị (1868 - 1922) và Taisho (1912 - 1926). Kiến trúc của ngôi chùa chỉ còn bằng hai phần ba so với nguyên thủy, nhưng vẫn gây ấn tượng với kết cấu bằng gỗ đồ sộ, rộng 50 mét, dài 57 mét, cao 48 mét, được xem là ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới. Gần 1.300 năm đã qua, nhưng Lâm Ấp bát nhạc của nhà sư Phật Triết truyền dạy vẫn còn, người Nhật đã suy tôn ông là Tông sư của Nhã nhạc Gagakư. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.250 năm thành lập chùa Đông Đại ở Nara, nhà chùa đã tổ chức lễ hội và có màn hóa trang 3 vị sư tổ có công với Phật giáo Nhật Bản, gồm 1 vị sư Ấn Độ (Bồ Đề Tiên Na), 1 vị sư Nhật Bản, 1 vị sư Việt Nam (nhà sư Thích Đức Thiện đóng vai nhà sư Phật Triết) trong lễ rước từ chùa Đại An đến chùa Đông Đại.

Từ ngày 28 tháng 2 đến 5 tháng 3 năm nay, Nhật hoàng Akihoto và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm Việt Nam và đến Cố đô Huế thưởng thức Nhã nhạc, tưởng nhớ nhà sư Phật Triết từ vùng đất Lâm Ấp xưa đã mang Lâm Ấp nhạc đến Nhật, đặt cơ sở hình thành Nhã nhạc Gagakư Nhật Bản từ thế kỷ thứ VIII. Tài liệu “Địa phương chí” của Tòa Thị chính Huế, xuất bản năm 1973, ở trang 49 đã cho biết Huế là thành phố “kết giao thân hữu” với thành phố Nara Nhật Bản. Âm hưởng của mối kết giao thân hữu giữa Cố đô Huế và Cố đô Nara còn vang vọng; biểu tượng của nhà sư Phật Triết và mối quan hệ giữa Nhã nhạc Nhật Bản - Việt Nam đang được làm sống lại.

N.X.H  
(TCSH339/05-2017)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng